Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy bí ẩn nhất của thời đại, sau 50 năm vẫn là đề tài thu hút sự chú ý nhất của dư luận.

Vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy bí ẩn nhất của thời đại, sau 50 năm vẫn là đề tài thu hút sự chú ý nhất của dư luận.

Lời mở đầu: Sau chỉ 20 ngày, gia đình anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, tức ngày 22.11.1963 trong lúc vận động thúc đẩy quỹ của đảng Dân chủ tăng lá phiếu cho việc tái tranh cử, Tổng thống J.F. Kennedy bị bắn chết ngay giữa ban ngày, trên xe limousine mui trần, cùng đi chung xe có Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy  vợ chồng ông John Conally thống đốc bang Texas, trên đường Elm street tại thành phố Dallas, trước hàng vạn người dân Dallas có mặt tại hiện trường, cũng như hàng triệu người qua nhiều ống kính thu hình khác nhau, gây chấn động dư luận trong lịch sử nước Mỹ và niềm thương tiếc đối với cả thế giới, song 50 năm sau bí mật vẫn bao trùm xung quanh cái chết của Tổng thống J.F. Kennedy, vì sau 10 tháng điều tra, theo phúc trình của ông Earl Warren chánh án của Tòa án tối cao Hoa kỳ thời bấy giờ, được Chính phủ cử đặc trách điều tra vụ thảm sát nầy, nhận định và kết luận về vụ án, chẳng những không thuyết phục đuợc dư luận, còn bị phê bình chỉ trích là cố tình che đậy một âm mưu đen tối nào đó, vì Uỷ BanWarren kết luận mà không hề đề cập đến việc liệu CIA có liên quan đến vụ việc hay không, mà trên thực tế cựu giám đốc CIA Allen Dulles lúc bấy giờ ( 1963 ) là một thành viên của Ủy ban Warren, trong thực trạng dẫn đến hàng trăm ngàn trang tài liệu về vụ ám sát vẫn còn niêm phong, chưa được công bố.
Để có cái nhìn tổng quát hơn về „ván cờ“ gần đây đã được hé mở „lật ngửa“, mời quí vị cùng chúng tôi quay ngược trở về quá khứ của 50 năm trước với một cánh cửa đã được khép kín, song một cánh cửa khác lại được mở ra, hầu tìm ra sự thật về vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy, trong nỗ lực làm sáng tỏ về những gì đã thực sự xảy ra ở Dallas cách đây đúng 50 năm.

Phúc trình của Ủy ban Warren không xác thực.
Theo phúc trình của Ủy ban Warren. Hung thủ hành động „Đơn phương, độc mã“ ám sát TT J.F. Kennedy là Lee Harvey Oswald. Y bắn từ lầu 5 của kho chứa sách (School Book Depository) xuống đường Elm street, trúng TT J.F. Kennedy từ phía sau đầu, khi xe limousine của TT J.F. Kennedy chạy ngang qua Dealy Plaza vào lúc 12:30 giờ ngày 22.11.1963, tại Dallas, tiểu bang Texas, đến lúc 13:00 giờ cùng ngày, Tổng thống qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland.
Một viên đạn thứ 2 bắn trúng ngay sau gáy TT J.F Kennedy xuyên qua cổ họng, và bay tiếp nổ sau lưng Thống đốc Connally rồi bay xuyên qua cổ tay mặt, cuối cùng cắm vào trên đùi trái của ông Thống đốc. Viên đạn “chí tử” nầy được nhận định đã kết liễu đời J.F. Kennedy, Tổng thống thứ 35, trẻ nhất từng giữ chức vụ này của nước Mỹ. Khi đó, ông mới 46 tuổi.

Một viên đạn thứ 3 khác được xác nhận bắn trật tọa độ ( không trúng ai ), nhưng được tìm thấy có dấu tích trúng trên lề đường.

Tang chứng và vật chứng là một khẩu súng trường Mannlicher-Carcano ( có dấu vết lòng bàn tay của Oswald in trên thân khẩu súng được xác nhận sau khi y chết 3 ngày ) và 3 vỏ đạn rỗng được cảnh sát tìm thấy trên lầu 5 kho chứa sách. Đáng ngờ vực hơn nữa là ngày hôm đó trước khi xảy ra vụ ám sát TT J.F. Kennedy, người ta thấy Oswald tại kho chứa sách (School Book Depository) và xuất hiện lại lúc 12 giờ 30 phút sau vụ việc xảy ra. Tuy nhiên khi bị bắt, Oswald luôn miệng từ chối về việc hắn ám sát TT J.F. Kennedy. Y nói rằng, y chỉ là một “con chim mồi”, là nạn nhân của một vụ dàn xếp do bọn Mafia thiết lập để ám hại.

Vụ việc mờ ám, đen tối của Chính phủ Mỹ sau cái chết của TT J.F Kennedy.
Nửa giờ sau, khi TT J.F Kennedy tắt thở, nhân viên CIA bác bỏ đề nghị lập biên bản xét nghiệm thi thể cố Tổng thống của Bác sĩ E. Rose, trưởng khoa pháp y của bệnh viện Parkland Dallas, để thi thể của TT J.F. Kennedy được đưa về Thủ đô Washington DC trên phi cơ Không Lực Một ( Air Force One ), cùng  trên phi cơ nầy, Phó tổng thống Johnson tuyên thệ nhậm chức tổng thống theo đúng hiến pháp Hoa Kỳ „Trong nước, một ngày không thể thiếu vua“. Tuy nhiên khi quan tài về đến trung tâm Y khoa Hải quân, tỉnh bang Virginia thì bộ óc của thi thể TT J.F. Kennedy không cánh mà bay, đã bí mật bị lấy đi mất.

Đồng thời trong thời gian câu lưu và giam giữ sát thủ, sở gián điệp phản gián không cho cảnh sát của Dallas lấy cung Lee Harvey Oswald, để rồi hai ngày sau khi TT J.F. Kennedy qua đời, Oswald bị Jack Ruby, một chủ hộp đêm, bắn chết khi đang chuyển trại giam. Toà án Dallas kết án Ruby tội giết người và tuyên án tử hình. Sau đó Ruby kháng cáo nhưng bị chết vì bệnh ung thư vào tháng một năm 1967 tại bệnh viện Parkland Memorial, khi đang chờ toà xét, khiến dư luận hoài nghi với nhiều dấu hỏi lớn, phải chăng Oswald đã bị buộc câm họng, để bảo vệ những người khác?

Song song vụ việc trên, hàng trăm người dính dáng đến vụ ám sát TT J.F. Kennedy, gồm các nhân chứng, nhà báo, tác giả, thanh tra hình sự, nghi can …đã chết một cách bất ngờ. Riêng chỉ trong thời gian 3 năm sau khi xảy ra vụ ám sát TT J.F. Kennedy và Oswald đã có 42 nhân chứng chính mất mạng “bất kỳ tử”.

Vậy là những thắc mắc, hoài nghi của dư luận về những bất hợp lý trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy đi vào bế tắc và Ủy ban điều tra đã phải vùi đầu với cả trăm ngàn câu hỏi mà không thể đưa ra bất cứ kết luận nào, để rồi cuối cùng Bộ Tư Pháp chính thức ngừng điều tra vụ ám sát và kết luận rằng không đủ bằng chứng cho thấy có âm mưu và vụ án được xem tương tự như ba vụ ám sát Tổng thống Mỹ trước đây như:

-Tổng thống Abraham Lincoln bị người ủng hộ phương Nam là John Wilkes Booth bắn chết tại rạp hát vào năm 1860.
-Tổng thống James Garfield bị Charles J.Guiteau, một kẻ thần kinh ám sát vào năm 1880.
-Tổng thống William McKinley bị Leon F.Czolgosz giết hại, một kẻ bất bình thường, đã thừa nhận là thủ phạm, vì cho rằng McKinley là ’’kẻ thù của nhân dân’’ vào năm 1900.

Song 3 vụ ám sát Tổng thống Mỹ trên không tạo cho dư luận nhiều cơ hội để hoài nghi và thắc mắc như vụ TT J.F Kennedy. Thoạt đầu công chúng Mỹ tin vào kết luận của Ủy ban Warren, song qua các cuộc khảo sát thăm dò dư luận sau đó cho thấy có tới 80% người Mỹ đã dần thay đổi suy nghĩ, để nghi ngờ có âm mưu hoặc có sự che đậy đối với vụ việc. Người ta vẫn hoài nghi về chân dung kẻ ám sát, liệu "một kẻ vô danh tiểu tốt, đơn phương độc mã" như Oswald lại có thể giết chết một nhân vật có quyền lực như vậy? Hay đứng đằng sau hắn còn có một âm mưu?

Khả năng tác xạ của Lee Harvey Oswald, chứng minh cho một âm mưu.
Theo hồ sơ lưu của Warren: Oswald 24 tuổi một cựu Chiến binh Thủy quân lục chiến Mỹ, chưa từng tham dự cuộc chiến và có bất cứ một kinh nghiệm trận mạc nào, song thành tích được phê chuẩn „Bắn giỏi“ trong trường huấn luyện tác xạ căn bản của quân đội.

Nhưng chúng ta đừng lầm, vì theo thuật ngữ quân sự Mỹ, “Bắn giỏi” là tiêu chuẩn thấp nhất trong quân đội. Nếu không hội đủ tiêu chuẩn “Bắn giỏi” học viên bị đánh rớt, phải thi lại. Và nên nhớ rằng trong quân đội Mỹ chỉ được xếp ba bậc dưới đây:

Bậc 1: Chuyên gia (expert) là đẳng cấp cao nhất theo tiêu chuẩn quân đội Mỹ
Bậc 2: Thiện xạ (harpshooter) là đẳng cấp trung bình theo tiêu chuẩn quân đội Mỹ
Bậc 3: Bắn giỏi (marksman) là bậc thấp nhất theo tiêu chuẩn quân đội Mỹ.

Do vậy sau vụ việc ám sát Kennedy và báo cáo của Ủy ban Warren, Ủy ban điều tra của Hạ viện Quốc hội đã cho các tay thiện xạ và chuyên nghiệp ưu tú của FBI cũng như CIA  tác xạ thử nghiệm một mục tiêu cố định (chứ không phải di động ) cùng một khoảng cách với thế nằm, sau đó đưa ra nhận định và kết luận như sau:
Oswald không dính líu gì hết vào vụ ám sát, y chỉ là nạn nhân của một vụ dàn xếp, xảy ra theo những âm mưu trái ngược với những kết luận chính thức của Warren. Mấu chốt ở chỗ với cây súng trường cũ kỹ của thời đệ nhị thế chiến, cùng độ nhắm không chính xác, không thể được bắn nhanh chớp nhoáng trong vòng 5, 6 giây một lúc cùng với khả năng tác xạ quá kém của Oswald ( như trên đã trình bày ) thì không thể bắn trúng đầu một người ngồi trên xe đang chạy với khoảng cách 200m được. Quan trọng hơn nữa là dựa trên "nhiều nghiên cứu khoa học" Ủy ban điều tra của Hạ viện Quốc hội nhận định có ít nhất 4 viên đạn được bắn đi. Một viên phát xuất từ phía khu trung tâm thương mại. Điều này có nghĩa là Oswald đã không hành động một mình như bản phúc trình Warren tuyên bố vào tháng 9/1964 cũng như ít nhất có 3 tay súng thiện xạ ở 3 vị trí khác nhau nã đạn vào mục tiêu. Hung thủ tổ chức lối bắn chéo 3 đường ( bắn trước mặt, bên hông và sau lưng ). 3 viên đầu được bắn gần cùng 1 lúc, chỉ cách nhau vài ba giây. Viên đạn thứ tư được xác nhận bắn trật mục tiêu. Cùng quan điểm với Hạ viện Quốc hội, chính nhiều sĩ quan cao cấp nhất của đơn vị điều tra KGB ( Liên xô ) cũng đã kết luận rằng “Tổng thống Kennedy không bị giết bởi Oswald, vi khả năng của Oswald quá tệ, anh ta không thể tiến hành việc đó được”.

Song Ủy ban điều tra của Hạ viện Quốc hội không thể đưa ra bằng chứng, chứng minh về "kẻ thứ hai" có liên quan cũng như không thể chứng minh đây là một âm mưu. 

Nhiều giả thuyết về sự thông đồng, âm mưu quanh cái chết của JF Kennedy
Có rất nhiều giả thuyết trái ngược nhau về sự thông đồng âm mưu quanh cái chết của TT J.F. Kennedy, thậm chí giả thuyết vô lý được đưa ra là TT J.F. Kennedy bị Không Quân Mỹ giết, vì ông định công bố thông tin của Chính Phủ về các hình thái sinh vật ngoài trái đất.

Tuy nhiên cơ sở những giả thuyết âm mưu giết TT J.F. Kennedy được ưa chuộng nhất cho rằng:

- Chính quyền Nam Việt Nam đã lên kế hoạch thủ tiêu TT J.F. Kennedy, truớc khi anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, vì biết Kennedy đang âm mưu lật đổ chính quyền Đệ Nhất Cộng Hoà. Cũng như TT kế vị Johnson đưa ra giả thuyết rằng „Kennedy có lẽ đã bị giết để trả thù cho cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm“.
- Gián điệp KGB ( Liên Xô ) ám sát Kennedy, vì Liên Xô ở vị trí đối thủ chính trị ý thức hệ với Mỹ về mặt kỹ thuật và cũng là kẻ thù số 1 của Mỹ trong cuộc chạy đua sản xuất đầu đạn hạt nhân.
- CIA Mỹ và Nhóm Cuba lưu vong trả thù Kennedy, vì đổ lỗi cho Kennedy về thất bại của vịnh Con heo ( Cuba ) vào năm 1961.
- Nhóm Mafia Do Thái hạ sát Tổng thống Kennedy, vì Kennedy không bao giờ ủng hộ Do thái cũng như dòng họ Kennedy rất "kỵ" Do thái.
- Mafia Mỹ và nhóm bạch phiến Marseille ( Pháp ) thanh trừng TT Kennedy, vì bào đệ của Tổng thống là Robert Kennedy Bộ Tư pháp đang tiến hành một cuộc thanh trừng các tội ác có tổ chức này.
- Phó tổng thống Lyndon B. Johnson (qua đời vào năm 1973) lập mưu lấy mạng Kennedy, vì đường danh vọng chính trị đạt được nhiều quyền lợi nhất từ cái chết của ông này. Và mới đây nhất (tháng 10 năm 2013), ông Roger Stone (cựu chính trị gia đảng Cộng hòa, từng làm cố vấn cho Tổng thống Richard Nixon) đã cho xuất bản cuốn sách mang tên ‘The Man Who Killed Kennedy’ (Kẻ giết Tổng thống Kennedy), như một thông điệp đính chính lại những sự kiện lịch sử trình bày không đúng của vụ việc, nhằm tiết lộ bằng chứng cho thấy phó Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson chủ mưu vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy xảy ra tháng 11/1963, trong nỗ lực giúp người Mỹ sẽ thay đổi cái nhìn về cựu Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, vì Roger Stone không phải là người đầu tiên buộc tội Tổng thống Lyndon Johnson trong vụ giết chết J. F. Kennedy.
Tuy nhiên ở đây chúng ta không bàn về những giả thuyết trên mà chỉ bàn 1 giả thuyết được dư luận chú ý bàn cãi cũng như nhiều nhà làm phim đã cho dựng phim tài liệu về cái chết của JF Kennedy có liên quan đến Nam Việt Nam, đó là.

Tập đoàn Quân Sự tài phiệt cùng CIA mưu sát Kennedy?
Có lẽ nhiều nhà làm phim dựa vào bằng cớ Mỹ sẽ rút 1000 quân vào tháng 12.1963, và toàn bộ quân Mỹ vào năm 1965, qua câu nói giận dỗi trong cuộc họp báo ngày 22.05.1963 của Kenneky : „ Mỹ sẽ rút hết quân đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam bất cứ lúc nào chính phủ Việt Nam yêu cầu“. Vì như thế tập đoàn Quân sự tài phiệt mất cơ hội làm giầu nhờ một nền kinh tế dựa vào chiến tranh.
Nhà làm phim Oliver Stone cũng dựa theo hậu quả duy nhất sau cái chết Tổng thống Kennedy là Mỹ không đem 14.000 cố vấn quân sự về nước, thay vào đó họ còn đem thêm 526.000 quân Mỹ vào Việt Nam để trực tiếp tham chiến, thao túng toàn bộ chính trường Miền Nam.
Giả thuyết này tuy dẫn ra nhiều cụ thể hợp lý, thu hút được nhiều người, nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục đuợc dư luận, vì đối với Kennedy sẽ là tự sát về chính trị, nếu rút phần lớn nhân sự Mỹ khỏi Việt Nam trước kỳ bầu cử 1964, vì ông sẽ bị qui kết là „con cọp giấy“ chưa đánh đã thua, mềm yếu trước chủ nghĩa cộng sản và cơ hội tái đắc cử của ông sẽ bị tiêu hủy trong mây gió. ( Phải nên nhớ rằng vào năm 1963 hầu hết cử chi đều ủng hộ những cố gắng của Chính Phủ dành cho Việt Nam ) cũng như thành tích của ông ta trong chính sách ngoại giao sẽ là thành tích thất bại tuyệt đối với Cuba, Berlin và Đông Nam Á, nhất là Việt Nam. Một điều được khẳng định: Kennedy không phải là „Kẻ phản chiến“, vì những người khuyên TT Johnson mở rộng chiến tranh VN, chính là những cố vấn thân cận nhất của Kennedy.
Dưới đây là kết quả một cuộc khảo sát tiến hành gần đây cho thấy.
- 37% người Mỹ tin rằng Mafia sát hại Kennedy.
- 34% người Mỹ tin rằng CIA lấy mạng Kennedy.
- 18% người Mỹ tin rằng Phó TT Johnson hại Kennedy.
- 15% người Mỹ tin rằng Cuba dính líu đến cái chết Kennedy.
- 15% người Mỹ tin rằng  KGB Liên xô xen vào vụ việc nầy.
Tóm lại, hầu hết những gỉa thuyết được trình bày từ trước đến nay thường đều xuất phát từ những đầu óc tò mò cá nhân, những lý giải biện minh cho các bằng chứng, sự kiện, các tường thuật cá nhân, đã vô tình góp phần bao che cho sự kiện, do vậy những người theo cánh tả đổ lỗi cho CIA, còn người cánh hữu nghi ngờ cộng sản, từ đó mới nảy sinh ra những nhầm lẫn mâu thuẫn trong việc giải mật vụ việc, song cũng có rất nhiều đóng góp rất trung thực vào cuộc hành trình đi tìm sự thực này, ngõ hầu giải toả mối nghi ngờ của dư luận cho rằng chính phủ Mỹ đã cố tình dím nhẹm các dữ liệu liên quan đến vụ ám sát, mà cho đến nay vẫn được chính thức gán tội cho Lee Harvey Oswald. Tuy nhiên chưa một giả thuyết nào trong đó chứng minh và thuyết phục được dư luận, mặc dù sau 50 năm cuộc truy tìm sự thực này đã cho ra đời hàng nghìn cuốn sách cũng như hàng trăm cuốn phim, phóng sự truyền hình và nhiều trang web, cùng hàng trăm ngàn bài báo, hàng triệu chữ đăng tải đủ các chi tiết bao gồm sự kiện Tổng thống Kennedy bị ám sát, âm mưu ám sát, trong nỗ lực đem lại một lời giải thích chính đáng cho biến cố bi thảm ở Dallas vào ngày 22.11.1963, thế nhưng vẫn còn có rất nhiều giả thuyết và tài liệu còn tồn tại xung quanh việc chỉ ra kẻ thực sự đã ám sát Tổng thống Kennedy và đồng bọn âm mưu, ngõ hầu dẫn đến cuộc điều tra về cái chết của Tổng thống Kennedy sẽ được công khai, song chìa khóa mở cánh cửa bí mật này là các hồ sơ lưu quan trọng, khoảng 5 triệu trang tài liệu về Tổng thống Kennedy sẽ còn được giữ tại Văn khố Quốc gia và Quản lý Hồ sơ ở Maryland ngoài tầm tay công chúng có thể nghiên cứu, có những đoạn bí mật đã bị bôi đen trong một số hồ sơ hoặc niêm phong và sẽ được công bố toàn văn vào những thời điểm khác nhau đến cuối năm 2017.
Câu hỏi được Dư luận nghi ngờ đặt ra là: Tại sao mãi đến năm 2017 hồ sơ mật về vụ án mới được đưa ra ánh sáng? Phải chăng vì các hồ sơ ấy làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, hoạt động tình báo, thực thi pháp luật hay quan hệ đối ngoại, liên quan đến gây mất mặt mũi một nước đàn anh „Bá chủ võ lâm“ thế giới hoặc phải chờ hết những người nắm quyền vào thời đó qua đời?

Nhưng chúng ta chẳng có giải pháp nào hơn, ngoài việc chờ đợi đến cuối năm 2017 để có câu trả lời chân thật của Chính phủ!

Thay lời kết:
Vẫn biết ở nước Mỹ dù bạn có là một chàng trai anh tuấn, tài ba lỗi lạc hơn người, hoặc là một thiếu nữ nhan sắc mặn mà, đức hạnh và sự nghiệp làm vẻ vang cho xứ sở, song không đủ tiền để vận động tranh cử, thì muôn đời bạn không thể đắc cử Tổng thống. Ấy vậy theo thống kê cho thấy, làm Tổng thống Mỹ là một trong những công việc nguy hiểm nhất trong lịch sử. Số là trong 44 Tổng thống, có tới 4 Tổng thống thiệt mạng bất đắc kỳ tử trong khi thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra còn có 15 vị Tổng thống khác trở thành mục tiêu của những kẻ ám sát, song bất thành, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Như vậy tính theo tỷ lệ bị giết vào khoảng 9 vụ trên 100. Trong khi đó, so với nghề được hầu hết mọi người cho là nguy hiểm nhất là lái taxi, thì tỷ lệ này là cứ 100.000 người lại có 18 người bị giết, do vậy chớ dại làm Tổng thống Mỹ, để rồi dễ bị mất mạng oan uổng như chơi!
Tài liệu:
- Tóm gọn từ nhiều trang WEB ( Việt, Anh , Đức ) liên quan đến J.F. Kennedy
- Vụ ám sát Ngô Đình Diệm và J.F. kennedy ( Bradley S.O´Leary)
- Bên giòng Lịch sử 1940-1965 ( Lm: Cao Văn Luận )
- Ai giết anh em Ngô Đình Diệm ( Quốc Đại )
- John F. Kennedy. Warum der amerikanische Präsident sterben mußte ( Michael Hesemann )
BY: NGUYỄN, VĂN TẠ THAM KHẢO


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét