THỨ TƯ 06/11/2013
Thứ Tư sau Chúa Nhật
31 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Rm 13, 8-10
"Yêu thương là
chu toàn trọn cả luật".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người,
thì đã giữ trọn Lề luật. Ðó là: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp,
chớ làm chứng gian, chớ mê tham, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại
trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình. Lòng yêu thương
không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 111, 1-2. 4-5. 9
Ðáp: Phúc đức cho
người biết xót thương và cho vay (c. 5a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Phúc đức thay
người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ
hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.
2)
Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi
và công chính. Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài
sản mình theo đức công bình. - Ðáp.
3)
Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời
còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. - Ðáp.
Alleluia:
x. Cv 16, 14b
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con
Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 14, 25-33
"Ai không từ bỏ
tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng:
"Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống
mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta,
thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước
tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt
móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng:
"Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi".
"Hoặc
có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy
nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai
mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở
xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi
không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Từ Bỏ Ðể
Theo Chúa
Bài
Tin Mừng hôm nay cho biết có rất nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu. Tuy cùng
hướng đi trên con đường dẫn đến Giêrusalem, nhưng đám đông không mang cùng một
mục đích với Ngài. Trong khi Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để hoàn tất công cuộc
cứu chuộc qua cái chết khổ nhục trên Thập giá, thì đám đông lại tưởng rằng Ngài
lên Giêrusalem lần này để đánh đuổi ngoại xâm và tái lập vương quốc Israel.
Ðể
đánh tan sự chờ đợi sai lầm này, Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi những kẻ theo
Ngài hãy suy nghĩ đắn đo, tính toán kỹ lưỡng để xem có đủ nghị lực theo Ngài
hay không: Ngài đòi buộc những kẻ muốn theo Ngài, hãy để cho Ngài chiếm chỗ đứng
quan trọng nhất trong cuộc sống của mình: "Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha
mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi
được".
Việc
theo Chúa là một việc khó nhọc, tiêu tốn nhiều sức lực như khi xây cất hay đánh
giặc, do đó người môn đệ phải sẵn sàng dấn thân. Việc theo Chúa không thể tính
toán bao nhiêu, bao lâu, hay bằng những việc gì, nhưng là thái độ quyết liệt, gạt
ra một bên tất cả để bước theo Chúa, nghĩa là đi xây dựng Nước Trời, đi giao
chiến với sự dữ và và cái chết để được chiến thắng hiển vinh. Người đi theo
Chúa phải từ bỏ mọi của cải mình có. Từ bỏ ở đây không có nghĩa là chôn dấu đi
hay sử dụng nó theo sở thích của mình, nhưng là làm ích cho người khác, nhất là
cho những người nhỏ bé, nghèo hèn.
Nguyện
xin Chúa ban cho chúng ta được lòng can đảm, dứt khoát với tất cả những gì cản
trở chúng ta trên bước đường theo Chúa. Xin cho chúng ta được thực tâm đi xây dựng
Nước Trời và làm chứng tá tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 31 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: Rom
13:8-10; Lk 14:25-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa
là điều quan trọng hơn tất cả mọi sự.
Thoạt đọc hai Bài Đọc hôm nay, một người khó có thể
tìm thấy sự dung hòa giữa tư tưởng của Phaolô và những đòi hỏi của Chúa Giêsu,
vì trong khi Phaolô đặt sự quan trọng tuyệt đối cho tình yêu; Chúa Giêsu lại
đòi người môn đệ phải ghét gia đình và ghét chính bản thân để làm môn đệ của
Ngài.
Với chút ít suy tư, chúng ta thấy cả hai tư tưởng
không có gì trái ngược nhau. Cả Chúa Giêsu và Phaolô đều đặt sự quan trọng tuyệt
đối cho tình yêu Thiên Chúa; trong khi Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải đặt tình
yêu Thiên Chúa lên trên tình yêu gia đình và yêu thương bản thân của mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa là điều quan trọng trên hết mọi
sự:
Sau khi đã tranh luận về vai trò quan trọng của đức tin trên Lề Luật trong việc
làm cho con người trở nên công chính, Phaolô tiếp tục tranh luận về vai trò
quan trọng của đức mến trên Lề Luật. Phaolô khuyên các tín hữu: "Anh em đừng
mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu
toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được
giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn
khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính
mình."
Thánh Thomas Aquinas đồng ý với quan điểm của Phaolô:
Khi con người được thúc đẩy bởi tình yêu, con người không thể làm hại tha nhân
trong bất cứ điều gì; nhưng luôn mong muốn cho tha nhân được điều tốt lành, và
giúp đỡ tha nhân khi có dịp. Thomas Aquinas còn đẩy xa hơn khi so sánh sự quan
trọng của tình yêu và Lề Luật: Tình yêu mang tính cách tích cực, vì nó không những
điều khiển trí óc bên trong không cho con người làm hại tha nhân; trong khi Lề
Luật mang tính tiêu cực, nó chỉ có thể giới hạn hai bàn tay con người mà thôi.
Ví dụ, Lề Luật có thể ngăn cản con người không vi phạm điều răn thứ sáu; nhưng
không thể làm con người đừng vi phạm điều răn thứ chín.
1.2/ Khi đã yêu thương là chu toàn Lề Luật: Phaolô kết luận:
"Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề
Luật vậy."
Chúa Giêsu cũng dạy vai trò quan trọng của tình yêu
trên Lề Luật như Phaolô và Thomas Aquinas, khi Ngài sửa sai các kinh sư và biệt
phái: Họ quá chú trọng đến việc thanh tẩy chân tay hay việc đóng thuế thập phân
mà quên đi những điều quan trọng lớn lao như sự công chính và tình yêu. Ngài
đòi hỏi họ phải nhìn sâu trong tâm hồn để thanh tẩy tất cả các điều nhơ nhớp
phát xuất từ đó, như: ngoại tình, trộm cướp, giết người, tham lam, bỏ vạ, cáo
gian, và biết bao tật xấu khác nữa.
Nói tóm, cả ba: Chúa Giêsu, Phaolô, và Thomas
Aquinas đều nhận ra vai trò khẩn thiết của tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự;
một khi con người đã có tình yêu Thiên Chúa, Lề Luật không còn chỗ đứng nữa.
Tình yêu sẽ giúp con người vượt quá giới hạn của Lề Luật để tự do bay bổng, và đạt
những kết quả kỳ diệu mà Lề Luật không thể nào đạt tới.
Điều chúng ta cần nhắc lại ở đây là cả ba đều dùng
danh từ tình yêu (agapê) trong khuôn khổ chỉ có trong Kitô Giáo. Đây là một
trong ba nhân đức đối thần: nó có nguồn gốc từ Thiên Chúa, được ban cho con người
khi chịu bí-tích Rửa Tội; nhưng con người cần làm cho đức ái phát triển qua việc
cầu nguyện, thường xuyên lãnh nhận các bí-tích, và thực hành đức ái trong cuộc
sống thường ngày.
2/ Phúc Âm: Những đòi hỏi của tình
yêu Thiên Chúa.
Theo trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đang trên đường
đi lên Jerusalem. Nhiều người hy vọng Ngài sẽ dùng sức mạnh chống lại đế quốc
Rôma và khôi phục lại vương quốc của Thiên Chúa, lên đi theo để ủng hộ. Chúa
Giêsu biết những gì họ suy nghĩ, đồng thời cũng biết những gì sắp xảy ra cho
Ngài tại Jerusalem, nên Ngài quay lại và đưa ra 3 điều kiện cho họ:
2.1/ Điều kiện đi theo Chúa: Có thể nói 3 điều
kiện này bao gồm tất cả những gì con người sở hữu:
(1) Phải từ bỏ người thân: "Ai đến với
tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thì không thể làm môn đệ tôi
được.” Động từ Hy-Lạp dùng ở đây là "mise,w" có nghĩa là ghét, khinh
thường, không quan tâm, hay không để ý tới. Trình thuật của Matthêu dùng chữ cẩn
thận hơn: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai
con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:37). Chắc chắn Chúa Giêsu
không dạy chúng ta phải ghét người thân như ghét kẻ thù, mà còn dạy chúng ta phải
yêu thương họ nữa. Thánh Luca rất chú trọng đến tình yêu vì ngài là một y sĩ,
và “lương y như từ mẫu;” nhưng có lẽ Ngài hiểu ở đây giống như Matthêu: Người
môn đệ không được đặt các người thân lên trên Thiên Chúa; và khi phải chọn giữa
họ và Thiên Chúa, con người phải chọn Thiên Chúa.
(2) Phải từ bỏ mạng sống mình: Như Chúa Kitô đã sẵn
hy sinh mạng sống cho con người, các môn đệ cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh như
thế. Khi một người yêu bản thân hơn yêu Thiên Chúa, họ sẽ từ chối việc hy sinh
cho vinh quang Nước Chúa; nhưng sẽ tìm mọi cách để tìm vinh quang cho mình. Nhiều
người cho đây có lẽ là thách đố to lớn nhất, vì nó đòi con người phải từ bỏ
"chính con người mình;" nhưng chỉ khi nào một người đạt được điều
này, họ mới dám hy sinh tất cả để theo Chúa. Thánh Phaolô cảm nhận được điều
này khi ngài nói: "kể từ nay tối sống; nhưng không còn là tôi, nhưng là Đức
Kitô sống trong tôi."
(3) Phải vác thập giá mình: “Ai không vác thập
giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Thập giá Chúa nói
tới ở đây là tất cả trái ý, gian khổ, bất công … mà người môn đệ sẽ phải đương
đầu với khi rao giảng Tin Mừng.
2.2/ Để dẫn chứng sự cần thiết của việc phải suy xét cẩn
thận trước khi quyết định đi theo Chúa, ngài dùng hai ví dụ cụ thể:
(1) Việc xây tháp: Tiền là yếu tố quyết định cho
các công trình xây dựng, và phải có đủ hay dư tiền trước khi bắt đầu xây. Nếu
đang xây nửa chừng mà hết tiền, nhà thầu sẽ không tiếp tục làm việc nữa; và dự
án bị bỏ dở nửa chừng, và mọi người nhìn vào sẽ chê cười.
(2) Việc giao chiến: Thăng bằng lực lượng là một
trong những yếu tố quyết định cho việc giao chiến; vì thế, các nhà lãnh đạo thường
gởi thám tử đi quan sát đối phương trước để lượng định tình hình, và so sánh với
lực lượng mình có. Nếu thấy có cơ hội thắng thế thì mời giao chiến; nếu không sẽ
phải gọi quân tiếp viện hoặc cầu hòa.
Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi các người đi theo phải suy
xét cẩn thận 3 điều kiện của Chúa, và lượng định sức mình xem có thể đáp ứng được
không. Nếu một người không đáp ứng được đòi của 3 điều kiện trên, anh không thể
làm môn đệ của Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình yêu Thiên Chúa là yếu tố quan trọng nhất
trong cuộc đời Kitô hữu. Chúng ta phải làm mọi cách để tình yêu này tăng trưởng
tối đa trong tâm hồn.
- Chúng ta phải cẩn thận suy xét ba điều kiện Chúa
đòi hỏi và tự vấn sức mình xem có theo được không. Một khi đã quyết định, chúng
ta nhất quyết theo Ngài tới cùng.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
TUẦN 31TN
Lc 14,25-33
A. Hạt giống...
1. Khung cảnh : Khi ấy “Có rất nhiều người đi
đường với Chúa Giêsu” : họ đang cùng với Chúa Giêsu “tiến lên Giêrusalem”.
Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu
trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp theo.
2. Đại ý Chúa Giêsu nói : Ai muốn làm môn đệ Chúa
Giêsu ("đi theo” Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc
biệt sêmít là “ghét”) tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ
con, anh em và cả mạng sống mình nữa.
3. Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn : Một
người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên
xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để
chọn lựa có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải
chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.
B.... nẩy mầm.
1. Đây là những lời rất thẳng thắn và chân thành
Chúa Giêsu nói rõ với “rất đông người” đang đi theo Ngài. Người ta theo đạo
Chúa vì rất nhiều lý do và nhiều động cơ. Chúa Giêsu thấy cần nói thẳng với mọi
người rằng theo Ngài thì phải từ bỏ (bỏ hết những gì mình tha thiết nhất, kể cả
mạng sống), và lại còn phải vác thập giá. Dĩ nhiên, sự từ bỏ và vác thập giá
không phải luôn là hiện thực, nhưng có theo Chúa trong tâm thế sẵn sàng chấp
nhận như vậy khi hoàn cảnh xảy đến thì mới xứng đáng làm môn đệ Ngài. Trên thực
tế, có nhiều người muốn theo Chúa nhưng không muốn từ bỏ và không muốn vác thập
giá.
2. Có người thờ thập giá nhưng không vác thập
giá. Có người quý chuộng thập giá Chúa Giêsu nhưng không quý chuộng thập giá
mình. Những người đó không xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu.
3. “Hãy vác thập giá hằng ngày” : “Những khổ sở
mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc
chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra,
rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc
nữa, và hôm sau tiếp tục... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người
lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn
thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác
nổi !” (John Newton).
4. “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi,
thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,27)
Có người đàn ông kia là một kitô hữu. vợ
con ông đều chết cả, tài sản bị tiêu tan, địa vị cũng không còn, chỉ còn duy
nhất một đức tin mong manh. Một hôm, ông đến gần một người thợ đang xây nhà
thờ, thấy người kia đang đẽo gọt một miếng đá nhỏ để tạo ra một tam giác đứng,
ông nhìn hồi lâu rồi hỏi :
- Anh đang làm gì vậy ?
- Bác nhìn lên đỉnh Tháp nhà thờ xem. Ở đó có một
chỗ trống. Tôi đang đẽo miếng đá nhỏ này để đặt nó vào đó.
Ông gật gù ngẫm nghĩ, và cảm thấy như thể
Chúa nói với mình : “Ta đang đẽo gọt con để con thích hợp với chỗ trống
trong công trình của Ta...”,và ông rời chỗ ấy ra đi, tràn nước mắt hạnh phúc.
Lạy Chúa, mấy hôm nay con đang chán nản vì những
thử thách nặng nề. Xin cho con đôi vai đủ lớn và đôi chân đủ mạnh để con vác
thập giá đi theo Chúa. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
06/11/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 14,25-33
Lc 14,25-33
THEO ĐỨC KITÔ LÀ TỪ BỎ TẤT CẢ
“Ai trong anh em không từ bỏ hết
những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)
Suy niệm: “Có rất đông người cùng đi đường với Chúa
Giêsu” nhưng
không phải ai trong số đó cũng có cùng một thao thức, một cái nhìn, một mục
đích như Ngài. Có người đi theo Chúa để thoả tính hiếu kỳ trước các phép lạ
Ngài làm; có người mong được một lợi lộc nào đó, được khỏi bệnh, được ăn no…;
có người mơ tưởng đến một địa vị một chức quyền cao trọng trong vương quốc –họ
tưởng tượng– của Ngài. Họcùng đi đường với Chúa Giêsu nhưng chưa hẳn đã là môn đệ của
Ngài. Chúa Giêsu cho biết chỉ những ai dám từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài mới có
thể là môn đệ Ngài được:“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ
con… không từ bỏ hết những gì mình có… thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Mời Bạn: Có
thể bạn đã từ bỏ rất nhiều điều, có khi là những điều rất lớn lao, để đi theo
Chúa Kitô. Thế nhưng nếu như bạn vẫn còn giữ lại một chút tự ái, một chút ham
muốn hưởng thụ ích kỷ… thì thực ra bạn chưa từ bỏ gì cả, và chưa thể làm môn đệ
Chúa Kitô được. Mời bạn bắt đầu làm môn đệ của Ngài bằng cách làm những hy sinh
nho nhỏ kín đáo, bằng việc từ bỏ những thói quen xấu tuy nhỏ nhặt nhưng dung
dưỡng cho tính tự ái và lòng ham muốn hưởng thụ của mình.
Sống Lời Chúa: Làm
một hy sinh nhỏ bé tự nguyện và xin ơn luôn biết từ bỏ một cách triệt để mỗi
khi Chúa đòi hỏi bạn như thế.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin an ơn trợ giúp cho con, để con dám hiến dâng
Chúa tất cả con người và cuộc sống của con để con luôn là môn đệ trung thành
của Chúa.
Hy
Sinh Từ Bỏ
Bài Phúc Âm hôm nay có thể được chúng ta đọc và suy niệm như
là một sự giảng dạy thêm từ phía Chúa Giêsu, vừa là một sự lĩnh hội sâu xa thêm
từ phía con người chúng ta. Mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi hãy nghiêm
chỉnh dấn thân theo Ngài với một tâm hồn đã được tự do khỏi mọi ràng buộc.
Liền sau những lời quả quyết về điều kiện căn bản cần có để
theo Ngài: "Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể làm
môn đệ Tôi", Chúa Giêsu kể thêm hai dụ ngôn mới để nhấn mạnh thêm với các
môn đệ rằng đi theo Chúa không thể nào là một hành động nhẹ dạ, nhất thời, tùy
hứng nhưng là một hành động, một quyết định nghiêm chỉnh với tinh thần trách
nhiệm sau khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, giống như thể người muốn xây một ngọn tháp
hay như nhà vua ra trận. Trên con đường từ bỏ này, chúng ta không lẻ loi một
mình mà chúng ta đi theo Chúa. Có Chúa làm gương đi trước chúng ta. Và không
phải chỉ làm gương đi trước chúng ta mà Ngài còn đến với chúng ta, sống với
chúng ta, kết hợp với chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để có thể
thực hiện việc hy sinh từ bỏ. "Không Thầy chúng con không thể làm chi
được", hãy sống trong tình yêu Thầy như cành nho kết hiệp với cây nho để
trổ sinh hoa trái.
Việc từ bỏ thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là
những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt đến mục đích
để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Chúa Giêsu có quyền đòi hỏi nơi
mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi
chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự và với hết sức lực của mình, trên cả tình
thân gia đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài
trên hết mọi sự, để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta
mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu
thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện
của Chúa.
Lạy Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con theo Ngài qua con đường
thanh luyện và hy sinh.
Xin ban ơn giải thoát chúng con khỏi những gì đang ngăn cản
chúng con đến với Chúa. Xin dạy con theo Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn, không
chùn bước trước những thách thức và hy sinh. Xin cho con được cùng vác thập giá
với Chúa để được chia sẻ vinh quang Phục Sinh của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
"Làm môn đệ Chúa
Giêsu" hay nói cách khác là "theo Chúa Giêsu" là
một đòi hỏi quyết liệt. Đó không đơn giản là một lời tuyên xưng niềm tin vào
Chúa, mà phải là sự quyết tâm theo con đường mà Ngài đã đi: con đường
thập giá.
Đoạn Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu đưa ra những tiêu chuẩn để mỗi người chúng ta xét lại mình có thực
là môn đệ của Ngài hay không.
Trước hết là từ
bỏ cha mẹ, anh chị em, vợ con và cả mạng sống mình.
Bản văn song song trong
Mattheu thì nói: "Ai thương cha mẹ, anh chị em, mạng sống mình hơn Ta
thì không xứng là môn đệ của Ta".
CGS không bảo chúng ta
hãy ghét bỏ gia đình, nhưng hãy dành cho Chúa địa vị ưu tiên, một tình yêu trọn
vẹn và trên hết. Ngài muốn người môn đệ của Ngài là đặt Ngài lên trên hết, lên
trên những gì thân thiết nhất của con người như tình gia đình và chính bản
thân.
Kế đến là vác thập giá đi
theo Ngài.
Không chỉ nói tôi yêu
Chúa trên hết, trên cả gia đình thân thương của tôi, trên cả mạng sống của tôi,
là chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa. Lời tuyên bố đó phải được thực hiện
bằng hành động, đó là vác thập giá đi theo Ngài, nghĩa là đi theo con đường của
Ngài đã đi. Con đường đó là gì?
§ Đó không phải là con đường sống cho chính mình
nhưng luôn tìm và thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
§ Đó không phải là con đường tìm lợi lộc, vinh hoa
cho bản thân mình, tìm cách thống trị người khác, nhưng là biết yêu thương và
cúi mình phục vụ anh em.
Con đường này CGS đã đi
và đi đến cùng. Đó cũng phải là con đường của người môn đệ đích thực.
Nhưng trong thực tế:
§ Có rất nhiều người chịu phép rửa, nhưng không
phải tất cả mọi người đều tin Chúa.
§ Có rất nhiều người theo Chúa nhưng không phải tất
cả những người đó đều là môn đệ đích thực của Chúa.
§ Có rất nhiều người theo CGS lên Giêrusalem, nhưng
thực chất không có bao nhiêu người thật sự theo Ngài đến chân thập giá.
Nếu chúng ta chỉ ước ao
theo Chúa, ước ao làm môn đệ Chúa và cũng tha thiết yêu Chúa mà chưa dám dấn
thân vào con đường Ngài đã đi thì chúng ta cũng chưa là người môn đệ đích thực
của Chúa. Chúng ta chỉ là người thán phục Ngài thôi.
Xin Chúa cho chúng con
biết yêu Chúa trên hết mọi sự và luôn can đảm bước theo con đường Chúa đi để
mỗi ngày chúng ta trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG MƯỜI MỘT
Thánh Thể, Trung Tâm
Của Cộng Đoàn
Bằng cách nào một cộng
đoàn được khai sinh? Vấn nạn ấy tìm thấy câu trả lời tuyệt vời của nó nơi Đức
Kitô: cộng đoàn không được khai sinh chủ yếu từ sức lực và sáng kiến của chính
chúng ta. Chính Đức Kitô xây dựng cộng đoàn Kitô hữu. Và chính công việc loan
báo Tin Mừng là nhân tố quy tụ các tín hữu lại với nhau (GH 26; PO 4). Nguyên
lý hướng dẫn một cộng đoàn giáo xứ là: Lời Chúa được công bố. Dân Thiên Chúa lắng
nghe Lời Ngài, suy gẫm Lời Ngài và áp dụng Lời Ngài vào cuộc sống thường ngày.
Họ tìm cách “hội nhập chân lý vĩnh cửu của Đức Kitô vào những hoàn cảnh cụ thể
của cuộc sống” (PO 4). Thật vậy, chỉ lắng nghe Lời Chúa mà thôi thì không đủ.
Chỉ công bố Lời Chúa mà thôi cũng không đủ. Cần phải sống Lời Chúa nữa.
Cộng đoàn Kitô hữu
được khai sinh từ Lời Chúa, nhưng trung tâm và chóp đỉnh của đời sống cộng đoàn
là việc cử hành Thánh Thể (CD 30). Qua Thánh Thể, cộng đoàn cắm rễ vào mầu nhiệm
Vượt Qua của Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, Dân Thiên Chúa được đi vào trong mối hiệp
thông với Chúa Ba Ngôi. Đời sống của một cộng đoàn có chiều sâu thẳm như thế!
Và đó là ý nghĩa của các cử hành phụng vụ – những cử hành được cắm rễ nơi cung
lòng Thiên Chúa. Qua các cử hành ấy, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng đã chết, đã
sống lại, và đang sống giữa chúng ta.
Thánh Thể mạc khải
cho chúng ta ý nghĩa của lao động, ý nghĩa của những khó khăn gian khổ mà chúng
ta đương đầu trong cuộc sống đời thường. Ý nghĩa của mọi nỗi đau buồn được soi
chiếu rõ. Vì khi được kết hợp với hy tế của Đức Kitô, tất cả sẽ trở thành một lễ
phẩm dâng lên Thiên Chúa và trở thành nguồn sống cho chúng ta. Không gì có thể
chặn đứng được sự tăng triển của một cộng đoàn nếu cộng đoàn ấy luôn biết sống
như một cộng đoàn Phục Sinh – một cộng đoàn cùng chết và sống lại với Chúa Kitô
(Rm 6, 4-8)
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 06-11
Rm 13, 8-10; Lc
14, 25-33
LỜI SUY NIỆM: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33).
Trong cuộc sống, khi
nghe đến chữ từ bỏ: một tật xấu, một đam mê, một cái nghiện, đã là một chuyện
khó, cần phải cố gắng hết mình một cách liên lỉ và kiên trì, với sự trợ giúp của
những người thân và sự tiến bộ của khoa học. Đối với người Kitô hữu, Chúa Giêsu
đang đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những gì mình đang có, mới xứng đáng làm môn đệ
của Người. Thật không dễ chút nào, nếu chúng ta không có đức tin và ân sủng của
Người ban cho thì chẳng có ai có thể thi hành điều từ bỏ này được. Nên chúng ta
cần phải liên lỉ cầu xin với Chúa: ban thêm đức tin và lòng yêu mến Chúa, để tất
cả chúng ta được trở thành môn đệ của Chúa trong cuộc sống.
Mạnh Phương
06 Tháng Mười Một
Ðồng Bạc Nhân Nghĩa
Một câu chuyện ngụ
ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng trí vẫn chỉ nghĩ
đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc
đời. Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ, lấy ra chiếc chìa khóa
trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ ra dấu chỉ chiếc rương
nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi tiền vàng ở trong đó bỏ
vào quan tài.
Khi chết xong, ông
bắt đầu sống cuộc đời mới.
Ðứng trước chiếc
bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: "Món này giá bao
nhiêu vậy?". Người bán hàng trả lời: "Một xu". Ông phú hộ chỉ một
món khác kém giá trị hơn và hỏi: "Còn hộp cá mòi kia giá bao nhiêu?".
"Cũng một xu", người bán hàng nhã nhặn trả lời.
Thấy người bán hàng
vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?". "Tất cả các vật
trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu", người bán hàng cho biết.
Ông phú hộ mỉm cười
thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa
thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo lúc từ giã cõi đời
ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói: "Ông đã học được
quá ít trong cuộc sống". Nghe nói thế ông phú hộ không khỏi ngạc nhiên, gặn
hỏi: "Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi không đủ để trả cho đĩa thức
ăn này sao?".
Bấy giờ người thu
tiền mới cho ông biết: "Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong
cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo túng, đói khổ".
Tại những vùng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo đến từ
Trung Hoa, vào những ngày giỗ hay ngày tư, ngày tết, các phật tử có thói quen đốt
những giấy tiền vàng bạc với niềm tin là qua đó họ có thể gửi tiền ấy cho ông
bà, cha mẹ đã quá cố để họ có thể tiêu xài nơi chốn suối vàng.
Những người Công Giáo cũng thể hiện lòng hiếu thảo của
mình đối với những thân nhân đã qua đời bằng cách dâng những hy sinh và kinh
nguyện đặc biệt trong tháng 11 mỗi năm. Cộng vào đấy, là những hành động bác
ái, chia sẻ, làm thay cho những người đã từ biệt cõi đời.
Lúc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nêu bật thật
rõ ràng ý nghĩa của biến cố "Nhập Thể" của Ngài: Ngài không những
"làm người" trong một thân xác duy nhất, ngài còn đồng hóa mình với tất
cả mọi người để nếu chúng ta yêu thương bất kỳ ai, đó là chúng ta cũng yêu mến
Ngài.
Ðể sống trọn ý nghĩa của tháng 11, tháng các đẳng
linh hồn, chúng ta không chỉ dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất bóng,
nhưng cũng hãy gia tăng những việc từ thiện bác ái, chia cơm sẻ áo với những
anh chị em thiếu thốn đang sống bên cạnh, để dâng các công đức ấy cho các đẳng,
đồng thời cũng để thâu nhập cho chính chúng ta những công nghiệp có giá trị
vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 6-11
Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn
(c. 1391)
hánh Nicholas và các
bạn là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Ðất Thánh khi họ
được giao cho nhiệm vụ trông coi các vương cung thánh đường ở đây vào năm
1335.
Nicholas sinh năm 1340
trong một gia đình giầu sang và quý phái ở Croatia. Ngài gia nhập dòng
Phanxicô và được gửi đi rao giảng ở Bosnia với Deodat Rodez. Năm 1384, các
ngài tình nguyện sang Ðất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh
thiêng, chăm sóc các người hành hương và học tiếng Ả Rập.
Vào năm 1391,
Nicholas, Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục
người Hồi Giáo trở lại đạo một cách công khai. Ngày 11-11-1391, họ đến Ðền
Omar ở Giêrusalem và xin được gặp Qadi (giáo sĩ Hồi Giáo). Từ một bản văn
viết sẵn, họ nói mọi người phải chấp nhận phúc âm của Ðức Giêsu Kitô. Và khi
được yêu cầu rút lại lời tuyên bố ấy, họ đã từ chối. Sau khi bị đánh đập và
cầm tù, sau cùng họ bị chặt đầu trước đám đông.
Nicholas và các bạn
được phong thánh năm 1970. Họ là các tu sĩ Phanxicô duy nhất được phong thánh
vì tử đạo ở Ðất Thánh.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô đưa ra
hai đường lối truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng. Trong nhiều năm trời,
Nicholas và các bạn đã chọn đường lối thứ nhất (sống thầm lặng và làm chứng
cho Ðức Kitô). Sau đó họ cảm thấy được mời gọi để đi theo đường lối thứ hai
là rao giảng công khai. Các tu sĩ Phanxicô hiện vẫn hoạt động ở Ðất Thánh qua
đời sống gương mẫu để nhiều người biết đến Ðức Kitô hơn.
Lời Trích
Trong Quy Luật 1221,
Thánh Phanxicô viết cho các tu sĩ được sai đến Saracens (Hồi Giáo) "có
thể tự đối xử trong hai phương cách. Một cách là tránh tranh luận hoặc cãi
cọ, và 'vì Chúa, hãy tùng phục bất cứ ai' (1 Phêrô 2:13), để làm chứng rằng
mình là Kitô Hữu. Một cách khác là công khai rao giảng lời Chúa, khi họ thấy
đó là ý Chúa muốn mời gọi những người được rao giảng hãy tin vào Thiên Chúa
toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Ðấng Tạo Dựng muôn
loài, và qua Chúa Con, Ðấng Cứu Thế, hãy rửa tội cho họ để trở nên người Kitô
đích thực và thánh thiện" (Ch. 16).
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét