THỨ BA 19/11/2013
Thứ Ba sau Chúa Nhật
33 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) 2 Mcb 6, 18-31
"Tôi sẽ để lại
một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính
và thánh thiện của chúng tôi".
Trích
sách Macabê quyển thứ hai.
Trong
những ngày ấy, Êlêazarô, một người trong hàng Luật sĩ vị vọng, ông đã có tuổi
và diện mạo oai phong, ông bị người ta cạy miệng bắt phải ăn thịt heo. Nhưng
ông thà chết vinh còn hơn sống nhục, nên ông tự ý ra pháp trường. Hiểu rằng ông
phải xử trí như thế nào, ông nhẫn nại chịu đựng, khẳng khái không ăn đồ cấm vì
ham sống. Các bạn cố tri đứng đó cảm thương ông, gọi lén ông ra khuyên ông xin
người ta đem cho ông các thứ thịt ông có phép dùng, rồi ông chỉ giả vờ ăn thịt
cúng như nhà vua đã truyền; làm như thế ông sẽ thoát chết; và do tình bạn cố
tri, họ đã tỏ lòng nhân đạo như vậy đối với ông. Nhưng nghĩ đến địa vị bậc lão
thành, mái tóc bạc khả kính, cách ăn ở tốt đẹp từ thời niên thiếu, mà nhất là sống
xứng với lề luật thánh mà chính Thiên Chúa đã lập, ông liền trả lời, bảo họ rằng
ông sẵn sàng chịu chết. Ông nói:
"Vì
ở tuổi chúng tôi không nên giả vờ, kẻo nhiều thanh niên tưởng rằng Êlêazarô đã
chín mươi tuổi đầu mà còn theo lối sống của dân ngoại. Rồi vì sự giả vờ của tôi
để sống thêm một ít lâu nữa, tôi sẽ làm cho chính họ cũng lầm lạc, và vì thế,
tôi sẽ chuốc lấy nhơ nhớp và ố danh cho tuổi già của tôi. Mà dầu tôi có thoát
khỏi hình phạt của loài người, thì dầu sống dầu chết, tôi sẽ không thoát khỏi
bàn tay của Thiên Chúa toàn năng. Bởi thế, nếu giờ đây tôi can đảm từ giã cuộc
đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của tôi; tôi sẽ để lại cho các thiếu
niên một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng
kính và thánh thiện của chúng tôi".
Nói
đoạn ông liền bị điệu đến pháp trường. Các người áp giải ông đổi lòng thiện cảm
họ có đối với ông trước kia thành ác cảm, vì các lời ông vừa nói mà họ cho là
điên khùng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông thều thào trong hơi thở cuối cùng:
"Lạy Chúa là Ðấng thông minh chí thánh, Chúa cũng thấu rõ là con có thể
thoát chết, nhưng con xin chịu đòn vọt đau đớn trong thân xác con, với niềm vui
trong lòng vì kính sợ Chúa". Và như thế ông từ giã cuộc đời, để lại không
những cho các thanh niên mà còn cho toàn dân một tấm gương anh dũng và một lưu
niệm đạo đức.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Chúa đã nâng đỡ
tôi (c. 6b).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa,
nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con! Về con, nhiều
kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa Trời cứu độ". - Ðáp.
2)
Nhưng lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng
đầu lên. - Tôi lên tiếng kêu cầu Chúa, và Chúa đã nghe tôi từ núi thánh của
Ngài. - Ðáp.
3)
Tôi nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi không kinh
hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại tôi. - Ðáp.
Alleluia:
Lc 21, 28
Alleluia,
alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần
đến. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 19, 1-10
"Con Người đến
tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là
Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để
nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông
quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn
xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên
và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau,
vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui
vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến
trọ nhà một người tội lỗi". Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng:
"Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có
làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy
rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái
Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Hoán Cải Ðích Thực
Gặp
gỡ Chúa Giêsu là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ
hoặc tránh né cuộc gặp gỡ này.
Tin
Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu.
Chúng ta có thể ghi nhận hai thái độ trong cuộc gặp gỡ này. Trước hết là thái độ
của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ
khác đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Ðó là thái độ của những kẻ lẩm
bẩm trách Chúa đã niềm nở đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, bởi
vì đối với Chúa không có ai xấu xa tội lỗi đến độ không đáng được hưởng lòng
nhân từ tha thứ của Chúa. Liệu chúng ta có thái độ của những kẻ tự cho mình là
công chính và khinh dễ người khác không?
Thái
độ thứ hai là thái độ của ông Giakêu, người thu thuế trưởng và giầu có. Ðối với
người Do thái, người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai: đó là tội phản bội quê
hương cộng tác với ngoại bang, và tội gian lận tiền thuế quá mức qui định.
Giakêu là người thu thuế trưởng và giầu có, sự giầu có này theo lý luận của người
Do thái, chứng tỏ ông có những hành vi bất chính để làm giầu: thu nhiều, nộp
ít, và như vậy ông là một người tội lỗi. Ðối với người đồng hương với Giakêu,
thì tội của ông không thể tha thứ được; nhưng đối với Chúa Giêsu, Ðấng đến tìm
và cứu những gì đã hư mất, thì đây là dịp để thể hiện tình thương nhân từ của
Thiên Chúa.
Nơi
con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem
Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát
khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được,
vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái
độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với
Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực:
phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại
ông đã gây ra cho kẻ khác.
Ước
gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thể hiện một cách cụ thể sự hoán cải của
mình. Xin cho chúng ta đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của
Chúa, nhưng luôn biết cộng tác với ơn Chúa và thành tâm trở về với Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 33 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: II Mac
6:18-31; Lk 19:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Quên mình là tìm thấy.
Nhiều
người nghĩ để trở nên giàu có, họ cần phải vơ vào nhiều và bớt cho đi, như câu
chúc ích kỷ đầu Xuân: chúc cho ông bà tiền vô như nước, tiền ra nhỏ giọt. Vì thế,
họ rất khổ sở khi phải cho đi tiền bạc. Trong khi đó, bí quyết trở nên giàu có
của các bậc thánh nhân: cho đi là nhận được, quên mình là tìm thấy, tha thứ được
thứ tha, chết đi là sống mãi... Người nghèo tuy không giàu, nhưng không bao giờ
thiếu. Khi có dư chút nào, họ sẵn sàng chia sẻ cho những ai cần hơn; vì họ
Thiên Chúa vẫn quan phòng lo cho họ có của ăn hàng ngày. Họ không tích trữ của
cải vì họ biết sẽ không mang theo được khi từ giã cõi đời; vì thế, họ lo tích
trữ của cải tinh thần như Chúa dạy. Hiệu quả là họ có bình an, có hạnh phúc, và
nhất là cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân dành cho họ.
Các
Bài Đọc hôm nay nêu bật những tấm gương sẵn sàng hy sinh quên mình để làm gương
sáng và đi tìm những gì đã mất. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Maccabees muốn đề
cao tấm gương anh hùng của kinh-sư Eleazar. Ông nhất định không chịu giả vờ
tuân lệnh vua ăn thịt, cho dù các bạn ông đã lập mưu cho biết thịt ông sẽ ăn
không phải là thịt heo. Khi làm như thế, ông biết sẽ lãnh nhận cái chết, nhưng
ông sẵn sàng chấp nhận để làm chứng nhân cho Thiên Chúa và làm gương sáng cho
thế hệ mai sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu gọi đích danh Zachaeus và ngỏ lời muốn
cư ngụ tại nhà ông; cho dù biết miệng đời sẽ phê bình Ngài là người tội lỗi vì
đã giao tiếp với những tội nhân công khai như Zachaeus. Zachaeus cũng chấp nhận
mất hết của cải cho người nghèo để sống theo lời mời gọi của Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Có được giả vờ ăn thịt cúng?
1.1/
Có nên giả vờ ăn thịt cúng? Vua Antiochus biết người Do-thái theo truyền thống không bao giờ
ăn thịt heo, thú vật mà họ cho là dơ bẩn; nên để thử người nào có theo đạo nhà
vua truyền hay không, vua bắt họ ăn thịt heo sau khi đã cúng cho thần. Có một
người Do-thái tên là Eleazar, một trong những kinh sư quan trọng tuy tuổi đã
cao nhưng trông rất đẹp lão; ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo. Nhưng ông thà
chết vinh hơn sống nhục, nên đã tự ý tiến ra nơi hành hình, sau khi đã khạc nhổ
hết thịt ra. Ông đã làm như vậy theo thói thường của những người can đảm là từ
chối những thứ Luật Lệ không cho phép ăn, dù phải ăn để sống.
Vì
quen biết ông Eleazar đã lâu năm, nên những người chủ toạ bữa tiệc cúng thần
trái với Lề Luật, kéo riêng ông ra một chỗ. Họ khuyên ông và truyền người ta
đem thịt đến, thứ thịt được phép dùng, tự tay ông dọn lấy, rồi chỉ giả vờ ăn thịt
cúng, như vua đã truyền. Nếu ông theo họ làm như vậy, ông sẽ thoát chết, lại
còn được đối xử nhân đạo, vì trước kia ông đã xử tốt với họ.
1.2/
Lập trường của kinh-sư Eleazar: Cho dù ông biết thứ thịt đó không phải là thịt heo
mà Lề Luật cấm, ông cũng không ăn vì hai lý do chính sau đây:
(1)
Tránh gương mù và làm gương sáng cho thế hệ trẻ: Ông nói: "Ở tuổi chúng ta,
giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Eleazar
đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả
vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc
lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già." Không những thế, tuổi trẻ họ còn cần
những tấm gương anh hùng để noi theo và mạnh mẽ giữ đạo, nên ông tiếp tục nói:
"Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi
già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện
và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện."
(2)
Con người không giấu được Thiên Chúa dù chỉ ý nghĩ trong đầu: Thiên Chúa là Đấng
thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn con người. Ngài phán xét theo ý hướng bên
trong; chứ không theo dáng vẻ bên ngoài, nên ông Eleazar nói: "Dù hiện nay
tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không
thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng." Khi sắp chết vì đòn vọt, ông lên
tiếng cầu nguyện: "Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là
dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn
trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người."
2/
Phúc Âm: Ông Zachaeus, người thu thuế, trở về với Chúa.
Tại
thành phố Jericho hiện nay vẫn còn một cây sung rất to lớn, được vây quanh kỹ
lưỡng cho khách hành hương đến thăm viếng. Họ gọi đây là cây sung mà ông Giakêu
đã trèo lên để gặp Chúa Giêsu.
2.1/
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Zachaeus: Ông được mô tả là người đứng đầu
những người thu thuế, và là người giàu có. Ông tìm cách để xem cho biết Đức
Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền
chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua
đó. Chúa Giêsu đã nhận ra ông giữa bao nhiêu người trong đám đông, và người đi
bước trước để bắt đầu tiến trình hòa giải với ông: "Này ông Zachaeus, xuống
mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!"
2.2/
Ba phản ứng khác nhau của cuộc gặp gỡ:
(1)
Đám đông: Họ xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" Đối với
người Do-Thái, những người thu thuế và gái điếm được coi như là những người tội
lỗi công khai. Ai giao tiếp hay làm bạn với họ, cũng được coi là tội lỗi.
(2)
Ông Giakêu: Khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời muốn đến nhà, ông vội vàng tụt xuống,
và mừng
rỡ đón rước Người. Khi nghe mọi người xầm xì và biết rõ mình là người tội lỗi,
ông thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người
nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."
Đây
là một lời tuyên xưng đột xuất, nhưng chân thành phát xuất từ trái tim của
Zachaeus. Có lẽ Chúa Giêsu là người Do-thái đầu tiên không quan tâm đến tội lỗi
và quá khứ của ông; vì đối với người Do-thái quá khích, ông có thể mất mạng vì
đã cấu kết với ngoại bang để bóc lột dân chúng. Ông có lẽ đã nghe nhiều lời
truyền tụng về Chúa Giêsu nên ông tò mò leo lên cây sung để mong được nhìn thấy
Ngài. Ông không ngờ Chúa Giêsu gọi đích danh ông và mở miệng muốn vào nhà ông
như một người bạn đã quen biết lâu năm. Khi Zachaeus chấp nhận trở về với Thiên
Chúa, ông phải can đảm từ giã nếp sống cũ tội lỗi và bắt đầu cuộc sống mới theo
tiêu chuẩn của Tin Mừng. Khi Zachaeus sẵn sàng hứa sẽ san sẻ phân nửa tài sản
cho người nghèo, và đền gấp bốn cho những ai ông đã lỗi đức công bằng với họ, lời
hứa này có thể lấy đi tất cả những gì ông đang có; nhưng không thể so sánh với
niềm vui được Chúa Giêsu tha thứ và đến viếng thăm.
(3)
Chúa Giêsu: Ngài
nói với ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này
cũng là con cháu tổ phụ Abraham; vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Tuy Chúa Giêsu biết rõ những lời dị nghị, nhưng Ngài không quan tâm tới. Chỉ một
điều Ngài quan tâm là ông Zachaeus, vì Ngài muốn đưa ông trở về với Thiên Chúa;
và đó cũng chính là lý do tại sao Ngài đến trần gian.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải hy sinh quên mình trước khi tìm thấy được những gì đã mất hay
đang mong muốn. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ biết ích kỷ giữ cho mình, chúng ta
sẽ mất luôn những gì chúng ta đang sở hữu.
-
Người biết rõ mình là người tội lỗi như ông Zachaeus dễ ăn năn trở lại hơn người
dở dở ương ương, nửa nóng nửa lạnh, hay không tốt lành cũng chẳng tội lỗi quá.
Nguy hiểm của chúng ta không phải tội lỗi, nhưng ở thái độ tự nhận mình là người
công chính và không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN
33TN
Lc 19,1-10
A. Hạt giống...
1. Mở đầu câu chuyện, ông Dakêu được mô tả là kẻ
tội lỗi : thu thuế (lại còn “đứng đầu những người thu thuế”) và lo thu tích của
cải (“và là người giàu có”) - Cuối câu chuyện, ông thay đổi hẳn : “Hôm nay ơn
cứu độ đã đến cho nhà này” ; phân phát tài sản cho người nghèo (là điều Chúa
Giêsu thường khuyên làm. x. Lc 12,33-34 16,1-8 16,9-13 v.v.) ; đền bù những
thiệt hại đã gây cho người khác.
2. Có hai nhân tố tạo nên sự thay đổi đó :
- một là những cố gắng của chính Dakêu : “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy
tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.
- hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu : Ngài “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống
mau đi”, Ngài đưa đề nghị đến nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa
Giêsu tự giới thiệu là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
B.... nẩy mầm.
1. Ơn cứu độ là kết quả sự hợp tác của hai phía :
con người (Dakêu “tìm cách xem” mặt Chúa, “chạy tới phía trước”, “leo lên cây
sung”) và Thiên Chúa (Chúa Giêsu “nhìn lên”, gọi Dakêu, và đến “trọ nhà” ông).
2. Dakêu là hình ảnh :
- của những người giàu : giàu tiền nhưng nghèo đạo đức thì trong lòng vẫn còn
thiếu thốn và trống trải. Dakêu đi tìm Chúa Giêsu để lấp đầy khoảng trống thiếu
thốn trong lòng mình.
- của người môn đệ : Tin Mừng Luca thường ghi lại những lời Chúa Giêsu khuyên
môn đệ hãy bán tài sản để mua Nước Trời, hãy đem tài sản phân phát cho người
nghèo rồi theo Ngài. Dakêu đã làm đúng như vậy.
- của người hoán cải : trước khi hoán cải, Dakêu thu gom tiền bạc, làm hại
người khác, ích kỷ. Sau khi hoàn cải, ông không tiếc tiền, dùng tiền một cách
quảng đại để đền bù thiệt hại mình đã gây ra cho người khác, lại còn bố thí cho
người nghèo. Khi hoán cải, người ta trở nên quảng đại, vì người ta biết rằng
những gì mình cho người khác chẳng đáng là gì so với những gì Chúa ban cho
mình.
3. “Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta chìa khóa của
sự bình an, đó là hãy sống quảng đại. Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng
ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu chúng ta ra khỏi chính
mình để sống quảng đại với người khác” (trích "Mỗi ngày một tin
vui").
4. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu chắc
không phải tình cờ. Một trong những ý định khiến Chúa Giêsu đi ngang qua
Giêrikhô là để tìm cứu Dakêu, như lời Ngài nói “Con Người đến để tìm và
cứu những gì đã mất”. Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần kẻ “hư mất” chịu khó tìm
đến Chúa để lãnh nhận thôi.
5. Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy
ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn
tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu
mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó.
Telemachus nghĩ : “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta
chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu
trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng
không ai nghe, họ còn đầy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên
can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc
vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã
giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác
đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.
Việc hoán cải một tập thể phải bắt đầu từ một con
người. Muốn hoán cải một gia đình thì một người nào đó trong gia đình phải khởi
sự hoán cải trước. Muốn hoán cải một cộng đoàn thì phải có ai đó trong cộng
đoàn khởi sự trước. (Barclay)
6. “Ông Dakêu đứng lên thưa với Chúa rằng : Thưa
Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã
cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8)
Ngồi học bài mà tôi không thể yên được vì thỉnh
thoảng tiếng la ó cổ vũ cho đội tuyển VN trong Cúp Châu Á lại rộn lên. Bầu khí
gia đình tôi vui hẳn lên. Ai cũng xôn xao phấn khởi trước những bàn thắng của
đội nhà. Đến lớp, các bạn tôi dường như gần gũi nhau hơn và nói về thắng lợi
của đội tuyển VN như là thắng lởi của chính mình. Niềm vui khiến người ta gần
gũi nhau hơn.
Niềm vui của một Dakêu được gặp Chúa, được Con
Thiên Chúa “đụng chạm” đến đã cho ông sức mạnh phá đổ mọi hàng rào ngăn cách
giữa mình với anh em.
Giêsu ơi, xin Lời Chúa và Thánh Thể mà con được
diễm phúc lãnh nhận trở nên niềm vui, nguồn hạnh phúc cho con, để con trở nên
đẹp hơn và xích lại gần anh em con hơn. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
19/11/13 THỨ BA TUẦN 33 TN
Lc 19,1-10
Lc 19,1-10
CÁI NHÌN CẢM THÔNG
Ông Dakêu chạy tới trước, leo
lên một cây sung, để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới
chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông :” Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì
hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông.”
(Lc 19,4-5)
Suy niệm: Cũng như vận tốc ánh sáng lớn gấp vạn lần vận
tốc âm thanh, “cái nhìn” bao giờ cũng “nói” nhanh hơn và nhiều hơn “từ ngữ”.
Ông Dakêu đã gửi đến Chúa một cái nhìn đầy ngưỡng mộ. Đáp lại Chúa gửi đến ông
một cái nhìn đầy cảm thông. Cái nhìn ngưỡng mộ của Dakêu đã khởi đầu sức mạnh
hoán cải trong lòng ông: thúc đẩy ông hướng tới những điều thiện hảo nơi chính
Đấng là nguồn mạch mọi sự Thiện Hảo. Cái nhìn cảm thông của Đức Kitô có sức đổi
mới thực sự một con người tham lam ích kỷ trở thành quảng đại vị tha. Những lời
nói tiếp sau đó chỉ là biểu đạt ra bên ngoài sự hoán cải từ đáy lòng của ông
Dakêu.
Mời Bạn: Kiểm
điểm lại cách bạn nhìn tha nhân: Bạn đánh giá người khác qua địa vị xã hội, qua
sự giàu sang, qua những lời lẽ hoa mỹ hay qua giá trị cơ bản sâu xa của mỗi
người là một người con cái của Thiên Chúa?
Chia sẻ: Trước
mặt Thiên Chúa, mỗi người đều có một giá trị tuyệt đối đến nỗi giả như chỉ có
một người là tội nhân, Ngài cũng sẵn sàng xuống thế để cứu chuộc người đó. Bạn
nghĩ gì về câu nói đó ?
Sống Lời Chúa: Tránh
những lời lẽ, cử chỉ, thái độ biểu hiện sự thiếu kính trọng (thô tục, khinh
thị, sỉ nhục,...) trong cách quan hệ cư xử với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đến như Chúa là Thầy và là Chúa của con, mà Chúa còn hạ
mình rửa chân cho chúng con. Xin Chúa giúp con cũng biết khiêm tốn “rửa chân”
cho anh em con. Amen.
Thủ lãnh người thu thuế
Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô luôn luôn là một biến cố hồng phúc cho
con người, nếu người đó không lo sợ hay tránh né cuộc gặp gỡ này với những lý
do này, lý do nọ. Hôm qua, chúng ta cùng nhau suy niệm về thái độ khiêm tốn của
anh mù ăn xin bên vệ đường gần thành Giêrikhô, nhưng vội vàng nắm lấy vận may
khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua và chân thành cầu xin: "Lạy con vua
Ðavít, xin thương xót con. Xin cho con được nhìn thấy". Và anh đã được
nhìn thấy ơn lành của Chúa và ca tụng Ngài.
Hôm nay, Giáo Hội trình bày cho chúng ta một cuộc gặp gỡ khác
nữa, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, người thu thuế. Cuộc gặp gỡ này
đã mang đến cho ông Dakêu ơn ăn năn trở lại và sự an vui trong tâm hồn mà ông
hằng mong ước.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, chúng ta thấy
có hai thái độ:
- Thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ
kẻ khác, không muốn cho kẻ khác gặp được Chúa, được ơn lành của Ngài và ăn năn
trở lại. Ðó là thái độ mà chúng ta nhìn thấy nơi những kẻ lẩm bẩm trách Chúa
đến trú ngụ và chia sẻ tình thân với ông Dakêu qua bữa tiệc: "ông này trú
ngụ tại nhà người tội lỗi và là tội lỗi nặng, đã bị cộng đồng chối từ loại
bỏ". Thái độ của họ cũng giống như thái độ của những người ngăn trở không
cho anh mù ăn xin bên vệ đường đến gặp Chúa Giêsu. Họ ngăn cản anh, bảo anh hãy
im đi. Liệu chúng ta có có thái độ giống như vậy hay không?
Chúng ta có thể tự phụ mình là người công chính mà khinh dễ
anh chị em chung quanh. Xét đoán anh chị em là kẻ tội lỗi và không đáng gặp
Chúa Giêsu, không đáng lãnh nhận ơn lành Ngài ban, không đáng được thông cảm để
trở về với Chúa và canh tân đời sống tốt đẹp hơn. Chúng ta có thái độ tự phụ
như vậy không? Không ai xấu xa mãi mãi đến độ không đáng hưởng nhận lòng nhân
từ và sự tha thứ của Chúa.
- Thái độ thứ hai là thái độ của ông Dakêu, người thu thuế
trưởng và giàu có. Hai chi tiết này không nhằm mô tả địa vị xã hội của ông, mà
mô tả tình trạng tinh thần của ông. Người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai, tội
phản bội quê hương, tội cộng tác với ngoại bang đế quốc Rôma thống trị và tội
gian lận tham nhũng tiền thuế, vì người thu thuế có quyền do người Rôma thống
trị ban cho là thu thuế cao mà chỉ góp cho chính quyền Rôma theo mức qui định
thấp hơn để có thể có lợi cho mình. Ông Dakêu là người thu thuế trưởng và giàu
có. Sự giầu có chứng minh là ông đã có hành vi bất chính để làm giàu, đó là thu
nhiều nộp ít để làm giàu. Ðối với người đồng hương của ông, hay những kẻ tự phụ
cho mình là người công chính mà khinh dễ kẻ khác, ông Dakêu là con người tội lỗi,
và tội của ông ta không thể tha thứ được nữa.
Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài vốn đến là để cứu chữa những
gì đã hư mất, thì ông Dakêu lại là nơi để thể hiện tình thương nhân từ của
Ngài. Nơi con người tội lỗi Dakêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ
mong ước được nhìn xem Chúa đi qua. Ðây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho
con người. Từ khao khát gặp được Chúa đến việc ăn năn trở lại, không có khoảng
cách không vượt qua được. Chúa Giêsu có thể vượt qua được khoảng cách này một
khi con người có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của ông Dakêu có thể
khuyến khích chúng ta trên con đường trở về với Chúa. Ông Dakêu đã thể hiện sự
trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa của cải cho anh chị
em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã gây
ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy hay không?
Lạy Chúa,
Chúng con đã nhiều lần dốc lòng với Chúa sẽ làm điều này, làm
việc kia để chứng tỏ đã được trở về với Chúa. Nhưng có thể chúng con không can
đảm, không nghiêm chỉnh đủ để làm như ông Dakêu đã làm. Xin cho chúng con đừng
bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa. Ơn Chúa mạnh hơn tội lỗi
nhưng chúng con phải cộng tác với ơn Chúa.
Lạy Chúa,
Xin thương giúp chúng con trở về với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Thánh Luca ghi lại câu
chuyện đời của ông Dakêu. Từ sâu thẳm lòng mình, ông có một khát khao là được
nhìn thấy mặt Đức Giêsu – vị ngôn sứ mà ông đã nghe đồn đãi rất nhiều. Nhưng có
một khó khăn là người ta vây quanh Đức Giêsu quá đông và ông lại quá thấp bé.
Chính sự khát khao mãnh liệt đã giúp ông tìm ra một giải pháp để vượt qua sự
cản trở. Ông trèo lên một cây sung phía trước để “đón đường” Đức Giêsu.
Và quả thật, trên cây
sung đó, ông đã thấy Đức Giêsu. Ước mong từ lâu giờ đã mãn nguyện. Nhưng không
những thế, ông còn nhận được một hạnh phúc gấp bội, đó là chính Đức Giêsu đã
thấy ông. Ông vui hơn nữa khi Đức Giêsu cất tiếng gọi ông. Ông ngây ngất hơn
nữa khi Đức Giêsu ngỏ lời muốn lưu lại nhà ông. Lòng ông tràn đầy sự phấn khởi
với những ơn vừa nhận được. Ông tự nguyện đền bù những bất công mà quá khứ ông
đã gây nên: “Tôi xin bố thí… Tôi xin đền gấp bốn”.
Hôm nay, lương tâm luân
lý cho tôi nhận ra còn bao điều bất ổn trong cuộc sống tôi, trong việc giữ đạo,
trong bổn phận thực thi bác ái … Và như Dakêu, tôi cũng muốn đổi đời, nhưng
phải chăng vẫn chưa đủ sức mạnh để hoán cải?
Mong sao, tôi dám trèo
lên cây sung của đời tôi: thánh lễ, cầu nguyện, các bí tích… với niềm tin trên
cây sung ấy, tôi sẽ thấy Chúa.
Mong sao, trên “cây sung
ân sủng” ấy, không những tôi sẽ thấy Chúa, mà còn được Chúa thấy tôi, được Chúa
gọi tên, ngỏ lời và lưu lại tại căn nhà tâm hồn tôi.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG MƯỜI
MỘT
Tiếng Gọi Chung Thủy
Được sinh ra
từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, hôn nhân tìm thấy luật nền tảng và giá trị
luân lý của nó trong một tình yêu đích thực giữa hai người. Cả vợ và chồng đều
hoàn toàn dấn thân để nâng đỡ nhau. Và xuất phát từ khát vọng chung của hai người
muốn sống trung thành với tình yêu của Thiên Chúa – là Đấng Sáng Tạo và là Cha
của mình – họ sinh ra sự sống mới. Sứ mạng mà họ lãnh nhận từ Thiên Chúa này
đòi hỏi họ phải có một sự dấn thân triệt để hơn nữa và một ý thức cao vượt hơn
nữa về những trách nhiệm của họ trong tư cách là con người và là Kitôhữu.
Họ phải
không ngừng tìm cách tận dụng các ân sủng tuôn chảy từ Bí Tích Hôn Nhân. Ân sủng
bí tích này thật cần thiết để giúp họ đương đầu với những thách đố của bao khó
khăn trong cuộc sống hằng ngày. Các đôi vợ chồng Kitôhữu tìm thấy ánh sáng và sức
mạnh để giải quyết những vấn đề riêng của họ nhờ ân sủng này. Họ có thể sống
triệt để một tình yêu đích thực và phổ quát – trước hết đó là tình yêu hướng về
Thiên Chúa, vì họ phải khao khát vinh quang của Ngài và nhiệt tình mở rộng Nước
Ngài; thứ hai, đó là tình yêu hướng về con cái họ trong ánh sáng của nguyên tắc
Thánh Phao-lô: “Tình yêu không tìm ích lợi cho riêng mình” (1Cr 13,5); và cuối
cùng, đó là tình yêu hướng về nhau trong đó người này tìm cách phục vụ người
kia và hiểu được những tâm tư nguyện vọng tốt lành của người kia. Ở đây không
có sự độc đoán hay ích kỷ chen vào trong ý hướng. Không, ở đây chỉ có một tình
yêu trọn vẹn và phổ quát.
Điều này giải
thích tại sao linh đạo vợ chồng đòi hỏi một nỗ lực triệt để về luân lý và sự
thánh thiện suốt đời. Nó phải được nuôi dưỡng bởi những niềm vui và những hy
sinh trong đời sống hằng ngày.
Những người
vợ và chồng, anh chị em đừng cảm thấy cô đơn trong sự dấn thân của anh chị em
cho các mục đích nói trên. Thật vậy, Công Đồng nhắc anh chị em rằng “Hôn Phu của
Giáo Hội đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitôhữu qua Bí Tích Hôn Phối. Ngài vẫn ở với
họ để – như Ngài đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội – họ cũng yêu
thương nhau bằng một tình yêu chung thủy” (MV 48). Anh chị em hãy sống tình yêu
chung thủy ấy, sự chung thủy được nâng đỡ bởi chính tình yêu của Chúa Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên
tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
19-11
2Mcb
6, 18-31; Lc 19, 1-10.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Da-kêu và Chúa Giêsu gặp nhau. “Đức
Giêsu nói với ông ta rằng: Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này
cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Lc 19,9).
Da-kêu là người đứng đầu những
người thu thuế, chỉ tò mò nhìn xem cho biết Chúa Giêsu là thế nào; mà khi gặp
được Chúa rồi thì ông đã tự hứa thay đổi đời sống. Còn chúng ta đã được chính
bí tích Rửa Tội, tẩy sạch mọi tội lỗi, được trở thành con Thiên Chúa, chi thể
trong nhiệm thể của Đức Kitô, là thành phần của Hội Thánh. Với ơn Chúa Thánh Thần,
với bí tích Thánh Thể. Chúng ta có sự biến đổi nên tốt chưa? Ước gì chúng ta được
lời chúc phúc của Chúa Giêsu: Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.
Mạnh Phương
19 Tháng Mười Một
Một Lỗ Nhỏ Trên Vách
Tường
Tại một trung tâm
bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi
người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn
khi được giúp đỡ.
Vị nữ tu coi sóc
trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo
dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách
trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và
mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông
xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt
xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong
trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:
"Người đàn bà ấy
chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy
tôi. Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một
cái hôn... Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa
tôi vào trung tâm này.
Nhưng vợ tôi đã
không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với
tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống...".
Tình
yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số
như một con người đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm
vui sống cho người chồng... Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được
yêu. Bất cứ ai cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêu... Bạn có biết rằng
có bao người đang cần một nghĩa cử, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông của bạn
không?
(Lẽ Sống)
Thứ Ba 19-11
Thánh Agnes ở Assisi
(1197-1253)
T
|
hánh Agnes là em ruột và
là người đầu tiên theo Thánh Clara. Sau khi Clara bỏ nhà đi tu thì hai tuần
sau, Agnes cũng bỏ nhà đi theo chị mình. Gia đình các ngài tìm cách ép buộc đưa
Agnes về. Họ cố lôi ngài ra khỏi tu viện, nhưng thật lạ lùng thân thể của ngài
bỗng dưng nặng chĩu khiến vài người đàn ông cũng không thể nhấc nổi. Người chú
của ngài là Monaldo định đánh ngài nhưng bỗng dưng ông bị tê liệt. Sau đó họ
phải để cho các ngài yên.
Agnes không thua gì
người chị của mình trong việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình trong thời gian ở
San Damiano. Năm 1221, một nhóm nữ tu dòng Biển Ðức ở Monticelli (gần Florence)
xin được trở thành các nữ tu Clara Nghèo Hèn. Thánh Phanxicô gửi Agnes đến làm
tu viện trưởng của tu viện này. Sau khi thiết lập các tu viện Clara Nghèo Hèn ở
vùng bắc nước Ý, Agnes được gọi về San Damiano năm 1253, khi Clara sắp sửa từ
trần.
Ba tháng sau khi Clara
từ trần, Agnes cũng đi theo chị mình.
Thánh Agnes được phong
thánh năm 1753.
Lời Bàn
Thiên Chúa chắc hẳn phải
ưa thích cảnh trớ trêu, vì thế giới đầy dẫy những điều ngược đời. Vào năm 1212,
ở Assisi chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng Thánh Clara và Agnes đã uổng phí cuộc
đời khi các ngài quay lưng lại thế gian. Trên thực tế, cuộc đời của các ngài
thực sự đã đem lại sức sống dồi dào, và thế giới được phong phú hơn nhờ gương
mẫu của các vị tu sĩ nghèo hèn ấy.
Lời Trích
Charles de Foucald, sáng
lập tu hội Tiểu Ðệ và Tiểu Muội của Chúa Giêsu, có viết: "Người ta phải
trải qua sự cô độc và thực sự sống ở đó để nhận được ơn sủng của Thiên Chúa.
Chính ở đó mà họ từ bỏ tất cả, gạt bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên
Chúa, có như thế họ mới dọn được căn nhà linh hồn chỉ để một mình Chúa ngự. Khi
làm như vậy, đừng sợ phản bội loài người. Ngược lại, đó là phương cách duy nhất
mà bạn có thể phục vụ họ cách hữu hiệu" (Raphaen Brown, Franciscan
Mystic, t. 126).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét