Trang

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

08-11-2013 : THỨ SÁU TUẦN XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU 08/11/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 31 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 15, 14-21
"Tôi là người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các người Dân ngoại để của lễ Dân ngoại được Chúa chấp nhận".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, phần tôi, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện cảm, và đầy mọi sự hiểu biết, cho nên anh em có thể khuyên bảo lẫn nhau. Nhưng tôi đã viết thư này cho anh em có phần khá bạo dạn, có ý nhắc nhủ anh em nhớ lại: nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi trở nên người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các Dân ngoại, gánh lấy thiên chức rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu của lễ Dân ngoại được chấp nhận và được thánh hoá trong Thánh Thần.
Bởi vậy trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì chưng tôi không dám nói điều gì ngoài việc Ðức Kitô dùng tôi làm cho dân ngoại vâng phục, bằng ngôn ngữ cũng như bằng hành động, nhờ những phép lạ, những việc phi thường và quyền lực của Thánh Thần. Bởi thế, từ Giêrusalem và miền chung quanh cho đến Illyricô, tôi đã rao giảng đầy đủ Tin Mừng của Ðức Kitô.
Như thế, tôi đã rao giảng Tin Mừng này, không phải ở những nơi đã kêu cầu danh Ðức Kitô, để tránh khỏi xây dựng trên nền móng kẻ khác đã đặt, nhưng tôi hành động như lời đã chép: "Những ai chưa hề nghe loan báo về Người, thì sẽ xem thấy Người; và những ai chưa hề nghe nói về Người, thì sẽ hiểu biết Người".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 1-8
"Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa". Người quản lý thầm nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ".
"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: "Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi". Rồi anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi".
"Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Hành Xử Khôn Khéo
Một đạo sĩ đi ngang qua cây dừa, một chú khỉ hái dừa ném xuống đầu ông. Ðạo sĩ lẳng lặng bổ ra lấy nước uống rồi ăn luôn cùi dừa, còn lại vỏ dừa, ông làm thành chén ăn cơm. Nét điềm tĩnh của đạo sĩ là nắm lấy mọi cơ hội trong cuộc sống để mưu ích cho mình. Ông quên đi niềm đau trên đầu của mình cũng như sự tinh nghịch của chú khỉ, để sử dụng tối đa ích lợi của trái dừa.
Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.
Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: "Ðối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện".
Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 31 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 15:14-21; Lk 16:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghệ thuật "Đắc Nhân Tâm"

Làm sao chinh phục người khác để họ tin những gì mình muốn nói và làm những gì mình muốn họ làm là nghệ thuật "Đắc Nhân Tâm." Nghệ thuật này cần cho mọi lãnh vực: tôn giáo, chính trị, giáo dục, thương mại. Nhiều người có sáng kiến rất hay và mang lại lợi ích; nhưng không biết cách thuyết phục. Hậu quả là người nghe sẽ không tin, mà còn gây xáo trộn, chia rẽ, và bất an cho cả hai bên. Nhiều người chẳng có gì hay, lại còn mang ý đồ lợi dụng người khác; nhưng khéo ăn nói, khéo trình bày; nên làm người nghe xuôi tai và thi hành những gì họ muốn. Dĩ nhiên, điều lý tưởng mà mọi người nhắm tới là vừa đúng, vừa mang lại lợi ích, và biết cách thuyết phục để người nghe nhận ra và làm những gì lợi ích cho họ.
Hai Bài Đọc hôm nay đưa ra hai mẫu gương trái ngược nhau trong nghệ thuật "Đắc Nhân Tâm." Trong Bài Đọc I, sau khi đã trình bày đạo lý về con người được trở nên công chính không do bởi việc giữ Lề Luật, mà do bởi niềm tin vào Thiên Chúa; thánh Phaolô phải thuyết phục các tín hữu Rôma tin vào đạo lý đó, bằng cách gợi lại thiện chí của họ muốn hiểu biết sự thật, ân sủng của Thiên Chúa trong khi trình bày sự thật, kết quả ngài thu được trong thực tế, và ý hướng tốt lành của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen người quản gia bất lương đã biết thu phục nhân tâm cách khôn khéo, cho dẫu phải dùng của cải của người khác. Mục đích của người quản gia là để các con nợ đối xử với mình cách tốt đẹp sau này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Trong Đức Giêsu Kitô, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa.
1.1/ Chân thành giúp khán giả nhìn nhận sự thật: Nhiều người cho Thư Rôma là một thư có lẽ khó khăn nhất cho Phaolô để viết vì những lý do sau: cộng đòan Rôma không do Phaolô thiết lập; tranh luận về đề tài rất dễ gây chia rẽ; và khán giả là người có kiến thức cao về đạo lý. Trình thuật hôm nay là phần kết thúc Thư Rôma, Phaolô phải viết làm sao để khán giả hiểu ý ngay lành của mình, ông tranh luận không phải là để tỏ ra mình hiểu biết uyên thâm và khinh thường người khác; nhưng vì những lý do ngay lành sau đây:
- Vấn đề tranh luận mà người thiện chí đi tìm sự thật sẽ hiểu được: "Tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện chí, thừa hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau."
- Sự hiểu biết có được là do ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do sự khôn ngoan của loài người: "Trong thư này, đôi chỗ tôi đã nói hơi mạnh, chẳng qua là để nhắc lại cho anh em điều anh em đã biết. Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi.''
- Phaolô tranh luận là cho lợi ích chung của Giáo Hội: Theo Kế Hoạch Cứu Độ, lịch sử đã bước qua trang sử mới, trong đó Dân Ngoại được tháp nhập vào gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta phải sáng suốt để làm theo ý định của Thiên Chúa: "(Tôi) làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa."

1.2/ Phục vụ tha nhân cho Nước Chúa chứ không tìm lợi ích cá nhân: Lời nói của Phaolô có thể khó thuyết phục khán giả; nhưng việc ông làm mọi người đều có thể nhìn thấy. Phaolô muốn chứng minh ông làm tất cả là cho Nước Chúa; chứ không vì bất kỳ lợi nhuận cá nhân nào.
(1) Phaolô đã thiết lập các cộng đoàn khắp nơi: "Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần. Như vậy, từ Jerusalem, đi vòng đến tận miền Illyricum, tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Kitô."
(2) Phaolô không có ý định gây ảnh hưởng trên cộng đoàn Rôma hay các cộng đoàn của người khác thiết lập: "Nhưng tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Trái lại, như có lời chép: Những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy, những kẻ đã không được nghe nói về Người, sẽ hiểu."

2/ Phúc Âm: Phải biết dùng những của cải thế gian.

Trước khi phân tích dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý một điều: Khi xử dụng dụ ngôn, tác giả chỉ muốn nêu bật một điều chính, và không bao giờ có ý làm thỏa mãn tất cả mọi điều; vì sẽ rất khó để thực hiện. Điểm Chúa Giêsu muốn nêu bật trong dụ ngôn này là cách hành xử của viên quản lý khi anh biết anh sẽ mất việc.
2.1/ Người quản gia bất lương: Ngay từ đầu trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một người quản gia tốt không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản lý này có thể rất khôn ngoan, nhưng không trung tín; vì anh bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

2.2/ Người quản gia khôn lanh: Ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để mua chuộc nhân tâm: Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu.” Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.” Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa.” Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.” Với 50 thùng dầu ôliu bớt cho con nợ thứ nhất và 200 giạ lúa bớt cho con nợ thứ hai, anh hy vọng sẽ được họ thương chia bớt cho phần nào khi cơn túng cực tới. Anh cũng có thể nghĩ trước, nếu họ không chịu chia chác, anh sẽ tố cáo với chủ và họ sẽ phải hòan lại cho chủ.

2.3/ Chủ khen cách cư xử của người quản lý bất lương: Trước tiên chúng ta cần chú ý là ông chủ không khen tư cách của người quản lý: ông gọi hắn là bất lương. Điều ông chủ khen là cách cư xử khôn khéo của hắn: biết đặt con người trên tiền của; còn người là còn tiền, bao giờ hết người mới hết tiền.
Nhiều người đã xử sự sai khi đặt tiền của trên con người; hậu quả là họ mất cả người lẫn tiền. Ví dụ: Khi tìm được người có tài và tin cậy, chủ phải trả họ đồng lương tương xứng mới có thể giữ họ làm việc cho mình; nếu không họ sẽ làm cho hãng khác và chủ bị thiệt hại vì không kiếm được người đủ khả năng. Hay có những người chồng quá chi li cho việc tiêu xài trong nhà nên mất vợ, vì không biết đánh giá đúng những việc vợ làm cho mình: chăm giữ con, nấu ăn, rửa chén, thu dọn nhà cửa …

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Nghệ thuật "Đắc Nhân Tâm" rất cần trong việc rao giảng Tin Mừng và tạo hòa khí trong gia đình cũng như cộng đoàn. Chúng ta cần học biết và thi hành cách khôn ngoan và thành thật.
- Chúng ta phải biết xử dụng của cải Chúa ban để sinh lợi ích cho mình và tha nhân ở đời này; đồng thời biết dùng tiền của để đầu tư sinh lợi cho cuộc sống mai sau.
- Chúng ta đừng bao giờ quên nấc thang giá trị để biết hành xử cho đúng: (1) Thiên Chúa, (2) con người, và (3) của cải vật chất. Đảo lộn thứ tự của nấc thang giá trị này, sẽ mang lại những hậu quả vô cùng tai hại cho người làm nó.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 31TN
Lc 16,1-8

A. Hạt giống...
1. Phong tục do thái : đối với dân Do Thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. BJ nói quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.
2. Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất lương” này (ăn gian tiền của chủ ? cho vay ăn lời cắt cổ ? hay là sửa đổi giấy nợ ?...).
3. Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là cách xử dụng tiền của : Người quản gia này là “con cái thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.

B.... nẩy mầm.
1. Mặc dù người quản lý trong dụ ngôn này không tốt cho lắm, nhưng Chúa Giêsu đã rất khéo khi lấy hình ảnh người quản lý làm dụ ngôn. Chúa muốn nhắc rằng đối với tiền bạc của cải mà chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải xử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình.
2. Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán :
- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?
- Chỉ một đồng thôi.
- Còn tô lớn kia ?
- Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo :
- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói :
- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?
- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
3. “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại.” (Lc 16, 8b)
Ở đời, “biết mình biết người trăm trận trăm thắng.” Người quản gia bất lương trong dụ ngôn xưa, hơn ai hết, biết rõ thực trạng tội lỗi của mình, và biết chắc nguy cơ bị sa thải là không tránh khỏi. Điều hơn người là y dám nhìn thẳng vào sự thật và dùng hết khả năng còn lại của mình để đổi lấy tình thân hữu, dự phòng cho tương lai. Y đã thành công do biết nhìn xa trông rộng.
Ở đây Thiên Chúa không có ý định ủng hộ những hành động mưu lợi bản thân, mà qua đó Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về một chân lý : dự phòng cho tương lai. Đời này đã có thể an tâm, còn dự phòng cho cuộc sống đời sau, hẳn hạnh phúc hơn nhiều.
Lạy Chúa, xin cho con biết dùng cuộc sống đời này để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ


08/11/13 THỨ SÁU TUẦN 31 TN
Lc 16,1-8

SỐNG NHƯ CON CÁI SỰ SÁNG
“Con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.”
(Lc 16,8b)
Suy niệm: Chúng ta thường cảm thấy khó hiểu vì dường như Chúa Giêsu đưa người “quản lý bất lương” ra làm gương mẫu trong khi có bằng chứng rõ ràng ông ta đã thâm lạm của cải của chủ mình. Ngài đã từng phê phán những ai coi tiền của làm cùng đích cuộc đời và gọi họ là ngu xuẩn khi chỉ hưởng thụ của cải chóng qua đời này mà không lo tìm kiếm hạnh phúc vững bền là chính Thiên Chúa, vì không phải “mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Thực ra Chúa đã cẩn thận gọi người quản lý đó là “bất lương” (c. 8); Ngài có khen chăng là khen ông ta “khôn khéo” biết lo xa cho tương lai của mình. Qua đó Ngài dạy các môn đệ là “con cái sự sáng” phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của đời này. Sự khôn ngoan của “con cái sự sáng” hệ tại ở chỗ biết phân định để sử dụng tiền của như phương tiện để đạt tới Thiên Chúa là cứu cánh cuộc đời, và từ bỏ chúng mỗi khi chúng làm phương hại mối liên hệ với Thiên Chúa và cản trở con đường đến với Ngài.
Mời Bạn: Con người ngày nay thường dựa vào tiền bạc để tạo chỗ đứng cho mình trong xã hội. Còn bạn, bạn đã làm gì để “tạo chỗ đứng” cho mình trong Nước Trời? Bạn có biết cho đi, biết san sẻ những gì mình có cho người túng thiếu? Bạn đã làm gì để hướng tới giá trị của cuộc sống vĩnh hằng?
Sống Lời Chúa: Tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để sẵn sàng chia sẻ với người túng nghèo.
Cầu nguyện: Xin ban cho con sự khôn ngoan của con cái sự sáng để con dám đánh đổi những gì là chóng qua và chỉ chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.

Kẻ bất lương

Ðể nói về mầu nhiệm của nước Trời, Chúa Giêsu không những dùng những hình ảnh, những câu chuyện, những nhân vật tốt mà Chúa còn dùng cả những câu chuyện nói được là không tốt gì cho lắm. Và khi dùng đến những câu chuyện, những hình ảnh, những nhân vật không tốt, Chúa Giêsu không cố ý cho các đồ đệ bắt chước sống theo thái độ xấu nhưng để làm nổi bật một đặc tính nào đó và khuyên các đồ đệ hãy làm điều tốt với cùng một đặc tính như vậy. Chẳng hạn nơi Mt 10,16 Chúa Giêsu đã dùng đến hình ảnh con rắn để khuyên các đồ đệ hãy khôn ngoan như con rắn; và trong Phúc Âm thánh Mátthêu chương 24, Chúa Giêsu so sánh mình với hình ảnh kẻ trộm đến ban đêm vào giờ chủ nhà không ngờ. Chúa không đề cao nếp sống của con rắn hay của tên ăn trộm, mà chỉ muốn nói đến đặc tính lanh lợi của con rắn để tránh những cạm bẫy và nhắc đến sự việc Chúa đến một cách bất ngờ như kẻ trộm, để kêu gọi các đồ đệ hãy tỉnh thức sẵn sàng luôn luôn.
Ðể hiểu thêm về dụ ngôn người quản lý gian ngoan này, chúng ta hãy nhớ rằng vào thời Chúa Giêsu, tại vùng đất Palestina, những người sống về nghề quản lý tài sản cho người giầu là những kẻ có toàn quyền sắp đặt việc kinh doanh tài sản của ông chủ, miễn sao được lợi cho ông chủ. Và người quản lý được chia phần trong khoản lời kiếm được. Do đó, trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể trên đây, sau khi biết rõ là ông chủ sẽ sa thải mình do những lỗi lầm đã phạm, người quản lý dùng quyền của mình mà bớt xuống số nợ và dĩ nhiên, khi làm như thế anh sẽ chịu thiệt thòi, vì tiền lời không còn nhiều và sẽ được chia lời với ông chủ ít đi. Nhưng anh chấp nhận chịu thiệt thòi như vậy trong hiện tại để có lợi khác là tình bằng hữu của những người mắc nợ ông chủ. Họ sẽ giúp lại anh sau đó khi anh mất việc. Ðó là thái độ khôn ngoan của người đầy tớ bất trung. Và câu cuối cùng của dụ ngôn: "Con cái tối tăm khôn ngoan hơn con cái sự sáng" nhấn mạnh đến ý nghĩa chính của dụ ngôn. Chúa Giêsu không nhắm đề cao người quản lý gian ngoan sắp bị ông chủ cho nghỉ việc, nhưng chỉ nhắm nhấn mạnh đến những cố gắng toan tính của người quản lý sao cho có lợi cho cuộc sống vật chất của mình.
Áp dụng cho các đồ đệ của Chúa Giêsu, những con cái của sự sáng, Chúa Giêsu muốn sao cho các đồ đệ của Ngài cố gắng vận dụng hết khả năng trí khôn của mình để làm cho những nén bạc tài năng Chúa ban cho được trổ sinh những hoa trái tốt đẹp. Những kẻ xấu, những người ác mà còn biết ra sức vận dụng hết khả năng trí khôn của họ để làm chuyện xấu, nghịch luật Chúa, hại anh em. Trong khi đó, tại sao những người đồ đệ đích thực của Chúa Giêsu, những con cái sự sáng lại không dấn thân hết sức mình, không sử dụng hết khả năng trí tuệ của mình để làm điều tốt, bổ ích cho chính mình cũng như cho anh chị em chung quanh.
Người đồ đệ đích thực của Chúa không thể nào có một thái độ ỷ lại, lười biếng trong việc tốt và phải dấn thân tích cực hết sức lực mình. Con hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng cũng phải hết sức lực, với hết khả năng trí khôn Chúa ban cho.
Lạy Chúa
Xin thức tỉnh mỗi người chúng con khỏi sự ù lì, lười biếng tinh thần. Nước Chúa dành cho những kẻ mạnh, cho những ai dấn thân hết mình cho điều tốt. Xin thương ban cho chúng con nghị lực kiên trì trong việc tốt, đẹp lòng Chúa, bổ ích cho anh chị em chung quanh. Xin cho chúng con biết hăng say làm việc tốt mà không cần phần thưởng nào khác hơn là biết chúng con đang làm tròn ý Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Suy niệm
Từ chương 16 đến đầu chương 19 của Tin mừng Luca, một đề tài nổi bật đó là vấn đề tiền của. Chúa dạy, hãy trung tín trong việc sử dụng tiền của (Lc 16,9-13); người giàu có thì khó vào Nước trời (Lc 18,24-27), thí dụ điển hình là dụ ngôn người phú hộ và anh Lazarô (16,19-31); phải biết sử dụng của cải, nhất là bằng việc bố thí để sắm kho tàng ở trên trời (Lc 18,18-23), và Giakêu tiêu biểu cho một người biết sử dụng của cải (Lc 19,1-10).

Dụ ngôn được kể trong bài Tin mừng hôm nay trong trong bối cảnh đó. Điều làm cho nhiều người ngạc nhiên trong dụ ngôn này: xem ra ông chủ khen ngợi tên quản lý bất lương. Để hiểu, cần biết đôi chút về người quản lý ở nước Do thái vào thời của Chúa Giêsu.

Vào thời ấy, người quản lý hay quản gia có nhiều quyền. Ông thay mặt chủ trông coi gia sản và cả việc làm ăn. Trong việc kinh doanh, nhất là cho vai, ông được phép kê thêm phần lãi và ông được hưởng phần lãi này. Người quản lý trong dụ ngôn bảo những con nợ sửa lại số nợ trong văn tự. Những phần bỏ đi đó là phần lãi mà lẽ ra chính ông được hưởng. Giảm số nợ nhưng chẳng thiệt hại của chủ. Phần thiệt hại đó thuộc về người quản lý này. Ông sẵn sàng hy sinh phần lãi đó để đổi lấy tình thân với người khác, nhằm lo cho tương lai ông sau này. Chính vì vậy, hành động của anh quản lý chẳng phải là bất lương, và ông chủ anh khen anh vì anh khéo léo, biết sử dụng những gì mình đang có để lo cho tương lai.

Kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: Chúng ta cũng là những người quản lý của Chúa trên trần gian này.  Chắc chắn, một ngày nào đó, Chúa sẽ đến tính sổ với chúng ta. Vì vậy, một người quản lý khéo léo là phải biết tận dụng tất cả những gì mình đang có để chuẩn bị cho tương lai sau này, cho ngày ông chủ đến tính sổ với chúng ta. Đôi khi chúng ta cũng phải hy sinh những gì mình đáng hưởng ở đời này để chuẩn bị cho đời sau. Cách tốt nhất là dùng những gì mình có lo việc bác ái. Làm như thế, chúng ta đang sắm cho mình kho tàn không hư nát trên trời.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn ý thức mình là người quản lý của Chúa. Xin cho chúng con biết là người quản lý khôn ngoan: biết tận hết sức cho Chúa và biết chuẩn bị cho tương lai của mình bằng các việc lành phúc đức. Amen.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG MƯỜI MỘT

Giáo Xứ, Một Môi Trường Ưu Tiên

Thế giới ngày nay có xu hướng lãng xa Thiên Chúa. Thế giới chỉ muốn các dữ kiện thực tế và không sẵn lòng để lắng nghe. Nhưng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta mở rộng tấm lòng mình ra: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Giáo xứ là môi trường ưu tiên để trình bày chứng tá ấy. Chúng ta cần thể hiện lại trong thời đại hôm nay điều kỳ diệu đã xảy ra trong các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên: điều kỳ diệu của một sự sống mới, không chỉ về mặt thiêng liêng nhưng cả về mặt xã hội và lịch sử nữa.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Công Đồng Vatican II chú giải rằng qua những lời ấy, Chúa Giêsu đề nghị chúng ta “bắt chước sự kết hợp của Ba Ngôi thần linh để kết hợp các con cái Thiên Chúa trong tình yêu và chân lý” (MV 24). Thiên Chúa Ba Ngôi chính là kiểu mẫu của mọi mối tương quan con người và của đời sống chung giữa con người với nhau!
Từ mẫu thức tối thượng ấy, chúng ta có thể rút ra vô số hàm ý cho giáo xứ. Thực vậy, ơn gọi cao cả của một cộng đoàn giáo xứ là phấn đấu để một cách nào đó trở thành một minh họa về Thiên Chúa Ba Ngôi, “hòa hợp mọi sự khác biệt của con người” (AA 10): người già và người trẻ, nam và nữ, trí thức và lao động, giàu và nghèo …

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08-11
Rm 15, 14-21; Lc 16, 1-8


LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người quản gia bất lương, và Người kết: “Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi  xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8b)

Trong cuộc sống của người Kitô hữu luôn phải chu toàn cuộc sống đời này và đời sau. Khi gặp những khó khăn trong việc nuôi sống phần xác, con người ra sức tìm kiếm đủ mọi cách, với bất kể các phương tiện gì có thể được, để vượt qua những khó khăn đó. Nhưng với phần linh hồn, với đời sống mai sau thì sau đây? Không ai là kẻ vô tội! Muốn được xóa tội, chúng ta có ra sức cứu sống như cứu sống thân xác hay không? Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này để mỗi người trong chúng ta phải luôn quan tâm đến phần rỗi linh hồn mà biết đầu tư sự khôn ngoan, hiểu biết vào việc cứu sống linh hồn của mình.


Mạnh Phương


08 Tháng Mười Một

Tôi Là Người Hạnh Phúc Nhất Trần Gian

Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày nọ, ông vua giàu có đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông cho tất cả những tiền ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao so với cả kho tàng của ông, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn... Ông tự nghĩ: bây giờ ta nới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi đã gom góp được một số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các giáo đường, ông đã xin từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi không ai có thể nhận ra ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi nhà tranh đơn sơ. Không mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người trong lối xóm đều mến thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng nghe, ông đem chúng đi câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong đám trẻ nhỏ, có một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữa. Cậu bé chỉ có vỏn vẹn một con chim họa mi. Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con chim đến tặng ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón nhận món quà, con người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: "Từ trước đến nay, tất cả những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người khác. Người ta cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất. Giờ đây, với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm lòng yêu thương... Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian".
Một thời gian sau đó, trong vùng, có một người táđiền nghèo bị người chủ đe dọa lấy nhà và trục xuất ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và 7 đứa con dại bị đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được... Cuối cùng, ông quyết định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người tá điền nghèo... Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy đi một nơi khác.
Bùi ngùi vì phải chia tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: "Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này".

Câu chuyện của ông vua đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về hình ảnh của chuyến đi cuộc đời của chúng ta... Người Kitô là một người lữ hành đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là trao tặng, trao tặng cho đến lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được lấp đầy bằng chính Chúa.


(Lẽ Sống)

8-11
Chân Phước John Duns Scotus
(1266-1308)

C
hân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.
Sinh ở Duns trong quận Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm về sau, ngài được gọi là John Duns Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng. ("Scotus" là chữ Latinh thay cho "Scotland" [Tô Cách Lan]).
John mặc áo dòng Phanxicô ở Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và Cambridge. Bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến sĩ.
Vào thời đại mà nhiều người chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas, của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo -- nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư tưởng độc lập. Ðiều đó được chứng tỏ khi Hoàng Ðế Philip, trong một tranh chấp với Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Ðại Học Paris về phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba ngày.
Trong thời đại của John Duns Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Là một người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ!
Sau một thời gian ở Oxford, ngài trở về Paris, là nơi ngài lấy bằng tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở đây và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó, bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308. 
Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan", được phong chân phước năm 1993.
Lời Bàn
Cha Charles Balic, O.F.M., người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: "Toàn bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Ðặc tính nổi bật của đức ái là sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người" (New Catholic Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105).
Lời Trích
Sự thông thái ít khi đảm bảo sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện -- đó chính là sự tổng hợp mà Thánh Phanxicô muốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism).
Tư tưởng thì quan trọng. John Duns Scotus đã dùng tư tưởng hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét