Trang

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

22-11-2013 : THỨ SÁU TUẦN XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH XÊ-XI-LI-A, TRINH NỮ, TỬ ĐẠO (lễ nhớ)

THỨ SÁU 22/11/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.


* Cuối thế kỷ V, câu chuyện về cuộc thương khó của các chứng nhân tử đạo Cêcilia, Valêrianô và Tibuốc đã ca ngợi đức đồng trinh của Kitô giáo, khiến cho tên tuổi của một thiếu nữ người Rôma tên là Cêcilia trở thành lừng lẫy. Chị đã chịu tử đạo và được mai táng ở nghĩa trang Calíttô. Một thánh đường đã được xây dựng để kính thánh nữ và một đoản văn trong câu chuyện trên đã khiến cho các nhạc sĩ chọn chị làm bổn mạng.

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 4, 36-37, 52-59
"Họ làm lễ cung hiến bàn thờ và hân hoan dâng lễ toàn thiêu".
Trích sách Macabê quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Giuđa và anh em ông nói rằng: "Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại".
Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Sion.
Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ.
Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11abc. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Lạy Chúa, chúng con chúc tụng thánh danh vinh hiển của Chúa (c. 13b).
Xướng: 1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, Người thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới muôn muôn thuở". - Ðáp.
2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.
3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. - Ðáp.
4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 45-48
"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Nơi Gặp Gỡ Chúa
Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.
Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: "Ðã đến lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế". Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.
Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.
Những gì xẩy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho các môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục?
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 33 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: I Mac 4:36-37, 52-59; Lk 19:45-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thanh tẩy Đền Thờ

Những cám dỗ của thế gian và sự bận rộn của cuộc sống làm con người nhiều khi không còn nhận ra được đâu là sự thật, sự thánh thiêng, và ý nghĩa của cuộc đời. Hậu quả xảy ra là thay vì con người phải chủ động điều khiển cuộc đời mình, con người lại để cho cuộc đời điều khiển. Ví dụ: để cho giới con buôn hướng dẫn tòan bộ cuộc đời: mua nhà đắt tiền, xe cộ phải như thế nào mới xứng đáng, khi đi ăn phải ở nhà hàng nào mới sang trọng, uống rượu phải rượu XO nào mới sang trọng mà không cần biết chai rượu đó đã trị giá cả ngày lương lao động của mình. Vì quen xài sang nên phải kiếm ra nhiều tiền để xài, chẳng cần xét xem cách kiếm tiền có chính đáng hay không? Bác sĩ khám bệnh nhân nghèo qua loa 5-10 phút rồi chém đẹp bằng những giá cả bằng cả tuần lương của họ. Ngày Chủ Nhật cần để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa, nhiều người cũng dùng luôn để kiếm tiền tiêu xài, mà không cần biết đến những thiệt hại cho sức khỏe và cho đời sống tâm linh của mình.
Các Bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn sâu vào đền thờ tâm hồn để nhận ra những bụt thần cần được quét sạch và nhu cầu cần thánh hóa để trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Trong Bài đọc I, Judah và các anh em con ông Mattathias kêu gọi dân chúng tiến lên thanh tẩy Đền Thờ khỏi mọi ô uế của Dân Ngoại đã làm cho nhơ nhớp, để xứng đáng làm nơi ngự trị cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vào Đền Thờ xua đuổi những kẻ đã biến Nhà Cầu Nguyện của Cha Ngài thành hang trộm cướp.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh.

1.1/ Phải nhận ra sự ô uế và các hậu quả của nó: Trong Bài Đọc I hôm qua, cha của Judah và các anh em ông là Mattathias đã tức giận vì các quan chức đã dâng lễ tế thần và cúng thịt heo trên bàn thờ dùng để dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Ông đã không cầm được lòng nhiệt thành khi thấy một người Do-thái tiến lên dâng hương cho các thần, nên đã giết anh ta cùng viên quan chức, sau đó đã đưa gia đình và các người nhiệt thành vào sống trong sa mạc để chuẩn bị kháng chiến.
Sau một thời gian, lực lượng của ông đủ mạnh, và với sự phù trợ của Thiên Chúa, ông và các con đã chiến thắng quân đội của vua Antiochus. Ông đã qua đời và trao lực lượng quân đội vào tay Judah và các anh em của ông. Khi đã giải phóng Jerusalem, điều đầu tiên Judah và các anh muốn làm là tổ chức thanh tẩy Đền Thờ, nơi đã bị các Dân Ngoại làm cho ra ô uế: "Này, kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh." Tất cả đoàn quân tập hợp lại và lên núi Sion. Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ trong tám ngày liên tục, hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu, hy lễ hiệp thông và tạ ơn. Họ lấy các triều thiên bằng vàng và những tấm biển mà trang trí mặt tiền Đền Thờ, đồng thời cũng sửa sang các lối ra vào, các phòng ốc và làm lại các cửa phòng.

1.2/ Phải thường xuyên thanh tẩy và thánh hóa Đền Thờ: Dân chúng vui mừng không kể xiết và quên hẳn nỗi nhục nhằn dân ngoại đã gây ra. Ông Judah cùng với anh em và toàn thể đại hội Israel quyết định là hằng năm, trong thời gian tám ngày từ hai mươi lăm tháng Chislev, phải cử hành lễ cung hiến bàn thờ thật tưng bừng rộn rã. Đây là nguồn gốc của ngày lễ Hannukah, mà người Do-thái vẫn cử hành vào tháng 12 mỗi năm.
Điều này phải làm cho các đền thờ dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng còn cần hơn nữa cho việc thanh tẩy đền thờ trong tâm hồn mỗi người. Lý do Thiên Chúa là Đấng rất thánh thiện: nơi nào Ngài hiện diện là không có sự hiện diện của ma quỉ và sự phá hoại của chúng; ngược lại, nơi nào không có sự hiện diện của Thiên Chúa, ma quỉ sẽ tác oai tác quái, và bắt con người làm nô lệ cho chúng.

2/ Phúc Âm: Thanh tẩy Đền Thờ

2.1/ Đừng biến Đền Thờ thành sào huyệt của bọn cướp: Đền Thờ là Nhà Cầu Nguyện. Các thượng tế và tư tế là những người chịu trách nhiệm gìn giữ vẻ thánh thiêng cho Đền Thờ, nhưng họ đã để lợi lộc vật chất lên trên việc thờ phượng Chúa. Họ lợi dụng Đền Thờ để làm giầu, lợi dụng lòng tin để cướp của dân chúng. Có 2 cách họ có thể lợi dụng để kiếm lời:
(1) Đổi tiền: Jerusalem là nơi giao lưu của nhiều quốc gia: Do Thái, Hy-Lạp, Rôma, Syria. Họ lập những quầy đổi tiền và tính phân lời trên số tiền muốn đổi. Những quầy đổi tiền như thế vẫn còn gặp thấy nhiều trong Thành Jerusalem ngày nay.
(2) Bán những vật hy sinh: Bất cứ người Do-Thái nào vào Đền Thờ cũng phải dâng lễ vật hy sinh để đền tội. Họ có thể mua những con vật bên ngòai với giá rẻ hơn nhiều; nhưng họ phải qua sự kiểm sóat của các tư tế, để những người này xác nhận nếu vật hy sinh hội đủ điều kiện như Luật qui định. Để chắc chắn có vật hy sinh hội đủ điều kiện, đa số dân chúng phải bấm bụng mua những con vật này bên trong Thành (của các tư tế hay người nhà của họ) với giá cắt cổ.
Lý do chính Chúa Giêsu tức giận vì họ đã lợi dụng tôn giáo để bắt chẹt dân nghèo, nên Ngài vào Đền Thờ, bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà Cầu Nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!"

2.2/ Sự cay đắng của Lời Chúa: Chúa Giêsu rất can đảm khi làm công việc này vì nó động đến quyền lợi của các nhà lãnh đạo. Vì không muốn mất uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất; các thượng-tế, kinh-sư, và các nhà lãnh đạo đã quay lưng với sự thật, và họ tìm cách giết Người.
- Đền Thờ được nói tới đây không chỉ thuần túy là Đền Thờ tại Jerusalem, nhưng được mở rộng tới tất cả Đền Thờ tại các nơi trên thế giới, tới cả Đền Thờ của gia đình và của mỗi cá nhân, vì như lời Thánh Phaolô, “thân xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”
- Thanh tẩy Đền Thờ có nghĩa trả lại vị thế ưu việt cho Thiên Chúa trong Đền Thờ: đừng để bất cứ một người nào hay một điều gì lên trên Ngài, vì con người phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thanh tẩy Đền Thờ cũng có nghĩa là sống công bằng bác ái với tha nhân, đừng lợi dụng bất cứ lý do gì để bóc lột và làm giầu trên mồ hôi nước mắt của tha nhân.
- Cách thanh tẩy Đền Thờ hữu hiệu nhất là hãy trực diện với Lời Chúa, hay như các thượng-tế và kinh-sư trước những Lời của Chúa Giêsu thách thức họ trong Phúc Âm. Mặc dầu cay đắng vì “sự thật luôn mất lòng;” nhưng đồng thời chỉ có “sự thật mới giải thóat.” Như trình thuật hôm nay kể: “Vẫn còn những người nhìn ra sự thật. Tòan dân say mê nghe Người.”
- Từ chối không chịu để cho Lời Chúa thanh tẩy, hay tệ hại hơn như các thượng-tế và kinh-sư hôm nay muốn bóp nghẹt hay tìm cách tiêu diệt sự thật là khai tử chính mình; là muốn sống theo sự giả trá và ở trong bóng tối của thế gian. Một đền thờ như thế, như lời Chúa nói từ đầu, không còn là Đền Thờ của Thiên Chúa, nhưng là một sào huyệt của bọn cướp.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần phải thường xuyên thanh tẩy tâm hồn để luôn xứng đáng là Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chúng ta cần xét lại những động lực thúc đẩy chúng ta làm việc thờ phượng: Có phải vì lòng kính mến Chúa hay vì danh dự, uy quyền, và các mối lợi vật chất?
- Lời Chúa là khí cụ tốt nhất cho việc thanh tẩy tâm hồn. Đọc và suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ soi sáng trí lòng chúng ta để nhận ra những bụt thần và tội lỗi trong tâm hồn trước khi có thể thanh tẩy chúng.
- Chúng ta phải chấp nhận sự cay đắng của Lời Chúa mới có thể thanh tẩy tâm hồn được. Quay lưng lại Lời Chúa hay tìm cách bóp nghẹt Sự Thật là làm cho Đền Thờ trở thành nơi ở của Satan và tội lỗi.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 33TN
Lc 19,45-48

A. Hạt giống...
Ý nghĩa của hành động Chúa Giêsu là thanh tẩy Đền thờ, gồm 2 khía cạnh :
1. Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, cho nên Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người buôn bán.
2. Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó : “Hàng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.

B.... nẩy mầm.
1. Mua bán những lễ vật để đem vào dâng trong đền thờ không phải là thờ phượng đích thực. Nghĩ rằng dâng lễ vật tức là thờ phượng Chúa thì càng sai hơn nữa. Bởi đó Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người mua bán lễ vật. Thờ phượng đích thực là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bởi đó sau khi đánh đuổi những người mua bán, Chúa Giêsu “hằng ngày giảng dạy trong Đền thờ” và “toàn dân say mê nghe Ngài”.
2. Việc phượng tự của chúng ta dễ bị biến chất, mất đi ý nghĩa cao đẹp ban đầu. Xin Chúa Giêsu giúp ta biết thường xuyên rà lại nếp sống thờ phượng của ta. - Chúa Giêsu đến canh tân việc phượng tự : từ nay không còn là chiên bò, chim câu… mà chính thân xác Ngài là lễ vật tuyệt hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. - Chúa Giêsu là đền thờ mới sau khi “bị phá đổ trong 3 ngày”. Từ nay muôn dân quy tụ nơi đền thờ này để dâng lễ vật.
3. Ta nhớ lại lời thánh Phaolô : “Thưa anh em, vì Thiên Chúa xót thương chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1). -  Cả cuộc đời tôi là của lễ. Lạy Chúa, xin thương nhận ‘của lễ hiến tế đời con’.
4. Hay tin một Linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho Cha xứ cũ về hưu, lại được biết Linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị Linh mục mới cố tình ra mắt họ với một bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố : “Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt Cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà ; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại.” (Christian Beacon).
5. “Chúa Giêsu nói với họ : ‘Đã có lời chép rằng Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46)
Có những lúc con tự hỏi : Chúa sẽ như thế nào khi Ngài đến nơi cung lòng con ? Và đường như con nghe Lời Ngài khiển trách, vì đã có những lần con đến gặp Ngài nơi bàn tiệc thánh nhưng tâm trí con lại để ở đâu. Con mãi lo suy tính : chiều nay con sẽ đi shop mua giày, sáng mai con dậy sớm để giải một bài toán. Có khi cả buổi lễ con toàn nhớ đến “người ấy”. Hay hết bài giảng của Linh mục chủ tế là con lập được dàn ý của bài luận văn…
Giêsu ơi, xin cho con mỗi lần đến với Ngài, tâm hồn thanh thản, và gặp Chúa trong tình thân. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

22/11/13 THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Th. Xêxilia
Lc 19,45-48

NHÀ CHÚA – NHÀ CẦU NGUYỆN
“Đã có lời chép rằng :’ Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! (Lc 19,46)
Suy niệm: Dù lớn hay nhỏ, dù ở thành thị hay thôn quê, hình ảnh một ngôi thánh đường với bầu khí tĩnh lặng, yên bình, thánh thiêng đã trở nên rất quen thuộc đối với con người. Và có lẽ hơn ai hết, các Kitô hữu chính là những người cảm nhận cách sâu sắc hình ảnh ấy. Thế nhưng, điều gì đã kiến tạo nên khung cảnh đó? Hay nói cách rõ ràng hơn, đâu là lý do để nối kết hình ảnh ngôi thánh đường với bầu khí thinh lặng, trang nghiêm và linh thánh? Thưa, vì thánh đường là nơi cầu nguyện, là nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, là Nhà Chúa. Chính Chúa Giêsu tái khẳng định: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện.”
Mời Bạn: Trong bối cảnh hiện tại, các ngôi thánh đường giáo xứ của bạn và tôi vẫn khang trang, êm ả, không bị biến thành nơi buôn bán, đổi chác, hay là “sào huyệt của bọn cướp” hiểu theo nghĩa đen. Thế nhưng, đó có phải là nhà cầu nguyện, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em thật sự không? Nếu mỗi chúng ta đến Nhà Chúa với một tâm hồn còn chất chứa thù hận, chia rẽ, bất công… thì phải nói rằng chính chúng ta là những kẻ đang muốn biến Nhà Chúa – nhà cầu nguyện thành một thứ gì khác.
Chia sẻ: Bạn thường đến Nhà Chúa với tâm tình và thái độ thế nào? Bạn nghĩ đâu là thái độ thích hợp nhất khi đến cầu nguyện trong Nhà Chúa?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian viếng Chúa và cầu nguyện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đến với Chúa bằng con tim yêu thương: yêu Chúa và yêu người.


Ðền thờ của Chúa
Chúng ta thường thấy Chúa Giêsu là người ôn hòa và tế nhị. Ngài luôn có thái độ khiêm tốn và kính trọng trong cách đối xử với mọi người. Nhưng trong đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Ngài đã không hành động như thường lệ nữa, Ngài đã nổi giận và xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ. Riêng trong Phúc Âm theo thánh Máccô và thánh Mátthêu còn diễn tả một cách chi tiết hơn hình ảnh Chúa Giêsu lật đổ quầy bàn đổi tiền và xô ngã ghế của những người buôn bán trong đền thờ và la mắng họ: "Ðã có lời chép rằng: nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp". Khi hành động như thế, Chúa Giêsu đã có ý sửa chữa những thói hư tật xấu của những kẻ gian manh lạm dụng người khác để làm giàu cho chính mình như những kẻ đổi chác tiền bạc trong đền thờ chẳng hạn. Họ làm giàu bằng cách bóc lột những người lương thiện phải trả tiền nhiều hơn so với giá phải chăng. Khi hành động bất lương như thế họ cũng đã xúc phạm luôn cả Thiên Chúa nữa.
Lời khiển trách của Chúa nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện, nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người, vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người. Họ lắng nghe Lời Chúa với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người. Lời Chúa mang đến cho người nghe sự bình an và hân hoan sâu xa trong tâm hồn chúng ta như bài thánh vịnh hôm nay:
"Tuân theo thánh ý Chúa,
Con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể
Con sẽ ngẫm suy huấn lệnh Chúa truyền
Ðưa mắt nhìn theo đường lối Chúa
Con vui thú với thánh chỉ Ngài
Chẳng quên lời Người phán dạy."
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đền thờ đem lại cho nhà Chúa một sự sống động và sức mạnh thiêng liêng. Thiên Chúa đã ngự xuống giữa trần gian, Người không xa cách hay mơ hồ nhưng gần gũi với con người. Nhà Chúa không phải chỉ là một công trình kiến trúc vô tri vô giác, nhưng là nơi mà Thần Khí của Chúa ngự trị tuy vô hình nhưng có khả năng truyền đạt sức sống, tình yêu và hy vọng cho những tâm hồn khao khát tìm đến với Người. Ðền thờ của Chúa không phải chỉ ở Giêrusalem mà thôi nhưng còn là xã hội con người hay ở mỗi cá nhân, theo đó phải được giải thoát khỏi mọi sự xấu xa để có thể phụng thờ Chúa bằng một tâm hồn trong sạch và thánh thiện hơn. Chúa Giêsu uốn nắn và sửa đổi chúng ta trong tình yêu thương của Người để đưa chúng ta từ con đường sai trái đến chân lý và sự toàn thiện. Người răn dạy chúng ta vì mục đích tốt lành để chúng ta cùng thông phần vào sự thánh thiện của Người.
Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con biết thờ lạy Người với tình yêu mến và lòng biết ơn về những hồng ân mà Người đã rộng lòng ban phát cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và thực hành thánh ý của Chúa bằng với lòng tin và sự vâng phục.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy niệm
Tin mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên đền thờ Giêrusalem. Chứng kiến sự hỗn độn qua việc đổi chác, mua bán ở khu vực xung quanh Đền thờ, Đức Giêsu đã nổi giận và đánh đuổi những người buôn bán.

Hôm nay, tôi cần ngắm nhìn Đền thờ tâm hồn mình là nơi Chúa ngự trị: có sự buôn bán, đổi chác nào đang diễn ra?

Mong sao, qua Bí tích Thánh Thể và Hòa giải, tôi để Chúa đánh đuổi những gì làm ô nhơ Đền thờ tâm hồn tôi.
Mong sao, tôi cũng muốn đuổi xua những gì làm ô nhơ Đền thờ tâm hồn những người mà tôi có trách nhiệm.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

22 THÁNG MƯỜI MỘT

Đồng Cảm Với Những Nỗi Khó Khăn Của Người Khác

Giáo Hội không thể chỉ đóng khung mình trong những gia đình Kitôhữu gắn bó với mình. Không, Giáo Hội phải mở rộng các chân trời của mình ra để bao gồm tất cả mọi gia đình, nhất là những gia đình đang ở trong những hoàn cảnh bi đát nhất.
Tất cả chúng ta đều biết rõ những hoàn cảnh khó khăn đang đè nặng trên nhiều gia đình. Có những gia đình của người tị nạn, những gia đình của người phục vụ trong quân ngũ, những gia đình của các thủy thủ hay của những người rày đây mai đó thuộc đủ mọi lý do. Có những gia đình của các tù nhân, của những người trốn tránh sự bách hại … Tất cả những gia đình ấy đều phải chịu sự chia cách lâu dài. Có những gia đình có con cái bị khuyết tật hoặc có người nghiện rượu hay ma túy. Có những gia đình chỉ còn đôi vợ chồng cao niên sống cô quạnh lẻ loi. Mọi người đều biết rõ bi kịch của các gia đình thường xuyên xảy ra bất hòa và cãi vã kịch liệt. Có những gia đình có con cái vô ơn và bướng bỉnh chống cưỡng lại cha mẹ. Có những gia đình mà người vợ hay người chồng mất đi, kẻ ở lại phải sống cô đơn suốt đời. Có những gia đình mà cái chết bi đát của một thành viên xuân trẻ phủ trùm trên mọi người một nỗi tiếc thương da diết khôn nguôi.
Cuối cùng, có những gia đình là sào huyệt của tội lụy, theo góc nhìn của người Kitôhữu. Tất cả những bối cảnh đó đặt ra những vấn đề mục vụ gay go cho Giáo Hội. Giáo Hội phải ý thức những hậu quả nghiêm trọng mà chúng gây ra. Giáo Hội không thể dửng dưng với con người trong các hoàn cảnh khó khăn đó, vì Giáo Hội phải cảm thông và quan tâm đến phần rỗi của họ.
Chúng ta hãy cầu nguyện khẩn thiết cho các gia đình, nhất là cho các gia đình đang vướng mắc trong những hoàn cảnh khó khăn.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 22-11
Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
1Mcb 4, 36-37.52-59; Lc 19, 45-48.


LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,45-46).

Từ ngày chúng ta nhận lãnh bí tích Rửa Tội. Tâm hồn chúng ta đã trở thành đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo thời gian và hoàn cảnh xã hội chúng ta đang sống, có thể đã thúc đẩy chúng ta đi vào con đường tối, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên hoen ố. Chúng ta cần phải xem lại đời sống của mình: trong tư tưởng, lời nói, việc làm... có đúng với ý của Chúa không. Để chúng ta biết chạy đến với bí tích Hòa Giải; nhờ ân sủng của bí tích này tẩy xóa mọi vết nhơ tội lỗi; để khỏi phải bị Chúa Giêsu đánh đuổi và lật nhào.


Mạnh Phương



Gương Thánh Nhân

Ngày 22-11
Thánh CÊCILIA
Đồng Trinh Tử Đạo


Cuộc tử nạn của thánh CÊCILIA rất được nhiều người biết đến, quí chuộng thán phục và ưa lập lại.
Nhưng những thế kỷ đầu không thấy nói gì tới vị thánh này cả. Thánh Ambrôsiô. Hierônimô rất kính các trinh nữ tử đạo, nhưng không nhắc đến tên Ngài. Ba trăm năm sau cuộc tử đạo giả định này, câu chuyện của thánh nữ xem ra là một trong những áng văn đẹp nhất làm say mê tín hữu và phổ biến rộng rãi lạ thường. Câu chuyện tưởng tượng về thánh nữ Cêcilia được chen vào giữa hai vị tử đạo có thật là Valêriô và Tiburtiô. Truyện đó như sau:
Cêcilia thuộc gia đình quí phái sống tại Roma dưới thời vua Alexander Sêvêrô. Cuộc bách hại thật dữ dằn. Một mình trong gia đình là Kitô hữu, Ngài luôn mang theo cuốn Phúc âm và sống đời cầu nguyện bác ái. Mỗi khi tới hang toại đạo là nơi Đức giáo hoàng Urbanô bí mật cử hành thánh lễ, đoàn người ăn xin đợi chờ Ngài trên đường đi Roma chìa tay xin Ngài phân phát của bố thí. Dưới lớp áo thêu vàng, Cêcilia mặc áo nhậm mà vẫn tỏ ra bình thản dịu dàng.
Trong khi tuổi trẻ ngoại giáo mê say nhạc trần tục, lòng Cêcilia hướng về Chúa và ca tụng một mình Ngài thôi. Đáp lại lòng đạo đức của Ngài, Thiên Chúa cho Ngài được đặc ân được thấy thiên tnần hộ thủ hiện diện bên mình.
Cha mẹ Cêcilia gả Ngài cho một nhà quí phái tên là Valêriô yêu Cêcilia nồng nhiệt, ông không biết Ngài theo Kitô giáo, nhưng ông có một tâm hồn ngay thẳng.
Ngày cưới, Cêcilia mặc chiếc áo nhặm duới lớp áo ngoài sang trọng và khẩn cầu Chúa giữ cho mình được trinh nguyên. Giữa những tiếng ca vui nhộn, Cêcilia vẫn theo thói quen cùng với các thiên thần ca hát những khúc thánh thi. Bởi đó mà các người Kitô hữu hay nhận Ngài là bổn mạng của các nhạc sĩ. Chúa Giêsu khấng nghe lời ca trong trắng tự lòng vị hôn thê trẻ dâng lên Ngài. Khi chiều về, Cêcilia nói với Valêriô:
- Thưa Chúa công, em có điều này muốn nói với anh, không bàn tay trần tục nào được động tới em, vì em có một thiên thần bảo vệ. Nếu anh tôn trọng em, Ngài cũng yêu mến anh và ban ân phúc cho anh.
Ngạc nhiên và rất cảm kích, Valêriô đã ao ước nhìn thấy thiên thần. Cêcilia mới nói rằng: ông phải chịu phép rửa tội đã, rồi nàng giải thích mầu nhiệm cứu rỗi các linh hồn do đức Kitô cho ông nghe. Ngài đề nghị: - Anh hãy tới đường Appianô. Anh sẽ gặp những người nghèo khổ và lấy danh nghĩa em để xin họ dẫn anh tới gặp cụ già Urbanô đang ẩn náu trong hang toại đạo. Vị giám mục này sẽ dạy dỗ anh hay hơn em, Ngài sẽ chúc bình an cho anh, sẽ mặc cho anh bộ áo trắng tinh. Rồi trở lại đây anh sẽ thấy thiên thần của em.
Valêriô theo lời vị hôn thê của mình, đến đường Appianô và được dẫn tới vị giám mục. Ngài dạy đạo và rửa tội cho ông. Trở về với Cêcilia . Ông gặp nàng đang cầu nguyện, có thiên thần bên cạnh, khuôn mặt thiên thần rực sáng, tay cầm hai triều thiên kết bằng hoa huệ và hoa hồng. Ngài đặt một chiếc trên đầu Cêcilia và một chiếc trên đầu Valêriô và nói:
- "Hãy giữ lòng trong trắng để xứng đáng bảo vệ những triều thiên này, chúng từ vườn của Thiên Chúa, không bao giờ tàn tạ, chẳng hề lạt hương".
Thiên thần còn nói thêm: - "Hỡi Valêriô, bởi vì anh đã biết nghe lời hiền thê của anh, vậy anh xin điều gì anh muốn".
Valêriô có người em ông yêu thương lắm tên là Tiburtiô, ông xin: - "Con muốn em con cũng biết đạo thật như con"
Thiên thần trả lời: - Điều anh xin rất đẹp lòng Chúa. Vậy hãy biết rằng: Tiburtiô và anh sẽ lên trời với ngành vạn tuế tử đạo".
Ngay lúc ấy Tiburtiô xuất hiện. Ông thấy mùi hoa huệ và hoa hồng và muốn biết từ đâu mà có hương thơm như vậy giữa mùa này, thứ hương thơm như làm con người ông trẻ lại. Cêcilia đã nói cho Cêcilia ông hiểu sự hư không của các ngẫu thần, đã tỏ cho ông thấy sự rực rỡ của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tiburtiô muốn được sự chỉ dạy, và đến lượt ông, cũng đã lãnh nhận bí tích rửa tội do đức giáo hoàng Urbanô.
Cêcilia, Valêriô và Tiburtiô cùng nhau sống đời thánh thiện. Họ phân phát của bố thí cho các Kitô hữu bị bắt bớ, bí mật cầu nguyện với những người bị kết án và khuyến khích họ can đảm chịu cực hình. Đêm về hai anh em lo chôn cất xác các vị tử đạo.
Chẳng bao lâu họ bị phát giác. Tổng trấn Almachiô ngac nhiên hỏi: - Các người quan tâm tới các tử tội bị ta kết án hay sao ?
Cêcilia trả lời: - Thật đẹp lòng Chúa biết bao, nếu chúng tôi xứng đáng được làm nô lệ cho những người mà Ngài kết án là tử tội.
Quan tổng trấn nhún vai cho rằng: người đàn bà này mất trí. Ông tách riêng Valêriô và Tiburtiô và cũng hỏi như vậy. Nhưng các Ngài đã khinh thường danh vọng với sang giàu mà Almachiô rất coi trọng. Ông liền kết án trảm quyết các Ngài. Tác giả kể lại cuộc tử nạn các Ngài đã nói: - Người ta thấy các Ngài chạy xô tới cái chết như tới dự một đại lễ.
Cêcilia thu lượm và chôn cất xác các Ngài. Nàng vẫn tiếp tục bao bọc cho các Kitô hữu bị bách hại. Almachiô liền tống giam các Ngài. Bị vấn danh Ngài nói: - Tôi tên là Cêcilia, nhưng Kitô hữu là tên đẹp hơn nhiều của tôi.
Quan tổng trấn bắt nộp tài sản của Valêriô và Tiburtiô. Cêcilia trả lời để tất cả đã được phân phát cho người nghèo rồi. Tức giận Almachiô truyền cho Cêcilia phải dâng hương tế thần ngay nếu không sẽ phải chết. Cêcilia cười trả lời: - Chư thần của ông chỉ là đá, đồng chì, và Ngài tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà thôi. Các binh sĩ xúc động nghị rằng Ngài sắp phải chết nên nài nỉ: - Cô sang trọng và trẻ đẹp, hai mươi tuổi đầu hãy dâng hương tế thần đi, đừng để chết uổng.
Nhưng Cêcilia trả lời họ rằng: - Các ông không biết rằng chết vào tuổi tôi, không phải là đánh mất tuổi trẻ, nhưng là đổi chác vì Thiên Chúa sẽ trả lại gấp trăm cái người ta dâng cho Ngài sao ? Nếu người ta đưa quí kim để đổi lấy vật tầm thường, các ông có ngập ngừng không ?
Nghe Ngài các binh sĩ hoán cải. Almachiô mất bình tĩnh truyền giam Ngài vào phòng tắm. Căn phòng đầy hơi nóng. Cêcilia không hề thấy khó chịu. Almachiô truyền chém đầu Ngài lý hình ba lần dùng gươm mà chỉ gây nên được một vết thương ghê rợn. Thánh nữ đã cầu xin để được gặp Đức Giáo hoàng Urbanô đến lo linh hồn mình. Ngài còn sống được 3 ngày, được gặp Đức Urbanô, rồi lãnh triều thiên thiên thần đã hứa.
Các Kitô hữu chôn táng Ngài và tôn trọng thái độ lúc Ngài tắt hơi, đầu không cúi gục như bông hoa không tàn.
Hơn một nghìn năm sau, người ta thấy trong hang toại đạo một thi thể được coi như là của Cêcilia, huyền thoại kể lại và nghệ sĩ trẻ Maderna tạc tượng đã nghĩ đây là tuyệt phẩm của ơn thánh.
Vào thế kỷ thứ V, một nhà quí phái trùng tên đã dâng nhiều dinh thự làm nhà thờ đặt tên là Cêcilia danh hiệu bà đã được mang.

(daminhvn.net)


22 Tháng Mười Một

Nồi Cháo Tuyệt Vời

Một hôm, có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: "Bà đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn".
Thấy người lạ mặt đề nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của mọi người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên miệng nếm, ông vừa hít hà: "Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai thì tốt hơn". Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: "Trong bếp tôi còn một ít khoai". Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồi. Một lát sau, ông nếm thử và nói: "Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon hơn".
Nghe thế , một người đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: "Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo". Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: "Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất trần gian". Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.
Mọi người vui vẻ ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.

Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.
Bà góa thành Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày trong suốt mùa hạn hán. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé...
Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh... Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.
Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ may để đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của cúng ta. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

Thứ Sáu 22-11
Thánh Cecilia
(Thế kỷ III)

M
ặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.
Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với đức lang quân, "Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai." Và khi ông hứa, ngài nói: "Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến." Ông nói, "Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy," và ngài trả lời, "Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội."
Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.
Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.
Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.
Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.
Lời Bàn
Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.
Lời Trích
"Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn... Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ... Bình ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu... Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát" (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét