THỨ BẢY 16/11/2013
Thứ Bảy sau Chúa Nhật
32 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Kn 18, 14-16; 19, 6-9
"Giữa biển đỏ
đã xuất hiện một lối đi không có chướng ngại, và họ nhảy mừng như đoàn
chiên".
Trích sách
Khôn Ngoan.
Ðang lúc yên
tĩnh bao trùm vạn vật, và đêm đã tới nửa vòng xoay: từ vương toà trên trời cao,
lời toàn năng của Chúa tựa như một dũng sĩ rắn rỏi xông tới giữa miền đất bị
tiêu diệt, tựa như gươm bén mang mệnh lệnh cố định của Chúa, đứng sừng sững, đầu
chạm trời, chân đạp đất, gieo chết chóc khắp muôn loài.
Và muôn loài
được tác tạo như thuở ban đầu, phụng lệnh Chúa để gìn giữ thần dân Chúa được an
toàn, vì Chúa đã khiến mây bao phủ trại binh họ, và từ nơi trước kia đầy nước,
đã xuất hiện vùng đất ráo khô. Và giữa Biển Ðỏ đã xuất hiện một lối đi không có
chướng ngại, và từ vực sâu xuất hiện một cánh đồng xanh tươi. Toàn dân được tay
Chúa che chở, đi qua nơi ấy và chiêm ngưỡng những diệu kỳ phi thường của Chúa.
Lạy Chúa, họ như đàn ngựa giữa bãi cỏ, như đoàn chiên nhảy mừng, họ tán dương
Chúa, là Ðấng đã giải thoát họ.
Ðó là lời
Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 104, 2-3. 36-37. 42-43
Ðáp: Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu
Chúa đã làm (c. 5a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng
Người; hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của
Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. - Ðáp.
2) Chúa sát
phạt mọi con đầu lòng trong lãnh thổ, của đầu mùa do sức lực cường tráng chúng
sinh ra. Người dẫn họ ra đi cùng với bạc với vàng, và trong các bộ lạc của họ,
không một ai đau yếu. - Ðáp.
3) Vì Người
đã nhớ lời thánh thiện của Người, lời Người đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ
Người. Người đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Người
kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. -
Ðáp.
Alleluia:
2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia!
- Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết,
và chiếu soi sự sống. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ
minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng
ngã lòng mà rằng:
"Trong
thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể
người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông
minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không
chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà
cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ
xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".
Rồi Chúa
phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa
lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm
ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho
họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa
chăng?"
Ðó là lời
Chúa.
Suy niệm : Tín Thác Vào Thiên Chúa
Tuần báo
Công Giáo Dân Tộc số ra ngày 15/10/1995 ở Mục Trong Tuần, có ghi một sự kiện
như sau: Trong 4 năm thực hiện pháp lệnh tối cao của công dân được Hội Ðồng nhà
nước ban hành ngày 7/5/1991, riêng tại Thành phố Sàigòn có 36 đơn vị chức năng
đã nhận được 11,635 đơn từ, trong đó có tới 81.5% đơn từ tố cáo khiếu nại về
nhà cửa, đất đai. Theo số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố cáo khiếu nại còn tồn đọng
chưa giải quyết là 6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị: "Ðể có thể giải quyết
rốt ráo những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi người dân khi quyền lợi
chính đáng của mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân các cấp
chưa đủ thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công minh".
"Cần có
một tòa án xét xử công minh", lời kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến
những trường hợp quan trọng hơn, trong đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà
chính sự sống còn của biết bao người bị trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử
hay không? Cần có một tòa án xét xử công minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu
bình thường của người dân mỗi khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Quả thật, công
lý vẫn tiếp tục kêu la cho tới khi nào được thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn
nhân, nhiều khi người ta chỉ còn biết kêu Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều
khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì những tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa
dường như vẫn câm lặng trước những bất công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới
đang phải gánh chịu.
Chúa Giêsu
thấu hiểu được tâm trạng ấy của chúng ta, cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài
kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài
trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến
độ không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua
trước lời van vỉ của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu
thương con người. Chúng ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ
đau và lời kêu cầu của con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là
công lý của loài người, lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn
ngoan mà chúng ta có thể thẩm định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng
của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của
Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.
Ðó là ý tưởng
chúng ta cần nhận ra trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào
mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình
yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ
nào phải đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống
chính là biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải
qua nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là
luôn tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên
Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.
Nguyện xin
Chúa đừng để chúng ta phải rơi vào thất vọng.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 32 TN1
Bài đọc: Wis 18:14-16, 19:6-9; Lk
18:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương tha thứ vô biên của
Thiên Chúa.
Để hiểu rõ tình
thương tha thứ bao la của Thiên Chúa, chúng ta hãy so sánh với tình yêu ích kỷ
và hạn hẹp của con người. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả các tội con người
phạm một cách vô điều kiện một khi con người biết ăn năn xám hối; khi đã tha,
Ngài chẳng bao giờ nhắc lại tội nào của con người. Ngược lại, con người khó có
thể tha thứ đến lần thứ ba, và để được tha thứ, con người đòi hỏi đủ mọi điều
kiện; tuy đã tha nhưng con người vẫn không quên, khi có dịp, con người vẫn nhắc
lại và đay nghiến tội của tha nhân.
Các Bài Đọc
hôm nay muốn nêu bật tình thương của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn cầu nguyện, để
Thiên Chúa tha thứ và cứu sống con người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn
Ngoan dùng các biến cố lịch sử của Cựu Ước, để làm nền tảng cho sứ vụ tương lai
của Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Ngài sẽ thanh tẩy tội lỗi cho và cứu thoát dân
khỏi bị tiêu diệt bởi sự chết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn giữa
ông tòa và bà góa, để khuyên các môn đệ cần kiên nhẫn cầu nguyện luôn trong mọi
trường hợp, cho dẫu tuyệt vọng; vì Thiên Chúa luôn thương xót và tìm cách cứu sống
dân Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Lạy Đức Chúa, dân Chúa ca tụng tán dương Ngài là Đấng giải thoát họ.
1.1/
Lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu: "Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng
như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi
báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang
theo bản án không thể huỷ của Ngài như lưỡi gươm sắc bén; đứng và làm cho vũ trụ
đầy chết chóc, đầu đụng trời chân đạp đất."
Trình thuật
được viết từ cảm hứng của nhiều biến cố trong Cựu Ước nói lên tình thương của
Thiên Chúa và tội lỗi con người (x/c Exo 12:23, Job 4:13-15, I Chr 21:15-27). Thánh
Ignatius thành Antioch và Phụng Vụ Giáo Hội dùng trình thuật này để áp dụng vào
Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu. Sứ mạng của Ngài khi đến thế gian là để
thanh tẩy tội lỗi và tiêu diệt sự chết.
Lời toàn
năng là tên gọi khác của Đức Kitô (Jn 1:1-3). Tác giả Thư Do-thái ví Lời Chúa
hiệu quả và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, có thể xuyên thấu bất cứ mặt phẳng
nào hay tâm hồn chai đá của con người (Heb 4:12). Đức Kitô cũng được gọi là Đấng
Trung Gian hay Thượng-tế để nối kết và hòa giải giữa trời và đất, giữa con người
với Thiên Chúa (Heb 4:14-15).
1.2/
Thiên Chúa bảo vệ dân Ngài: Tội
lỗi thấm nhập và lan tràn khắp thế gian. Sứ vụ của Ngôi Lời xuống trần để mang
con người về cho Thiên Chúa, đưa con người trở lại thuở ban đầu của vũ trụ:
"toàn thể vũ trụ lại thay đổi từ bản chất như thuở ban đầu, tuân phục các
mệnh lệnh của Chúa, để gìn giữ con cái Ngài bình an."
Trình thuật
hôm nay cũng gợi lại biến cố Xuất Hành và sự bảo vệ của Thiên Chúa, trong cuộc
hành trình dẫn con cái Israel vào Đất Hứa: "Người ta thấy mây che phủ
doanh trại; nơi trước kia là nước, đất khô ráo nổi lên, một lối đi thênh thang
lộ ra từ Biển Đỏ và từ nước lũ xuất hiện cánh đồng xanh. Có tay Ngài che chở,
toàn dân đã đi qua và chứng kiến bao điềm thiêng dấu lạ." Sau đó, tác giả
cũng gợi lại biến cố Thủ Lãnh Joshua đưa dân Do-thái vượt qua sông Jordan vào
chiếm thành Jericho: "Như ngựa chăn ngoài đồng, như chiên nhảy tung tăng,
lạy Đức Chúa, dân Chúa ca tụng tán dương Ngài là Đấng giải thoát họ" (x/c
Jos 1:11-15, Psa 114:3-5).
2/
Phúc Âm: Trung thành trong việc cầu nguyện
2.1/
Ông quan tòa vô đạo và bà góa quấy rầy: Mục đích tại sao Chúa Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này là để dạy
các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
(1)
Ông quan toà: chẳng kính sợ
Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, huống hồ một bà góa nghèo. Một thời
gian khá lâu, ông không chịu nghe lời kêu xin của bà góa; nhưng cuối cùng, ông
ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai
ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến
hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."
(2)
Bà góa: Bà là người
cô thân cô thế, chẳng có chồng để nương nhờ; vì thế, trở thành mồi ngon cho người
khác hãm hại. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông quan tòa: "Đối phương
tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.” Bị ông quan tòa từ chối nhiều lần, nhưng
Bà không nản chí và nhất định kiên trì xin cho tới khi được.
2.2/
Thiên Chúa yêu thương các con của Ngài: Chúa Giêsu so sánh ông quan tòa vô đạo đó với Cha của Ngài, và bảo
đảm sự đáp trả: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên
Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu
với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người
sẽ mau chóng minh xét cho họ.”
Tuy nhiên, điều
này không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ ban cho con người tất cả những gì họ xin,
vì:
-
con người có thể xin những gì có hại cho mình: Con người không nhìn được trước tương lai nên
không biết hậu quả của những gì mình xin; ví dụ: việc xin cho trúng số có thể
đưa tới tan nát gia đình, hay xin cho được quyền hành có thể đưa con người đến
chỗ thiệt mạng.
-
con người có thể xin những gì làm hại người khác: chẳng hạn, xin tiêu diệt kẻ thù.
Họ quên đi kẻ thù cũng là con của Chúa.
Cách xin tốt
nhất là hãy để cho Chúa ban tặng những gì có lợi cho mình và mọi người. Có một
câu truyện kể về một vị vua kia muốn để gia tài lại cho các con của mình. Để dạy
cho các con một bài học, Vua cho để những món quà quí giá trong những hộp xấu
xí và để những món quà xòang trong những hộp đẹp. Các hòang tử được nhà Vua cho
tự ý chọn lựa, và hầu hết chọn những hộp đẹp. Khi đến lượt chàng hòang tử út,
anh tần ngần một lúc rồi nói với Vua Cha: “Con không biết chọn, xin cha chọn
cho con.” Vua Cha đã chọn phần quà tốt nhất cho con, vì chỉ Vua biết đâu là món
quà giá trị nhất.
Sau đó Chúa
nói: "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất
nữa chăng?" Đức tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô là món quà vô giá Thiên
Chúa ban cho con người, nhưng để bảo vệ đức tin và làm cho đức tin ngày một
tăng trưởng là bổn phận của con người. Để đức tin được tăng trưởng, đau khổ thử
thách là điều không thể thiếu. Nếu xin chưa được, con người không được nản chí
thất vọng, nhưng càng phải kiên trì xin cho tới khi được.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa
của chúng ta là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài không muốn tiêu diệt con
người tội lỗi, nhưng luôn tìm mọi cách để đưa con người trở về và cứu sống họ.
Nếu Ngài sẵn sàng hy sinh ban cho chúng ta Ngôi Lời, còn gì khác mà Ngài không
ban cho chúng ta.
- Chúng ta
hãy cầu nguyện với Thiên Chúa nhờ công nghiệp của Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Ngài là Thượng Tế trên trời luôn sẵn lòng bầu cử cho chúng ta với Thiên Chúa,
Cha Ngài.
- Chúng ta
phải kiên trì trong việc cầu nguyện và xin ơn. Thiên Chúa có thể thử thách
không ban ngay để chúng ta có thời giờ nhìn ra giá trị của điều đang xin, hay
Ngài có thể ban cho chúng ta điều khác tốt hơn nếu Ngài thấy điều chúng ta xin
không có lợi sau này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN
32TN
Lc 18,1-8
A. Hạt giống...
Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là
dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai :
- bà góa : trong xã hội do thái, các bà góa chịu
nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp
nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
- thẩm phán : lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực
những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà
chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng
ông cũng xử công bình cho bà.
* Bài học : một người bất công như viên thẩm phán
mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành,
Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.
Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất
lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng : “Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu
Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”.
B.... nẩy mầm.
1. “Nhiều người có thói quen xưng thú một cách
máy móc “Con có chia trí lo ra trong khi đọc kinh xem lễ”. Để việc xưng thú một
cách ý thức hơn, có lẽ chúng ta nên nói “Con thiếu tin tưởng và kiên trì trong
khi cầu nguyện”... Chúng ta cầu xin, nhưng không tin đủ rằng Thiên Chúa sẽ nhận
lời chúng ta” (trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Chúng ta đã từng kinh nghiệm, có nhiều điều ta
cầu xin mãi mà chẳng được như ý. Nhưng đừng vội kết luận rằng : Hễ
lần nào xin mà không được như sở thích, là chứng tỏ Chúa không tốt
với tôi. Thử suy nghĩ mà xem : - Ai cũng xin trúng số độc đắc ( độc đắc : chỉ
một người duy nhất trúng) - Đứa trẻ nằng nặc đòi được ở nhà chơi không chịu đi
học (thường không được như ý, còn bị thêm roi vọt). - Nước nào đang bị chiến
tranh cũng quen cầu xin theo kiểu ‘Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u
ám chiến tranh điêu tàn…’, nhưng ý Chúa quan phòng chưa muốn thế…
3. Việt Nam ta có câu truyện truyền thuyết về
‘ông già Ba Tri’ kiên trì gan góc. Ông lặn lội tới tận triều đình Huế, gõ
trống trước cung điện vua để kêu nài, và cuối cùng đã được nhận lời.
4. Beppo Sala là một cậu bé 8 tuổi. Cha mẹ cậu
rất nghèo mà phải nuôi tới 6 đứa con. Mẹ cậu lại sắp sinh thêm đứa thứ 7. Tuy
còn nhỏ nhưng Beppo cũng biết khi đứa bé sinh ra thì nó phải thiếu thốn như thế
nào. Cậu muốn làm một việc gì đó để giúp cha mẹ. Cậu nhịn ăn quà, dùng tiền mua
một chiếc bong bóng bay. Cậu viết một bức thư ngắn cột vào bong bóng rồi thả
cho bay lên trời. Bức thư viết “Chúa ơi, trong vài tuần nữa mẹ con sẽ sinh em
bé. Nhưng gia đình chúng con nghèo quá. Xin Chúa giúp chúng con tìm được một
chiếc chăn và vài bộ quần áo cho nó. Đồ cũ thôi cũng được. Con là Beppo Sala,
nhà ở Arcorle”. Beppo về nhà hồi hộp chờ đợi. Chờ đã 3 ngày mà chẳng thấy gì
cả. Đến ngày thứ tư, một nhân viên bưu điện mang tới nhà Beppo một thùng giấy
lớn có ghi rõ “Người nhận : Beppo Sala, Arcorle. Người gởi : Rovingo”. Trong
nhà chẳng ai có quen người nào tên Rovingo cả nên bảo nhân viên bưu điện trả về
người gởi. Nhưng không có địa chỉ người gởi nên cậu bé đành mở thùng ra coi. Trong
thùng toàn là quần áo trẻ con rất sạch và đẹp. Có cả một chiếc chăn nhỏ nữa.
Thì ra một người nào đó tên Rovingo đã tình cờ nhặt được chiếc bong bóng và bức
thư của cậu bé nên đã thay Chúa gởi quà cho em của cậu.
Nhiều khi Thiên Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng
ta bằng một cách thức và vào một thời điểm mà chúng ta không ngờ. (Pastor
Paterno).
5. Một người đưa tin phóng ngựa tới một ngôi nhà
cửa đóng kín. Ông gõ cửa nhưng không ai mở cả. Ông biết trong nhà có người vì
trước đó ông đã nhìn qua cửa sổ thấy họ. Bởi đó ông nổi cáu vừa la lớn tiếng
vừa dùng hết sức mình đập vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 30 lần thì một
cái đầu mới thò ra qua một lỗ nhỏ trên cánh cửa, hỏi :
- Ông có muốn vào không ?
- Muốn vào không ư ? Tôi đã kêu cửa muốn khàn cả
cổ rồi đây này.
- Xin ông thông cảm. Mỗi ngày rất nhiều đứa bé
hàng xóm cứ đến gõ cửa để phá chơi rồi lại chạy trốn. Ban đầu chúng tôi tưởng
ông cũng thế. Nhưng khi nghe thấy ông vẫn kiên trì kêu cửa, chúng tôi biết ông
muốn vào thật nên mới mở cho ông. (Bruno Hagspiel).
6. “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những
kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn
?” (Lc 18,7)
“Khi tạo dựng nên ta Thiên Chúa không cần hỏi ý
ta, Người không thể cứu rỗi ta nếu ta không cộng tác với Người”.
Chuyện kể về thánh Vincent Ferrier sau khi gặp
các tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mấy cũng không chịu trở lại. Ngài đã gia
tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện.. Ngài than thở, năn nỉ cùng Chúa ban
ơn để cứu các linh hồn ấy khỏi sa hoả ngục.
Nhưng Chúa ơi, được ích gì nếu lời cầu nguyện ấy
không có sự cộng tác, đồng ý của đối tượng cần được cứu rỗi ?
Vâng, đã hơn một lần con đặt ra câu hỏi đó, vì
nghi ngờ. Con đã đòi hỏi Chúa phải làm cho con điều này, thực hiện cho con điều
nọ… Và con thất vọng khi không đạt được điều con muốn.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhặt lên những mảnh
vụn của mọi biến cố, mọi rủi ro, thất vọng mà trao lại cho Chúa Giêsu trong
niềm tin, niềm xác tín, để con được cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong suốt
cuộc đời con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần
Thơ
16/11/13 THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Th. Magarita Xcốtlen
Lc 18,1-8
Th. Magarita Xcốtlen
Lc 18,1-8
TỪ CON TIM CỦA THIÊN CHÚA
“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại
không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đem hằng kêu cầu với Người
sao ? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ?”
(Lc 18,7)
Suy niệm: Đức
cậy trông của Kitô hữu bắt nguồn từ trái tim đầy lòng thương xót bao dung của
Thiên Chúa. Thiên Chúa khơi nguồn cho lòng cậy trông của Kitô hữu vì Ngài luôn
hy vọng vào sự hoán cải trở về của con người: Ngài không bao giờ thất vọng về
một ai, dù họ thế nào đi nữa. Chúa Giêsu ví Thiên Chúa như người cha đêm ngày
chờ đợi người con hoang đàng trở về, không hề thất vọng về người con. Chúa cũng
nhìn Phêrô với cặp mắt bao dung khi ông chối Ngài. Nhờ Chúa luôn hy vọng chờ
đón con người, để tha thứ và chữa lành cho họ, nên con người mới dám cậy trông
vào Chúa, chỗi dậy và trở về với Ngài. Tuy nhiên, cậy trông vào Chúa không phải
là phủi tay rũ bỏ trách nhiệm của mình để đẩy “trái bóng” sang Thiên Chúa,
nhưng là một năng lực Chúa ban để vượt qua sợ hãi mà dám sống đời Kitô hữu
trong mọi hoàn cảnh.
Mời Bạn: Bạn
bị dằn vặt vì một lỗi lầm yếu đuối mà mình cứ sa đi ngã lại chăng? Bạn nhớ Chúa
vẫn luôn ban sức mạnh cho bạn để bạn chỗi dậy và bắt đầu lại. Bạn bó tay trước
cảnh huống bế tắc của đời bạn chăng? Bạn cứ giữ vững niềm hy vọng, kiên trì
tháo gỡ bế tắc đó và đừng quên thiết tha kêu cầu Ngài, “lẽ nào Chúa bắt bạn chờ đợi mãi sao?”
Sống Lời Chúa: Dâng
lời nguyện cảm tạ Chúa đã không thất vọng về bạn, nhưng thương yêu và làm mới
đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa không thất vọng về con để con luôn về cậy
trông vào Chúa và trở về với Chúa. Xin cho con vững tâm dựa vào lòng yêu thương
của Chúa mà đi tới.
Ơn huệ Chúa ban
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiên trì trong sự cầu
nguyện.
Trong một lớp học nọ, một học sinh trung học không bao giờ để
cho cô giáo của cậu được yên, lúc nào cậu cũng tìm cách quấy phá cho cô tức
giận. Một buổi sáng nọ, trước giờ lớp cô giáo đang ngồi loay hoay viết thì cậu
học sinh xuất hiện. Không một chút kính nể, cậu hỏi cô:
- Cô đang làm gì đó?
Cô giáo trả lời:
- Tôi đang cầu nguyện với Chúa.
Liếc mắt thấy những dòng chữ bằng tốc ký, cậu học sinh tấn
công:
- Chúa mà cũng biết đọc được tốc ký à?
Cô giáo vừa xếp tờ giấy cho vào cuốn Kinh Thánh vừa trả lời:
- Chúa có thể làm được mọi sự, ngay cả nhậm lời cầu xin của
tôi.
Thừa lúc cô giáo chuẩn bị để bắt đầu lớp học, cậu học trò
lanh tay rút tờ giấy từ quyển Kinh Thánh và cho vào cuốn sách của mình.
Hai mươi năm sau, người học trò ngổ ngáo ngày xưa nay đã là
giám đốc của một công ty. Một hôm, anh tình cờ xem lại cuốn sách của thời trung
học, mẫu giấy của cô giáo mà anh đã đánh cắp và cho vào cuốn sách của mình giờ
đây đã nhạt màu, anh cho mẩu giấy vào trong ví của mình. Trở lại văn phòng, anh
xin cô thư ký đọc giùm mẩu giấy được viết bằng tốc ký, mẩu giấy có chứa đựng
một lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, với sự chọc phá của Bill, chắc con
không thể nào tiếp tục dạy ở lớp này nữa. Xin Chúa hãy biến đổi tâm hồn em, em
có thể là một người rất tốt mà cũng có thể là một người rất xấu".
Vài tuần lễ sau đó, Bill truy tìm chỗ ở của cô giáo ngày xưa,
anh cám ơn cô vì đã cầu nguyện cho anh. Lời cầu nguyện đã được Chúa nhậm lời
ngoài sự mong đợi của cô: "Hãy xin thì sẽ được. Khi các con cầu nguyện và
xin bất cứ điều gì, hãy tin rằng mình sẽ nhận được thì các con sẽ được ban cho
điều các con cầu xin".
Với tất cả những ai tin tưởng cầu xin, lời hứa của Chúa Giêsu
luôn được thực hiện. Triết gia Pascal của Pháp đã nói: "Lời cầu nguyện là
một trong những cách thế mà Chúa đã chọn để chia sẻ quyền năng vô biên của Ngài
cho chúng ta, cũng như Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách
làm cho chúng ta trở thành những con người biết suy tư. Cũng thế Ngài chia sẻ
quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con
người cầu nguyện. Không phải tất cả mọi người đều có thể dùng tư tưởng của mình
để tạo ảnh hưởng trên người khác, nhưng ai cũng có thể tạo ảnh hưởng trên người
khác bằng lời cầu nguyện của mình. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải
như những kẻ bàng quan trước quyền năng sáng tạo của Ngài, mà như những kẻ chia
sẻ quyền năng của Ngài. Ðây chính là ý nghĩa của kiểu nói "được tạo thành
giống như hình ảnh của Thiên Chúa". Bác sĩ Alexis Carell, người đã từng
được trao giải thưởng Nobel y khoa hồi năm 1912 đã tóm tắt về sức mạnh của sự
cầu nguyện như sau: "Cầu nguyện là một năng lực mãnh liệt nhất mà con
người có thể làm phát sinh được". Ảnh hưởng của lời cầu nguyện trên tâm
trí và thân xác con người là điều có thể chứng minh được qua các hạch nội tiết
trong cơ thể.
Cầu nguyện là một sức mạnh cũng có thực như chính sức hút của
trái đất, đó là sức mạnh mà Chúa Giêsu nói đến qua hình ảnh của người đàn bà
góa kiên trì trong Tin Mừng hôm nay. Ông quan tòa đứng ra xử án không phải vì
lòng công bình hay vì lòng tốt mà chỉ vì không chịu đựng nổi sự quấy rầy của bà
góa. Thiên Chúa nhậm lời con người không phải vì sợ con người quấy rầy mà chỉ
vì lòng tốt đối với con người mà thôi. Nói đến sức mạnh của lời cầu nguyện là
tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa vậy. Kiên trì trong lời cầu nguyện cũng
là ân huệ của Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn được kiên trì trong sự cầu
nguyện và cảm nhận được những điều chúng ta cầu xin.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Phải
nói rằng cầu nguyện chính là biểu lộ của đức tin. Có tin mới cầu xin. Tin ít
thì cầu xin ít, tin nhiều cầu xin nhiều. Tin vững vàng thì cầu xin kiên trì. Vì
thế, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu phải thốt lên: “ Khi Con
Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Nói
cách khác là liệu Ngài có còn thấy con người cầu nguyện khi ngày Ngài ngự đến
nữa chăng?
Với
hình ảnh bà góa trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta phải
kiên trì trong cầu nguyện để biểu lộ đức tin mạnh mẽ của mình.
Kiên
trì là gì?
Kiên
trì là: bền
bỉ, giữ vững, không bỏ.
Bền
bỉ cầu xin như người đàn bà góa bất hạnh trong bài tin mừng hôm nay. Như
thánh nữ Mônica hơn 20 năm cầu nguyện cho chồng, cho con….
Nếu
bà góa kiên vững đặt hết niềm tin và lời cầu xin của mình vào ông quan tòa bất
chính, thì chúng ta càng phải kiên gan giữ vững niềm tin vào lời nguyện xin của
chúng ta hướng về Thiên Chúa là người Cha chúng ta.
Nếu
ông quan tòa bất chính còn đáp lại nguyện vọng của bà góa nhờ sự kiên trì không
chán nản bỏ cuộc của bà, thì Thiên Chúa, người cha nhân ái của chúng ta, chắc
chắn sẽ không bao giờ làm ngơ trước lời cầu xin liên tục của con cái mình.
Nhưng liệu lòng tin chúng ta có đủ mạnh để kiên trì cầu xin hay là chúng ta dễ
dàng nản lòng bỏ cuộc?
Lạy
Chúa, xin cho con luôn biết biểu lộ lòng tin của mình cách mạnh mẽ bằng việc
cầu nguyện kiên trì, để khi vui hay lúc buồn, thành công hay thất bại, mưa hay
nắng, mạnh khỏe hay đau yếu… lúc nào con cũng gắn kết với Chúa qua việc cầu
nguyện. Xin cho con cũng ý thức cầu nguyện là nhu cầu rất cần thiết cho đời
sống đức tin như hơi thở cần cho sự sống vậy!
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG MƯỜI MỘT
Bí Tích Hôn Nhân Phản Ảnh Tình Yêu Của Đức Kitô
Sự hiện diện của Chúa
Giêsu tại tiệc cưới Cana – nếu chúng ta muốn nhận hiểu một cách đầy đủ – cũng
nhằm làm một động thái nhắc chúng ta nghĩ đến những gì thuộc thượng giới (Cl
3,2). Ở đây, Chúa muốn nhắc chúng ta về ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của tình
yêu vợ chồng. Tình yêu này là một dấu hiệu và một sự thông dự trong chính tình
yêu vốn tồn tại giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Tình yêu ấy không thể chịu sự chi
phối của những thay đổi thất thường và bất định của cuộc sống. Không, nó có thể
và phải là một sự dấn thân vĩnh viễn không thể phân ly và không thể phá hủy.
Như vậy, tình yêu vợ chồng mở ra tới những viễn tượng vô hạn của Vương Quốc
Thiên Chúa và của cuộc sống bất diệt.
Mẫu thức tối thượng và
siêu việt này của tình yêu vợ chồng được minh họa cho chúng ta trong Thư
Eâphêsô. Trong Thư này, chúng ta khám phá nền tảng cho việc chọn lựa hôn nhân để
chúng ta thực sự hạnh phúc và sống theo thánh ý Thiên Chúa. Sự dấn thân và chọn
lựa đời sống hôn nhân Kitô giáo nâng đỡ và đào sâu tình yêu của chúng ta trong
những lúc gặp khó khăn thử thách, giúp làm cho tình yêu của chúng ta tinh tuyền
hơn và sinh hoa trái nhiều hơn.
Chúng ta cần đánh giá
tình cảm của mình trong ánh sáng của nhận thức nói trên về tình yêu vợ chồng.
Nhờ đó chúng ta có thể đảm bảo rằng một tình yêu đích thực và một cuộc hôn nhân
Kitô giáo đích thực sẽ được bộc lộ rõ rệt trong đời sống vợ chồng. Hôn nhân quả
là một bí tích. Chúng ta bắt đầu thoáng thấy các lý tưởng của tình yêu và khả
năng sinh hoa trái mà mỗi người vợ người chồng Kitôhữu đều được mời gọi đạt đến
với sự hỗ trợ của ân sủng.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16-11
Thánh nữ Margarita
Scotland. Thánh Gertuđê, trinh nữ
Kn 18, 14-16; 19, 6-9;
Lc 18, 1-8.
LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy
rầy. Điều này Chúa Giêsu cho chúng ta biết trong cầu nguyện chúng ta phải đặt
niềm tin và lòng trông cậy một mình ở Thiên Chúa, trong cầu nguyện cũng phải
luôn kiên trì một cách liên lỉ và xem lời cầu xin là sự cần thiết thực sự cho
cuộc sống đúng với phẩm giá con người trong công bình và bác ái. Ơn của Chúa sẽ
đến với chúng ta, có thể qua một ai đó hay một hoàn cảnh nào đó, để đem lại lợi
ích cho đời sống thân xác và linh hồn của chúng ta, chúng ta phải luôn hướng đến
Ngài thì mới nhận ra những lời cầu xin của chúng ta đã được Chúa nhậm lời. Để
ngợi khen tạ ơn Ngài.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 16-11
Thánh GERTRUĐÊ
Đồng Trinh (1256 -
1301)
Thánh GERTRUDÊ sinh ra
vào ngày lễ Hiển linh năm 1256. Người ta không biết gì về cha mẹ Ngài, nhưng chắc
hắn cha Ngài đã có lòng đạo đức sâu xa và đã dâng con gái 5 tuổi của mình làm
tu sĩ tu viện Helfia theo luật dòng thánh Benedictô. Chẳng may Ngài lại trùng
tên với vị tu viện trưởng. Ngài lớn lên xa mọi thú vui thế gian và sớm chứng kiến
hoạt động trí thức lớn mạnh.
Trong bầu khí chiến
tranh, nhà dòng trốn về Rossdorf, rồi vì thiếu nước lại trở về Helfta. Thánh
Mechtilde chị của tu viện trưởng Gertrudê đứng trường. Người nữ tu trẻ GERTRUDÊ
say mê quên bỏ đời sống cầu nguyện. Việc trau dồi văn chương nghệ thuật thu hút
Ngài đến nỗi Ngài nói rằng vào thời đó "Ngài lo lắng cho tâm hồn chỉ bằng
lo lắng cho đôi chân của mình thôi".
Vào lúc 25 tuổi, trong
một thị kiến, Chúa Kitô đã trách móc Ngài là đã bỏ Chúa mà lo học hành. Thế là
đảo lộn tất cả: "Mọi bồng bột tuổi trẻ đối với con bắt đầu xem ra lạt lẽo
vô vị. Lạy Chúa, Chúa là chân lý trong suốt hơn mọi ánh sáng, nhưng sâu thẳm
hơn mọi bí mật. Chúa đã quyết phá tan những bóng đêm đậm đặc của con". Và
thị kiến kết thúc bằng một cuộc trở lại. Ngài đã kể lại và nói: "Trong một
niềm vui của tinh thần mới, tôi bắt đầu tiến tới".
Gertrudê chỉ còn muốn học
và suy gẫm thánh kinh, các giáo phụ và các nhà thần học. Ngài kiềm chế tính hiếu
động bằng việc hãm mình dữ dằn và sống trong sự kết hiệp liên lỉ với Chúa. Đáp
lại việc hiến thân hoàn toàn ấy, Ngài được nhiều ơn thần bí phi thường. Ngài được
mạc khải nhiều lần trong khi hát kinh nhật tụng viết lại những mạc khải này
trong cuộc khảo luận.
Cùng với thánh nữ
Mechtilde, Ngài là người đầu tiên tỏ bày lòng tôn sùng Trái Tim Chúa. Lúc đó
Gertrudê 35 tuổi. Sức khỏe Ngài không cho phép Ngài giữ những nhiệm vụ quan trọng
nữa, Ngài chỉ còn là phó ca trưởng. Nghi ngờ nhiều, Ngài chỉ thấy sự thấp kém
và hư không của mình mà chạy đến với ý kiến của thánh Mechtilde là ca trưởng.
Chúa đã tỏ cho thánh Mechtilde: "Cuộc đời của Gertrude là một thánh ca
liên tục ca ngợi vinh quang Cha. Trên trần gian này, sau bí tích Thánh Thể, Cha
chỉ cư ngụ cách đặc biệt trong lòng Gertrudê".
Thánh nhân được ơn những
dấu đinh vô hình và một vết thương trong lòng. Các sách của Ngài chỉ được phổ
biến 200 năm sau, cho thấy đời sống nội tâm nồng nhiệt của Ngài, Ngài liên kết
say mê với phụng vụ cố gắng đồng nhất đời mình với những mầu nhiệm mà chu kỳ phụng
vụ nhắc lại. Ngài muốn chịu khổ vì phần rỗi anh em và tìm những lời nồng cháy để
cải hoá các tội nhân và đổ ra nhiều nước mắt vì những đau khổ gây nên cho Chúa.
Năm tháng cuối đời,
thánh nữ nằm bệnh bất động với những đau đớn dữ dằn. Ngài không còn nói được nữa,
nhưng vẫn giữ được sự bình thản. Ngài biết giờ vinh quang sắp tới. Ngày 17
tháng 10 năm 1031 hay là 1032 thánh nữ từ trần. Tương truyền rằng: lúc chết
Ngài thấy Chúa Giêsu và đức trinh nữ với đoàn người trên trời đến dẫn Ngài vào
thiên đàng trong khi quỉ dữ khóc ròng.
Để kết thúc, nhà chép sử
ghi lại mạc khải của một nữ tu thấy linh hồn thánh Gertrudê bay thẳng như một
cánh chim vào lòng Chúa Giêsu đang mở rộng đón tiếp Ngài vào tình yêu vô cùng của
Ngài.
Không được chính thức
tôn phong làm thánh, nhưng lễ kính Ngài có trong lịch chung theo nghi thức
Roma.
***********************
Ngày 16-11
Thánh MAGARITA SCOTIA
(1045 - 1093)
Thánh Magarita sinh ra
khoảng năm 1045. Cha Ngài là hoàng tử Edward người Anh, bị lưu đày và cưới một
nữ công chúa người Đức, có lẽ là cháu của hoàng hậu vua thánh Stephanô nước
Hungaria. Magarita lớn lên trong triều đình Hungari và đã gặp được sự công
chính và thánh thiện để làm nên dấu thánh thiện của chính mình. Khoảng 12 tuổi
trở lại nước Anh, thánh nữ sống trong triều đình của vua thánh Edward.
Trong cuộc chinh phục
Norman năm 1066, Magarita cùng với mẹ và anh chị em Ngài bị lưu đày một lần
nưã. Họ trốn sang Scotia, dầu lúc ấy đang có chiến tranh giữa hai nước, vua
Scotia là Malcola Cannore cũng đã nhân ái tiếp nhận những kẻ lưu đày.
Malcolm Cannore mà tên
gọi có nghĩa là "nhà cai trị vĩ đại" là một vị vua uy quyền có khả
năng. Ông yêu Magarita, còn Magarita thì có ý định đi tu dòng. Nhưng ông đã
khuyên Magarita lập gia đình với ông. Cuộc sống chung của họ được mô tả với vài
chi tiết trong một tập hồi ký có lẽ do cha giải tội của Ngài là Turgot, sau là
giám mục viết. Đây là một câu chuyện thích thú về sự gặp gỡ giữa một người đàn
bà trẻ khôn ngoan và thánh thiện với người chồng hung hăng ít được giáo dục
nhưng hứơng chiều về sự thánh thiện của vợ mình.
Cuộc hoà hợp nhân duyên
này mang lại cho họ sáu người con trai và hai người con gái. Hoàng hậu chỉ chấp
nhận cho những gương lành tới gần các tâm hồn trẻ thơ này và không một người xấu
nào dám tới triều đình. Những hoàng tử công chúa này lớn lên và tham gia vào
các công cuộc của người mẹ thánh thiện và của người cha đã trở thành vị vua
gương mẫu.
Thánh Magarita dùng nhiều
thì giờ và tiền của cho các công cuộc bác ái, chính Ngài hầu hạ người nghèo
khó, già cả, côi cút và yếu đau. Ngài khám phá ra mọi hình thức khổ cực, giúp đỡ
các gia đình phá sản phục hồi, chuộc lại các tù nhân, xây dựng nhà thương, nhà
vãng lai cho du khách. Người lạ biết rằng: họ có thể luôn tìm được chỗ trú ngụ
nơi Ngài khi ra khỏi nhà. Cả đoàn người bất hạnh vây quanh Ngài và đây mới là
triều đình thật của Ngài. Khi trở về nhà, Ngài chỉ muốn ngồi vào bàn ăn sau khi
đã hầu bàn cho 300 người nghèo ngồi đầy một phòng ăn lớn.
Scotia đã được cải hoá
từ lâu, nhưng sự man rợ còn tồn tại ở đó trở thành mẹ của một vương quốc, thánh
Magarita biến nó thành một gia đình rộng lớn và dẫn tới Thiên Chúa, Ngài trao
cho những quan liêm chính tái lập trật tự, sai các nhà giảng thuyết đi loan báo
Tin Mừng để Chúa Giêsu được yêu mến khắp nơi. Ngài giải quyết vấn đề Giáo hội ở
Scotia thời Ngài gặp phải. Bị cắt đứt liên lạc do cuộc xâm lăng của người ngoại,
Giáo hội Celt đã khác biệt nhiều điểm với Roma và chính thánh Magarita đã hoà
giải những yếu tố tranh chấp và đưa Giáo hội Celt ở Scotia về qui phục. Ngài
làm việc này mà vẫn tránh được sự phân ly đau đớn.
Cũng thế những cố gắng
đưa văn hóa Âu Châu vào Scotia của Ngài rất thành công. Trong khi bên Anh, cuộc
chinh phục Norman đã để lại một di sản cay đắng thì ở Scotia dưới ảnh hưởng của
Magarita và các con của Ngài, việc lan tràn văn hóa Trung Cổ đã mang lại cho
Scotia một thời đại hoàng kim kéo dài cả 2000 năm sau khi thánh nữ qua đời.
Thánh Magarita qua đời
năm 1093 tại lâu đài Ediburgh như rất nhiều vị thánh, vào lúc mà mọi công trình
xem ra tiêu tan hết. Vua nước Anh xâm chiếm một pháo đài. Malcoln và hai người
con cả đi tái chiếm. Thánh nữ cảm thấy âu lo. Ngày kia Edgar con Ngài trở về,
thánh nữ hiểu ngay thực tế khủng khiếp là vua và người con kia đã chết. Đau đớn,
thánh nữ chỉ biết nói: - Lạy Chúa toàn năng, Chúa đã gửi cho con sự đau đớn lớn
lao này để thanh tẩy tâm hồn con, con xin chúc tụng Chúa .
Ngài không than trách,
đức tin và lòng dũng cảm không rung chuyển, nhưng sáu tháng sau Ngài đã qua đời.
Ba người con của Ngài
tiếp tục cai trị trên ngai vàng, công cuộc của người mẹ được tăng cường và đi tới
hoàn thành. Thánh Magarita được phong thánh năm 1250.
(daminhvn.net)
16 Tháng Mười Một
Vui Ðể Ðợi Chết
Theo giai thoại của người
Trung Hoa thì ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên
ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày giao du ở sơn thủy,
vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một
hôm, đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: "Tiên sinh
làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?".
Khải Kỳ thưa: "Trời
sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng
vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu... mà ta thì khỏe mạnh
sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian,
cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì
lo buồn nữa?".
Lạc quan, vui sống là đức
tính cơ bản nhất của người Kitô. Người Kitô nhận ra phẩm giá cao cả của mình và
tiếp nhận mọi sự xảy đến như một hồng ân của Chúa. Cây cỏ đồng nội, muôn thú
trên rừng không nhọc công tích trữ mà còn được Chúa che chở nuôi nấng, huống
chi con người là hình ảnh của Người... Mỗi ngày có niềm vui nỗi khổ của nó. Hãy
quẳng gánh lo đi và vui sống từng phút giây như một ân ban của Chúa, đó là bí
quyết để giúp ta được hạnh phúc ở đời này.
(Lẽ Sống)
16-11
Thánh Margaret ở Tô Cách Lan
(1045-1093)
T
|
hánh Margaret ở Tô Cách
Lan quả thật là một phụ nữ tự do--trong ý nghĩa tự do để trở nên con người đích
thực. Ðối với ngài, điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục
vụ tha nhân.
Margaret không phải là
người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử
Edward Atheling của Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình
của người bác là Edward, vua nước Anh, người bảo vệ đức tin. Khi bị William xâm
chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua
Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên
dáng cũng như vẻ đẹp của Margaret. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm
1070.
Vua Malcolm là người tốt
bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông. Vì
tình yêu của Malcolm dành cho Margaret mà bà có thể thay đổi tính tình nóng nẩy
của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân đức.
Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi việc
trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.
Margaret là một ơn huệ
Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người
dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng
cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ
chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn
chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân,
tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với
đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay bà thêu áo lễ
cho các linh mục.
Margaret không chỉ là
một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà
sáu con trai và hai con gái. Ðích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy
giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.
Mặc dù rất bận rộn với
công việc nhà cũng như việc nước, bà cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế
gian. Ðời sống riêng tư của bà rất khắc khổ. Bà dành thời giờ để cầu nguyện và
đọc Kinh Thánh. Bà ăn uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm.
Hàng năm, hai ông bà tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần
trước Giáng Sinh. Trong thời gian này bà thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự
Thánh Lễ. Trên đường về, bà rửa chân cho sáu người nghèo và bố thí cho họ. Mỗi
khi bà xuất hiện nơi công cộng là bị những người ăn xin vây quanh và không bao
giờ bà từ chối họ. Người ta kể rằng, trước khi bà ngồi xuống dùng bữa tối, bà
thường dọn thức ăn cho chín trẻ mồ côi và 24 người nghèo.
Năm 1093, Vua William
Rufus bất ngờ tấn công vào thành Alnwick. Vua Malcolm và người con cả là Edward
bị giết chết. Bà Margaret, cũng bị thương nặng, và bốn ngày sau khi chồng bà từ
trần thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng.
Lời Bàn
Có hai cách thi hành
việc bác ái: cách "sạch sẽ" và cách "bẩn thỉu."
Cách "sạch sẽ" là tặng tiền bạc, quần áo cho các tổ chức phục vụ
người nghèo. Cách "bẩn thỉu" là dùng chính bàn tay của mình để phục
vụ mà không sợ dơ bẩn. Nhân đức trổi vượt của Thánh Margaret là lòng thương
người nghèo. Mặc dù rất giầu sang, nhưng ngài đã đích thân thăm viếng người
bệnh hoạn và chăm sóc họ với chính đôi tay của mình. Trong mùa Vọng và mùa
Chay, hai ông bà đã quỳ xuống để phục vụ các trẻ em mồ côi và người nghèo hèn.
Giống như Ðức Kitô, bà đã thi hành bác ái trong phương cách "bẩn thỉu."
Lời Trích
"Khi bà lên
tiếng, trong lời nói đầy sự khôn ngoan ấy có sức thay đổi lòng người. Khi bà im
lặng, sự thinh lặng đầy suy tư. Toàn thể bề ngoài của bà phù hợp với tính tình
trầm lặng mà dường như bà được sinh ra với một cuộc đời nhân đức"
(Turgot, cha giải tội của Thánh Margaret).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét