THỨ NĂM 21/11/2013
Thứ Năm sau Chúa Nhật
33 Quanh Năm
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
* Vượt lên trên những câu chuyện cổ kính thuật
lại việc Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào Đền Thờ, Hội Thánh Đông Phương và Tây
Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội dâng mình
cho Chúa từ lúc còn ấu thơ. Mọi Kitô hữu có thể nhận thấy nơi Đức Maria “đầy ân
sủng” gương mẫu cho đời sống hiến dâng.
Bài
Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 2, 15-29
"Chúng tôi
tuân theo lề luật cha ông chúng tôi".
Trích
sách Macabê quyển thứ nhất.
Trong
những ngày ấy, vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách các người trốn ẩn tại thành
Môđin cúng tế dâng hương và chối bỏ lề luật Thiên Chúa. Có nhiều người trong
dân Israel tuân lệnh đến với họ, nhưng ông Mathathia và các con ông cương quyết
không chịu theo. Các người vua Antiôcô sai đến, lên tiếng nói với Mathathia rằng:
"Ông là thủ lãnh có tiếng tăm và có uy tín trong thành này và có nhiều con
cái và anh em. Vậy ông hãy tiến lên trước tiên và thi hành lệnh nhà vua, như hết
thảy mọi dân tộc, như các người chi tộc Giuđa và những người còn ở lại
Giêru-salem đã thi hành rồi, ông và các con ông sẽ là bạn hữu của nhà vua, sẽ
được nhà vua ban cho vàng bạc và ân huệ khác". Matha-thia trả lời và nói lớn
tiếng rằng: "Cho dầu mọi dân tộc đều tuân lệnh vua Antiôcô, mọi người đều
chối bỏ lề luật của cha ông mà vâng lệnh nhà vua, phần tôi và con cái cùng anh
em tôi, chúng tôi vẫn tuân theo lề luật cha ông chúng tôi. Xin Thiên Chúa
thương đừng để chúng tôi chối bỏ lề luật và giới răn Chúa. Chúng tôi sẽ không
nghe theo lệnh vua Antiôcô, cũng chẳng cúng tế mà lỗi phạm lệnh truyền của lề
luật chúng tôi, kẻo chúng tôi đi theo con đường khác".
Ông
vừa dứt lời thì có một người Do-thái tiến ra cúng thần trước mặt mọi người,
trên bàn thờ ở thành Môđin, theo chiếu chỉ của nhà vua. Thấy vậy, Mathathia đau
lòng xót dạ, ông nổi giận vì yêu mến lề luật, ông xông tới giết ngay người ấy
trên bàn thờ. Ông cũng giết luôn người vua Antiôcô sai đến để cưỡng bách người
ta cúng tế; ông lật đổ cả bàn thờ. Lòng nhiệt thành của ông đối với lề luật
cũng giống như lòng nhiệt thành của Phinê đã đối xử với Zimri con ông Salomi.
Ðoạn
Mathathia kêu lớn tiếng khắp trong thành phố rằng: "Ai nhiệt thành với lề
luật, tuân giữ lời Giao ước, hãy ra khỏi thành theo tôi!" Ông và con cái
ông trốn lên núi, bỏ lại trong thành mọi tài sản họ có. Bấy giờ một số người
còn nhiệt tâm với sự công chính và lề luật, cũng trốn vào hoang địa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 49, 1-2. 5-6. 14-15
Ðáp: Ai đi đường
ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng: 1) Chúa là Thiên
Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ
Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng. - Ðáp.
2)
Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ. Và trời
cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, và chính Thiên Chúa Người là thẩm
phán. - Ðáp.
3)
Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Ðấng Tối
Cao. Ngươi hãy kêu cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi
sẽ kính trọng Ta. - Ðáp.
Alleluia:
x. Cv 16, 14b
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con
Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 19, 41-44
"Chớ chi ngươi
hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành
ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho
ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày
quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi
bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào
trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Giờ Chúa Viếng Thăm
Nhìn
trong văn mạch, biến cố được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến
cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa
Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại
ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.
Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị
lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của
Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu
quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế,
dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành
thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn
cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.
Ðiều
xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi
người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành.
Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực
hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở
đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria.
Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên
Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm
ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không
những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã
nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân
nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ
có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa
đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng
thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người
khác nữa.
Xin
Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng
tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh
phúc.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 33
TN1, Năm lẻ
Bài đọc: I Mac
2:15-29; Lk 19:41-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vững mạnh
sẽ không bị lung lay bởi cám dỗ của thế gian.
Rất
nhiều người trong thế giới hôm nay chủ trương tương đối hóa sự thật. Đối với họ,
không có sự thật nào tuyệt đối, ngay cả niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế, khi
nào hoàn cảnh thuận tiện cho việc giữ đạo thì giữ; khi nào hoàn cảnh không thuận
tiện, chắc Chúa cũng thông cảm! Một thái độ tin tưởng như thế sẽ từ từ đưa đến
chỗ bỏ đạo ngay khi cơn bách hại tới. Ngược lại cũng có những người không bao
giờ tương đối hóa niềm tin và sự thật. Họ chỉ thờ một Chúa và sẵn sàng sống chết
cho sự thật.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu người sẵn lòng hy sinh chết cho sự thật,
dẫu phải đương đầu với biết bao gian nan khốn khó. Trong Bài Đọc I, tác giả
Sách Maccabees tiếp tục trình bày một mẫu gương anh hùng trong việc giữ đạo là
ông Mattathias và bảy người con của ông. Vì lòng nhiệt thành bảo vệ niềm tin,
ông đã không nao núng trước cám dỗ ban quyền hành chức tước của viên quan chức;
ông giết người phản bội Thiên Chúa ngay trước bàn thờ, và tập họp nhóm người sống
chết cho Thiên Chúa đưa vào sống trong sa mạc để sinh sống. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu biết rõ những khốn khổ sẽ xảy ra cho dân thành Jerusalem, vì họ không nhận
ra Ngài đến đem bình an thật sự cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước.
1.1/
Thái độ của ông Mattathias trước cám dỗ của thế gian: Tác giả tường thuật:
"Các viên chức của vua Antiochus, những người có nhiệm vụ cưỡng bức người
Do-thái chối đạo, đã tới thành Modein để tế thần. Nhiều người Israel đã đến
theo chúng. Nhưng ông Mattathias và các con thì họp lại thành nhóm riêng.'' Ông
Mattathias và các con phải đương đầu với những áp lực sau:
(1)
Phần đông con cái Israel đã bỏ đạo và tế thần: Người không có niềm tin vững chắc
sẽ dễ dàng bị hốt hoảng khi thấy phần đông dân chúng bỏ đạo. Họ sẽ nghi ngờ những
gì mình tin không biết có thật hay không. Điều này đã không xảy ra cho người có
một niềm tin vững vàng như ông tuyên xưng: "Cho dù tất cả các dân tộc
trong vương quốc của vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ phượng của
cha ông mình và tuân theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng
tôi vẫn trung thành với Giao Ước của cha ông chúng tôi. Không đời nào chúng tôi
bỏ Lề Luật và các tập tục! Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ
phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái."
(2)
Cám dỗ về uy quyền, chức tước, và bổng lộc: Đây là cám dỗ dễ làm cho những người ham mê những
lôi cuốn của thế gian rơi vào. Các viên chức của vua lên tiếng nói với ông
Mattathias: "Ông là thủ lãnh, là người có danh giá, là bậc vị vọng trong
thành này, lại được con cái và anh em ủng hộ. Vậy xin mời ông tiến lên làm người
đầu tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc, các người
Judah và những người còn ở lại Jerusalem đã làm. Rồi ông và các con sẽ được kể
vào số bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc."
Nhưng được lợi cả thế gian mà phải mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?
(3)
Có thể phải hy sinh mạng sống: Cám dỗ này được coi là nguy hiểm nhất vì nó đe dọa bản năng sinh
tồn của con người. Một người chỉ có thể vượt qua cám dỗ này, nếu anh tin lời của
Chúa Giêsu hay bà mẹ của các con nhà Maccabees là Thiên Chúa sẽ trả lại mạng sống
cho con người cùng với vinh quang đời đời, cộng với tình yêu anh dành cho Thiên
Chúa và Đức Kitô.
1.2/
Phản ứng nhiệt thành của ông Mattathias: Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái công khai
tiến ra tế thần trên bàn thờ ở Modein theo như chỉ dụ của vua. Trước cảnh tượng
đó, ông Mattathias bừng lửa nhiệt thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến
ông nổi giận đùng đùng: ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết
luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái tế thần. Rồi ông phá
đổ bàn thờ. Rồi ông Mattathias rảo khắp thành và hô lớn tiếng: "Ai nhiệt
thành với Lề Luật và tuân giữ Giao Ước, hãy theo tôi!" Sau đó, ông và các
con trốn lên núi, bỏ lại trong thành tất cả tài sản. Bấy giờ, nhiều người
Do-thái muốn sống công minh chính trực đã xuống hoang địa và lập cư tại đó.
Chúng
ta đừng vội kết án hành động của ông, vì chính Chúa Giêsu cũng lấy roi đánh đuổi
những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Ngài không thể cầm lòng khi thấy con người
làm nhơ bẩn Nhà Cha của Ngài. Hơn nữa, Luật cho phép con người phải tự vệ khi
người khác muốn giết mình. Ông Mattathias và các con sẽ bị vua Antiochus giết nếu
không chịu tế thần như vua muốn.
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/
Chúa Giêsu khóc: Mang
thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng đã
tường thuật 2 lần Chúa khóc:
(1)
Vì thương Thành Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong
Cuộc Thương Khó, chặng thứ 8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi
dân Thành Jerusalem vì họ khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc
thương Ta, nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk
23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành
không biết. Điều có lẽ Chúa muốn nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc
thương cho chính họ và cho con cháu của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà
Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó mà Ngài đang chịu.
(2)
Vì tiếc thương Lazarô (Jn
11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa; nhưng
suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc ông đừng
trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng được
chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa Giêsu.
Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary và mọi
người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25). Nếu ai
cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.
2.2/
Hai lý do tại sao Chúa khóc:
(1)
Vì dân Thành Jerusalem không nhận ra Chúa: Lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường gọi
là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã nhìn
thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc vì
thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem
bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho
ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.”
Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết lập,” và
danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ Trời xuống thiết lập
bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận ra Ngài.
(2)
Vì Thành sẽ bị phá hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung
quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở
giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận
biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm
năm 70 AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và
Thành. Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn
đổ nát vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta hãy có lập trường rõ rệt trong cuộc sống: Phải kính mến và thờ phượng
Thiên Chúa trên hết mọi sự; không làm tôi hai chủ cho dẫu phải hy sinh tất cả để
trung thành với Ngài.
-
Con người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do
tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại
sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc hay
thương tiếc.
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN
33TN
Lc 19,41-44
A. Hạt giống...
Thành Giêrusalem tượng trưng cho dân do thái và
cho tất cả những người được Thiên Chúa ưu ái nhưng đã phụ lòng Ngài nên cuối
cùng phải gánh lấy số phận bi thảm.
Lỗi của nó là gì ? Là không “nhận ra những gì đem
lại bình an cho ngươi” (câu 41) ; “không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên
Chúa viếng thăm” (câu 44). Ơn Chúa ban cho nó rất nhiều, nhất là ơn “bình an”
và “viếng thăm”. Nhưng nó đã coi như không, nên không nhận biết để cám ơn,
không nhận biết để xử dụng, không nhận biết để hiểu xem ý Chúa muốn nó làm gì
khi ban ơn cho nó.
B.... nẩy mầm.
1. “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra
những gì đem lại bình an cho ngươi”. Lời Chúa Giêsu rất giống với lời Thánh
Vịnh đầu tiên chúng ta đọc mỗi sáng “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người
và đừng cứng lòng nữa” (Tv 94). Lời này mỗi ngày nhắc nhở chúng ta “nhận biết”
tiếng Chúa nói với chúng ta suốt ngày, và chúng ta đừng cứng lòng như thành
Giêrusalem xưa.
2. Ngày nay người do thái vẫn còn đến bên bức
tường đổ nát của cổ thành Giêrusalem để than khóc cho số phận của đất nước và
tiếp tục chờ mong Đấng Messia “của họ”. Nhưng trớ trêu thay lúc Đấng Messia
thật đến viếng thăm họ thì họ đã chối từ và xử tử ! Tại vì họ đã “không nhận
biết”. Xin giúp con tỉnh táo “nhận biết” những thời giờ Chúa đến viếng thăm
con.
3. Mỗi ngày tôi đã để vuột mất biết bao “sứ điệp bình an” do anh chị em trong
cộng đoàn đem đến. Tôi đã cố nhắm mắt do thành kiến, ác cảm, giận hờn… Tôi cứ
mù quáng chạy miết theo sở thích và ý riêng của tôi. - Lạy Chúa, đáng lẽ con
phải khóc cho bản thân, nhưng con cứ thản nhiên tự đắc… và hình như Chúa đang
khóc cho tình trạng khốn đốn của con.
4. Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô
Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái.
Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong
lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá.
Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ : từ không biết bao đời, Chúa đã biết
hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một
bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều
mà người phàm không bao giờ thấy được.
5. “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành,
Chúa Giêsu khóc thương mà nói : Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những
gì đem lại bình an cho ngươi” (Lc 19,41-42)
Chúa Giêsu đã khóc thương dân thành Giêrusalem,
và hôm nay Ngài cũng đang khóc thương tôi.
Ngài khóc thương khi thấy tôi bị xô đẩy quay
cuồng bởi dòng xoáy của cuộc đời, nhưng vẫn cố bám vào những “cột mốc” không
bền vững và tin đó là cột mốc của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm nhận được tình
Ngài yêu con, biết lấy Ngài làm cùng đích đời con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp Cần Thơ
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
BÀI ĐỌC I: Is 61, 9-11
"Tôi sẽ hân hoan vui mừng
trong Chúa".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Dòng dõi dân ta sẽ được
nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả
những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc.
Tôi hớn hở vui mừng
trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần
rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân
nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nẩy lộc, Chúa cũng
làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: 1 Sm 2, 1. 4-5.
6-7. 8
Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ
tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong
Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa
cứu độ tôi. - Đáp.
\2) Chiếc cung những
người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no
nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son
sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Đáp.
3) Chúa làm cho chết và
Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và
làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Đáp.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa
nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi
chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 28-30
"Những ai Thiên Chúa đã biết
trước thì Người đã tiền định".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng
ta biết rằng mọi sự đều hợp tác để dẫn tới điều thiện hảo cho những ai yêu mến
Thiên Chúa, cho những ai đã được kêu gọi chiếu theo ý định của Người. Những ai
Người đã biết trước, thì Người đã tiền định cho nên đồng hình thức với ảnh tượng
Con Người, để Con Người làm huynh trưởng một đại số các em. Những ai Người đã
tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng
làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người
cũng cho họ được vinh quang. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 1, 28
Alleluia, alleluia! -
Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; trinh Nữ được chúc
phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 11, 27-28
"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đang
giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng:
"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!" Nhưng Người phán
rằng: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn". Đó là lời
Chúa.
Suy niệm :
Đức Mẹ Dâng Mình
Tại hầu hết các nhà thờ
ở Liên Xô mà tôi đã viếng thăm đều có những bức họa lớn hoặc nhỏ, rất đẹp về cảnh
Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ. Ở góc cao nhất của bức họa là cửa đền thờ
Giêrusalem diễn tả cửa Trời. Thầy thượng tế mặc phẩm phục đứng đó nhìn xuống một
cô bé 3 tuổi, đang lanh lẹn và đẹp đẽ leo hết 36 bậc thang đi vào Đền Thánh,
trước sự ngưỡng mộ của hàng ngàn trinh nữ cầm đèn cháy sáng đứng hai bên. Cô bé
ba tuổi đó chính là Maria, lanh lẹn tiến vào nhà Chúa, không thèm ngoái cổ lại nhìn
thế gian, từ giã họ hàng…
Các nhà thờ chính thống
cũng như Công giáo ở Đông Phương đều đề cao việc Đức Mẹ dâng mình và mừng lễ
này hết sức long trọng và hân hoan, không biết từ những ngày xa xôi nào. Chỉ biết
đến thế kỷ VI, đòan đại biểu của Giáo Hội La Mã qua thăm Đông Phương thấy vẻ đẹp
của các bức họa và các cuộc lễ này đẹp đẽ phấn khởi như vậy, mới trở về quảng
bá việc mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình cho đến ngày nay.
Như vậy, lễ này phát xuất
từ Đông Phương, miền truyền giáo của thánh Gioan tông đồ và có thể là nơi xuất
phát lòng tôn sùng Đức Mẹ sâu sắc hơn cả. Dĩ nhiên, câu truyện Đức Mẹ dâng mình
vào đền thờ không được viết trong Thánh Kinh. Phải đọc nó trong các sách bình
dân không có phép của giáo quyền. Nghĩa là không có gì chắc chắn Đức Maria đã
dâng mình vào đền thờ khi lên ba. Nhưng cuộc đời của Đức Mẹ là cả một lễ dâng
mình kéo dài mà đỉnh cao như chúng ta sẽ nói là ở đồi Sọ, gần thập giá Đức
Giêsu.
Maria sinh ra được giáo
dục trong lòng đạo đức của Dân được tuyển chọn. Lớn lên, một trong những câu
truyện đầu tiên cô được nghe và phải thuộc lòng, chính là câu truyện về cuộc đời
của Abraham tổ phụ dân Chúa. Và Thánh Kinh kể Abraham là con người có đức tin,
tin một mình Đức Chúa, tin hoàn toàn vào Lời Hứa và sự dẫn dắt của Người. Vì Đức
Chúa, để gắn bó với Người, ông bỏ quê hương, bỏ gia tộc, bỏ mọi sự, đi theo
Chúa. Không phải ông không mơ ước điều nọ điều kia. Ông đi theo Chúa vì Chúa hứa
cho ông một giang sơn, một dòng dõi, một đời sống hạnh phúc bất tận. Dần dần
ông thấy mình được những điều đó. Đặc biệt đến tuổi 100, ông đã được Chúa ban đứa
con nối dòng là Isaac. Chúng ta cứ thử nghĩ xem Isaac đối với ông quí như thế
nào. Đó là sự sống của ông, sự sống sẽ được nối dài trong bao ngàn thế hệ… Thế
mà Chúa lại đòi ông đi sát tế Isaac. Lòng đau như cắt, ông xin vâng, dẫn Isaac
lên tế đàn…
Câu truyện đó làm sao
không làm cho Maria say mê sung sướng. Là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tiêu biểu
của dòng giống được tuyển chọn, Maria phải yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu tổ
phụ của dân và do đó phải thích và thuộc những gì Kinh Thánh viết về Abraham.
Hơn nữa, là một tác phẩm kỳ công của Thiên Chúa, câu truyện Abraham tin Chúa,
yêu Chúa đến nỗi sẵn lòng hy sinh tất cả để tỏ lòng tin, cậy, mến, phải thu hút
tình yêu của Maria. Maria muốn bắt chước tổ phụ của dòng dõi mình. Maria dâng
trọn đời mình cho Chúa.
Chúng ta khẳng định được
như vậy vì tất cả các nét mà các sách Tin Mừng vẽ lại cho chúng ta thấy tâm hồn
của Maria. Chúng ta biết câu truyện Truyền tin. Maria dâng mình phó thác cho
Thiên Chúa quyết liệt thế nào trong hai tiếng Xin Vâng khiêm nhường. Cũng vì chỉ
muốn đi theo Chúa, phục vụ Chúa, mà nghe tin Chúa làm việc lạ nơi bà chị họ
Êlisabét, Maria đã tất tưởi lên đường, hạnh phúc nhảy các đồi cao, đến nhìn
công việc của Chúa. Và tại đây, như bài Tin Mừng cho thấy, tâm hồn của Maria đã
dạt dào cởi mở trong bài kinh Magnificat. Cứ đọc bài ca ấy đi, ai không thấy
ngay một tâm hồn đẹp đẽ nhưng dâng hiến hoàn toàn cho công việc của Thiên Chúa.
Lòng dâng hiến trọn vẹn sẽ đưa Maria không một phút nào không mật thiết kết hiệp
với Đức Giêsu, đặc biệt trên con đường thập giá. Và khi Phêrô và các môn đệ to
mồm nhất, bỏ Chúa đau đớn và trơ trọi trên thập giá, Mẹ Maria dũng cảm có mặt ở
đó, để các vết thương trên thân thể Con trở thành những nhát gươm đâm nát trái
tim Mẹ. Con dâng mình đau đớn thế nào cho Chúa Cha, Mẹ cũng dâng khổ đau dữ dằn
như thế, để cùng Con đổ Máu đền tội cho trần gian và ban Nước ân sủng Thánh Thần
cho mọi tín hữu. Đức tin cho chúng ta biết lễ dâng của Chúa và của Đức Mẹ tại đồi
Sọ có giá trị như thế nào. Thánh Phaolô nói rõ trong bài thư hôm nay. Chúng ta
vẫn tin như vậy. Tôi không cần nói thêm.
Tôi chỉ muốn nói điều
này: Ơn Cứu độ, Sự sống của Hội Thánh phát xuất từ lễ dâng trên núi Sọ. Đó là lễ
dâng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Lễ dâng đó trọn vẹn vì đã chảy cho đến giọt
máu cuối cùng… Nhưng đã khởi sự và đi con đường thập giá hy sinh lâu rồi. Cũng
như thư Hi- bá viết: Khi vào thế gian, Đức Kitô đã nói với Đức Chúa Cha: Này
Con xin đến để làm theo ý Cha; thì khi cho chúng ta gặp Đức Mẹ lần đầu tiên,
sách Tin Mừng cũng kể: Người nói hai chữ “Xin Vâng” để suốt đời sống theo ý
Chúa.
Cha của chúng ta là Đức
Giêsu, Mẹ của chúng ta là Đức Maria. Cả hai đã suốt đời Xin Vâng ý Cha Trên Trời
nên mới có dòng dõi là nghĩa tử. Đó là Adong và Evà mới của nhân loại mới được
cứu độ, thay cho Adong và Evà cũ đã đưa loài người vào con đường tội lỗi lầm
than vì bất tuân, vì không dâng hiến nhưng muốn sống cho mình.
Cha mẹ của chúng ta như
vậy, chúng ta sẽ thế nào? Anh em Linh mục thân mến, chúng ta hãy nhìn vào Đức Mẹ
trong lễ dâng mình hôm nay, để dâng lại ý chí của chúng ta trong ngày chịu chức,
là vâng phục Giám mục để thực sự là tông đồ, tức là được sai đi như Chúa Con được
Chúa Cha sai xuống trần gian thi hành chương trình cứu độ thương xót của Người.
Anh chị em nam nữ tu
sĩ, hôm nay hãy cùng chúng tôi dâng mình lại theo gương mẫu Đức Maria, dâng trọn
vẹn để sống mật thiết với Chúa Giêsu và công cuộc Cứu thế của Người.
Anh chị em giáo dân hãy
hợp lòng với tất cả các bậc tu trì chúng tôi để cùng dâng linh hồn và thân xác,
đời sống và gia đình cho Chúa, cho Đức Mẹ để xứng đáng là tín hữu, tức là có đức
tin trung tín.
Và như vậy, tất cả
chúng ta, sau khi dâng mình hiệp với của lễ dâng trên bàn thờ, để gắn bó với
tâm tình hiến dâng của Chúa và Đức Mẹ, và sau khi mang tinh thần hiến dâng trọn
vẹn ở nơi mình, chúng ta trước khi ra về sẽ dâng Giáo phận, các Giáo xứ, các Cộng
đoàn, các gia đình và hết thảy mọi người cho Chúa trong đà dâng mình trọn vẹn,
tuyệt diệu của Đức Maria Mẹ chúng ta trong thánh lễ hôm nay.
Chúng ta cùng nhau đứng
lên bắt đầu thái độ hiến dâng trong các lời nguyện cầu sau đây cho mọi thành phần
dân Chúa và xã hội.
(ĐGM. Bart. Nguyễn Sơn
Lâm)
21/11/13 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Mt 12,46-50
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Mt 12,46-50
MỐI LIÊN HỆ MỚI
“Phàm ai thi hành ý muốn của
Cha tôi. Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
Suy niệm: Ở đời có mối lien hệ do
huyết thống và mối liên hệ do việc nhận làm con nuôi. Trên bình diện siêu
nhiên, ta trở thành người thân thích với Thiên Chúa khi thi hành ý muốn của
Ngài. Đức Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là khuôn mẫu trong việc thi hành
thánh ý Thiên Chúa. Được dâng mình trong Đền thờ là cơ hội tốt nhất để Mẹ
thuộc trọn về Thiên Chúa; nhờ đó Mẹ toàn tâm toàn ý thực thi điều Chúa sắp
đặt cho Mẹ trong tương lai. Việc dâng mình tuy không do Mẹ chủ động vì lúc đó
Mẹ còn ấu thơ, song do hảo ý của ông Gioakim và bà Anna – như bao nhiêu cha
mẹ đạo hạnh thời đó – khởi đầu một nền giáo dục đạo đức, làm bệ phóng cho
những dấn thân của Mẹ sau này.
Mời Bạn: Là bậc làm cha mẹ, ta hãy noi
gương ông bà thân sinh của Đức Maria. Ngay khi con còn bé, ta hãy hướng con
mình theo con đường đạo đức. Sẽ chẳng bao giờ là sớm đối với kiếp người không
biết sống được bao năm! Là linh mục tu sĩ, những người dâng mình cho
Chúa như Đức Maria, ta hãy tập sống thuận theo ý Chúa mỗi ngày. Cái “tôi” của
ta sẽ được mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân khi ta biết vâng theo ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi phải làm sao để
mối liên hệ mới này – nhờ thực thi ý Chúa – giúp tôi sống hạnh phúc dù ở bậc
sống gia đình hay tu trì.
Cầu nguyện: Lạy
Mẹ Maria, xin giúp chúng con cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng mình vừa có một
mái ấm gia đình trần thế, vừa có một đại gia đình thiêng liêng trong đó Thiên
Chúa là người cha thân thiết của chúng con. Amen.
|
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
(Bài Suy Gẫm số 191 của Thánh Gioan La San)
“Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.
Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái”
(Tv 44, 10-11)
Điểm 1. Đức Maria dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Không phải vô duyên vô cớ mà Hội Thánh tôn vinh sự kiện Đức
Trinh Nữ rất thánh dâng mình trong Đền thờ bằng một ngày lễ. Bởi vì chính trong
ngày nầy mà Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Thiên Chúa, để hoàn toàn thuộc về
Người suốt đời, ngõ hầu không chỉ xa lánh sự đồi trụy của thế gian, Trinh Nữ
còn loại bỏ khỏi tâm trí người mọi lo toan với những tư tưởng vô ích của thế
gian, và loại khỏi lòng người cảm tình đối với tạo vật, vì lòng người được dựng
nên chỉ để yêu Chúa và dâng trọn cho Chúa mà thôi. Vì thế, trong ngày thánh
nầy, được Thiên Chúa ban cho không những ân sủng mà còn cả trí hiểu biết, cho
nên dù tuổi còn rất trẻ, Trinh Nữ đã khấn sống khiết tịnh suốt đời, theo niềm
tin truyền thống dựa trên tường trình của một tác giả đạo đức thời xưa. Theo
lời thánh Gioan Damascène, (Trinh Nữ đã khấn như thế) để gìn giữ linh hồn mình
trong sự thanh khiết, một khi thân xác người thoát khỏi mọi lạc thú của đời
sống nầy.
Anh Em đã dâng mình cho Chúa khi Anh Em xa lìa thế gian, để
sống trong cộng đoàn nầy bằng cách hoàn toàn thoát ra khỏi tất cả những gì,
trong thế gian, có thể làm thoả mãn các giác quan Anh Em, và chọn nơi nầy làm
nhà của Anh Em. Anh Em phải xem ngày nầy như là ngày hạnh phúc của Anh Em bắt
đầu trên mặt đất, để một ngày kia được thành toàn trên Trời. Nhưng Anh Em đã
dâng mình cho Chúa không phải chỉ tạm thời mà thôi. Bởi lẽ Anh Em đã dâng linh
hồn Anh Em cho Chúa, mà linh hồn Anh Em thì sẽ sống đời đời, vì vậy sự dâng
hiến của Anh Em cũng phải đời đời. Mà nếu Anh Em đã bắt đầu dâng mình trên trái
đất nầy rồi, thì sự dâng hiến nầy phải như thể một cuộc tập huấn cho việc mà
Anh Em sẽ làm đời đời trên Thiên đàng.
Điểm 2. Cuộc sống của Đức Maria trong Đền thờ.
Đức Trinh Nữ rất thánh đã hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa
một cách dứt khoát trong ngày thánh nầy. Cha mẹ người tháp tùng người trong
hành động thánh thiện nầy, đã để người ở lại trong Đền thờ hầu được dưỡng dục
tại đó với các trinh nữ khác, và chú tâm thực hành mọi nhân đức. Vì Thiên Chúa
muốn một ngày kia Đức Maria sẽ trở thành đền thờ cho Thiên tính của Người, nên
Người đã thực hiện nơi Trinh Nữ một điều cao trọng, ngay từ tuổi thơ ấu, bằng
sự tuyệt đỉnh của ân sủng để tôn vinh Trinh Nữ. Điều Thiên Chúa làm thật là
chính đáng. Vì thế, theo lời một tác giả đạo đức, trong Đền thờ Trinh Nữ luôn
tận tụy phục vụ Thiên Chúa, tập luyện chay tịnh và cầu nguyện ngày đêm. Chính
bằng cách nầy mà Trinh Nữ vẹn toàn thanh khiết nầy đã sống cách thánh thiện
trong suốt thời gian người đã trải qua trong Đền thờ.
Anh Em được hạnh phúc sống trong nhà Thiên Chúa mà Anh Em đã
dấn thân phụng sự. Anh Em phải: 1) tích lũy đầy tràn ân sủng nhờ linh thao
thánh là nguyện gẫm; 2) ra sức thực hành các nhân đức thích hợp nhất với bậc
sống của Anh Em. Chính bằng những phương tiện nầy mà Anh Em có khả năng chu
toàn bổn phận của Anh Em. Bởi vì Anh Em chỉ có thể làm tròn bổn phận mà Thiên
Chúa đòi hỏi nơi Anh Em trong mức độ Anh Em trở nên trung tín và chuyên cần
nguyện gẫm. Chính nhờ nguyện gẫm mà “Thần Khí sẽ ngự đến và dẫn Anh Em đến sự
thật toàn vẹn”, như Đức Giêsu Kitô đã dạy các tông đồ của Người, những chân lý
của Giáo lý và những châm ngôn Kitô giáo, mà Anh Em phải biết và thực hành cách
thật trọn hảo, vì Anh Em có bổn phận truyền lại cho người khác.
Điểm 3. Bằng sự thánh thiện của mình, Đức Maria chuẩn bị trở
thành Mẹ Thiên Chúa.
Kết quả của việc Đức Trinh Nữ rất thánh ở trong Đền thờ là sự
biến đổi lòng Trinh Nữ thành một đền thánh. Đó là lời mà Hội Thánh đã dùng để
ca ngợi Trinh Nữ trong ngày thánh nầy, rằng Trinh Nữ là đền thờ của Chúa và là
thánh điện của Chúa Thánh Thần. Vì lẽ ấy, Trinh Nữ là thọ tạo duy nhất đẹp lòng
Thiên Chúa một cách tuyệt hảo và cao quý đến nỗi sẽ không có một thọ tạo nào
khác giống như Trinh Nữ. Vì Trinh Nữ chính là thiếu nữ mà Đức Chúa, theo lời
sách Sáng Thế (3,15), đã chuẩn bị cho con của Người, và vì theo lời một ngôn
sứ, “ngày của Đức Chúa đến gần” (x. Ed 12,23) nên Người đã chuẩn bị Trinh Nữ
trước, biến Trinh Nữ thành một lễ phẩm thánh thiện được thánh hiến cho Người.
Vì vậy mà, theo sách Khải Huyền, Trinh Nữ “trốn vào sa mạc” (Kh 12,6), nghĩa là
vào trong Đền thờ, là nơi cách ly khỏi những liên hệ với con người, nơi mà
Trinh Nữ tìm được sự tĩnh mịch mà Thiên Chúa đã định cho Trinh Nữ. Vì Con Thiên
Chúa phải chọn Trinh Nữ làm nơi lưu ngụ cho mình, thì việc Trinh Nữ không
chuyện vãn với người phàm ngoài đời là điều rất hợp lý; mọi cuộc chuyện vãn đều
ở trong Đền thờ của Đức Chúa; thậm chí Trinh Nữ thường chuyện vãn với các Thiên
Thần hơn là với các bạn đồng môn của mình, để trở nên xứng đáng được một thiên
sứ của Thiên Chúa bái chào.
Hôm nay Anh Em hãy tôn vinh Đức Trinh Nữ rất thánh như là Nhà
Tạm và Đền thờ sống mà chính Thiên Chúa đã xây dựng cho Người, và tự tay Thiên
Chúa tô điểm. Anh Em hãy nguyện xin Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp cho Anh Em
được hồng ân là linh hồn Anh Em được trang điểm xinh đẹp, và sẵn sàng đón nhận
Lời Chúa để truyền đạt lại cho người khác, đến nỗi Anh Em trở thành những nhà
tạm của Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ lời Trinh Nữ chuyển cầu.
Bó hoa thiêng liêng:
“Cuộc đời Đức Maria có thể làm gương mẫu cho mọi người”
(Thánh Amrôsiô)
SUY NIỆM 3: Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời
William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề
nghị sửa một dấu trong Kinh "Lạy Cha" như sau: Giữa những câu
"chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến" và câu "ý
Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" thay vì dấu phết hay dấu chấm
phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa
dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả
sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước
Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín
hữu Kitô.
Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ
điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của
Ngài.
"Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em
Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta".
Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên
lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực
tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: "Này tôi là nữ tỳ của
Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền" và trong suốt cuộc đời,
Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới
chân thập giá.
Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có
thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: "Xin vâng!".
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – R. Veritas)
SUY NIỆM 4: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Mẹ Maria đã thực hiện tập tục, truyền thống của người Do Thái
là dâng hiến tuổi thơ mình cho Thiên Chúa Giavê trong đền thánh. Đây là tục lệ
của người Do Thái là bất cứ trẻ nhỏ nào cũng được dâng vào đền thánh để được
thánh hiến và sau đó sẽ ở lại đền thờ một thời gian để giúp việc và phục vụ các
vị chủ tế. Mẹ Maria đã tuân theo truyền thống của người Do Thái.
Một con người được dâng hiến cho Thiên Chúa Giavê
Mẹ Maria đã được thánh Gioankim và thánh Anna đem dâng cho
Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến.
Chính giây phút cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền
thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn
về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là
trở thành Mẹ Đức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên
Chúa đã biến cuộc đời của mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của
mẹ là đền thờ cho Đức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, mẹ Maria đã
thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn
quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên
suốt sống trong đền thánh, mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những
nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn
đường, dọn chức vụ mẹ Thiên Chúa của Đức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện,
kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời
Chúa. Đó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn
đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng,
xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ.
Dâng hiến Mẹ vào đền thánh là mở đầu nhân đức tinh khiết của
đời tận hiến
Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở
cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời
mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính
cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp
nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương
tuyệt vời để nhiều người noi theo. Tình yêu của mẹ đã biến đổi cái nhìn của con
người. Nhờ tình yêu thanh luyện của mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời
mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của mẹ đã
xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói,
là Đấng bảo trợ nhiệt thành và là Đấng hướng dẫn con người, Đấng soi chiếu mọi
người trên con đường tận hiến.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con nhận ra con người chúng con
để chúng con chỉ có một điều là hiến trọn thân cho Thiên Chúa.
(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)
Thứ Năm 21-11
Lễ Dâng Ðức Maria Vào Ðền Thánh
N
|
gày lễ dâng Ðức Maria
được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu, và một nhà thờ được xây cất ở đây
để kính nhớ. Giáo Hội Ðông Phương rất tha thiết với ngày lễ này, trong khi Giáo
Hội Tây Phương chỉ mừng lễ này vào thế kỷ 11. Sau đó, có quãng thời gian không
thấy ngày lễ này trong niên lịch phụng vụ, và mãi cho đến thế kỷ 16, lễ này mới
được chính thức đưa vào lịch Giáo Hội.
Như sự sinh hạ của Ðức
Maria, chúng ta biết về việc dâng Ðức Maria vào đền thờ cũng qua các văn bản
được gọi là ngụy thư. Trong một văn bản không có giá trị lịch sử là Tin
Mừng Tiên Khởi của Giacôbê cho chúng ta biết, khi Ðức Maria lên ba
tuổi, Thánh Anna và Thánh Gioankim đã lên Ðền Thánh để dâng ngài cho Thiên
Chúa. Ðiều này được thực hiện là vì một lời hứa với Thiên Chúa của Thánh Anna
khi ngài còn hiếm muộn.
Mặc dù không có giá trị
lịch sử, việc dâng Ðức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng.
Ngày lễ này được coi như tiếp nối lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ sinh nhật của
Ðức Maria. Nó nói lên sự thánh thiện được trao ban cho Ðức Maria từ lúc lọt
lòng, qua thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Lời Bàn
Ðôi khi thật khó để
người Tây Phương quý trọng ngày lễ này. Tuy nhiên, Giáo Hội Ðông Phương thật dễ
đón nhận ngày lễ này và có lúc còn bó buộc phải cử mừng. Mặc dù ngày lễ không
có căn bản lịch sử, nó nói lên một chân lý về Ðức Maria: Ngay từ lúc đầu đời,
ngài đã được dâng hiến cho Thiên Chúa. Chính ngài trở nên một đền thờ cao trọng
hơn bất cứ đền thờ nào khác do tay con người làm ra. Thiên Chúa đã đến ngự
trong bản thân ngài qua một phương cách kỳ diệu, và thánh hóa ngài vì vai trò
độc đáo của ngài trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ðồng thời, sự tráng
lệ của Ðức Maria lại ảnh hưởng đến con cái của ngài. Họ cũng là những đền thờ
của Thiên Chúa và được thánh hóa để có thể vui hưởng và chia sẻ trong công
trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét