02/08/2015
Chúa Nhật 18 Quanh
Năm Năm B
(phần I)
Bài
Ðọc I: Xh 16, 2-4. 12-15
"Ta
sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa".
Trích
sách Xuất Hành.
Trong
những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ
nói với hai ông rằng: "Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa,
khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi
lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?"
Chúa
liền phán cùng Môsê rằng: "Ðây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa:
dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật
của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói
với họ rằng: 'Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như
thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi'".
Chiều
hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống
quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn
tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi
nhau rằng: "Man-hu", có nghĩa là: "Cái gì vậy?" vì họ không
biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: "Ðó là bánh do Chúa ban cho anh em
ăn".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54
Ðáp: Chúa đã ban
cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).
Xướng:
1) Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi
hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền
năng của Chúa. - Ðáp.
2)
Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các
cửa trời. Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được
bánh bởi trời. - Ðáp.
3)
Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới
no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu
Người tậu sắm. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Ep 4, 17. 20-24
"Hãy
mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh
em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ
ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em,
anh em không hề học biết Ðức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết
Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Ðức Giêsu dạy, là
anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những
đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người
mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng
với sự thật.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 6, 24-35
"Ai
đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền
xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên
kia, họ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa
Giê-su đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì
các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các
ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn
tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người
là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu".
Họ
liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên
Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi
hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến".
Họ
thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài?
Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép
rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp:
"Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi
trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của
Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".
Họ
liền thưa Người rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi".
Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề
đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Câu Truyện Manna, Bánh Bởi Trời
Lời
Chúa hôm nay tiếp nối giáo huấn Chúa nhật trước. Chúng ta hy vọng sẽ lĩnh hội
được nhiều tư tưởng thâm thúy hơn và nhiều ơn cao cả hơn. Cho được như vậy,
chúng ta phải cố gắng tìm hiểu cặn kẽ các bài Kinh Thánh vừa nghe đọc.
1.
Một Câu Truyện Ðược Nghiền Ngẫm Lâu Năm
Bài
đọc I thuật lại một câu truyện đã xảy ra ở thời Xuất hành, tức là vào buổi dân
Chúa mới được ra khỏi Aicập, khoảng năm 1250 trước Chúa Yêsu giáng sinh, cách
chúng ta chừng 32 thế kỷ rưỡi. Chúng ta cứ tưởng tượng đoàn người Dothái bấy giờ
đang đi theo Môsê nơi hoang địa. Cơm ăn nước uống còn thiếu, huống nữa là những
"văn phòng phẩm" để ghi chép các việc xảy ra hằng ngày. Chắc chắn ở
thời bấy giờ chẳng ai đã viết nhật ký trên giấy trắng mực đen. Nhưng trái lại,
trí nhớ của con người khi ấy lại dính kỹ khác thường. Người ta nhớ hết những gì
xảy ra, rồi truyền lại cho hậu thế, từ cha tới con, tới cháu, tới chắt... Phải
đợi đến nhiều thế kỷ sau, những truyện ngày xưa ấy mới được viết ra trên các thứ
"giấy" của thời bấy giờ. Riêng trong dân Dothái, các tác giả lại
không phải là những văn sĩ thường. Họ là những con người đạo đức được Thiên
Chúa thúc đẩy và trợ giúp viết lại truyện xưa nhưng để "dạy đạo". Các
sự việc, như thế đã được suy nghĩ lại rất nhiều. Nói rằng các tác giả đã mặc
cho chúng những bộ áo màu sắc tôn giáo, cũng chưa đủ. Phải nói rằng họ đã dùng
ánh sáng đức tin và ơn soi sáng của Thánh Thần để nhìn và đọc lại các biến cố
ngày trước, hầu nhận ra được sự can thiệp và bàn tay hướng dẫn lịch sử của
Thiên Chúa ở trong các biến cố kia. Do đó, các câu truyện viết về những thời đại
xa xưa trong Cựu Ước đều có mục đích huấn giáo hơn là kể truyện.
Câu
truyện Manna hôm nay cũng vậy. Nó thuật lại những sự việc xảy ra thời xưa,
nhưng đã được suy nghĩ trong nhiều thế kỷ và được viết ra để giáo huấn. Ai
không hiểu như vậy sẽ đọc đoạn văn này theo nghĩa đen và không thấy nó nói gì với
mình hơn điều này là ngày xưa đã có một chuyện như thế. Nhiều học giả không có
đức tin, khi đọc trang Kinh Thánh này, không hiểu theo nghĩa đen, nhưng cũng
không thấy nó nói gì cho đời sống của mình. Họ sẽ giải thích rằng: đoàn người Dothái
bấy giờ vừa ra khỏi đất Aicập màu mỡ và đang tiến về "Ðất Hứa" chảy sữa
và mật. Ở giữa sa mạc hoang vu, họ thiếu lương ăn nước uống. Họ kêu trách Môsê
và ông này giới thiệu với họ một thứ phấn cây ăn được để cầm cự cho đến khi ra
khỏi sa mạc. Nhưng nếu dừng lại ở chỗ giải thích như vậy, người ta chưa đọc
Thánh Kinh, mà mới chỉ đọc truyện. Thánh Kinh là Lời Chúa. Khi đọc Thánh Kinh,
người ta phải tự hỏi Chúa muốn nói gì đây? Hay ít ra, tác giả thánh muốn thông
đạt tư tưởng nào?
Chúng
ta có thể đồng ý với các học giả mà quyết rằng thứ "Manna" mà dân
Dothái ăn trong sa mạc là loại "lương thực bất đắc dĩ" cho kẻ chẳng
tìm được thức ăn gì khác. Chính sách Dân số (11,4-6; 21,5) cũng coi khinh thứ
thực phẩm này. Nhưng điều cốt yếu không ở tại giá trị của Manna. Chính lúc bấy
giờ câu truyện đã quan trọng ở điểm khác. Và sau này giá trị của nó còn xê dịch
thêm nữa.
Bấy
giờ, câu truyện chú ý đến việc dân Dothái kêu trách Môsê và Aaron, tức là kêu
trách Thiên Chúa. Có lần họ kêu trách như vậy, Người để rắn độc ra cắn nhiều
người. Lần này, Người không phạt, nhưng lại "thử thách" họ. Người cho
"mưa" thứ phấn cây ấy xuống và Môsê giới thiệu cho họ đó là thực phẩm
mới Chúa ban. Nó chẳng ngon lắm, nhưng ăn được. Chúa đã cho họ ăn như thế để rồi
xem họ có trung thành với Chúa không?
Có
lẽ thoạt đầu chỉ có như vậy. Nhưng về sau qua nhiều thế kỷ suy nghĩ, trọng tâm
của câu truyện xê dịch khác nhiều. Manna trở thành một thực phẩm hi hữu từ trời
mưa xuống. Nó là tặng phẩm của Cha nhân ái ban cho thời đại vàng son vì thời
gian sống nơi sa mạc gần gũi Chúa và được Chúa dẫn dắt không là vàng son sánh với
các thời đại chung chạ với dân ngoại và trở thành dân lưu lạc sao?
Chúng
ta cần nhớ lại bối cảnh xuất xứ của bản văn hôm nay để hiểu ý của tác giả. Ông
sống nhiều thế kỷ sau biến cố Xuất hành. Ông là người đạo đức thấy dân Chúa
càng ngày càng tội lỗi. Vì thế đối với ông, thời Chúa làm cho dân những kỳ công
nơi Aicập và trong sa mạc là thời đại vàng son. Tiếng "Manna" thoát
ra từ miệng dân khi thấy vật lạ, chỉ có nghiã là: "cái gì vậy". Ðối với
ông, nó không còn là một dấu hỏi hay là một giọng nghi nan nữa, mà đã trở thành
một ngạc nhiên, ngưỡng mộ: "cái gì (lạ) như vậy!".
Ông
kinh ngạc trước lòng tốt và tặng phẩm của Chúa bao nhiêu thì lại càng rầu lòng
vì thái độ bất trung, bất hiếu của dân. Ông nhấn mạnh đến ý nghĩa "thử
thách" của thứ lương thực mới này. Không những nó được ban để xem dân có
biết mở mắt ra mà tin tưởng và trung thành với Chúa không; mà Chúa còn cho kèm
nhiều lệnh truyền: không được lấy quá mức ăn một ngày; riêng ngày áp hưu lễ được
lấy gấp đôi để ngày Sabat nghỉ ngơi hoàn toàn hầu bắt chước Chúa. Những lệnh
này suy ra nữa sẽ thấy tác giả muốn ngụ ý nói rằng: thời gian sa mạc là thời đại
lý tưởng; ai ai cũng được nuôi dưỡng theo nhu cầu; nhưng không ai hơn ai và chẳng
ai có sở hữu gì; mọi người sống "hằng ngày dùng đủ", hoàn toàn tùy
thuộc ơn Chúa và không làm giàu làm có; người ta lại có nếp sống theo thời khóa
biểu của Thiên Chúa.
Suy
nghĩ như vậy thì đã đi xa cốt truyện lúc đầu. Nhưng đó mới là tư tưởng của tác giả
Thánh Kinh và là ý Chúa muốn nói với chúng ta. Nó dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng
hôm nay, vì người Dothái, như ta sẽ thấy, có tư tưởng như thế khi họ gợi lại
câu truyện Manna.
2.
Một Cuộc Ðối Thoại Gay Go
Theo
tác giả Yoan, thì sau khi Ðức Yêsu rút lui lên núi để tránh việc người ta tôn
Người làm vua, các môn đệ đã lên thuyền trở về Capharnaum. Nhưng dùng quyền
năng, Người cũng đã cùng cập bến với họ. Hôm sau, dân chúng mới về.
Gặp
Người, họ muốn hỏi Người đã trở lại Capharnaum bằng cách nào? Nhưng Người đã đọc
được tâm tư của họ là lại muốn được nuôi ăn như hôm trước. Người liền dạy bảo:
"Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng lương thực sẽ lưu lại mãi đến
sự sống đời đời". Có thể nói Người đã chán ngấy với thái độ của người ta
chỉ muốn lợi dụng quyền năng của Người để được những sự ở đời này� đang khi Người đã
giao ước cho họ kho tàng Nước Trời là sự sống đời đời. Thành ra cuộc đời... vô
cùng khó khăn.
Vừa
nghe Người nói phải "lao công", họ đã nghĩ ngay đến "các việc đạo
đức" mà thường tiên tri nào mới cũng đề ra để hứa hẹn hạnh phúc cho những
ai thi hành. Cũng có thể họ chờ đợi Người phát biểu ý kiến về các việc đạo đức
mà Luật dạy phải làm. Những thứ việc này nhiều lắm, làm không hết; nên người ta
thắc mắc không biết phải làm việc nào và có thể bỏ việc nào? Nhưng Ðức Yêsu
không phải là luật sĩ để có ý kiến về những vấn đề tỉ mỉ này. Người cũng không
phải là tiên tri như mọi tiên tri khác. Người là Con Thiên Chúa được Chúa Cha
sai đến và niêm ấn bằng uy quyền trong lời nói và việc làm. Người đã giới thiệu
mình như thế mà người ta vẫn không biết mở mắt ra mà nhìn. Họ cứ hỏi những câu
trên để lôi Người xuống ngang hàng với họ và đáp ứng các nhu cầu vật chất của họ.
Nhưng Người không thể chiều theo dục vọng của người ta. Người như khẳng định:
không có vấn đề nhiều việc đạo đức mà chỉ có một: đó là tin vào Ðấng mà Thiên
Chúa sai đến.
Lời
tuyên bố rõ rệt quá. Người ta hiểu: Ðức Yêsu bảo họ phải tin vào Người là Ðấng
Thiên Sai. Những Ngài đã làm gì để chúng tôi tin? Họ nghĩ như vậy. Tác giả Yoan
diễn tả ý họ một cách hơi khác. Ông vốn có óc phụng vụ và thiên về mầu nhiệm,
như chúng ta đã có lần nói. Ông đặt những từ ngữ chuyên môn của mầu nhiệm đức
tin và bí tích trên môi các diễn viên. Ông viết: họ nói với Ðức Yêsu: "Vậy
thì ông làm dấu gì để chúng tôi thấy mà tin ông?". Ðối với Yoan "dấu"
là những việc để khơi lên niềm tin và đòi được chấp nhận. Còn đối với người
Dothái, những việc khiến họ tin phải vĩ đại kỳ diệu hơn cả những kỳ công mà
Thiên Chúa đã làm trong quá khứ. Chẳng hạn Môsê đã cho dân được Manna thì vị Cứu
thế phải cho dân được thứ lương thực mỹ vị và lâu dài hơn... một lần hóa bánh
ra nhiều chưa bảo đảm. Hơn nữa họ còn lý tưởng hóa Manna theo các tác giả thời
sau (như Tv 105, 40; 78, 24-25; Ne 9, 15.20; Kng 16,20-21) chứ không như tác giả
sách Dân số (11,4-6; 21,5). Dù đã bị Ðức Yêsu khước từ cử chỉ của họ muốn tôn
Người làm vua và dù đã qua một đêm suy nghĩ, họ vẫn còn mơ ước một vị tiên tri
hoàn toàn với những vinh quang của trần gian này.
Một
lần nữa, Ðức Yêsu lại phủ nhận lập trường của họ. Ngài vạch cho họ thấy nó sai
từ căn bản. Họ nhắc lại truyện Manna, nhưng họ đã không đọc được ý của tác giả
thánh trong câu truyện ấy như chúng ta đã trình bày ở trên. Họ chỉ giữ lại cái
cốt truyện vật chất; còn tinh thần và ý nghĩa đạo đức sâu xa của nó thì họ bỏ
qua. Hơn nữa họ còn "vật chất hóa" lời Thánh Kinh. Thánh vịnh nói:
"Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Câu này họ hiểu về Môsê đã
ban Manna cho họ. Ðức Yêsu bảo không phải. Môsê không ban Manna, nhưng chính
Thiên Chúa đã ban. Còn nói gì đến việc ông ban bánh bởi trời! Làm sao ông có thể
làm được việc đó? Chính Chúa Cha đang ban bánh ấy cho họ đây là chính Người
đang nói với họ những lời hằng sống.
Chúng
ta có thể chắc chắn rằng: các người Dothái khi nghe nói như vậy đã chẳng hiểu
gì. Vì thế Ðức Yêsu còn phải giải thích nhiều nữa như chúng ta sẽ thấy trong
Chúa nhật sau.
Hôm
nay phụng vụ muốn chúng ta dừng lại ở điểm này để thấy cuộc đối thoại giữa Ðức
Yêsu và người Dothái đã tỏ ra gay go. Một bên quá siêu nhiên, một bên quá vật
chất. Cũng một câu truyện Manna, người Dothái chỉ nhìn thấy khía cạnh vụ lợi và
thỏa mãn xác thịt. Còn Ðức Yêsu và các tác giả thánh đã nhìn thấy như "dấu"
chỉ về niềm tin. Manna gợi lên bánh bởi trời; chứ bánh bởi trời không phải là
Manna. Người ta hãy khao khát lương thực linh thiêng ấy, chứ đừng uốn những lời
Kinh Thánh trở về thứ thực phẩm tạm bợ của thời gian lữ thứ...
3.
Một Cuộc Chuyển Biến Sâu Sắc
Thánh
Phaolô trong bài thư hôm nay khuyên tín hữu Ephêsô đừng trở về nếp sống cũ của
thời trước khi theo đạo, nhưng hãy mặc lấy con người mới đã được dựng nên trong
sự công chính và thánh thiện, bắt nguồn trong sự thật. Lời khuyên ấy còn hợp với
chúng ta. Chúng ta hết thảy đã sinh ra trong tội lỗi nhưng đã được tái sinh
trong phép Rửa. Nếp sống cũ với con người cũ nơi chúng ta là các khuynh hướng
và dục vọng tội lỗi mà đôi khi chúng ta còn cảm thấy mãnh liệt. Còn con người mới
với nếp sống mới là sự thánh thiện và các khuynh hướng tốt lành của Chúa đã dựng
nên trong chúng ta ngày rửa tội để sống theo tinh thần của Ðức Kitô.
Nếu
người Dothái xưa thường có khuynh hướng vật chất hóa đến cả lời Thánh Kinh và
chỉ muốn chờ đợi một vị cứu tinh để thỏa mãn những nhu cầu trần thế; nếu thánh
Phaolô đã phải cảnh giác giáo dân E�phêsô đừng trở về với
nếp sống của dân ngoại, thì chúng ta cũng nên đề phòng sự vùng dậy của con người
cũ. Và cho được như vậy, thánh Phaolô nói chúng ta phải nhớ lại đã được biết Ðức
Kitô như thế nào. Cho chắc hơn phải nhìn Ðức Kitô nơi chính Ðức Yêsu.
Tại
sao vậy?
Vì
người Dothái đã chờ đợi Ðức Kitô, nhưng không muốn nhận Người là chính Ðức
Yêsu. Họ đòi Ðức Kitô phải thể khác, vì Ðức Yêsu không chịu đáp lại các nhu cầu
thực tiễn của họ. Và ở thời thánh Phaolô, đã bắt đầu có những kẻ xuyên tạc những
điều về Ðức Yêsu để, theo ý họ, Người hợp với quan niệm của họ về Ðức Kitô hơn.
Nghĩa là nhiều người muốn tôn thờ Ðức Kitô và xưng mình là Kitô hữu, nhưng lại
không muốn Người chỉ như Ðức Yêsu đã tử nạn và phục sinh. Họ muốn và ao ước Người
"khác" một chút... để cuối cùng đời sống của họ được "lợi"
hơn. Họ không muốn lột xác để biến mình nên Kitô hữu tốt hơn, nhưng lại ao ước
Kitô giáo đổi đi ít nhiều cho hợp với ước nguyện của họ.
Tâm
lý này phát xuất từ con người cũ. Nó đã có nơi người Dothái và Ephêsô. Nó là
cám dỗ năng đến với chúng ta. Thánh Phaolô cũng như thánh Yoan và tác giả bài
Xuất hành bảo chúng ta phải dẹp đi và mặc lấy con người mới, tâm lý mới, đạo đức
mới của Ðức Yêsu Kitô.
Chính
Người giờ đây muốn trở nên bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng ta cho sự sống muôn đời.
Chúng ta hãy rước lễ với niềm tin và lòng mến. Chúng ta tin vào giá trị đường lối
Ðức Yêsu đã đi và kêu gọi chúng ta đi vào... Chúng ta nhiệt tình đi vào đường lối
đó, đường lối sống theo giáo lý của Chúa và tha thiết phục vụ anh em. Nó đòi hy
sinh và có thể thiệt thòi những sự ở đời này; nhưng chấp nhận quảng đại đóng
đinh xác thịt vào thánh giá Chúa Yêsu chắc chắn chúng ta sẽ cứu được linh hồn
mình và linh hồn anh em. Xin Mình Thánh Chúa là lương thực hành hương về Nước
Trời luôn nuôi dưỡng chúng ta.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 18 Thường
Niên,
Năm B
Bài đọc: Exo 16:2-4, 12-15;
Eph 4:17, 20-24; Jn 6:24-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy ra công làm việc
không phải vì lương thực mau hư nát.
Cám
dỗ về bánh ăn luôn là một diệu kế ma quỉ dùng để cám dỗ con người. Chúng đã từng
dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, khi Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc: "Hãy biến
những hòn đá thành của ăn." Chúa trả lời: "Người ta sống không
chỉ bởi bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra." Chúa muốn
con người nhận ra chân lý: "Bánh cần thiết, nhưng không phải tất cả."
Nếu con người chú trọng đến bánh quá nhiều, con người sẽ phát sinh nhiều bệnh:
cả phần hồn lẫn phần xác.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật hai thực tại: lương thực mau hư nát và lương thực
trường tồn. Trong Bài Đọc I, con cái Israel kêu trách Thiên Chúa vì họ bị đói
và khát trong sa mạc. Thiên Chúa cho họ có manna từ trời rơi xuống ban sáng, và
có thịt chim cút lúc ban chiều. Họ có thể ăn uống thỏa thuê; nhưng không được họ
tích trữ. Ngài truyền chỉ lấy lương thực đủ cho ngày đó; nếu tham lam tích trữ,
manna sẽ hư hại hôm sau. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô phân biệt hai lối sống:
Dân Ngoại sống theo tư tưởng phù phiếm: họ chỉ biết ra công làm việc để có của
ăn hư nát và hưởng thụ; ngược lại, các tín hữu phải sống theo Thánh Thần và
tuân theo những lời chỉ dạy của Đức Kitô, để có lương thực trường tồn. Trong
Phúc Âm, dân chúng đi kiếm Đức Kitô sau khi đã được Ngài làm phép lạ cho ăn uống
thỏa thuê. Chúa Giêsu biết rõ họ tìm kiếm Ngài chỉ vì lý do đó; nên Ngài khuyên
họ: "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa đã cho dân có bánh và thịt trong sa mạc.
1.1/
Con cái Israel kêu trách Thiên Chúa và Moses: Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng
con cái Israel kêu trách ông Moses và ông Aaron. Con cái Israel nói với các
ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi
bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi
đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" Nhiều
người cho con cái Israel có lý do để than phiền, vì nếu phải "chết
đói" trong sa mạc thì ở lại Ai-cập để được "chết no" còn sướng
hơn. Nhưng sự thực là con cái Israel đã không phải chết đói, vì nếu Thiên Chúa
đã có kế hoạch đưa dân ra khỏi Ai-cập để vào Đất Hứa, làm sao Ngài có thể để
dân chết đói dọc đường được! Những lời than phiền này biểu tỏ:
(1)
Con cái Israel không có đức tin mạnh đủ vào Thiên Chúa: Họ vừa mới chứng kiến
biến cố Thiên Chúa đưa toàn dân qua Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội Pharao
bị nhận chìm trong Biển Đỏ, và uy quyền Thiên Chúa bày tỏ qua 7 thiên tai. Tại
sao họ không cầu xin Thiên Chúa ban của ăn, mà lại buông những lời vô ơn bạc
nghĩa như thế?
(2)
Con cái Israel quí trọng của ăn hơn những giá trị tinh thần: Làm nô lệ cho
Pharao là một cực hình; vì chính họ đã từng kêu than lên Thiên Chúa. Tại sao giờ
đây họ đã được tự do rồi, lại muốn trở lại kiếp nô lệ ngày xưa để có thịt và
bánh ăn thỏa thuê? Đây là một kinh nghiệm quan trọng cho chúng ta học hỏi: lòng
ham muốn của ăn có thể làm lu mờ những giá trị tinh thần.
1.2/
Thiên Chúa cho dân ăn manna và chim cút trong sa mạc:
(1)
Cho dân ăn manna: Đức Chúa phán với ông Moses: "Này, Ta sẽ làm cho bánh từ
trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày
nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của
Ta hay không." Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Mỗi buổi sáng, có lớp
sương phủ quanh trại; lúc sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì
nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy
thế, họ liền hỏi nhau: "Manhu?" Nghĩa là: "Cái gì đây?" Vì
họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ: "Đó là bánh Đức Chúa ban cho
anh em làm của ăn!"
(2)
Cho dân ăn thịt chim cút: Con cái Israel không chỉ muốn ăn bánh để sống, nhưng
còn ao ước được ăn ngon. Họ nói: chúng tôi đã quá nhàm chán thức ăn vô vị này
(manna); và họ nhớ tới những cao lương mỹ vị khi còn ở Ai-cập. Thiên Chúa thấu
tỏ lòng họ, nên Ngài lại nói với ông Moses: "Ta đã nghe tiếng con cái
Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ
được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ
biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi." Sự thể đã xảy ra như
lời Chúa hứa: Buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại.
2/
Bài đọc II:
Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em.
2.1/
Lối sống theo Dân Ngoại: Ephesô
là một thành phố của Hy-lạp, các tín hữu Ephesô hầu hết là những người Dân Ngoại,
và đã được Phaolô rao giảng Tin Mừng và nhận vào Đạo Thánh của Đức Kitô. Giống
như con cái Israel, các tín hữu Ephesô luôn bị cám dỗ để trở về với nếp sống cũ
trước khi được Rửa Tội. Thánh Phaolô nhận ra khuynh hướng này; vì thế, ngài viết
thư khuyên họ: "Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi
khuyên anh em: đừng ăn ở như Dân Ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù
phiếm của họ."
Lối
sống theo Dân Ngoại mà thánh Phaolô đề cập đến ở đây bao gồm rất nhiều tật xấu,
dựa trên những Thư của Ngài, chúng ta có thể liệt kê các tội như: thờ bụt thần,
không tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự sống đời sau, hưởng thụ vật chất và khoái
lạc, loạn luân, ham quyền hành, và ghen tương chia rẽ ...
2.2/
Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Ephesô hai điều quan trọng:
(1)
Sống theo sự thật của Đức Kitô: "Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức
Kitô như vậy đâu; anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh
thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ
con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa
dối."
Tin
thế nào, phải sống như thế. Nếu tin một đàng và sống một nẻo, đức tin không
sinh lợi ích gì cho các tín hữu; họ chẳng khác gì những người không tin.
(2)
Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần: "Anh em phải để Thánh Thần đổi mới
tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo
theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện."
Chúa
Thánh Thần mà các tín hữu đã lãnh nhận Ngài khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội, sẽ
soi sáng để họ nhận ra những gì là sự thật mà Đức Kitô đã loan báo; đồng thời,
Ngài sẽ ban những ơn thánh đủ để thúc đẩy các tín hữu biết sống theo những gì Đức
Kitô đã dạy bảo. Chương 8 của Thư Rôma cho chúng ta một đời sống viên mãn dưới
sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.
3/
Phúc Âm:
Đừng chỉ tìm kiếm những của ăn mau hư nát.
3.1/
Dân chúng tìm Chúa vì đã được ăn no nê: Trình thuật của Gioan hôm nay tiếp tục trình thuật của
tuần trước, khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi hơn 5,000 người ăn uống no nê từ
năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, mà vẫn còn dư 12 thúng đầy những mảnh vụn.
Sau đó, họ hợp lại và muốn tôn Chúa Giêsu làm vua; nhưng Chúa Giêsu truyền lệnh
cho các tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Đêm
đó, biển động mạnh làm thuyền các tông-đồ gần chìm. Chúa Giêsu từ trên núi đi
trên mặt biển đến để trấn an các ông, và làm cho sóng yên biển lặng. Thuyền của
các tông-đồ ghé bến Capernaum bình an.
Phần
dân chúng, khi họ thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ
xuống thuyền đi Capernaum tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ
nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?" Đức Giêsu đáp: "Thật,
tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê."
Chúa
Giêsu thấu hiểu dụng ý của dân chúng, như ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc:
Họ sẽ tôn Ngài làm vua, nếu Ngài tiếp tục làm phép lạ cho họ có của ăn, mà
không cần phải vất vả làm việc!
3.2/
Chúa Giêsu chỉ dạy cho dân chúng tìm lương thực tồn tại muôn đời: Chúa từ chối dụng ý
của dân chúng, như Chúa đã từ chối thẳng thừng cám dỗ của ma quỉ trong sa mạc.
Tuy nhiên, Chúa vẫn kiên nhẫn dạy dỗ và cắt nghĩa cho dân chúng thấy những giá
trị tốt lành và vĩnh cửu hơn là lương thực vật chất: "Các ông hãy ra công
làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn
đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi
vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." Lương thực
mau hư nát ai cũng có thể hiểu được: ngoài đồ ăn thức uống, còn có thể hiểu là
những giá trị chóng qua của thế gian như: tiền bạc, của cải, thú vui, danh vọng,
chức quyền ... Về lương thực mang lại giá trị vĩnh cửu, chúng ta phải học hỏi hết
chương 6 của Gioan trong ba tuần kế tiếp. Một cách tổng quát, Chúa Giêsu muốn đề
cập đến hai điều căn bản:
(1)
Thánh ý Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện
những việc Thiên Chúa muốn?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn
cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."
Điều
nền tảng nhất trong cuộc đời là tìm ra và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cho đến
hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu đã làm. Theo Kế Họach Cứu Độ, Đức Kitô là Con
Thiên Chúa, được sai đến để cứu chuộc con người. Vì thế, theo thánh ý Thiên
Chúa, con người phải tin vào Ngài để được hưởng ơn cứu độ. Việc tin vào Đức Kitô
không đơn thuần là thái độ của trí khôn trong một lúc; nhưng là tin và thực
hành tất cả những gì Đức Kitô đã mặc khải và truyền dạy. Hơn nữa, con người còn
phải sẵn sàng chấp nhận gian khổ để làm chứng cho Ngài.
(2)
Bí-tích Thánh Thể: Không phải chuyện tình cờ mà Gioan đề cập đến biến cố Thiên
Chúa cho con cái Israel ăn manna trong sa mạc, và biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ
"Bánh hóa nhiều." Thánh Gioan muốn dẫn chúng ta đến sự quan trọng của
Bí-tích Thánh Thể khi Chúa Giêsu chuyển đề và trả lời người Do-thái như sau:
"Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi
trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì
bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế
gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ
bánh ấy." Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với
tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!" Chúng ta sẽ
nói về BT Thánh Thể trong ba tuần tới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần khôn ngoan để phân biệt lương thực mau hư nát và lương thực trường
tồn; để rồi biết dành thời gian tương xứng, và ra sức làm việc cho lương thực
trường tồn.
-
Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài có dư uy quyền để ban cho chúng
ta lương thực hàng ngày. Chúng ta có dám tin tưởng điều đó không?
-
Một trong những thói xấu của con người là thói quen đầu cơ tích trữ để người
khác phải đói khát. Chúa dạy chúng ta xin cho đủ lương thực hàng ngày; chứ
không xin cho có đủ lương thực hay có tiền đủ để mua lương thực cho cả một đời!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
02/08/15 CHÚA NHẬT TUẦN
18 TN – B
Ga 6,24-35
Ga 6,24-35
Suy niệm: Là
sinh vật, muốn sống cần phải có lương thực. Sự sống đời này chỉ cần thứ lương
thực đời này và sẽ hư nát; còn sự sống vĩnh cửu thì cần thần lương đem lại phúc
trường sinh. Thứ lương thực cao quí này được ban bởi Đấng Hằng Sống. Mặc dù
được trao ban cách miễn phí, nhưng muốn có được Bánh Hằng Sống ấy, con người
phải làm việc; và công việc Thiên Chúa muốn nhân loại phải làm là hãy đến và
tin vào Đức Ki-tô, vì “Ai đến với Ngài, không hề phải đói; ai tin vào Ngài, chẳng khát
bao giờ”(c.35).
Mời Bạn: Đến
với Chúa và tin vào Ngài, công việc xem ra không mấy nặng nhọc, nhưng cũng
chẳng dễ dàng chút nào, vì tin đòi hỏi một thái độ chứ không phải một công
việc: một thái độ khiêm tốn đón nhận điều Thiên Chúa muốn gởi đến, mà không đòi
hỏi điều kiện gì, như Đức Ma-ri-a luôn sẵn sàng đáp lời xin vâng; như Đức Ki-tô
“xin
theo ý Cha, đừng theo ý con”.
Sống Lời Chúa: Trong
mọi hoàn cảnh, tôi không phàn nàn hỏi Chúa tại sao, mà can đảm đón nhận với hy
vọng sẽ nhận ra ý Chúa qua biến cố Ngài gởi đến cho tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã từng tỏ lộ với chúng con rằng: lương thực
của Thầy là làm theo thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con hiểu rằng, đón nhận
thánh ý Thiên Chúa cũng là một thứ lương thực, lương thực thường tồn đem lại
phúc trường sinh. Xin đừng để một ai trong chúng con kiêu ngạo mà lạc xa thứ
thần lương cao quí này. Amen.
BÁNH ĐÍCH THỰC
Con người vẫn đói khát thức ăn tinh thần. Cơn đói
này còn kinh khủng hơn cả cơn đói thân xác. Nếu bạn khao khát Tuyệt Ðối thì chỉ
Tuyệt Ðối mới làm bạn no thỏa.
Suy niệm:
Dân chúng vẫn còn sôi nổi
sau phép lạ bánh hoá nhiều.
Hôm sau, họ lên thuyền qua
bờ bên kia để tìm Ðức Giêsu.
Ðức Giêsu thấy nỗ lực tìm
kiếm của họ.
Ngài biết họ tìm Ngài chỉ vì
đã được ăn bánh no nê.
Có lẽ họ hy vọng sẽ được
những bữa ăn tương tự...
Miếng ăn là nỗi lo của người
nghèo vùng Galilê.
Ðó cũng là nỗi lo của hàng
tỉ người trên thế giới.
Ðức Giêsu không trách họ về
chuyện này.
Ngài chỉ muốn nâng họ lên
cao hơn,
bởi lẽ con người không chỉ
là thân xác.
Dân chúng vất vả tìm chút
lương thực mau qua.
Ðức Giêsu muốn họ đừng quên
thứ lương thực thường tồn
nhằm nuôi dưỡng tinh thần và
đem lại sự sống vĩnh cửu.
Người dân Galilê chỉ nhớ đến
chiếc bánh hôm qua.
Họ bị sa lầy và ngừng lại
trong phép lạ.
Họ không thể đi xa hơn và
cũng không mơ ước gì hơn.
Con người hôm nay có nét
giống đám đông ngày xưa.
Người nghèo thì bị hút vào
công việc lam lũ nhọc nhằn,
để thỏa mãn cái đói cấp bách
của thân xác.
Người giàu thì mê mải với
bao tiện nghi đang mời gọi.
Họ bị ám ảnh và chạy đua với
những mặt hàng mới.
Rốt cuộc, kẻ nghèo người
giàu đều có nguy cơ như nhau,
đó là đánh mất đi cái đói
khát tinh thần,
mãn nguyện với cái bụng no,
hay với thứ nữ trang đắt giá.
Thật ra, cũng khó dập tắt
nỗi khát khao về Tuyệt Ðối
mà Thiên Chúa đã đặt rất sâu
trong lòng người.
Mọi thứ thức ăn trần gian,
con người không lấy làm đủ.
Người nghèo không chỉ cần
cơm bánh, mà còn cần tình thương.
Người giàu dư cơm bánh,
nhưng lại cần lẽ sống.
Không thiếu những bạn trẻ
nhà giàu, có học, có tương lai,
nhưng lại thất vọng chán
chường, thậm chí rơi vào trụy lạc.
Họ có tất cả, nhưng vẫn thấy
thiếu cái gì đó...
Thiếu cái này thì mọi thứ
khác trở thành thừa.
Có khi sống sa đọa lại là
cách họ biểu lộ
cơn đói khác vô cùng về
những điều cao cả.
Ðức Giêsu khơi dậy những
khát khao tốt đẹp đang ngủ quên.
Ngài không cho dân chúng thứ
manna từ trời rơi xuống,
để mỗi ngày họ phải lượm mà
ăn.
Ngài cho họ thứ bánh bởi
trời đích thực,
bánh ban sự sống đời đời cho
toàn thế giới.
“Xin cho chúng tôi thứ
bánh đó luôn luôn”
“Xin ông cho tôi thứ
nước ấy” (Ga 4, 15).
Con người vẫn đói khát thức
ăn tinh thần.
Cơn đói này còn kinh khủng
hơn cả cơn đói thân xác.
Hãy đến với Giêsu! Hãy tin
vào Giêsu!
Nếu bạn khao khát Tuyệt Ðối
thì chỉ Tuyệt Ðối mới làm
bạn no thỏa.
Tuyệt Ðối đã hiện diện nơi
Ðức Giêsu.
Ước chi bạn để cho Ngài nuôi
bằng lời giáo huấn,
và tin tưởng dấn thân theo
Ngài bằng cả cuộc đời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
những lúc con cảm thấy đói,
xin ban cho con một ai đó
đang cần của ăn.
Khi con khát,
xin gởi đến cho con
một ai đó đang cần nước
uống.
Khi con lạnh lẽo,
xin gởi đến cho con
một ai đó đang cần được
sưởi.
Khi con bị xúc phạm,
xin ban cho con một ai đó
đang cần ủi an.
Khi thập giá của con trở nên nặng nề,
xin ban cho con
thập giá của một người khác
để cùng chia sẻ.
Khi con túng nghèo,
xin dẫn đến cho con một
người thiếu thốn.
Khi con không có thời giờ,
xin ban cho con ai đó để con
giúp họ giây lát.
Khi con nản chí,
xin gởi đến cho con một
người cần khích lệ.
Khi con chỉ biết nghĩ đến mình,
xin xoay chuyển tư tưởng con
hướng đến tha nhân.
(Trích trong PRIER)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG TÁM
Mầu Nhiệm Của Sự Dữ Luân Lý
Bây giờ chúng ta hãy xét đến sự dữ luân lý.
Nói “sự dữ luân lý”, chúng ta có ý đề cập đến các hình thức khác nhau của tội lỗi
và những hậu quả của nó trên thế giới vật chất của chúng ta. Thiên Chúa tuyệt đối
không muốn thứ sự dữ này. Sự dữ luân lý hoàn toàn đi ngược lại với thánh ý
Thiên Chúa. Trong cuộc sống của con người và trong thế giới, nếu sự dữ này xảy
ra – và đôi khi xảy ra một cách hết sức nghiêm trọng – thì đấy chỉ bởi vì Thiên
Chúa quan phòng muốn bảo đảm duy trì sự tự do của con người trong thế giới thụ
tạo này.
Sự tồn tại của sự tự do nơi tạo vật đồng
nghĩa với sự tồn tại của con người và các hữu thể tinh thần thuần túy – chẳng hạn
các thiên thần. Sự tự do này là điều kiện tất yếu để cho con người có thể đạt đến
sự sung mãn của tạo vật và đáp lại kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Để có được
sự thiện trọn vẹn và sự sung mãn trong tạo vật, cần phải có những hữu thể tự do
– và đối với Thiên Chúa, điều này có giá trị hơn nhiều so với tình trạng bi đát
do các hữu thể ấy có thể lạm dụng sự tự do đã được ban cho mình để chống lại Đấng
Tạo Hóa. Như vậy, chúng ta nhận ra rằng sự tự do của con người có thể dẫn đến sự
dữ luân lý.
Từ khả năng suy lý của mình cũng như từ mạc
khải của Thiên Chúa, chúng ta chắc chắn nhận hiểu rất nhiều về mầu nhiệm quan
phòng thần linh – trong đó dù sự dữ không phải là điều được tìm kiếm song cũng
là điều được nhận chịu trong ý hướng tranh thủ một sự thiện lớn hơn. Tuy nhiên,
một sự nhận hiểu đầy đủ về mầu nhiệm sự dữ luân lý chỉ có thể xảy đến với chúng
ta xuyên qua Thập Giá khải thắng của Đức Kitô.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
02-8
Chúa
Nhật XVIII Thường Niên
Xh
16, 2-4.12-15; Ep 4, 17.20-24; Ga 6, 24-35.
LỜI
SUY NIỆM: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau
hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ
lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên
Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”
Chúa
Giêsu đang khuyên mỗi người trong chúng ta phải ra sức làm việc để nuôi sống
mình và gia đình của mình. Trong việc ra sức làm việc này không những chỉ lo
cho nhu cầu và tiện nghi của cuộc sống thân xác, mà còn phải quan tâm đến đời sống
của cả linh hồn nữa, nên mỗi người cần phải làm việc với một lương tâm ngay thẳng,
công bình và bác ái đầy trách nhiệm của mình.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con khi sống và làm việc
luôn nhớ đến Lời Chúa hôm nay: “Chúa là lương thực trường tồn của chúng con”
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
02-08
Thánh
EUSÊBIÔ VERCELLÊSI
Giám
Mục (+371)
Thánh
Eusêbiô sinh tại Sardinia trong một gia đình quí phái. Nhưng trổi vượt sự sao
sang giàu có trần thế. Ngài được vinh dự là con của một người cha chịu chết vì
đức tin dưới thời Diôclêtianô. Mẹ Ngài đã đưa hai người con về sống tại Roma.
Ngài được Đức giáo hoàng Eusêbiô rửa tội và lấy chính tên mình đặt cho con trẻ.
Eusêbiô
được nuôi dưỡng trong bầu khí đạo đức, Ngài theo học văn chương và nghệ thuật.
Gia nhập hàng giáo sĩ, Ngài được phong chức đọc sách.
Ngài
được sai đi Vercelli và năm 345 được chọn làm giám mục tiên khởi của giáo phận
này. Xét rằng phương cách hữu hiệu nhất để thánh hóa các linh hồn là phải có một
hàng giáo sĩ được huấn luyện tử tế, Ngài thiết lập một trường đào tạo linh mục.
Cùng với nhóm môn sinh, Ngài sống đời ẩn tu ngay giữa thành phố. Nhưng lời
khuyên dạy đầy cảm kích đã làm cho Vercellêsi thay đồi hẳn. Các tội nhân tìm về
lãnh nhận các bí tích và nhiệt thành phụng sự Chúa.
Chịu
bách hại vì đạo, cuộc đời Eusêbiô đã đạt tới vinh quang cao cả. Khi ấy bè rối
Ariô bành trướng mạnh mẽ, với sự bảo trợ của hoàng đế Constantino. Eusêbiô mãnh
liệt chống lại và đức tin không thể lay chuyển của Ngài mang lại niềm an ủi cho
Đức giáo hoàng chỉ định dẫn dầu phái đoàn các giám mục đến gặp hoàng đế để bênh
vực đức tin. Đầy nhiệt tâm Ngài thuyết phục được hoàng đế triệu tập một công đồng.
Năm
sau công đồng khai diễn tại Milan. Tại công đồng, hoàng đế thúc bách các giám mục
phải để cho Eusêbiô tham dự. Nhưng những người theo bè rối Ariô ngăn cản. Cuối
cùng Ngài được tham dự. Thấy phần đông theo lạc giáo, Ngài trình biểu thức đức
tin của công đồng Nicea, đòi mọi người ký nhận trước khi bàn đến điều gì khác nữa.
Bọn lạc giáo tức giận. Ngược lại, Ngài cương quyết không chịu ký vào văn bản
lên án thánh Athanasiô, vị giám mục chúng sợ nhất. Tức giận chúng vận động
hoàng đế đẩy Ngài đi Palestina.
Nơi
lưu đầy, Eusêbiô chịu không biết bao nhiêu là điều cực khổ bởi cách đối xử dã
man của các địch thù, Ngài bị giam trong phòng tối, bị bỏ đói. Khi biết rằng
không thể bắt phục được con người sắt đá này, chúng còn trói chân Ngài lại và
lôi kéo Ngài qua các bậc thang nhiều lần. Theo lời thánh Hiêrônimô kể lại,
thánh nhân còn bị gởi đi Cappadocia và tới miền thượng Thébaide bên Ai cập. Tại
những nơi nầy thánh nhân còn chịu muôn vàn cực hình cho đến khi hoàng đế
Constantiô băng hà và được hồi hương.
Dầu
vậy trên đường về theo lệnh Đức giáo hoàng, thánh Eusêbiô còn phải ghé nhiều
giáo đoàn để an ủi khích lệ các giáo hữu bị đau khổ bởi những tàn phá của phái
Ariô để lại, dàn xếp những tranh chấp nội bộ của một số giáo đoàn.
Trở
về Vercelli, thánh Eusêbiô được tiếp đón nồng nhiệt như một vị anh hùng. Già cả
và yếu sức, Ngài vẫn tận tụy phục vụ giáo phận cho đến khi qua đời năm 371. Người
ta tôn kính Ngài như vị thánh tử đạo, vì những đau khổ mà Ngài đã chịu suốt những
ngày lưu đày.
(daminhvn.net)
02
Tháng Tám
Nghệ Thuật Làm Lửa
Thời
xa xưa, tìm được cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đại...
Có
một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc
này sang bộ lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu
phương pháp của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng
con người quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm
hạnh phúc của ông là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự
phát minh của ông.
Cũng
giống như những bộ lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm
ra lửa cũng hồ hởi đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ
lòng ghen tức, họ âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi
mưu sát ông, để đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của
ông và đặt trên bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính
nhắc đến như một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được
các tư tế cho đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy
lòng tin mà chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị
Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát
minh ra lửa. Quyển tiểu sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương
sáng, đời sống gương mẫu của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng
cho mọi người noi theo. Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về
cuộc đời và các lời răn dạy của vị phát minh.
Ðể
đảm bảo tính cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế
ra vạ tuyệt thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải
thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lưòi giải
thích của các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.
Câu
chuyện ngụ ngôn trên đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục
Anthony De Mello ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha. Qua
câu chuyện này, cha De Mello như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng cái khuynh hướng
chung của những người có tôn giáo là dễ dàng quên đi chính cái cốt lõi của tôn
giáo. Con người dẽ bám vào những nghi thức bên ngoài của tôn giáo mà quên đi sứ
điệp thiết yếu của nó. Chiến tranh tôn giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều
bắt nguồn từ khuynh hướng trên.
Người
tín hữu Kitô chúng ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ
bị cám dỗ nhìn vào đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những
nghi thức, của những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của
đạo chúng ta chính là tình yêu. Chúng ta sẵn sàng nhân danh Chúa, nhân danh đạo
lý để loại trừ, để bách hại người anh em bằng cách này hay cách khác. Rốt cục
cũng giống như bộ lạc cuối cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa của yêu
thương mà Chúa Giêsu đã mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những
nghi thức thừa thãi trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế đạo của yêu thương, đạo
của Tin Mừng bằng đạo của hình thức, đạo của giả hình...
Quên
đi cốt lõi của Tin Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra
khỏi cuộc sống của chúng ta. Không chừng chúng ta cũng đang đóng đinh Ngài một
lần thứ hai. Lời Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các
nghi thức của chúng ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa
được thấm nhuần, tưới gội bằng Lửa của Yêu Thương mà Chúa Giêsu đã mang đến cho
chúng ta.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét