THỨ BA 05/11/2013
Bài
Ðọc I: (Năm I) Rm 12, 5-16
"Kẻ này là chi
thể của người kia".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, chúng ta tuy nhiều người, nhưng cũng chỉ là một thân thể trong Ðức
Kitô, và tương quan với mỗi người, kẻ này là chi thể của người kia. Nhưng chúng
ta được những ân huệ khác nhau tuỳ theo ân sủng đã ban cho chúng ta: nếu là ơn
nói tiên tri, thì hãy xử dụng sao cho xứng đối với đức tin; nếu là chức phận
giúp việc, thì hãy chuyên cần giúp việc; nếu là thầy dạy, hãy lo dạy dỗ; nếu là
khuyên bảo, hãy lo khuyên bảo; nếu là người phân phát, hãy có lòng chân thành;
nếu là người cai quản, hãy cần mẫn; nếu là kẻ thương giúp, hãy vui vẻ.
Ðức
ái không được giả hình. Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương
yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ: Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng
năng, chớ biếng nhác: hãy sốt mến trong tâm thần và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan
trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy
giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà. Hãy chúc phúc
cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ
vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự
cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Ðừng tự đắc cho mình là khôn.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin
giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng
con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những
việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2)
Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong
lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3)
Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
Hoặc:
Ðáp
Ca: Tv 21, 26b-27. 28-30a. 31-32
Ðáp: Lạy Chúa, bởi
Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Ðại hội (c. 26a).
Xướng: 1) Bởi Chúa mà lời
con ca ngợi vang lên trong Ðại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con,
trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm
kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: "Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời".
- Ðáp.
2)
Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể
bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất
sẽ tôn thờ duy một Chúa. - Ðáp.
3)
Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và
chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: "Ðiều đó Chúa đã
làm". - Ðáp.
Alleluia:
Tv 147, 12a và 15a
Alleluia,
alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần
ai. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 14, 15-24
"Anh hãy ra
ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Phúc cho kẻ sẽ được ăn
tiệc trong nước Thiên Chúa". Người phán cùng kẻ ấy rằng: "Có một người
kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy
tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng
mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: "Tôi mới tậu
một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu". Người
thứ hai nói: "Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin
ông cho tôi kiếu". Người khác lại rằng: "Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi
không thể đến được".
"Người
đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận,
bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm
thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt".
Người đầy tớ trở về trình rằng: "Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành,
thế mà hãy còn dư chỗ". Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy
ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho
các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của
tôi".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Lời Mời Dự Tiệc
Một
trong những hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đó là bữa tiệc.
Sách Cách Ngôn đã mô tả bữa tiệc của Ðấng Khôn Ngoan như một giá trị cứu rỗi.
Ngôn sứ Isaia nói đến một bữa tiệc Thiên Chúa dọn ra cho dân khi thời Cứu thế đến,
tất cả mọi người đều được mời đến dụ, không phân biệt ai. Ðó cũng là bữa tiệc
mà Chúa Giêsu dùng để nói về Vương Quốc của Ngài.
Tại
Palestina, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời
trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc
rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi
thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.
Thiên
Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho
Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm
tình chờ đợi. Nếu có các sách Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các
Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ
đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì kháck được mời lại từ chối.
Bàn
tiệc Nước Trời vẫn được dọn ra và khách được mời hôm nay không ai khác hơn là mỗi
người chúng ta. Bí tích Rửa tội là tấm thiệp cho phép chúng ta tham dự bàn tiệc
này. Nhưng khi giờ đã đến, chúng ta lại để mình bị lôi cuốn bởi của cải vật chất,
bởi thú vui trần thế, mà bỏ qua lời mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh.
Thiên
Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta. Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa
tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn,
chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu
trên Thiên quốc.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 31 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: Rom
12:5-16b; Lk 14:15-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy trung thành
trong ơn gọi của mình
Thiên
Chúa đặt mỗi người trong hoàn cảnh khác nhau và Ngài muốn họ trung thành với ơn
gọi của mình. Ai cũng có thể trở nên thánh thiện được trong sứ vụ và ơn gọi của
mình. Thánh Martinô có thể nói sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu: người da đen,
gia đình nghèo khổ, cha da trắng bỏ mẹ và hai anh em Martinô để chạy theo tiếng
gọi của quyền lực; nhưng Martinô đã không để hoàn cảnh chi phối biến mình thành
người bất chí, hận đời. Martinô đã biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để
tỏ tình yêu cho gia đình, cho những người nghèo khổ, cho những súc vật, cho anh
em trong Dòng, và cho tất cả những ai cần đến mình.
Các
Bài Đọc hôm nay cũng muốn nói lên con người cần trung thành với ơn gọi và sứ vụ
của mình. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhận ra mỗi tín hữu là một chi thể
trong một thân thể của Đức Kitô, được ban tặng ơn riêng khác nhau để chu toàn sứ
vụ của mình, và góp phần xây dựng cho toàn thân được lành mạnh. Điều quan trọng
là đừng so đo, phân bì hơn kém với người khác; nhưng biết khiêm nhường chu toàn
sứ vụ của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn về Bữa Tiệc, để
minh chứng ai không trung thành trong ơn gọi của mình sẽ không được dự tiệc,
cho dù đã được mời trước.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa
ban cho mỗi người.
1.1/
Mỗi người một ơn gọi và được ban các đặc sủng khác nhau: Trong Thư Rôma
cũng như Thư I Corintô, Phaolô dùng hình ảnh các chi thể của một thân thể để
nói lên sự khác biệt của mỗi cá nhân, nhưng được kêu gọi để hiệp nhất với nhau:
"Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi
người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể."
Con
người thường có thói quen phân bì để so sánh mình với những người chung quanh.
Hậu quả là khi thấy mình hơn người thì lên mặt kiêu căng, phách lối, và đối xử
không đúng với tha nhân; nhưng nếu thấy mình không bằng người thì dễ nản chí,
chán đời, và kêu trách Thiên Chúa. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải tránh cả
hai thái độ này, vì mỗi người "có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng
Thiên Chúa ban cho mỗi người."
1.2/
Điều quan trọng là phải trung thành trong ơn gọi của mình: Trong thân thể,
không có chi thể nào quan trọng hơn các chi thể khác trong cùng một thân thể, tất
cả đều cần cho thân thể hoạt động lành mạnh. Trong Giáo Hội cũng thế, không có
ơn gọi nào cao quí hơn ơn gọi nào, và cũng không có đặc sủng này cao quí hơn đặc
sủng kia; tất cả đều cần để xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô. Vì thế, thái độ
đúng đắn là chấp nhận hoàn cảnh và quà tặng Thiên Chúa ban, và cố gắng góp phần
trong việc xây dựng cho Nước Chúa và cho tha nhân với tình bác ái nồng nhiệt.
Thánh Phaolô nhấn mạnh hai điều quan trọng:
(1)
Phải có tình bác ái chân thành: "Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em
hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ,
coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng
mà phục vụ Chúa."
(2)
Phải có tinh thần khiêm nhường: "Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự
đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn
ngoan."
2/
Phúc Âm: Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
2.1/
Truyền thống và phong tục của người Do-Thái: Theo truyền thống, người
Do-Thái tin khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đãi dân một bữa tiệc (Isa 25:6-9).
Đó là lý do tại sao một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: "Phúc
thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!" Họ tin chỉ có những người
Do-Thái mới được dự bữa tiệc này mà thôi. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để dạy
họ một bài học: Nếu họ không sẵn sàng, họ có thể bị lọai ra ngòai để lấy chỗ
cho các dân tộc khác. Theo phong tục của người Do-Thái, buổi tiệc được phác họa
và khách dự tiệc được mời và đáp trả một thời gian lâu trước khi bữa tiệc xảy
ra, nhưng giờ dự tiệc chưa được loan báo. Khi ngày dự tiệc tới và mọi sự đã sẵn
sàng, chủ sai các đầy tớ đi triệu tập các khách đã nhận lời mời. Vì thế, khách
nào đã nhận lời nhưng từ chối không đến là một khinh thường cho chủ nhà.
2.2/
Những lý do xin kiếu:
(1)
Bận rộn chuyện làm ăn: Người
thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.”
Đây là lý do có lẽ phổ thông nhất của con người: xưa cũng như nay. Quá bận rộn
chuyện làm ăn khiến con người không còn thời giờ cho Thiên Chúa, và dần dần làm
con người quên đi mục đích của cuộc đời.
(2)
Quyến dũ của cuộc sống: Người
khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Những
vui thú của thế gian dễ cám dỗ con người chạy theo hơn là giữ những Lề Luật của
Thiên Chúa. Sau một tuần vất vả làm việc, những giải trí vui thú cuối tuần dễ
làm cho con người chiều theo hơn là phải đi tham dự Thánh Lễ. Một cuộc sống chiều
theo sở thích như thế sẽ làm con người dần dần đi trật đường.
(3)
Lo toan cho gia đình: Người
khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Cưới vợ là niềm vui lớn
nhất của con người. Theo Sách Đệ Nhị Luật, người mới cưới vợ có thể được miễn
trừ các bổn phận như quân dịch, làm ăn để ở nhà vui vẻ với vợ trong một năm (Dt
24:5). Tuy nhiên, ngay cả những miễn trừ này cũng không thể được dùng làm cớ
cho con người xao lãng bổn phận với Chúa, nhất là lời mời dự tiệc Nước Trời.
2.3/
Ý nghĩa của dụ ngôn: Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn để giải thích cho con người biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên
Chúa. Theo Mầu Nhiệm này, Thiên Chúa đã chọn và mời gọi dân Do-Thái ngay từ đầu
để tham dự Tiệc Cưới Nước Trời; nhưng vì họ từ chối không tham dự nên Tiệc Cưới
mở rộng đến mọi người: Dân Ngọai, những người thu thuế, và gái điếm… tất cả những
ai sẵn sàng tin vào Đức Kitô. Những nghĩa biểu tượng của các nhân vật trong dụ
ngôn có thể được nhận ra dễ dàng như sau:
- Chủ nhà: là Thiên Chúa.
- Các đầy tớ: là các ngôn sứ và
môn đệ của Chúa.
- Các khách kiếu không dự
tiệc: là
những người Do-Thái.
- Các người nghèo khó, tàn
tật, đui mù, què quặt: là
những người thu thuế và gái điếm.
- Các người đến từ các đường
xóm đường làng: là
tất cả các Dân Ngọai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Cuộc sống con người không thể bị gỉan lược vào những nhu cầu vật chất. Con người
cần biết dùng thời gian để học hỏi về Thiên Chúa và trau dồi những nhu cầu tâm
linh. Không biết hay biết sai sẽ thúc đẩy con người làm những quyết định sai
trong cuộc đời.
-
Kẻ được mời gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Cho dù chúng ta đã được mời,
nhưng nếu không chịu dùng thời giờ để học hỏi về Chúa, năng chịu các bí-tích để
lấy sức mạnh chiến đấu với ba thù, chúng ta sẽ dễ dàng đi trật đích và bị lọai
ra ngòai.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
TUẦN 31TN
Lc 14,15-24
A. Hạt giống...
Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng này là bữa
tiệc. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc là hình ảnh về hạnh phúc Thiên Chúa ban (x. Is
25,6 55,1-3 Xh 24,11 Kh 19).
Khi ấy Chúa Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều
người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh biệt phái đãi (x. Lc 14,1-14).
Bữa tiệc ấy khiến một trong những thực khách liên tưởng tới bữa tiệc thiên quốc
nên nói “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để trả lời cho người
ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó rằng được hưởng hạnh phúc trong
Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn. Nhưng Ngài đặt vấn đề : thực ra anh có
sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy không ?
Trong dụ ngôn, ông chủ đã mời rất nhiều người đến
dự tiệc, nhưng tất cả đều nhất loạt xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi
(“cho tôi xin kiếu”), người thứ ba chẳng buồn nói một lời lịch sự. Nghĩa là tất
cả mọi người đều không tha thiết với hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Hai người đầu
coi hạnh phúc ấy nhẹ hơn tiền của (đất, bò). Người thứ ba coi trọng hạnh phúc
hôn nhân hơn.
Vì loạt người được mời lần đầu (chỉ dân do thái)
đã từ chối dự tiệc, ông chủ mời loạt người khác. Đó là những người “nghèo khó,
tàn tật, đui mù, què quặt”. Họ tượng trưng cho lương dân. Như thế, dân do thái
dù được Thiên Chúa ưu tiên mời vào Nước Trời nhưng đã từ chối. Thế nhưng sự từ
chối của họ chẳng những không làm hỏng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái lại
còn thúc đẩy nhanh việc Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa, một dân mới đã
được mời vào thế chỗ cho dân do thái.
B.... nẩy mầm.
1. “Mọi sự đã sẵn sàng” (Omnia parata sunt) :
Hạnh phúc Nước Trời đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ
bàn được ông chủ trong dụ ngôn này chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo
Hội, bí tích, ơn Chúa v.v.). Nhưng tại sao nhiều người không đến dự tiệc ? Vì
họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ : một thửa đất mới mua (tài
sản), năm cặp bò mới tậu (việc làm ăn), một người vợ mới cưới (hạnh phúc nhân
loại). Những người đó không sai vì coi trọng những thứ vừa kể, nhưng sai vì coi
chúng trọng hơn Nước Trời. Chúa Giêsu đã dạy “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt
6,33)
2. Lý do khiến loạt khách mời thứ nhất từ chối
đến dự tiệc là vì họ đang có những thứ họ ham thích. Còn lý do khiến loạt khách
thứ hai đáp lời mau mắn (x. dụ ngôn song song được ghi trong Mt 22,1-10 :
“phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”) là vì họ đang không có gì cả, nói cho rõ
hơn, họ nghèo. Nghèo là tâm thế rất thích hợp để đón nhận Nước Trời.
3. Triết gia Socrates sống rất giản dị. Một ngày
kia ông ngắm nghía rất kỹ những món hàng đắt tiền được bày bán ngoài chợ. Thấy
thế một người lấy làm lạ nên hỏi. Ông giải thích : “Tôi ngạc nhiên vì không
hiểu tại sao người ta lại bán quá nhiều thứ mà tôi không cần đến như thế”
(Clifton Fadiman).
4. “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều
người. Người thứ nhất nói : tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; người
thứ hai nói : tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây... ; người khác nói
: tôi mới cưới vợ nên không thể đến được” (Lc 14,16-20)
Có câu chuyện về những người nằm chết khát trên một chiếc bè lênh đênh ngoài
khơi bờ biển Brazil. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi
là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi tống ra biển xa đến
hai dậm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết...
Đời là một bữa tiệc lớn. Tất cả những niềm vui –
nỗi buồn, cái thật - cái giả, ánh sáng - bóng tối... đều cống hiến cho bữa tiệc
ấy. Nhưng con người như bị thôi miên, cứ chọn cái buồn, cái giả, cứ chạy theo
bóng tối... nên rất nhiều người đang chết đói trên bàn tiệc, trong đó có bạn và
tôi...
Lạy Chúa, con đã phải nếm sự đau khổ vì cứ mê muội bám víu vào các tạo vật. Xin
cho con được ơn thức tỉnh thật sự. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
THEO ĐỨC KITÔ LÀ TỪ BỎ TẤT CẢ
“Ai trong anh em không từ bỏ hết
những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)
Suy niệm: Thật buồn cho người chủ tiệc, và cũng thật khó
hiểu và thật tiếc cho những khách được mời mà không đến. Những lý do họ đưa ra
để cáo từ cho là có thật đi nữa, thì cũng thể hiện rõ thái độ của họ coi thường
lời mời, và đúng hơn, coi thường chính vị chủ nhân của “bữa tiệc lớn” đã đối xử
trọng thị với họ như vậy. Việc “tẩy chay” bữa tiệc như thế chỉ có thể xuất phát
từ thái độ thù địch của họ đối với vị chủ tiệc này. Dù vậy, câu chuyện dụ ngôn
dẫn đến một kết thúc có hậu: những lời từ chối phũ phàng ấy lại mở ra cơ hội
cho những người “nghèo khó, đui mù, què quặt” được mời tham dự bữa đại yến, một diễm phúc mà
họ chẳng hề dám mơ tưởng đến bao giờ.
Mời Bạn: Câu chuyện dụ ngôn xưa cũng là bài học cho
chúng ta hôm nay. Lời mời đặt niềm tin nơi Đức Kitô để được tham dự bữa tiệc
vui của Cha trên trời, lời mời ấy được gửi tới mọi người trong gia đình nhân
loại, nhưng có rất nhiều người chưa nghe, hoặc đã nghe mà vẫn từ chối. Thậm chí
nhiều người tín hữu vẫn dựa vào một ngàn lẻ một lý do để chối từ đến Nhà Chúa
tham dự Thánh lễ, là bàn tiệc được dọn ra cho chúng ta mỗi ngày: bàn tiệc Lời
Chúa, bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc của Chúa đã sẵn. Mời bạn đến tham dự, đừng vì
lý do gì mà từ chối nhé!
Sống Lời Chúa: Nhìn
lại một lần nào đó bạn đã từ chối lời mời gọi của Chúa và xét xem: Bạn đã nại
lý do gì để từ chối? Lý do đó có phải là một cớ để che đậy việc bạn thiếu sự
trân trọng, thiếu lòng yêu mến Chúa hay không?
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
CHỦ BỊ Ế MẶT
Đầy
tớ nói: “Thưa ông lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ. Ông chủ bảo người đầy
tớ: Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta.
Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự
tiệc của tôi.” (Lc. 14, 22-24)
Một
người đồng bàn nghe Đức Giêsu nói về ngày sống lại của những người công chính
liền bình luận: “Phúc thay cho ai được dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Kẻ ấy chắc
chắn được cứu độ và được hưởng hạnh phúc. Để lay chuyển quan niệm sai lầm về định
mệnh vững chắc của họ, như thường lệ, Đức Giêsu dùng một câu chuyện tiếp tục
liên quan đến một bữa tiệc lớn để đem áp dụng vào tiệc nước trời.
Khách
từ chối vinh dự.
Quý
khách đã được giấy mời dự đại tiệc và chủ biết ai sẽ đến. Trước bữa tiệc, như
thường lệ, chủ sai đầy tớ đi mời lần nữa: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”. Quý
khách đã nhận lời trước, đến phút chót lại từ chối, làm chủ nhục nhã ế mặt quá.
Những lời từ chối cho chủ thấy rõ: Họ quan tâm đến công việc của họ hơn đến dự
tiệc với chủ mời. Xin kiếu vì mới mua thửa đất, mới tậu bò, mới cưới vợ.
Tất
cả mọi người Ít-ra-en đều được Thiên Chúa mời dự tiệc nước trời. Bây giờ, Đức
Giêsu đến mời lần chót. Cần phải ăn năn sám hối trở về vì đây là ngày cứu độ.
Biệt phái từ chối lời mời của Người vì họ lo việc riêng của họ, quay mặt đi chỗ
khác không lưu tâm đến Thiên Chúa. Họ phỉ báng và kiêu ngạo từ chối quà tặng
vinh quang của Thiên Chúa.
Tặng
ban cho những người bất hạnh.
Ông
chủ lúc đó sai đi mời vào dự đại tiệc tất cả mọi người đã bị cộng đồng dân
thánh Ít-ra-en loại bỏ. Vẫn còn nhiều chỗ trống trong đại tiệc, đầy tớ lại đi mời
tất cả mọi dân tộc dân ngoại một cách tha thiết, khẩn khoản dù họ luôn luôn bị
coi là thứ ô uế như cộng đồng Ít-ra-en khinh bỉ họ. Họ được thuyết phục để họ
thấy mình thật sự được mời dự đại tiệc.
Trước
sự chai đá của biệt phái đã từ chối tin vào Đức Giêsu, Người muốn nhấn mạnh để
họ suy nghĩ rằng: Họ đã tự ý tách khỏi nước trời, trong khi Thiên Chúa vô cùng
thương yêu đã kêu gọi những người nghèo khó và tội lỗi, dù họ cảm thấy họ là kẻ
bất xứng nhất.
Suy niệm
Một người đã nhận ra hạnh
phúc thật cho những ai được vào dự tiệc Nước Trời nên thốt lên: "Phúc
cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu
dùng dụ ngôn "khách được mời xin kiếu" để nói rằng không phải
ai cũng nhận ra niềm hạnh phúc đó. Bằng chứng là có nhiều người đã khước từ vào
dự tiệc dù đã được mời. Những lý do chối từ không dự tiệc đều nhắm vào những
thực tại của trần gian này: người thì đi xem ruộng, người đi thử bò, người thì
không thể xa rời người vợ mới cưới. Họ rất bận rộn cho việc làm ăn hay quá
quyến luyến với đời sống gia đình mà từ khước cơ hội tuyệt vời là dự tiệc cưới.
Họ coi trọng việc làm ăn và hưởng thụ xác thịt hơn vinh dự và niềm vui khi dự
tiệc cưới.
Đó có thể là hiện trạng
của mỗi người chúng ta. Quá mãi lo cho cuộc sống trần thế, công việc làm ăn hay
chạy theo cuộc sống hưởng thụ mà chúng ta quên đi hạnh phúc thật của chúng ta
là Nước Trời.
§ Có người dồn hết tâm trí, sức lực và thời gian
cho việc làm ăn kinh tế, cố gắng thu tích tiền của càng nhiều càng tốt. Cuộc
sống họ chỉ có tiền. Họ quên đi những gì là thiêng liêng cao cả.
§ Có những người dồn hết cuộc đời trong đam mê xác
thịt, làm cho tâm hồn càng ra nặng nề và u mê, không còn nghĩ đến Chúa là gì
nữa.
§ Cũng có người đời sống quá đau khổ, làm cho họ
rơi vào thất vọng, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa, đôi khi còn nguyền rủa Thiên
Chúa.
Nhưng chúng ta đừng quên:
chúng ta chỉ là lữ khách ở trần gian. Trần gian này chỉ là "lều tạm",
còn "ngôi nhà" thật, hạnh phúc thật của chúng ta là quê trời,
là tiệc cưới Nước Trời.
§ Đừng quá mãi mê trần thế, lều tạm mà quên ngôi
nhà hạnh phúc của chúng ta.
§ Đừng quá chú tâm đến những cái tạm bợ ở đời này
mà quên đi điều vĩnh cửu ở mai sau.
§ Đừng quá theo đuổi những điều xem ra tốt ở
đời này (làm ăn, lập gia đình…) mà lại quên đicái tốt nhất là hạnh
phúc đời đời.
Hãy hăm hở đón nhận lời
mời của Chúa, chuẩn bị cho mình chiếc áo cưới là những việc lành ở đời này để
chúng ta xứng đáng vào dự tiệc vui muôn đời cùng Con Thiên Chúa trên quê trời.
Lạy Chúa, xin cho con
luôn ý thức niềm hạnh phúc thật của con là quê trời. Xin dạy con biết sống hết
mình nơi trần thế này, nhưng trong mọi sự luôn hướng về quê trời để mai sau khi
từ giã lều tạm trần thế này, con được Chúa đón nhận vào dự tiệc vui muôn đời.
Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5
THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ Là Một Gia
Đình Ấm Tình Huynh Đệ
Con
người hiện đại thường mất hướng và đi lạc trong việc tìm kiếm tình bạn đích thực.
Đời sống gia đình và xã hội chúng ta thường hoặc quá hời hợt hoặc bị nát vụn do
những đổ vỡ. Môi trường làm việc thì thường rơi vào tình trạng phi nhân hóa.
Con người hôm nay khát khao cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ đích thực với người
khác, khát khao một tình bạn ấm áp thực sự.
Đấy
không phải chính là ơn gọi của một giáo xứ đó sao? Chúng ta không được mời gọi
để trở thành một gia đình nồng ấm tình huynh đệ đó sao? (CT 67). Chúng ta không
phải là những anh chị em gắn bó với nhau trong gia đình của Thiên Chúa qua đời
sống cộng đoàn của chúng ta đó sao? (LG 28). Giáo xứ của bạn không chủ yếu là một
cơ cấu, một khu vực địa lý hay một cơ sở nào đó. Tiên vàn giáo xứ là một cộng
đoàn các tín hữu. Giáo Luật mới đã định nghĩa về giáo xứ như thế (GL 515, 1). Bổn
phận của một giáo xứ hôm nay là: trở thành một cộng đoàn, khám phá lại căn tính
của mình trong tư cách là một cộng đoàn. Chỉ một mình bạn thôi, chưa đủ để bạn
làm Kitôhữu. Làm một Kitô hữu có nghĩa là tin và sống đức tin của mình cùng với
những người khác. Vì tất cả chúng ta đều là những chi thể của Thân Mình Chúa
Kitô.
Nhưng
bằng cách nào một cộng đoàn được sinh ra? Cần phải ghi nhận rằng không phải dễ
dàng tạo lập một cộng đoàn. Tự bản chất, cộng đoàn có nghĩa là hiệp thông. Dù rằng
trong tư cách là đại diện của giám mục, linh mục đóng một vai trò thiết yếu, nhưng
chỉ với vai trò của linh mục mà thôi thì không đủ để cho mối hiệp thông lớn
lên. Cần phải có sự dấn thân của mọi thành viên trong giáo xứ. Mỗi sự đóng góp
của các thành viên đều hết sức quan trọng. Công Đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh
tầm quan trọng của cộng đoàn và vai trò nòng cốt của người giáo dân. (LG 32-33;
AA 2-3)
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày 05-11
Rm 12, 5-16a; Lc 14, 15-24
LỜI SUY NIỆM: Một người đồng bàn nói với Chúa Giêsu: “Phúc thay ai
dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15).
Đây là đoạn văn nối tiếp với
câu chuyện Chúa Giêsu được một người mời dự tiệc. Trong Cựu Ước dân Do-thái
luôn mơ ước được vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Trong Tân Ước cũng được
Chúa Giêsu nhắc đến khi Người lập bí tích Thánh Thể với các Tông đồ: “..., cho
đến ngày cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29).
Cùng đích của đời sống người Kitô hữu là được vào dự tiệc với Cha mình trong Nước
Trời, muốn được như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải sống với Giáo huấn của
Chúa Giêsu Kitô là: xây dựng một cuộc sống huynh đệ với tinh thần công bình và
bác ái, đặc biệt ưu tiên cho người nghèo.
Mạnh Phương
05 Tháng Mười Một
Chiếc Quan Tài Con
Tại chùa Tô Châu
bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày
trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc,
có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi,
nhà sư trả lời: "Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này.
Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc
thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì... Mỗi khi có
việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy
được yên ổn trong tâm hồn ngay".
Con
người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi
vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất
hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở
thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại,
được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp
con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá... Trong tất cả mọi sự,
người không ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.
(Lẽ
Sống)
Thứ Ba 5-11
Vị Ðáng Kính Solanus Casey
B
|
arney Casey là một linh
mục nổi tiếng ở Detroit, Hoa Kỳ, dù rằng ngài không được phép giảng và giải
tội!
Barney xuất thân từ một
gia đình ở Oak Grove, tiểu bang Wisconsin. Khi 21 tuổi, và sau khi đã trải qua
các công việc sinh nhai như đốn củi, giúp việc ở bệnh viện, tài xế xe công cộng
và cai tù, ngài gia nhập Chủng Viện Phanxicô ở Milwaukee -- nhưng không theo
đuổi nổi vì việc học quá khó khăn đối với ngài. Ðến năm 1896, ngài gia nhập
dòng Capuchin ở Detroit, lấy tên là Solanus. Một lần nữa, ngài phải vất vả với
việc học.
Ngày 24-7-1904, ngài
được thụ phong linh mục, nhưng vì kiến thức thần học được coi là quá yếu nên
Cha Solanus không được phép giảng và nghe xưng tội. Một tu sĩ Capuchin biết rõ
về ngài cho biết sự ngăn cấm khó chịu đó "đã khiến ngài trở nên cao cả và
thánh thiện." Trong 14 năm làm người gác cổng và dọn lễ ở Yonkers, Nữu
Ước, dân chúng nhận ra tài ăn nói của ngài.
James Derum, người viết
tiểu sử của ngài cho biết, "Dù ngài bị cấm không được giảng dạy về tín lý,
nhưng ngài có thể xuất khẩu những tư tưởng mà các cha Capuchin gọi là feverino".
Nhiệt huyết tinh thần của ngài đã khiến người nghe phải kinh ngạc.
Cha Solanus phục vụ tại
các giáo xứ ở Manhattan và Harlem trước khi trở về Detroit, là nơi ngài giữ
việc gác cổng và dọn lễ trong vòng 20 năm ở Tu Viện Thánh Bonaventura. Mỗi
chiều thứ Tư hàng tuần ngài thi hành công việc mục vụ cho các người bệnh. Một
cộng tác viên cho biết, trung bình từ 150 đến 200 người chờ đợi Cha Solanus ở
văn phòng. Hầu hết người ta đến để xin cha ban phép lành, và khoảng 40 đến 50
người xin lời khuyên bảo của cha. Nhiều người coi ngài là một khí cụ của Thiên
Chúa trong việc chữa lành và nhiều ơn khác. Họ nhận thấy sức mạnh của sự cầu
nguyện của ngài, một người có đức tin mạnh mẽ.
Những lời Cha Solanus
chia sẻ về Thiên Chúa đã khích động các người nghe. Câu nói phổ thông của ngài
là "Hãy chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những công trình của Người."
Nhiều bạn hữu của Cha
Solanus đã giúp dòng Capuchin mở nhà phát chẩn cho người nghèo trong thời kỳ
Ðại Khủng Hoảng. Và cho đến ngày nay sinh hoạt đó vẫn tiếp tục.
Vào năm 1946, vì sức
khỏe yếu kém, Cha Solanus được thuyên chuyển về đệ tử viện Capuchin ở
Huntington, bang Indiana, là nơi ngài sống cho đến năm 1956. Ngài từ trần ngày
31-7-1957 tại bệnh viện ở Detroit. Lời cuối cùng ngài thốt lên là: "Con
phó linh hồn con cho Chúa." Người ta ước lượng khoảng 20,000 người đã
đến viếng thi hài của ngài trước khi được mai táng trong nhà thờ Thánh
Bonaventura ở Detroit.
Vào năm 1960, một tổ
chức lấy tên Cha Solanus được thành lập ở Detroit để giúp đỡ chủng viện
Capuchin. Vào năm 1967 tổ chức này có đến 5,000 hội viên - mà nhiều người đã
từng được ngài khuyên bảo cũng như an ủi. Ngài được tuyên xưng Ðáng Kính vào
năm 1995.
Lời Bàn
James Patrick Derum,
người viết tiểu sử Cha Solanus nói rằng ngài kiệt quệ vì gánh nặng của những
người ngài phục vụ. "Ðã từ lâu, ngài hiểu rõ chân lý của lời Ðức Kitô
là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân hệ tại ở hành động. Sống chân lý này một
cách nhiệt thành và liên tục đã khiến ngài trở nên một con người tự do về tinh
thần -- không bị nô lệ bởi những đam mê, bởi cái tôi, bởi lạc thú, và bởi sự
than van -- để tự do phục vụ Thiên Chúa và đồng loại" (Người Giữ Cửa
Nhà Thờ Thánh Bonaventura, trang 199).
Lời Trích
Trong một lá thư gửi cho
người em là Cha Maurice Casey khi làm việc trong một bệnh xá gần Baltimore và
cảm thấy khó chịu với vị tuyên uý nhà thương này, Cha Solanus viết: "Thiên
Chúa đã có thể thiết lập Giáo Hội với sự trông coi của các thiên thần để không
có gì sai trái hay khiếm khuyết. Nhưng Giáo Hội, như hiện nay, bao gồm và dưới
sự trông coi của những người tội lỗi tầm thường -- kế vị 'người đánh cá tầm
thường ở Galilê' -- thì ai có thể hồ nghi rằng, chính Giáo Hội là một phép lạ
vĩ đại?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét