Trang

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

15-11-2013 : THỨ SÁU TUẦN XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU 15/11/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 13, 1-9
"Nếu họ đã có thể truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy Chúa tể Càn khôn".
Trích sách Khôn Ngoan.
Khờ dại thay tất cả những người không chịu nhận biết Chúa, và cả những người không biết căn cứ vào các sự vật hữu hình để tìm hiểu Ðấng Tự Hữu, và không chú ý đến các công trình để biết ai là Ðấng Hoá công. Nhưng họ kể lửa, gió, khí thiêng, bầu trời đầy tinh tú, nước lũ, mặt trời, mặt trăng là những thần minh bá chủ hoàn cầu. Nếu họ say mê vẻ đẹp của các vật đó mà kể chúng là chúa tể, thì phải biết rằng: Ðấng quản trị các vật đó còn tốt đẹp hơn bội phần, vì chính Ðấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật đó. Hoặc nếu họ ngạc nhiên về năng lực và kỳ công của những tạo vật đó, thì do đó họ phải hiểu rằng Ðấng đã tạo thành các vật đó, còn có quyền lực hơn nhiều, vì do sự cao sang tốt đẹp của tạo vật mà người ta có thể nhìn biết Ðấng tạo dựng mọi loài.
Dầu sao họ cũng không đáng trách mấy, vì chưng, có lẽ họ lầm trong khi tìm kiếm Chúa, và muốn gặp Người. Họ tìm kiếm, khi sống giữa các kỳ công của Chúa, nhưng họ ngộ nhận khi thấy các vật kia tốt đẹp.
Tuy vậy, chính họ cũng không đáng được tha thứ, vì nếu họ có khả năng nhận thức để truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy cách dễ dàng hơn chính Chúa tể càn khôn?
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 26-37
"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.
"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.
"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.
"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".
Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Thực Tại Cánh Chung
Trong những cuốn phim giả tưởng do trung tâm điện ảnh Holywood sản xuất trong thời gian gần đây, gây nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cuốn phim: "Ngày Tận Cùng Của Trái Ðất". Cũng giống như thời Noê, chỉ có 50 người chuẩn bị kịp, họ đã đi vào trong một phi thuyền đặc biệt và tránh được thiên tai xẩy ra cho trái đất, họ đã đi đến một hành tinh khác, và như vậy bảo đảm cho sự trường tồn của nhân loại. Với những xảo thuật tân tiến, cuốn phim đã có thể tạo ra những ấn tượng mạnh trên người xem.
Tuy nhiên, cũng như tất cả những lời đe dọa do nhiều giáo phái tung ra, những hình ảnh của cuốn phim dù khủng khiếp đến đâu, cũng chỉ là những hình ảnh, nghĩa là mời gọi người xem, suy nghĩ về một thực tại khác sâu xa hơn, thường được gọi là thực tại cánh chung. Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa không những nói về con người, mà còn nói với con người về chính con người. Kinh Thánh nói với con người: nó từ đâu đến? sẽ đi về đâu? Cứu cánh hay cùng đích của con người là một trong những mạc khải nền tảng của Kinh Thánh. Do đó, bằng một lối văn đặc biệt, Kinh Thánh thường dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại cánh chung ấy.
Cũng theo truyền thống ấy, khi nói về những thực tại cánh chung, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh vốn quen thuộc với người Do thái, nhưng tựu trung chính cái bất ngờ vượt khỏi mọi phạm trù và trí tưởng tượng của con người vẫn là những nét chính của thực tại cánh chung ấy. Tất cả những hình ảnh và thí dụ được Chúa Giêsu sử dụng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng thực tại cánh chung, ngày tận thế, ngày của Chúa, vốn là một thực tại mà không ai biết trước được. Bằng nhiều hình ảnh và cách diễn tả khác nhau, Kinh Thánh luôn khẳng định tính bất ngờ của ngày thế mạt; do tính bất ngờ này, các Kitô hữu luôn được mời gọi để sống tỉnh thức.
Thật ra, ngày của Chúa hay thời cánh chung đã thực sự khởi đầu với chính cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực sự đi vào trong ngày ấy, nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài và trở thành nhân chứng của Ngài trong lịch sử. Chúa Giêsu đã đến để đổi mới mọi sự như thánh Gioan Tông đồ đã viết trong sách Khải huyền, hoặc như thánh Phaolô đã viết trong thư 2Cor: "Ai ở trong Chúa Kitô cũng đều trở thành một tạo vật mới, cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi". Chúa Kitô Phục sinh đang có mặt và tác động trong lịch sử loài người; chính Ngài đang phơi bày sức mạnh của tội lỗi là hận thù, ích kỷ, bạo động, và khơi dậy cũng như nâng đỡ những sức mạnh của chân lý, công bằng, liên đới, yêu thương. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó sẽ cảm thấy mình là tạo vật mới có sức thắng vượt quyền lực của sự dữ và tăm tối.
Giáo Hội đang làm chứng cho thế giới thấy rằng Giáo Hội đang làm chứng cho thời cánh chung, nghĩa là sống trong ngày của Chúa. Dấu chứng ấy khả tín hay không là tùy ở cuộc sống có khả tín hay không của các Kitô hữu. Cuộc sống lương thiện, công bằng, yêu thương, phục vụ, quảng đại của các Kitô hữu chắc chắn sẽ tạo một dấu cho mọi người thấy rằng họ là những tạo vật mới, rằng Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong họ.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh sống trong chúng ta và hướng dẫn mọi tâm tư hành động của chúng ta.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần 32 TN1
Bài đọc: Wis 13:1-9; Lk 17:26-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu

Con người thường có khuynh hướng yêu thích những gì đẹp trước mắt hơn những giá trị cao quí ẩn dấu bên trong. Chẳng hạn, yêu thích những món ăn ngon mà quên đi tình thương của người đã bỏ thời giờ, tiền của để chuẩn bị bữa ăn đó; đến nỗi nhiều khi một tiếng cám ơn cũng quên không nói. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, con người nhiều khi quá yêu thích những tạo vật do Thiên Chúa tạo dựng mà quên đi tình thương của Ngài; đến nỗi nhiều khi quên luôn đích điểm của cuộc đời là về sống với Chúa muôn đời. Các Bài đọc hôm nay nhắc nhở con người phải biết quí trọng những gì có giá trị vĩnh cửu hơn là những hào nhóang chóng qua. Trong Bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan nhắc nhở con người phải biết suy xét về niềm tin của mình, để thờ phượng chính Đấng Tạo Hóa, thay vì thờ các tạo vật Ngài tạo dựng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiếp tục nhắc nhở cho con người phải luôn biết chuẩn bị cho Ngày Chúa đến lần hai; để đừng bị tiêu diệt như Nạn Hồng Thủy thời ông Noah, hay nạn Mưa Diêm Sinh thời ông Lot.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Thành.

Có nhiều điều chúng ta có thể bàn luận trong trình thuật hôm nay; nhưng chúng ta chỉ giới hạn trong hai điều chính: sự hiện hữu của Thiên Chúa và các đặc tính của Ngài biểu hiện qua các tạo vật trong vũ trụ.

1.1/ Sự hiện hữu của Thiên Chúa: Theo tác giả, trí khôn của con người và sự hiện hữu của các tạo vật trong vũ trụ, đủ giúp con người nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh Thomas gọi đây là nguyên lý nhân quả: vật gì có là phải có người làm cho nó có. Người dựng nên các tạo vật phải là Đấng Tự Hữu mà chúng ta gọi là Thiên Chúa. Một tác giả khác diễn tả: Thiên Chúa cho con người có trí khôn và cho con người thấy mọi hiệu quả của việc tạo dựng; trong khi Ngài ẩn mình để xem con người có nhận ra Ngài hay không! Người khôn ngoan biết dùng trí óc để luận ra ngay Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng. Người ngu si không chịu dùng trí khôn suy xét cho mọi vật tự nhiên mà có, hay sáng chế ra những học thuyết kỳ lạ: Big Bang, Tiến Hóa... Tác giả sách Khôn Ngoan nhận định những người này như sau: "Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công."

1.2/ Mỗi tạo vật mặc khải một hay nhiều đặc tính của Thiên Chúa: Nhìn một bông hoa đẹp con người phải suy xét tới người dựng nên bông hoa đó; ông phải khôn ngoan và tài tình hơn bông hoa đó nhiều. Nhìn ánh sáng đẹp đẽ và hơi ấm của mặt trời, nhiều người đã sụp xuống bái lạy và tôn thờ thần Mặt Trời; nhưng họ phải suy xét và hỏi: Người làm ra nó phải khôn ngoan và tài tình hơn nhiều. Tác giả sách Khôn Ngoan nhận định lý do con người không nhận ra Thiên Chúa, vì họ chỉ xét đoán dựa theo dáng vẻ bên ngoài, mà không chịu dùng trí khôn để suy xét sâu xa hơn. Trí khôn phải giúp cho con người nhận ra: Đấng dựng nên phải đẹp hơn tất cả các vẻ đẹp của các thụ tạo Ngài dựng nên; Đấng dựng nên phải uy quyền và mạnh mẽ hơn các loài thụ tạo; và các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Thành.
Cũng cùng một quan niệm như Phaolô, tác giả sách Khôn Ngoan qui trách nhiệm không nhận ra và không thờ phượng Thiên Chúa cho con người: "Tuy nhiên, không vì thế mà chúng được thứ tha. Vì nếu chúng có đủ khả năng hiểu biết để có thể nghiên cứu các sự vật trên đời, thì sao lại không sớm nhận ra Đấng Chủ Tể của những sự vật đó?''

2/ Phúc Âm: Ngày Chúa đến lần thứ hai
2.1/ Con người không chuẩn bị: Mặc dù đã được báo trước về tai họa sắp xảy ra, nhưng con người vẫn ngoan cố không chịu chuẩn bị. Tại sao con người không chịu chuẩn bị? Họ có thể nghĩ chuyện đó không bao giờ có thể xảy ra: Kinh nghiệm dạy con người: không ai học được chữ ngờ; chẳng hạn: vụ không tặc khủng bố 9/11 hay cơn bão Katrina. Hay chuyện đó còn lâu mới tới: cứ việc vui chơi ăn uống cho tới khi nhận ra những tín hiệu báo trước rồi ăn năn cũng không muộn. Nhưng một lý do có lẽ chính đáng hơn cả là vì con người quí trọng vật chất hơn Đấng đã tạo dựng ra chúng. Chúa Giêsu gợi lại 2 biến cố đã xảy ra và được ghi lại trong Sách Sáng Thế Ký để dẫn chứng sự khờ dại của những người không chịu chuẩn bị:
(1) Nạn lụt Hồng Thủy: “Cũng như thời ông Noah, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noah vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.”
(2) Mưa lửa diêm sinh từ trời: “Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lot: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lot ra khỏi Sodom, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.”
Và Chúa kết luận: “Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, Ngày Con Người được mặc khải.”

2.2/ Những gì sẽ xảy ra và việc cần làm trong Ngày Tận Thế.
(1) Sự việc sẽ xảy ra nhanh chóng, con người sẽ không có thời giờ chuẩn bị. Khi sự việc đó xảy ra, con người cần ý thức: Không phải là lúc để bảo vệ của cải: “Ngày ấy, ai ở trên mái nhà mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy.” Không phải là lúc quay trở về nhà: Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lot: vì không nghe lời sứ thần Thiên Chúa dạy nên tiếc của ngóai đầu trở lại, đã bị hóa thành cột muối. Phải có can đảm để trốn thóat: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.”
(2) Không có sự lẫn lộn giữa người lành và kẻ dữ trong ngày đó: Sứ thần của Thiên Chúa biết phân biệt rõ người lành ra khỏi kẻ dữ; các ngài sẽ đóng ấn trên các tôi tớ của Thiên Chúa trước khi các sứ thần khác ra tay tàn sát. Chúa Giêsu trưng dẫn 3 ví dụ cho sự chính xác này: “Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”
(3) Đâu là chỗ người lành được đem đi và kẻ dữ bị bỏ lại? Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, ở đâu vậy?"
- Nơi của kẻ dữ: Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp nhưng nói với các ông câu châm ngôn: "Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó." Tất cả những người khinh thường không chịu chuẩn bị sẽ bị tiêu diệt; và xác của họ sẽ bị diều hâu bâu tới rúc rỉa.
- Chỗ của người lành: Chúa Giêsu không cho biết ở đây; nhưng như gia đình của Noah và của Lot, họ sẽ thóat mọi nguy hiểm và được sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cho chúng ta có trí khôn để nhận ra sự hiện hữu của Ngài trong các tạo vật Ngài dựng nên. Chúng ta đừng bao giờ chạy theo thờ phượng các tạo vật thay vì Thiên Chúa.
- Hai điều kiện cần để chuẩn bị cho Ngày Chúa đến là vững tin nơi Đức Kitô và sống yêu thương mọi người. Chúa đã cảnh cáo con người nhiều lần và khuyên con người phải tỉnh thức sẵn sàng trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến lần thứ hai. Dẫu vậy, sẽ có rất nhiều kẻ khinh thường không chịu chuẩn bị cho đến giây phút cuối và bị hư đi.

Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 32TN
Lc 17,26-37

A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn hôm qua về “Ngày của Con Người” tức là ngày quang lâm. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết Ngày ấy đến. Điều quan trọng phải làm là luôn sẵn sàng. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ hơn điều đó :
- Trước hết Ngài dùng 2 chuyện Cựu Ước về ông Nôê và ông Lót để khuyến cáo các môn đệ mình : người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (“ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất”). Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng đã nói ở trên là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.
- Tiếp theo là một số hình ảnh giúp dễ hiểu : a/ Người đang ở trên sân thượng thì đừng xuống nhà để lấy đồ đạc ; người đang ở ngoài ruộng cũng đừng trở về nhà (để lấy đồ đạc) : vì khi đó của cải vật chất không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng lúc đó là “sự sống”. Trong câu này chữ “sự sống” có 2 nghĩa : sự sống dựa trên “đồ đạc” chỉ là một giá trị phù du, không đáng tiếc rẻ ; sự sống đáng trân trọng chính là sự sống với Chúa. Kẻ khôn ngoan là kẻ đám bỏ sự sống phù du kia để đổi lấy sự sống vĩnh cửu. b/ Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người nằm chung một giường, hai người đàn bà cùng xay một cối bột, hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau : kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong).
Kết thúc bài nói chuyện là một câu hỏi ngớ ngẩn của các môn đệ : “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Các ông vẫn còn lẩn quẩn trong những thắc mắc về thời gian và nơi chốn ! Do đó Chúa Giêsu trả lời như thể không trả lời “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó” : Nghĩa là khỏi cần thắc mắc, vô ích. Hãy lo lúc nào cũng sẵn sàng.

B.... nẩy mầm.
1. Theo cách viết của Luca, những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường : “ăn uống, cưới vợ lấy chồng” (câu 26). Những người thời ông Lót cũng thế : “Ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” (câu 28). Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt và cơn mưa diêm sinh. Không phải vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.
2. “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà thì đừng xuống lấy” (câu 31) : Tới ngày chết, tất cả mọi đồ đạc của cải đều vô dụng. Khi đó chỉ còn mỗi một điều quan trọng thôi là phần rỗi đời đời.
3. “Hai người cùng nằm một giường... hai người cùng nhau xay bột... hai người đang ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” (các câu 34-36) : những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.
4. ‘Hãy mài sắc cảnh giác’ : (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới).   Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi. Giống như trường hợp một con dao bén bằng sắt, nếu ta đem cất đi, chỉ một thời gian sau dù ta không làm điều gì sai quấy, con dao vẫn tự động lụt đi do tác động của không khí làm rỉ sét. Việc trông chờ nước Chúa cũng vậy, cần mài sắc hoài.
5. Tính trì-trệ (inertie) (còn gọi là ỳ-tính, noạ-tính) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ nằm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh nổi sự  trì trệ  kiểu đó.
- Sự  nguội lạnh, phai lạt : Một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ  từ  bớt nóng, và trở  thành lạnh ngắt. Sự Nhiệt thành của ta đối với nước Trời cũng vậy.
- Sự cạn kiệt : Một chiếc xe Honda chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu  nếu không được bồi bổ thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện…  cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói : ‘Quì lâu, chầu mỏi’.          
6. Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).
7. Mục sư King nổi tiếng với giải Nobel hoà bình năm 1964 nhờ tài lãnh đạo của ông đối với cuộc đấu tranh bất bạo động cho quyền bình đẳng của người da đen. Ông đã ấu tranh cho họ trên xe buýt, nơi trường học, tại thùng phiếu… Và chính trong cuộc đấu tranh ngày 4-4-1968, ông đã bị bắn chết tại Memphis tiểu bang Tennessi.
Sự hy sinh tính mạng vì tình thương của mục sư King đã mang lại nhiều quyền cho người da đen. Phần tôi, tôi đã làm gì cho những người anh em bên cạnh tôi, khi xung quanh tôi còn bao người khốn khổ, bao người cần sự bênh vực nâng đỡ ?
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ tính ích kỷ và khép kín, khi còn chưa dám hy sinh tính mạng vì anh em con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ


15/11/13 THỨ SÁU TUẦN 32 TN
Th. Anbetô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 17,26-37

ĐIỀU VĨ ĐẠI CHƯA ĐẾN
“Và như thời ông Nôê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26)
Suy niệm: Dù đã được dự báo bão Nari sẽ vào miền Trung nhưng khi cơn bão ập đến, những người trực tiếp hứng chịu cơn bão vẫn bị bất ngờ: Sức mạnh của vũ bão! Làn gió nhẹ từ biển khơi của những ngày đẹp trời giờ đây trở nên mạnh mẽ lạ thường, đánh bật cả những gốc cây cổ thụ! Chúa Giêsu dùng những sự tích trong Cựu Ước để cảnh báo tính bất ngờ của một biến cố rất lớn lao và chắc chắn sẽ xảy đến, đó là biến cố cánh chung, biến cố của ngày Chúa lại đến, “ngày Con Người được mạc khải” (c. 30). Lúc đó Chúa Kitô cũng chính là Ngôi Lời (Logos) ngự đến cách chung cuộc để cho ý nghĩa của mọi tạo vật được tỏ hiện, đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người trong nhân loại đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: đó là được cứu độ hay không được cứu độ.
Mời Bạn: Biến cố càng quan trọng thì mức độ gây bất ngờ càng lớn. Mạc khải vĩ đại mà Chúa hứa vẫn chưa xảy ra. Người môn đệ Chúa được mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón nhận điều bất ngờ lớn lao nhất; họ vẫn dấn thân hoạt động đầy hăng say xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa, nhưng cũng rất siêu thoát, sẵn sàng để được đem đi với Chúa trong ngày Ngài lại đến.
Sống Lời Chúa: Sống tinh thần siêu thoát của người môn đệ bằng cách sống tiết độ trong việc sử dụng của cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Ngôi Lời vĩnh cửu, là ý nghĩa của mọi sự, là ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con luôn mở lòng ra đón Chúa đến mọi giây phút trong cuộc đời chúng con. Amen.

Ngày Của Con Người
Ngay từ lúc chiếc phi cơ của hãng hàng không Singapore bắt đầu lăn bánh từ phi đạo của phi trường Tưởng Giới Thạch, Ðài Loan, vào một buổi tối thứ Ba trong tháng 11 năm 2000, bà Sally Walker đã có một cảm giác không ổn. Hai tay nắm chặt vào chỗ dựa tay của ghế ngồi trong phần đuôi của chiếc phi cơ chỉ có phân nữa hành khách, người phụ nữ Hoa Kỳ bốn mươi sáu tuổi này lo lắng nhìn giông tố đang thổi ào ào bên ngoài cửa sổ phi cơ. Vào lúc 11h48' tối, chiếc phi cơ di chuyển ra phi đạo để bay về Los Angeles, Hoa Kỳ, bà Walker, một giáo sư tại đại học Giorgie đã lầm thầm cầu nguyện khi nhìn thấy hai cánh phi cơ bị nghiêng ngả và thân phi cơ bị lắc mạnh. Khi chiếc phi cơ di chuyển ở vận tốc cất cánh với một cú sốc thật mạnh và rồi thêm một lần nữa, chiếc phi cơ bị giật dữ dội sang bên trái và nổ tung. Các quả cầu lửa bắn ra khi chiếc phi cơ bị bể làm ba phần, bay rít trên mặt đường nhựa của sân bay. Sau này, ngồi trên chiếc xe lăn bà Walker kể lại sự thoát chết từ chiếc phi cơ ngập lửa rằng: "Mọi thứ đều bị đốt cháy. Thật là một cơn ác mộng khủng khiếp". Bà Walker bị thương nhẹ ở chân là một trong những người rất may mắn. Hơn tám mươi người trong số một trăm bảy mươi chín hành khách của chuyến bay định mệnh đã chết trong tai nạn này. Một số người bị đốt cháy đến độ không còn có thể nhận diện được.
Tai nạn thảm khốc này xảy ra đúng một năm sau khi chiếc phi cơ của hãng hàng không Ai Cập bị rớt trên đường bay từ thủ đô Cairô đến New York, Hoa Kỳ, gây thiệt mạng cho hai trăm bảy mươi người. Nó xảy ra tại một trong những phi trường được xem là an toàn nhất thế giới, và được hoạt động bởi một trong những công ty an toàn nhất thế giới.
Dĩ nhiên, sau bất cứ một tai nạn nào, người ta cũng cố gắng tìm ra cho bằng được nguyên nhân, bởi vì không có tai nạn nào mà không có nguyên nhân, dù nguyên nhân ấy vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Tựu trung, nguyên nhân nào cũng gắn liền với những giới hạn của con người. Khoa học, kỹ thuật dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể xóa bỏ được những hàng rào dựng lên bởi chính thân phận bất toàn của con người. Ðây hẳn phải là chân lý có thể nuôi dưỡng những suy tư và cầu nguyện của các tín hữu Kitô chúng ta trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn này.
Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong những ngày cuối năm phụng vụ dường như cũng hướng tâm tư chúng ta về ý tưởng ấy và trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến ngày của Con Người. Ngày ấy có thể là ngày tận thế khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Ngày ấy có thể là ngày từ giã cõi đời của mỗi người chúng ta. Nhớ đến những người quá cố, suy tưởng về sự chết không hề là một thái độ bệnh hoạn hay bi quan mà là tư thế tỉnh thức tích cực của người môn đệ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói đến tính cách bất ngờ của ngày của Con Người để kêu gọi các môn đệ mặc lấy thái độ tỉnh thức. Thời ông Nôê, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng mà không màng đến lời cảnh cáo của ông, đến khi đại nạn hồng thủy đến thì đã quá muộn.
Ý nghĩ về sự chết hướng con người đến cùng đích của mình để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Ý nghĩa ấy luôn gợi lên cho con người ý thức về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người và mời gọi con người tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời. Với ý thức ấy, con người hướng về cùng đích của cuộc sống và tỉnh thức không những để chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết, hay để được đợi mong Ngài mau đến trong những khoảnh khắc của cuộc sống.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lẽ khôn ngoan và tinh thần tỉnh thức đích thực ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


 Suy niệm

 “Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến?”  (Lc 17,20) hoặc  bao giờ đến ngày tận thế?
Đó không chỉ là nỗi quan tâm của những người Pharisêu mà còn là của các môn đệ Chúa Giêsu: “Thưa thầy, ở đâu vậy?”. (Lc 17,37). Trãi qua mọi thời đại, con người lúc nào cũng quan tâm đến vấn đề này.
Vào những thời kì  đầu của Giáo Hội, các tín hữu Thêxalônica đã nghe theo những luận điệu tuyên truyền sai lạc về ngày tận thế sắp đến. Do đó họ tỏ ra chán nản, lười biếng buông xuôi hết mọi thứ, không còn lo làm việc nữa, đến nỗi Thánh Phaolô phải viết thư khuyên họ, đừng tin theo những luận điệu ấy.
Vào năm 2000, nhiều người cho rằng  ngày tận thế sẽ đến, nên họ lo lắng đủ mọi chuyện: dự trữ lương thực, mua đèn cầy để xin làm phép, lo đi xưng tội, cố gắng sống tốt... nhằm chờ đón ngày tận thế.
Gần đây nhất, người ta đồn đoán theo lịch Maya thì ngày 21/12/2012 sẽ là ngày tận thế, vì là ngày kết thúc niên lịch của họ. Nhưng tất cả những đồn đoán ấy đều qua đi, mà không hề xảy ra ngày tận thế.
Vậy bao giờ thì tận thế?
Không ai biết trước được. Cả Chúa Giêsu cũng không mạc khải về thời giờ cụ thể của ngày này, chỉ có Chúa Cha biết thôi:  “Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi”(Mc 13,32). Chúa Giêsu chỉ nói sẽ có ngày tận thế và ngày ấy đến một cách rất là nhanh chóng và bất ngờ như “ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia” (Lc 17,24).
Và để minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai sự kiện cụ thể trong thời Cựu ước, đó là lụt Đại Hồng Thủy thời Nôe và Mưa Lửa, Diêm Sinh từ trời xuống thời ông Lót để mời gọi chúng ta phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy.
Cũng như ngày tận thế đến bất ngờ và nhanh chóng thế nào thì cái chết cũng đến với mỗi chúng ta bất ngờ như vậy. Vì thế điều quan trọng là hãy nghe theo lời dạy của Chúa mà chuẩn bị sẵn sàng. Có sẵn sàng thì cho dù cái chết có đến bất ngờ, ta cũng không hề sợ hãi; trái lại, ngày ấy sẽ là ngày hân hoan vui mừng của ta, vì triều đại Thiên Chúa thuộc về ta.
Lạy Chúa, sống trên đời này, ai trong chúng con cũng tất bật lo cho cơm áo gạo tiền; cũng như muốn vui chơi hưởng thụ. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con quá ham mê của cải và đam mê hưởng thụ mà quên đi nhiệm vụ chính yếu là chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến.

15/11
Thánh Albert Cả

(1206-1280)  
Khi phong thánh cho Thánh Albert, Giáo Hội đã coi sự quý trọng chân lý, bất cứ tìm thấy ở đâu, như đặc tính thánh thiện của ngài.  
Thánh Albert Cả là linh mục Ða Minh người Ðức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.
Các sinh viên triết biết đến ngài như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của ngài về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.
Ngài là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giầu có ở Ðức. Ngay từ nhỏ ngài đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, ngài vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây ngài gia nhập dòng Ða Minh khiến gia đình thật khó chịu.
Sự lưu tâm vô bờ của ngài đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục ngài viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Ngài nói, "Mục đích của chúng tôi là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được."
Ngài đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, vừa làm bề trên dòng Ða Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg. Ngài bảo vệ các dòng Ða Minh và Phanxicô chống với sự tấn công của William ở St. Amour, và giúp Thánh Tôma chống với tà thuyết Averroist.
Ngài từ trần ở Cologne ngày 15-11-1280. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1931.
Lời Bàn
Kitô Hữu ngày nay phải đối diện với sự tràn ngập kiến thức trong mọi lãnh vực. Họ cần đọc báo chí Công Giáo ngày nay để biết được phản ứng của Giáo Hội trước những khám phá mới về khoa học xã hội, về lối sống người Kitô Hữu cũng như thần học Kitô Giáo. Khi phong thánh cho Thánh Albert, Giáo Hội đã coi sự quý trọng chân lý, bất cứ tìm thấy ở đâu, như đặc tính thánh thiện của ngài. Tính hiếu kỳ của thánh nhân đã khiến ngài đào xới trong kho tàng khôn ngoan của triết học mà Giáo Hội thời ấy đang sôi nổi với những khó khăn.
Lời Trích
"Có những người muốn hiểu biết chỉ để hiểu biết; đó là sự tò mò đáng hổ thẹn. Có những người muốn hiểu biết để nhờ đó họ được nổi tiếng; đó cũng là sự phù hoa và nhục nhã. Những người khác lại muốn hiểu biết để kiếm tiền hay thăng quan tiến chức; đó cũng là điều mất thể diện. Nhưng cũng có những người muốn hiểu biết để họ có thể sinh lợi cho chính linh hồn họ và linh hồn người khác; đó là lòng bác ái. Trong những loại hiểu biết kể trên, chỉ có loại sau cùng là biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp" (Thánh Bernard, Bài Giảng Về Diễm Ca)
Suy niệm hạnh thánh Albert Cả
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét