1. Chúa Giêsu bị chế giễu là “Vua” khi bị treo trên thập
giá (Lc 23,36-38)
Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho
Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!”
Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái.”
2. Nguồn gốc Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua
Một kẻ kiêu ngạo kia quả quyết: “Chúng ta đã tiêu diệt được
các vua trên mặt đất rồi. Giờ đây, chúng ta hãy tiêu diệt Chúa là vua trên trời”.
Thế là có nhiều kẻ ùa nhau chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa,
trục xuất Ngài ra khỏi các linh hồn, ra khỏi các gia đình, ra khỏi xã hội, ra
khỏi quốc gia. Nhưng họ vẫn thất bại, vì trong khi họ thay nhau chết, nằm thúi
tha và bị tan rã trong mồ, thì Chúa Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa, đã tung mồ
sống lại, vẫn hằng sống, và ngôi báu của Ngài vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay,
và cho đến tận thế.
Để phản lại chủ trương vô thần nầy, ngày 11 tháng 12 năm
1925, với Thông Điệp “Quas Primas” (Thông Điệp về Vương Quyền của
Chúa Giêsu Kitô), Đức Giáo Hoàng Piô XI đã lập lễ kính CHÚA GIÊSU KITÔ VUA.
Đức Giáo Hoàng muốn nhắc nhở cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con của
Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, chính Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài,
không những là Vua từng cá nhân, từng gia đình, nhưng còn là Vua của tất cả mọi
người, tất cả mọi dân tộc; vương quyền của Ngài chi phối cả trần gian, mặc dầu
vương quyền nầy là linh thiêng và không lệ thuộc vào gian trần nầy.
3. Chúa Giêsu Kitô là Vua thế nào?
Chúa Giêsu Kitô là vua, không phải vì chúng ta bầu Ngài hoặc
tôn Ngài lên làm vua, nhưng chính bản tính của Ngài là Vua thật vì Ngài là
Thiên Chúa thật.
Chúa Giêsu Kitô là Vua, nhưng là một vì vua rất lạ lùng:
- vua dẹp loạn bằng cái chết của mình: “Máu Thầy đổ ra để
cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28);
- vua rất khiêm nhượng: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng
khiêm nhượng” (Mt 12,29);
- vua rất khó nghèo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ,
nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20);
- vua rất bình dân: “Nhiều người thu thuế và người tội lỗi
kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ” (Mt 9,10);
- vua bình an: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban
bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27).
4. Chúa Giêsu Kitô đăng quang làm Vua trong Hồi Thương
Khó
Quân dữ bắt Chúa Giêsu ngồi trên một bệ đá, giả đò quỳ lạy
ông vua lạ lùng nầy, và sau đó, họ đóng đinh Ngài trên thập giá, có khắc chữ: “Đây
là Vua người Do Thái” (Lc 23,38).
Quân dữ khoác cho Chúa Giêsu một chiếc áo choàng đỏ, xỉ vả,
khạc nhổ, dày xéo ông vua dại dột đang thinh lặng không nói ra một lời.
Quân dữ bắt Chúa Giêsu đội một mão gai để chỉ đây là một vì
vua đau khổ : vua mà bị trói, bị đánh đòn, bị kéo lê từ tòa án nầy đến
tòa án khác, bị đày lên Núi Sọ, bị đóng đinh trên thập giá.
Quân dữ cho Chúa Giêsu cầm một cây gậy nứa để nhạo báng một
ông vua bất lực, khó nghèo, không có thần dân đến giúp đỡ, không có quân đội đến
tiếp cứu.
Quân dữ treo Chúa Giêsu trên thập giá, rồi đứng dưới mà nhạo
báng ông vua lạ lùng nầy.
Quân dữ nhạo báng Chúa Giêsu là Vua: vua dại dột, vua đau khổ,
vua nhục nhã. Nhưng những lời nhạo báng nầy lại là sự thật: Chúa Giêsu Kitô,
chính là Vua! Ba ngày sau khi chết, Chúa Giêsu tung mồ, sống lại sáng láng, thắng
trận ma quỷ, thắng tội lỗi và sự chết, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, cai
trị muôn loài, muôn vật.
Thánh Phaolô cung kính nói về Chúa Giêsu Kitô: “Khi vừa nghe
Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, mọi vật phải bái
quỳ ” (Pl 2,10).
5. Chúa Giêsu luôn luôn là Vua
Mặc dầu bị nhiều người từ chối và chống đối, Chúa Giêsu vẫn
là Vua của tất cả mọi người, và đến ngày tận thế, mọi người phải công nhận Ngài
là Vua tuyệt đối.
Mặc dầu nước Chúa Giêsu luôn luôn gặp nhiều khó khăn, nhưng
nước Ngài vẫn lan tràn khắp nơi, và sẽ được hoàn thành trong vinh quang của
ngày tận thế, khi Ngài hiện đến giữa đám mây, phán xét muôn dân thiên hạ.
6. Nước của Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện
Khi được hỏi bao giờ Nước Chúa đến, Chúa Giêsu trả lời: “Nước
Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21).
Phải rồi, không đợi sau khi chết, mới vào Nước Chúa, nhưng
hiện giờ, chúng ta đang sống trong Nước Chúa:
- hiến pháp của Nước Chúa, ai trong chúng ta cũng thuộc
lòng: Tám Mối Phước thật;
- quyền công dân của Nước Chúa, ai trong chúng ta cũng có: “Lạy
Cha chúng con ở trên trời”;
- các quyền lợi của người công dân Nước Chúa, ai trong chúng
ta cũng đang được hưởng: ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa;
- các nghĩa vụ của người công dân Nước Chúa, ai trong chúng
ta cũng phải thi hành: Mười Điều Răn của Chúa.
7. Có nhiều kẻ khiếp sợ ngôi vua của Chúa
Giêsu.
Những kẻ này tìm đủ cách để ngăn trở Nước Chúa.
- Trước hết, là ma quỷ. Ma quỷ là kẻ thù không đội trời
chung của Chúa Giêsu vì chúng muốn một mình thống trị thế gian và lôi kéo mọi
người xuống hỏa ngục làm nô lệ chúng.
- Sau ma quỷ, là những kẻ nghịch Đạo, chống Đạo, chối bỏ
Thiên Chúa, vì họ chỉ muốn xây dựng một nước trần gian mà không có Chúa.
8. Những đặc điểm của Nước do Chúa Giêsu làm Vua
Nước Chúa là nước dành riêng cho những ai khó nghèo, hiền
lành, khiêm hèn, trong sạch, bị bắt bớ. Ngài long trọng tuyên bố những điều hạnh
phúc của Nước Chúa là : phúc cho những ai có lòng khó nghèo, hiền lành, đau khổ,
đói khát sự công chính, biết xót thương, sống trong sạch, sốâng hòa bình, bị bắt
bớ và bị lăng nhục vì Chúa .
9. Bổn phận của người Côn Giáo chúng ta đối với Chúa
Giêsu là Vua của mình
- Hằng ngày, chúng ta cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến và
lan rộng khắp nơi.
- Hằng ngày, chúng ta sống đạo đức thánh thiện để đạt được mục
đích ấy: Nước Chúa là nước yêu thương, chúng ta hãy yêu thương nhau và yêu
thương mọi người; Nước Chúa là nước hòa bình, chúng ta hãy sống thuận hòa với
nhau và với mọi người; Nước Chúa là nước bị bắt bớ, chúng ta hãy vui vẻ chịu mọi
sự khó khăn vì Chúa, vì Giáo Hội.
Chúa sẽ thưởng những ai tôn thờ Ngài, thưởng ở đời nầy: được
bình an hạnh phúc như lời Ngài phán: “Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì
nhẹ nhàng” (Mt 11,30).
Chúa sẽ thưởng ở đời sau: ban phước thiên đàng đời đời, như
lời Ngài phán trong Ngày Phán Xét Chung: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy
đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”
(Mt 25,34).
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét