THỨ SÁU 29/11/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
34 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 7, 2-14
"Kìa có ai như con người ngự trên đám
mây".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi nhìn thấy có những
ngọn gió từ bốn phương trời, làm dấy động biển cả. Có bốn con thú khổng lồ khác
nhau từ biển đi lên. Con thứ nhất giống như con sư tử cái, mang hai cánh chim
phượng: tôi nhìn nó mãi cho đến khi hai cánh nó bị nhổ đi, nó cất lên khỏi đất
và đứng thẳng hai chân như con người, nó được ban tặng quả tim loài người.
Con thú thứ hai giống như con gấu đứng một bên:
trong miệng nó có ba hàng răng và người ta bảo nó rằng: "Mi hãy chỗi dậy
ăn cho thật nhiều thịt". Kế đó, tôi nhìn xem, và đây, con thú thứ ba giống
như con beo, trên mình nó có bốn cánh như con chim, và nó có bốn đầu, nó được
ban tặng một thứ quyền năng.
Sau đó, trong một thị kiến ban đêm, tôi thấy con thú
thứ tư dữ tợn lạ lùng và mạnh mẽ: nó có nanh sắt to lớn, nó đang cắn nuốt nhai
xé, và những gì còn sót lại thì nó lấy chân giày đạp; nó khác hẳn những con thú
tôi đã trông thấy trước, nó có mười sừng. Tôi nhìn các sừng của nó, thì kìa một
cái sừng nhỏ khác mọc lên giữa các sừng kia, ba trong số mười sừng trước bị nhổ
ra trước mặt nó: trong chiếc sừng nhỏ có mắt như loài người và có miệng nói những
lời trịnh trọng.
Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà,
và vị Bô Lão lên ngự trên toà: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người
tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa
cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng
sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử và các quyển
sách đã được mở ra. Tôi nhìn về phía có tiếng ầm ầm từ chiếc sừng ấy phát ra:
Tôi thấy con thú đó bị giết, xác nó bị huỷ diệt và bị lửa đốt. Các con thú khác
cũng bị tước đoạt hết quyền lực, và thời gian sinh sống của chúng đã được quy định
từng thời kỳ này đến thời kỳ kia.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi ngắm nhìn, và đây
tôi nhìn thấy Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão,
và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng,
vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự
Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất;
vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 75. 76. 77. 78. 79. 80. 81
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c.
57b).
Xướng: 1) Chúc tụng Chúa đi, núi non và các ngọn đồi.
- Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa đi, cỏ hoa mọc cõi trần ai. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa đi, những dòng suối nước. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa đi, biển cả với sông ngòi. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa đi, cá voi và muôn loài lội nước.
- Ðáp.
6) Chúc tụng Chúa đi, hết mọi giống chim trời. -
Ðáp.
7) Chúc tụng Chúa đi, mọi thú rừng và gia súc, hãy
ngợi khen và tán tạ Chúa muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Kh 2, 10c
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ngươi hãy giữ
lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống".
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 29-33
"Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì
hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng:
"Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc,
thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự
đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con,
thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi;
nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm : Dấu Chỉ Thời
Ðại
Người ta vẫn thường nói: có nguyên nhân mới phát
sinh ra hậu quả. Trong thế giới vật chất này, chẳng có gì là ngẫu nhiên, có lửa
thì có khói, các vật rắn chạm vào nhau sinh ra tiếng động.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến
nguyên lý đó. Ngài dạy chúng ta phải biết nhìn vào các biến cố xẩy ra trong thời
đại để nhận biết rằng Chúa đang đến: "Các con hãy xem cây vả cũng như các
cây khác, khi cây đâm chồi, các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi
thấy những điều đó xẩy ra, các con hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến".
Theo Cha Lausade, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng
hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xẩy đến
trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận
ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời
Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời
Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với
chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của
chúng ta.
Do đó, để có thể nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố,
chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến. Có những người không bao giờ
đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Người Kitô hữu
chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần chăm chú lắng nghe để nhận
ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng gọi của tình yêu mà chỉ
những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.
Xin cho chúng ta nhận ra Chúa luôn hiện diện trong
cuộc đời chúng ta, để chúng ta luôn hân hoan tiến bước và chu toàn thánh ý Chúa
mỗi ngày, cho đến ngày chúng ta hưởng nhan Chúa trên Nước Trời.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 34 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Dan 7:2-14; Lk
21:29-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm thánh ý
Thiên Chúa qua những dấu hiệu xảy ra trong cuộc đời.
Giống như người Do-Thái, nhiều người chúng ta thích
được chứng kiến những phép lạ xảy ra: Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ làm phép lạ, Đức Mẹ
khóc, Trái tim Chúa chảy máu, sự linh thiêng chữa lành của cha Piô hay cha
Trương Bửu Diệp. Khi nghe chỗ nào có những hiện tượng này, con người đua nhau
tìm tới để chứng kiến và để xin ơn.
Nhưng con người phải hiểu mục đích Thiên Chúa làm
phép lạ là để khơi dậy niềm tin hay những gì Thiên Chúa muốn con người hiểu. Ví
dụ: Chúa Giêsu làm phép lạ để cho con người nhận ra quyền năng của Thiên Chúa
trong Ngài, và để con người tin Ngài là Thiên Chúa. Nếu sau khi đã chứng kiến
phép lạ mà con người vẫn còn nghi ngờ, hay không tin, hay chối từ luôn cả phép
lạ, thì có ích gì cho con người đâu cho con người?
Các Bài đọc hôm nay dạy con người phải hiểu biết lịch
sử và những sự việc xảy ra trong trời đất, để tìm ra thánh ý Thiên Chúa ẩn giấu
qua những sự việc này. Trong Bài đọc I, tác giả Sách Daniel muốn con người nhận
ra uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên các quyền lực thế gian, để con người
vững tin nơi Thiên Chúa, nhất là những khi chịu thử thách và bị bách hại.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở con người: Nếu
khi nhìn cây vả đâm chồi, họ biết mùa Hè sắp tới; thì khi nhìn các sự việc xảy
ra trong trời đất, họ cũng phải biết Ngày của Thiên Chúa đã gần đến.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, vương quốc
của Người sẽ chẳng hề suy vong.
1.1/ Thị kiến về 4 con thú vật: Để hiểu những thị
kiến của Sách Daniel, một người phải hiểu thể văn khải huyền. Theo thể văn này,
tác giả dùng rất nhiều dấu hiệu và biểu tượng để chuyển thông sự thật hay mặc
khải những điều bí nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế, những sách thuộc thể văn khải
huyền có cả tính cách lịch sử lẫn tôn giáo, biểu tượng lẫn sự thật, thần linh và
nhân loại. Điều quan trọng để hiểu ý nghĩa tác giả muốn nói là phải hiểu ý
nghĩa của các dấu hiệu và biểu tượng, cũng như hoàn cảnh lịch sử chung quanh những
điều tác giả muốn nói.
Thị kiến thứ nhất ông tường thuật hôm nay là về
"bốn con thú lớn từ biển lên, mỗi con mỗi khác: Con thứ nhất giống nhưsư
tử, lại mang cánh đại bàng. Tôi nhìn theo cho đến khi đôi cánh của nó bị giựt
mất; nó được nhấc lên khỏi mặt đất và đặt đứng trên hai chân như một người; nó
được ban cho một quả tim người. Và này một con thú khác, con thứ hai, giống nhưcon
gấu. Nó được đặt trong tư thế chỉ đứng một bên, miệng ngậm ba khúc xương sườn
giữa hai hàm răng. Người ta bảo nó như thế này: "Đứng lên, ăn thịt cho nhiều
đi!" Sau đó, tôi đang nhìn, thì kìa: một con thú khác giống như con
beo; hai bên mình nó, có bốn cánh như cánh chim. Nó có bốn đầu, và được
trao quyền thống trị.'' Ba con thú đến từ biển này tượng trưng cho ba vương quốc
thay phiên nhau thống trị các quốc gia vùng Cận Đông thời đó là Babylon,
Persia, và Medes.
Tác giả không nêu tên con thú thứ tư, mà chỉ nói đến
đặc tính của nó: "Con thú thứ tư đáng kinh đáng sợ và mạnh mẽ vô song;
răng của nó bằng sắt và rất to. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì
còn sót lại. Nó khác hẳn tất cả các con thú trước. Nó có những mười sừng.
Tôi đang chăm chú nhìn các sừng, thì kìa: giữa các sừng
này, một sừng khác, nhỏ hơn, mọc lên; và ba cái trong các sừng trước bị nhổ đi
trước mặt cái nhỏ. Và kìa: có những con mắt như mắt người trên sừng ấy, và có một
cái mồm nói những điều quái gở.'' Con thú này tượng trưng cho đế quốc Hy-lạp;
và cái sừng nhỏ tượng trưng cho vua Antiochus IV Epiphanes là ông vua Hy-lạp rất
dữ tợn và độc ác. Ông bắt người Do-thái phải bỏ Thiên Chúa, bất tuân Lề Luật,
và phạm sự thánh ngay trong Đền Thờ.
1.2/ Thị kiến về Con Người: Sau những thời kỳ của
các vua này là tới thời kỳ của Đấng Thiên Sai. Tác giả mô tả thị kiến như sau:
''Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo
Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của
Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan
Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực
trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra. Bấy giờ tôi mải nhìn vì
có tiếng ồn ào của cái sừng thốt ra những lời quái gở; tôi vẫn mải nhìn khi con
thú bị giết, thây nó bị huỷ diệt và làm mồi cho lửa. Những con thú còn lại bị
tước mất quyền thống trị, nhưng đời chúng được kéo dài thêm một thời và một kỳ
hạn." Sự mô tả huyền bí làm độc giả nhận ra ngay Đấng Lão Thành chính là
Thiên Chúa, vị Chúa Tể của trời đất. Ngài có uy quyền trên tất cả quyền hành của
trái đất. Ngài để cho các vua của các đế quốc lớn mạnh trong một thời gian nhất
định, và tước đi quyền hành khi thời gian kết thúc; không ai có quyền cãi lời
Ngài.
Đấng Thiên Sai được tác giả mô tả như sau: "Tôi
đang mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão
Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc
mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người.'' Đấng Thiên Sai sẽ
có hình dạng như một Con Người; nhưng lại đến từ trời. Ngài lãnh nhận sứ vụ làm
Vua, vinh quang, và uy quyền từ chính Thiên Chúa. Tác giả mô tả rõ về triều đại
của Vua này như sau: "Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không
bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong." Nói cách
khác, Người sẽ làm Vua cai trị dân chúng đến muôn đời.
2/ Phúc Âm: Khi thấy những điều đó xảy ra, thì anh em hãy biết là
Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
2.1/ Phiên dịch các hiện tượng trong trời đất: Kinh nghiệm dạy con
người biết phiên dịch các hiện tượng trong trời đất. Ví dụ, khi con người quan
sát các hiện tượng trời đất: Nếu cùng một kết quả xảy ra sau nhiều lần như thế,
con người kết luận nó cũng sẽ xảy ra như vậy trong lần tới. Chúa Giêsu trưng dẫn
một ví dụ mà người nghe đều đã có kinh nghiệm: "Anh em hãy xem cây vả cũng
như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè
đã đến gần rồi.”
2.2/ Phiên dịch các hiện tượng của Ngày Phán Xét: Chúa Giêsu nói tiếp:
“Cũng vậy, khi anh em thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần.” Ngày Phán Xét là một chân lý, chứ không phải là sản phẩm
của trí tưởng tượng. Chúa Giêsu xác tín với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em:
thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cầm cương nẩy mực mọi quyền lực và mọi
biến cố xảy ra trong vũ trụ, quá khứ, hiện tại, và tương lai. Bổn phận của con
người là phải vững tin nơi quyền năng của Ngài, nhất là những lúc phải chịu đau
khổ và bách hại, để làm chứng cho sự trung thành của mình.
- Chúng ta cần tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa qua những
sự kiện xảy ra trong cuộc đời: những hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ, những
biến cố trong lịch sử của nhân loại cũng như trong cuộc đời mỗi người, và những
gì sẽ xảy ra trước Ngày Phán Xét.
- Chúng ta cần chú ý đến các sự kiện quan trọng nhất
của cuộc đời mà chúng ta đã nghe đi nghe lại trong Phụng Vụ Lời Chúa cuối năm
là 3 sự sau: sự chết, sự sống lại, và sự phán xét.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 34TN
Lc 21,29-33
A. Hạt giống...
Khi thấy Cây vả đâm chồi thì người ta biết mùa hè sắp
đến ; cũng thế, khi thấy “những điều đó” (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy
biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.
B.... nẩy mầm.
1. “Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc.
Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát
nóng... Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo
xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự
nghĩ : “Đây chỉ là một ảo ảnh... trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và
cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước... Không bao lâu sau đó, hai
người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên “Chỉ
còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như
thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này ?”. Nhưng
người bạn lắc đầu giải thích “Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của
chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của
mình để che đậy chúng.
Thảm trạng của con người thời đại : con người có nhiều
kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đây ánh sáng và mầu
nhiệm... con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại.” (Trích
"Mỗi ngày một tin vui")
2. Sự dẻo dai gan lì và lạc quan trong đời sống
thiêng liêng : Giữa muôn vàn thử thách đau thương, người tín hữu không hẳn sẽ bị
chết dí, nhưng có sức vươn dậy. Từ vài tín hiệu thật nhỏ nhoi, họ có khả năng
nhìn ra những dấu chỉ tình thương cứu độ của Chúa đang đến gần.
3. Sự nhậy bén trong đời sống thiêng liêng :
Có khả năng nhìn ra những tín hiệu loan báo tin vui. Nhìn ra ngay những chồi
non và những con chim én loan báo mùa xuân : bắt được tín hiệu qua một nụ cười
muốn làm hoà của người anh chị em vừa mới va chạm với ta. Nhìn ra thiện chí và
sự đổi mới nơi những người ta thường ác cảm.
4. “Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa
hè đã đến gần. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra thì hãy biết là
triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21,30-31)
Phim truyện Tây Du Ký đã cho chúng ta thấy hình ảnh
một bầy khỉ sống hạnh phúc trong động Hoa Quả. Trong lúc ăn uống no say thì có
một con khỉ già ngã lăn ra chết. Cái chết của nó khiến cho bầy khỉ buồn bã và
lo sợ không biết bao giờ mới đến phiên mình.
Vâng cuộc sống đầy đủ là dấu hiệu của hạnh phúc,
nhưng cũng có thể là con đường dẫn đến đau thương, là mầm mống dẫn đến sa đoạ.
Tề Thiên, con khỉ đầu đàn đã phải lên đường tìm thuốc
trường sanh. Con người cũng đang tìm cho mình sự sống vĩnh cửu. Theo quy luật của
sự sống thì tôi phải chết. Khi tôi sinh ra là dấu hiệu tôi sẽ phải chết. Theo
dòng thời gian, tôi lớn lên không thể tránh khỏi những bệnh tật. Đó là những dấu
hiệu cảnh giác tôi. Về già, tôi cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu tôi phải
chết.
Nhưng với người kitô hữu, chết không phải là hết mà
là cửa ngõ của sự sống, sự sống vĩnh cửu mà những dấu hiệu kia báo trước. Vậy
tôi phải sẵn sàng, phải tỉnh thức để khỏi đánh mất sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra những dấu hiệu của
sự sống vĩnh cửu trong đời con, để đừng sống như đã chết. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
29/11/13 THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Lc 21,29-33
Lc 21,29-33
NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CÁNH
CHUNG
“Anh em cũng vậy, khi thấy những
điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Chương 21 Tin Mừng Luca là một bản văn đậm
chất khải huyền, trong đó Chúa Giêsu nói về những điềm kinh khủng trên trời
dưới đất, về tình trạng khốn đốn của Giêrusalem, và về sự kiện Con Người quang
lâm. Nghe thật dễ sợ! Nhưng thông điệp của Chúa Giêsu không nhằm uy hiếp tinh
thần chúng ta. Trái lại, Ngài muốn chúng ta an tâm, tin tưởng, vì tất cả những
dấu hiệu ấy cho thấy rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”! Dĩ nhiên, để có
thể an tâm, tin tưởng được trong tình hình như thế, chúng ta cần có tinh thần luôn
sẵn tỉnh thức và một đời sống cầu nguyện được bén rễ sâu trong niềm tin vào Đức
Giêsu Kitô.
Mời Bạn: Sống
tinh thần cánh chung ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình, trong ý thức rằng
cuộc sống này là một hành trình, và mình đang đi về một đích điểm, ở đó Triều
Đại Thiên Chúa được hoàn thành cách chung cục. Cánh chung, hay tận thời, thường
bị qui gán cho sắc thái thuần túy có tính ‘khủng bố’, đe nạt, và do đó gây
khiếp đảm. Nhưng sự thực thì đó là niềm vui: niềm vui của người về đích, của sự
đoàn tụ cuối cùng, niềm vui có Chúa, niềm vui vì “sẽ được nhìn thấy tôn nhan
Người” và “sẽ không còn đêm tối nữa” (x. Kh 22,4-5).
Sống Lời Chúa: Hôm
nay, bạn sống tinh thần cánh chung bằng cách tích cực xây dựng Triều Đại Thiên
Chúa qua công việc và tại môi trường của bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha,
đặc biệt tha thiết cầu xin cho “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng
như trên trời”.
Cây vả không trái
Cây vả là một loại cây rất thường thấy khắp nơi tại
Thánh Ðịa, là một loại cây có tàn che mát, sai trái và thường được trồng trong
vườn nho hoặc cũng để mọc cả những nơi đất cát sỏi đá bên vệ đường. Trong Tân Ước,
chúng ta thấy cây vả nhiều lần được Chúa Giêsu nhắc tới, như Chúa đã thấy
Nathanael ngồi dưới gốc cây vả trước khi Philipphê dẫn đến gặp Ngài, hoặc ví dụ
về cây vả trồng trong vườn nho đã ba năm mà không sinh trái. Thánh Mátthêu cũng
ghi lại bài giảng trên núi có đoạn viết như sau: "Cứ xem quả thì biết cây,
có ai hái được quả nho trong bụi gai hay trái vả trong khóm nho sao?"
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trên đường đi về
Giêrusalem, Ngài nhìn thấy cây vả bên vệ đường. Ngài lên tiếng nguyền rủa cây vả
không có trái để nói về tác động linh nghiệm của đức tin. Nhưng điều đặc biệt
nhất của cây vả là khi thu đông về thì lá vả rụng hết trơn, cành khô cứng trơ cọng
trông như đã chết khô không còn chút sức sống nào, nhưng bắt đầu mùa xuân sang,
cây vả lại trổ lá sớm và cành lá sum suê nhất, hơn nữa nó lại sai trái và trái
nó ra rất sớm, đàn chim trời hợp lại líu lo trên cành mang lại sinh khí và vui
tươi trong thôn xóm.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mượn một
hình ảnh tiên báo mùa hè sắp tới khi thấy cây vả cùng các loại cây khác nẩy lộc.
Cây vả và những cây khác đâm chồi nẩy lộc là chuyện thường đối với dân cư trong
thôn làng, nhưng thật ra nó đã gói ghém một niềm vui tràn trề của một mùa mới sắp
đến. Những biến động trong xã hội và thế giới là những dấu chỉ của Nước Chúa đổi
mới mọi sự, như chúng ta đã suy niệm trong bài Tin Mừng hôm qua. Nếu từng giây
phút của một năm qua chúng ta đã nhớ lại dấu ấn của hồng ân và tình thương của
Chúa, thì chúng ta sẽ thấy hồng ân và tình thương ấy lớn lao đến chừng nào.
Ngày cuối cùng của năm phụng vụ sắp kết thúc và
chúng ta sắp bước vào mùa Vọng, mùa trông chờ Chúa đến với ta, với vũ trụ và với
nhân loại, một trời mới đất mới sẽ đến. Nước Thiên Chúa đang đến gần, mọi sự sẽ
qua đi, chỉ có Chúa và tình thương của Ngài mới bền vững muôn đời.
Lạy Chúa,
Con biết lấy gì tri ân Chúa. Suốt một năm qua biết
bao nhiêu biến động đến với con, trong thôn làng con bao người đã được về cùng
Chúa trong ánh sáng bất diệt. Nước Chúa, Nước của tình thương, của ơn Chúa, của
an bình mà mỗi giây phút đều chung tiếng hoan ca ca tụng Ngài. Xin cho mỗi người
chúng con biết nhận ra dấu tích tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con được kể là
con dân trong Nước Thiên Chúa đời đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Cuộc sống mới
Lời Chúa trong bài tin mừng hôm nay giúp cho tôi
định hướng cho cuộc đời của mình. Vũ trụ vật chất và những gì tôi đang có sẽ
tan biến, sẽ qua đi như “bông hoa sớm nở tối tàn”... Vì thế, cuộc sống
nơi trần gian này không phải là ở vĩnh cửu của tôi, không phải là nơi tồn tại
mãi mãi..
Những sự kiện diễn ra trong thiên nhiên diễn tả
thân phận chóng qua của con người nơi trần gian. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thật
vui sướng và hạnh phúc vì trong mọi nơi mọi hoàn cảnh, nhất là lúc khủng khiếp
hoang mang lo sợ… thì tôi đã có Chúa ở bên.
Lời Chúa nhắc nhở tôi đừng sợ. Và khi từ giã cuộc
sống trần thế, tôi sẽ bước vào cuộc sống mới với Ngài. Vũ trụ vạn vật qua đi,
nhưng Thiên Chúa còn mãi. Đời sống thân xác nơi trần gian kết thúc, nhưng đời
sống linh thiêng của tôi vẫn còn…đó là đời sau, đó là phần rỗi linh hồn của
tôi. Sự qua đi nơi trần gian là sự khởi đầu cho một đời sống mới… Vậy tôi đã và
đang làm gì, tôi đã sống như thế nào để chuẩn bị cho tương lai, cho đời sống
mai sau? Lời Chúa trong đoạn tin mừng này là một lời nhắc nhở cho tôi để tôi
vững tin và sống với Chúa trong đời sống mỗi ngày.
Lạy Chúa, xin cho con ý thức thân phận mỏng dòn
yếu đuối chóng qua của kiếp người. Xin cho con luôn sống bình an trong mọi hoàn
cảnh và biết sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến bằng việc chu toàn bổn phận trong
hiện tại.. bằng đời sống bác ái yêu thương đối với những người xung quanh.
Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI MỘT
Sự Giải Thoát Của
Chúng Ta Đang Đến Gần
Theo Tin Mừng Luca, khi Chúa Giêsu đề cập đến hồi tận
thời trong bài giảng của Người, Người cảnh giác chúng ta về những đại họa khủng
khiếp, về các dấu hiệu của sự hủy diệt, và về tất cả những gì sẽ gây ra “nỗi khốn
khổ cho các dân tộc”. Chúa muốn nói với những người của thời ấy và cả của thời
chúng ta, vì lời của Người là lời phổ quát. Người nói: “Anh em hãy đứng dậy và
ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc của anh em đã gần đến” (Lc 21,28). Tiếng gọi này
là thách đố của Mùa Vọng. Ở đây, Chúa đúc kết tất cả ý nghĩa của từ “Vọng” cho
chúng ta.
Như vậy, Thiên Chúa không chỉ được tôn vinh trên tạo
vật của Ngài. Không chỉ mọi tạo vật làm chứng cho Ngài là Đấng Tạo Hóa toàn
năng. Không chỉ thế giới đang thay đổi xung quanh chúng ta làm cho chúng ta
nghĩ về bản tính vĩnh hằng, bất biến của Ngài. Không, Ngài cũng đích thân đi
vào trong lịch sử thế giới chúng ta nữa. Ngài trở thành một với chúng ta trong
thân phận con người của chúng ta.
Chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài trong tư cách là “Con Người”
(Lc 21,27). Mùa Vọng hướng chỉ sự đến ấy của Ngài. Mùa Vọng tiên vàn nói rằng
Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Mùa Vọng hướng về mầu nhiệm Nhập Thể. “Trong những
ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối
nghiệp Đavít …” (Gr 33,15).
Hiểu một cách chính xác, ơn cứu chuộc là sự hiện diện
của Đấng Công Chính giữa các tội nhân. Vì thế, Mùa Vọng gắn kết chặt chẽ với mầu
nhiệm tội lỗi – tội lỗi đã đi vào trong lịch sử loài người ngay tự ban đầu.
Thiên Chúa đến và đem ơn cứu độ cho chúng ta. “Ngài sẽ trị nước theo lẽ công
bình chính trực” (Gr 33,15).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày 29-11
Đn 7, 2-14; Lc 21, 29-33.
LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về cây vả “Khi cây đâm chồi, anh
em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi”. (Lc 21,30).
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta , chúng ta chứng
kiến, nghe, biết; biết bao cảnh người anh em ra đi vì: bệnh nan y, tai nạn nghề
nghiệp, tai nạn giao thông, những dịch bệnh, chiến tranh....Có người trong
chúng ta thì đang mang những bệnh hiểm nghèo như cao huyết áp, ung thư...Đây
cũng là những dấu chỉ cho chúng ta phải biết, để tỉnh thức, đến ngày giờ Chúa gọi;
sẽ không là một bất ngờ đối với chúng ta. Khi chúng ta luôn chuẩn bị trong tinh
thần này, thì ngày giờ đó là niềm vui mong chờ của chúng ta. Ngày mà chúng ta đến
cùng đích. Gặp được Thiên Chúa là Cha của mình.
Mạnh Phương
29 Tháng Mười Một
Cái Dũng Của Thánh
Nhân
Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng
tính.
Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm
trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào
nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp
cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên
đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng
mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói
với người đã phỉ nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế
còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ
của thánh nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ
các em mồ côi.
Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh
lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: "Một
câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất
bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể
thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được
thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.
(Lẽ Sống)
Thứ Sáu 29-11
Thánh Gioan ở Monte Corvino
(1247-1328)
V
|
ào lúc Giáo Hội dính líu
vào những cuộc xung đột giữa các quốc gia ở Âu Châu, thì đó cũng là lúc Giáo
Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Ðức Kitô cho người Mông Cổ.
Thánh Gioan ở Monte Corvino đến Trung Cộng vào khoảng thời gian khi Marco Polo chuẩn
bị rời khỏi đây.
Trước khi là một tu sĩ,
Thánh Gioan đã từng là một quân nhân, một quan tòa và một bác sĩ. Vào năm 1278,
trước khi đến Tabriz, Persio (ngày nay là Iran), ngài đã nổi tiếng về rao giảng
và giáo dục. Năm 1291, ngài là đại diện cho Ðức Giáo Hoàng Nicholas IV để đến
Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan. Trong chuyến đi ấy, cùng đi với ngài còn có
một thương gia người Ý và một linh mục Ðaminh. Khi phái đoàn đến được phía tây
Ấn Ðộ thì vị linh mục Ða Minh từ trần. Còn lại Cha Gioan và người thương gia Ý,
họ đến Trung Cộng vào năm 1291 thì vừa lúc ấy Kublai Khan từ trần.
Các Kitô Hữu theo phái
Nestoria, là con cháu của những người bất đồng quan điểm với Công Ðồng Ephêsô,
đã từng cư ngụ ở Trung Cộng từ thế kỷ thứ bảy. Cha Gioan đã giúp họ trở lại với
Giáo Hội, cũng như giúp một số người Trung Hoa ở đây đón nhận đức tin Kitô
Giáo, kể cả Thái Tử George của tỉnh Tenduk, nằm về phía tây bắc của Bắc Kinh.
Sau này, Thái Tử George đặt tên cho con trai của ông theo tên vị linh mục thánh
thiện này.
Cha Gioan thành lập trụ
sở truyền giáo ở Khanbalik (bây giờ là Bắc Kinh), là nơi ngài xây cất hai nhà
thờ; đó là những nhà thờ truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở Trung
Cộng. Vào năm 1304, ngài chuyển dịch Thánh Vịnh và Kinh Thánh Tân Ước sang
tiếng Tatar.
Ðể đáp ứng với thỉnh cầu
của Cha Gioan, vào năm 1307, Ðức Giáo Hoàng Clement V đã đặt ngài làm Tổng Giám
Mục của Khanbalik, và bài sai bảy giám mục Âu Châu đến trông coi các giáo phận
lân cận. Một trong bảy vị này chưa bao giờ rời khỏi Âu Châu. Ba vị khác từ trần
trên đường đến Trung Cộng; ba vị giám mục còn lại và các tu sĩ khác đến Trung
Cộng vào năm 1308.
Khi Cha Gioan từ trần
năm 1328, ngài được người Kitô Hữu cũng như người không có đạo vô cùng thương
tiếc. Sau đó không lâu, ngôi mộ của ngài trở thành nơi hành hương. Vào năm
1368, Kitô Giáo bị cấm ở Trung Cộng khi người Mông Cổ bị trục xuất và triều đại
nhà Minh bắt đầu.
Lời Bàn
Khi Thánh Gioan đến
Trung Cộng, ngài tượng trưng cho niềm khao khát của Giáo Hội muốn loan truyền
Tin Mừng đến một nền văn hóa mới và sẽ được phong phú bởi nền văn hóa ấy. Các
chuyến tông du của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cho thấy tính cách hoàn vũ
của Tin Mừng, và nhu cầu cần phải tiếp tục các công cuộc đầy thử thách để Tin
Mừng bén rễ vào các nền văn hóa khác biệt.
Lời Trích
Năm 1975, Ðức Giáo Hoàng
Phao-lô VI viết, "Qua sức mạnh thần thánh của Tin Mừng mà Giáo Hội rao
giảng, hoạt động truyền giáo là để tìm cách thay đổi lương tâm con người về
phương diện cá nhân cũng như tập thể, thay đổi các sinh hoạt họ tham dự, và đời
sống cũng như môi trường cụ thể của họ" (Truyền Giáo trong Thế Giới
Ngày Nay, #18)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét