Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

18-11-2013 : THỨ HAI TUẦN XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI 18/11/2013
Thứ Hai sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm
Cung hiến đền thờ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ.


Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 1, 11-16. 43-45. 57-60. 65-67
"Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp".
Trích sách Macabê quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, bởi dòng các vua Hy-lạp sinh ra một mầm mống tội lỗi, là Antiôcô Êpiphan, con vua Antiôcô, trước kia bị bắt làm con tin tại Rôma; năm vương quốc Hy-lạp một trăm ba mươi bảy, ông lên ngôi vua.
Thời đó từ Israel cũng xuất hiện một số người bất lương mê hoặc được nhiều người, chúng nói rằng: "Này, ta hãy giao ước với các dân ở chung quanh chúng ta, vì từ ngày chúng ta đoạn giao với các dân ấy, chúng ta đã gặp nhiều tai hoạ". Họ cho lời nói ấy là đúng. Một số trong dân chúng hối hả đi yết kiến nhà vua và được nhà vua cho phép tuân giữ các luật lệ của dân ngoại. Họ liền xây cất một thao trường ở Giêrusalem theo tập quán của dân ngoại; họ tìm cách huỷ bỏ vết tích của phép cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để rồi giao ước với kẻ ngoại. Họ tự bán mình để làm sự dữ.
Vua Antiôcô ra chiếu chỉ khắp nước truyền cho mọi dân hợp thành một dân và mỗi dân phải bỏ tục lệ riêng mình; tất cả các dân ngoại đều tuân lệnh nhà vua. Nhiều người Israel cũng sẵn sàng theo việc phượng tự của nhà vua, họ liền hiến tế cho ngẫu tượng và phế bỏ ngày sabbat.
Ngày rằm tháng Kislêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua Antiôcô đặt một ngẫu tượng ghê tởm ngay trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu. Người ta cũng lập nhiều bàn thờ khác trong các thành lân cận của Giuđa: người ta đốt hương cúng tế trước cửa nhà và ở các công trường. Hễ gặp thấy sách luật nào, họ xé nát và đem đốt đi. Nếu người ta bắt gặp sách giao ước trong nhà người nào hoặc bắt gặp kẻ nào giữ Luật Chúa, thì kẻ ấy sẽ bị xử tử theo đúng chiếu chỉ của nhà vua. Nhưng cũng có nhiều người Israel tỏ ra kiên quyết, và nhất định không ăn của gì dơ nhớp; họ thà chết chẳng thà làm cho mình ra ô uế bởi của ăn dơ và phạm đến Giao Ước thánh, và quả thực họ đã chết. Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 53. 61. 134. 150. 155. 158
Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn cho con sống, và con sẽ tuân giữ lời nghiêm huấn của Ngài (x. c. 88).
Xướng: 1) Con nổi cơn uất hận vì những người tội lỗi, bọn chúng bỏ rơi luật pháp của Ngài. - Ðáp.
2) Thừng chão bọn ác nhân đã trói buộc con, nhưng con chẳng lãng quên luật pháp của Ngài. - Ðáp.
3) Xin Chúa cứu con khỏi người ta áp bức, để con tuân giữ các huấn lệnh của Ngài. - Ðáp.
4) Những kẻ bách hại con cách độc ác đang tiến lại gần, bọn chúng sống xa pháp luật của Chúa. - Ðáp.
5) Ơn cứu độ của Chúa xa bọn ác nhân, vì chúng chẳng lo giữ những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
6) Nhìn thấy những kẻ phản bội mà con chán nản, vì chúng không tuân giữ lời sấm của Ngài. - Ðáp.

Alleluia: Lc 16, 31
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 35-43
"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Sự Mù Lòa Thiêng Liêng
Con người đã được Thiên Chúa sáng tạo đặt vào trong hiện hữu và cuối cùng sẽ trở về cùng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong thời gian chờ đợi ngày trở về này, mỗi người chúng ta phải sống như thế nào? Chúng ta hãy đối chiếu cuộc sống chúng ta với Lời Chúa, nhưng không phải chỉ đối chiếu, mà còn cần phải sửa chữa, vứt bỏ những gì không phù hợp với lời dạy của Chúa.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù thành Giêricô. Ðây không phải là dụ ngôn, mà là biến cố có thật. Chúng ta có thể quan sát hai thái độ thực hành. Trước hết là thái độ của những người cản trở không cho anh mù gặp gỡ Chúa, những người này cho rằng chỉ có họ mới được quyền đi bên cạnh Chúa. Thật ra, trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, trên bình diện thông ban ân sủng, cứu rỗi, con người không thể cậy dựa vào quyền lợi của mình mà đòi hỏi Thiên Chúa. Tất cả đều là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, không ai có quyền dành lại ân sủng đó cho riêng mình.
Thái độ thứ hai chúng ta có thể nhận thấy nơi anh mù. Ý thức thân phận của mình, anh không có gì để khoe khoang hay đòi hỏi, nhất là đòi hỏi Thiên Chúa, mà anh chỉ khiêm tốn cầu xin: "Lạy ông Giêsu, con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Sự mù lòa thể xác và nghèo nàn vật chất không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù lòa: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được", anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Luca ghi lại: "Tức khắc anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa". Anh mù đã sống trọn ơn gọi Kitô của mình; anh đã thực hiện lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ Ngài: "Ánh sáng của các con phải chiếu soi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm, mà tôn vinh Cha các con Ðấng ngự trên trời".
Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh và giải thoát chúng ta khỏi sự mù lòa thiêng liêng, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy trước mặt mọi người.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 33 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: I Mac 1:10-15, 41-43, 54-57, 62-63; Lk 18:35-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng trung hiếu với Thiên Chúa.

Trong cuộc đời chúng ta thường gặp thấy hai mẫu người trái ngược nhau. Một mẫu người dễ dàng ''hễ thay ngôi là đổi chủ," vì mục đích của họ là làm sao cho có lợi nhuận nhiều và không phải hy sinh chịu đau khổ. Đây cũng là loại người thích "bắt cá hai tay," trên có bàn thờ Chúa Mẹ, dưới thì quàng thêm ông thần tài cho chắc ăn. Họ nghĩ lỡ không có Chúa Mẹ, hay các Ngài không ban, họ vẫn còn thần tài phù hộ. Ngược lại, một mẫu người có hướng đi rõ rệt, khi đã tin ai và đã hứa điều gì, họ nhất quyết sống theo niềm tin và giữ lời hứa; cho dù có phải chịu đau khổ và chấp nhận cái chết.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy hai mẫu người tương phản trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Maccabees I trình bày hai mẫu người Do-thái: (1) Những người dựa vào lợi nhuận để thay đổi niềm tin; vì họ không thấy Thiên Chúa ban thưởng gì cho việc giữ Lề Luật cả, nên họ chạy theo lối sống của vua Hy-lạp và quay lưng lại với Thiên Chúa. (2) Những người nhất quyết thờ phượng Thiên Chúa và tuân giữ Lề Luật, họ sẵn sàng hy sinh chịu đau khổ và chịu chết, chứ không bao giờ phản bội Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, người mù thành Jericho nhất định xin Chúa Giêsu chữa lành; cho dù phải gặp bao ngăn cản của đám đông đang đi theo Chúa. Sau cùng, nhờ niềm tin vững mạnh, anh đã được như sở nguyện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Họ thà chết chẳng thà để cho mình ra ô uế vì thức ăn và vi phạm Giao Ước thánh.

1.1/ Những người nông nổi, "gió chiều nào che chiều ấy:" Đây là thời kỳ đế quốc Hy-lạp cai trị người Do-thái, và những cám dỗ của nền văn minh Hy-lạp làm cho nhiều người Do-thái bỏ đạo và Lề Luật. Tác giả Sách Maccabees tường thuật: Lúc bấy giờ, từ trong Israel đã nảy sinh những đứa vô lại, chúng đã dụ dỗ nhiều người như sau: "Nào chúng ta đi ký kết giao ước với các dân tộc láng giềng, vì từ khi sống cách biệt họ, chúng ta gặp phải nhiều tai hoạ." Nhiều người bị cám dỗ thấy lời này thật vừa lòng nên đã nghe theo.
Rồi vua Antiochus ra chiếu chỉ trong toàn vương quốc truyền cho mọi người phải nhập thành một dân duy nhất, và ai nấy phải bỏ tục lệ của mình. Mọi dân tộc đều chấp hành lệnh vua.
Trong dân Israel, có nhiều người hưởng ứng việc thờ phượng vua đã truyền; họ dâng lễ tế cho các ngẫu tượng, vi phạm luật Sabbath. Ngày mười lăm tháng Chislev, năm một trăm bốn mươi lăm, vua cho dựng đồ ghê tởm phạm thánh trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu và cho lập các bàn thờ trong các thành miền Judah chung quanh Jerusalem. Trước cửa nhà và ngoài quảng trường, người ta dâng hương. Gặp sách Luật ở đâu, thì đem xé và quăng vào lửa. Bắt gặp sách Giao Ước ở nhà ai và biết ai còn tuân giữ Lề Luật, thì đem ra xử tử theo phán quyết của vua.
Một số những lý do làm con người dễ thay ngôi đổi chủ: Thứ nhất, họ không tin những lời Thiên Chúa dạy dỗ và hứa ban. Thứ hai, vì họ không tin có cuộc sống đời sau, nên họ đặt tất cả niềm trông cậy vào cuộc sống đời này. Thứ ba, họ không có tình yêu đối với Thiên Chúa; một khi không có hay đã hết tình yêu, con người sẽ không còn sức mạnh để làm chứng cho Thiên Chúa. Nói tóm, khi con người không có ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến; con người dễ chạy theo những cám dỗ của ba thù và không thể trung thành với Thiên Chúa.

1.2/ Những người nhất quyết trung thành giữ Luật Chúa: Lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức. Nếu đã có những người khi gặp đau khổ đã phản bội Thiên Chúa; nhưng vẫn còn "nhiều người trong dân Israel vẫn kiên tâm vững chí, nhất định không ăn những thức ăn ô uế. Họ thà chết chẳng thà để cho mình ra ô uế vì thức ăn, vi phạm Giao Ước thánh. Cuối cùng họ đã chết."
Những lý do giúp con người trung hiếu trọn đời với Thiên Chúa: Thứ nhất, họ tin Thiên Chúa, những gì Ngài dạy dỗ và hứa ban cho những ai trung thành. Thứ hai, niềm hy vọng vững vàng của họ vào cuộc sống mai sau. Họ biết Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống cho những ai sẵn sàng hy sinh mạng sống làm chứng cho Ngài. Sau cùng là tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa. Tình yêu có sức mạnh làm con người vượt qua mọi trở ngại để trung thành với Thiên Chúa. Khi con người đã có tình yêu Thiên Chúa, không gì có thể lay chuyển con người để họ phản bội Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa người mù thành Jericho.

2.1/ Lời cầu xin khẩn thiết của người mù: Việt-Nam có câu tục ngữ: “Có đau mắt thì mới biết thương người mù.” Vì không thấy đường nên tất cả thế giới đẹp đẽ đối với anh là một bóng đen, và công việc duy nhất anh có thể làm được là ngồi ăn xin lòng thương xót của người qua đường. Anh mù chứ không điếc nên khi nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nazareth đang đi qua đó. Chắc chắn anh đã nghe về Đức Kitô chuyên chữa lành bệnh nhân, nên anh không bỏ lỡ cơ hội, anh liền kêu lên (boa,w) rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!"
Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi. Không ai có thể hiểu nỗi đau khổ của anh; tất cả đều bận tâm với những toan tính riêng tư của họ. Những người quát nạt này có lẽ bực mình vì tiếng kêu cứu của anh làm họ không nghe rõ những gì Chúa Giêsu đang giảng giải. Nhưng anh mù không sờn lòng và càng kêu lớn tiếng hơn (kra,zw): "Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi!"
Việc anh kêu lớn tiếng hơn có thể anh sợ Chúa Giêsu chưa nghe thấy tiếng kêu nài của anh; nhưng cũng để biểu tỏ tấm lòng kiên trì kêu cầu của anh, không một sức mạnh nào có thể ngăn ngừa anh đừng trông cậy vào Thiên Chúa. Với bệnh tật của anh, anh nghĩ có lẽ đây là cơ hội ngàn năm một thuở anh có cơ hội được Chúa Giêsu chữa lành.

2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu, người mù, và đám đông: Làm sao Thiên Chúa của lòng thương xót không động lòng trước tiếng kêu bi thương của con cái mình? Ngài dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được." Người mù không xin tiền, không xin bất cứ sự gì khác, nhưng xin cho được thấy, vì anh biết sự sáng quan trọng thế nào đối với anh. Đức Giêsu nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Lập tức, anh ta nhìn thấy và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Anh biết Chúa Giêsu có lòng thương xót, anh biết Chúa Giêsu là người duy nhất có thể chữa anh, và chính anh đã được Chúa Giêsu thương xót chữa lành; nên chuyện anh đi theo Ngài để ngợi khen Thiên Chúa là chuyện tự nhiên phải làm. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cuộc sống với quá nhiều quyến dũ vật chất và hưởng thụ dễ làm cho trái tim con người ra chai đá, khiến chúng ta không còn nhạy cảm với tình thương Thiên Chúa. Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, bằng cách năng nhớ lại những gì Ngài đã làm cho chúng ta, để biết ơn, để ca tụng, và biết sống xứng đáng với tình yêu của Ngài.
- Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho nhau; để luôn biết quí trọng và dễ tha thứ cho nhau. Những người dễ dàng phản bội tha nhân và thay người yêu như thay áo, chắc chắn sẽ phải chuốc lấy hậu quả của những sự phản bội này một khi đã hết thời hay khi lâm cảnh khốn khó.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 33TN

Lc 18,35-43

A. Hạt giống...
Chuyện này có 3 vai :
1. Người mù :
            - Ban đầu anh “ngồi” (thụ động) “ăn xin” (sống bám) “bên vệ đường” (ở ngoài rìa xã hội) (câu 35). Sau khi được Chúa Giêsu chữa, anh “đi” (chủ động), “tôn vinh Thiên Chúa” (rao giảng) và “đi theo” (làm môn đệ) Chúa Giêsu (câu 43).
            - Thái độ của anh : “hỏi xem có chuyện gì” (câu 36) - khi biết là có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh “kêu lên” xin Ngài dủ lòng thương (câu 38) - người ta quát nạt anh, bảo anh im đi, “anh càng kêu lớn tiếng” (câu 39) - khi gặp Chúa Giêsu, anh nói rõ điều muốn xin “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” (câu 41). Thái độ ấy được Chúa Giêsu đánh giá là có đức tin (câu 42).
2. Đám đông :
            - Lúc đầu quát nạt anh mù, bảo anh im. Họ tưởng làm như thế là vừa lòng Chúa Giêsu (vì Chúa Giêsu khỏi bị quấy rối khi đang bận đi đường).
            - Mc 10,49 cho biết thêm : khi Chúa Giêsu cho gọi anh đến thì dân chúng khuyến khích anh “Cứ yên tâm, đứng dậy, Ngài gọi anh đấy”.
            - Sau khi anh khỏi bệnh, họ “cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa”
3. Chúa Giêsu :
            - Dù “đang đi” (bận rộn) và ở giữa đám đông, Ngài cũng để ý đến tiếng kêu xin của một người mù.
            - Đối xử rất ưu ái với người mù : Ngài “dừng lại”, “truyền dẫn anh ta đến”, ân cần hỏi han, khen ngợi đức tin của anh mù và cứu chữa anh.

B.... nẩy mầm.
1. Anh mù đáng làm gương cho chúng ta : anh ý thức mình cần Chúa, anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn ; anh còn thay đổi được lòng hẹp hòi của những người chung quanh. Nếu chúng ta làm như anh mù này thì mặc dù mọi người ngăn cản chúng ta và mặc dù ban đầu xem ra Chúa không nghe tiếng chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dừng lại, ưu ái gọi chúng ta đến và biến đổi đời sống chúng ta.
2. “Khi người mù thành Giêrikhô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giêsu thì người ta đã quát mắng anh ta phải im đi. Phải chăng đó là tình trạng trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội chúng ta : có biết bao người không có cơ may gặp gỡ Chúa vì chưa thấy được tình yêu thương của Giáo Hội... Có biết bao người vẫn tuyệt vọng vì chưa cảm nhận được tình thương từ nơi những môn đệ Chúa Giêsu... Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ dẫn người mù đến với Ngài. Ngày nay Ngài cũng tiếp tục đưa ra cùng một mệnh lệnh : Hãy để cho những người đau khổ, những kẻ đang kiếm tìm được đến gần Ngài...” (trích "Mỗi ngày một tin vui")
            3. CG là Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium).  Đây là một chủ đề lớn, được chọn làm đề tựa cho một hiến chế của Công Đồng Vaticanô II. Ánh sáng của Chúa soi thẳm lòng người. Giúp con người nhìn ra ánh sáng của con tim. Giúp con người tìm về nhà  Cha. Có những người mù loà, nhưng với lòng tin tưởng phó thác, đã nhìn được ánh sáng này. Ngược lại, có những con người tự phụ rằng mình sáng suốt lại chẳng nhìn ra được   ánh sáng của Chúa. 
4. Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận : “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả.” Vợ ông bước ra tiếp lời : “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”. Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).
5. “Anh muốn tôi làm gì cho anh. Anh ta đáp : Lạy Ngài xin cho tôi được thấy” (Lc 18,41)
Một thiền sư hỏi các đồ đệ rằng “Lúc nào là lúc đêm tàn và ngày đến ?” Nhiều câu trả lời được đưa ra : kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau ; người thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một con bò với một con trâu… Cuối cùng chỉ có một câu trả lời làm vừa lòng thiền sư, đó là : khi ta nhìn mọi người và nhận ra đó là anh em của ta.
Quả thật, có những thứ ta không thể thấy được bằng mắt, nhưng chỉ thấy d0 bằng con tim, bằng tình yêu…
Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên ngọn lửa nơi tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cũng nhóm lên ngọn lửa tình yêu nơi trái tim con, để con thấy Chúa và nhận ra Ngài nơi những người quanh con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ


18/11/13 THỨ HAI TUẦN 33 TN
Cung hiến thánh đường thánh Phêrô và Phaolô           
Lc 18,35-43

SÁNG TRONG NIỀM TIN
“Anh muốn tôi làm gì cho anh ? – Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được “.
(Lc 18,41)
Suy niệm: Giêricô, thành phố cây chà là, cách Giêrusalem 23 km về phía đông, thấp hơn mực nước biển 258m. Nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ thú vị giữa Đức Giêsu với ông Dakêu và hôm nay với anh mù Báctimê. Bị : anh phải ở trong tình trạng hoàn toàn thụ động, gặp khó khăn, xa cách khi tiếp xúc với người khác; đi ăn xin: anh phải sống dựa vào lòng hảo tâm của người khác suốt cuộc đời. Gặp được Đức Giêsu là cơ hội số một cho anh đổi đời. Không lạ gì không ai dập tắt được tiếng kêu xin của anh, tiếng kêu xin sau còn thống thiết hơn tiếng kêu van trước! Anh được toại nguyện, vì Thầy Giêsu không chỉ chữa lành đôi mắt thể lý mà cả đôi mắt tinh thần của anh, để rồi anh sẽ đi theo và ca tụng Ngài.
Mời Bạn: Ban đầu đám đông là lợi thế để anh mù biết “Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó,” nhưng sau lại trở thành lực cản giữa anh với Ngài. Cũng vậy, lắm lúc tập thể, cộng đoàn, gia đình... không còn là lực đẩy, nhưng là lực cản ta sống niềm tin và ơn gọi của mình. Những lúc ấy, bạn có dám hành động cương quyết như anh mù này không?
Sống Lời Chúa: Gặp những lời chê trách hay dèm pha vì nỗ lực sống niềm tin và ơn gọi, tôi không nản lòng, nhưng kiên trì và cương quyết tiếp tục đến với Chúa theo mẫu gương của anh mù Giêricô.
Cầu nguyện: “Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt, thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi. Con mù lòa, bên vệ đường hành khất, xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.”
(Thánh thi kinh sách thứ năm tuần II).

Xin cho tôi nhìn thấy
 Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì? Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn. 


Suy nim:
Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù.
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối,
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô.
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem,
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin.
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.
Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói.
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36).
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy.
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua,
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến.
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt.
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi.
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất.
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh?
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?
Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài,
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38).
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói.
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà.
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân.
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.”
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”,
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì?
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14).
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3).
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù,
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi,
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13).
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).
Cầu nguyn:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ



Suy niệm
Tin mừng thuật lại chuyện Đức Giêsu chữa lành cho một anh mù ở gần thành Giêricô. Hôm ấy, ngồi ăn xin bên vệ đường, anh nghe, hỏi và biết Đức Giêsu đi ngang qua chỗ anh. Dù không thấy Đức Giêsu đang ở đâu, nhưng anh đã dùng tiếng kêu để cho Đức Giêsu biết sự hiện diện và nỗi thống khổ của mình: “Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi”. Đức Giêsu đã dừng chân trước lời kêu xin được thương xót của anh và Ngài đã chữa lành.

Hôm nay, con mắt thể lý của tôi vẫn còn sáng, tôi nhìn rõ mọi vật và mọi người. Nhưng có thể, con mắt tâm hồn, con mắt đức tin của tôi đã mờ tối từ lâu, nên tôi khó nhận ra hoặc không thể nhận ra những giá trị thiêng thánh, không thể nhìn mọi sự bằng nhãn quan Thiên Chúa.

Mong sao, tôi đừng thản nhiên ở lì lại trong cảnh mù của mình.
Mong sao, tôi biết đến với Chúa để được chữa mù: thánh lễ, cầu nguyện, các bí tích…
Và mong sao, một trong những tâm tình tôi dâng lên Chúa khi khởi sự một ngày mới, có lời xin: “Lạy Chúa, xin cho con được thấy”.


Thứ Hai 18-11
Thánh Rose Philippine Duchesne
(1769-1852)

S
inh ở Grenoble, nước Pháp, trong một gia đình giầu có, Philippine hấp thụ năng khiếu chính trị từ người cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người nghèo. Về tính tình, chính yếu ngài là một người cương quyết với ý chí bất khuất, mà sau này tính khí ấy đã giúp ngài trở nên thánh thiện. Ngài gia nhập tu viện năm 19 tuổi mà không nói với cha mẹ một lời, và dù gia đình có chống đối, ngài vẫn cương quyết đi tu. Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, tu viện phải đóng cửa, ngài quay sang chăm sóc người nghèo và người đau yếu, mở lớp dạy các trẻ bụi đời và liều mình giúp đỡ các linh mục đang hoạt động âm thầm.
Khi tình thế lắng dịu, chính ngài thuê lại tu viện cũ, đã đổ nát vì chiến tranh, cốt để làm sống lại sinh hoạt nhà dòng. Chiến tranh đã tàn phá không chỉ vật chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Nhà dòng chỉ còn lại bốn nữ tu. Sau đó họ gia nhập Tu Hội Thánh Tâm mới được thành lập, mà vị bề trên trẻ tuổi, Thánh Madeleine Sophie Barat, trở nên một người bạn trong suốt cuộc đời của sơ Philippine. Một thời gian ngắn sau đó, sơ Philippine làm bề trên nhà dòng và làm hiệu trưởng một trường học. Nhưng mơ ước của ngài ngay từ khi còn nhỏ, lúc được nghe biết về công cuộc truyền giáo ở Louisiana, là sang Hoa Kỳ phục vụ người da đỏ. Ngài thực hiện tham vọng này khi 49 tuổi. 
Cùng với bốn nữ tu, ngài lênh đênh trên biển 11 tuần lễ để đến New Orleans, và sau đó họ phải xuôi giòng Mississippi thêm bảy tuần lễ nữa để đến St. Louis. Ðến nơi, ngài chỉ gặp toàn thất vọng. Ðức giám mục địa phương không có chỗ cho các sơ tá túc để hoạt động cho người thổ dân Hoa Kỳ. Thay vào đó, đức cha lại sai các sơ đến một nơi mà ngài gọi là "làng hẻo lánh nhất Hoa Kỳ," đó là St. Charles, Missouri. Tuy nhiên, với bản tính dũng cảm sơ Philippine đã thiết lập trường học miễn phí đầu tiên cho các thiếu nữ ở vùng tả ngạn sông Mississippi.
Nhưng đó là một sai lầm. Mặc dù các ngài làm việc quần quật như bất cứ người phụ nữ nào trong thời kỳ khẩn hoang phải rong ruổi trên các toa xe ngựa viễn tây, sự đói khát và lạnh giá đã đẩy các ngài ra khỏi vùng, lưu lạc đến Florissant, Missouri, là nơi ngài thiết lập trường Công Giáo Da Ðỏ đầu tiên. Phải là một nữ anh thư như Mẹ Philippine Duchesne mới kinh qua được những hành trình khủng khiếp trong thời gian truyền giáo. Louis E. Callan, người tìm hiểu về Mẹ Duchesne đã viết: "Trong thập niên đầu khi Mẹ Duchesne đến Hoa Kỳ, trên thực tế ngài đã phải chịu đựng mọi gian khổ của một người khẩn hoang, ngoại trừ sự đe dọa của người da đỏ -- không có chỗ ở, thiếu thốn thực phẩm, nước uống, dầu đốt, tiền bạc, thời tiết thay đổi thất thường, thiếu thốn mọi tiện nghi, và sự ngỗ nghịch của các trẻ em vì sống trong môi trường thô bạo và ít được giáo dục".
Sau cùng, vào lúc 71 tuổi, với sức khoẻ yếu kém và mệt mỏi, ngài đã hoàn thành ước mơ. Một xứ đạo được thành hình ở Sugar Creek, Kansas, giữa những người thổ dân Potawatomi. Mặc dù ngài không thể học được tiếng bản xứ, nhưng người thổ dân gọi ngài là "Bà Luôn Cầu Nguyện". Trong khi người khác học hỏi thì ngài cầu nguyện. Người ta kể rằng các trẻ em da đỏ nghịch ngợm, lén ra đằng sau lưng ngài khi đang cầu nguyện để ném lên áo những mẩu giấy, và vài tiếng đồng hồ sau chúng trở lại, các mẩu giấy ấy vẫn còn dính trên áo.
Ngài từ trần năm 1852 lúc 83 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong thánh năm 1988.
Lời Bàn
Ơn Chúa đã trui rèn ý chí sắt đá và sự quyết tâm của Mẹ Duchesne để trở thành một người khiêm tốn và vị tha, không muốn sự an nhàn của một đấng bề trên. Tuy nhiên, người ta chỉ nên thánh bởi sự trau dồi theo thời gian. Truyện kể rằng trong một cuộc tranh luận với vị linh mục về sự thay đổi nơi cung thánh, ngài cứng đầu đến nỗi vị linh mục phải đe dọa lấy đi nhà tạm thì ngài mới thôi. Nhưng ngài đã kiên nhẫn chịu đựng sự chỉ trích của các nữ tu trẻ cho rằng ngài thiếu cấp tiến. Qua tất cả các biến cố trong quãng đời 31 năm ấy, ngài có được một tình yêu bất khuất và đã trung thành tuân giữ lời khấn của ngài.
Lời Trích
"Chúng tôi chỉ làm được những điều rất nhỏ trong cánh đồng truyền giáo cho Ðức Kitô, nhưng chúng tôi yêu quý điều ấy, vì biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi phải thành đạt những công trình lớn lao, nhưng Người muốn một con tim dâng hiến tất cả, không giữ lại chút gì cho mình... Thập giá đích thực là thập giá mà chúng ta không tự chọn cho mình... Người có được Ðức Giêsu là có được tất cả" (Thánh Rose Philippine Duchesne)




Kỷ Niệm Lễ Cung Hiến Thánh Đường Th. Phêrô và Phaolô

 * Vua Constantin Cả (270-337) đã chiến thắng quân Maxence dưới tường thành Rôma năm 312, nhờ sự xuất hiện lạ lùng của cây Thánh Giá lơ lửng giữa không trung với hàng chữ: "In hoc signo vince" (Tin vào dấu này, ông sẽ thắng). Ðể tỏ lòng biết ơn về chiến thắng Maxence, ngài đã xây cất nhiều đại thánh đường nguy nga, trong số đó phải kể vương cung thánh đường thánh Phêrô và thánh Phaolô.
Ðền thờ thánh Phêrô được xây cất năm 326 và được nới rộng ra năm 1506. Thánh Silvestrê và Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã thánh hiến ngày 18/11/1626.
Ðền thờ thánh Phaolô được xây cất trên đường Ostie, bên "ngoài thành" Vatican, và được thánh hiến cũng cùng một ngày với đền thánh Phêrô. Năm 1823, một cuộc hỏa tai đã thiêu hủy gần hết và Ðức Grêgoriô XVI và Ðức Piô IX đã chọn ngày định tín "Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội" để thánh hiến lại, với sự chứng kiến đông đảo của các Giám Mục.
VCTĐ thánh Phao-lô ngoại thành.


BÀI ĐỌC I: Cv 28, 11-16. 30-31
"Như thế là chúng tôi đã trẩy đi Rôma".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Sau ba tháng, chúng tôi lên đi trên chiếc tàu Alexandria, tàu này có hiệu là Dioscuri, đã trú tại đảo (Mêlita) trong mùa đông qua. Khi đến thành Syracusa, chúng tôi lưu lại đó ba ngày. Rồi từ đó, chúng tôi đi dọc theo bờ biển mà đến Rêgiô. Ngày hôm sau, nhờ có gió nam nên hai ngày sau chúng tôi đến Putêôlô. Tại đó, chúng tôi có gặp được anh em, họ mời chúng tôi ở lại với họ bảy ngày, và thế là chúng tôi đã trẩy đi Rôma.
Khi các anh em ở Rôma nghe tin chúng tôi đến, họ ra đón rước chúng tôi tận chợ Appiô và tại Tam Quán. Khi Phaolô trông thấy họ, liền tạ ơn Thiên Chúa và được lòng trông cậy vững vàng. Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh.
Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Đáp: Chúa đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui và đàn ca. - Đáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đần cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương. Hãy thổi sáo và rúc tù và, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 14, 22-33
"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
(Khi dân chúng đã ăn no), Lập tức Chúa Giêsu giục các môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Người đi trên biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa". Đó là lời Chúa.

 
VCTĐ thánh Phê-rô


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét