Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Cầu cho các trẻ em bị bỏ rơi và là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực

Cầu cho các trẻ em bị bỏ rơi và là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực

http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
Trong tháng 12 năm 2013 Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hiệp ý cầu xin cho các trẻ em bị bỏ rơi và là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực có thể tìm thấy tình yêu thương và sự che chở cần thiết.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 200 triệu trẻ em phải sống hay làm việc ngoài đường phố. Tại Nam Mỹ có ít nhất 40 triệu trẻ em sống lang thang trên các đường phố; tại Á châu có khoảng 25 triệu, và trong toàn Âu châu có khoảng 25 triệu trẻ em và người trẻ sống lang thang trên các đường phố.

Người ta ước đoán rằng vào năm 2020 trên toàn thế giới sẽ có 800 triệu trẻ em sống lang thang trên đường phố. Theo tổ chức UNICEF, các trẻ em đường phố là các trẻ em phải làm việc để phụ giúp gia đình, hay các trẻ em bị bỏ rơi không có gia đình nên sống và ngủ trên đường phố. Các em là những người nghèo khổ nhất, dễ bị thương tích nhất, và không được ai bênh đỡ. Các em bị đưa đẩy vào một thế giới bạo lực, dói khát và bị lạm dụng.

Để sống còn đa số các em phải làm việc mỗi ngày hơn 10 giờ. Các em làm đủ mọi nghề: bán báo, đánh giầy, rửa xe, đẩy xe, nhặt sắt vụn, giữ xe, bán bánh trái, bán cà rem, làm phu khuân vác, hay ăn xin. Một số em làm việc trong lãnh vực mại dâm, dẫn khách hay bán ma túy. Một số khác nữa thì làm nghề móc túi, trộm cắp. Số khác nữa làm việc lau chùi, hay trong lãnh vực nông nghiệp, đúc gạch, khuân gạch. Bên châu Mỹ Latinh nhiều em làm việc trong các hầm mỏ vất vả như người lớn và chết trẻ. Bên Phi châu có hàng trăm ngàn trẻ em bị bắt làm chiến binh, bị bắt buộc phải dùng ma túy và tập bắn giết. Các trẻ em đường phố ăn những gì có thể ăn được, bòn mót ở chợ, trong các thùng rác, hay chỗ thải đồ dư thừa sau các quán ăn, hay những gì ăn trộm được... nhưng luôn thiếu dinh dưỡng.

Các em ngủ ở những nơi nào các em cảm thấy an ninh: tại cửa của một kho chứa hàng, trên một chiếc ghế dài trong công viên, trên các sạp hán hàng ngoài chợ, cạnh một ngọn lửa ngoài bãi biển, trên các bậc thềm của nhà ga xe lửa, dưới các hầm cầu... Giường của các em là một mảnh bìa cứng, một chiếc cáo choàng cũ, các tờ báo. Nếu may mắn có một đôi giầy, các em để dưới đầu làm gối để khỏi bị lấy mất. Các em không biết khi nào sẽ bị giầy cảnh sát đá đánh thức đậy, hay bị xe rửa đường xịt nước lạnh, hoặc nhận được một viên đạn của các nhân viên gác đêm hay các cảnh sát được trả tiền dọn sạch đường phố...

Nhân Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về trẻ em ngày 22 tháng 9 năm 1990 Đức Gioan Phaolô II đã gửi cho ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Javier Pérez de Cuellar, một bức thư, trong đó ngài kêu gọi cộng đồng thế giới bảo đảm sự sống còn, sức khỏe, sự che chở và phát triển toàn diện cho các trẻ em. Vì chúng là những người vô phương thế tự vệ nhất, vô tội nhất và đáng được chăm sóc nhất. Chúng là hình ảnh của Hài Nhi Bêlem trong phẩm giá và nhu cầu được yêu thương. Giáo Hội rất nhậy cảm đối với gánh nặng khổ đau vô biên và các bất công mà các trẻ em phải gánh chịu.

Trẻ em trên thế giới gào lên nỗi khát khao tình yêu của chúng. Một trẻ em không thể sống còn trên bình diện thể lý, tâm lý và tinh thần, nếu không có tình liên đới khiến cho tất cả mọi người có trách nhiệm với tất cả mọi người. Trẻ em gào lên nỗi khát khao được tôn trọng vì phẩm giá cá nhân không thể tước bỏ được và quyền sống từ lúc thụ thai, cả trong các trạng huống khó khăn hay trong trường hợp tàn tật. Mỗi một cá nhân, dù có nhỏ bé hay ít quan trọng và lợi ích tới đâu đi nữa, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, vì được tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài (x. St 1,26). Các đường lối chính trị và các hành động không thừa nhận điều kiện duy nhất của phẩm giá bẩm sinh này không thể dẫn đưa tới một thế giới công bằng và nhân bản, vì chúng đối nghịch với các giá trị đích thật, xác định các phạm trù luân lý khách quan và xây nền cho các phán đoán luân lý, lý trí và các hành động ngay thẳng.

Trong thư Đức Gioan Phaolô II cũng nêu bật rằng gia đình là tế bào sinh động đầu tiên của xã hội, vì sự phục vụ mà nó cống hiến cho đời sống, và bởi vì gia đình là trường học đầu tiên của các nhân đức xã hội, là nguyên tắc tích cực của cuộc sống và sự phát triển của chính xã hội. Như thế, hạnh phúc của trẻ em trên thế giới tùy thuộc một cách rộng rãi các biện pháp do các quốc gia đề ra để nâng đỡ và trợ giúp các gia đình chu toàn vai trò của mình bằng cách trao ban sự sống và bảo đảm giáo dục cho con cái.

Ngài cũng bầy tỏ sự trân qúy của Giáo Hội Công Giáo đối với tất cả những gì đã và đang được làm dưới sự điều động của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức liên hệ, nhằm thăng tiến cuộc sống của trẻ em trên thế giới. Tòa Thánh đã mau mắn tán đồng và yểm trợ Quy ước về quyền của các trẻ em do Liên Hiệp Quốc đề ra ngày 20 tháng 9 năm 1989. Vì nó nằm trong tinh thần của truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội phục vụ những người thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần, đặc biệt là những người yếu đuối nhất trong gia đình nhân loại.

Với các tâm tình trên đây trong tháng 12 năm 2013 để chuẩn bị tinh thần mừng Chúa Giêsu giáng sinh làm người, chúng ta hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các trẻ em bị bỏ rơi và là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực có thể tìm thấy tình yêu thương và sự che chở cần thiết.

(Ý chỉ chung tháng 12-2013)

Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét