CHÚA NHẬT
24/11/2013
Chúa Nhật 34 Quanh
Năm Năm C
Lễ Chúa Kitô Vua
Bài
Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3
"Họ
xức dầu phong Ðavít làm vua Israel".
Trích
sách Samuel quyển thứ hai.
Trong
những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng:
"Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê
đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với
ngài rằng: 'Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh
Israel'".
Vậy
tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua
Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít
làm vua Israel.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Ðáp: Tôi vui mừng
khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).
Xướng:
1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà
Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.
2)
Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể.
Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.
3)
Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm
phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Cl 1, 12-20
"Người
đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh
em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng
lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi
quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng
ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.
Người
là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người,
muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù
là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo
thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại
trong Người.
Người
là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết,
để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn
nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người
đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Mc 11, 10
Alleluia,
alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavid tổ phụ
chúng ta đã đến. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 23, 35-43
"Lạy
Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu
được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa
tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và
nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên
đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người
Này Là Vua Dân Do Thái".
Một
trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu
ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên
kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao?
Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng
ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu
rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu
đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với
Ta".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Ðức Giêsu Làm Vua Trên Thánh Giá
Hôm
nay, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua. Giáo
hội muốn mừng trước lễ sẽ diễn ra và được cử hành cực kỳ long trọng vào lúc thời
gian tận cùng khi mà Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang thâu hồi tất cả tạo
vật được cứu độ đưa vào trong hạnh phúc trường sinh. Hơn nữa, Giáo hội muốn đặt
ngày trọng đại ấy trở nên ngọn Hải đăng chói sáng hướng dẫn con thuyền Hội
Thánh vượt biển trần gian mà không bao giờ lạc hướng... Nói cách khác Giáo hội
ao ước càng tiến xa trên đường đời chúng ta càng nhìn thấy ảnh hưởng và uy quyền
của Chúa Kitô càng ngày càng tỏ hiện cả chiều rộng và chiều sâu. Muốn như vậy
chúng ta phải hiểu rõ tước hiệu làm Vua và thực quyền thống trị của Chúa Kitô
là gì, để do đó chúng ta biết sống ở trong Nước Người và làm cho Nước Người
luôn lan rộng thêm.
1.
Ðavít, Hình Ảnh Báo Trước Về Chúa Kitô Vua
Bài
sách Samuel nhắc lại chuyện Ðavít đã trở thành vua Israel như thế nào. Nó cho
chúng ta biết nguồn gốc Vương Quyền của Chúa Kitô vì chính Người vẫn được dân Cựu
ước chờ đợi như là Con Vua Ðavít sẽ đến trị vì trên Dân Chúa.
Vậy
Ðavít bấy giờ mới chỉ là vua xứ Giuđa. Các chi tộc Israel ở phía Bắc vẫn chưa
công nhận Vương Quyền của ông. Họ còn lưu luyến nhà Saulê. Nhưng hai cuộc ám
sát xảy ra đã khiến họ đổi ý... Ishbaal con của Saulê bị sát hại sau khi vị tướng
của Israel là Abner bị giết. Ðầu mục các chi tộc kia liền đến Hêbron yết kiến
Ðavít và xin qui phục vương quyền của ông. Chúng ta hãy lưu ý những lý lẽ họ đã
đưa ra:
+
Ngài (tức là Ðavít) cũng là cốt nhục với chúng tôi.
+
Ngài đã từng là tướng triều Saulê, Vua nước chúng tôi.
+
Ngài đã được Thiên Chúa chọn để chăn dắt và lãnh đạo dân Người.
Ðó
không phải là lời lẽ của những người đầu hàng; nhưng là những lời có tính toán
và đặt điều kiện. Nói đúng hơn, những lời này cho thấy các đòi hỏi tiên quyết
nơi một vị Vua của Israel... Ông phải có cốt nhục với đồng bào của ông; ông đã
phải vào sinh ra tử cho Ðất nước của ông; và nhất là ông phải được Thiên Chúa
chọn; vì làm vua nơi dân Chúa không phải như nơi các dân tộc của những quốc gia
khác, nói đến Vua Chúa là phải nghĩ ngay đến cai trị và lãnh đạo. Còn nơi
Israel, làm vua trước hết là chăn dắt dân như mục tử và phải hiểu việc lãnh đạo
ở đây theo cung cách của kẻ chăn chiên.
Ðavít
hội đủ những điều kiện ấy. Ông là cốt nhục với Israel. Ông đã vào sinh ra tử
khi còn ở triều đình Saulê để chống quân Philitinh. Và ông đã được xức dầu là
chứng Thiên Chúa đã chọn ông và ông đã nhận được thần trí của Thiên Chúa... Người
ta không sợ ông sẽ dùng quyền cai trị như các bạo chúa thời xưa. Bản thân ông
đã là mục tử. Dáng điệu của ông hiền lành khiêm nhu. Mọi nơi đều ca ngợi lòng
quảng đại của ông ngay đối với cả địch thù.
Ðavít
hiểu ý các đầu mục Israel. Ông chấp nhận ý kiến của họ và ông ký kết với họ một
giao ước ở Hêbron, trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã xức dầu tấn phong ông làm
vua các chi tộc ở phía Nam.
Chúng
ta có thể thắc mắc vì sao có thể xức dầu cho Vua mình được. Nhưng xức dầu ở đây
chỉ là nghi thức công nhận quyền làm Vua của vị đã được xức dầu. Chính lần được
xức dầu do "Người của Thiên Chúa", tức là do vị tiên tri của Người mới
đáng kể. Và Ðavít đã được Samuel xức dầu ân sủng đó khi Thiên Chúa đã quyết định
từ bỏ Saulê. Kể từ ngày đó Ðavít đã là Người Chúa chọn và đã mang thần trí của
Người. Hôm nay các đầu mục Israel làm lại nghi thức xức dầu không phải để ban
ân sủng cho Ðavít nhưng để công nhận ân sủng đã có sẵn ở nơi ông. Và tất cả những
điều này đều có ý nghĩa để nói về Chúa Kitô Vua. Người đã được Thiên Chúa xức dầu
Thánh Thần... nhưng có thể nói, một cách mầu nhiệm quá như trường hợp của Ðavít
tại nhà ông, trong vòng thân mật và kín đáo, lúc ông còn nhỏ tuổi. Và cũng như
Ðavít phải vào sinh ra tử cho dân trước khi được dân công nhận, thì Ðức Kitô
cũng phải đi qua khổ nạn mới đạt tới vinh quang.
Ở
đây chúng ta không thấy nói rõ Ðavít đã kết ước với Israel như thế nào. Nhưng
theo ý dân đã biểu lộ trong dịp xức dầu đặt Saulê làm Vua (1S. 8,10-17), các đầu
mục Israel hẳn đã nhấn mạnh đến việc Ðavít phải xuất chinh đi trước và giao chiến
các cuộc chiến của họ. Cũng như theo những sự việc xảy ra sau này, dường như họ
chỉ công nhận vương quyền của Ðavít nhưng chưa muốn sát nhập với Giuđa và cũng
chẳng hứa sẽ tùng phục người kế vị Ðavít. Tức là họ chỉ công nhận Ðavít là Vua
của họ khi Ðavít hứa luôn xuất chinh đi trước họ.
Những
điều này cũng vậy sẽ cho chúng ta nhiều yếu tố để tìm hiểu vương quyền của Chúa
Kitô. Có thể nói vương quốc của Người chỉ có ở nơi Người. Cũng như vương quốc của
Ðavít chỉ có ở nơi Ðavít vì Israel và Giuđa một phần nào vẫn chưa muốn hoàn
toàn là một Nước như ở nơi chúng ta còn quá nhiều yếu tố cách biệt và chia rẽ.
Và vương quyền mà Israel công nhận nơi Ðavít, họ không sẵn sàng công nhận nơi
người kế vị thành ra đó là vương quyền không chia sẻ và truyền ngôi. Ðiều này
cũng cho thấy trước tính cách bất khả chia sẻ của vương quyền nơi Chúa Kitô.
Nhưng điều chú ý nhất trong giao ước ký kết giữa Ðavít và Israel là buổi lễ được
đặt trước nhan Thiên Chúa, để công nhận việc giữa loài người với nhau chỉ có
giá trị nếu Thiên Chúa đảm bảo. Chính Người là cánh tay xây dựng mọi công trình
tốt đẹp của loài người, và nếu Người không xây thì công việc của các tay thợ nề
đều vô ích và luống công. Nước của Chúa Kitô Vua cũng vậy. Ðó là công trình của
Thiên Chúa và hoàn toàn lệ thuộc Người; nên không thể lấy các quan niệm về những
vương quốc thế gian mà hiểu. Chúng ta phải có những quan niệm của Thiên Chúa để
hiểu về Nước Chúa Kitô. Và vì thế chúng ta không sợ nói đến tước hiệu Vua Kitô ở
bất cứ hoàn cảnh nào vì Nước của Người không thuộc về thế gian này nên không được
hiểu theo lẽ thế gian.
Dù
sao bài sách Samuel hôm nay cũng đã cho chúng ta thấy một trường hợp làm vua rất
đặc biệt. Câu chuyện Ðavít được công nhận làm Vua có nhiều yếu tố giúp chúng ta
hiểu trường hợp làm Vua của Chúa Kitô. Ông Vua mục tử Ðavít đầy nhân ái và đạo
đức đã là hình ảnh báo trước về Vua Thiên Sai sẽ đến cứu dân và xây hạnh phúc
cho dân Chúa. Cả hai đã được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng vương quyền của cả
hai đều phải vào sinh ra tử cho dân mới được dân công nhận. Không phải rồi sau
đó cả hai vương quyền đều đã trị vì trên dân theo kiểu các quyền bính thế gian,
nhưng vai trò của các người là bảo hộ bênh vực để dân Chúa được bình an và hạnh
phúc. Vương quyền ấy là quan hệ giữa người với người hơn là biểu thị thành thể
chế có thể nhìn thấy được vì Nước của Ðavít cũng chỉ rõ ràng ở nơi ông mà thôi.
Chúng
ta ghi nhận những tư tưởng này để xem Ðức Kitô đã thể hiện hình ảnh báo trước về
vương quốc của Người như thế nào?
2.
Ðức Giêsu Làm Vua Trên Thánh Giá
Ai
cũng biết suốt đời Ðức Giêsu chẳng có vẻ gì là một ông Vua. Người còn nhất mực
từ chối mỗi khi dân chúng có ý tưởng tôn Người làm Vua. Nhưng bỗng dưng Người
có một thay đổi bất ngờ. Hôm vào Giêrusalem, Người muốn tỏ ra mình là một ông
vua thái hòa. Người cỡi lừa, ung dung để cho người ta lấy lá, lấy áo lót đường
cho Người đi, và Người chấp nhận để cho người ta tung hô mình là Con Vua Ðavít,
vua của Israel.
Nhưng
trong cuộc rước ấy, Người vẫn âm thầm. Và Người cũng không có một cử chỉ hoàng
đế nào trong dịp nô nức ấy. Thế rồi Người bị nộp, bị trói, bị đánh, bị điệu ra
trước tòa. Chính ở đây và từ đây Người mới có thái độ làm vua.
Chúng
ta hãy hạn chế tư tưởng trong khuôn khổ bài Tin Mừng hôm nay. Có quá nhiều yếu
tố để chúng ta còn phải đi tham khảo ở những nơi khác trong Kinh Thánh.
Ðức
Giêsu bấy giờ đã bị đóng đinh trên thập giá ở giữa hai tên gian phi. Như để cho
người ta thấy Người không phải như hai kẻ kia, tác giả Luca lập tức đã viết rằng:
"Bấy giờ Ðức Giêsu nói: Lạy Cha xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết
việc chúng làm". Lời nói này khẳng định vị trí của Ðức Giêsu không những ở
giữa hai tên gian phi, mà còn ở giữa tất cả mọi người. Cả nhân loại là tội
nhân, duy mình Người là Ðấng Công Chính có khả năng cầu xin ơn tha tội cho mọi
người hết thảy.
Xếp
đặt vị trí xong, tác giả Luca lần lượt cho chúng ta thấy thái độ của mọi hạng
người... Trước hết có dân. Họ đứng nhìn. Luca có cảm tình với họ. Ông không coi
họ là đám dân chúng đã la ó xin đóng đinh Ðức Giêsu. Ông gọi họ là dân để tỏ ý
coi họ như dân Chúa, dân mà Chúa muốn cứu vớt và tha thứ tội. Họ đứng nhìn để
xem công việc của Thiên Chúa. Họ thấy gì?
Các
đầu mục thì nhạo báng mà rằng: nó đã cứu những ai khác, thì nó hãy cứu lấy mình
nếu nó là Ðức Kitô của Thiên Chúa, Ðấng đã được chọn. Họ tỏ ra thông thái,
nhưng thật ra sự thông thái này lại lên án họ vì đó là sự thông thái mù tối. Họ
biết Ðức Giêsu đã cứu chữa nhiều người.
Ðó
là dấu sức mạnh của Thiên Chúa đậu ở nơi Người. Người thật là Ðấng Kitô, là vị
được Thiên Chúa chọn. Lẽ ra họ phải bắt chước các đầu mục Israel ngày xưa khi
biết Thiên Chúa đã chọn Ðavít thì đến công nhận vương quyền của ông. Ðàng này họ
chưa coi việc Ðức Giêsu cứu vớt những người khác là dấu hiệu chắc chắn. Họ muốn
Người cứu chính mình nữa và coi hành vi này mới có giá trị quyết định. Họ đúng
là kẻ thông thái mù quáng, khôn ngoan theo lẽ thế gian xét mọi việc không ở dưới
khía cạnh bác ái và cứu thế nhưng theo mức độ ích kỷ và vinh thân. Vì hẹp hòi
và xấu bụng, họ không ngờ đã muốn cho vị hoàng đế của dân Chúa cũng phải như họ
là ích kỷ và trước hết phải lo cho bản thân mình. Họ không xứng đáng với Ðức
Giêsu.
Hạng
người thứ ba cũng giống như họ. Ðó là lính tráng, những người Rôma đến cai trị
Do Thái. Họ tiêu biểu cho lương dân ở dưới chân thập giá Ðức Giêsu. Họ không thể
có suy nghĩ cao thượng hơn các đầu mục Do Thái. Họ muốn rằng: nếu là vua Do
Thái, thì Người phải cứu lấy mình. Tâm tư của hai hạng người trên, của cả Do
Thái lẫn lương dân, được phụ họa đúc kết và vọng lên một cách mãnh liệt trong lời
mắng nhiếc của một trong hai kẻ gian phi: "Phải chăng mày là Kitô, hãy cứu
lấy mình và chúng ta với".
Ðó
là lời thách thức ghê tởm. Nó bộc lộ luận lý khôn ngoan của loài người tội lỗi.
Phải nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác. Còn đâu ý nghĩa phục vụ? Câu
"mục tử tốt thí mạng vì đàn chiên" còn ý nghĩa nào nữa? Và những câu
như: "Ai tìm sự sống mình thì sẽ mất" bây giờ ở đâu? Người ta chưa hiểu
Ðức Giêsu. Người ta quên hình ảnh Vua Ðavít chịu oan uổng trong đền vua Saulê.
Người ta không nhớ các lời tiên tri nói về Người Tôi Tớ đau khổ sẽ thống trị.
Bao nhiêu lời Kinh Thánh báo trước về vua thiên sai, vua hòa bình, vua cứu thế
dường như đã vô ích hoàn toàn.
Không,
tiếng nói của kẻ tội lỗi to thật, dữ thật, nhưng không phải là tiếng nói cuối
cùng. Kẻ gian phi bị treo ở phía bên kia đã lên tiếng: "Mày không kính sợ
Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cũng mắc đồng một án?" Nghĩa là đây là lúc để
nhớ đến Thiên Chúa và kính sợ Người, lúc người ta gặp hoạn nạn, đau thương và
nhất là sắp chết. Không được lăng mạ, lộng ngôn hay nói lời nào hư hốt nữa. Phải
có tình liên đới, phải biết nhận lỗi mình và cầu xin ơn tha thứ. Thế nên, người
ấy đã nói tiếp: chúng ta đáng tội, nhưng, Người không hề làm điều gì trái.
Vì
sau người ấy đã nói được như vậy? Vì đã có giờ quan sát Người trên đường thập
giá hay vì từ nãy đến giờ đã nghe lời những hạng người kia. Họ trách mắng Người,
nhưng bao giờ cũng để hở ra những tư tưởng thật đáng suy nghĩ. Tất cả đều đã mở
miệng bằng những câu: nếu là Kitô, nếu là Ðấng Thiên Chúa chọn, nếu là vua Do
Thái..., vì sao lại nghi vấn như thế? Và hết thảy đều đã tha thiết muốn thấy ơn
cứu độ, nên đã nói: hãy cứu lấy mình, hãy cứu lấy chúng ta nữa.
Chúng
ta không dám quyết người kia đã có thể suy nghĩ như vậy để có thể làm một bước
"liều" mà đa số những người kia chưa gần sự chết và chưa thấy khẩn
trương cầu ơn cứu độ nên đã không làm được. Còn người này, giống như Pascal
nói, có liều cũng chỉ có lợi chứ không thiệt gì. Nên y đã liều tin Ðức Giêsu là
công chính và đã diễn tả niềm tin dấn thân ấy trong câu: Lạy Ðức Giêsu, xin nhớ
đến tôi khi Ngài đến trong Nước của Ngài: Y trông cậy sự bảo hộ, chiếu cố của
Người một cách thật cảm động và thành khẩn. Và Ðức Giêsu đã nói với người ấy:
"Quả thật, Ta bảo ngươi: hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với
Ta".
Ðây
không phải là lời lẽ của chính Thiên Chúa ư? Ðã bao lần trong cuộc sống, khi lấy
uy tín của Thiên Chúa để giảng dạy, Ðức Giêsu đã bắt đầu tuyên bố bằng câu:
"Quả thật, Ta bảo các ngươi". Người tuyên bố bình thản, chắc chắn.
Người nói là làm, nên mới có chữ: "hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm
một với Ta". Người dùng kiểu nói: "ở trên thiên đàng làm một với Người"
để đáp lại lời xin được Người nhớ đến khi Người đến trong Nước của Người, khiến
chúng ta thấy lòng quảng đại của Người vượt quá lời xin của Người kia. Anh ta
chỉ xin Người nhớ đến anh; nhưng Người đã cho anh ở làm một với Người. Anh chẳng
hiểu rõ Nước của Người là gì; nhưng Người đã cho anh biết đó là thiên đàng nơi
người công chính được hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa.
Vậy,
Ðức Giêsu thật là vua. Người làm vua trên thánh giá, tức là trong hành vi trở
thành của lễ đền tội mọi người. Ai không bỏ mình mà tin Người thì không được cứu
độ. Còn ai kính sợ Thiên Chúa mà tin thì được đưa vào Nước của Người. Người thực
hiện các lời tiên tri về vua thiên sai, vua hòa bình, vua cứu thế quá sự chờ
mong của mọi người, vì trên thánh giá, không những Người là Vua mục tử hơn
Ðavít mà còn là Người Tôi Tớ đau thương của Thiên Chúa sẽ thống trị địa cầu.
Tuy
nhiên thành thật mà nói bài Tin Mừng của Luca chưa nói hết mọi khía cạnh về việc
Chúa Kitô làm vua đâu. Còn một khía cạnh rất quan trọng phải đi đôi với khía cạnh
cứu chuộc mà Luca chưa nói và không có điều kiện để nói ở đoạn văn này... Bài
thư Phaolô hôm nay bổ khuyết cho chúng ta.
3.
Ðức Giêsu Là Ðệ Nhất Vô Song
Phần
lớn đây là một khúc trong ca vãn về Chúa Kitô. Phaolô viết gởi giáo dân Colôsê
đang bị dao động về đức tin. Có nhiều người đến nói với họ rằng: Chúa Kitô
không phải là đệ nhất vô song đâu? Còn có các thiên phủ, ông sao này, ông sao
kia; và còn có nhiều bậc tiên tri và giáo chủ khác. Phaolô nói với giáo dân
Colôsê, đừng tin những chuyện nhảm nhí ấy; và hãy tạ ơn Thiên Chúa đã kéo chúng
ta ra khỏi quyền lực tối tăm và chuyển chúng ta vào Nước của Con chí ái Người.
Rồi Phaolô làm chứng Ðức Kitô là vua vì vừa sáng tạo vừa cứu chuộc.
Chúng
ta không cần nhấn mạnh lý lẽ sau vì hai bài Kinh Thánh trên đã cho thấy Ðức
Giêsu là vua trong mầu nhiệm cứu thế, gỡ dân ra khỏi tội lỗi. Ở đây chúng ta chỉ
cần nhớ: Phaolô chú ý đến việc phục sinh. Chính mầu nhiệm sống lại đã làm Ðức
Giêsu trở thành trưởng tử giữa các vong nhân để ai theo Người và nhận sự lãnh đạo
của Người và sẽ được Người cho khỏi chết trong tội lỗi mà được sống lại trong
ân sủng.
Nhưng
ở đây chúng ta phải để ý nhất là đến địa vị của Ðức Giêsu là trưởng tử giữa mọi
thụ sinh. Thực tế Người đã không sinh ra trước hết mọi loài đâu. Người là con
vua Ðavít mà! Nhưng tuy đã không sinh ra trước hết, Người vẫn là trưởng tử giữa
mọi thụ sinh, vì mọi sự đều được tạo thành nhờ Người và cho Người. Không những
Người là lý do để Thiên Chúa dựng nên tất cả, như Thiên Chúa đã dựng nên vạn vật
vì con người, và con người Adong cũng chỉ là hình ảnh của con người Giêsu Kitô;
nhưng hơn nữa chính trong Người mà vạn vật được tác thành, dù là thiên tòa,
thiên phủ... Như vậy tất cả đều là của Người, Người là vua vũ trụ. Vạn vật là
chiên của Người. Những chiên này vì tội lỗi đã xa lạc, Người đã thí mạng để chuộc
chúng lại và làm vua chúng một lần nữa sau khi đã là vua chúng vì đã tạo dựng
nên chúng.
Chúng
ta và thụ tạo ngày nay chỉ có thể lại được sự sống của Người khi chấp nhận lễ
hy sinh của Người là mục tử tốt ở nơi thập giá... Chính Người đã tạo điều kiện
thuận lợi cho chúng ta nơi bàn tiệc thánh thể. Ở đây nếu chúng ta có lòng thống
hối ăn năn và cầu xin tin tưởng như "người trộm lành", chúng ta sẽ được
ân sủng của Người, được chính Người cho ta được làm một với Người, để Người là
Ðầu của thân thể ta, giúp ta thánh hóa thêm tâm hồn và đời sống, làm cho ảnh hưởng
và Nước Người lan rộng thêm. Ðó là mục tiêu chúng ta phải nhắm tới trong ngày lễ
Chúa Kitô Vua hôm nay.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 34 Thường
NiênC, Lễ
Chúa Kitô Làm Vua
Bài đọc: 2 Sam 5:1-3; Col
1:12-20; Lk 23:35-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chỉ có Đức Kitô xứng đáng làm Vua các tín hữu.
Con
người muốn có một vị vua tài đức vẹn toàn để xét xử công minh và cai trị dân
chúng trong công bằng và thương yêu; nhưng họ không tìm được một vị vua nào lý
tưởng như thế trên trần gian này. May mắn cho con người, Thiên Chúa đã sửa soạn
sẵn cho con người một vị Vua uy quyền và tài đức để cai trị con người suốt đời
ngay từ đầu của lịch sử Cứu Độ.
Các
bài đọc hôm nay giới thiệu cho con người vương quốc lý tưởng của Đức Kitô trên
trời. Trong bài đọc I, vua David được coi là vị vua lý tưởng nhất của người Do-thái,
vì vua có khả năng qui tụ tất cả 12 chi tộc Israel, thống nhất lãnh thổ và mở
mang bờ cõi. Người Do-thái vẫn hằng mong có một vị anh quân như thế xuất hiện để
làm vua cai trị họ. Trong bài đọc II, tác giả Thư Colossae cung cấp những suy
tư thần học về vương vị và vương quốc của Đức Kitô và những đặc quyền các tín hữu
được hưởng qua cái chết và sự sống lại của Vua Kitô. Chính Ngài đã giải thoát
dân Ngài khỏi nô lệ của tội và quyền lực của ma quỉ, mang họ vào vương quốc đầy
ánh sáng, và làm Vua cai trị họ muôn đời. Trong Phúc Âm, Đức Kitô chiến thắng tội
lỗi và sự chết bằng cái chết khổ nhục trên Thập Giá và sẵn sàng tiếp nhận vào
vương quốc những ai nhận ra và tin tưởng vào vương quyền của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Chúng tôi đây là cốt nhục của Ngài, xin Ngài hãy làm Vua cai trị chúng tôi.
1.1/
David được xức dầu tấn phong làm vua Israel.
Sau
thời các Thủ Lãnh, các kỳ mục tập họp và đến cùng ngôn sứ Samuel để xin ông cho
họ có một vị vua như các nước láng giềng để cai trị và dẫn đầu ra nghinh chiến
mỗi khi có chiến tranh. Ông Samuel rất buồn, vì làm như thế là chống lại uy quyền
làm vua của Thiên Chúa. Sau khi tham khảo với Thiên Chúa và báo trước cho dân
biết những điều thiệt hại họ phải chịu khi có một vị vua con người, ông đã xức
dầu phong vương cho Saul là vị vua đầu tiên của Israel; nhưng Saul đã không đẹp
lòng Thiên Chúa. Ngài truyền cho Samuel đến nhà ông Jesse tại Bethlehem để xức
dầu phong vương cho David, người con út đang chăn chiên ngoài đồng.
Khi
David được tiên tri Samuel xức dầu làm vua, ông chỉ cai trị 3 chi tộc miền Nam
là Ephraim, Judah, và Benjamin. David cai trị họ trong 7 năm tại Hebron. Vua
David là một người biết kính sợ Đức Chúa, có tài quân sự, chinh phục được thành
Jerusalem nổi tiếng là không thể tấn công, có tài lãnh đạo và cai trị dân
chúng. Khi các chi tộc khác nghe tiếng vua David, toàn thể các chi tộc Israel đến
gặp vua David tại Hebron và thưa: "Chúng tôi đây là cốt nhục (xương và thịt)
của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Saul làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài
đã chỉ huy các cuộc hành quân của Israel. Đức Chúa đã phán với ngài:
"Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo
Israel."”
Vua
David lập giao ước với họ tại Hebron, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn
phong David làm vua Israel. Chỉ trong thời vua David, toàn thể chi tộc Israel
đoàn tụ và liên kết với nhau để mở mang bờ cõi. Đối với những người Do-thái, họ
vẫn coi vua David là vị vua lý tưởng, và triều đại của David được coi như thời
hoàng kim của dân tộc Israel. Vua David chọn Jerusalem làm kinh đô của vương quốc
mới, Israel và Judah.
1.2/
Đức Kitô là Vua theo dòng dõi của David: Sau triều đại của David, vương quốc bị chia đôi vào
cuối thời vua Solomon, và bắt đầu xuống dốc từ đó. Người Do-thái vẫn mong chờ
có một vị vua theo phong cách của David để làm vua cai trị họ.
Các
ngôn sứ đã loan báo và Thánh Vịnh đã nhiều lần nhắc tới Đấng Thiên Sai sẽ xuất
thân từ dòng tộc David. Ngài sẽ đến để liên kết 12 chi tộc của Israel và sẽ làm
vua cai trị họ đến muôn đời. Triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận. Các ngôn sứ
cũng tiên báo Đấng Thiên Sai không chỉ làm vua dân Do-thái, nhưng còn tất cả mọi
dân tộc trên địa cầu. Jerusalem được chọn để trở thành nơi mà Đấng Thiên Sai sẽ
tập họp các dân tộc.
2/
Bài đọc II:
Quyền lực và vương quốc của Đức Kitô.
2.1/
Đức Kitô đến để giải thoát dân Ngài: Theo thói quen của người xưa, sau khi chiến thắng,
nhà vua có quyền đem mọi người bị đánh bại về vương quốc của mình. Đó là lý do
tại sao dân Do-thái miền Bắc bị bắt lưu đày qua Assyria vào năm 721 BC, và miền
Nam bị bắt lưu đày qua Babylon năm 587 BC. Tác giả Thư Colossae cũng áp dụng
thói quen này vào chiến thắng của Đức Kitô. Ngài đã giải thoát các tín hữu:
(1)
Từ chốn tối tăm đến nơi đầy ánh sáng: Sống trong thế gian, con người bị bao vây bởi mọi thứ
bóng tối là những hiểu biết sai lầm. Đức Kitô là ánh sáng, Ngài đến để chiếu
sáng con người bằng cách mang sự thật và những mặc khải của Thiên Chúa.
(2)
Từ chỗ nô lệ đến chỗ tự do: Con người phạm tội và làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Đức Kitô
đến để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi và dẫn đưa chúng ta vào
vương quốc vinh hiển và muôn đời của Ngài.
(3)
Từ chỗ bị luận phạt vì tội lỗi đến chỗ được hòa giải: Phạm tội là phải đền
tội. Đức Kitô đến để gánh tội cho con người và hòa giải con người với Thiên
Chúa; vì thế, “trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.”
(4)
Từ vương quốc của Satan đến vương quốc của Đức Kitô: Trước khi Đức Kitô
đến, Satan thống trị thế giới con người. Đức Kitô đến đánh bại tội lỗi và sự chết
là quyền lực của Satan để đưa con người vào vương quốc của Ngài trên trời.
2.2/
Tương quan giữa Vua Kitô và các tín hữu: Có một ý nghĩa rất thâm sâu trong mối tương quan giữa
Vua Kitô và các tín hữu mà tác giả Thư Colossae đã cung cấp chất liệu cho chúng
ta suy tư, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ tương quan bên ngoài như vua và dân.
(1)
Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa, nhờ Ngài mà toàn thể vũ trụ được tạo thành: Đây là quan niệm mà
các Sách Khôn Ngoan (Pro, Wis, Bar) và Gioan (Prolog) khai triển. Đức Kitô là
Thiên Chúa. Ngài là Vua không phải chỉ của con người mà còn là Vua vũ trụ. Tất
cả quyền lực trên trời hay dưới đất, hữu hình hay vô hình, đều tùy thuộc vào uy
quyền của Ngài. Thư Colossae diễn tả bằng những lời như sau: “Thánh Tử là hình ảnh
Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người,
muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là
hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do
Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.” Con người phải nhận Đức Kitô là
Vua vì họ được Ngài dựng nên, là “huyết nhục” của Ngài.
(2)
Đức Kitô gìn giữ muôn vật được tồn tại: Ngài không chỉ là nguyên do tạo thành, Ngài còn là
nguyên do tồn tại. “Tất cả đều tồn tại trong Người.” Các tín hữu được tồn tại bằng
các ơn thánh Đức Kitô đã thiết lập qua các bí tích: “Người cũng là đầu của thân
thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh.” Lẽ ra con người bị hủy diệt vì tội lỗi của họ;
nhưng Đức Kitô đã tình nguyện hy sinh chịu chết để gánh lấy tội lỗi cho con người,
vì thế, con người không bị hủy diệt.
(3)
Đức Kitô làm cho con người và muôn loài tìm được cùng đích của mình: Ngài đã phục sinh
khải hoàn. Ngài là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại, và con
người sau khi đã hòa giải với Thiên Chúa, cũng được đưa vào vương quốc của Đức
Kitô để được Người làm Vua cai trị muôn đời.
(4)
Ngài không chỉ cai trị thân xác, nhưng còn trong tâm hồn con người: Để vương quốc thực
sự có bình an, không phải chỉ cần vua tài đức thương yêu, mà còn cần dân chúng
biết vâng lời và thương yêu nữa. Không vị vua loài người nào có thể cai trị
trong tâm hồn con người, chỉ có Đức Kitô có uy quyền làm việc đó. Ngài phải cai
trị cả tâm hồn thì vương quốc của Ngài mới là vương quốc của bình an và yêu
thương được.
Nói
tóm, chỉ một mình Đức Kitô vừa là Vua vừa là Chúa của muôn loài mới hội đủ tất
cả đặc tính của một anh quân để cai trị con người muôn đời mà thôi.
3/
Phúc Âm:
"Đây là vua người Do-thái."
3.1/
Đức Kitô chọn con đường đau khổ làm Vua qua để giải thoát dân: Có hai điều trong
trình thuật hôm nay tuy con người không muốn; nhưng sự quan phòng khôn ngoan của
Thiên Chúa để cho xảy ra như vậy.
(1)
Đức Kitô làm Vua người Do-thái: Bản án trên đầu Chúa Giêsu viết bằng ba thứ tiếng:
Latin, Do-thái và Hy-lạp. Làm sao một tử tội chết khổ nhục như thế có thể trở
thành vua của người Do-thái? Đó là lý do các nhà lãnh đạo của người Do-thái khiếu
nại: Xin đừng viết "Đây là vua người Do-thái;" nhưng hãy viết “Người
này tự xưng mình là vua người Do-thái." Vua Herode trả lời: “Điều gì ta đã
viết là đã viết.”
(2)
Đức Kitô giải thoát con người khỏi quyền lực thần chết: Để cứu muôn người
khỏi tội và khỏi chết, Đức Kitô phải cứu chính Ngài. Quân lính, dân chúng, và
thủ lãnh chế nhạo và thách thức Chúa Giêsu hãy cứu chính mình trước để họ tin.
Họ không thể ngờ Thiên Chúa sẽ giải thoát Ngài khỏi cái chết bằng cách cho Ngài
được phục sinh vinh hiển.
3.2/
Vương quốc của Đức Kitô chỉ dành cho những ai nhận ra và tin vào Ngài: Đây là điều kiện
duy nhất phải có để được làm công dân của Đức Kitô. Chỉ trong trình thuật của
Lucas, chúng ta có câu truyện con người lựa chọn phần thưởng hay bản án cho
chính mình dưới chân Thập Giá.
(1)
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu
người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là
người được tuyển chọn!"
Lính
tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói:
"Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!" Một trong hai tên
gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng
Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!"
(2)
Lời hứa cho anh trộm “lành:” Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt,
vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích
đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" Rồi
anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ
đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ
được ở với tôi trên Thiên Đàng." Đức Kitô có thể hứa câu: "Tôi bảo thật
anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" cho bất cứ ai đặt niềm
tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chỉ có Vua Kitô xứng đáng cai trị, vì Ngài đã dựng nên, cứu chuộc, đưa vào
vương quốc và làm chủ tâm hồn các tín hữu. Trong vương quốc của Đức Kitô, sẽ
không còn đau khổ, không còn chết chóc, không còn bất công. Ngài sẽ cai trị
chúng ta đời đời trong công bằng và thương yêu.
-
Điều kiện duy nhất để làm công dân của Đức Kitô là hãy học hỏi để nhận ra và
tin tưởng vào Ngài. Xin cho “Nước Cha trị đến” là một nguyện ước trong Kinh Lạy
Cha mà chúng ta đọc hàng ngày. Điều này chỉ có thể hiện thực khi chúng ta làm
cho mọi người tin vào Đức Kitô.
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
24/11/13 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – C
Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Lc 23,35-43
Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Lc 23,35-43
NGAI CỦA VUA VŨ TRỤ
Một trong hai tên gian phi bị
treo trên thập giá thưa với Đức Giêsu: “Lạy Ngài, khi vào Nước Ngài, xin nhớ đến
tôi !” Đức Giêsu đáp :”Ta bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên
thiên đàng.” (Lc 23,42-43)
Suy niệm: Thánh Athanasiô nói: Thánh giá chính là ngai
Đức Giê-su ngồi dạy chúng ta. Ngài dạy ta chống lại cơn cám dỗ muốn rút lui
khỏi thập giá. Ngài dạy ta tha thứ cho kẻ thù. Đặc biệt, Đấng hấp hối lại hứa
với người trộm lành: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi
trên Thiên Đàng.” Lúc
đó, thập giá trở thành ngai của Đức Kitô Vua Vũ Trụ. Khi Ngài yêu thương, tha thứ, đem
lại ơn hoán cải cho người trộm lành, mở rộng cánh cửa Vương Quốc Nước Trời,
chính là lúc Ngài biểu lộ Vương Quyền của mình hơn cả. Một vị Vua vì yêu nên
đến sống với thần dân, vì yêu nên chết cho thần dân, và cũng vì yêu nên sống
lại để đưa thần dân đến hưởng hạnh phúc muôn đời với mình.
Mời Bạn: Mừng
lễ Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ nào có ý nghĩa gì nếu trước hết, bạn không tôn
Ngài là Vua của vũ trụ lòng bạn. Vậy bạn hãy chọn Chúa Kitô làm vua của lòng
bạn. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bạn hãy là một thần dân tuân phục vị vua
nhân lành ấy.
Sống Lời Chúa: Học
hỏi tinh thần Vua Giê-su qua Phúc Âm và tìm mọi cách đưa tinh thần ấy vào mọi
lĩnh vực của cuộc sống: hôn nhân, gia đình, xã hội, bạn bè, lao động,…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Vua Vũ Trụ, nếu Chúa là Vua của hơn bốn trăm
ngàn linh mục, là Vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu, là Vua của một tỉ người Công
giáo, thì thế giới này sẽ đổi khác. Ước gì chúng con chấp nhận để Chúa làm vua
đời mình và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Chúa
Kitô Vua Tình Yêu
Giáo
hội Kitô giáo luôn luôn kết thúc năm phụng vụ với lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ.
Lễ
Chúa Kitô Vua chỉ mới được thiết lập vào năm 1925 mà thôi. Trong cuộc đời Chúa
Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự
bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang. "Mọi quyền hành trên trời dưới đất
đã được trao ban cho Ta". Đó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước
khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Như vậy, ngày lễ
Chúa Thăng Thiên có thể nói là ngày mừng kính vương quyền của Chúa Giêsu Kitô một
cách phù hợp hơn cả. Thế nhưng tại sao Giáo Hội lại mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua
vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ?
Năm
phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Thiên Chúa và cuối cùng trở
về với Ngài. Thiên Chúa là khởi đầu và là cuối cùng của lịch sử. Kết thúc năm
phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến cùng
đích tột cùng là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh
quang. Trong viễn cảnh này thật là điều thích hợp cho việc Giáo Hội mời gọi con
cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Ngài đã nhập thể làm người
trong một lịch sử dân tộc, cụ thể để thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử
con người, và kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa luôn luôn được phát triển, được
lan rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến và đưa tất
cả về cùng Thiên Chúa Cha.
Chúa
Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua
Đavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu
sinh động. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của
Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến
tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực. Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu
thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột
đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối
với con người.
Chúa
Giêsu Kitô là vua khi Người bị treo lên thập giá. Thiên Chúa đã
dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá
Chúa dòng chữ: "Đây là Vua dân Do Thái". Thiên Chúa đã muốn dùng hành
động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mạc khải cho con người một sự
thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giêsu Kitô là Vua. Ngài trổi vượt lên
trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã
thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương
con người để cứu rỗi con người.
Truyện
cổ tích Ai-len có kể lại một nhà vua không có con nối dòng. Muốn đi tìm hoàng tử
để truyền ngôi lại cho, và chỉ có một điều kiện duy nhất mà vị hoàng tử phải có
là chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và đối với con người ở mức độ
cao nhất. Nhiều người đã đến trình diện với nhiều cách, nhiều bằng chứng về
tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em xung quanh, nhưng những
bằng chứng đó không có sức thuyết phục nhà vua. Cuối cùng, có một chàng thanh
niên đến trình diện với một bộ đồ cũ rách. Chàng thanh niên này được nhận.
Chàng không cần phải dài dòng thuyết phục nhà vua vì chàng thanh niên này chính
là người mà nhà vua đã gặp chiều hôm trước:
Số
là vì nhà vua đã cải trang làm một người hành khất để thử lòng những vị hoàng tử
tương lai của mình. Nhiều chàng thanh niên đã đi qua, nhìn thấy người ăn xin
rách rưới, và xa tránh, chỉ có người thanh niên này dám dừng lại, hy sinh luôn
cả chiếc áo mới của mình và dám mặc lại chiếc áo cũ để vào trình diện nhà vua.
Tình yêu nằm trong con tim con người chứ không nằm trong chiếc áo bên ngoài.
***
Quí
vị và các bạn thân mến,
Chúa
Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cái chết trên thập giá. Ngài đáng làm
vua nêu gương cho chúng ta sống theo Ngài. Phúc Âm (Lc 23,35-43) ghi lại cảnh
Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá làm căn bản cho những suy niệm cho chúng ta
trong ngày lễ Chúa Giêsu Kitô Vua.
Đọc
lại đoạn Tin Mừng trên, chúng ta có thể lưu ý rằng giữa bao người lăng mạ, nhạo
báng Chúa và vương quyền của Ngài thì có một người nhìn nhận vương quyền của
Chúa, và người đó lại chính là kẻ tội phạm cùng chịu đóng đinh với Chúa. Anh ta
đã khám phá ra tình thương bao la của Chúa: Một kẻ vô tội mà bị nguyền rủa
nhưng lại tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình. Anh ta đã khám phá nơi hành động
của Chúa như một dấu chỉ mạc khải tình thương của Ngài, và từ đó nhìn Chúa là
vua và bày tỏ ước muốn được sống trong Nước Tình Thương này. "Lạy Chúa,
khi nào về Nước Ngài, thì xin nhớ đến tôi cùng".
Chúa
Giêsu đã mạc khải vương quyền của Ngài bằng hành động cao cả nhất của tình
thương là hy sinh chính mình. Không ái có tình yêu thương hơn kẻ hiến mạng sống
mình cho người mình thương và chỉ những ai khám phá ra tình thương của Chúa thì
mới tin nhận Chúa làm vua và đáng bước vào trong Nước Chúa.
Xưa
cũng như nay, luôn có những người không hiểu xuyên tạc, và cười nhạo vương quyền
của Chúa Kitô: Nếu Chúa là vua tại sao không dùng quyền của mình để thoát chết,
để trả thù, để thống trị, để hưởng lợi. Nhưng trớ trêu thay, con người đã dùng
thập giá để bêu xấu, để loại trừ Chúa Giêsu Kitô, nhưng lại chính đó là dấu chỉ
Thiên Chúa dùng để thiết lập và mạc khải vương quyền của Chúa trên cả mọi sự.
Chúa Giêsu Kitô là vua, Ngài làm vua bằng tình yêu thương và để gieo rắc khắp
nơi tình yêu thương đó.
Lạy
Chúa Kitô Vua, trước sự xấu xa và ngoan cố của con người. Xin cho chúng con được
can đảm bước vào trong nước yêu thương của Chúa bằng con đường thập giá mà Chúa
đã đi qua. Amen.
(Trích
từ ‘Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày’)
Đây là Vua dân Do thái
Theo Tin Mừng Lu-ca Chúa
Nhật 34 Năm C, chính lúc Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá và chịu sỉ nhục
lại là lúc Ngài làm Vua Cứu Thế (Lc 23:35-43).
Chết trên thập giá là
hình phạt ô nhục nhất thời Ngài. Các kỳ mục Do Thái và lính tráng chế diễu Ngài
như chế diễu một ông vua giả (Lc 23:35-37). Phi-la-tô cũng có ẩn ý chế diễu
Ngài khi cho viết trên thập giá câu “Đây Là Vua Dân Do Thái” (Lc 23:38).
Và một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng chế diễu Ngài như thế
(Lc 23:39). Nhưng tất cả họ đã lầm: Thụ tạo kiêu ngạo, không suy phục Tạo Hóa
là xa rời Ngài và ắt phải chết, nhưng ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (1Ga 4:8); Ngài
sai Con Một Ngài đến làm người, chịu đau khổ và nhục nhã để biểu lộ
sự khiêm nhường.
Chiến đấu và chiến thắng
là những hành động của một ông vua. Chính lúc Đức Giê-su bị đóng
đinh trên thập giá và chịu sỉ nhục lại là lúc Ngài chiến đấu và chiến thắng ma
quỉ kiêu ngạo. Với chiến thắng này, Ngài đã biểu lộ vương quyền của Ngài.
Khi chiến thắng, Đức
Giê-su cũng đem lại ơn giải thoát cho những ai nghe theo sứ điệp của Ngài: Sám
hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1:15). Theo Tin Mừng Luca, tên gian phi khác đã sám
hối và tin vào Đấng Cứu Thế. Anh nói: “Chúng ta chịu như thế là đích đáng, xứng
với việc mình làm. Còn ông này có làm gì nên tội đâu” (Lc 23:41). Không những
anh tin mà còn cậy trông vào Ngài vì anh đã thưa với Chúa: “Ông Giê-su ơi! Khi
ông vào nước ông, xin nhớ đến tôi cùng” (Lc 23:42). Đức Giê-su đã
đền tội đủ cho anh, Ngài nói: “Hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc
23:43).
Thiên Đàng chính là hạnh
phúc Vua Cứu Thế dứt khoát dành cho anh. Đó không phải là một
nơi Chúa lên tới, bởi vì Chúa Thăng Thiên chỉ là thị kiến diễn tả Chúa vào hạnh
phúc.
Lm. Duy Sinh.
Hãy Nâng Tâm Hồn
Lên
24
THÁNG MƯỜI MỘT
Hòa Bình, Hoa Trái
Của Sự Chuyển Hóa Nội Tâm
Chính
Thiên Chúa là Đấng biến đổi trái tim con người, như Ngôn Sứ Eâdêkien đã diễn tả
hùng hồn: “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào
lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban
tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26). Giáo Hội không ngừng công bố
sự thật rằng hòa bình thế giới bắt rễ từ trong chính cõi lòng con người, từ
trong lương tâm của mọi con người.
Hòa
bình chỉ có thể là hoa trái của một cuộc chuyển hóa nội tâm, bắt đầu trong lòng
của mỗi người và lan tỏa ra trong mọi xã hội tới mọi cộng đồng. Cộng đồng thứ
nhất trong các cộng đồng chính là gia đình. Gia đình là cộng đồng đầu tiên được
mời gọi sống hòa bình và cũng là cộng đồng đầu tiên được mời gọi tranh thủ hòa
bình và hữu nghị cho hết mọi người trên thế giới này.
Đó
là lý do tại sao suy tư hôm nay của chúng ta về hòa bình được tập chú vào gia
đình. Chúng ta hy vọng rằng trong các tế bào căn bản này của xã hội sẽ có một
niềm khát vọng mãnh liệt được sống hòa bình và hữu nghị với mọi con người.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Ngày
24-11
Chúa
Nhật XXXIV Thường Niên
Đức
Giêsu Vua Vũ Trụ
2Sm
5, 1-3; Cl 1, 12-20; Lc 23, 35-43.
LỜI SUY NIỆM: “Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo:
hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên
Chúa, là người được tuyển chọn”. (Lc 23,35)
Những cái nhìn của dân
chúng và những lời cười nhạo và thách thức, không chỉ của con người. Nhưng qua
những con người này; đây là cơ hội cuối cùng mà ma quỷ tận dụng để cám dỗ Chúa
Giêsu trước ý định của Chúa Cha trong chương trình cứu độ toàn thể nhân loại của
Thiên Chúa. Trong đời sống người Kitô hữu cũng phải luôn tỉnh thức, đặc biệt những
giờ phút sau hết của đời mình, sẽ đối diện với cuộc chiến khốc liệt giữa sự chọn
lựa Chúa hay là Ma quỷ.
Mạnh Phương
24 Tháng Mười
Một
Ðây
Bài Ca Nghìn Trùng
Ðây
bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Ðức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập
giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài ca nghìn trùng, một bản
tình ca muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện
qua cái chết tự ý thực tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố:
"Không
có Tình Yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Ðây
bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một
cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống
khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế
của Ðức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tất tưởi, cái chết đầy
đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua
không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xòe ra như muốn
nói: "Vâng, Con hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha", và bàn
tay kia luôn mở rộng như muốn nói: "Vâng, Ta chọn tình thương yêu và sẵn
sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng".
Ðây
bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân
phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một
quy luật muôn thuở của Tin Mừng do Ðức Giêsu rao giảng: "Nếu hạt lúa gieo
xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi,
nó sinh ra được nhiều hạt khác".
Ðây
bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được sướng
lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê
Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống
và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị, của chúng ta
như những câu đáp lại điệp khúc bản tình ca của Chúa Giêsu: "Không có tình
yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Một
điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắt đá
được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn
kính thập giá.
Không
hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương
tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là "Quá khóa"
để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm ngàn hình
khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước qua thập giá, dấu
hiệu của Ðấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: "Không có
tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Không
bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin
vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu
tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa
xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt nam đã nêu gương đáp lại
tình yêu của Ðấng chết treo trên thập giá để:
-
Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu.
-
Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình.
-
Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứnng lặng im, không qua khóa,
nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết
vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Ðức Giêsu đã nêu gương.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét