Trang

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

07-11-2013 : THỨ NĂM TUẦN XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM 07/11/2013
Thứ Năm sau Chúa Nhật 31 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 14, 7-12
"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.
Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết. Còn ngươi, việc gì mà đoán xét anh em ngươi? Và ngươi, tại sao ngươi khinh miệt anh em ngươi? Vì tất cả chúng ta đều sẽ phải ra trước toà án của Ðức Kitô, bởi có lời chép: "Chúa phán rằng: Ta thề trên sự sống Ta, mọi đầu gối sẽ phải quỳ lạy Ta, và mọi miệng lưỡi sẽ ngợi khen Thiên Chúa".
Vì vậy, mỗi người chúng ta sẽ phải trả lẽ về chính mình với Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.

Alleluia: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của Con Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10
"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Con Chiên Lạc
Có một câu chuyện về cuộc đời của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau: Liker phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi dâm. Lúc thành phố Paris được giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau đó, Liker phục vụ những khách hạng sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris do Patric làm chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống giam, nhưng trong cảnh ngục tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị Bêtania, là Dòng chuyên nâng đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện ngập, những người sống đầu đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn nhân của xã hội như những người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập dòng và trở thành một trong các chị Bêtania.
Nữ tu Liker trong câu truyện trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Nàng đã sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các chị Bêtania đã đi tìm gặp chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài trong đời sống hiến dâng.
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu truyện trên đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ mới có một kinh nghiệm như thế?
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 31 TN1, Năm lẻ.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không ai là một hòn đảo riêng lẻ

Nhiều người nghĩ họ có thể tự lập và tự sống một mình, mà không cần nhờ vả đến ai; nhưng nếu họ chịu khó suy xét, họ sẽ thấy họ không bao giờ có thể làm điều đó. Họ không thể sống mà không có tha nhân, và càng không thể sống nếu không có Thiên Chúa. Trong sự quan phòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mỗi người đều có trách nhiệm chung để giúp đỡ lẫn nhau và lo sao cho mình và mọi người được ơn cứu độ.
Các Bài Đọc hôm nay hướng lòng con người về việc giúp đỡ và xây dựng cho nhau, thay vì xét đoán, phê bình, và luận tội nhau. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi mọi người hãy ý thức về vai trò và sứ vụ của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa;
vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Trong Phúc Âm, một số các kinh-sư và biệt-phái phê bình Chúa Giêsu khi Ngài để cho những người thu thuế và tội lỗi đến gần nghe giảng và ăn uống với họ. Chúa thẳng thắn nói ra ý định của mình: Ngài đến kêu gọi những người tội lỗi và triều thần Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.

1.1/ Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa: Lý do thánh Phaolô có thể nói lên được điều này, là vì quan niệm về thần học thân thể của Ngài. Mỗi tín hữu khi chịu bí-tích Rửa Tội đã trở nên chi thể của một thân thể là Hội Thánh, với Đức Kitô là Đầu. Nếu chi thể không thể tách rời thân thể, người tín hữu cũng không thể tách rời khỏi thân thể của Đức Kitô. Một tín hữu có thể nói mình không muốn ở trong thân thể; nhưng không phải vì vậy mà anh không thuộc về thân thể. Nếu anh ý thức được sự hiện diện của anh trong thân thể của Đức Kitô, anh sẽ cố gắng xây dựng Nhiệm Thể của Ngài bằng cách làm cho mình và cho các chi thể khác ngày càng lành mạnh hơn, để toàn thân xác được khỏe mạnh. Vì Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Ngài không bao giờ chết nữa; nên người tín hữu cũng vậy. Tuy anh sẽ chết về phần xác, nhưng thân xác anh sẽ sống lại vinh hiển trong Ngày Phán Xét. Vì thế, Phaolô có thể nói với các tín hữu: "Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết."

1.2/ Không được xét đoán tha nhân, nhưng hãy xét mình: Cùng trong hình ảnh các chi thể của một thân thể trên, một chi thể không thể tự cho mình quan trọng hơn hết để rồi phê bình và xét đoán các chi thể khác. Mọi chi thể đều tùy thuộc vào nhau để có thể sống chung hòa hợp và làm cho thân thể lành mạnh và tăng trưởng. Vì thế, thật là điều vô ích khi một tín hữu phê bình và xét đoán người khác; nhưng lợi ích hơn nếu một người dành thời gian phê bình người khác để tự kiểm chính mình, xem coi mình có thể làm gì để đóng góp cho việc mở rộng Nước Chúa, và làm cho các tín hữu khác ngày càng tốt đẹp để cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô. Hơn nữa, người có trách nhiệm phán xét là Đức Kitô, Ngài sẽ phán xét và trả cho mỗi người xứng đáng với việc họ làm trong Ngày Phán Xét.

2/ Phúc Âm: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.

2.1/ Xét đóan tha nhân thay vì xét mình cẩn thận: Một trong những xung đột chính giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái là lối sống giả hình. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Chúa về việc không giữ luật lệ bên ngòai: rửa tay trước khi ăn, chữa bệnh trong ngày Sabbath; và hôm nay, ăn uống với tội nhân. Trong trình thuật của Luca hôm nay, các người biệt-phái và các kinh-sư xét đóan:
- tha nhân: Họ nghĩ các người thu thuế và gái điếm là những người tội lỗi công khai; và họ tin những hạng người này không bao giờ được chung hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu: Họ nói: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Theo họ, giao tiếp với những hạng người như thế làm cho con người ra nhơ bẩn tội lỗi. Họ có lý do để nghĩ như thế, vì cha ông ta cũng quan niệm: "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Tuy nhiên, quan niệm này chỉ đúng với người dân thường, yếu đuối; nhưng không đúng cho bậc thánh nhân và Chúa Giêsu. Các Ngài đến để hoán cải những người yếu đuối và tội lỗi.
Trong những trình thuật khác, Chúa Giêsu đã trách mắng họ là những mồ mả tô vôi: bên ngòai có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy những giòi bọ rúc rỉa. Hãy xét mình và làm cho sạch bên trong trước rồi mới có đủ sáng suốt để xét đóan tha nhân. Trong trình thuật hôm nay, Chúa hướng lòng họ về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.

2.2/ Chúa dạy con người 2 ví dụ về lòng thương xót của Thiên Chúa.
(1) Tìm được con chiên lạc: Con chiên đi lạc là vì lỗi của nó, đã không chịu nghe theo chủ; nhưng ông chủ chẳng những không xét lỗi nó, mà còn đi tìm cho kỳ được. Ông đi tìm vì nó là của ông, cho dẫu vẫn còn 99 chiên khác. Khi tìm thấy, ông không kết tội, không đánh đập, nhưng mừng rỡ vác chiên trên vai trở về và mở tiệc ăn mừng! Đức Kitô cũng thế, Ngài đến là để tìm kiếm các chiên lạc và đem về cùng một đàn; để chỉ có một đàn chiên theo một Chủ Chiên. Người tội lỗi cũng là con của Thiên Chúa; linh hồn của họ quí giá trước mặt Thiên Chúa, vì Người đã dựng nên họ và máu của Con Ngài đã đổ ra để cứu chuộc họ.

(2) Đồng tiền bị mất: Đồng tiền bị mất là vì chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hòan cảnh chẳng may đưa tới. Người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là của bà, cho dẫu bà vẫn còn 9 quan khác. Khi tìm thấy Bà mở tiệc ăn mừng! Có người đặt câu hỏi Bà có thể phải dùng cả 9 đồng kia để mua thức ăn đãi khách để ăn mừng đồng tiền kiếm thấy!
Cả 2 ví dụ đều kết thúc bằng câu kết luận của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải năng xét mình cẩn thận để nhận ra chúng ta và mọi người đều là tội nhân trước Thiên Chúa; để rồi đừng xét đoán, phê bình, và kết án tha nhân.
- Thiên Chúa yêu thương tội nhân và sẵn sàng đi tìm họ như Đức Kitô đi tìm Phaolô trên đường đi Damascus, như người mục tử đi tìm con chiên lạc, và như người đàn bà đi tìm đồng bạc đánh mất. Chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ tha nhân, nhất là những tội nhân để giúp họ quay trở về với Thiên Chúa.
- Vì Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta không được quyền kết tội tha nhân như các kinh-sư và biệt-phái, nhưng phải sẵn sàng tha thứ cho họ.

Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 31TN
Lc 15,1-10

A. Hạt giống...
Khung cảnh : thầy Chúa Giêsu gần gũi với những người tội lỗi đến gần, nhóm pharisêu và kinh sư trách Ngài. Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.

B.... nẩy mầm.
1. Thật cảm động thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên đi lạc : chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế : chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng : thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh trên thiên đàng : “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ  chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.
2. “... hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” : Những kẻ thấy mình “không cần phải sám hối ăn năn” là những người nghĩ rằng mình “công chính”, nhưng thực ra họ không phải là người “công chính” thật. 99 người như thế không đáng là gì cả so với chỉ một người biết mình tội lỗi nên ăn năn sám hối.
3. “Một trong những hiện tượng tiêu cực rất phổ biến, đó là... ở đâu và thời nào tâm lý con người cũng giống nhau : ai cũng tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Chúa Giêsu cảm thông tha thứ mọi yếu hèn của con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình thánh thiện tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa : chỉ một mình Ngài mới có quyền xét xử” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
4. “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất”. (Lc 15, 6)
Vui với tôi bạn nhé, tôi lại tìm thấy được tình yêu. Đôi mắt tôi không còn nhìn anh em với những thành kiến hẹp hòi. Lời nói tôi thôi làm bạn đau đớn. Tai tôi biết lắng nghe bạn trân trọng, cảm thông. Bàn tay tôi trong tay bạn, ấm nóng yêu thương nhiệt thành. Và tôi đến với bạn với cả tấm lòng của kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Người đặt tình yêu của mình trong hình ảnh bạn và trong mắt tôi.
Tạ ơn Chúa đã cho con hạnh phúc của người tìm lại được tình yêu bị lãng quên. Xin Cha cho con luôn biết gìn giữ, trân trọng tình yêu của người. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

07/11/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10

ĐI TÌM CHIÊN LẠC
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15,4)
Suy niệm: Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc và họ chỉ thật sự hạnh phúc khi yêu mến Ngài, sống trong tình yêu của Ngài. Đồng thời Thiên Chúa không phải là một gia trưởng độc đoán, cai trị bằng quyền lực khắt khe. Ngài muốn người ta yêu mến Ngài cách tự do. Ngài ban cho con người tự do và Ngài tôn trọng sự tự do đó. Khi con người lạm dụng tự do đi xa lìa Thiên Chúa như con chiên xa đàn, Thiên Chúa làm người mục tử cất công đi tìm kiếm. Sánh mình như mục tử bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm con chiên thứ một trăm đi lạc, Chúa Giêsu cho thấy Ngài thương yêu từng người một và chấp nhận gian lao vất vả để cứu độ con người mà Ngài yêu thương.
Mời Bạn: Giáo Hội khắp nơi đang phát động công cuộc Tân Phúc Âm hoá để nối tiếp bước chân đi tìm chiên lạc của Chúa, để đến với những tín hữu đang xa lìa Hội Thánh, và cả những người chưa nhận biết Chúa để cho họ nhận biết rằng: Thiên Chúa kiếm tìm và chờ đợi họ đến với Ngài để được Ngài yêu thương. Ta có thể làm gì để tìm đến với những chiên lạc trong cộng đoàn?
Sống Lời Chúa: Được diễm phúc lãnh nhận ơn đức tin, tôi nhận biết chân lý và ơn cứu rỗi Chúa ban. Tôi có bổn phận phải chia sẻ ánh sáng này cho những người chưa biết Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng con lúc nào cũng ở kề bên Chúa. Xin thúc đẩy chúng con cùng Chúa lên đường đến với những người còn xa lìa Chúa, nói với họ về tình yêu Chúa và dẫn đưa họ về với Chúa.



Khía Cạnh Sâu Xa Của Tình Yêu

Trọng tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay nêu bật khía cạnh sâu xa nhất của tình yêu đó là sự tha thứ, một sự tha thứ được gói trọn trong tình yêu khoan dung vì tình yêu này không đóng khung kẻ mình yêu trong những ngục tù của lỗi lầm, của quá khứ. Tình yêu này cũng không giới hạn kẻ làm ơn trong hiện tại đen tối của người ấy mà còn phóng tầm mắt nhìn về những điều họ có thể trở nên tốt hơn trong tương lai.
Trong cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài sẵn sàng tha thứ để biểu lộ một tình yêu chân thành qua việc Ngài tiếp xúc với những người thu thuế, làm bạn với những người bị xã hội thời bấy giờ gán cho là kẻ tội lỗi. Ngài không ngăn cấm họ năng lui tới nơi Ngài giảng dạy, hơn nữa Ngài còn cùng ăn uống đồng bàn với họ. Những cuộc gặp gỡ giao tế này minh chứng rằng Chúa Giêsu nhìn những kẻ thu thuế và những người tội lỗi trong hai trạng thái: trạng thái hiện tại của họ và trạng thái họ có thể trở nên tốt lành hơn trong tương lai. Trong hiện tại, mặc dù đang sống trong tình trạng tội lỗi nhưng họ biết lắng nghe lời Chúa để khởi sự tiến những bước đầu tiên trên con đường hoán cải, và những điều họ có thể trở nên minh chứng qua những hành động cụ thể sau đó. Thí dụ như hành động dứt khoát với quá khứ tội lỗi để đi theo Chúa của ông Mátthêu. Là một người thu thuế, khi được Chúa gọi, ông đã bỏ bàn thu thuế đứng dậy và đi theo làm môn đệ Chúa. Hay qua sự hoán cải của một người thu thuế khác sau khi gặp gỡ Chúa và nghe Ngài dự định tới trọ nhà mình, ông Zakêu đã hứa là sẽ lấy nửa gia tài của mình mà phân phát cho những người nghèo và bồi thường gấp bốn cho những ai ông đã làm thiệt hại.
Chúa Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Chúa Giêsu duy nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người láng giềng: "Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc". Như thế, đối với Chúa Giêsu, Ðấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi và rồi bị xếp loại vào những người bị kết án muôn đời.
Vậy, chúng ta đây còn chần chờ gì nữa. Hãy chỗi dậy kíp hoán cải để thống hối ăn năn thực lòng, để được Ngài âu yếm vỗ về và để cho các thánh trên trời đều reo vui như lời kết thúc của câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu: "Thật vậy, Ta bảo cho các ngươi rõ, các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại".
Lạy Chúa
Xin cho con được ý thức tình thương của Chúa trong đời sống con và luôn luôn quay trở về mỗi lần lầm lỗi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Thứ Năm 7-11
Thánh Didacus 
(1400-1463)

T
hánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người "chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh" (1 Cor. 1:27).
Sinh trưởng trong gia đình nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó. Mặc dù còn trẻ, nhưng ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh.
Vài năm sau, ngài bị gọi trở về nhà nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ, nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài được gọi về Tây Ban Nha và sống trong nhiều tu viện gần Seville.
Vào năm 1450, nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng. 
Sau khi trở về Tây Ban Nha, ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.
Vào năm 1463, ngài lâm trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá và nói: "Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Ðức Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng" (Marion A. Habig, O.F.M., The Franciscan Book of Saints, t. 834)
Hoàng Ðế Philip II, vì nhớ ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài. Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.
Lời Bàn
Với những người thánh thiện thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy được áp dụng cho chính chúng ta hay không?
Lời Trích
"Ngài sinh ở Tây Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người" (Sắc lệnh Phong Thánh).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét