THỨ
BẢY 23/11/2013
Thứ
Bảy sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 6, 1-13
"Vì các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêrusalem mà trẫm phải buồn
bực mà chết".
Trích sách Macabê quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, vua Antiôcô rảo khắp các tỉnh miền bắc. Vua
nghe nói tại Ba-tư có thành Êlymai nổi tiếng là giàu có và lắm vàng bạc; trong
thành lại có một ngôi đền thờ lắm bảo vật, đầy những binh giáp bằng vàng, chiến
bào, khiên mộc di sản của Alexanđrô, con Philipphê, vua xứ Macêđônia, là vua
tiên khởi cai trị dân Hy-lạp. Vậy ông đến tìm cách chiếm lấy thành để cướp của.
Nhưng ông không thành công, vì dân thành đã biết trước ý định của ông, nên đã
vùng lên chống lại. Ông bỏ chạy và buồn bực lui quân trở về Babylon.
Lúc vua còn ở Ba-tư, có người đến đem tin cho vua hay toán quân
của ông ở Giuđa đã bị đánh bại chạy tán loạn, và Lysia, vị tướng chỉ huy một
đoàn quân hùng hậu, cũng đã phải tháo lui chạy trốn quân Do-thái; quân Do-thái
lại càng mạnh thêm nhờ ở khí giới, lương thực và chiến lợi phẩm rất nhiều đã lấy
được của các đoàn quân họ đánh bại. Họ đã hạ tượng thần vua đã đặt trên bàn thờ
ở Giêrusalem; họ cũng đã xây thành đắp luỹ cao như trước chung quanh Ðền thờ và
chung quanh thành Bethsura.
Nghe tin ấy, nhà vua khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống
giường và buồn đến lâm bệnh, (bởi vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước muốn.
Vua liệt giường nhiều ngày, càng ngày càng buồn. Và tưởng mình sắp chết, vua liền
triệu tập tất cả bạn hữu lại mà nói với họ rằng: "Trẫm không còn chớp mắt
được nữa và lòng trẫm tan nát vì ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn
quyền thế, trẫm vui sướng và được người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh buồn
sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ trẫm đã gây cho
Giêru-salem: trẫm đã chiếm đoạt các chén bằng vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh
tiêu diệt dân Giuđêa cách vô cớ. Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn
khổ như thế này, mà giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 9, 2-3. 4 và 6. 16b và 19
Ðáp: Lạy Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ (x. c. 16a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều
lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài,
lạy Ðấng Tối Cao. - Ðáp.
2) Vì quân thù của con đã tháo lui, chúng chạy trốn và vong mạng
trước thiên nhan Chúa. Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên
tuổi chúng tới muôn đời. - Ðáp.
3) Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào
cạm bẫy mà họ đã che. Vì kẻ cơ bần không bị đời đời quên bỏ, hy vọng người đau
khổ không mãi mãi tiêu tan. - Ðáp.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh
em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 20, 27-40
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của
kẻ sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không
tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã
viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có
con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy
anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ
goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất
cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau
cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là
vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,
song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết,
thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên
thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ
chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên
Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là
Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho
Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy,
Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
: Có Sự Sống Lại
Sự sống, thân xác và tất
cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó,
phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người
trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị
trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của
thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt
đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn
toàn biến đổi.
Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số
người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm
khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng
cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này,
nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung
sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc
sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối
với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để
đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có
con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi
Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định
cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần
gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con
người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương
của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi
cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn
ý nghĩa nữa.
Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích
sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó
không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng
ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu
trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống
đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên
trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
(Veritas
Asia)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ
Bảy Tuần 33 TN1
Bài
đọc: I Mac 6:1-13; Lk 20:27-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự
sống lại và cuộc sống đời đời
Có thể nói câu hỏi: “Có sự sống lại và cuộc sống đời đời không?”
là câu hỏi then chốt và quan trọng nhất của cuộc đời; vì niềm tin này sẽ hướng
dẫn con người trong cuộc sống ở đời này. Nếu con người tin có sự sống lại và cuộc
sống vĩnh cửu mai sau, con người sẽ biết sống ở đời này làm sao để đạt được cuộc
sống vĩnh cửu mai sau; nếu không tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau, con
người sẽ tập trung mọi cố gắng để làm sao cho cuộc sống đời này được hạnh phúc
và hưởng thụ tối đa, mà không cần quan tâm đến việc thưởng phạt ở đời sau. Niềm
tin vào sự sống lại, tuy đã được đề cập đến trong Cựu-Ước, nhưng chưa được cắt
nghĩa rõ ràng; đa số người thời đó tin hạnh phúc chỉ ở đời này: sống lâu trăm
tuổi, con đàn cháu đống, được Thiên Chúa ban muôn phúc lành. Quan niệm về sự bất
tử của linh hồn được cắt nghĩa rõ ràng hơn trong Sách Khôn Ngoan (khỏang ~100
BC), và sự sống lại trong Sách Maccabees (~150 BC). Khi Đức Kitô nhập thể, Ngài
đã mặc khải rõ ràng cho con người những điều này và Kế Họach Cứu Độ của Thiên
Chúa trong các Sách Tin Mừng.
Các Bài đọc hôm nay tập trung vào việc tìm ra câu trả lời cho
câu hỏi quan trọng này. Trong Bài đọc I, vua Antiochus hối hận về những việc
làm gian ác đã gây ra cho người Do-thái trong những ngày cuối đời, khi nhà vua
phải đương đầu với những thất bại liên tiếp, bệnh tật, và sự chết. Trong Phúc
Âm, những người Sadducees muốn chứng minh không có sự sống lại nên dựng nên một
câu truyện giả sử để hỏi thử Chúa. Ngài trả lời Nhóm Sadducees về sự sống lại
và sửa sai niềm tin của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp
phải bao nhiêu tai biến.
1.1/ Những thất bại liên tiếp của vua Antiochus:
(1) Lòng tham vô đáy: Những người tham lam không
bao giờ bằng lòng với những gì họ đang có, lòng họ luôn mong muốn có nhiều của
cải hơn. Khi con người say men chiến thắng, họ nghĩ họ có thể làm mọi sự, và
không ai có thể ngăn cản họ. Đó là lý do mà khi vua Antiochus ''nghe tin ở
Ba-tư có thành Elymais, một thành nổi tiếng vì nhiều của cải vàng bạc. Đền thờ
trong thành cũng có nhiều báu vật, có cả những mảnh giáp trụ bằng vàng, có áo
giáp và vũ khí mà con vua Philíp là Alexandre đã để lại;'' nhà vua đã tới đó,
tìm cách đánh chiếm và cướp phá thành.
Nhưng lần này không thành công, vì dân trong thành đã hay tin
trước. Họ đứng lên giao chiến chống lại vua khiến vua phải bỏ chạy về Babylon
mà lòng buồn não ruột.
(2) Thất bại trong việc quản trị đất Judah: Việc
gian ác và cai trị bất chính sẽ không tồn tại lâu dài vì "trời cao có mắt."
Hơn nữa, khi con người bị dồn vào chân tường, họ sẽ phản ứng lại để bảo vệ sự sống
còn của họ. Đang khi vua ở Ba-tư, có người đến báo cho vua biết là các đoàn
quân bên đất Judah đã bị thảm bại: ''Tướng Lysias chỉ huy đoàn quân tinh nhuệ
nhất đã bị người Do-thái đẩy lui. Những người này càng thêm mạnh nhờ vũ khí,
quân nhu và và nhiều chiến lợi phẩm thu được của những đoàn quân đã bị họ đánh
tan tành. Họ đã triệt hạ Đồ ghê tởm do vua xây ở trên bàn thờ dâng lễ toàn
thiêu tại Jerusalem, rồi xây tường luỹ cao chung quanh Thánh Điện giống như
ngày xưa. Cả thành Bethzur của vua, họ cũng xây như vậy.'' Nghe tin ấy, vua rất
đỗi kinh hoàng. Vua lâm bệnh liệt giường vì phiền não, lại cũng vì sự việc
không diễn ra như lòng mong ước.
1.2/ Gieo gió sẽ gặt bão: Khi đối diện với thất bại,
bệnh tật, và sự chết, con người mới biết suy nghĩ lại những việc gian ác họ đã
làm. Vua Antiochus nhận ra tất cả của cải ông đã vơ vét được cách bất chính
không đem lại hạnh phúc cho ông. Máu của những người vô tội đổ ra vì tham vọng
ngông cuồng của ông giờ đây trở lại ám ảnh ông ngày đêm. Vua Antiochus nhận ra
sự liên quan giữa bệnh tật ông đang chịu với những hành vi gian ác ông đã làm.
Vua nói với các bạn hữu: "Hồi tưởng lại những hành vi tàn bạo đó, tôi biết
chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến, và giờ đây sắp phải
chết nơi đất khách quê người vì buồn phiền vô hạn."
Những suy xét của vua Antiochus phải là bài học cho những người
ngông cuồng không chịu tuân theo luật tự nhiên của Đấng Tạo Hóa. Họ phải biết một
luật luân lý hết sức nền tảng của con người họ phải tuân theo là "làm lành
tránh dữ." Theo nguyên lý nhân quả, con người phải hứng chịu mọi hậu quả về
các hành động họ làm khi còn sống trên dương gian này. Nếu làm những điều tốt
lành, họ sẽ được thưởng công xứng đáng; nếu làm những sự gian ác, họ sẽ phải đền
trả cách cân xứng. Hầu hết các tôn giáo lớn trên địa cầu đều chịu ảnh hưởng của
nguyên lý này, cho dù mỗi tôn giáo một niềm tin khác nhau.
2/ Phúc Âm: Có sự sống lại hay không?
2.1/ Câu hỏi khó của Nhóm Sadducees nhằm chứng minh không có sự sống
lại: Nhóm này chỉ tin vào Sách Luật Moses và không tin có sự sống lại.
Đó là lý do tại sao họ đến và hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ông Moses có viết
cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà
không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em
mình (Deut 25:5). Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng
chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy.
Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người
đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả
bảy đều đã lấy nàng làm vợ?" Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng
không thực sự xảy ra trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc
về ai trong 7 người anh em?
2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu tách rời
2 vấn đề của họ: chuyện vợ chồng và sự sống lại; đồng thời Ngài sửa sai niềm
tin của họ:
(1) Chuyện vợ chồng: "Con cái đời này cưới
vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ
cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” Vợ chồng chỉ xảy ra khi còn ở
dương gian; tất cả là anh chị em trong cuộc sống mai sau. Con người không có
nhu cầu để cưới vợ lấy chồng trên Thiên Đàng như Hồi-Giáo tin.
(2) Cuộc sống trường sinh: “Quả thật, họ không thể chết
nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con
cái sự sống lại.”
(3) Chúa dùng Luật họ tin để bắt bẻ sự tin sai của họ: “Còn
về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Moses cũng đã cho thấy trong đoạn văn
nói về bụi gai (Exo 3:1-6), khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ
Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Jacob. Mà Người
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là, vì đối với Người, tất cả đều
đang sống." Nếu họ tin “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống,” họ phải tin các tổ
phụ Abraham, Isaac, và Jacob vẫn đang sống; nói cách khác, họ phải tin có sự sống
lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình khi
còn sống trên dương gian; vì thế, chúng ta phải luôn hành động theo Luật Chúa dạy
và luật tự nhiên.
- Căn bản của niềm tin vào sự sống lại là chính Chúa Giêsu.
Chúng ta phải để niềm tin này nuôi dưỡng và soi sáng mọi công việc chúng ta
làm, và phải biết sống làm sao ở đời này để xứng đáng thừa hưởng cuộc sống mai
sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 33TN
Lc 20,27-40
A. Hạt giống...
Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời
lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy :
ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc
thú như đời này.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau,
vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy :
- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nói giống,
cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.
- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống
đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.
B.... nẩy mầm.
1. Linh mục, Tu sĩ là dấu chỉ và chứng nhân cho cuộc sống đời
sau, một cuộc sống “như các thiên thần” không bận tâm chi đến việc vợ chồng, chỉ
chuyên tâm phụng sự Chúa.
2. Trở nên chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa qua nếp sống vợ
chồng (như cha mẹ chúng ta) không phải là chuyện dễ. Nhưng muốn là dấu chỉ và
chứng nhân cho cuộc sống đời sau, sống “như các thiên thần”, cũng rất khó khăn
; rất cần ân huệ của Chúa. - Muốn đi đến nếp sống yêu thương với một con tim trọn
vẹn không chia sẻ dành cho Chúa, ta cần được chuẩn bị để đạt được sự trưởng
thành tâm cảm (maturité affective). Dần dần tập làm chủ được 4 trình độ của tâm
cảm : - cảm xúc - tình cảm - tình yêu - đam mê.
3. Ta đọc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :
- Trong thông điệp Redemptor Hominis số 10 : ‘ Con người
không thể sống khi thiếu vắng tình yêu. Họ sẽ không thể hiểu họ là gì, và sẽ cảm
thấy cuộc đời họ là vô nghĩa : nếu họ không đón nhận mặc khải tình yêu, không gặp
gỡ tình yêu, không cảm nghiệm tình yêu, không đồng hoá với tình yêu, không mạnh
dạn tham dự vào tình yêu.’
- Trong Tông Huấn Pastores Dabo vobis (Đào tạo Lm) số 44 : “Tình
yêu ở đây là tình yêu bao quát toàn diện cá vị con người với mọi chiều kích và
mọi thành phần : vật lý, tâm lý và tinh thần ; một tình yêu được diễn đạt nơi
“ý nghĩa hôn nhân” của thân thể con người, nhờ đó mà con người tự hiến cho kẻ
khác và đón nhận họ. Việc giáo dục giới tính đúng nghĩa cần phải hướng đến
nhận thức và thực hiện chân lý đó về tình yêu nơi con người.”
4. Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến
hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience) : nhiều
người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá
dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã
phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai
cũng nhất trí, như sau :
- Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai
ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm
là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie
Hoffsuemmer).
5. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là
Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài tất cả đều đang sống” (Lc 20,38)
Trong một lần trao đổi với chị bạn cùng lớp, chị cho rằng tuy
không có đạo song cũng không hoàn toàn phủ nhận Thiên Chúa. Nhưng có điều, nhìn
vào cuộc chiến tàn khốc ở Ruanđa giữa bộ tộc Hutu và Tutsi, đều là những người
công giáo với nhau mà giết nhau cách dễ dàng, hoặc như gia đình hàng xóm nhà chị,
lễ lạy kinh hạt mỗi ngày nhưng hết “nội chiến” đến “ngoại chiến”. Chị không khỏi
tự hỏi : niềm tin kitô giáo có còn khả năng thăng tiến con người như những gì
giáo lý dạy không ?
Như thế, dẫu tôi tin có Thiên Chúa nhưng lại không sống yêu
thương thì cũng có nghĩa là tôi đang “khai tử” cho Thiên Chúa rồi.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, xin ban cho con sự sống của
Ngài, sống vì yêu và sống cho tình yêu. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
23/11/13 THỬ BẢY TUẦN 33 TN
Th. Clêmentê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 20,27-40
Th. Clêmentê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 20,27-40
CHO MỘT CUỘC SỐNG MAI SAU
“Con cái đời này cưới vợ lấy
chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết,
thì không lấy vợ cũng chẳng lấy chồng ...Họ là con cái của Thiên Chúa, vì là
con cái sự sống lại.” (Lc 20,34-36)
Suy niệm: Cưới vợ lấy chồng là việc bình
thường và còn là nghĩa vụ của con người sống trong cõi đời này. Còn trong cõi
vĩnh hằng, khi con người sống lại từ cõi chết, người ta sống như các thiên thần
(x. Lc 20,36), chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Như thế, người sống bậc
độc thân cũng như bậc gia đình, có thể và có bổn phận theo cách thế của mình,
sống cuộc sống đời này để làm chứng cho
một cuộc sống mai sau. Người sống bậc độc thân tiên
báo cuộc sống hoàn toàn siêu thoát mọi ràng buộc đời tạm này để có thể yêu
thương một cách không giới hạn. Người sống đời đôi bạn làm chứng cho tình yêu
hoàn hảo và vĩnh cửu: tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh.
Mời Bạn: 1. Loại trừ mọi quan niệm lệch lạc: - cho
rằng tu là chán đời, trốn đời, là “một thứ cung đàn lạc điệu”; - cho rằng đời
sống vợ chồng là tội lỗi, thua kém so với đời tu. 2. Xác tín rằng mọi người, tu trì hay hôn nhân đều phải sống để
làm chứng cho một cuộc sống mai sau.
Sống Lời Chúa: - Nếu còn “thong dong”, bạn hãy
tìm ý Chúa, để biết Ngài chọn gọi bạn dấn thân theo ơn gọi nào, tu trì hay hôn
nhân. – Nếu bạn thuộc loại “ván đã đóng thuyền”, hãy thành khẩn xin Chúa trợ
giúp để trung thành làm chứng cho Chúa trong bậc sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin con hiểu rằng chu toàn bổn phận hằng ngày là phương thế giúp con nên
thánh và làm chứng nhân cho Chúa nhờ đó xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với
Chúa.
Chân lý của đời sống đức tin
Vào cuối kinh Tin Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng:
"Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy.
Amen". Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức
tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta còn
có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con
Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin và
có thể có trường hợp xảy ra như đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu, và cả những kẻ
có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin vào sự thật này nữa bởi vì nó không thể
nào giải thích cặn kẽ được. Bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự
nhiên, con người có thể chất vấn Thiên Chúa như những người Sađốc ngày xưa đã
chất vấn Chúa Giêsu.
Có thể nói chúng ta cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn nạn
của họ, mà chúng ta có được lời xác định rõ ràng của Chúa Giêsu về sự sống lại.
Những người theo phái Sađốc là những kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi
Sađốc phát sinh từ tên riêng của vị thượng tế trong đền thờ thời vua Salômôn. Bộ
luật duy nhất mà những người thuộc phái Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen,
được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ
Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại và về sự sống đời đời chưa được mạc khải
rõ ràng. Mãi về sau, tức là vào thời của Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng
thứ kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì sự thật về sự sống lại mới được quả quyết
rõ ràng. Một đàng thì chưa được mạc khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối
dòng của Môisen cho trường hợp cưới vợ của anh khi anh mình chết đi mà không có
con, nên chúng ta không lạ gì khi thấy các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế
không tin có sự sống lại, đã dùng luật Môisen chống lại sự sống lại. Trong dòng
lịch sử cũng không thiếu những người chối bỏ chân lý về sự sống lại. Vào thời đại
của chúng ta hiện nay cũng vậy, cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa,
những thần học gia lại tuyên bố không tin hay ít ra là nghi ngờ sự thật về sự sống
lại.
Trên bình diện này, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn
con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại.
Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ về sự thật có sự sống lại, nhưng Ngài không giải
thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi
nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc
nào, là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không giải
thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa
Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống
lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc
của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin này.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Nhóm Sađốc trong bài Tin
mừng hôm nay là những người không tin sự sống mai sau, không tin có sự sống
lại, thế nên, họ đã chất vấn Đức Giêsu. Họ đưa ra một tình huống, để bắt bí Đức
Giêsu về sự sống đời sau, về kẻ chết sống lại mà Ngài rao giảng.
Và Đức Giêsu đã khẳng
định với họ về cuộc sống mai sau và việc kẻ chết sống lại. Theo lời của Đức
Giêsu, thì cuộc sống đời sau sẽ khác với cuộc sống đời này, chẳng hạn người ta
sẽ không lấy vợ gả chồng, bởi vì lúc đó họ giống như các thiên thần và con cái
của Thiên Chúa, là con cái của sự sống lại.
Nhưng một thực tế mà có
lẽ ai cũng nhận thấy, cũng có thể từ kinh nghiệm của chính mình rằng: tin vào
sự sống đời sau không phải dễ. Sống giữa trào lưu thực nghiệm như ngày hôm nay,
thì chuyện tin rằng có một sự sống khác bên kia sự chết, tức là tin vào sự sống
đời sau và sống với ý thức có sự sống đời sau, điều đó không phải dễ dàng, mặc
dầu biết bao lần ta tuyên xưng niềm tin đó trong kinh Tin kính: “Tôi
tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin sự sống đời sau”. Ngay
cả bản thân chúng ta là những người giữ đạo lâu năm, đôi khi vẫn cảm thấy
chuyện đời sau như là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.
Giữa cuộc đời thật nhiều
khó khăn và ngập tràn nỗi lo như hôm nay, mong sao, niềm tin và hy vọng
vào đời sau giúp tôi sống thật tốt ở đời này.
Mong sao, niềm tin và hy
vọng vào đời sau sẽ giúp tôi có sức mạnh khước từ những cám dỗ khiến tôi
đánh mất sự sống đời sau.
Mong sao, niềm tin và hy
vọng vào đời sau sẽ giúp tôi can đảm từ chối những cám dỗ sống thấp hèn và tạm
bợ ở đời này, và vui lòng chấp nhận những từ bỏ, những hy sinh như Chúa muốn,
để có thể bước vào sự sống đời sau với niềm hạnh phúc.
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG MƯỜI MỘT
Mở
Rộng Tấm Lòng Để Đón Nhận
“Bất cứ ai đón nhận em bé này nhân danh Thầy là đón nhận chính
Thầy” (Lc 9,48). Lời ấy của Chúa Giêsu soi sáng ý nghĩa của việc đón nhận trẻ
em làm con nuôi. Quyết định nhận nuôi một đứa trẻ luôn luôn phát xuất từ tình
yêu đối với trẻ em và từ nỗi khát khao được làm cha làm mẹ. Việc nhận con nuôi
là một chứng tá độc đáo loan báo cho thế giới thấy tấm lòng rộng mở để chia sẻ
sự sống và tình yêu tự nguyện đối với một đứa trẻ đang cần có cha mẹ và cần một
mái ấm gia đình.
Dù trong thời đại chúng ta những đám mây đen đang vần vũ trên
các gia đình, chúng ta vẫn được khích lệ bởi vô số những tấm gương quảng đại rực
sáng lên trong các gia đình Kitôhữu. Chúng ta ngập tràn hy vọng khi nhìn thấy
các chứng tá ấy. Những sự chọn lựa theo tinh thần Kitô giáo thường trái ngược với
não trạng thế gian xung quanh chúng ta. Những sự chọn lựa ấy sẽ thách đố và chất
vấn những người cần nghe Tin Mừng, những người có khuynh hướng muốn sống một cuộc
sống đóng kín và ích kỷ. Việc nhận con nuôi là một dấu hiệu qua đó các gia đình
Kitôhữu tuyên bố rằng mình không muốn khép kín nơi chính mình – trái lại, muốn
mở ra đón nhận một đứa trẻ đáng thương và nhận một trách nhiệm cao cả cách vui
tươi và vô vụ lợi.
Quyết định nhận con nuôi không bao giờ là một quyết định dễ
dàng. Thật vậy, quyết định đó luôn luôn kèm theo với nó những bổn phận hết sức
quan trọng và phức tạp. Tuy nhiên, đó là một quyết định có sức làm phong phú cộng
đồng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thời đại chúng ta ngày càng có nhiều
gia đình ước ao nhận ocn nuôi. Đây rõ ràng là một chiều hướng tích cực. Đây là
một sự đáp trả đầy yêu thương trước một tiếng gọi cao cả. Đó là lý do tại sao
tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những gia đình đang đảm nhận công việc
quan trọng này. Tôi cũng muốn khích lệ công việc của những người liên hệ đến việc
giới thiệu nhận con nuôi. Xin Chúa chúc lành cho công việc đầy ý nghĩa này và
chúc lành cho mọi gia đình đang nuôi dạy những đứa con nuôi một cách đầy yêu
thương và quảng đại.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23-11
Thánh Clêmentê I giáo hoàng, tử đạo
Thánh Côlumbanô, viện phụ
1Mcb 6, 1-12; Lc 20, 27-40.
LỜI SUY NIỆM: “Có
mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm nay chủ trương không có sự
sống lại” (Lc 20,27).
Đối với người Kitô hữu. Chúng ta phải tin: Thân xác là then chốt
của ơn cứu độ” Chúng ta tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng thân xác. Chúng ta
tin Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để cứu chuộc thân xác. Chúng ta tin: “xác loài
người ngày sau sống lại” là tột đỉnh của công trình tạo dựng và cứu chuộc thân
xác.
Do sự chết, linh hồn bị tách biệt khỏi thân xác, nhưng khi phục
sinh, Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống bất hoại cho thân xác đã được biến đổi của
chúng ta. Ngài lại kết hợp nó với linh hồn chúng ta. Cũng như Đức Kitô đã phục
sinh và sống muôn đời. Tất cả chúng ta sẽ sống lại trong ngày sau hết.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 23-11
Thánh CLÊMENTÊ I
Giáo Hoàng Tử Đạo
Người ta biết được về thánh Clêmentê, vị giáo hoàng trị vì trong
10 năm chỉ nhờ bức "thư gởi giáo hữu Corintô" thôi. Vào thế kỷ thứ IV
có lưu hành những chứng thư đầy huyền thoại. Theo đó, cha Ngài là Phaustin thuộc
dòng dõi Giacop. Sinh tại Roma, được nuôi dưỡng trong Do thái giáo.
Thánh Clêmentê đã nghe theo những diễn từ của các thánh tông đồ
và trở thành môn đệ các Ngài. Ngài đã theo thánh Phaolô trong các hành trình đi
truyền giáo và đã trở thành đấng kế vị thứ ba của thánh Phêrô. Vua Trajanô đang
bách hại các Kitô hữu biết được rằng: vị giáo hoàng đã đem được nhiều người trở
lại đạo. Ông kết án Ngài phải làm việc khổ sai tại các hầm mỏ bên kia Bắc Hải,
trong các miền hoang vắng. Hai ngàn Kitô hữu đẽo đá tại đây chịu cảnh khát nước
thảm khốc.
Tương truyền rằng thánh Clêmentê cầu nguyện rồi lên một ngọn đồi
và thấy một con chiên ghi dấu chân đúng vào chỗ có dòng nước tươi mát vọt lên
làm giảm khát cho người mang án. Các bức tranh cẩn đâu tiền còn diễn lại biểu
tượng một con chiên đứng trên ngọn núi xanh. Nhà vua khi biết được rằng thánh
Clêmentê đã dùng lời nói và phép lạ để an ủi các Kitô hữu, liền sai các sứ giả
tới cột cổ Ngài vào một cái neo rồi ném xuống biển. Lệnh đường thi hành. Nhưng
trong khi các tín hữu cầu nguyện trên bờ, họ thấy dòng nước rút đi một cách lạ
lùng và có thể đưa xác vị tử đạo lên đất liền.
Điều chắc chắn kính là bức thư của thánh Clêmentê đã thành một
trong các tài liệu quí giá của Kitô giáo thời Chúa xưa. Các Kitô hữu Côrintô chạy
đến Đức giáo hoàng để tìm hoà giải những cuộc tranh chấp, đã kính cẩn đón tiếp
thư của Ngài. Những thư này được đọc cho các cộng đoàn tín hữu. Thư của thánh
Clêmentê chứng thực việc thánh Phêrô đến và chịu chết ở Roma, việc Nêrô bắt các
Kitô hữu làm trò mua vui. Thư cũng gợi ý cho chúng ta việc tổ chức Giáo hội. Giữa
các sự việc lớn lao khác, thánh Clêmentê đã nói:
- "Ai mạnh hãy lo cho người yếu. Người giầu hãy giúp đỡ người
nghèo và người nghèo hãy chúc tụng Chúa và điều Ngài muốn cung ứng cho các nhu
cầu của họ. Người khôn ngoan hãy tỏ ra khôn ngoan không phải chỉ trong lời nói
mà còn trong các việc lành. Người khiêm tốn đùng nóí gì về mình và đừng tìm phô
diễn hành động của mình. Người lớn không thể tồn tại mà không có người nhỏ và
người nhỏ cũng không thể tồn tại mà không có người lớn... Thân thể không thể bỏ
qua sự phục vụ của những chi thể nhỏ bé hơn.
Các tín hữu còn học biết bằng qua những âu lo vô ích và sống đời
sám hối, mỗi người phải biết vâng phục để trở nên tôi tớ hoàn tất vinh quang
Thiên Chúa. Đức Kitô đã không đến trong kiêu sa, nhưng đã tự hạ, đã chịu khổ cực.
Vậy phải nên thánh và tín thác cho Chúa.
Chỉ một bức thư này còn quan trọng trong sự thật vượt xa mọi
truyện thần thoại.
*************************
Ngày 23-11
Ngày 23-11
Thánh CÔLUMBANÔ
Tu Viện Trưởng
(..... - 615)
Thánh Côlumbanô sinh tại Kildare hay Carlow vào giữa thế kỷ thứ
VI, một thời kỳ mà danh tiếng các dòng tu Ai Nhĩ Lan đã bắt đấu nổi danh trên
khắp thế giới Kitô giáo. Khi ấy người ta tuôn đến các hòn đảo của các thánh
nhân để học hiểu văn chương và nghệ thuật trong các tu viện.
Côlumbanô có một trí khôn đặc biệt hứa hẹn những địa vị cao trọng
trong xã hội. Nhưng Ngài ưu tư vì những nguy hiểm mà sắc đẹp bày ra cho Ngài. Ước
muốn duy nhất của Ngài là sự thánh thiện, Ngài quyết giã từ thế gian để sống
trong tu viện. Nhưng mẹ Ngài không thể xa con một khi Côlumbanô gia nhập hàng
giáo sĩ. Ngày thánh nhân lên đường, mẹ Ngài nằm khóc ngang ngưỡng cửa.
Côlumbanô phải bước qua mình mẹ để đáp lời gọi của trời cao. Sau khi vượt qua
được cuộc chiến bi đát này, không còn gì phải trả để Ngài tiến tới trên đường
hòan thiện nữa.
Trước hết Côlumbanô theo học tại Lough Erne một trường ở
Cleenish, rồi sau đó ở Banger, ngôi trường quan trọng ở Ai Nhĩ Lan thời đó.
Tu viện Banger có hơn 3000 tu sĩ dưới sự dẫn dắt của thánh
Comgall và đã đưa ra nhiều mẫu gương anh hùng trong đời sống khổ hạnh.
Côlumbanô dạy học tại đây 10 năm. Lúc ấy Ngài khoảng 40 tuổi. Thánh Comgall sai
Ngài và một số tu sĩ đi truyền giáo tại Gaule, trong đoàn truyền giáo này con
có thánh Gall. Các tu sĩ vượt biển đến vương quốc Austrasia. Thánh Côlumbanô đã
từ chối lãnh địa mà vua Sigebert cho để thành lập tu viện. Suốt 14 năm, Ngài sống
đời lang thang để rao giảng Tin Mừng. Dân chúng thán phục những người ngoại quốc
đã tới yêu mến giúp đỡ họ trong khi tự ép mình sống đời nghèo khó nghiêm nhặt
này, Họ đổi lòng và đến lượt họ cũng yêu mến Thiên Chúa, thương yêu người khác.
Danh tiếng của Côlumbanô vang tới triều đình Bourgogne của vua
Gontran. Đứng trước ân huệ Ngài đã thực hiện cho dân cư, nhà vua hỏi vị tu sĩ
muốn gì để ở lại trong vương quốc của ông. Thánh CÔLUMBANÔ trả lời: - "Tôi
không có của cải nào hết ngoài việc thực hiện Tin Mừng và vác thánh giá, bỏ
mình và theo Chúa Giêsu Kitô".
Nhà vua đã hiến cho thánh nhân một pháo đài hoang phế ở Haute
Saonê để làm nhà ở. Lần này thánh Côlumbanô nhận lời. Lều rộng nhất dùng làm
nhà nguyện. Của ăn thường xuyên của các tu sĩ là rễ cây, thỉnh thoảng có được một
chút thực phẩm.
Dân chúng miền phụ cận nghe nói về những người này của Thiên
Chúa đã đưa các bệnh nhân tới xin cầu nguyện. Nhiều người muốn bắt chước và
chia sẻ cuộc sống của các Ngài. Thánh Côlumbanô phải thiết lập một tu viện thứ
hai ở Luxeuil. Dầu đây là nơi nghèo khổ, ẩm thấp. Nhưng một ít năm sau đã trở
nên một tu viện phồn thịnh, thành thủ phủ các đời viện tu. Các môn sinh không
ngừng đổ tới. Nhiều lãnh Chúa hiến dâng tài sản "phát tích qui y" tự
ép mình làm việc tay chân khai khẩn ruộng đất như người nghèo. Cả các bệnh nhân
cũng được chia sẻ cuộc sống này tùy sức họ có thể đóng góp. Cuộc sống cầu nguyện
và làm việc giữ được sự cân bằng chưa hề có cho tới lúc ấy.
Thánh Côlumbanô điều hành mọi chuyện và đôi khi lui về chòi tu của
Ngài gần Annecy để viết luật, dựa trên tình mến Chúa yêu người, hy sinh cầu
nguyện chung, việc làm tay chân không được ngăn trở kinh nguyện thâm sâu trong
lòng. Ngài nói: - Cả đời chúng ta đều diễn tiến như một ngày. Tình yêu ước muốn
hứơng thượng, chúng ta tìm về quê hương nơi cha ngự trị.
Một thời gian sau, Ngài thiết lập một tu viện thứ ba ở
Phontaines.
Tuy nhiên các tu sĩ phải trải qua một cơn thử thách. Cả các giám
mục Pháp lẫn hai triều đình không giữ mãi được thiện cảm. Các tu sĩ Ai Nhĩ Lan
vẫn cử hành lễ Phục sinh theo nghi lễ Celtie. Và các giám mục dựa vào chiêu bài
này để triệu vời Côlumbanô tới một hội nghị. Thánh nhân cáo lỗi và gửi một lá
thư hùng hồn "xin cho được sống im lặng trong rừng sâu bên cạnh xương tàn
của 17 anh em đã chết". Đồng thời Ngài cũng đề nghị là có nhiều vấn đề cấp
bách hơn ý kiến khác nhau về phụng vụ mà các giám mục cần quan tâm.
Vua nước Bourgogne có 4 người con ngoại hôn. Sự kiện các giám mục
thường lui tới triều đình mà không bao giờ cảnh giác các gương mù này, chứng tỏ
tình trạng Kitô giáo thấp kém thời đó. Vua Thierri kế vị cha là Ghentran dưới sự
bảo trợ của hoàng thái hậu Brunehaut có một đời sống phóng đãng. Những lời
trách cứ của thánh nhân làm bà hoàng tức giận. Dầu có cảm tình với vị tu viện
trưởng, bà cấm không cho người vào tu viện Luxeuil. Thế là chỉ còn cách trục xuất
Ngài đi. Các tu sĩ muốn theo Ngài, nhưng bà hoàng ngăn cản chỉ cho các tu sĩ có
máu Ai Nhĩ Lan đi. Bị bắt giam tại Bessanson, Côlumbanô trốn thoát được. Không
ai được cung cấp đồ ăn cho các Ngài, cũng không được cho trú ngụ. Ở Tours, vị
tông đồ đã cầu nguyện bên mộ thánh Martinô và tiên báo Thierri sẽ mất ngôi cho
vua Clotaire II, người sẽ nối lại vương quốc Pháp. Thierri gửi lệnh cấm tàu cho
tới Nantes là nơi Ngài phải đáp tàu về Ai Nhĩ Lan. Từ hải cảng này vị tu viện
trưởng đã viết cho các bạn còn lại Luzeuil một lá thư rất thời danh.
Côlumbanô đáp tàu đi tới Ai Nhĩ Lan, nhưng cơn bão nổi lên đưa
tàu vào bờ. Ngài tin đây là ý Chúa quan phòng và lên đường đi Neustrie. Ngài giảng
đạo cho vua Clotaire II, làm cho vua và triều thần chấp nhận Kitô giáo. Rồi
Ngài đi Metz. Người ta đem con ra đón đường xin Ngài chúc lành. Ơn gọi tu dòng chỗi
dậy khi Ngài đi qua. Quyết lòng rao giảng Tin Mừng cho những người thờ ngẫu tượng,
nhà truyền giáo ngược sông Rhin và cùng với vài môn sinh tới hồ Zurich, dân cư ở
dây nổi tiếng hung dữ. Nhà chép sử kể rằng: ngày kia dân chúng cho thần Wodon một
bình đầy bia. Thày dòng liền thở và bình vỡ tan. Môn sinh của Ngài là Gall còn
đốt các ngẫu tượng buộc thánh Côlumbanô không được chọc tức dân chúng nữa. Ngài
lui về gần hồ Constance.
Với sự trợ giúp của thánh Gall, Ngài lập một tu viện, nhưng dân
chúng vùng lên cận thù ghét. Vùng này rơi vào quyền hạn của Thierri người vừa mới
giết em mình là Thibert. Sau khi vượt mọi khó khăn, Côlumbanô ra đi và để thánh
Gall ở lại.
Sau khi vượt dãy núi Alpes, vị tông đồ già cả tới vùng đất của
dòng họ Lombarnô. Nơi đây Ngài phải chống lại lạc giáo Ariô và bị trục xuất một
lần nưã. Lui về chân dãy núi Appennins, Ngài thiết lập một tu viện Bobbiô, vua
Clotaire lúc này đã nắm quyền và mời Ngài trở lại nước Pháp. Nhưng thánh nhân
thấy đời gần tàn chỉ viết thư xin vua sống theo tinh thần Kitô giáo sâu xa hơn.
Vua đã kính cẩn nhận lời khuyên và bao bọc tu viện Luxeuil. Thánh Côlumbanô
không ngừng thư từ cho các tu sĩ và từ hang động ẩn tu của mình, Ngài viết thư
bằng văn vần để giã từ bạn bè trước khi qua đời, ngày 23 tháng 11 năm 615.
Công cuộc của Ngài triển nở mạnh mẽ sau cái chết của Ngài.
Luxeuil trở thành trưởng phái tu viện quan trọng trong thế kỷ VII và còn tồn tại
tới cuộc cách mạng Pháp. Bobbiô trở thành tu viện Monte Cassinô miền Bắc
Otalia. Ngày nay dân Bắc Italia rất sùng kính Ngài, với 34 giáo xứ được dâng
kính Ngài.
(daminhvn.net)
23 Tháng Mười Một
Tấm
Gương Trong Lâu Ðài Versailles
Lâu đài Versailles ở ngoại ô Paris là một trong những danh lam
thu hút nhiều du khách nhất. Trong lâu đài, nơi mà du khách cảm thấy bị giữ
chân lâu nhất đó là phòng khánh tiết bằng pha lê, được trang bị bằng hàng ngàn
tấm kính từ trên trần nhà đến các vách tường.
Du khách sẽ ngỡ ngàng vì một hiện tượng lạ lùng: Nếu bạn đưa tay
ra và chỉ về một phía nào đó, bạn sẽ thấy có hàng trăm ngàn cánh tay và hàng
ngàn khuôn mặt đang hướng về bạn như đang ngắm nhìn bạn. Bạn sẽ cảm thấy như mọi
người đang chú ý đến bạn. Nhưng nhìn cho kỹ thì tất cả những cánh tay, tất cả
những khuôn mặt đó đều là của bạn.
Ðó là hình ảnh của mỗi người trong chúng ta. Ai trong chúng ta
cũng cho mình là quan trọng nhất. Tất cả mọi hành động, mọi ý nghĩ, mọi lời
nói, đều tập trung vào bản thân chúng ta và trong lòng chúng ta không còn một
chỗ trống nào dành cho người khác.
Cái tôi trong chúng ta có thể là một trở ngại cho tương giao giữa
chúng ta và người khác cũng như tương giao giữa chúng ta và Chúa. Sự sống của
Chúa chỉ có thể lớn mạnh trong chúng ta và sự sống của chúng ta chỉ có thể triển
nở là lúc chúng ta thực sự sống cho Chúa. Lời của Ngài phải tiêu diệt cái tôi
ích kỷ trong chúng ta để chúng ta có thể lớn lên trong Người. Nói như thánh
Gioan Tẩy Giả khi gặp chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".
Thưa bạn, đó là bí quyết trong cuộc sống của người Kitô chúng ta.
(Lẽ Sống)
23-11
Thánh Giáo Hoàng Clement I
(c. 101)
Ð
|
ức Clement của giáo phận
Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên
cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm 101.
Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được góp nhặt
trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Ðền Thánh Clement ở Rôma, là một
trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa là
nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn
Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời
tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement, gửi cho Giáo
Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ. Ðức Clement
phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội Côrintô, và ngài
khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy là vì "đố kỵ
và ganh ghét."
Lời Bàn
Ðức Clement đã chủ
trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì "nếu
không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa." Sau Công Ðồng
Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu
mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể
hiện lời Thánh Phao-lô: "Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu
thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện" (Colossê 3:14).
Lời Trích
"Ðức ái kết hợp
chúng ta với Thiên Chúa& Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là
ngạo mạn. Ðức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự.
Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo"
(Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Ðoàn Corinto).
25-11
Thánh Columban
(543? - 615)
T
|
hánh Columban là nhà
truyền giáo nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan, hoạt động ở Âu Châu. Khi còn là thanh
niên, ngài bị đau khổ dữ dội vì sự cám dỗ của xác thịt, ngài phải xin sự cố vấn
của một bà đạo đức sống ẩn tu lâu năm. Qua lời khuyên bảo của bà, ngài nhìn thấy
ơn gọi của mình. Ðầu tiên ngài là một tu sĩ trên đảo Lough Erne, sau đó ngài
theo học tại tu viện Bangor.
Sau nhiều năm sống tách
biệt để cầu nguyện, ngài đến xứ Gaul (nước Pháp bây giờ) để truyền giáo cùng
với 12 người bạn. Các ngài được dân chúng quý trọng vì sự hăng say rao giảng,
làm việc tông đồ, và luôn tuân giữ lời khấn bác ái, trong khi tu sĩ thời ấy thì
lười biếng và dân chúng luôn luôn xung đột. Thánh Columban thiết lập vài tu
viện ở Âu Châu mà sau này trở thành các trung tâm tôn giáo và văn hóa.
Như mọi vị thánh khác,
ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải cầu khẩn đến đức giáo hoàng để
chống với cáo buộc của các giám mục người Pháp, nhằm minh xác điều ngài giảng
dạy là chân thật và chấp thuận các tục lệ của Ái Nhĩ Lan. Ngài khiển trách nhà
vua về đời sống dâm loạn của ông dù đã thành hôn. Do đó, thánh nhân đã bị trục
xuất trở về Ái Nhĩ Lan. Vì bão lớn, tầu của ngài bị mắc cạn, và ngài lại tiếp
tục công việc truyền giáo ở Âu Châu, sau cùng ngài đến nước Ý, là nơi ngài được
tiếp đón ân cần bởi ông vua của người Lombard. Trong những năm cuối đời, ngài
thiết lập một tu viện nổi tiếng ở Bobbio, và cũng là nơi ngài từ trần. Các văn
tự ngài để lại gồm một luận án về sự ăn năn sám hối và các văn bản chống với bè
rối Arian, các bài giảng, thi ca và quy luật tu viện.
Lời Bàn
Sự phóng túng tình dục
ngày nay đã đến mức quá độ, chúng ta cần nhớ đến gương mẫu sống động của những
thanh niên sống khiết tịnh như Thánh Columban. Và cuộc sống an nhàn của thế
giới Tây Phương ngày nay trái ngược với hình ảnh bi thảm của hàng triệu người đang
chết đói, chúng ta phải chịu khó sống khắc khổ và có kỷ luật như các tu sĩ Ái
Nhĩ Lan. Chúng ta cho rằng, họ quá nghiêm khắc, họ đi quá xa. Nhưng chúng ta sẽ
đi được tới đâu?
Lời Trích
Trong thư gửi cho đức
giáo hoàng nói về sự tương tranh ở Lombardy, Thánh Columban viết: "Chúng
con là người Ái Nhĩ Lan, sống ở bên kia quả địa cầu, là những người theo Thánh
Phêrô và Phao-lô và các môn đệ đã viết ra những quy tắc thiêng liêng dưới sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con không chấp nhận những gì khác hơn là
giáo huấn và truyền thống tông đồ này... Con thú nhận là con rất đau lòng vì
điều tiếng xấu về ngai tòa Thánh Phêrô ở quốc gia này... Mặc dù Rôma thật xa
cách, nhưng chúng con rất tôn trọng chỉ vì ngai tòa này... Xin Ðức Thánh Cha
hãy để ý đến sự bình an của Giáo Hội, xin ngài đứng giữa đàn chiên và bầy sói."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét