MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Căn cứ vào bản chất
của việc dạy giáo lý[1], Hướng
dẫn tổng quát 1997chỉ cho chúng ta thấy đâu là mục đích chính yếu và
những nhiệm vụ cơ bản của việc dạy giáo lý. Phần dưới đây là những suy tư dựa
trên chỉ dẫn của Huấn quyền Hội Thánh trong Hướng dẫn tổng quát việc
dạy giáo lý 1997của Bộ Giáo Sĩ.
1. Mục đích
của việc dạy giáo lý
Hiệp thông với Chúa
Giêsu Kitô (HDTQ 1997)
“Mục đích tối hậu của
việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được
thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”[2].
Tất cả các hoạt động
loan báo Tin Mừng phải nhằm giúp cho việc hiệp thông với Đức Kitô. Khởi đi từ
lần hoán cải “đầu tiên”[3] của
một người với Chúa, do tác động của Chúa Thánh Thần với lời loan báo đầu tiên,
việc dạy giáo lý cung cấp một nền tảng cho sự gắn bó ban đầu và làm cho nó
trưởng thành hơn. Vấn đề là giúp một người mới trở lại “...biết rõ hơn về Chúa
Giêsu, Đấng mà họ đã phó thác, biết “mầu nhiệm” của Người, Vương quốc Thiên
Chúa mà Người loan báo, các đòi hỏi và những lời hứa chứa đựng trong sứ điệp
Tin Mừng, các nẻo đường mà Người đã vạch ra cho ai muốn theo Người”[4].
Phép Rửa tội là bí tích “làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”[5] và
nâng đỡ việc dạy giáo lý bằng ân sủng. (HDTQ, 80)
Nhờ tính năng động nội
tại, sự thông hiệp với Chúa Giêsu Kitô thúc đẩy người môn đệ kết hợp với tất cả
những gì mà chính Người đã kết hợp sâu xa: với Thiên Chúa, là Cha Người, Đấng
đã sai Người vào thế gian; với Chúa Thánh Thần, Đấng đã cho Người sự nhiệt tình
đối với sứ mạng; với Hội Thánh là nhiệm thể của Người, mà vì Hội Thánh Người đã
trao nộp mình; và với nhân loại là anh em mà Người đã muốn chia sẻ thân phận.
(HDTQ, 81)
Mục đích của việc dạy
giáo lý được diễn tả trong việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất là
Cha, Con và Thánh Thần.
Việc dạy giáo lý là
một hình thức đặc biệt của tác vụ Lời Chúa làm cho sự hoán cải ban đầu được
hoàn hảo, làm cho việc tuyên xưng đức tin trở nên sống động, minh nhiên và hữu
hiệu: “Việc dạy giáo lý nảy sinh từ việc tuyên xưng đức tin và dẫn đến việc
tuyên xưng đức tin”[6].
Lời tuyên xưng đức tin
khi chịu phép Rửa tội[7] là
lời tuyên xưng tuyệt vời về Chúa Ba Ngôi. Hội Thánh làm Phép Rửa “nhân
danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19)[8],
Thiên Chúa duy nhất và là Ba Ngôi, Đấng mà người Kitô hữu phó thác cả cuộc đời.
Trước và sau bí tích Rửa Tội, việc dạy giáo lý khai tâm đều chuẩn bị cho sự dấn
thân dứt khoát đó. Việc dạy giáo lý thường xuyên sẽ giúp cho việc tuyên xưng
đức tin được trưởng thành, giúp tuyên xưng đức tin trong Bí tích Thánh Thể và
giúp làm mới lại những cam kết bao hàm trong lời tuyên xưng ấy. Điều quan trọng
là việc dạy giáo lý phải biết tạo ra mối liên kết giữa việc tuyên xưng đức tin
vào Đức Kitô, “Đức Giêsu là Chúa” và việc tuyên xưng Chúa Ba
Ngôi, “Tôi tin kính Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”,
bởi vì đó là hai cách biểu thị cùng một đức tin Kitô giáo. Ai đã trở về với Đức
Kitô trong lần loan báo đầu tiên và nhìn nhận Người là Chúa, thì nhờ việc học
giáo lý họ đã khởi sự một tiến trình tất yếu dẫn đến việc tuyên xưng Ba Ngôi
một cách minh nhiên.
Nhờ việc tuyên xưng
đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, người Kitô hữu từ bỏ phục vụ tất cả những cái
tuyệt đối khác của con người: quyền lực, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, quê
hương, tiền bạc...,[9]và
tự giải phóng mình khỏi mọi ngẫu tượng khiến họ thành nô lệ. Không gì ngăn trở
họ biểu lộ ý muốn phụng sự Thiên Chúa và con người. Khi tuyên xưng đức tin vào
Chúa Ba Ngôi, sự thông hiệp của các ngôi vị, người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô
cũng biểu lộ rằng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân là nguyên lý hình thành sự
hiện hữu và hành động của họ. (HDTQ, 82)
Việc tuyên xưng đức
tin chỉ hoàn hảo khi quy chiếu vào Hội Thánh. Mỗi người chịu Phép Rửa tội đọc
kinh Tin kính một mình, vì không có hành vi nào mang tính cá nhân hơn hành vi
này. Nhưng người ấy đọc kinh đó trong Hội Thánh và qua trung gian của Hội Thánh,
với tư cách là một thành viên của Hội Thánh. Lời tuyên xưng “tôi tin” và “chúng
tôi tin” bao hàm lẫn nhau[10].
Vì đặt nền tảng việc tuyên xưng đức tin của mình trên sự tuyên xưng của Hội
Thánh, người Kitô hữu gia nhập vào sứ vụ của Hội Thánh: trở thành “bí tích cứu
độ phổ quát” cho sự sống thế gian. Người tuyên xưng đức tin nhận lấy những cam
kết, mà thường mang lại sự bách hại. Trong lịch sử Kitô giáo, những người loan
báo và những người làm chứng tiêu biểu nhất là các vị tử đạo[11].
(HDTQ, 83)
2. Những
nhiệm vụ của việc dạy giáo lý
Căn cứ vào bản chất và
mục đích của việc dạy giáo lý, Hướng dẫn Tổng quát đề ra sáu
nhiệm vụ cơ bản của việc dạy giáo lý như sau:
1) Giúp hiểu biết đức
tin
Ai đã gặp Đức Kitô
luôn mong được biết Người rõ hơn, cũng như mong được biết kế hoạch của Chúa Cha
mà Người đã mạc khải. Việc gắn bó với đức tin (fides qua) đòi
hỏi sự hiểu biết các nội dung đức tin (fides quae).[12] Cũng
như trên bình diện con người, khi yêu ai, người ta mong muốn biết người ấy ngày
càng rõ hơn. Vì vậy, việc dạy giáo lý phải dẫn tới việc làm cho “thấu hiểu dần
dần toàn bộ sự thật về kế hoạch của Thiên Chúa”,[13] bằng
cách đào tạo những môn đệ Đức Kitô về kiến thức Thánh Kinh và Thánh Truyền là
“khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô“ (Ph 3,8).[14]
Việc đào sâu kiến thức
đức tin chiếu ánh sáng Kitô giáo trên đời sống con người, nuôi dưỡng đời sống
đức tin và cho phép giải thích đức tin cho thế giới. Việc trao kinh Tin Kính,
tổng hợp của Thánh Kinh và đức tin của Hội Thánh, diễn tả việc thực thi nhiệm
vụ đó.
2) Giáo dục phụng
vụ
Quả thực, “Đức Kitô
hằng hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ”[15].
Sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô đưa đến việc cử hành sự hiện diện cứu độ của
Người trong các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Hội Thánh tha thiết ước
mong toàn thể các tín hữu được dẫn vào việc tham dự trọn vẹn, ý thức và linh
động này mà chính bản chất của phụng vụ cũng như phẩm cách của chức tư tế cộng
đồng đòi hỏi[16].
Vì vậy, việc dạy giáo lý không những phải giúp hiểu biết ý nghĩa của phụng vụ
và các bí tích, mà còn phải dạy các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô “cầu nguyện, tạ
ơn, sám hối, biết cầu nguyện với niềm tín thác, tinh thần cộng đoàn, ngôn ngữ
của các biểu tượng...”;[17] tất
cả những điều đó cần thiết cho đời sống phụng vụ đích thực.
3) Huấn luyện luân lý
Trở lại với Chúa Giêsu
Kitô bao hàm việc bước theo Người. Vì vậy, việc dạy giáo lý phải truyền đạt cho
các môn đệ chính những thái độ sống của vị Tôn Sư. Như thế, họ phải đi theo một
lộ trình biến đổi nội tâm nhờ tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, họ “vượt
từ con người cũ tới con người mới trong Đức Kitô”[18].
Bài giảng trên núi, trong đó Chúa Giêsu nhắc lại Thập Giới và ghi dấu tinh thần
Bát Phúc vào đó,[19] là
một tham chiếu không thể bỏ qua trong việc giáo dục luân lý, rất cần thiết cho
ngày nay. Việc loan báo Tin Mừng, “bao gồm cả sự loan báo và đề nghị về đời
sống luân lý”[20],
tỏa ra tất cả sức mạnh lôi cuốn của mình khi lời loan báo là lời đã được sống.
Chứng cứ luân lý mà việc dạy giáo lý chuẩn bị phải biết đề cao những hệ quả xã
hội mà Tin Mừng đòi hỏi[21].
4) Dạy cầu nguyện
Sự hiệp thông với Chúa
Giêsu Kitô đưa các môn đệ đến việc nhận lấy chính thái độ cầu nguyện và chiêm
niệm của Tôn Sư. Học cầu nguyện với Chúa Giêsu là cầu nguyện bằng chính những
tâm tình mà Người đã bày tỏ khi thân thưa với Chúa Cha: thờ lạy, ngợi khen, tạ
ơn, tâm tình phó thác của người con, van nài, ngưỡng mộ vinh quang của Cha.
Những tâm tình đó được phản ánh trong kinh Lạy Cha là kinh Chúa Giêsu dạy các
môn đệ và là mẫu mực của tất cả kinh nguyện Kitô giáo. Vì thế, “việc trao kinh
Lạy Cha”[22],
một tổng hợp toàn bộ sách Tin Mừng[23],
là sự diễn tả xác thực việc hoàn tất nhiệm vụ này. Khi việc dạy giáo lý được
thực hiện trong bầu khí cầu nguyện thì việc tập sống đời Kitô hữu đạt được tất
cả chiều sâu của nó. Bầu khí này trở nên đặc biệt cần thiết khi người dự tòng
và những người học giáo lý phải đối diện với những khía cạnh đòi hỏi nhất của
Tin Mừng và khi cảm thấy mình yếu hèn, hay khi ngỡ ngàng khám phá ra hoạt động
của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. (HDTQ, 85)
5) Giáo dục đời sống
cộng đoàn
a) Đời sống Kitô hữu
trong cộng đoàn không phải là ngẫu hứng nhưng phải được giáo dục cẩn thận.
Trong việc rèn luyện này, giáo huấn của Chúa Giêsu về đời sống cộng đoàn đã
được tin mừng theo thánh Matthêu tường thuật lại, đòi hỏi một số thái
độ mà việc dạy giáo lý buộc phải ghi khắc: tinh thần đơn sơ và khiêm nhường: (“nếu
anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em ...”-Mt 18,3); quan tâm đến
những người bé mọn nhất (“ai làm cớ cho một trong kẻ bé mọn đang tin Thầy
đây phải sa ngã…”- Mt 18,6); lưu tâm cách riêng đến những người lầm lạc (“đi
tìm con chiên lạc”- Mt 18,12); sửa lỗi anh em (“anh hãy đi sửa lỗi nó,
một mình anh với nó mà thôi” - Mt 18,15); cầu nguyện chung (“nếu hai
người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì”- Mt 18,19); tha thứ cho
nhau (“đến bảy mươi lần bảy...”- Mt 18,22); đức bác ái huynh đệ gồm tóm
tất cả những thái độ này (“anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu
thương anh em”- Ga 13,34).
b) Khi giáo dục tinh
thần cộng đoàn, việc dạy giáo lý cũng sẽ chăm lo đến chiều kích đại kết và
khuyến khích thái độ huynh đệ đối với những thành viên của các Giáo Hội và các
cộng đoàn Kitô hữu khác. Với mục đích này, việc dạy giáo lý sẽ trình bày rõ nét
toàn bộ giáo thuyết của Hội Thánh Công Giáo bằng cách tránh những diễn tả hay
những khai triển có nguy cơ dẫn đến sai lạc. Lại nữa, việc dạy giáo lý sẽ giúp
cho có “một sự hiểu biết đúng đắn về các tuyên xưng đức tin khác”[24],
các tuyên xưng đức tin này vẫn có những điều thiện hảo chung như là “Lời Chúa
đã được ghi chép, đời sống ân sủng, đức tin, đức cậy, đức mến, và những ân huệ
nội tâm khác của Chúa Thánh Thần“[25].
Việc dạy giáo lý sẽ có một chiều kích đại kết trong mức độ nó biết khơi dậy và
nuôi dưỡng “ước muốn hiệp nhất đích thực”[26],
không phải nhằm một thái độ hòa giải dễ dãi, nhưng nhằm hiệp nhất hoàn toàn,
khi Chúa muốn và bằng con đường Chúa muốn.
6) Khai tâm cho việc
truyền giáo
a) Việc dạy giáo lý
cũng mở ra cho sự năng động truyền giáo[27] và
cố gắng làm thế nào để các môn đệ Chúa Giêsu biết hiện diện với tư cách là
người Kitô hữu trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, văn hóa và xã hội. Nó
cũng chuẩn bị cho họ cộng tác trong các việc phục vụ khác nhau của Hội Thánh,
tùy theo ơn gọi của mỗi người. Sự dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng nơi các
tín hữu giáo dân phát xuất từ các bí tích khai tâm Kitô giáo và từ tính cách
trần thế ơn gọi của họ[28].
Điều cũng quan trọng là dùng đủ mọi cách nhằm khơi dậy ơn gọi linh mục và sự
tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa trong các hình thức tu trì và tông đồ khác
nhau nhằm đốt lên trong sâu thẳm các tâm hồn những ơn gọi truyền giáo chuyên
biệt.
Những thái độ Tin Mừng
mà Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ khi Người hướng dẫn họ bước đầu vào việc
truyền giáo là những thái độ mà việc dạy giáo lý phải cổ võ: đi tìm con
chiên lạc, rao giảng và đồng thời chữa lành, phải sống nghèo, không vàng bạc
cũng không túi xách, phải biết chấp nhận bị khai trừ và bách hại, đặt niềm tin
cậy vào Chúa Cha và sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, không mong đợi một phần
thưởng nào ngoài niềm vui được làm việc cho Nước Chúa[29].
b) Khi giáo dục theo
chiều hướng truyền giáo này, việc dạy giáo lý sẽ hình thành cuộc đối thoại liên
tôn, có thể mang lại cho người tín hữu khả năng hiệp thông một cách có hiệu quả
với những người thuộc các tôn giáo khác[30].
Việc dạy giáo lý phải cho thấy rằng mối liên hệ của Hội Thánh với những tôn
giáo ngoài Kitô giáo, trước hết là mối liên hệ về nguồn gốc và định mệnh chung
của loài người, cũng như mối liên hệ của rất nhiều “hạt giống Lời Chúa” đã được
Ngài đặt để vào các tôn giáo này. Việc dạy giáo lý cũng sẽ giúp để biết dung
hòa và đồng thời biết phân biệt: “sự loan báo Đức Kitô” và “sự đối thoại liên
tôn”. Hai yếu tố này, mặc dầu liên kết mật thiết, nhưng không được lẫn lộn cũng
như không được coi là tương đương[31].
Thực vậy, “việc đối thoại không miễn trừ cho việc rao giảng Tin Mừng”[32].
(HDTQ, 86)
Md Phạm Thúy
(UB.GLĐT/HĐGMVN)
[2]CT 5: x. CEC 426; AG 14a. Liên kết với mục
tiêu Kitô học này của việc dạy giáo lý, xem ở trên phần I, ch.1: “Chúa
Giêsu Kitô là trung gian và viên mãn của toàn thể Mạc khải”, và xem
phần II, ch. 1: “Tính cách quy Kitô của sứ điệp Tin Mừng”.
[19]x. LC 62; CEC 1965-1986. CEC 1697 xác định rõ
những đặc tính mà việc dạy giáo lý phải có trong việc giáo dục luân lý.
[31]x. RM 55b; HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CHO VIỆC
ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN VÀ THÁNH BỘ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC, Huấn thị Dialogue
et Annonce. Réflexions et orientations (Đối thoại và Loan
báo. Suy tư và định hướng) về việc “rao giảng Tin Mừng và Đối thoại liên tôn”
(19/5/1991), các số 14-54; AAS 84 (1992) tr. 419-432; CEC
839-845; phần thứ tư lặp lại đề tài này, ở chương 4 về những đối tượng của việc
dạy giáo lý trong mục “Việc dạy giáo lý trong bối cảnh các tôn giáo khác”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét