Trang

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Các thành tựu và thách đố của Vatican II về Thánh Kinh

Các thành tựu và thách đố của Vatican II về Thánh Kinh
Fr.Richard J. Clifford, S.J.

Ngày 18 tháng Mười Một năm 2015 sẽ là ngày kỷ niệm 50 năm công bố Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa” tức Hiến Chế Dei Verbum. Văn kiện này là một trong bốn đại hiến chế của Công Đồng Vatican II (1962–65). Năm nay, ngày 4 tháng Mười Hai sẽ là ngày kỷ niệm 50 năm hiến chế đầu tiên trong số bốn hiến chế này, đó là Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh. Vào dịp này, chắc chắn sẽ có rất nhiều bài báo đề cập tới phụng vụ. Còn đối với văn kiện về mạc khải, cho tới nay, nó chỉ thu hút được một số lượng thảo luận khá khiêm tốn, dù vốn được coi như một hiến chế có tính khai phá nhất (seminal) trong mọi văn kiện của Công Đồng. 

Thiển nghĩ, ít nhất, Hiến Chế này cũng đạt được ba thành tựu chính sau đây, đồng thời đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo ba thách đố lớn. 

Ba thành tựu

“Dei Verbum” coi mình như tiếp nối của hai công đồng trước đây từng bàn tới Thánh Kinh: Công Đồng Trent (1545-63) và Công Đồng Vatican I (1869-70), và giống hai Công Đồng này, nó cũng dành rất nhiều chỗ để nói về ngữ cảnh rộng lớn của Thánh Kinh: sáng kiến của Thiên Chúa trong việc liên hệ với nhân loại. Ý Thiên Chúa muốn có mối liên hệ đích thân với con người trên thế giới đã giải thích cho việc Người tự tỏ mình ra, một việc được ghi lại trong Thánh Kinh. Việc tự mạc khải này mời gọi con người đáp trả và mang lại hiệu quả là tạo ra một dân riêng gắn bó với Thiên Chúa và gắn bó với nhau. Trong “Dei Verbum" số 2 ta đọc thấy rằng “Thiên Chúa vô hình (xem Cl 1:15; 1Tm 1:17), vì tình yêu sung mãn, đã ngỏ lời với con người nam nữ như những bạn bè (xem Xh 33:11; Ga 15:14-15) và đi lại di chuyển giữa họ (xem Br 3:38), để mời gọi và tiếp nhận họ vào tình hiệp thông với Người”. Thánh Kinh nói về mối liên hệ này với nhiều chi tiết cụ thể và một cách hết sức thích thú trong diễn tiến lịch sử của nó (“nhiệm cục mạc khải”). Tuy nhiên, “Dei Verbum” tiến xa hơn các công đồng trước đó khi làm nổi bật khía cạnh tương quan của mạc khải. Mạc khải này không phải chỉ là việc thông truyền các mệnh đề chính xác, vì các việc làm và lời nói trong Thánh Kinh nói về Thiên Chúa, trong đó, lời nói và việc làm soi sáng lẫn nhau. Các đặc điểm khác của “Dei Verbum” là nhấn mạnh tới ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần dành cho các tín hữu đọc Thánh Kinh, và đặc biệt nhấn mạnh tới mạc khải của Chúa Kitô. 

“Dei Verbum” nhấn mạnh tới việc lời Thiên Chúa không phải chỉ nói với các cá nhân, mà còn tạo ra cộng đồng, tạo ra Giáo Hội. Minh xác bản chất cộng đồng hay bản chất Giáo Hội của Thánh Kinh là thành tựu thứ hai của “Dei Verbum”. Bản chất mối liên hệ của Thánh Kinh với Giáo Hội trở nên một vấn đề được tranh luận trong phong trào Cải Cách Thệ Phản của thế kỷ 16. Công Đồng Trent trả lời chủ trương “chỉ có Thánh Kinh” (Sola scriptura!) của Martin Luther, một chủ trương ông đưa ra vì tin rằng Giáo Hội Công Giáo đã để truyền thống của con người làm loãng hẳn Tin Mừng. Việc Công Đồng Trent minh giải các vai trò liên hệ của Thánh Kinh và Giáo Hội sau đó đã bị hiểu lầm, coi chúng như hai nguồn riêng biệt của mạc khải (Thánh Kinh và Thánh Truyền), trong khi, theo sử gia John W.O’Malley, Dòng Tên, trong cuốnTrent: What Happened at the Council, Trent thực sự chỉ nói tới các truyền thống (số nhiều) từ nguồn tông truyền (chứ không phải nguồn kỷ luật hay nguồn Giáo Hội).

Công Đồng mặc nhiên công nhận hai máng chuyển thông qua đó sứ điệp của Chúa Kitô và của các tông đồ được chuyển đi, nhưng không nói rõ mối liên hệ giữa chúng với nhau. Dựa vào Công Đồng Trent, “Dei Verbum” nhấn mạnh sự thống nhất giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền, dù công đồng hiểu thánh truyền theo hai nghĩa khác nhau: như một truyền thống tĩnh tụ và như một diễn trình. Tuy nhiên, thay vì xem chúng như đối nghịch nhau, hiến chế tiếp nhận phương thức “cả hai/và” (both/and): “Cả hai [Thánh Kinh và Thánh Truyền], vì cùng vọt lên từ giếng khơi thần linh, nên một cách nào đó đã hội tụ thành một giòng chảy duy nhất hướng về cùng một cùng đích” (số 9). Sau đó, hiến chế đưa vào một yếu tố khác nữa nhưng không giải thích chi iết: huấn quyền Giáo Hội, vì được ủy thác “nhiệm vụ giải thích chân thực Lời Thiên Chúa”, nên “không đứng trên Lời Thiên Chúa mà là phục vụ Lời Thiên Chúa bằng việc chỉ giảng dạy những gì đã được trao cho” (số 10). Như thế, “Dei Verbum” giải thích Thánh Truyền vừa như một diễn trình vừa như “các truyền thống”.

Công Đồng Trent cũng bàn tới các bản dịch Thánh Kinh, vì lúc ấy ngành in ấn đã bắt đầu xuất hiện, đem lại cho Âu Châu rất nhiều bản dịch. Công Đồng này chỉ ngăn cấm các bản dịch nặc danh mà thôi và làm ngơ các bản dịch khác, trong đó có các bản của Thệ Phản. Trent tuyên bố Bản Phổ Thông bằng tiếng La Tinh là bản “đích thực” (authentic). Lời tuyên bố này sau đó đã bị hiểu lầm vì vô tình người ta đã biến Bản Phổ Thông thành bản Thánh Kinh chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Như Thông Điệp của Đức Piô XII “Divino Afflante Spiritu” (1943) từng dạy và linh mục John W. O’Malley, S.J., giải thích chi tiết hơn trong cuốn Trent trên đây, hạn từ đích thực thời Công Đồng Trent chỉ có nghĩa là: trong số muôn vàn bản dịch Thánh Kinh hồi ấy, Bản Phổ Thông là bản đáng tin cậy trong việc giảng thuyết và giảng dạy, cần được tôn kính vì vốn được sử dụng lâu đời trong Giáo Hội La Tinh. Các nghị phụ công đồng hiểu rất rõ rằng với thời gian, nhiều sai lầm đã tích tụ nơi bản văn này, nên đã chỉ thị rằng bản này sẽ không được in thêm nữa cho tới khi được sửa lại toàn diện. Giống Công Đồng Trent, “Dei Verbum” tuy nhìn nhận tính đáng kính của Bản Bẩy Mươi, nhưng đã tái khẳng định giáo huấn của “Divino Afflante Spiritu” là giáo huấn khuyên các học giả Thánh Kinh nên sử dụng các nguyên bản Hípri và Hy Lạp của Thánh Kinh để dịch thuật. Trong những năm gần đây, đã có nhiều mưu toan muốn đặt để Bản Bẩy Mươi làm tiêu chuẩn cho việc dịch thuật, nhưng các mưu toan này đã bị các hướng dẫn của “Dei Verbum” loại bỏ. 

Thành tựu thứ ba của “Dei Verbum” là ủng hộ một cách quân bình cả hai phương thức và phương pháp giải thích truyền thống và hiện đại. Một đàng, nó mạnh mẽ khẳng định tính linh hứng và tính vô ngộ của Thánh Kinh, tái định nghĩa chúng, thêm điều này “sự thật mà Thiên Chúa muốn ghi lại trong các sách thánh là vì phần rỗi của chúng ta” (số 11). Với những lời lẽ này, “Dei Verbum” làm minh nhiên điều vốn mặc nhiên trong định nghĩa thời danh về linh hứng trong 2Tm 3:16-17. Hiến chế cũng khẳng định sự quan tâm cao độ của truyền thống Kitô Giáo vào nghĩa chiểu tự (literal sense), “điều các tác giả thánh muốn phát biểu và điều Thiên Chúa muốn tỏ lộ qua lời lẽ của họ”, và thúc giục ta biết đánh giá các hình thức văn chương do các tác giả thánh này sử dụng (số 12). Hiến chế còn khuyên các nhà giải thích hiện đại lưu ý tới việc bản văn ăn khớp ra sao với toàn bộ Thánh Kinh Kitô Giáo (ngữ cảnh Thánh Kinh) và nên biết rõ lịch sử tiếp nhận nó trong Kitô Giáo. Như thế, “Dei Verbum” là một mô thức tôn kính đối với các phương thức truyền thống và là mô thức cởi mở đối với những phương pháp mới mẻ. 

Ba thách đố

“Dei Verbum” khuyến khích người Công Giáo năng đọc Thánh Kinh và là một nhân tố lớn trong việc bác bỏ nền thần học tân kinh viện từng thống trị tư duy Công Giáo và Thệ Phản tới tận giữa thế kỷ 20. Nhưng nếu nhìn vào chương cuối cùng có tính thực tiễn của “Dei Verbum” là chương phấn khởi khuyến khích người Công Giáo năng đọc Sách Thánh, ta sẽ thấy ta được nhắc nhở một cách rõ ràng phải nhớ các thách đố ở đàng trước.

Thứ nhất, nó thách đố người Công Giáo thường xuyên đọc Sách Thánh và chăm chú nghe Sách Thánh khi được công bố trong phụng vụ. Đúng như chờ đợi, “Dei Verbum” thúc đẩy các linh mục, các phó tế và các giáo lý viên “siêng năng đọc sách thiêng liêng và cẩn thận học tập” Sách Thánh (số 25). Nhưng trong một cố gắng đầy ý nghĩa muốn thoát ra ngoài các thái độ phản Thệ Phản của trung tuần thế kỷ 20, hiến chế “mạnh mẽ” (tiếng La Tinh: vehementer) khuyên mọi tín hữu đọc và học hỏi Sách Thánh theo kiểu cầu nguyện, cậy trông vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thuật ngữ La Tinh quen dùng chỉ phương thức đọc một cách suy niệm này là lectio divina (thần độc?), nghĩa là “đọc theo lối được thần linh hướng dẫn”. Điều chắc chắn là hiện nay, người Công Giáo đang thực hành phương thức này nhiều hơn bao giờ hết, nhưng đa số vẫn chưa tự nuôi sống mình hàng ngày bằng lời Thiên Chúa, bỏ uổng biết bao nhiêu ngọc ngà châu báu chứa đựng trong Thánh Vịnh, Tin Mừng, Thư Thánh Phaolô, văn chương Khôn Ngoan và các sách khác của Bộ Thánh Kinh.

Một nhắc nhở hơi đáng buồn cho thấy việc đọc Sách Thánh quan trọng như thế nào đối với việc phát triển Giáo Hội Công Giáo là Cuộc Thăm Dò Lãnh Địa Tôn Giáo năm 2008 của cơ quan Nghiên Cứu Pew. Cuộc thăm dò này cho thấy trong mấy năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo đã mất đi 1/3 số thành viên. Phân nửa số người rời bỏ Giáo Hội Công Giáo sau đó không đi theo bất kỳ tôn giáo nào khác, tuy nhiên phân nửa kia đã gia nhập các Giáo Hội Thệ Phản. Trong số phân nửa theo Thệ Phản này, lý do được nhiều người trưng dẫn nhất (71%) để lìa bỏ Giáo Hội Công Giáo là “các nhu cầu thiêng liêng của họ không được thỏa mãn” đặc biệt là nhu cầu được thờ phượng một cách có ý nghĩa và được nuôi dưỡng bằng việc đóc Sách Thánh. Sau nghi nghiên cứu dữ kiện, linh mục Thoams Reese, Dòng Tên, đã đi đến kết luận mạnh mẽ sau đây trong một bài báo đăng trên tờ The National Catholic Reporter ngày 18/4/2011: “Giáo Hội cần có một chương trình giáo dục Thánh Kinh ồ ạt... Giáo Hội cần nhìn nhận rằng hiểu biết Thánh Kinh quan trọng hơn là học thuộc lòng giáo lý. Làm cho người Công Giáo chịu đọc các bài đọc Sách Thánh của ngày Chúa Nhật trước khi đi tham dự Thánh Lễ đã đủ là một cuộc cách mạng rồi. Không đọc và không cầu nguyện bằng Sách Thánh, bạn không phải là một Kitô hữu trưởng thành. Người Công Giáo nào trở thành Kitô hữu phúc âm đều hiểu việc này”. 

Nói cho đúng, hiện nay, tại Hoa Kỳ, ta đang có nhiều tài nguyên Công Giáo tuyệt vời về Thánh Kinh như Bộ Nghiên Cứu Thánh Kinh Little Rock, Chương Trình Học Hỏi Thánh Kinh Dòng Phaolô, Bộ Chú Giải Thánh Kinh Collegeville, Truyền Thông Bây Giờ Bạn Biết (Now You Know Media), các dịch vụ cung cấp bài giảng có xu hướng Thánh Kinh và các tài nguyên diễn giảng và kỹ thuật số của nhiều cao đẳng và đại học Công Giáo. Ngoài ra, chúng ta cũng đang có nhiều bộ Thánh Kinh dùng cho nghiên cứu rất tốt, trong đó, có bộ Nghiên Cứu Thánh Kinh Công Giáo [The Catholic Study Bible (Oxford University Press)]. Trước Vatican II, khó lòng có những tài nguyên như thế này. Do đó, vấn đề không phải là thiếu tài nguyên, mà là thiếu quyết tâm, đặt kế hoạch và trí tưởng tượng.

Đức tin và sự dấn thân của người Công Giáo có thể được thâm hậu hóa nhờ đọc Sách Thánh thường xuyên và theo lối cầu nguyện. Điều quan trọng là đặt kế sách cho một chiến thuật thực tiễn để tạo ra việc thay đổi thái độ và thực hành nơi người Công Giáo. Một hội nghị toàn quốc có thể đặt kế hoạch cho các giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, biện pháp tức khắc thiển nghĩ là nhấn mạnh tới việc cá nhân đọc Sách Thánh trong các chương trình tân phúc âm hóa khắp nước. 

Thách đố thứ hai của “Dei Verbum” là khai triển một nền thần học biết đặt nặng tầm quan trọng hơn nữa của Cựu Ước. Các học giả xưa nay đa số vẫn thường nhất trí rằng chương bốn, tựa là “Cựu Ước”, vốn là chương yếu nhất trong hiến chế. Lẽ dĩ nhiên, không ai trông mong một văn kiện của Công Đồng lại có thể đi quá bên kia sự nhất trí của các học giả vào lúc nó được soạn thảo. Nhưng viễn tượng Kitô học của “Dei Verbum”, dù hợp pháp và quan trọng thật đó, nhưng đã làm lu mờ các phần không có tính thiên sai khác trong Cựu Ước, và đến một mức nào đó, nó đã giới hạn Cựu Ước vào chức năng tiên báo của nó mà thôi. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiểu toàn bộ Cựu Ước cả trong giá trị riêng của nó lẫn như là thành phần cấu tạo ra Thánh Kinh Kitô Giáo.

Thách đố thứ ba liên quan tới lời khuyên người Công Giáo đọc Sách Thánh trong ngữ cảnh Giáo Hội phát sinh từ chủ nghĩa chính thống cực đoan (fundamentalism). Chủ nghĩa này là một hiện tượng tương đối hiện đại, phát nguyên từ Anh và Mỹ trong hai thế kỷ 19 và 20, nhằm phản ứng chống lại điều bị các người tin theo coi là làm sói mòn Kitô Giáo cổ truyền do các phát kiến của khoa học (nhất là thuyết biến hóa), do cách giải thích Thánh Kinh theo lối phê bình lịch sử, và riêng tại Mỹ, do các di dân tới làm loãng hẳn nền văn hóa Thệ Phản vốn thống trị xưa nay. George Marsden mô tả chủ nghĩa chính thống cực đoan như là “một liên minh lỏng lẻo, đa dạng, và hay thay đổi gồm nhiều đồng chiến binh hợp nhất với nhau nhờ sự đối nghịch triệt để đối với các mưu toan duy hiện đại muốn đưa Kitô Giáo vào hàng ngũ tư duy hiện đại” (Fundamentalism and American Culture, 2006). Dù có nhiều dị biệt trong các giải thích cực đoan về Thánh Kinh, các chủ trương sau đây được coi là căn bản: Thánh Kinh là nguồn duy nhất của Lời Thiên Chúa; nó tự giải thích và bất khả ngộ; các tiên tri viết cho thời ta, chứ không viết cho thời họ, và do đó, các phê phán của họ có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống hiện nay, không cần lưu ý tới ngữ cảnh lịch sử hay thể loại văn chương của Thánh Kinh. Các sách thuộc loại khải huyền như Đanien và Khải Huyền là những bản văn ưa chuộng, cho phép các giả thuyết cực đoan chính sau đây: thế giới được đánh dấu bằng nhị nguyên thiện chống ác mà không có cơ sở ở giữa; sự ác đang gia tăng trên thế giới; lịch sử được tiền định; và trận chiến vũ trụ trong tương lai giữa Thiên Chúa và Satan sẽ đem Nước Thiên Chúa tới. 

“Dei Verbum” chống lại quan điểm trên với việc nhấn mạnh tới đặc điểm lịch sử của mạc khải Thánh Kinh, truyền thống Giáo Hội và nền nghiên cứu mẫn cảm đối với lịch sử. Lời phê bình Công Giáo có thế giá nhất là văn kiện của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, tựa là “Việc Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội” (1993). Vì bác bỏ, “không chịu lưu ý tới đặc tính lịch sử của mạc khải Thánh Kinh, [chủ nghĩa cực đoan] đã tự làm cho mình không đủ khả năng tiếp nhận trọn vẹn chân lý của chính sự nhập thể” và “vì quá gắn bó với nguyên tắc ‘chỉ có Sách Thánh mà thôi’, chủ nghĩa cực đoan đã tách biệt việc giải thích Thánh Kinh ra khỏi thánh truyền... Nó thất bại không hiểu ra rằng Tân Ước lên hình tượng bên trong Giáo Hội Kitô Giáo và nó là Sách Thánh của Giáo Hội này, một Giáo Hội mà sự hiện hữu đi trước cả việc soạn ra các bản văn này”.

Cuối cùng văn kiện trên cảnh cáo rằng “phương thức cực đoan rất nguy hiểm, vì nó quyến rũ đối với những người muốn tìm nơi Thánh Kinh các giải đáp có sẵn cho các nan đề của đời sống. Nó có thể lừa dối những người này, đem lại cho họ nhiều giải thích đạo hạnh nhưng ảo tưởng, thay vì cho họ biết rằng Thánh Kinh không nhất thiết chứa đựng câu trả lời tức khắc cho mỗi một và mọi nan đề”. 

Nhiều người Công Giáo, rõ ràng không biết gì tới các trước tác cực đoan phản Công Giáo, nên đã coi các cách tiếp cận cực đoan đối với Thánh Kinh như là cách thế duy nhất chính xác và hợp truyền thống để đọc Thánh Kinh. Làm thế nào thuyết phục được những người Công Giáo như thế chịu tiếp nhận cách thức thực sự hợp truyền thống và chính xác của “Dei Verbum”? Đây là một số việc nên làm: phải tự mình đọc Thánh Kinh và sẵn sàng cho biết điều gì được mình coi là bổ ích trong Thánh Kinh; làm chứng hơn là biện luận. Khích lệ mục tử của mình chịu giảng về Thánh Kinh và mời gọi các người trong giáo xứ chịu tham gia học hỏi Thánh Kinh. Và sau đây là một số việc không nên làm: đừng biện luận với những người cực đoan hay châm chọc họ, nhưng hãy xử với họ một cách nghiêm túc. 

Bất chấp các thách đố này và nhiều thách đố khác, người Công Giáo nên vui mừng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày công bố “Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa”. Các nghị phụ công đồng nhìn nhận tính tuyệt vời của văn kiện, nên đã chấp thuận nó với tỷ số 2,344 phiếu thuận, 6 phiếu chống. Các độc giả nghiêm túc ngày nay cũng trân quí âm sắc tích cực của nó, cách tiếp cận quân bình và lòng tôn kính của nó đối với lời Thiên Chúa.

Viết theo linh mục Richard J. Clifford, S.J., The Achievements and challenges of Vatican II on Scripture, America, Số 11 Nov. 2013. Linh mục Clifford hiện là giáo sư Cựu Ước tại Cao Đẳng Thần Học Boston, nguyên chủ tịch Hội Thánh Kinh Công Giáo Mỹ.


Vũ Văn An 11/6/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét