Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

17-11-2013 : (phần I) CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C - Kính Trọng Thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

CHÚA NHẬT 17/11/2013
CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C
Kính Trọng Thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(phần I)


Bài Ðọc I: Ml 4, 1-2a
"Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho".
Trích sách Tiên tri Malakhi.
"Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 5-6. 7-8. 9
Ðáp: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.
2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. - Ðáp.
3) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tx 3, 7-12
"Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: "Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn". Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Ðối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 24, 42a và 44
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 5-19
"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm :Sẽ Ðến Ngày Của Chúa
Sẽ có ngày cả thế giới và vũ trụ này biến đổi. Bao giờ, thế nào và có những dấu hiệu nào báo trước: đó là những câu hỏi mà luôn luôn người ta muốn biết? Người ta cố vặn vẹo các bản Kinh Thánh để đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Và các đoạn sách chúng ta đọc hôm nay cũng đã giải thích, khai thác rất nhiều.
Do đó chúng ta càng phải thận trọng khi tìm hiểu những bài Kinh Thánh này. Chúng ta sẽ trung thành và cởi mở đón nhận giáo huấn của Chúa chứ không tìm cách thỏa mãn tính tò mò tự nhiên về thời tận thế hay về lúc thời cơ biến đổi.

1. Sẽ Ðến Ngày Của Chúa
Trước hết chúng ta thường quan niệm tận thế là lúc tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Ðó cũng là ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại để mở cuộc chung thẩm, chấm dứt nếp sống trần gian và mở ra đời sống vĩnh cửu. Ngày ấy cũng thường được đồng hóa với ngày của Thiên Chúa mà các sách Cựu Ước và nhất là các sách tiên tri thường nói đến. Ít ra chúng ta vẫn coi những điều Cựu Ước viết về ngày của Thiên Chúa như là những mạc khải đầu tiên và xa xôi nhất về ngày trở lại của Ðức Giêsu, cũng còn được gọi là ngày thế mạt. Nhưng sự thật không quá đơn sơ như vậy.
Và ngay từ đầu chúng ta phải có những quan niệm rõ ràng. Nói đúng hơn, chúng ta phải cố gắng hiểu những từ ngữ trên cho thật đúng kẻo tư tưởng và đức tin đâm ra lộn xộn.
Nói một cách chung, khi nghe Cựu Ước nói đến ngày của Thiên Chúa thì chúng ta phải đặt mình vào trong tâm lý của người Do Thái mà tìm hiểu. Chẳng hạn bài sách Malaki hôm nay: Chúng ta sẽ không hiểu đúng, nếu không đặt nó vào khung cảnh của thời bấy giờ. Khi ấy vào khoảng năm 450 trước Ðức Giêsu ra đời; và là khoảng 40 năm sau khi con cái Israel lưu đày ở Babylon trở về. Những người này đang gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và nhất là về tinh thần. Chúa đã không hứa đưa dân lưu đày trở về một cách vinh quang ư? Người bảo đền thờ sẽ được xây lại một cách huy hoàng. Sion sẽ bừng sáng dưới ánh quang vinh của Người, khiến dân muôn nước sẽ đổ về thờ lạy ở Giêrusalem.
Nhưng sự thực, ngày trở về đâu có hiển hách gì? Chỉ có một nhóm ít người đã được nhờ ơn Hoàng đế Ba Tư trở lại khôi phục xứ sở. Về đến nơi, toàn "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Ðền thờ thì đổ nát, đất đai thì dân ngoại đã lấn chiếm... Thấy lệnh của Hoàng đế cho phép tái thiết thánh đường và cho phép dân lưu đày được chiếm lại đất đai, đám dân ngoại đâu có vui vẻ gì... Họ làm hết cách để cản trở. Họ khiến con cái Israel phải ngã lòng. May nhờ có Ezra và Nêhêmya mang uy tín và tiền nong của hoàng đế về giúp đỡ. Người Do Thái đã xây lại được một phần nhỏ của Giêrusalem ngày trước. Nhưng độc lập dân tộc đâu có thấy: nay Ai Cập xâm chiếm, mai Hy Lạp đô hộ. Chẳng thấy thời đại thiên sai đâu cả! Có lẽ vì vậy mà ngay đến hàng tư tế cũng đâm ra chán nản, không còn trung thành với sứ mạng phục vụ Lời Chúa và Bàn Thờ nữa. Giáo dân thì khỏi nói: Họ chểnh mảng lễ lạc và kinh kệ. Rồi đời sống luân lý xã hội cũng sa sút theo: gian thương bóc lột, phóng túng ngoại tình, chẳng còn đâu phân biệt được là dân của Chúa. Như vậy có phải là Người đã không trung thành giữ Lời đã Hứa? Và đã bỏ dân? Chấp nhận để thế giới và xã hội này nằm trong tay sự dữ và kẻ dữ? Nhiều người, ngay cả những người đạo đức nhất, cũng đang gặp khủng hoảng về niềm tin. Chúa sẽ trả lời thế nào?
Người sai Malaki và các ngôn sứ đến. Họ nói Lời của Người. Và bài sách hôm nay ghi lại những tư tưởng chính yếu nhất. Trước hết Ngày của Thiên Chúa sẽ đến. Ðừng tưởng mọi sự sẽ như thế này mãi. Thiên Chúa không bỏ dân Ngài. Sự dữ không thống trị mãi... Rồi ngày ấy sẽ phừng phừng cháy như một hỏa lò. Hình ảnh này được chọn vì "tất cả phường kiêu mạn và làm điều phi pháp chỉ là rơm rạ". Và như vậy Ngày của Thiên Chúa sẽ là lúc Người tiêu diệt, trừng phạt kẻ dữ, "không để lại cho chúng một rễ hay một cành".
Nhưng hình ảnh hỏa lò phừng phừng cháy cũng có ý nói về Thiên Chúa. Biết bao lần các sách Cựu Ước dùng hình ảnh "lửa" đi qua các miếng thịt mà Abraham đã phân ra. Người hiện ra với Môsê nơi một bụi gai cháy. Người dùng cột lửa cột mây dẫn dân trong sa mạc. Người lấy lửa thiêu đốt lễ vật của Êli... Thường khi các tác giả Thánh kinh cũng còn ví cơn thịnh nộ của Chúa như lửa... Do đó ở đây, Malaki muốn nói tới Ngày của Chúa có khía cạnh trừng phạt tiêu diệt kẻ dữ như lửa đốt cháy rơm rạ và cành khô. Sự thánh thiện nóng nảy của Người thiêu hủy tội lỗi và tội nhân như than hồng tẩy sạch môi miệng Isaia.
Nhưng đó chỉ là một mặt, sửa soạn cho một mặt khác. Ðức Nghĩa của Thiên Chúa, sự thánh thiện của Người sẽ hiện ra như mặt trời, và nói đúng hơn, như ánh sáng mặt trời vì chính Thiên Chúa mới là mặt trời. Người tỏa sự thánh thiện của Người như ánh sáng chiếu trên người công chính và chữa lành họ, tức là cứu họ ra khỏi tình trạng thua thiệt hiện nay...
Như vậy, những lời Malaki hôm nay không trực tiếp nói về ngày thế mạt, chung thẩm như chúng ta thường hiểu là ngày tận thế. Ðó là lời tiên tri về Ngày Chúa viếng thăm cứu độ dân Người sau những thời gian thử thách nặng nề. Có nhiều ngày trong lịch sử dân Chúa đã thực hiện quan niệm Ngày của Chúa. Nhưng tất cả những ngày cứu độ ấy cuối cùng chỉ là hình bóng báo trước Ngày Thiên Chúa cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô... Chính việc Ðức Giêsu đến trong thế gian, giáo huấn và công việc của Người đã xét xử vì đã phân biệt kẻ tin người không tin, kẻ lành và người dữ. Sự xét xử này dĩ nhiên chưa toàn diện và quyết liệt vì loài người còn tiếp tục sinh ra trong thời gian. Khi nào Ðức Kitô trở lại thì sẽ có cuộc chung thẩm vì không còn có tạo vật mới nữa, nhưng tất cả đều nhìn thấy vinh quang của Người mà phân ra làm hai: hoặc đi vào luận phạt của "hỏa ngục" hoặc đi vào thiên đàng là nơi sáng láng rực rỡ.
Do đó lời sách Malaki và những lời tiên tri khác về "Ngày của Thiên Chúa" cuối cùng vẫn áp dụng được cho Ngày Ðức Kitô trở lại phán xét kẻ lành người dữ, nhưng một cách gián tiếp và xa xôi thôi. Trong các sách Tân ước có những lời trực tiếp hơn hay không?

2. Sẽ Có Ðiềm Báo Trước
Theo các sách Tin Mừng - mà tác phẩm của Luca là một - Ðức Giêsu đã nói về thời gian thế mạt vào những ngày cuối đời sống trần gian của Người. Môn đồ trỏ cho Người thấy, đứng ở nơi cao nhìn xuống, đền thờ Giêrusalem khi có ánh mặt trời tỏa xuống trông đẹp biết bao! Ai chối được điều này. Nhưng Ðức Giêsu đã nhìn xa hơn hiện tại. Người thấy trước ngày mà cơ sở huy hoàng kia sụp đổ đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Môn đệ hỏi Người bao giờ điều ấy xảy ra? Người tựa vào câu hỏi để nói đến biến cố vĩ đại hơn nữa, mà việc Giêrusalem sụp đổ chỉ là hình bóng, cũng như Người đã tựa vào lời khen quang cảnh đền thờ trước mắt để nói sang định mệnh của nơi thờ phượng này. Do đó, việc tiên báo về số phận đền thờ là lời mở đầu báo trước thời cánh chung.
Các tác giả Matthêô và Maccô đã thuật lại nhiều lời tiên báo này. Tựu trung họ đã dùng hình ảnh của Cựu ước và văn chương Khải huyền thời bấy giờ về Ngày của Thiên Chúa để diễn tả ngày thế mạt và chung thẩm. Có thể nói họ không có ý kiến mới và hình ảnh mới. Vẫn là cảnh trời long đất lở, cảnh lửa cháy phừng phừng, trừng phạt kẻ dữ... thưởng công người lành. Tác giả Luca sẽ có lời lẽ như vậy ở đoạn sau của bài đọc hôm nay. Và chúng ta đã có đại ý trong bài sách Malaki rồi.
Nhưng chúng ta hãy chú ý đến lời Luca nói đến cách Chúa tiên báo những điều trước. Người báo sẽ có các tiên tri giả đến lừa gạt tín hữu; và sẽ có những tin tức về chiến tranh và nổi loạn. Rồi như chưa rõ đủ, Người còn thêm: Sẽ có dân này chống lại dân kia; sẽ có động đất, ôn dịch, đói kém và nhiều điều kinh khủng trong trời đất... "Nhưng chưa phải là cùng tận ngay đâu".
Chớ gì chúng ta biết chú trọng đến câu kết luận này. Theo Luca, Chúa không dính liền thời gian cùng tận và những hiện tượng xã hội và thiên nhiên vừa kể. Do đó đừng ai nghĩ chiến tranh, đói kém, thiên tai... là dấu sắp tận thế. Về ngày giờ ấy chính Con Người cũng không biết để mạc khải cho ta, thì ta đừng nghĩ có thể khẳng định những điểm nào chắc chắn sẽ báo trước Ngày Ðức Kitô trở lại... Người sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm.
Có điều chắc chắn là khi còn ở xa, và rất xa ngày tận cùng, sẽ có bắt đạo. "Người ta sẽ tra tay trên các ngươi vì Danh Ta". Ý Người muốn nói: do đó các ngươi phải mừng vì là lúc các người được tỏ hiện như Người đã tuyên chứng cách vinh hiển trước tòa Philatô và trong cuộc tử nạn. Người biết chúng ta không hoàn toàn như Người, nên Người an ủi: chính Người sẽ ban lời ăn tiếng nói cho chúng ta ở trước tòa và không ai cự lại hay kháng lý được với chúng ta.
Lời hứa này, Luca đã thấy thực hiện nơi Stêphanô và các tông đồ; nên ông đã viết lại một cách vững vàng. Ðồng thời kinh nghiệm của Hội Thánh thời sơ khai cũng cho Luca thấy Lời báo trước về những cuộc bắt bớ không mơ hồ tí nào. Thế nên ông đã ghi lại những lời sau đây một cách cũng hết sức chắc chắn: "Các ngươi sẽ bị nộp do cả cha mẹ, anh em bà con và bạn hữu; và sẽ bị mọi người ghét vì Danh Ta. Nhưng (đây là lời an ủi) dù một sợi tóc cũng không rơi mất khỏi đầu các ngươi"!
Chúng ta có thể nghĩ Luca đã viết lầm câu này. Ở chỗ khác Chúa Giêsu không nói như vậy. Người bảo chẳng có sợi tóc nào rơi xuống mà không có ý Cha trên trời. Chắc chắn Luca biết như vậy. Nhưng ở đây người muốn nói: không một đau khổ nào vì Danh Chúa sẽ rơi mất. Nó sẽ đem lại hạnh phúc. Vì thế chúng ta hãy kiên trì.
Thiết tưởng đọc thấy tư tưởng của tác giả Luca như thế, còn mấy ai muốn thắc mắc về thời tận cùng nữa? Phần lớn những lời nói về ngày đó chỉ là hình ảnh. Tư tưởng chính yếu là Chúa sẽ đến xét xử lành dữ như Malaki đã viết. Còn về các điềm báo trước, cũng chẳng có dấu hiệu nào trực tiếp. Ðiều thực hơn cả là cho đến ngày ấy, tín hữu sẽ gặp thử thách và bắt bớ. Số chết vì Chúa cũng sẽ nhiều, nhưng số phận chung của tất cả là sẽ bị mọi người ghét. Tuy nhiên, ơn Chúa sẽ không thiếu cho những ai kiên trì và Người bảo đảm sự sống và sự sống lại cho họ. Bổn phận của các tín hữu chỉ còn là phải phấn đấu. Có khi phải phấn đấu một cách cụ thể như bài thánh thư hôm nay nói.

3. Chúng Ta Hãy Lao Ðộng
Nhiều tín hữu ở Thessalonica tưởng rằng sắp đến Ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại. Họ còn được nhiều kẻ tự coi là tiên tri đến dẫn chứng thêm. Có khi bọn này còn giơ cả những bản văn bảo rằng của các tông đồ ra làm tài liệu. Thế là nhiều người ở Thessalonica chểnh mảng mọi việc bổn phận và nhất là việc làm ăn sinh sống... để lấy lẽ "lo việc phần hồn và việc đạo". Hậu quả là xảy ra tình trạng bất ổn về tư tưởng, đưa tới sự xáo trộn về đời sống thực tế. Nhiều kẻ không lao động sản xuất nữa và sống bám... nếu chưa phải là đã có những hành động bất chính. Thánh Phaolô bảo các tín hữu phải tránh những con người ấy và đừng sống như họ, nhưng hãy bắt chước chính người.
Khi ở Thessalonica, Phaolô "đã làm lụng... lao nhọc vất vả ngày đêm... không ăn bám vào ai". Không phải vì bó buộc, bởi lẽ, công dân Rôma không bó buộc phải lao động và đã làm việc bàn thờ thì có quyền sống nhờ bàn thờ. Nhưng người đã tự tay lo lấy miếng cơm manh áo đang khi rất nhiệt thành làm việc tông đồ. Ðể làm gì? Người nói: để khỏi nên gánh nặng cho ai trong giáo dân, để làm gương cho mọi người... và ở chỗ khác người nói: để Tin Mừng người rao giảng được sáng giá.
Ðối với người Thessalonica, nếp sống lao động rõ rệt và vất vả này, đang khi có quyền không phải làm như vậy, là lý rất mạnh để truyền và khuyên họ phải lao động, phải làm lấy mà ăn, chứ đừng nhàn cư vi bất thiện, lê la nói hết chuyện này sang chuyện khác, và toàn những chuyện vô lý, khiến đời sống mất trật tự.
Ðối với chúng ta sống sau Công đồng Vatican và thêm kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa, lời khuyên của thánh Phaolô phải làm cho hàng tông đồ thấy không những không có gì mâu thuẫn giữa sinh hoạt mục vụ và lao động sản xuất, mà một nếp sống hòa hợp được hai sinh hoạt đó còn làm sáng giá thêm Tin Mừng mà chúng ta rao giảng. Riêng với các tín hữu, lời khuyên lao động để có nếp sống xã hội trật tự tưởng không phải là không có giá trị hiện đại. Chúng ta cứ suy nghĩ và sẽ thấy quả thật hăng hái lao động sản xuất cũng là chuẩn bị Ngày Chúa trở lại, cũng là ngày biến đổi cả thế giới và vũ trụ này.
Thánh lễ nào cũng nhắc đến thời kỳ cánh chung và thúc giục chúng ta sẵn sàng và chuẩn bị cho thời kỳ ấy. Và gương mẫu cao cả mà thánh lễ nêu lên để chúng ta bắt chước, không phải là thánh Phaolô, nhưng là chính Ðức Giêsu trong mầu nhiệm cứu thế. Người thật là Ngày của Thiên Chúa. Người đã đến để diệt tội và cứu sống. Người thi hành sự phân xử của Thiên Chúa, khi chính Người đã sống lao động, rao giảng chân lý, chịu khổ hình thập giá và sống lại. Nếp sống của Người thúc đẩy chúng ta bắt chước để cuộc đời của chúng ta cũng thể hiện Ngày của Chúa và chuẩn bị Ngày Chúa Kitô trở lại đem thế giới và vũ trụ này vào trong hạnh phúc vinh quang muôn đời.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 33 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Mal 3:19-20a; 2 Thes 3:7-12; Lk 21:5-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống cuộc đời này cách xứng hợp để chuẩn bị cho cuộc đời sau.

Cuộc đời người tín hữu có thể ví như một cuộc thi cử. Đối với những học sinh không chuẩn bị hay chưa chuẩn bị đủ, họ sẽ lo lắng đứng ngồi không yên vì ngày thi là ngày phơi bày những lười biếng, ham chơi và cúp học của họ; nhưng đối với những học sinh chăm chỉ, họ mong ngày thi tới để họ có cơ hội chứng tỏ sự hiểu biết và tập luyện lâu năm, để đạt được thành quả mà họ hằng mong đợi. Người tín hữu cần tránh hai thái cực: hoặc chỉ biết lo lắng đời sau hoặc chỉ biết hưởng thụ đời này. Một cách sống đúng đắn là sống cuộc đời này cách xứng hợp để chuẩn bị cho đời sau; một người sẽ không đạt đích đời sau nếu không bắt đầu chuẩn bị ngay từ đời này.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc dẫn chứng con người phải biết sống trọn vẹn cuộc đời này, nhưng vẫn không quên chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Trong bài đọc I, ngôn sứ Malachi cho biết trước số phận của những người không biết chuẩn bị, họ sẽ bị thiêu rụi như rơm trong hỏa lò; nhưng đối với những người biết chuẩn bị, họ sẽ nhìn thấy mặt trời công chính mọc lên mang theo những tia sáng chữa lành bệnh. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Thessalonica bắt chước ngài cố gắng làm việc hết mình để xây dựng bản thân, gia đình và giáo hội; chứ đừng lười biếng, hốt hoảng hay loan những tin đồn về Ngày Quang Lâm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho biết những hiện tượng lạ trên trời và dưới đất sẽ xảy ra trước khi Ngày Phán Xét tới; nhưng đối với những người luôn cố gắng làm việc và vững tin, họ chẳng cần phải sợ hãi gì, vì họ sắp được hưởng ơn cứu độ mà họ đang mong đợi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi những kẻ kiêu ngạo và những kẻ làm điều gian ác.
Người Do-thái ngay từ thời các ngôn sứ quan niệm họ đang sống giữa 2 thời đại: một thời hiện tại rất xấu xa, không thể chữa trị, và xứng đáng bị tiêu diệt; và một thời tương lai huy hoàng của Thiên Chúa với sự thống trị của người Do-thái. Giữa 2 thời này sẽ có Ngày của Đấng Thiên Sai tới, Ngày mà những sự kinh hoàng trong trời đất sẽ xảy ra. Trong Ngày này, trái đất sẽ bị tiêu hủy và các tội nhân sẽ bị tiêu diệt (x/c Isa 13:9, Joel 2:1-2, Amo 5:18-20, Zep 1:14-18). Các ngôi sao và thái dương hệ sẽ không còn chiếu sáng, trái đất sẽ rung chuyển, và cơn giận của Thiên Chúa sẽ tràn xuống con người (Isa 13:10-13, Joel 2:30-31). Đây có lẽ là những lời tiên đoán cho lần đến thứ hai của Đấng Thiên Sai, chứ không phải lần đến thứ nhất. Lần đến thứ hai sẽ là Ngày Phán Xét để chứng minh sự công bằng của Thiên Chúa.
Ngôn sứ Malachi, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, cũng theo truyền thống này. Ông mô tả Ngày của Đấng Thiên Sai tới sẽ chứng tỏ uy quyền và sự công bằng của Thiên Chúa.
(1) Ngày này sẽ là một kinh hoàng cho ác nhân: “Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng – Đức Chúa các đạo binh phán - không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào.”
(2) Nhưng Ngày này sẽ là Ngày chữa bệnh cho những người lành: “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh.”

2/ Bài đọc II: Hãy ở yên mà làm việc để có của nuôi thân.
Trong khi chờ đợi Ngày đến lần thứ hai của Đức Kitô, con người cần có thái độ nào và phải biết chuẩn bị ra sao? Chúa Giêsu dạy các môn đệ: Phải biết chuẩn bị sẵn sàng và cầu nguyện không ngừng. Thánh Phaolô dùng chính gương sáng của mình để khuyên bảo các tín hữu Thessalonica:
(1) Sống kỷ luật: Phaolô vừa chu toàn sứ vụ giảng Tin Mừng vừa tự tay kiếm của ăn bằng nghề chế tạo lều. Ông có thể sống bằng sự trợ giúp của các tín hữu như Chúa Giêsu nói: thợ làm đáng được nuôi ăn; nhưng ông muốn nêu gương cho các tín hữu.
(2) Chăm chỉ làm việc: Nhiều các tín hữu nại cớ Ngày Quang Lâm gần đến để lười biếng, không chịu làm việc; lại còn lợi dụng thời gian để xen vào những chuyện không phải là của mình. Khi con người rảnh rỗi và có nhiều thời gian, đây là tật xấu sẽ xuất hiện đầu tiên. Đối với những người này, Phaolô sửa trị cách nghiêm chỉnh: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân.”

3/ Phúc Âm: Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
Ba điều quan trọng chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng.

3.1/ Phải biết phân biệt cái chóng qua và những gì sẽ tồn tại muôn đời: Tất cả những huy hoàng của thế gian là tạm bợ, ngay cả sự huy hoàng của Đền Thờ Jerusalem. Nếu khách hành hương đứng từ Đồi Olive nhìn xuống Thành Jerusalem, Đền Thờ và cảnh huy hoàng lộng lẫy của nó là cảnh đầu tiên đập vào mắt khách hành huơng. Ngày nay, tuy Đền Thờ không còn nữa, nhưng vẻ huy hoàng của nó vẫn còn sót lại qua những tảng đá khổng lồ và Bức Tường Than Khóc. Vào thời của Chúa Giêsu, Đền Thờ là niềm kiêu hãnh của người Do-thái; vì thế, không lạ gì khi có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, nhưng Đức Giêsu bảo: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào."
Lời báo trước của Chúa Giêsu về Đền Thờ Giêrusalem đã ứng nghiệm gần 30 năm sau, khi quân đội Rôma phá hủy hòan tòan vào năm 70 AD. Quân đội Rôma đã đem quân vây hãm Thành: dân chúng không còn thực phẩm nên đã phải ăn thịt lẫn nhau để sống, có những người đã phải nhai cả giầy dép cho đỡ đói. Họ san phẳng Thành Giêrusalem đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo: “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Sử gia Josephus ước lượng có khoảng 1,1 triệu người bị chết trong biến cố này.
Một điều quan trọng chúng ta phải học được từ những lời dạy này là cần xây dựng đền thờ tâm hồn hơn là bỏ phí bao công sức và tiền của xây dựng những nhà thờ nguy nga lộng lẫy, để rồi sẽ bị phá hủy hay bán đi khi không còn các tín hữu để xử dụng.

3.2/ Những điềm báo trước Chúa Giêsu cho biết về Ngày Tận Thế.
Con người băn khoăn về thời gian và những điềm báo trước. Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?" Chúa Giêsu chú ý đến việc luôn chuẩn bị sẵn sàng của các tín hữu và tính bất ngờ của Ngày này. Ngài không cho biết bao giờ Ngày Tận Thế sẽ xảy ra, nhưng Ngài liệt kê 2 điều báo trước:
(1) Sẽ có các tiên tri giả và những người đóan mò
- Những người mạo nhận là Chúa Giêsu đến lần thứ hai: Từ khi Chúa Giêsu lên trời tới giờ, nhiều người mạo nhận là tiên tri từ trời sai tới: Mohamed của Hồi Giáo, Smith của Mormon.
- Những người đoán mò Ngày Tận Thế sắp tới: Thời nào cũng có người đoán mò Ngày này; nổi danh hơn cả là ông Nostradamus. Ngày đầu của Năm 2000 được nhiều người tiên đóan là Ngày Tận Thế, và nhiều người đã chuẩn bị cho ngày này; thế mà chúng ta sắp sửa bước qua năm 2011 rồi, mà chưa thấy gì cả. Chúa Giêsu đã đề phòng: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây," và: "Thời kỳ đã đến gần;" anh em chớ có theo họ.”
(2) Những dấu lạ của đất trời:
- Sẽ có chiến tranh và lọan lạc: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi; vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu… Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.” Chiến tranh vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời, ngay cả trong thời đại chúng ta. Điều này chỉ xác nhận con người đang ở giữa 2 thời như người Do-thái tin tưởng, chúng ta không thể dựa vào chiến tranh để tiên đóan Ngày Thiên Chúa gần đến.
- Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém: Những trận động đất lớn vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; gần chúng ta nhất là trận động đất ở Sichuan, Trung Quốc, 2008, đã cất đi gần 70,000 người. Ngòai ra, các thiên tai như sóng thần, lũ lụt, dịch gà, dịch bò điên, hạn hán là những lý do làm mất mùa, gây đói khát, vẫn xảy ra hàng năm.
- Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện: Đây có lẽ là điềm báo rõ hơn cả vì từ thời Chúa Giêsu về trời đến nay, con người chưa bao giờ được chứng kiến những điềm lạ lớn lao từ trời như các tiên tri loan báo như: mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao trong thái dương hệ không còn chiếu sáng. Khi tất cả các điềm lạ trên xảy ra, Ngày Tận Thế sau cùng mới tới.

3.3/ Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.
(1) Chịu đựng gian khổ để làm chứng cho Chúa: Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ về những gian khổ sắp xảy đến cho họ: "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” Ngài nói rõ ràng: Gian khổ xảy ra là cơ hội ngàn vàng để các môn đệ có cơ hội làm chứng cho Ngài. Nhường bước trước gian khổ là mất cơ hội làm chứng cho Thiên Chúa.
(2) Đừng lo lắng phải đối phó thế nào: Các môn đệ không chiến đấu một mình, nhưng Chúa Giêsu sẽ cùng họ chiến đấu: “Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” Khi một người biết có một quyền lực mạnh hơn quyền lực của địch thù giúp họ, họ sẽ không còn sợ hãi và tự tin hơn trong việc chống cự lại. Thánh Phaolô có kinh nghiệm này khi ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”
(3) Bảo đảm sẽ chiến thắng: Không có một quyền lực nào của thế gian có thể thắng nổi quyền lực của Thiên Chúa. Quyền lực thế gian chỉ có hiệu quả tạm thời vì Thiên Chúa cho phép xảy ra; nhưng một khi Thiên Chúa quyết định rút lại, không một quyền lực nào có thể chống lại được. Chúa Giêsu bảo đảm điều này với các môn đệ, mặc dù các ông sẽ phải chiến đấu, “nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không bị ngạc nhiên về những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai vì các ngôn sứ của Cựu Ước, chính Đức Kitô, và các thánh ký của Tân Ước đã nói rõ về Ngày này.
- Cách chuẩn bị cho Ngày Đức Kitô đến là luôn chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện, và chăm chỉ chu toàn bổn phận.
- Hãy mở trí để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và lời khuyên của họ: Hãy sống như thế giới này sắp qua đi và biết quí trọng những giá trị vĩnh cửu hơn.

Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
VÁC THẬP GIÁ MỖI NGÀY

�V�

Người ta nói có cái chết “nặng tựa Thái Sơn”, nhưng cũng có cái chết “nhẹ tựa lông hồng”Cái chết của các thánh tử đạo tại Việt Nam đối với người đời chẳng những “nặng tựa Thái Sơn”, mà còn nặng hơn Thái Sơn nữa, bởi vì thường thì người ta chết vì bệnh hoạn hoặc tai nạn; những người tự tử như diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh, hay các ngôi sao  Hàn Quốc, người ta cũng muốn chết một cách nhẹ nhàng, êm đẹp. Còn cái chết của các thánh tử đạo tại Việt Nam thì thật khủng khiếp. Có người bị chém đầu, mà chém bằng cây đao lục, nên người ta phải khứa tới khứa lui nhiều lần; có người bị thiêu sống; có người bị chặt tay chặt chân trước khi đem đi chém đầu… Nhưng đối với các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cha ông của chúng ta, thì cái chết của các ngài nhẹ tựa lông hồng. Sở dĩ các ngài đón nhận cái chết nhẹ nhàng như vậy là bởi vì các ngài biết mình tin vào ai, mình chết vì điều gì và chết cho ai. Hôm nay Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể lễ các thánh tử đạo tại Việt Nam, khi đọc các bài đọc lời Chúa và nhìn vào tấm gương của một số vị, tôi thấy Kitô hữu nói chung và các thánh tử đạo nói riêng, nếu chấp nhận“gieo trong lệ sầu” thì sẽ “gặt trong vui sướng”. Nếu biết tin tưởng, phó thác vào Đức Giêsu Kitô, thì sống chết đối với kitô hữu không thành vấn đề; giả dụ có chết, thì cái chết đó cũng nhẹ tựa lông hồng.

I.                   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1.      Bài Đọc I: 2 Mcb 7, 1. 20 – 23 . 27b - 29
Câu chuyện về bảy anh em bị bắt chung với người mẹ của mình trong bài đọc I hôm nay là một câu chuyện đẹp về những con người dám hy sinh vì đức tin. Đồng thời cũng là một tấm gương sáng ngời cho những bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Vua Antiôkhô bắt họ phải ăn thịt heo nhưng họ một mực từ chối vi phạm luật Môsê. Vì vậy nhà vua đã tra tấn họ một cách dã man: lột da, chặt tay, chặt chân, cắt lưỡi… sau cùng đã giết chết họ ngay trước mặt người mẹ. Người mẹ dù rất đau lòng nhưng cũng vẫn can đảm chịu đựng và khuyên răn con cái mình hãy giữ vững đức tin. Sở dĩ họ chấp nhận cái chết đau đớn như vậy là bởi vì họ tin vào sự sống đời sau mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Hay nói cách khác họ chấp nhận “gieo trong lệ sầu” để được “gặt trong vui sướng”.

2.      Bài Đọc II: Rm 8, 31b-39
Thánh Phalô trong thư gửi tín hữu Rôma đã cảnh báo họ về những điều có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đó là: gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ… Để rồi cuối cùng thánh nhân khẳng định như một lệnh truyền cho con cái của ngài: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi ĐGK”. Lệnh truyền đó của thánh Phaolô có ý khuyên các tín hữu của mình phải chấp nhận những gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ trong đời sống đạo như đang gieo trong lệ sầu, để rồi họ sẽ gặt trong vui sướng, là chính tình yêu của Thiên Chúa nơi ĐGK.

3.      Tin Mừng: Lc 9, 23-26
Bài Tin Mừng hôm nay là lời của CG nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đây không phải là những lời tâm sự, hoặc mong muốn của CG, nhưng là điều kiện để theo Chúa. Vì vậy những ai chưa vác thập giá trong cuộc sống thì chưa phải là môn đệ của CG. Và chúng ta, những Kitô hữu, nếu chưa vác thập giá mình hằng ngày, thì chúng ta chỉ mang danh hiệu Kitô hữu mà thôi, chứ chưa phải là người có Đức Kitô
Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay làm nỗi bật lên một điểm mà các thánh Tử Đạo tại Việt Nam đã thực hiện, đó là vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa. Tuy nhiên không phải vác thập giá để bước xuống vực thẳm, nhưng vác thập giá để bước tới vinh quang là hạnh phúc thiên đàng. Hay nói cách khác có chấp nhận gieo trong lệ sầu thì mới có thể gặt trong vui sướng được.

II.               CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VÁC THẬP GIÁ
Thập giá của các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cha ông chúng ta chính là lòng hoán cải và sự trung thành đối với Thiên Chúa.
1.      Lòng hoán cải vì Tin Mừng:
Các nhà tu đức nói: “Không có thánh nhân nào mà không có quá khứ”. Các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cũng là những con người bình thường như bao nhiêu con người khác. Họ cũng có những yếu đuối, những tội lỗi, những bất toàn của kiếp người… Nhưng điều quan trọng là họ đã biết nhìn ra những sai lỗi của mình để sửa đổi cuộc đời cho phù hợp tư cách là Kitô hữu. Khi họ biết sửa đổi cuộc đời chính là lúc họ vác thập giá mà theo Chúa, để rồi khi đứng trước cây thập giá thực sự, là sự bắt bớ và giết chóc thì họ dễ dàng vượt qua, vì họ đã từng vượt qua những tính hư nết xấu của mình vì ĐGK.

Đó là trường hợp của thánh Luca Thìn, một quan chánh tổng. Ông ta có vợ bé, rồi thờ ơ với việc đạo. Nhưng khi nghe lời khuyên của người thân và các linh mục, ông đã hoán cải trở về với Chúa. Cuối cùng đã dùng chính cái chết để làm chứng cho Chúa. Hay như thánh Micae Hy, ông này ăn chơi cũng ăn chơi tráng táng, và có tới 3 đứa con ngoại hôn, nhưng sau đó ông đã hoán cải quay trở lại với Chúa và giữ đạo đàng hoàng. Khi người ta bắt bớ đạo, ông đã dám mạnh dạn xưng mình là Kitô hữu để rồi bị bắt và chịu tử hình vì chính đạo.  

2.      Sự trung thành với Thiên Chúa
Các thánh tử đạo tại Việt nam còn vác thập giá qua việc trung thành với Thiên Chúa. Sự trung thành đó được thể hiện qua việc yêu mến thánh giá. Vua quan ngày xưa đã dùng cây thập giá để xem người ta có bỏ đạo hay trung thành với đạo qua việc bước qua thập giá. Họ đặt thập giá giữa những nén vàng và cây gươm để những ai bước qua thập giá thì sẽ có ngay những nén vàng, còn nếu không chịu bước qua thì sẽ lãnh ngay một nhát gươm. Cha ông chúng ta đã trung thành với Chúa qua việc một mực từ chối bước qua thập giá. Thánh Têphanô Ven, một linh mục mới 31 tuổi đã nói: “Cả đời tôi rao giảng về thập giá thì lẽ nào tôi lại giẫm lên thập giá”. Sau khi đã thuyết phục nhưng không thành công, lính đã bắt Thánh Antôn Nguyễn Đích, một gia trưởng gương mẫu trong gia đình có 4 vị thánh tử đạo khiêng qua cây thập giá để ép buộc ông giẫm lên thập giá, nhưng thánh nhân đã cố gắng để co chân lên cho khỏi giẫm lên thập giá. Có những vị đã vì sợ hãi mà bước qua thập giá, nhưng sau đó đã hối hận và quay trở lại để xin chịu chết vì thập giá ĐK, ví dụ như thánh Đaminh Đinh Đạt.

III.            THẬP GIÁ CỦA CHÚNG TA
Theo lời Chúa dạy và theo gương cha ông, chúng ta cũng phải vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa. Thập giá của chúng ta cũng chính là lòng hoán cải và sự trung thành với Thiên Chúa.

1.      Lòng hoán cải:
Là một con người ai cũng có những yếu đuối, những tội lỗi của mình, điều quan trọng là chúng ta phải biết hoán cải, sửa đổi cuộc sống. Mỗi khi đi đám tiệc hay đi lễ, hoặc xuất hiện trước công chúng, chúng ta dành nhiều thời gian để làm đẹp mình. Mỗi một ngày người ta tốn bao nhiêu giờ để lo cho thân xác? Chắc cũng nhiều lắm! Nhưng tại sao chúng ta không dành thời giờ để nhìn lại cuộc sống, nhìn lại tâm hồn của mình? Nhìn lại để thấy mình có những sai lỗi nào, những tính hư nết xấu nào mà lo sửa đổi. Để thể hiện lòng hoán cải, mỗi ngày chúng ta phải dành thời gian để xét mình, tốt nhất là trước khi đi ngủ, về mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm trong ngày sống. Phải thường xuyên lãnh nhận bí tích giải tội, nhất là những khi phạm tội trọng. Không ai chê cười khi thấy chúng ta ăn năn sám hối và sửa đổi cuộc đời đâu, nhưng đáng chê cười những người không thấy những sai lỗi của mình, và đáng chê cười hơn đối với những người thấy mình sai mà không chịu sửa.

2.      Sự trung thành với Chúa:
Thập giá kế tiếp mà chúng ta phải vác là sự trung thành với Chúa. Sự trung thành đòi hỏi chúng ta một sự can đảm như các thánh tử đạo tại Việt Nam để tuyên xưng đức tin của mình. Ngày hôm nay việc trung thành với Thiên Chúa không còn là dừng bước trước thập giá như cha ông chúng ta ngày xưa, nhưng phải là bước qua chính bản thân mình để đến với Thiên Chúa. Mỗi khi tôi vượt thắng được sự lười biếng, ham chơi để đến với Chúa  ngày Chúa Nhật; mỗi khi tôi từ bỏ những lo toan vật chất để giữ ngày Chúa Nhật; mỗi khi tôi chối từ những lôi kéo sai trái của bạn bè để giữ luật Chúa… là những lúc tôi thể hiện sự trung thành với Thiên Chúa. Còn nhiều, nhiều những hình thức bước qua chính bản thân mình để thể hiện sự trung thành với Chúa.

Tóm lại, lễ các thánh tử đạo tại Việt Nam cho chúng thấy được những con người biết vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, thể hiện qua việc hoán cải cuộc sống và trung thành với Chúa. Là con cháu được thừa hưởng gia tài đức tin từ cha ông, chúng ta cũng phải biết vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa, thể hiện qua việc biết từ bỏ những yếu đuối, tội lỗi, sửa đổi cuộc sống, và trung thành với Chúa. Xin ơn Chúa giúp nhờ lời cầu bầu của các thánh tử đạo tại Việt Nam, ban thêm đức tin cho Giáo hội Việt nam, cho Giáo Phận Cần Thơ, cho họ đạo chúng ta và từng người chúng ta, nhất là trong dịp kết thúc Năm Đức Tin này, để chúng ta dám mạnh dạn vác thập giá mỗi ngày qua việc hoán cải và trung thành với Chúa. 






LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Các Thánh Tử Đạo Việt-Nam
Bài đọc: II Mac 7:1, 20-23, 27b-29; Rom 8:31b-39; Lk 9:23-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống, tình yêu, và sự đau khổ

Sự sống, tình yêu, và đau khổ là ba mầu nhiệm khó hiểu trong cuộc sống con người; vì thế, không phải ai cũng hiểu đúng. Chẳng hạn khi nói về nguồn gốc của sự sống, có người cho là do cha mẹ, có người cho là tự nhiên, có người cho là từ Thiên Chúa. Hay khi phải định nghĩa tình yêu, có người định nghĩa "yêu là chết trong lòng một ít;" có người cho là "cùng nhìn về một hướng;" hay "yêu ai là muốn mọi sự tốt đẹp cho người ấy." Khi nói về đau khổ, quan niệm của nhà Phật cho "cần diệt dục để tránh đau khổ;" trong khi Kitô giáo quan niệm con người không thể tránh đau khổ, và nó cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin yêu nơi Thiên Chúa.
Các Bài Đọc trong ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay giúp chúng ta thấu hiểu tại sao các bậc tiền nhân của chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mình để làm chứng cho Chúa. Trong Bài Đọc I, bà mẹ của bảy anh em nhà Maccabees xác tín: Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và hơi thở cho con người. Ngài sẽ trả lại sự sống cho ai trung thành làm chứng cho Ngài. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua biến cố Nhập Thể của Đức Kitô, Người Con của Ngài; để gánh tội cho nhân loại. Một khi đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, không một ai hay một quyền lực nào có thể ngăn cản con người đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Kitô mặc khải cho con người nghệ thuật sống theo thánh ý Thiên Chúa. Đây là cách sống duy nhất mang lại sự sống đầy tràn cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống.

1.1/ Ai ban cho con người hơi thở và sự sống? Vua Antiochus nghĩ mình có quyền trên sự sống của bảy anh em nhà Maccabees; nên bắt bảy anh em cùng với bà mẹ thay đổi tôn giáo bằng cách cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Moses cấm. Sách Khôn Ngoan còn nói rõ hơn: những kẻ ngông cuồng muốn tra tấn như thế để thử xem Thiên Chúa có đến cứu những ai tin cậy Ngài hay không!
Là con người, ai cũng ham sống và sợ chết; tại sao bà mẹ vẫn bình tĩnh khi chứng kiến bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày? Có phải người mẹ và bảy anh em nhà Maccabees khinh thường sự sống? Trình thuật hôm nay nói rõ lý do: Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà vẫn can đảm chịu đựng được là nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.
Là người cưu mang tất cả các con, mà Bà lại nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."
Theo niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa ban sự sống cho con người bằng các ban hơi thở và thần khí, Ngài có quyền chấm dứt sự sống của con người bằng cách rút hơi thở ra. Hơn nữa, Ngài còn có quyền ban lại sự sống đời đời cho con người, nếu họ trung thành làm chứng cho Ngài.

1.2/ Tình yêu mạnh hơn đau khổ và sự chết: Tình mẫu tử được con người ở mọi nơi và mọi thời ca tụng, vì sự hy sinh chịu đựng của người mẹ dành cho con mình. Rất nhiều bà mẹ đã hy sinh cuộc sống cả đời cho tương lai của con cái; và nếu có phải chết vì con, nhiều bà mẹ cũng sẵn sàng hy sinh để con được sống. Tuy nhiên, tình mẫu tử chỉ là phản ánh của tình yêu Thiên Chúa, chính Ngài đã phú bẩm tình yêu của Ngài vào các bà mẹ để họ sẵn sàng hy sinh cho con cái. Vì thế, khi phải chọn giữa Thiên Chúa và con cái, các bà chọn Thiên Chúa, vì các bà biết Thiên Chúa sẽ trả lại con cái cho các bà. Chúng ta cảm nhận được niềm tin này qua lời của bà mẹ nói với người con út: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."

2/ Bài đọc II: Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

2.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: được diễn tả rất hay và đầy đủ qua ngòi viết của thánh-sử Gioan: "Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Jn 3:16). Không phải chỉ Thiên Chúa Cha yêu thế gian, mà Người Con cũng yêu thế gian qua sự kiện Ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết đau thương trên Thập Giá: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Jn 15:13). Tuy con người chưa bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phaolô rút ra hai hệ luận quan trọng từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa:
(1) Thiên Chúa không tiếc con người bất cứ điều gì: Thánh Thomas Aquinas nói: yêu ai là muốn mọi sự tốt lành cho người ấy. Thiên Chúa yêu con người và muốn cho con người mọi sự tốt lành như Phaolô diễn tả: "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?" Ngài còn rất nhiều quà tặng cho con người, và quà tặng quí giá nhất là cho chúng ta được sống đời đời với Ngài trên Thiên Đàng.
(2) Tình yêu Thiên Chúa không quan tâm đến việc xét xử: Nhiều người sợ Thiên Chúa và coi Ngài như vị hung thần chỉ chờ con người phạm tội là ra tay trừng phạt. Phaolô hoàn toàn chống lại quan niệm này: "Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?" Thánh Gioan đồng ý với quan niệm này và cắt nghĩa rõ hơn: Con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa: "Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa" (Jn 3:17-18).

2.2/ Tình yêu con người dành cho Thiên Chúa: Tình yêu chỉ hoàn hảo khi người được yêu chấp nhận tình yêu của người cho đi; nếu không, muôn đời nó chỉ là tình đơn phương. Để có thể đáp trả tình yêu Thiên Chúa, con người phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Trong cuộc tử đạo của vị thánh trẻ Anrê Phú Yên, ngài khuyên các tín hữu đang thương khóc ngài những lời cuối cùng: "Anh chị em: chúng ta phải lấy tình yêu để đáp trả tình yêu, lấy mạng sống để đáp trả mạng sống!" Nếu Đức Kitô đã yêu thương và chết cho chúng ta, đến lượt, chúng ta cũng phải yêu thương và chết để làm chứng tình yêu của chúng ta dành cho Ngài.
Chấp nhận hy sinh và chịu đau khổ là hai dấu chứng chắc chắn để bày tỏ tình yêu. Thánh Phaolô chắc chắn đã cảm nhận được tình yêu của Đức Kitô dành cho, nên đã đặt câu hỏi cho mình và cho các tín hữu: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?"
Chấp nhận đau khổ không nhất thiết là hậu quả của tội lỗi một người gây ra. Như Đức Kitô, Đấng không bao giờ phạm tội, mà Thiên Chúa muốn Ngài gánh mọi hình phạt của tội lỗi con người. Noi gương Đức Kitô, các môn đệ của Ngài cũng phải chịu đau khổ để đền tội cho mình và cho mọi người, như có lời chép: "Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh" (LXT 43:23, RSV 44:22). Và thánh Phaolô kết luận: "không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."

3/ Phúc Âm: Ai được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

3.1/ Nghệ thuật sống trên đời: Biết sống là một nghệ thuật phải học, vì không phải ai cũng biết sống. Nhiều người tìm đọc cuốn Nghệ thuật Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, vì ông dạy cho con người biết sống. Tuy nhiên, nếu so sánh sách này với sự dạy dỗ của Đức Kitô dành cho các môn đệ, những lời chỉ giáo của Đức Kitô vượt xa những khôn ngoan của con người.
(1) Ba điều kiện để làm môn đệ Đức Kitô: Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo."
- Từ bỏ chính mình: Đây có lẽ là điều khó làm nhất, vì nó đòi con người phải từ bỏ ý riêng của mình để sống hoàn toàn theo thánh ý Chúa trong mọi sự.
- Vác thập giá hằng ngày của mình: Thập giá hằng ngày là tất cả những bệnh tật, hiểu lầm, trái ý, thử thách do tha nhân và hoàn cảnh gây ra.
- Đi theo Đức Kitô: Con người không chỉ tiêu cực từ bỏ chính mình và vác thập giá suông; nhưng làm tất cả những điều đó cho một mục đích cao vời như Đức Kitô: đó là làm sao đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn người.
(2) Nghịch lý của đời sống: Nghệ thuật sống của Đức Kitô dạy không phải là một trong những cách để sống; nhưng là cách thức duy nhất cho những ai muốn sống cách sung mãn và có ý nghĩa, vì Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: "Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy." Chúa có ý muốn nói: Nếu con người không theo nghệ thuật sống trên, mà chỉ sống theo ý riêng mình, họ sẽ mất mạng sống họ muốn giữ; nhưng nếu họ sống theo thánh ý Thiên Chúa bằng cách sống hy sinh như Đức Kitô, họ sẽ cứu được mạng sống họ.

3.2/ Hậu quả phải lãnh nhận của những người không biết sống: Sống làm sao sẽ gặt hái hậu quả tương xứng. Đối với những người chỉ biết vun quén cho mình để trở nên giàu có, Chúa nhắc nhở họ: "Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?" Điều Chúa muốn nói ở đây là phần rỗi linh hồn và cuộc sống đời sau.
Đối với những người không sống Lời Chúa và không làm chứng cho Ngài khi có dịp, Chúa cho họ biết hậu quả: "Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền trên sự sống: Ngài có quyền ban sự sống và có quyền lấy đi. Hơn nữa, Ngài còn có quyền cho lại sự sống đã mất và sự sống trường sinh.
- Thiên Chúa yêu thương con người với tình yêu không biên giới. Ngài cũng đòi chúng ta yêu thương Ngài và tha nhân như thế, cho dù có phải hy sinh đến tính mạng của mình.
- Hy sinh chịu đựng đau khổ vì Chúa là cách thức duy nhất chúng ta có thể làm để minh chứng tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


17/11/13 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C 
Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam
Lc 21,5-19

LINH HỒN CỦA NHÀ CHÚA
“Những gì anh em chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. . .Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21,6.18)

Suy niệm: Người Do Thái vẫn tự hào vào đền thờ, Hòm Bia giao ước. Ấy vậy mà, Hòm Bia đã hơn một lần bị quân thù cướp đi, và biết bao lần đền thờ cũng đã bị tàn phá. Và rồi năm 70, đền thờ thành bình địa, hòm bia bị tiêu huỷ không để lại dấu vết. Lời Chúa là cả một nghịch lý, nhưng là nghịch lý được ứng nghiệm: sự kiên cố, hùng vĩ và vẻ đẹp của đền thờ rồi sẽ hóa ra tro bụi, nhưng một sợi tóc trên đầu anh em cũng không suy suyển. Một bên là vĩ đại, vững chắc; bên kia là nhỏ bé, mỏng manh. Linh hồn của đền thờ là sự tôn thờ và niềm cậy trông của dân vào Thiên Chúa, những điều đó đã mất thì thành thánh cũng hết lý do để tồn tại.
Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta phải đối diện một thực tại xót xa là đời sống đạo của một giáo xứ sau khi xây dựng được ngôi nhà thờ tráng lệ lại không còn sốt sắng như khi còn dâng lễ trong ngôi nhà thờ xiêu vẹo ngày nào. Cái nền và cái hồn của nhà Chúa là chính Chúa Giê-su Thánh Thể, chính những điều đó đem lại sức sống cho nhà Chúa.
Chia sẻ: Cả nhóm làm một việc cụ thể để làm đẹp nhà Chúa nơi bạn sống và để thăng tiến cộng đoàn của bạn.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để đến cầu nguyện với Chúa Thánh Thể vào một ngày nào đó trong tuần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng mỹ lệ của nhà Chúa không ở nơi những ngôi nhà thờ bằng vàng bạc đá quý nhưng ở nơi những cộng đoàn có những tâm hồn đơn sơ biết ca tụng tạ ơn Chúa bằng cuộc sống thánh thiện của mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét