CHÚA NHẬT
03/11/2013
Chúa Nhật 31 Quanh
Năm Năm C
(phần I)
Bài Ðọc I: Kn 11, 23 - 12, 2
"Chúa thương
xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật".
Trích
sách Khôn Ngoan.
Lạy
Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương
sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có
thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn
sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã
tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.
Nếu
Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không
kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì
chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.
Ôi
lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào!
Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo
những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14
Ðáp: Lạy Chúa, lạy
Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời
(x.
c. 1).
Xướng:
1) Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh
Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh
Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
2)
Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi
loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. -
Ðáp.
3)
Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài
hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao
quyền năng của Ngài.- Ðáp.
4)
Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài
làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng
lên. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: 2 Tx 1, 11 - 2, 2
"Danh Chúa được
vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh
em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái
thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng
quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công
việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển
trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa,
Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
Anh
em thân mến, nhân về ngày trở lại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự
chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị
giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao
giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày
Chúa gần đến.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Ga 14, 5
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai
đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 19, 1-10
"Con Người đến
tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là
Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để
nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông
quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn
xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.
Khi
vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng:
"Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà
ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy,
liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".
Ông
Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của
cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp
bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi
người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa
điều gì đã hư mất".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Nhờ lòng thương của Ðức Giêsu
Sắp
hết năm Phụng vụ, chúng ta đọc thư Thessalonica để bắt đầu suy nghĩ về thế mạt.
Ðừng tưởng làm như vậy sẽ cản trở sinh hoạt hiện nay. Ngược lại suy nghĩ về thế
mạt theo Kitô giáo có thể giúp chúng ta đổi mới được các sinh hoạt hiện tại,
làm cho đời sống thêm tích cực và phấn khởi hơn. Bởi vì thế mạt theo Kitô giáo
không phải là làm cho thế giới này tan biến đi và đi đến chỗ mạt vận; nhưng là
thế giới này sẽ chuyển biến và thay đổi hoàn toàn để giũ bỏ hết mọi hư ảo và mặc
lấy các đặc tính trường sinh.
Thế
mạt như vậy cũng có nghĩa là đổi đời. Và quan niệm này luôn luôn là một cám dỗ.
Con người không bằng lòng với hiện tại và muốn đổi khác. Tựu trung chúng ta muốn
đổi những gì để được hạnh phúc hơn? Ðiều quan trọng nhất, há chẳng phải là
chúng ta không muốn thấy sự dữ và kẻ dữ ở đời này nữa sao? Nhưng làm thế nào?
Chúng ta hãy nghe câu trả lời của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay.
1. Thiên Chúa Yêu
Thương Mọi Loài
Bài
sách Khôn Ngoan lập tức như muốn đi ngược lại khuynh hướng và suy nghĩ tự nhiên
của loài người chúng ta. Luôn luôn chúng ta nghĩ rằng thế giới này xấu vì có những
kẻ dữ. Làm cho bọn này biến đi, chúng ta được hạnh phúc. Âm thầm chúng ta đã tự
đặt mình sang phía những kẻ lành, và ước ao phía kẻ dữ không còn bóng dáng một
tên nào nữa... và chúng ta thường ấm ức vì không hiểu sao Thiên Chúa cứ để bọn
này sống ngang nhiên như vậy?
Tác
giả Khôn Ngoan đọc thấy cái tâm lý này trong suy nghĩ của con cái Israel ở bên
Ai Cập. Họ ghét cay ghét đắng những người cai thầu và đốc công, tay sai của
Pharaon. Họ sung sướng khi thấy một chàng thanh niên có tên là Môsê thẳng tay hạ
sát một tên Ai Cập để bênh vực một người Do Thái. Câu chuyện đó đã xảy ra lâu rồi...
nhưng đột nhiên bây giờ Môsê lại xuất hiện. Ông nói với con cái Israel hãy chuẩn
bị ra khỏi xứ nô lệ này. Và ông đi đi lại lại đến với vua Pharaon để thương lượng
việc giải phóng dân ông, vừa phấn khởi nhưng cũng vừa ấm ức... Tại sao chậm chạp
như vậy? Tại sao không dùng các biện pháp mạnh và quyết liệt? Chúa của Môsê dường
như không dứt khoát đủ? Sao Người không cho quyền Môsê làm những dấu lạ điềm
thiêng mau lẹ đi? Sao Người còn nương tay với Pharaon và bè lũ?
Con
cái Israel đã nóng ruột. Chúng ta thường cũng nóng ruột, chỉ muốn đổi đời tức
khắc, chỉ muốn kẻ dữ phải chết tươi, ăn năn tội chẳng kịp. Nhưng Chúa thì lại
khác. Tác giả sách Khôn Ngoan hôm nay mạc khải cho chúng ta thấy tâm tư của Người.
Không phải Người yếu đâu, vì toàn thể vũ trụ trước mặt Người như hạt sương rơi
trên đất. Nào ai cự được cánh tay của Người. Nhưng chính vì toàn năng phép tắc
mà Người lại thương xót người ta vô cùng. Chỉ có người yếu mới sốt ruột thủ
tiêu người mình không ưa, không thích. Còn người có khả năng thì dễ dàng làm lơ
chờ đợi chúng hối cải.
Tuy
nhiên đó chỉ là một lý. Còn một lẽ nữa, có thể quan trọng hơn. Thiên Chúa là tạo
hóa, Người dựng lên mọi sự vì yêu mến. Chính tình thương của Người ban cho mọi
loài được hiện hữu và bảo tồn mọi loài trong hiện hữu... Không gì xuất hiện và
tồn tại được nếu Người không muốn và không thương. Thế nên kẻ dữ còn đó là vì
tình thương của Thiên Chúa. Người không muốn ghét bỏ những gì Người đã nắn ra.
Người yêu sự sống chứ không thích sự chết. Làm cho mọi vật sống là bản tính tự
nhiên của Người. Còn tiêu diệt vật nào là việc Người chẳng thích. Bởi vậy, thái
độ của Người có vẻ thong thả. Dần dà Người muốn sửa dạy mọi kẻ sa ngã để chúng
trở lại mà được sống.
Tác
giả sách Khôn Ngoan không những đã lý luận như thế. Ông còn chấp nhận luận lý ấy
đến nỗi muốn chia sẻ tâm tư của Thiên Chúa. Ông đã không lý luận như chúng ta vừa
làm; nhưng đã cầu nguyện để hiểu ý Chúa và muốn như Người... Tức là ông cũng muốn
chúng ta, thay vì nhìn vào kẻ dữ như những cái gai trước mắt và như nguyên nhân
cản trở hạnh phúc của chúng ta, hãy nhìn vào Thiên Chúa và thờ lạy cầu xin Người.
Chúng ta sẽ hiểu Người hơn và chia sẻ tâm tư của Người. Người toàn năng nên
không coi thái độ của kẻ dữ là quan trọng. Ưu vị của Người làm ngơ đi trước tội
của họ, chờ đợi họ trở lại. Nhất là Người đầy tình thương. Người đã dựng nên vạn
vật vì yêu mến. Người không nỡ ghét bỏ loài người đã tác thành. Hơn nữa, thần
trí của Người đang làm việc nơi vạn vật. Hãy để cho sức mạnh thánh hóa của thần
trí sửa dạy kẻ sa ngã và đưa họ về đường ngay...
Tác
giả sách Khôn Ngoan không thể nói rõ hơn vì ông chưa được thấy kế hoạch cứu độ
của Thiên Chúa tỏ hiện. Nhưng tâm tư của ông đã vượt xa cảm nghĩ của nhiều người
đã nhìn thấy ơn cứu độ. Ðiều này thật đáng suy nghĩ. Và vì thế chúng ta cần tìm
hiểu hơn về cách Chúa cứu độ để sửa sai nhiều thái độ hiện nay của mình. Bài
Tin Mừng chúng ta vừa nghe có khả năng giúp đỡ chúng ta làm việc này.
2. Thiên Chúa Cứu Ðộ Tội
Nhân
Câu
chuyện ông Zakkhê, ai mà không biết. Tác giả Luca đặt câu chuyện này vào ngay
sau lúc Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và sẽ
hoàn tất cho con người mọi điều các tiên tri đã viết". Như vậy câu chuyện
muốn nói lên mục đích của cuộc hành trình, tức cũng là việc Ðức Giêsu lên
Giêrusalem để chịu chết. Người đi chịu nạn để chuộc tội cứu thế. Câu chuyện ông
Zakkhê làm chứng điều này.
Quả
vậy, trước mặt người Do Thái, Zakkhê là một kẻ tội lỗi. Không tội lỗi như bọn
phóng túng đâu; nhưng đây còn là một tội nhân nguy hiểm. Zakkhê là ty trưởng
quan thuế ở một dân tộc bị ngoại bang thống trị. Và điều này có thể làm sống lại
một số kinh nghiệm cũ của chúng ta. Những người thu thuế cho hạng ngoại bang
làm sao không bị coi là những tên hại dân hại nước! Huống nữa Zakkhê là ty trưởng
quan thuế.
Và
chế độ thuế má ở Giêricô bấy giờ mới thật đáng ghét! Ðể thu được nhiều tiền,
nhà cầm quyền Rôma cho đấu thầu việc thu thuế. Và dĩ nhiên những kẻ giàu có mới
có khả năng đấu thầu. Và đấu thầu được, họ tha hồ bắt dân phải chịu sưu cao thuế
nặng. Có như vậy họ mới gỡ được vốn và mới có thể làm giàu thêm. Dân không thể
nào không coi những ông bao thầu này bất nhân được. Nhất là ở Israel; làm tay
sai cho ngoại bang không những là hại dân hại nước, mà còn là hại đạo nữa. Kẻ bất
nhân trong việc thu thuế vừa bán nước vừa là giáo gian. Ðó là tội nhân công
khai, trắng trợn và nguy hiểm.
Zakkhê
có thật sự như vậy không? Ðiều đó không cần biết. Chỉ có điều chắc chắn là người
Do Thái nào cũng coi ông như vậy. Hay ít ra trước mặt công luận, ông bị coi như
thế.
Hôm
ấy Zakkhê nghe tin Ðức Giêsu đi ngang qua Giêricô. Tò mò ông muốn thấy Người...
nhưng ông lại nhỏ con chẳng sao nhìn được Người vì thiên hạ bu đầy xung quanh
Người. Chỉ còn một cách: Phải tìm chỗ đứng trên cao nhìn xuống... Chẳng có nhà
lầu nào ở gần. Hơn nữa, trèo lên một thân cây có lẽ đỡ phiền phức hơn. Zakkhê
đã làm như thế. Nhưng này Chúa đã gọi ông: "Zakkhê, xuống mau, vì hôm nay
Ta phải lưu lại nhà ngươi".
Làm
sao có thể xảy ra như thế? Người mà lại vào ngụ nhờ nhà một người tội lỗi sao?
Thiên hạ thì kinh ngạc; còn Zakkhê thì chỉ biết vui mừng. Ông về dọn nhà, dọn
bàn... và nhất là dọn những câu nói chân thật nhất để diễn tả lòng cảm mến đối
với một ơn bất ngờ như vậy: "Này, ông nói, nửa phần của cải, thưa Ngài,
tôi xin bố thí cho kẻ khó và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp
bốn".
Ðó
là phản ứng của một con người quyết tâm đổi đời. Trước đây ông muốn vơ vén nhiều
của, bây giờ ông muốn tung ra; trước đây ông có gian lận, thì bây giờ ông xin đền
bù quá mức pháp luật đòi hỏi. Quả thật ông đã nhận được ơn cứu độ. Và Ðức Giêsu
chỉ còn cần phải tuyên bố: "người này cũng là con cái của Abraham".
Nghĩa là không ai còn được kỳ thị, gạt bỏ một con người như thế nữa. Không còn
được coi người ấy như lương dân hay như tay sai của ngoại bang nữa. Người ấy
không còn là tội nhân, nhưng đã trở thành con cái của Abraham, con cái của Lời
Hứa, con cái của Nước Trời. Và sở dĩ như vậy vì Con Người đến để tìm cứu sự đã
hư đi.
Ðã
đành, Zakkhê cũng có công... ông đã muốn xem thấy Chúa và đã trèo lên cây cao, và
nhất là ông đã thành tâm trở lại. Nhưng nếu Chúa đã không nhìn và gọi ông, nếu
Người không đoái ngụ lại nhà ông, thì đã chẳng có câu chuyện hôm nay. Tất cả đều
do Chúa, nhờ lòng thương của Người và bởi sáng kiến của Người. Ðó mới thật là ý
tưởng mà tác giả Luca muốn trình bày với chúng ta.
Ðức
Giêsu đã đến để tìm cứu kẻ có tội: Người là ơn cứu độ Thiên Chúa gửi đến cho
loài người. Người thực hiện những điều mà sách Khôn Ngoan đã viết. Tác giả sách
này chỉ biết rằng: Thiên Chúa vì toàn năng và nhân ái sẽ làm cho tội nhân trở lại.
Nhưng thế nào và nhờ ai, thì chúng ta phải chờ đến khi thấy Ðức Giêsu xuất hiện
và cương quyết đi lên Giêrusalem để làm công việc cứu thế... Hôm nay Người đã
làm cho Zakkhê trở lại đang khi Người lên Giêrusalem để chúng ta thấy trước mục
đích của việc Người sẽ chịu nạn và sống lại.
Chúng
ta ngày nay đã có đức tin và tuyên xưng Ðức Giêsu là cứu thế. Chúng ta phải làm
gì để ơn cứu độ của Người có ảnh hưởng đổi đời một cách sâu rộng? Vì như đã nói
trên, muốn đổi đời không phải là muốn tiêu diệt kẻ dữ, nhưng phải mong họ trở lại
ngay chính nhờ lòng thương của Thiên Chúa và hành động của Ðức Giêsu Kitô. Bài
thư Thessalonica hôm nay có thể giúp chúng ta nhiều ánh sáng quý báu.
3. Ðức Giêsu Phải Ðược
Hiển Vinh Nơi Chúng Ta
Xét
theo một khía cạnh, giáo đoàn Thessalonia thời bấy giờ đã cảm nghĩ như chúng ta
ngày nay trong nhiều lúc. Họ thấy đời không đáng sống bao nhiêu. Quá nhiều buồn
chán. Và nhất là quá nhiều bất công. Họ ước ao ngày của Chúa đến để phân biệt
lành dữ phải trái. Nhiều người đã lợi dụng cái tâm lý ấy... Họ tuyên truyền và
làm cho người ta tưởng: ngày của Chúa đã đến!
Phaolô
phải viết thư để tín hữu của Người khỏi bị phỉnh gạt. Những lời cuối cùng trong
đoạn trích hôm nay gạt bỏ ý tưởng cho rằng ngày của Chúa đã đến. Ðôi khi chúng
ta cũng nên đọc kỹ lại những lời này để khỏi bị giao động vì những tin có mạc
khải ở chỗ này, có lời sấm ở chỗ kia về ngày tận thế. Ngày ấy đến lúc nào, đến
Con Người cũng không biết, thì đừng ai phỏng đoán làm gì.
Nhưng
có một điều chắc chắn, chúng ta phải cố gắng để được hạnh phúc trong ngày ấy.
Và cho được như vậy, thánh Phaolô bảo phải cầu nguyện, xin Thiên Chúa khấng làm
cho chúng ta được xứng đáng với ơn Thiên triệu... Chỉ có Người mới cứu độ được
chúng ta, nhờ Ðức Giêsu Kitô như hai bài Kinh Thánh trên đây đã làm chứng.
Nhưng về phía mình, ít ra chúng ta cũng phải có những nỗ lực nào đó như Zakkhê.
Và ở đây thánh Phaolô nói, chúng ta phải làm cho Danh Ðức Giêsu được hiển vinh
nơi chúng ta và chúng ta ở nơi Người.
Chúng
ta hãy mượn lại câu chuyện Zakkhê để làm sáng tỏ lời khuyên của thánh Tông đồ.
Nhờ việc Ðức Giêsu đến ngụ nhờ nhà ông, mà ông đã đổi đời. Ông đã nhiệt tình tiếp
rước Người, nên ông đã lấy lại được danh tiếng. Ông được vinh hiển ở nơi Người
vì ông đã muốn Người vinh hiển nơi nhà ông. Nhà ông đón nhận ơn cứu độ, nên ông
đã trở thành con cái của Abraham.
Như
vậy chúng ta phải tôn vinh Ðức Giêsu ở nơi chúng ta để chúng ta được tôn vinh ở
nơi Người. Và muốn thế, thánh Phaolô nói chúng ta phải nhờ ơn Chúa làm cho viên
thành ý chí ngay lành và công việc của lòng tin. Chúng ta phải cầu xin quyền
năng của Thiên Chúa giúp mình thi hành các tư tưởng tốt và làm tốt các việc của
đời sống đức tin. Khi ấy đời sống chúng ta sẽ xứng đáng là đời sống của người
Kitô hữu. Ðức Kitô được hiển vinh nơi chúng ta, thì đồng thời và lập tức chúng
ta được hiển vinh ở nơi Người. Người ta sẽ thấy chúng ta là môn đệ Người. Và
khi ấy dù giờ vinh hiển cánh chung chưa đến, nhưng chúng ta cũng đã mang trong
mình đời sống vinh hiển của Thiên Chúa rồi.
Và
nếu chúng ta không những coi mình như con chiên của Chúa mà còn ý thức tất cả
chúng ta là dân riêng của Người để chúng ta cố gắng làm cho Người được vinh hiển
nơi cộng đoàn giáo xứ và Giáo hội chúng ta, thì xã hội loài người sẽ nhận thấy
Hội Thánh qua thật là thành trì của Thiên Chúa và là hạnh phúc bình an của các
dân tộc.
Chúng
ta có tất cả những yếu tố đó trong thánh lễ này. Ðức Giêsu sẽ đến và mang ơn cứu
độ đến cho nhà này là giáo đoàn chúng ta và linh hồn mỗi người. Chúng ta hãy
đón nhận Người như ông Zakkhê. Chúng ta hãy bắt chước ông quyết tâm đổi đời làm
vinh danh Chúa ở nơi chúng ta. Không những Chúa sẽ tuyên bố chúng ta là con cái
của Abraham và là dân thánh của Người; nhưng chính xã hội cũng sẽ nhận ra đời sống
mới nơi chúng ta để ca tụng Thiên Chúa và tin vào ơn cứu độ của Người.
Xin
cho chúng ta và cộng đoàn chúng ta hôm nay được những ơn như thế.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 31 Thường Niên, Năm C
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương tha thứ
của Thiên Chúa
Rất
nhiều người trong chúng ta không hiểu tại sao Giáo Hội không cho phép: ngừa
thai nhân tạo; phá thai cho dù thai nhi mang bệnh tật; giết người già hay người
bệnh dù họ phải chịu những chứng bệnh nan y; án tử hình dù tù nhân đã phạm những
tội tày đình hay giết người... Lý do đơn giản là Giáo Hội nhận ra quyền cho sống
là quyền của Thiên Chúa, chứ không phải quyền của con người. Thiên Chúa đã dựng
nên mọi sự, Ngài yêu thương và muốn bảo trì muôn loài, con người chỉ là tạo vật,
không ai có quyền hủy diệt loài người Thiên Chúa dựng nên.
Các
bài đọc hôm nay muốn nêu bật tình thương Thiên Chúa dành cho muôn loài, đặc biệt
tình thương tha thứ Ngài dành cho con người. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn
Ngoan nêu lên một chân lý quan trọng: “Của đau, con xót.” Vì Thiên Chúa đã dựng
nên muôn loài, nên Ngài yêu thương và lo lắng bảo vệ tất cả. Ngài không muốn
cho bất cứ ai phải hư đi; nhưng muốn họ ăn năn xám hối để được sống. Trong bài
đọc II, lẽ ra con người phải hư mất vì không biết xử dụng tự do của mình; nhưng
Thiên Chúa đã ban cho con người Đức Kitô để Ngài chuộc tội cho con người. Vì thế,
con người không nên lo lắng về Ngày Quang Lâm sẽ đến, vì đó là Ngày con người sẽ
được vinh quang cùng với Đức Kitô. Trong Phúc Âm, giữa một đám đông to lớn và hỗn
độn, Chúa Giêsu vẫn nhận ra một người thu thuế thấp bé và tội lỗi là Giakêu
đang đứng trên cây sung. Ngài muốn ở trọ tại nhà và mang ơn cứu độ cho ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thiên Chúa yêu thương mọi loài Ngài đã dựng nên.
1.1/
Thiên Chúa tạo dựng nên hết mọi loài.
Tác
giả Sách Khôn Ngoan muốn nêu bật những sự thật quan trọng mà con người cần biết:
(1)
Uy quyền của Thiên Chúa: Vũ
trụ tuy to lớn đối với con người như thế; nhưng chỉ là “hạt cát trên bàn cân”
hay “tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất.” Uy quyền của Thiên Chúa còn vượt xa
những gì con người có thể thấy, vì còn những thứ con người chưa thấy như những
sự trên Trời và những sự trong đáy vực sâu.
(2)
Lòng yêu thương của Thiên Chúa cho mọi loài: Thiên Chúa yêu thương mọi loài
hiện hữu và không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra. Nếu Thiên Chúa ghét
loài nào, thì Ngài đã chẳng dựng nên nó.
(3)
Sự quan phòng của Thiên Chúa: Không những Thiên Chúa tạo dựng, Ngài còn duy trì sự hiện hữu của
muôn loài bằng cách bảo vệ chúng nữa. Nếu Ngài không bảo vệ, làm sao một vật tồn
tại nổi? Nếu Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?
1.2/
Thiên Chúa cho kẻ có tội cơ hội được ăn năn trở lại.
Đối
với cha mẹ loài người, con nào cũng là con; đứa con nào càng mỏng giòn yếu đuối,
cha mẹ càng phải săn sóc và bảo vệ nhiều hơn. Nếu điều này đã đúng cho con người,
nó càng biểu tỏ cách rõ ràng hơn với Thiên Chúa. Ngài đã nhiều lần tuyên bố rất
rõ qua các ngôn sứ của Cựu Ước: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn
nó ăn năn xám hối để được sống,” hay qua chính Người Con của Ngài, “Người mạnh
khỏe không cần đến thầy thuốc, nhưng chỉ những kẻ đau yếu mới cần.
Nhiều
người không kiên nhẫn khi thấy những kẻ gian ác cứ sống phây phây trên sự khốn
khổ của người công chính, nên cầu xin Thiên Chúa sớm tiêu diệt bọn ác nhân đó.
Họ không hiểu tại sao Ngài để những kẻ gian ác ấy còn sống trên đời? Tác giả
Sách Khôn Ngoan trả lời: Đó là vì “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi
loài người, để họ biết ăn năn hối cải.”
Vẫn
có những người nghi ngờ làm sao những kẻ gian ác ấy có thể ăn năn trở lại. Họ
quên rằng chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Tác giả Sách Khôn Ngoan
mặc khải một điều quan trọng là “sinh khí bất diệt của Thiên Chúa đã ở trong
muôn loài muôn vật.” Vì thế, “những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh
cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.” Một
điều nữa chúng ta cần nhấn mạnh: tiến trình đưa con người về nẻo chính đường
ngay cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa, chứ không bắt đầu với con người.
2/
Bài đọc II: Danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em,
và anh em được tôn vinh nơi Người.
2.1/
Hãy sống xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa.
Nếu
chúng ta chịu khó ngồi xuống để suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa và ơn gọi làm
con của Ngài, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta mọi sự cần
thiết để đạt đến vinh quang Ngài đã tiền định: giao ước, Lề Luật, các nhà lãnh
đạo, các ngôn sứ... Món quà cao trọng hơn hết Thiên Chúa đã ban cho con người
là Đức Kitô, Người Con Một của Ngài, đã hy sinh chết vì tội lỗi của chúng ta để
chúng ta được cứu độ. Qua Đức Kitô, chúng ta còn được dồi dào ân sủng qua các
bí tích, sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và sự chỉ dạy của Giáo Hội.
Thánh
Phaolô cầu nguyện và kêu gọi các tín hữu Thessalonica hãy sống xứng đáng với ơn
gọi của mình; để danh Thiên Chúa và danh của Đức Kitô được tôn vinh và các tín
hữu cũng được tôn vinh nơi Người.
2.2/
Đừng hoảng hốt về Ngày của Thiên Chúa đến.
Trong
Thư I Thessalonica, thánh Phaolô nghĩ Ngày Quang Lâm của Thiên Chúa sắp đến,
nên Ngài kêu gọi các tín hữu hãy chuẩn bị khẩn trương cho Ngày ấy. Trong Thư II
Thessalonica, ngài sửa chữa quan điểm về Ngày Quang Lâm của Thiên Chúa. Ngài
khuyên các tín hữu đừng tin vào những tin đồn và cũng đừng hoảng sợ về Ngày
này, vì có nhiều tín hữu có những thái độ sai lầm trong khi chuẩn bị Ngày đó.
Có những người không làm lụng chi hết chỉ ngồi chờ Ngày đó đến, có những người
lại lợi dụng thời cơ để kiếm lợi lộc.
Theo
thánh Phaolô, Ngày này phải là Ngày vui mừng, vì chúng ta sẽ được gặp Thiên
Chúa và Đức Kitô. Những người đã chuẩn bị sẵn sàng sẽ không sợ hãi gì khi Ngày
này đến.
3/
Phúc Âm: Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.
3.1/
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu:
Ông
được mô tả bởi thánh sử Lucas không phải chỉ là người thu thuế như Matthew, mà
còn là người đứng đầu những người thu thuế tại Jericho, một vùng rất trù phú của
xứ Judah, rất gần thành Jerusalem. Tên của ông chứng tỏ ông là người Do-thái
hành nghề thu thuế. Đối với người Do-thái, những người thu thuế được xếp ngang
hàng với đĩ điếm, vì đã chạy theo đế quốc Rôma để bóc lột mồ hôi nước mắt của đồng
bào. Tất nhiên, ông là người giàu có.
Vì
tò mò, ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân
chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Những người lùn thường khôn vặt, ông liền chạy
tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
Tại thành phố Jericho hiện nay vẫn còn một cây sung rất to lớn, được vây quanh
kỹ lưỡng cho khách hành hương đến thăm viếng. Họ gọi đây là cây sung mà ông
Giakêu đã trèo lên để gặp Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu đã nhận ra ông giữa bao nhiêu người trong đám đông. Người đi bước trước để
bắt đầu tiến trình hòa giải với ông: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm
nay tôi phải ở lại nhà ông!"
3.2/
Ba phản ứng khác nhau của cuộc gặp gỡ:
(1)
Đám đông: Họ
xầm xì với nhau, "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" Đối với
người Do-thái, những người thu thuế và gái điếm được coi như là những người tội
lỗi công khai. Ai giao tiếp hay làm bạn với họ, cũng được coi là tội lỗi, huống
hồ đây là một thủ lãnh của những kẻ thu thuế! Họ quan niệm người thánh thiện
không thể làm bạn với hay vào nhà những người tội lỗi, phải tránh xa họ kẻo bị
lây nhiễm hay bị mang tiếng.
(2)
Ông Giakêu: Ông
không ngờ Chúa Giêsu không những chú ý tới ông giữa bao nhiêu người, Ngài còn gọi
đích danh ông, và ngỏ ý muốn đến nhà ông. Từ trước đến nay, mọi người Do-thái đều
nhìn ông với cặp mắt khinh bỉ, thế mà hôm nay, trước mặt bao nhiêu người, Chúa
Giêsu đã không đối xử với ông như thế, Ngài coi ông như một người bạn và muốn đến
nhà ông, điều không người Do-thái nào muốn làm. Vì thế, ông vội vàng tụt xuống,
và mừng rỡ đón rước Người.
Khi
nghe mọi người xầm xì và biết rõ mình là người tội lỗi, ông thưa với Chúa Giêsu
rằng: "Thưa Ngài, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu
tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Ông hứa phân phát
ngay phân nửa tài sản (động từ dùng ở thời hiện tại). Lề Luật chỉ buộc phải đền
trả của lấy bất công, nhưng ông xin đền trả gấp bốn.
Niềm
vui vì được Chúa tiếp nhận đã biến ông thành một con người mới: Từ trước tới
nay, ông chỉ lo tìm mọi cách để vơ vét của cải từ người khác; hôm nay, ông rộng
lượng vung tay phân phát của cải mình đã gom góp bấy lâu. Khi chấp nhận trở về,
ông can đảm từ giã nếp sống cũ và bắt đầu cuộc sống mới theo tiêu chuẩn của Tin
Mừng. Việc làm của ông có thể lấy đi tất cả những gì ông đang có; nhưng không
thể so sánh với niềm vui được Chúa Giêsu tha thứ và đến viếng thăm nhà ông.
(3)
Chúa Giêsu: Ngài
nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này
cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Chúa
Giêsu đến để đem ơn cứu độ cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một số người
được tuyển chọn. Tuy Chúa Giêsu nghe biết những lời dị nghị nhưng Ngài không
quan tâm tới. Chỉ một điều Ngài quan tâm là ông Giakêu và Ngài muốn đưa ông trở
về với Thiên Chúa.
Ngài
thương yêu tha thứ cho ông Giakêu trước khi ông làm những việc tốt, lý do của sự
tha thứ là vì mọi người đều là con cái của Ngài và là con cháu của tổ phụ
Abraham. Nhận ra tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, ông Giakêu được thúc đẩy để
đáp trả.
Mục
đích của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm và cứu những gì đã mất. Ngài đến
không để cứu những người công chính, vì họ không cần cứu; nhưng để cứu chữa các
tội nhân, họ là những con bệnh đang cần đến Ngài. Đúng ra, chẳng có ai là công
chính, mọi người đều là những tội nhân và đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Những ai tự xưng là công chính, họ đang bị đánh lừa và mất đi cơ hội được Thiên
Chúa tha thứ và ban ơn cứu độ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta có bổn phận gìn giữ và bảo vệ muôn loài Thiên Chúa đã dựng nên. Ngài dựng
nên tất cả cho con người xử dụng, chứ không phải để phá hủy và tiêu diệt cách bừa
bãi.
-
Chúng ta phải trân quí ơn cứu độ được mang đến cho con người qua Đức Kitô, và cố
gắng để đạt được và mang ơn cứu độ đến cho muôn người qua việc rao giảng Tin Mừng.
-
Noi gương Đức Kitô, chúng ta cũng phải có thái độ bao dung với các người tội lỗi
và tìm dịp đưa họ trở về, chứ không ghét bỏ, xua đuổi, hay kết án.
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
03/11/13 CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – C
Lc 19,1-10
Lc 19,1-10
CỨU NHỮNG GÌ BỊ HƯ MẤT
Ở Giêricô có một người tên là Dakêu. (Lc 19,2)
Suy niệm: Các nhà khảo cổ cho biết từ khoảng 9000 năm
trước công nguyên cho đến thời Chúa Giêsu, thành Giêricô, đã là một nơi thành
thị sầm uất. Từ xưa tới nay, hễ ở nơi nào có phố chợ đông đúc, buôn bán nhộn
nhịp, thì ở đó những người cô đơn, bị lãng quên, bị “ra rìa” lại nhiều hơn ở
bất cứ nơi nào khác. Giêricô cũng không ra ngoài quy luật này. “Dakêu ở
Giêricô” dù không nghèo đói, thất nghiệp, vô danh trong xã hội, nhưng ông nằm
trong số những người bị “dứt phép thông công,” không khác chi những người phong
cùi, đơn giản vì ông là “trùm” thu thuế. Tầm thước thấp lùn của ông lại càng
làm tăng vẻ lố bịch cho sự giàu có mà ông đang hưởng. Chúa Giêsu đã nhận ra ông
bị lạc loài giữa đám đông ấy; Ngài không phê chuẩn những việc làm phi pháp của
ông; nhưng Ngài đến nhà ông để ông được hoán cải vì Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).
Mời Bạn: Trong nhịp sống xô bồ này, nhất là ở
những nơi đô thị, còn nhiều lắm những con người khốn cùng bị mất hút trong đám
đông. Bạn có nhận ra ai trong cộng đoàn của bạn đang bị lãng quên không? Nhất
là bị lãng quên trong tội lỗi? Lòng khao khát của Dakêu được ánh mắt quan tâm
của Chúa Giêsu bắt gặp và được chuyển hoá thành hành vi hoán cải. Bạn có ý thức
rằng thái độ sẵn sàng, biết quan tâm tới tha nhân chính là cánh cửa mở rộng để
họ tìm đến Đức Kitô không?
Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc phục vụ cho một người trong
cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa hết lòng. Xin cho con biết quan tâm
phục vụ Chúa trong những người anh em bé mọn nhất ở quanh con.
Có một cái nhìn như thế
Nhiều đệ tử đang theo
học Thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ
thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.
Một đêm kia, Sengai đi
giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế
đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ
khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng
Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám
phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:
- Sáng sớm hôm nay trời
lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy?
Từ đó, người đệ tử ấy
không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành
người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.
Thiên Chúa không những
tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ
và yêu thương những con người tội lỗi.
Ông Giakêu là một trưởng
ty thuế vụ thành Giêricô, một người giàu có vì lạm thu bất chính. Ông bị liệt vào
số những kẻ tội lỗi, bị khai trừ và khinh bỉ. Chúa Giêsu không nhìn ông bằng
con mắt ấy, Người ngước nhìn ông đang ngồi trên cây sung; một cái nhìn nhân từ
như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầy chân tình và yêu thương ấy
đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.
Người nói với ông: “Này
Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Hạnh phúc quá bất
ngờ: Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người
không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ
nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao
vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Báctimê là
người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.
Vâng, chính đôi mắt tâm
hồn ông đã bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước
mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót
thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy cần chia sẻ và
trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài
sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi
xin đến gấp bốn”. Và Chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người: “Ơn cứu độ đã
đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Thật vậy ở đâu
có Chúa hiện diện là có ơn cứu độ, ở đâu có ơn cứu độ là có sự tha thứ. Ông
Giakêu đã được thứ tha để được nhận lại làm con cái Abraham, con cái của lòng
tin, con cái của Thiên Chúa.
Và chắc chắn, không ai
có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau
đó. Chắc chắn, ông Giakêu không còn giàu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh
phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã
cao thượng hơn gấp bội. Những người được Chúa “tìm đến và cứu chữa” bao giờ
cũng trổi vượt trong nhân cách và kiên vững trong lòng tin.
Lạy Chúa, có rất nhiều
người cần chúng con nhìn họ với cái nhìn của Chúa, có rất nhiều người mong
chúng con ghé thăm.
Xin cho chúng con một
tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Giakêu, để cả thế
giới này trở nên con cái Abraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.
Thiên
Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
3-11
Thánh Martin Người Nghèo
(1579-1639)
Hàng chữ thật lạnh lùng
"không có cha" được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ "con
lai" hay "vết tích cuộc chiến" là cái tên ác nghiệt mà những
người "thuần chủng" gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người
khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ còn
nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã
hội khinh miệt.
Ngài là đứa con bất hợp
pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Thánh
Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha ngài khó chịu, do
đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai,
ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng
của xã hội Lima.
Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho
theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách
lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết
chích thuốc.
Sau vài năm hành nghề,
Martin xin vào dòng Ða Minh làm "người giúp việc," vì ngài cảm thấy
không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện
và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài
khấn trọn. Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của
ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể
mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi
viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng.
Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề
"chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!"
Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, "Con chỉ là một
đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán
con đi để trả nợ."
Ngoài những công việc
hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho
ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực
sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết
cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái
của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và
ngay cả chuột bọ trong bếp.
Nhiều tu sĩ thời ấy coi
ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là "người nô lệ
nghèo hèn." Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài từ trần ngày
3-11-1639.
Lời Bàn
Kỳ thị chủng tộc là cái
tội mà hầu như không ai muốn thú nhận. Cũng như sự ô nhiễm, đó là "cái tội
của thế giới", là trách nhiệm của mọi người nhưng không ai muốn nhận lỗi.
Không ai xứng đáng là quan thầy của sự tha thứ và sự công bằng Kitô Giáo cho
bằng Thánh Martin của Người Nghèo.
Lời Trích
Trong buổi lễ phong
thánh (6-5-1962), Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã có lời nhận xét về Thánh Martin
như sau: "Ngài đã tha thứ lỗi lầm của người khác. Ngài đã quên đi những
xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng ngài đáng phải phạt vì những tội lỗi của
chính mình. Ngài cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm ấy; ngài an ủi bệnh nhân
một cách trìu mến; ngài cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho người
nghèo; ngài giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như những người mang hai
dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó ngài xứng đáng với cái tên mà
người ta thường gọi là 'Martin Nhân Hậu.'"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét