Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

16-08-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT XX MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

16/08/2015
Chúa Nhật 20 Quanh Năm Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XX Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN-B
Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58
SỐNG KHÔN NGOAN
“Ai ăn thịt và uống máu tôi
thì được sống muôn đời
và tôi sẽ cho người ấy sống lại
trong ngày sau hết,
vì thịt tôi thật là của ăn
và máu tôi thật là của uống”

(Ga 6,54)
Ai cũng muốn chọn cho mình cách sống khôn ngoan. Bạn và tôi, đã nhiều lần chúng ta tự hào vì đã chọn cách sống khôn ngoan. Có thể các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi ý cho chúng ta một cách sống khôn ngoan khác, không hề giống với kiểu sống khôn ngoan của con người.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Đoạn sách Châm Ngôn trình bày Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa để biết xây nhà và mở tiệc đãi khách. Đối tượng khách mời của Đức Khôn Ngoan là những người ngu si và những kẻ ngây thơ. Qua bữa tiệc, Đức Khôn Ngoan muốn họ được sống và bước đi trên con đường hiểu biết.
Trước hết, như một con người, Đức Khôn Ngoan tiến hành việc xây nhà. Nhà của Đức Khôn Ngoan là nhà có “bảy cây cột”, một ngôi nhà lớn. Đức Khôn Ngoan hẳn phải là một người khá giả. Khi hoàn tất việc xây dựng, Đức Khôn Ngoan “hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn” để chuẩn bị mở tiệc mừng tân gia. Cách Đức Khôn Ngoan mời khách đến dự tiệc thật đặc biệt. Đức Khôn Ngoan sai các tỳ nữ “lên các nơi cao trong thành phố” và kêu gọi khách đến dự tiệc. Có lẽ khi chọn những nơi cao trong thành phố để công bố lời mời, Đức Khôn Ngoan không muốn bỏ sót bất cứ một vị khách đáng mời nào.
Thứ đến, đối tượng khách mời mà Đức Khôn Ngoan nhắm đến cũng gây ngạc nhiên không kém: “hỡi người ngây thơ, hãy lại đây; hỡi người ngu si, hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế” (Cn 9,4-5).  Đức Khôn Ngoan không mời các khách quen, trọng vọng, giàu có theo cấp bậc hay địa vị của mình, mà là những người ngây thơ và những kẻ ngu si. Xét cho cùng, những người ngây thơ và ngu si lại là những đối tượng cần đến Đức Khôn Ngoan hơn cả.
Sau cùng, thức ăn mà Đức Khôn Ngoan dùng để thết đãi khách chính là những lời giáo huấn. Giáo huấn của Đức Khôn Ngoan đem lại sự sống và sự hiểu biết (x. Is 55,1-3; Am 8,11). Đức Khôn Ngoan ở đây chính là Thiên Chúa, Đấng ban lời giáo huấn mang lại sự sống cho người nghe và biết đón nhận: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống” (Is 55,3).
Vậy, khôn ngoan là biết lắng nghe giáo huấn của Thiên Chúa để được sống.
2. Bài đọc 2:
Thư Êphêxô khuyên các tín hữu hãy bắt chước Thiên Chúa bằng cách sống bác ái (5,1-2), thanh khiết (5,3-7), sống trong ánh sáng (5,8-14) và sống khôn ngoan, biết cân nhắc, lựa chọn và cầu nguyện tạ ơn (5,15-20). Đoạn thư Êphêxô hôm nay (5,15-20) làm nổi bật chủ đề sống khôn ngoan.
Trước hết, sống khôn ngoan là biết tận dụng thời gian hiện tại. Theo cái nhìn thần học của thánh Phaolô thì thời gian hiện tại là khoảng thời gian trước khi Chúa quang lâm (Rm 8,18; 13,11). Đây là thời gian được xem là vắn vỏi (1 Cr 7,29) và đầy những khó khăn, trắc trở (Ep 5,16). Biết sử dụng thời gian hiện tại là biết tận dụng mỗi phút giây hiện tại, những cơ hội mình đang có được để lo sao cho mình được cứu độ và đồng thời cũng giúp anh chị em cũng được cứu độ (Gl 6,10).
Hơn nữa, sống khôn ngoan còn là biết tìm hiểu xem đâu là ý Chúa và thấm nhuần Thần Khí. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng hóa ra ngu xuẩn khi không biết đâu là ý Chúa, đừng say sưa mà không nhận ra Thần Khí. Dưới cái nhìn thần học của Phaolô, những ai không nhận biết ý Chúa và không thấm nhuần Thần Khí đều là kẻ ngu xuẩn và say sưa. Đó không phải là cách sống khôn ngoan.
Sau cùng, sống khôn ngoan là biết chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Lời ngợi khen chúc tụng cao đẹp là lời ca do Thần Khí linh hứng, được dâng lên để cảm tạ Thiên Chúa, nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Sống khôn ngoan không chỉ là biết chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa mà còn là ngợi khen chúc tụng sao cho đúng cách: đó là, nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà ca hát chúc tụng Đức Giêsu Kitô là Chúa và nhờ Người dâng lên Thiên Chúa Cha lời cảm tạ.
Vậy, sống khôn ngoan, theo thư Êphêxô, là biết tận dụng thời gian hiện tại để được cứu độ, là tìm kiếm thánh ý Chúa và thấm nhuần Thần Khí, và là biết chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
3. Bài Tin Mừng
Nếu sống khôn ngoan theo sách Châm Ngôn là đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa để được sự sống, thì khôn ngoan theo lời Đức Giêsu trong diễn từ về bánh hằng sống là ăn thịt và uống máu Người để được sự sống đời đời. Chúa Giêsu nêu lên ba hiệu quả của việc đón nhận thịt và máu Người.
Thứ nhất, những ai ăn thịt và uống máu Người thì ngay ở đời này được liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, được ở lại trong Người, được sự sống từ Người. Và sự sống của Chúa Giêsu không phát xuất từ Người mà là từ Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự sống thần linh phát xuất từ Thiên Chúa Cha, và qua Chúa Giêsu, sự sống này được thông truyền cho những ai ăn thịt và uống máu Người. Sự sống thần linh này không chỉ là một lời hứa xa xôi mà đã được ban cho người lãnh nhận ngay từ đời này.
Thứ hai, những ai ăn thịt và uống máu Đức Giêsu thì được Người hứa ban sự sống đời đời. Sự sống thần linh phát xuất từ Thiên Chúa không chỉ được ban cho con người cách tạm bợ nơi trần gian này, mà còn là lời hứa chắc chắn cho cuộc sống đời đời. Quả vậy, thịt và máu Đức Giêsu không chỉ là lương thực thiêng liêng cho con người trong cuộc lữ hành trần thế, mà còn là bảo đảm cho con người sự sống viên mãn mai sau.
Thứ ba, thịt và máu Chúa Giêsu còn là bảo đảm cho cuộc phục sinh mai sau: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54). Sự phục sinh là cuộc chiến thắng và hiển trị của Chúa Giêsu trên sự chết. Một khi đón nhận thịt và máu Chúa Giêsu, con người được thông dự vào cuộc chiến thắng và vinh quang phục sinh với Người.
Chúa Giêsu khẳng định thịt Người thật là của ăn và máu Người thật là của uống. Thứ lương thực thần linh này phát xuất từ Thiên Chúa, và được ban qua Chúa Giêsu để những ai lãnh nhận thì không chỉ được thông dự vào sự sống thần linh ở đời này, được bảo đảm cho cuộc sống mai sau mà còn được hiển trị cùng Chúa Giêsu trong cuộc phục sinh của Người. Đó thật là cách sống khôn ngoan mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho con người.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1/ Đức Khôn Ngoan mở tiệc mời những người ngây thơ và những kẻ ngu si và thết đãi bằng chính giáo huấn của Ngài để những ai đón nhận thì được sự sống. Tôi có sẵn sàng nhận mình là người ngây thơ hay kẻ ngu si để được Đức Khôn Ngoan mời dự tiệc lời Ngài? Tôi có sẵn lòng để cho lời Chúa trở thành lời khôn ngoan hướng dẫn cuộc đời tôi?
2/ Sống khôn ngoan, theo thư Êphêxô, là biết tận dụng thời gian hiện tại để được cứu độ, là tìm kiếm thánh ý Chúa và thấm nhuần Thần Khí, và là biết chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Tôi có muốn sống khôn ngoan theo tiêu chuẩn của thư Êphêxô? Tôi có biết tận dụng thời gian hiện tại để được cứu độ? Tôi có tìm kiếm thánh ý Chúa và để cho Thánh Thần hướng dẫn đời mình? Tôi có biết ngợi khen Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, trong Chúa Thánh Thần?
3/ Chúa Giêsu vạch ra con đường khôn ngoan dẫn đến sự sống không chỉ ở đời này, đời sau mà còn bảo đảm cho cuộc phục sinh mai hậu. Tôi có xác tín thịt và máu Chúa Giêsu thật sự là lương thực thần linh cho tôi ở đời này và cuộc sống vĩnh cửu mai sau? Tôi đã đón nhận thịt và máu Chúa Giêsu thế nào để nên lương thực thật sự cho cuộc đời tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương tái sinh chúng ta qua Bí tích Rửa tội, và còn tận tình nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời của Người và Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và khiêm tốn dâng lời cầu xin:
1. “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn khao khát kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và biết dọn mình xứng đáng mỗi khi đón rước Chúa.
2. “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho con người trong thế giới hôm nay, đang khi miệt mài với những tiện nghi và của ăn trần thế, cũng thao thức tìm kiếm sự sống đích thực nơi Thiên Chúa.
3. Thánh Thể là dấu chỉ của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những nơi đang xảy ra tranh chấp, chia rẽ, bất hòa ở trên thế giới; để những ai có trách nhiệm liên quan luôn biết hành động khôn ngoan theo tiếng Chúa và tiếng lương tâm thúc giục.
4. “Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức những ân huệ Chúa ban, và sống tâm tình tạ ơn bằng cách trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người theo gương Chúa Giêsu.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa đã quy tụ và không ngừng nuôi dưỡng chúng con trong Hội Thánh Chúa. Xin nhận lời chúng con tha thiết cầu xin và giúp chúng con luôn biết thể hiện sự khôn ngoan của con cái Chúa ở giữa thế gian. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


Chủ đề :
Bàn tiệc Chúa
"Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống"
(Ga 6,55)

Sợi chỉ đỏ :
Hai ý tưởng lớn của các bài đọc hôm nay là Bàn tiệc Mình Chúa và Bàn tiệc Khôn ngoan của Lời Chúa.
- Bài đọc I (Cn 9,1-6) : Đức Khôn Ngoan mời người ta đến dự tiệc
- Đáp ca (Tv 33) : Kêu mời học sự Khôn ngoan
- Tin Mừng (Ga 6,51-58) : Mình thánh Đức Kitô là lương thực

I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Chúng ta đói khát nhiều thứ, và chỉ có Chúa mới thỏa mãn được tất cả cho chúng ta. Thánh lễ chính là một bữa tiệc. Trong Thánh lễ, chúng ta được lắng nghe Lời Chúa, chúng ta được ăn Mình Thánh Chúa.
Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng tham dự Bàn tiệc Chúa.

II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta chưa thực sự tin rằng Mình Thánh Chúa là lương thực rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta.
- Chúng ta chưa thiết tha học hỏi sự khôn ngoan trong Lời Chúa.
- Chúng ta không siêng năng dự tiệc Thánh Lễ.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Cn 9,1-6)
Cựu Ước rất quý chuộng sự Khôn ngoan, đến nỗi đã nhân hình hóa sự Khôn ngoan như một Mệnh phụ hào phóng dọn một bữa tiệc thịnh soạn và kêu mời mọi người đến dự, tức là đế học hỏi sự khôn ngoan của mình.
Hình tượng về sự Khôn ngoan này sẽ được thực hiện bởi Đức Giêsu.

2. Đáp ca (Tv 33)
Thánh vịnh này quảng diễn tiếp bài đọc I về sự khôn ngoan : khôn ngoan thật là biết kính sợ Chúa.

3. Tin Mừng (Ga 6,51-58)
Tiếp tục bài giảng sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu hướng thính giả về bí tích Thánh Thể : Ngài nói rõ hơn về bánh ban sự sống, đó là Thịt và Máu Ngài : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời".
- Ở cuối đoạn tuần trước, Đức Giêsu đã nói rõ : "Bánh ta sẽ ban chính là thịt ta đây" (câu 51).
- Câu đó đã khiến những người do thái tranh luận với nhau. Sở dĩ họ tranh luận vì trong họ có người hiểu theo nghĩa đen (ăn thịt sống của Đức Giêsu), có người hiểu theo nghĩa bóng (tin vào Ngài).
- Phần Đức Giêsu, Ngài muốn hiểu theo nghĩa nào ? Thưa theo nghĩa đen. Bởi đó Đức Giêsu dùng những động từ rất mạnh và cụ thể. Động từ "ăn" nguyên gốc là Trôgô nghĩa là "nhai", lấy răng mà nhai một thức ăn nào đó. Và động từ trôgô này được lặp đi lặp lại nhiều lần (các câu 53-54). Tới câu 55 Ngài tuyên bố dứt khoát "Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống".
- Như thế là Đức Giêsu nói tới bí tích Thánh thể, trong đó Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người.
- Hiệu quả của việc rước lễ : "Ai ăn thịt Ta và uống máu ta thì có sự sống đời đời... thì ở trong ta và ta ở trong kẻ ấy".

4. Bài đọc II (Êp 5,15-20)
Đoạn thư này cũng trùng hợp với hai bài đọc Cựu Ước và Tin Mừng vì cũng đề cập đến sự khôn ngoan. Thánh Phaolô khuyên tín hữu đừng sống như kẻ khờ dại, mà hãy sống như người khôn ngoan. Theo ngài, khôn ngoan là
- biết tận dụng thời buổi hiện tại
- biết tìm hiểu đâu là thánh ý Chúa

IV. Gợi ý giảng
Theo tạp chí Times, gần đây có nhiều vụ tự tử trong giới doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Saysi, 40 tuổi mạnh khỏe, là quản lý của công ty bảo hiểm Taiho, ông có đủ điều kiện để sống hạnh phúc, an khang. Nhưng vào tháng 11-97 ông Saysi đã nhảy lầu tự vẫn vì công ty mẹ là Yematri bị phá sản. Cũng trong thời gian này, một quan chức trong Bộ tài chánh và hai viên chức khác thuộc công ty xã hội Nhật cũng kết liễu đời mình khi bị kết án có dính líu đến tham nhũng.
Theo thống kê của cục cảnh sát Nhật Bản năm 1996 có đến 23.000 người Nhật tự tử, gấp hai lần số người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó 3025 người tự tử vì thất bại về kinh tế. Các nhà tâm lý giải thích cho những người mất việc rằng : "Thất nghiệp là chuyện bình thường trong cuộc sống. Hơn nữa, trong cuộc sống còn có một cái gì khác hơn việc làm".
*
Trong cuộc hành trình tìm về quê trời, người tín hữu Kitô còn phải tìm kiếm một điều gì khác hơn là công việc, tiền của, danh vọng và chức quyền.
Chúng ta luôn được nhắc nhở : "Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian" (x.Ga.15,19). Đừng gắn bó với của cải chóng qua nhưng hãy tìm kiếm những giá trị trường tồn. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Tấm bánh được trao ban cho nhân loại : "Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga.6,51).
Tấm Bánh ấy không chỉ là bí tích Thánh Thể mà còn là Tấm Bánh Lời Chúa. Hiến chế về Phụng vụ quả quyết : "Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo hội" (Pv.7). Đức Giêsu vẫn trao cho ta sức sống của Người chính là Tấm Bánh Lời Chúa : "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt.4,4).
Hiến chế Tín lý Mạc khải số 21 viết : "Giáo hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy Bánh ban Sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu".
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa, trước khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực cần thiết cho cuộc sống đời đời.
Mọi tín hữu đều biết ích lợi vô song của Bí tích Thánh thể, nhưng lại dễ dàng bỏ qua việc rước lễ, chưa kể là thiếu chuẩn bị, thiếu sốt sắng và thiếu thân tình.
Mọi tín hữu đều biết Lời Chúa là cần thiết, nhưng lại ít quan tâm suy niệm và sống Lời Chúa.
Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn Độ có nói : "Tôi sẵn sàng trở thành một Kitô hữu, nếu tôi thấy những người Kitô hữu thực thi Tám mối phúc thật".
*
Lạy Đức Giêsu, xin cho Lời Chúa luôn tỏa sáng lối đường chúng con đi. Xin cho Mình Thánh Chúa là lương thực hàng ngày cho chúng con. Xin dạy chúng con cũng trở nên tấm bánh được bẻ ra cho anh chị em. Xin giúp chúng con không chỉ lắng nghe mà còn biết thực thi lời Chúa ; không chỉ yêu mến, mà còn biết sống Lời Ngài ; không chỉ tuyên xưng, mà còn biết thực hành đức tin. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 2. Chỗ trong bàn tiệc
Một thương gia giàu có kia sống chung với con trai và con dâu mình. Người con trai rất thương người nghèo, hay làm việc thiện nguyện trong những tổ chức giúp đỡ người nghèo, và cũng thường bố thí cho người nghèo. Ít lâu sau vợ chồng người con trai sinh được đứa con đầu lòng. Ông thương gia rất mừng và định tổ chức một bữa tiệc mừng rất lớn.
Người con hỏi người cha : "Cha định sắp xếp chỗ ngồi cho khách thế nào ? Có phải là để những người giàu ngồi những bàn trên còn những người nghèo ngồi những bàn gần cửa không ?" Người Cha xác nhận đúng như thế. Người con mới xin : "Vì đây là bữa tiệc mừng đứa con của con, nên xin Cha hãy chìu ý con mà đảo ngược lại, nghĩa là hãy đề những người nghèo ngồi bàn trên và những người giàu ngồi bàn dưới". Người Cha đáp : "Con ơi, khó mà thay đổi thế giới được. Này nhé con hãy suy nghĩ thử xem : Những người nghèo đến dự tiệc là để ăn, còn những người giàu đến đây không phải để ăn mà để được vinh dự. Vậy nếu ta xếp những người nghèo ở bàn trên thì họ phải cố gắng giữ tư thế cho đàng hoàng, không dám ăn uống tự nhiên, cho nên dù có ăn họ cũng ăn không ngon. Thà để họ ngồi các bàn dưới thì họ sẽ thoải mái hơn và muốn ăn uống thế nào và bao nhiêu tuỳ thích. Còn những người giàu đến đây thực ra không cần ăn, vì họ đã ăn uống đầy đủ ở nhà rồi. Xếp họ ngồi các bàn dưới thì họ sẽ buồn ; cho nên xếp họ ngồi bàn trên thì hợp ý họ hơn".
Nghe người cha giải thích như vậy, người con thấy hợp lý và không nài nỉ nữa.
Câu chuyện trên không có ý dạy ta coi trọng người giàu và coi nhẹ người nghèo, nhưng muốn giúp ta so sánh với Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc. Nhưng bàn tiệc này khác với những bàn tiệc của loài người ở chỗ là mọi người đều được mời, bất kể họ giàu hay nghèo. Những chỗ ngồi trong bàn tiệc Thánh Thể cũng bình đẳng như nhau, không ai cao mà cũng không ai thấp. Tất cả chúng ta đến dự tiệc Thánh Thể đều là những người nghèo về mặt thiêng liêng, cho nên đến đây tất cả chúng ta đều được ăn uống no nê. Chẳng những thế tất cả chúng ta còn được vinh dự vì được tham dự bàn tiệc của Thiên Chúa. Và hơn nữa những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia xẻ một thức ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. (Viết theo Flor McCarthy)

3. Chuyện minh họa
Mẹ Têrêxa Calcutta có một quy luật là khi một thiếu nữ nào đến xin nhập Dòng thì ngay ngày hôm sau sẽ được gửi tới Nhà Lâm Chung (nơi chăm sóc những người sắp chết).
Một hôm, có một thiếu nữ đến xin nhập Dòng. Theo thông lệ, Mẹ Têrêxa gửi chị này đến Nhà Lâm Chung. Mẹ căn dặn : "Con đã thấy các Linh mục chạm đến Mình Thánh Chúa một cách cung kính và trìu mến thế nào. Bây giờ con hãy đến Nhà Lâm Chung và cũng hãy làm như thế, bởi vì Đức Giêsu trong Mình Thánh Chúa cũng là một với Đức Giêsu đang ở trong những người khốn khổ ấy".
Ba giờ sau, thiếu nữ trở về với một nụ cười rạng rỡ trên mặt. Cô trình với Mẹ Têrêxa : "Thưa Mẹ, con đã được chạm đến Mình Thánh Chúa suốt 3 giờ đồng hồ". "Sao ? Con đã làm gì ?" Mẹ Têrêxa hỏi. Cô đáp : "Khi con đến đấy thì người ta cũng vừa mang đến một ông bị rơi vào một cái cống và phải nằm trong đó một thời gian. Mình mẩy ông rất dơ bẩn và rất nhiều thương tích. Con đã rửa cho ông và lau các vết thương của ông. Đang lúc con làm thế, con biết là con đang chạm chính Mình Thánh Đức Kitô".

* 4. Lương thực thần linh
 "Có thực mới vực được đạo." Câu nói đó chắc chắn không áp dụng với người giáo dân tên là Têrêxa Niu Man, là người đã trải qua 36 năm trời không ăn uống gì mà vẫn sống và giữ đạo sốt sắng. Têrêxa sinh ngày 8 tháng 4, 1898, trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo miền Bắc Baveria của nước Đức. Người dân trong làng Cổ Môn Trường gồm gần 1,000 người, hầu hết sống bằng nghề nông. Gia đình của Têrêxa rất nghèo như phần đông các gia đình trong làng. Học xong tiểu học, Têrêxa 14 tuổi và em là Maria 13 tuổi, đi làm thuê cho những điền chủ ở các làng lân cận để có tiền giúp đỡ cha mẹ. Công việc nặng nhọc nhưng Têrêxa không ngại vì bản tính vốn ưa thích việc đồng ruộng và chăm sóc súc vật. Giống như mấy em gái của nàng, Têrêxa cũng có những chàng trai để ý ngắm nghía, nhưng nàng đã có mơ ước riêng. Từ nhỏ nàng đã mơ ước là một nữ tu truyền giáo ở Phi Châu và đã nhiều lần liên lạc với các tu sĩ truyền giáo Dòng Biển Đức. Nhưng Thiên Chúa đã an bài một hướng truyền giáo khác cho Têrêxa.
 Ngày 13 tháng 11, 1925, Têrêxa bị đau ruột dư dữ dội, cơn sốt cao khủng khiếp. Bác sĩ chăm sóc cho nàng đề nghị một cuộc giải phẫu tức khắc tại một bệnh viện gần đó. Mẹ nàng khóc hết nước mắt. Cha sở Ngô Biên (Nobert) có mặt. Têrêxa xin cha Biên đặt thánh tích của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên chỗ đau và chính nàng cầu xin : "Lạy thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chỉ có Ngài mới có thể chữa con lành bệnh, Ngài đã chữa lành con nhiều lần rồi. Con không xin Ngài vì con nhưng vì mẹ con."
 Đáp lại thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã cho nàng lập tức khỏi bệnh. Cùng với mẹ nàng đến nhà thờ tạ ơn Chúa trước sự ngỡ ngàng của mọi người có mặt. Nhưng trước đó thánh nhân đã nói cho Têrêxa Niu Man biết rằng : Sự tuân phục và vui tươi chấp nhận đau khổ của con làm ta rất hài lòng. Để mọi người nhận thức đây là một biến cố phi thường, con sẽ không cần phải trải qua cuộc giải phẫu và hãy mau mau tạ ơn Chúa. Con sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn nữa, nhưng đừng sợ điều gì, cả những đau khổ trong nội tâm. Chỉ có cách này con mới cứu được các linh hồn. Con phải từ bỏ mình nhiều hơn, nhưng hãy luôn sống trong sạch, đơn sơ như hiện nay.
 Quả thật, không đầy bốn tháng sau, Têrêxa cảm thấy mệt mỏi phải nằm giường cả hơn tháng trời cho tới lễ Phục Sinh. Đêm thứ năm ngày 4 tháng 3 khi nằm nghỉ trên giường, nàng chợt thấy trong một thị kiến, Đức Giêsu đang quì cầu nguyện ở vườn cây dầu và thấy các môn đệ đang ngủ. Nàng cảm thấy dấy lên nơi tâm hồn niềm thương cảm vô biên đối với Đấng Cứu Chuộc. Cùng lúc Đức Giêsu nhìn chằm chặp vào nàng. Nàng cảm thấy đau đớn tột độ ở gần nơi trái tim đến nỗi có thể chết được. Khi tỉnh lại, Têrêxa thấy ở cạnh sườn bên trái của nàng một vết thương, máu rỉ ra cho đến ngày hôm sau. Nàng băng vết thương lại để mọi người không thấy và nói với em gái ở chung phòng với nàng là nàng bị phỏng.
 Một tuần lễ sau cũng vào giờ đó Têrêxa lại thấy Đức Giêsu trong vườn cây dầu, và sau đó cảnh Ngài bị đánh bằng roi. Tuần lễ sau nữa, nàng chứng kiến cảnh Chúa đội mão gai. Mỗi lần như thế, vết thương cạnh sườn nàng chảy máu chan hoà đến ngày hôm sau. Ngày thứ sáu 26 tháng 3, Têrêxa thấy Chúa vác thánh giá và té ngã dưới sức nặng. Khi tỉnh lại nàng thấy một vết thương hiện lên nơi bàn tay trái của nàng, không cách chi che giấu được. Khi mẹ nàng hỏi tại sao bị thương như thế, Têrêxa trả lời rằng vết thương ấy đã xuất hiện cách tự nhiên. Trong đêm thứ năm tuần thánh, tức ngày 1 tháng 4, lần đầu tiên Têrêxa được mục kích trọn đường thánh giá từ vườn cây dầu tới đỉnh núi Sọ và cái chết của Chúa trên thập giá.
 Sau đó những vết thương khác xuất hiện thêm trên tay mặt và hai chân của nàng. Cha sở Ngô Biên được mời đến. Cha vội đến nói với một linh mục khác và cha đã ghi như sau trong nhật ký của cha : " Têrêxa nằm đó như một vị tử đạo, cặp mắt nàng đầy máu và hai giọt máu chảy xuống má nàng. Gương mặt nàng nhợt nhạt như một người chết. Đến 3 giờ chiều, giờ chết của Đấng Cứu Chuộc, nàng phải chịu những cơn đau khủng khiếp đến chết đi được. Sau đó, nàng trở nên yên lặng hoàn toàn. Cha sở bị đánh động mạnh trước biến cố. Các dấu thánh ấy đồng thời khiến cha mẹ và cả gia đình của Têrêxa sầu khổ tột độ.
 Ngày 4 tháng 4 là Chúa Nhật Phục Sinh, Têrêxa được thấy Đấng Cứu Chuộc Phục Sinh. Nàng cảm thấy khoẻ khoắn trong người để có thể ra khỏi giường.
 Ban đầu gia đình Têrêxa nghi ngờ về những dấu lạ này nên cố gắng chữa trị cho Têrêxa. Nhưng càng chạy chữa, xức thuốc và băng bó, những vết thương ấy càng lở loét và gây thêm đau nhức. Têrêxa lấy làm lạ về hiện tượng đó nên thỉnh ý thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu và được Ngài cho biết là không nên chữa trị những vết thương đó. Chúng không làm độc và chỉ mở ra mỗi thứ sáu.
 Tháng 11 cùng năm đó, giữa hai ngày 18 và 19, tức thứ năm và thứ sáu, trong khi Têrêxa nhận được thị kiến về Đức Giêsu chịu đội mão gai, người ta thấy xuất hiện 3 vết máu trên chiếc khăn màu trắng nàng đội trên đầu. Khi cất khăn đi người ta thấy đầu nàng ướt sũng máu và rất đau đớn. Tuần kế tiếp có 8 vết máu trên đầu nàng. Những vết ấy sẽ ở mãi trên đầu nàng.
 Từ lễ Giáng Sinh 1926, Têrêxa kinh nghiệm một sự thay đổi đột ngột là ngưng hẳn việc ăn uống. Hằng ngày sau khi rước lễ nàng chỉ dùng vài giọt nước để giúp nàng nuốt trôi Mình Thánh Chúa. Nhưng cha sở Ngô Biên chứng thực rằng sau tháng 9, 1927, nàng không cần những giọt nước này nữa.
 Từ đó trở đi, trong 36 năm liền, Têrêxa sống mà không cần ăn uống gì cả. Mình Thánh Chúa là thức ăn duy nhất của nàng. Cha Ngô Biên, người đã cho Têrêxa rước lễ mỗi ngày cho đến khi nàng chết, đã ghi trong nhật ký của ngài rằng Têrêxa thường nói với mọi người là nàng sống nhờ vào Đấng Cứu Chuộc. Và cha còn thêm rằng nơi Têrêxa thực đã ứng nghiệm lời tuyên bố của Đức Giêsu khi nói : "Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống."
 Câu chuyện vừa kể minh họa lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay là "Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy" (c.56). Câu chuyện cho thấy Chúa ở lại một cách lạ lùng : (1) Chúa ở lại và tỏ lộ quyền năng của Người nơi một giáo dân chỉ cần chịu lễ mà thôi… không cần ăn uống gì khác trong suốt thời gian 36 năm, mà vẫn mạnh khỏe ! (2) Chúa còn ở lại và cho người ấy dự phần vào cuộc thương khó của Chúa cả nơi thân xác lẫn nơi nội tâm người đó. (3) Mục tiêu nhắm tới là : "Con đừng sợ đau khổ, kể cả đau khổ nội tâm. Chỉ có cách đó, con mới cứu được các linh hồn. Con phải từ bỏ mình nhiều hơn, phải luôn sống trong sạch và đơn sơ như hiện nay" - mục tiêu ấy được tiết lộ qua trung gian thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu trong một thị kiến.
 Nhân vật trong câu chuyện có thực, vì ta biết rõ lý lịch. Sự kiện mà người đó chịu lễ và không ăn uống gì khác suốt 36 năm, cũng như sự kiện về năm dấu thánh nơi thân xác người đó với những đau đớn người đó phải chịu các ngày thứ sáu, những hiện tượng đó đã được kiểm chứng đầy đủ do các bác sĩ có thẩm quyền của Toà Thánh và của giáo phận Ratisbon của Đức Quốc. Đồng thời, vụ án phong chân phước cho bà Têrêxa Niu Man đang được xúc tiến.
 Chẳng ai buộc người Kitô phải tin vào ơn mạc khải riêng bao giờ. Nhưng mọi Kitô hữu đều phải bén nhạy đối với những việc Chúa làm nơi thọ tạo. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã nói : "Tôi là bánh từ Trời xuống, bánh Tôi sẽ ban tặng chính là thịt và máu Tôi. Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời". Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :

1. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các giáo sĩ, tu sĩ các giáo dân trong Hội thánh / biết sốt sắng tham dự thánh lễ và siêng năng Rửa tội / để luôn sống hiệp thông với Đức Giêsu và với nhau.
3. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các dân tộc / được ơn khôn ngoan sáng suốt để chọn đường lối tốt đẹp nhất mà phục vụ cho đồng bào mình.
2. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chưa biết Đức Giêsu Kitô / được sớm nhận ra Người chính là Đường, là sự Thật và là Sự Sống của mọi người.
4. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng ta / ngày càng hiểu biết hơn tầm quan trọng của bí tích thánh thể trong cuộc sống hằng ngày của mỗi Kitô hữu.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, xin cho mỗi người chúng con hiểu biết rằng, chỉ nhờ sức sống của Chúa ban cho trong bí tích Thánh Thể, chúng con mới có thể sống yêu thương và phục vụ tốt cho gia đình và xã hội. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh lễ
- Trước lúc rước lễ : Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng : "Đây là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời"

VII. Giải tán
Chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta tham dự Thánh lễ này, vì nhờ đó chúng ta được nghe những Lời khôn ngoan của Chúa và được rước lấy Mình Thánh Ngài. Ước gì Lời Chúa và Mình Chúa giúp chúng ta sống thật tốt suốt tuần này.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XX Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 16 Tháng 8, 2015
Đức Giêsu, Bánh Hằng Sống
Ga 6:51-58


Chúng ta hãy cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể tuôn tràn ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con. 
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những mục tử của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.

1.  Bài Đọc

a)  Tin Mừng:
51 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng:  "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".  52 Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"  53 Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. 54 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. 55 Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống.56 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. 57 Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. 58 Đây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.

2.  Suy Gẫm

a)  Một vài câu hỏi gợi ý:

-  Ta là bánh hằng sống…  Đức Giêsu, mình và máu, bánh và rượu.  Những lời này làm nên một sự thay đổi trên bàn thờ, như thánh Augustinô đã nói:  “Nếu bạn cất đi những lời ấy, bạn chỉ còn lại bánh và rượu; thêm vào các lời ấy vào và nó trở nên một cái gì khác.  Cái gì khác này là mình và máu Đức Kitô.  Bỏ những chữ này đi, bạn chỉ còn lại bánh và rượu; thêm những chữ này vào và chúng trở thành nhiệm tích”.  Lời của Chúa đối với tôi quan trọng như thế nào?  Nếu lời được tuyên bố trên xác thịt tôi thì nó có thể nào khiến tôi trở thành bánh cho thế gian không?

b)  Chúng ta hãy bước vào bài Tin Mừng:

Câu 51:  “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".  Tin Mừng theo Gioan không kể lại việc thành lập Bí Tích Thánh Thể, mà là ý nghĩa của nó được giả định trong đời sống của cộng đoàn Kitô hữu.  Biểu tượng việc rửa chân và giới răn mới (Ga 13:1-35) hướng về việc bẻ bánh và rượu được rót.  Nội dung về thần học thì tương tự như trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.  Tuy nhiên, nghi lễ truyền thống của Gioan có thể được tìm thấy trong “bài giảng về nhiệm tích Thánh Thể” theo sau phép lạ bánh hóa nhiều (Ga 6:26-65).  Văn bản này làm nổi bật ý nghĩa sâu xa về sự hiện diện của Chúa Kitô cho thế gian, một ân sủng về nguồn gốc sự sống và dẫn đến sự hiệp thông sâu sắc trong giới răn mới cho những người gia nhập.  Việc nhắc đến phép lạ xưa kia về bánh manna giải thích biểu tượng lễ vượt qua nơi mà ý tưởng về cái chết được đề cập đến và bị khắc phục bởi sự sống:  “Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết.  Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết” (Ga 6:49-50).  Bánh bởi trời (xem Es 16; Ga 6:31-32) theo nghĩa bóng hoặc trong thực tế không mang ý nghĩa nhiều cho cá nhân như cho cộng đoàn các tín hữu, ngay cả khi mọi người được kêu gọi tham dự để cùng chia sẻ của ăn được ban cho tất cả mọi người.  Bất cứ ai ăn bánh hằng sống sẽ không bị chết:  Thức ăn của sự mặc khải là nơi mà sự sống không bao giờ kết thúc.  Từ việc bánh, Gioan tiếp tục dùng một biểu hiện khác để chỉ về thân thể: Sàrx.  Trong Kinh Thánh, chữ này bao hàm ý nghĩa một phàm nhân trong thực tại mong manh và yếu đuối của mình trước Thiên Chúa, và trong Tin Mừng Gioan, nó bao hàm ý nghĩa con người thực của Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm (Ga 1:14a):  bánh được xác định với chính thịt của Chúa Giêsu.  Ở đây không phải là một vấn đề về bánh ẩn dụ, đó là về sự mặc khải của Đức Kitô trong thế gian, mà là về bánh Thánh Thể.  Trong sự mặc khải, đó là bánh ban sự sống được xác định với con người của Đức Giêsu (Ga 6:35), là món quà ân sủng của Chúa Cha (động từ ban cho được dùng ở thì hiện tai, câu 32), bánh Thánh Thể, đó chính là thân thể của Chúa Giêsu sẽ được ban phát bởi Người qua cái chết trên thập giá được miêu tả trước trong việc truyền phép bánh và rượu tại bữa tiệc ly:  “và bánh Ta sẽ ban tặng chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51).      

Câu 52: Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"  Ở đây bắt đầu câu chuyện của lối suy nghĩ dừng lại ở ngưỡng cửa của vật thể và việc có thể trông thấy được và không dám lấn qua bức màn của sự mầu nhiệm.  Đây là một sự chướng tai gai mắt cho những kẻ tin mà không tin…  của những kẻ giả vờ biết mà không biết.  Thịt để ăn: việc cử hành lễ Vượt Qua, nghi thức lưu niên sẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, một bữa tiệc vì Thiên Chúa và một lễ tưởng niệm (xem Es 12:14), mang ý nghĩa là Chúa Kitô.  Lời mời của Đức Giêsu để làm những gì Người đã làm để “tưởng nhớ” về Người, song song với những lời của ông Môisen khi ông đặt luật quy định cho lễ hồi tưởng ngày vượt qua: “Các ngươi phải lấy ngày này làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa.  Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này” (Xh 12:14), Bây giờ, chúng ta biết rằng đối với người Do Thái việc cử hành ngày Lễ Vượt Qua không chỉ là một sự tưởng nhớ về một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, mà nó cũng là một nghi thức, theo ý nghĩa là Thiên Chúa đã sẵn sàng để ban phát lần nữa ơn cứu độ cần thiết cho dân của Người trong những hoàn cảnh mới và khác nhau. Do đó, quá khứ đã xâm nhập vào hiện tại, dấy men bằng quyền năng cứu rỗi của nó.  Trong cùng một cách hy lễ Thánh Thể “sẽ có thể” ban cho hằng thế kỷ đời sau “thịt để ăn”.

Câu 53:  Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi.  Phúc Âm Gioan, cũng như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, dùng các sự diễn đạt khác nhau khi nói về việc Chúa Giêsu hiến mình trong cái chết, không muốn truyền đạt riêng rẽ từng phần như thế, mà là toàn cả con người đã cho tặng: Sự hữu hình được sinh động hóa của Chúa Kitô Phục Sinh, hoàn toàn tràn ngập bởi Chúa Thánh Thần trong biến cố mầu nhiệm của Lễ Vượt Qua, sẽ trở thành nguồn gốc sự sống cho tất cả các tín hữu, đặc biệt là qua Bí Tích Thánh Thể, liên kết chặt chẽ mỗi người với Đức Kitô vinh hiển ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và làm cho mỗi người dự phần vào đời sống thiêng liêng của chính mình.  Gioan không đề cập đến bánh và rượu, nhưng lại trực tiếp nói đến những gì được biểu thị:  thịt để ăn bởi vì Đức Kitô hiện diện để nuôi dưỡng và máu để uống – một hành động báng bổ đối với người Do Thái – bởi vì Đức Kitô là chiên hiến tế. Nhân vật phụng vụ hiến tế hiển nhiên ở đây:  Chúa Giêsu khẳng định trên thực tế về thịt và máu đề cập đến cái chết của Người, bởi vì trong hành động hiến tế vật hy sinh thì thịt bị tách rời khỏi máu.    
      
Câu 54:  Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.  Lễ Vượt Qua được cử hành bởi Chúa Giêsu, người Do Thái, và bởi các Kitô hữu tiên khởi tạo nên một linh hồn mới:  về sự phục sinh của Đức Kitô, cuộc ra đi cuối cùng của sự tự do đầy đủ và hoàn hảo (Ga 19:31-37), trong Bí Tích Thánh Thể có sự tưởng niệm mới, biểu tượng Bánh của sự sống đã duy trì suốt cuộc hành trình trong sa mạc, hy tế và sự hiện diện duy trì dân của Thiên Chúa, Giáo Hội, đã vượt qua vùng nước tái sinh, sẽ không mệt mỏi về việc làm lễ tưởng nhớ, như Người đã nói, (Lc 22:19; 1Cr 11:24) cho đến ngày Lễ Vượt Qua đời đời.  Được thu hút và thấm nhập bởi sự hiện diện của Ngôi Lời làm người, các Kitô hữu sẽ sống ngày Lễ Vượt Qua của họ trong suốt dòng lịch sử, chuyến vượt qua từ sự nô lệ cho tội lỗi đến sự tự do làm con cái Thiên Chúa.  Trong việc noi gương Đức Kitô, họ sẽ có thể loan truyền các kỳ công tuyệt vời đáng ngưỡng mộ của Người, việc ban phát phép Thánh Thể hữu hình của Người:  của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa trong cách thức thờ phượng xứng hợp (Rm 12:1) giúp ích cho dân chúng vì vinh quang của Người, là dân riêng của Thiên Chúa, là hàng tư tế vương giả (xem 1 Pr 2:9).      

Các câu 55-56:  Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống.  Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.  Lời hứa này về sự sống của Đức Kitô ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của các tín hữu:  “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6:56).  Sự hiệp thông của sự sống mà Chúa Giêsu có với Chúa Cha thì được ban cho tất cả những ai ăn thịt hy tế của Đức Kitô.  Điều này không phải để được hiểu như là sự nhượng bộ kỳ diệu về của ăn bí tích tự động ban sự sống đời đời cho những ai ăn thịt ấy.  Ân sủng của mình và máu này cần sự giải thích để làm cho nó dễ hiểu và cung cấp sự hiểu biết cần thiết về việc làm của Thiên Chúa, nó cần đức tin về phần của những kẻ đã dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể, và nó cần tác động của Thiên Chúa trước, đó là Chúa Thánh Linh, không có Người thì không có sự lắng nghe hoặc đức tin.            

Câu 57:  Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta.  Sự nhấn mạnh không được đặt ở sự tôn kính như tột đỉnh và là nền tảng của tình yêu, mà vào sự hiệp nhất của thể cách Đức Kitô hằng sống và hoạt động trong cộng đoàn.  Không có nghi thức phụng vụ mà không có sự sống.  “Một Bí Tích Thánh Thể không có tình huynh đệ thì bằng như tự lên án, bởi vì thân thể Đức Kitô, là cộng đoàn, bị xem thường”. Thật vậy, trong phần phụng vụ Thánh Thể, lịch sử ơn cứu độ của quá khứ, hiện tại và tương lai tìm thấy một biểu tượng hữu hiệu cho cộng đoàn Kitô hữu, biểu lộ nhưng không bao giờ thay thế cho những kinh nghiệm đức tin mà luôn phải hiện diện trong lich sử.  Qua Bữa Tiệc Ly và Thập Giá không thể tách rời, dân Thiên Chúa đã bước vào những lời hứa xưa, miền đất thực sự vượt biển, vượt sông, vượt sa mạc, miền đất của sữa và mật ong, của khả năng tự do vâng phục.  Tất cả các dự tính xưa được tìm thấy trong giờ này (xem Ga 17:1) sự viên mãn của chúng; từ lời hứa với tổ phụ Abraham (St 17:1-8) đến bữa Lễ Vượt Qua của thời kỳ Lưu Đày (Xh 12:1-51).  Đây là thời điểm quyết định tập họp lại toàn bộ lịch sử của dân riêng (xem GL 4) và Bí Tích Thánh Thể đầu tiên cao quý nhất được cử hành về giao ước mới thì được ban bởi Chúa Cha: sự hoàn thành có kết quả của tất cả các kỳ vọng trên bàn tế lễ thập giá.   

Câu 58:  Đây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".  Khi Đức Giêsu công bố những lời:  “Đây là mình Ta” và “Đây là máu Ta”, Người thiết lập một mối quan hệ đích thực và khách quan giữa những nguyên tố vật chất và mầu nhiệm về cái chết của Người, điều mà tìm thấy sự vinh quang của nó trong sự sống lại.  Đây là những lời sáng tạo về một tình thế mới với các nguyên tố phổ biến trong kinh nghiệm của con người, những lời sẽ và luôn luôn nhận thực được sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Kitô hằng sống.  Các nguyên tố được lựa chọn có mục đích phải là biểu tượng và khí cụ cùng một lúc.  Nguyên tố bánh, bởi vì sự tương quan của nó với sự sống tự nó có một ý nghĩa cánh chung (xem Lc 14:15), dễ dàng được xem như là một thức ăn không thể thiếu và phương tiện chung của sự chia sẻ.  Nguyên tố rượu, bởi vì sự tượng trưng tự nhiên của nó, bao hàm sự viên mãn của sự sống và sự phấn khởi của lòng người (xem Tv 103:15).  Trong quan điểm hiện sinh Semite, sự hữu hiệu của hệ thống các phép lạ bị xem là chuyện đương nhiên.  Nó tạo ra những nét đặc thù để có thể thấu hiểu những nhiệm tích bằng đức tin khi mà các giác quan không thể nhận ra được.  Bằng cách đề cập đến sa mạc và bánh manna, điều này khác với lễ “Vượt Qua”, vật chất và phép lạ hợp cùng với nhau, nhưng nhục dục, đến từ xác thịt, biến đổi phép lạ trở thành vật thể, trong khi lòng ước muốn, đến từ tinh thần, biến đổi vật thể trở thành phép lạ” (P. Beauchamp, L’uno e l’altro testament, ấn bản Paideia, Brescia, trang 54).  Thực ra, bánh manna bởi trời đến từ Thiên Chúa trong dạng thức vô hình và vì thế thiếu đặc tính.  Việc thiếu bằng chứng này được thấy cách rõ ràng trong từ nguyên của chữ “manna”:  “Cái gì đây?” (Xh 16:15).  Điều này nói cái gì đây, một tên hầu như không có ý nghĩa gì, một phép lạ và không phải là một vật thể, một phép lạ được ký kết.  Nó được chứng minh tại thời điểm nó biến mất, bởi vì người ta cố gắng khắc phục những gì biến mất, dự trữ bánh manna để không phải lo thiếu thức ăn.  Đây là giá phải trả cho những gì biến mất theo các giác quan.  Sự xen kẽ là thời gian ở sa mạc.  Manna là bánh mà tuân theo lề luật của Đấng ban nó.  Lề luật, mà bánh manna biểu thị, là tất cả mong đợi từ Người:  Điều đòi hỏi là lòng tin.  Bởi vì không có thực thể, bánh manna tạo ra lòng ước muốn cho sự hỗ trợ vững chắc hơn; nhưng ở nơi được gọi là “ngôi mộ tham lam”, thiếu thốn phép lạ, mang đến sự chết chóc (Ds 11:34).  Trong sa mạc điều thôi thúc người ta tiếp tục với lòng tự tin là điều trông thấy bánh manna như là một phép lạ hay như một vật tự nó mà có và vì thế mà hoặc là tin hoặc là chết.  
     
c)  Chúng ta hãy suy niệm: 
                                                                                     

Chúa Giêsu hoàn thành lễ Vượt Qua thực sự của lịch sử nhân loại:  “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.  Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.  Nên trong bữa ăn…” (Ga 13:1).  Vượt qua:  lễ Vượt Qua mới chính là sự vượt qua khỏi thế gian này của Đức Kitô về cùng Chúa Cha qua máu hiến tế hy sinh của Người.  Bí tích Thánh Thể là sự tưởng niệm, bánh của sa mạc và sự hiện diện cứu rỗi, giao ước của lòng trung tín và sự hiệp thông được viết trong con người của Ngôi Lời.  Lịch sử cứu độ cho dân tộc Israel được tạo bởi những biến cố, tên và địa điểm, đưa đến một sự phản ảnh đức tin qua kinh nghiệm của cuộc sống làm cho danh Đức Gia-Vê không chỉ là một tên trong số rất nhiều tên mà là Danh duy nhất.  Tất cả mọi việc bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ, một sự kiện đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại chuyển thành một giao ước liên đới, cũ và mới. Biển cả của sự vội vàng là biên giới cuối cùng của chế độ nô lệ và đàng sau đó là giải đất của sự tự do.  Trong ngôi mộ ngập nước này thi thể cũ của dân tộc Israel được đặt yên nghỉ và một dân tộc Israel tự do và mới mẻ sống dậy.  Đây là nơi mà danh phận dân Israel được khai sinh.  Mỗi lần đoạn Tin Mừng này đi qua biển tái sinh thì được gợi lại hơn chỉ là một biến cố lịch sử được ghi nhớ, biến cố mang tính cách cánh chung sẽ phát sinh, có khả năng làm sự viên mãn Thiên Chúa trở thành hiện tại, nhiệm tích về sự trung tín của Thiên Chúa khởi xướng ngày nay cho các thế hệ mới, trong niềm kỳ vọng về sự giải thoát cuối cùng mà Chúa sẽ ban cho.  Đó là sự kinh ngạc của một người trong đêm trước lễ Vượt Qua tìm thấy căn tính sâu sắc cá biệt của họ và cũng như của một dân tộc, trong đêm trước khi Con Một Thiên Chúa hằng sống hiến cả thân mình dưới hình thức bánh và rượu.

3.  Cầu Nguyện

Thánh Vịnh 116

Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho?
Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA.

Lời khấn nguyền với CHÚA, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.
Đối với CHÚA thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.

Vâng lạy CHÚA, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA.
Lời khấn nguyền với CHÚA, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người,
tại khuôn viên đền CHÚA, giữa lòng ngươi, hỡi Giêrusalem!

4. Chiêm Niệm

Lạy Chúa, khi chúng con nghĩ đến Chúa, chúng con không gợi nhớ lại những biến cố đã xảy ra và đã được hoàn thành từ lâu lắm rồi, nhưng chúng con đến gặp gỡ Chúa trong sự hiện diện thực sự và sống động của Chúa, chúng con thấy sự chuyển động liên tục của Chúa giữa chúng con.  Chúa can thiệp vào trong đời sống chúng con để khôi phục lại chúng con cho giống hình ảnh Chúa, để chúng con không thể bị biến dạng bởi những hòn đá của lề luật, mà chúng con có thể tìm thấy sự thể hiện đầy đủ nhất trong thánh nhan của Chúa là Chúa Cha, được mặc khải trong luôn mặt của người phàm, Đức Giêsu, lời hứa về lòng trung tín và tình yêu cho đến chết.  Không cần thiết phải bước ra khỏi sự hiện hữu thông thường để được gặp Chúa bởi vì sự chăm sóc mà Chúa lo cho các tạo vật của Người mở ra về những việc của loài người chúng con như một cuốn sách trong phạm trù của kinh nghiệm.  Lạy Chúa, Đấng tác tạo nên trời và đất, thật sự ẩn mình trong các trang sử, và mặc dù lúc đầu che khuất và ẩn mặt, Chúa đã cho chúng con được gặp gỡ Chúa trong sự siêu nhiên của Chúa, điều mà không bao giờ thiếu trong các sự việc bình thường.  Khi việc suy gẫm của chúng con về đời sống mang lại cho chúng con việc thừa nhận về sự hiện diện khắp nơi của Chúa, cuộc gặp gỡ này chỉ có thể được tán dương, ca tụng, diễn tả bằng những biểu tượng thiêng liêng, làm sống lại tưng bừng trong niềm hân hoan lớn lao.  Vì thế, chúng con không chỉ đến với Chúa, mà như là dân tộc của sự giao ước.  Điều kỳ diệu của sự hiện diện của Chúa là luôn luôn nhưng không:  trong các thành viên của Giáo Hội, nơi có hai hoặc ba người tụ họp nhau lại trong danh của Đức Giêsu (Mt 18:20), trong những trang của Kinh Thánh, trong những buổi rao giảng Tin Mừng, trong những người nghèo khó và đau khổ (Mt 25:40), trong các hoạt động bí tích của các linh mục. Nhưng chính trong hy lễ thánh thể sự hiện diện của Chúa mới trở nên thực sự; trong Mình và Máu Thánh có đầy đủ bản thể con người và thiên tính của Chúa Phục Sinh, thực sự hiện diện.    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét