Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

10-11-2013 : (phần II) CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

CHÚA NHẬT 10/11/2013
Chúa Nhật 32 Quanh Năm Năm C
(phần II)




Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXXII Quanh Năm C ,
ngày 10.11.2013
CHÚA NHẬT XXXII QUANH NĂM, NĂM C
Sách Macabêô quyển II 7.1-2.9-14; Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Tessalonica 2.16-3-5 và Phúc Âm Thánh Luca 20.27-40

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Có đời sau, tức có đời sống sau khi chết.

Đời sống sau khi chết: Hạnh phúc bất diệt, siêu thoát như thiên thần, không cần đời sống vợ chồng, người ta không còn tìm kiếm một hạnh phúc nào khác ngoài chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên chúa.
II.        Vấn nạn P.Â.    

Luật lấy vợ goá của anh hay em mình:
Trong tiếng Do Thái gọi là Yibbum, tiềng La-tinh gọi là Levir, có nghĩa anh em chồng, Luật Yibbum hay Levir buộc anh hay em của người đàn ông chết mà không có con trai nối dòng phải lấy người vợ goá của anh hay em mình. Người vợ goá cũng bị buộc phải lấy anh hay em trai của chồng mình để sinh con trai cho dòng họ nhà chồng cũng như giữ gia sản bên chồng không cho thất thoát sang những gia đình khác.
Luật Yibbum phát xuất từ Sách Đệ Nhị Luật chương 25:5-10 nói rằng: Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng.  Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết ; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Ít-ra-en.  Nhưng nếu người đàn ông ấy không thích lấy chị dâu hay em dâu mình, thì nàng sẽ lên cửa thành, gặp các kỳ mục và thưa : "Người anh em chồng tôi từ chối không chịu lưu truyền tên tuổi của anh em mình ở Ít-ra-en, người ấy không muốn chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với tôi."  Các kỳ mục trong thành sẽ gọi người đàn ông đến và nói với người ấy. Người ấy sẽ đứng đấy và nói : "Tôi không thích lấy cô ấy."  Người chị dâu hay em dâu sẽ đến gần người ấy trước mặt các kỳ mục, rút một chiếc dép người ấy ra khỏi chân, nhổ vào mặt người ấy và lên tiếng nói : "Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải xử như thế đó !" Trong Ít-ra-en, người ta sẽ gọi tên người ấy là "nhà kẻ bị lột dép."

Đời sống độc thân linh mục Công Giáo theo nghi lễ Rôma có phải là dấu chứng của đời sống mai sau “trên thiên đàng, người ta không còn dựng vợ gả chồng không?” Hiện tại Giáo Sĩ Công Giáo bị tố cáo nặng nề về tội Child Sexual Abuse tức lạm dụng tính dục với trẻ em, đặc biệt giữa linh mục với các trẻ em trai. Tại sao Giáo Hội không bỏ luật độc thân linh mục, để linh mục có vợ con bình thường và tránh được những tội đáng khinh trên?
Xin đồng ý rằng: Độc thân linh mục là luật Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ La-tinh, chứ không là luật Chúa. Nó cũng giống như luật ăn chay kiêng thịt trong các ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, tức Giáo Hội có thể thay đổi, miễn chuẩn hay gia giảm cách nào đó tuỳ theo hoàn cảnh. Tuyệt đại da số các tông đồ, các môn đệ Chúa đều là những người có đời sống gia đình. Cho dù nhiều Giám Mục và linh mục đã giữ lời khuyên sống độc thân ngay từ những thế kỷ đầu, nhưng luật độc thân linh mục Công Giáo theo nghi lễ La-Tinh chỉ thành hình chính thức với Công Đồng Tridentinô năm 1563.
Khi học về khoản Giáo luật 277, luật độc thân linh mục Công Giáo theo nghi lễ Rôma,  trong Class notes for the use of students, tôi thấy có những thống kê như sau trong lịch sử thành hình luật độc thân linh mục Công giáo theo nghi lễ La-tinh:
Có 7 Giáo Hoàng có vợ con trên tổng số 265 Giáo Hoàng cho đến ngày nay. Trong số nầy có bốn Giáo Hoàng có vợ làm thánh.
Thánh Giáo Hoàng Phêrô, tông đồ, Giáo hoàng tiên khởi
Thánh Giáo Hoàng Felix III năm 483-492, có hai con.
Thánh Giáo Hoàng Hormidas năm 514-523, có một con
Thánh Giáo Hoàng Silverus năm 536-537, có vài đứa con
Giáo Hoàng Hadrian II năm 867-872 có một đứa con gái
Giáo Hoàng Clêmentê IV năm 1265-1268 có hai con gái
Giáo Hoàng Felix V năm 1439-1449 có một con trai.
Có 11 Giáo Hoàng, có năm vị là thánh, là con trai của các Giáo Hoàng hay của các Giáo Sĩ:
Thánh Giáo Hoàng Damascus I, Giáo Hoàng từ năm 366-384 Ngài là con trai của Cha Antonius, linh mục cai quản đền thờ San Lorenzo ở Rôma. Có sách ghi Ngài là con của Cha Thánh Lorenzo.
Thánh Giáo Hoàng Innocentê I, Giáo Hoàng từ năm 401-417 là con trai của Giáo Hoàng Anastasius I, làm Giáo Hoàng từ năm 399-401
Giáo Hoàng Boniface, Giáo Hoàngn từ năm 418-422, là con trai của một linh mục.
Thánh Giáo Hoàng Felix, Giáo Hoàng từ năm 483-492, là con trai của một linh mục.
Giáo Hoàng Anastasiius II, Giáo Hoàng từ năm 496-498, là con của một linh muc.
Thánh Giáo Hoàng Agappitus I, Giáo Hoàng năm 535-536, con của linh mục Gordiaous
Thánh Giáo Hoàng Silverus, Giáo Hoàng 536-537, con trai của Thánh Giáo Hoàng Homidas, Giáo Hoàng 514-523
Giáo Hoàng Deusdedit, Giáo Hoàng năm 882-884, con của một linh mục.
Boniface VI, Giáo Hoàng 896-896, Con của Giám Mục Hadrian
Giáo Hoàng Gioan XI, Giáo Hoàng 931-935 con trai của Giáo Hoàng Sergius III, Giáo Hoàng 904-911.
Giáo Hoàng Gioan XV, Giáo Hoàng năm 989-996, con của linh mục Lêo.
Sau năm 1139, lúc mà luật độc thân linh mục đang bàn cãi, sau đó đi đến chỗ thành hình thì cũng có sáu Giáo Hoàng có con ngoại hôn, tức những đứa con ngoài hôn thú hay bất hợp luật, illegitimate children
Giáo Hoàng Innocentê VIII, Giáo Hoàng từ năm 1484-1492 có vài đứa con ngoại hôn.
Giáo Hoàng Alexander VI, năm 1492-1503 cũng có vài đứa con bất hợp luật.
Giáo Hoàng Julius năm 1503-1513 có ba cô con gái ngoại hôn
Giáo Hoàng Phaolô III năm 1534-1549 có ba con trai và một con gái ngoại hôn.
Giáo Hoàng Pius IV, năm 1559-1565 có ba con trai bất hợp luật.
Giáo Hoàng Grêgôriô XII, năm 1572-1585 có một con trai ngoại hôn
            Chắn chắn có người chỉ trích rằng: tại sao vạch áo cho người xem lưng?
Đây là sự thật lịch sử, không nên giấu và cũng không thể giấu. Khi nêu những sự kiện lịch sử trên, tôi muốn nói rằng: Giáo Hội hay Hội Thánh là Thánh Thiện, vì do Chúa là Đấng Thánh sáng lập, vì bao gồm những thành phần được thánh hoá qua bí tích Rửa tội và tất cả đang trên hành trình về nơi thánh là thiên đàng. Nhưng đây cũng là một Giáo Hội trần thế, đồng hành với nhân loại, mang những hậu quả của tội lỗi. Hội Thánh nầy trên đường nên thánh, nên mọi luật lệ đều phải có lịch sử hình thành như luật độc thân linh mục.
Luật độc thân linh mục đã phải trải qua đường dài lịch sử với nhiều quan niệm đối nghịch và sau cùng thành luật. Luật độc thân linh mục thành hình vì như Hồng Y Joseph Ratzinger trong diễn từ “muối cho trần gian” xác tín: “Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu." (Matthêô 19:12).

Giáo luật qui định rất rõ về mục đích tại sao linh mục phải giữ luật độc thân:
Ðiều 277: (1) Các giáo sĩ buộc phải giữ sự khiết tịnh hoàn toàn và trọn đời vì Nước Trời, vì vậy họ phải ở độc thân, là một ơn đặc biệt của Thiên Chúa, nhờ đó các tác viên thánh có thể gắn bó với Ðức Kitô dễ dàng hơn với một con tim không bị chia sẻ và được thong dong hơn để hiến thân phục vụ Thiên Chúa và nhân loại.
(2) Các giáo sĩ phải khôn ngoan khi giao tiếp với những người mà sự năng lui tới với họ có thể gây nguy hại cho việc giữ sự khiết tịnh hoặc sinh ra gương xấu cho giáo hữu.
(3) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền ra những qui luật cụ thể hơn trong vấn đề này và xét định về việc tuân hành trong những trường hợp riêng biệt.
Luật độc thân linh mục ban hành và phải tuân giữ tự nguyện vì nước trời. Vì Nước Trời hay vì Chúa hay vì phần rỗi các linh hồn… tất cả đều căn cứ trên Chúa Giêsu, người độc thân mẫu mực. Linh mục hành xử in Persona Christi, trong con người của Chúa Kitô. Nên phải độc thân như Chúa Kitô. Trong sách Dân Số chương 1: 48-53 cũng đề cập dến linh mục được dành riêng cho chi tộc Lêvi. Những tư tế nầy lấy Chúa làm gia nghiệp.
            Trong Thư I gửi Giáo Đoàn Corintô 7-25, Thánh Phaolô cũng khẳng định: Độc thân là món quà đặc biệt do Chúa ban. Người sống độc thân thì dễ thuộc về Chúa hơn. Tuy nhiên sống đời sống gia đình cũng không phải là xấu. “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”
            Giáo sĩ Công Giáo theo nghi lễ Rôma hiện tại bị tố cáo nặng nề vì tội lạm dụng tình dục trẻ em. Những tổng giáo phận lớn như Boston ở Mỹ đã gần như phá sản vì bồi hoàn thiệt hại trong những vụ kiện lạm dụng tình dục. Năm 2008, tổng Giáo Phận Los Angeles ở Mỹ đa phải đền bối một số tiển gần 650 triệu mỹ kim vì những vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Ngày 18 tháng 3 năm 2010 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô thứ XVI đã phải công khai xin lỗi thế giới và dân Ái nhĩ Lan vì nạn lạm dụng tình dục gây ra bởi giáo sĩ của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan.
            Từ những thảm kịch nầy, người ta hô hào huỷ bỏ luật độc thân linh mục. Tuy nhiên xin hỏi là: Vì linh mục công giáo La Mã phải sống độc thân nên mới xảy ra lạm dụng tình dục trẻ em hay vì nguyên do gì khác? Vì những Giáo Hội Tin Lành như Anh Giáo, hay Lutêrô hay United Church, Giáo sĩ những Giáo Hội nầy đâu có giữ luật độc thân, nhưng cũng có những vụ kiện lạm dụng tình dục trẻ em?
Vậy thì vấn đề không nằm chỗ: độc thân linh mục mà đúng hơn vì linh mục không hành xử trong con người của Chúa Kitô, người tự nguyện độc thân vì nước trời hay nói khác đi vì “lòng nhiệt thành nhà Chúa thiêu đốt tâm can con!” (thánh Vịnh 69:9). Linh mục không giữ được độc thân vì còn yêu mình nhiều hơn yêu Chúa hay chưa sống chết vì nước trời và vì phần rỗi nhân loại.

Tại sao lại không còn dựng vợ gả chồng trên thiên đàng?
Điều nầy không có nghĩa là những ai đã là vợ chồng ở dưới trần gian từ trước thì trên thiên đàng không còn nhìn mặt nhau nữa hay ngoãnh mặt làm ngơ. Cũng không có nghĩa là ai đã là vợ chồng ở dười trần gian thì cố quên đi và phải lấy làm xấu hổ vì quan hệ khăng khít vợ chồng. Chúa không hề để cập đến chuyện nầy. Ngài chỉ nói là người ta sống như thiên thần, tức chuyện dựng vợ gã chồng không cần thiết.
Tại sao không cần?
Chúa dựng Eva để làm vợ Adong, vì “Đàn Ông ở một mình không tốt, Ta sẽ cho anh ta một người giúp đỡ!” Nên chuyện vợ chồng là để chống lại cô đơn và giúp đỡ nhau, chúng ta gọi là mutual support. Trên thiên đàng, chúng ta được vây quanh bởi muôn ngàn thần thánh như trong Sách Khải Huyền chương 7, câu 9. Hơn nữa không ai cảm thấy cô đơn cả và không ai cảm thấy cần sự giúp đỡ của người khác cả, vì đã quá thoả mãn và đầy đủ.
Mục đích của hôn nhân là để sinh con đẻ cái cho đầy mặt đất hai nói khác đi là để đóng góp vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trên thiên đàng không cần sinh sản thêm. Vả lại, đời sống tính dục hay quan hệ sinh lý vợ chồng là cách thoả mãn nhau. Trên thiên đàng Chúa thoả mãn chúng ta khôn cùng. Hạnh phúc thiên đàng không còn làm cho chúng ta có một khao khát nào khác. Nên không cần chuyện thoả mãn tình dục trong vấn đề vợ chồng.

III.      Thực hành P.Â.:
Đi tu làm linh mục là sướng nhất trên đời.
Đi tu làm linh mục, có Chúa là có tất cả, đâu còn cần gì nữa.
Đây là những câu nói rất thường nghe, nhưng không phát xuất từ người đi tu hay từ linh mục, nhưng từ người không đi tu hay từ người chuyên khuyến khích người khác đi tu.
Ngày xưa tôi nghe chính miệng ba của một anh bạn cùng đi tu nói: Thằng T. mà làm cha là tao sẵn sàng đốt nhà bỏ. Căn nhà Ông rất đáng giá: nhà ngói mới và rộng đẹp. Người dân quê muốn diễn tả ý rằng: Căn nhà nầy không là gì so với chức linh mục. Ông không cần nhà ở, chỉ cần con ông làm linh mục là ông mãn nguyện.
Cũng có người nhắn nhủ con mình: Con làm bác sĩ, kỷ sư… không làm cho mẹ mừng. Mẹ mừng nhất là con được làm linh mục.
Nhiều lời khuyến khích và đánh giá chức linh mục thật cao cả như vậy. Vì đi tu là sướng nhất, là cao trọng nhất, là đầy đủ nhất. Sướng nhất vì được người lớn trẻ em đều gọi bằng Cha, được mọi người cung phụng. Cao trọng nhất vì được làm việc thánh như dâng lễ, giải tội. Đầy đủ nhất vì nhiều quà cáp, nhiều ưu đãi. Chính vì những đánh giá nầy mà có nhiều người buộc phải làm linh mục.
Thực tế, linh mục là con người như chúng ta, nhưng hành xử như Chúa. Nên cái nghiệt ngã là bắt con người làm chuyện thần thánh. Luật độc thân linh mục là chuyện thần thánh thực hiện trong con người phàm tục. Hàng ngày tôi quan sát 8 linh mục già nua sống chung nhà với tôi. Tôi thật thương các Ngài: vì cô đơn, bệnh hoạn, không thân nhân, không bạn bè hay con cháu đến thăm… lủi thủi một mình. Không việc gì làm, nên bao giờ cũng đến ngối chờ sẵn trong nhà cơm dù còn 10 phút nữa mời đến giờ ăn.
Hàng ngày những linh mục già nua cô đơn nầy là một nhắc nhở cho tôi: Chả bao lâu nữa tôi cũng như vậy. Những linh mục nầy, với đời sống cô đơn đến ngao ngán làm tôi ý thức sự hy sinh lớn lao của các Ngài trong đời sống độc thân linh mục vì nước trời. Nước Trời sẽ đến. Nước trời có Chúa, có muôn thần thánh hát suốt ngày đêm chung quanh. Nhưng phải đánh đổi bằng một cuộc sống thật cô đơn và buồn tẻ trong tuổi già, không một tiếng hát, không một ai thèm hỏi thăm.
Không cần có một tổ chức rầm rộ. Chỉ cần năm ba gia đình trong giáo xứ rỉ tai nhau, chia phiên nhau đi thăm quí Cha già hưu trí chung quanh chỗ mình ở. Thăm các linh mục già cô đơn để thông cảm và tha thứ cho những linh mục “sa ngã” vì sợ cô đơn, để biết xem đi tu làm linh mục sống đời độc thân “khoẻ” đến chừng nào, để biết những linh mục sống đời độc thân đã hy sinh đến chừng nào, để thông cảm sự nóng tính hay phản ứng hơi bất thường nơi Cha xứ của anh chị em. Linh mục thật cao cả, vì phàm nhân mà làm khanh tướng, người phàm mà làm việc của Chúa. Nước Trời thật xa, hạnh phúc mai sau cũng không gần. Cái cận thân hàng ngày là cô đơn, trống vắng và thiếu thông cảm trong đời linh mục, nhất là ở tuổi già.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 

 Vấn đề kẻ chết sống lại 


Các bài đọc trong Phụng Vụ hôm nay, đặc biệt là bài Tin Mừng theo thánh Luca, thánh sử muốn nêu bật cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người thuộc nhóm Sađốc, giúp chúng ta tin tưởng vào sự sống lại của thân xác đời sau và xác tín hơn vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Với đoạn Tin Mừng này, chúng ta cần nắm rõ và tin vào sự sống lại không đồng nhất giữa các nhóm Do thái khác nhau. Hai trong những nhóm này là nhóm Pharisêu hay còn gọi là biệt phái và nhóm Sađốc. Nhóm biệt phái là những người đạo đức, tuân giữ nhiệm nhặt những luật lệ, họ sống trong giới bình dân, phần đông gồm các ký lục, họ ít quyền hành nhưng có nhiều ảnh hưởng trong dân chúng.
Nhóm biệt phái tin linh hồn bất tử và tin có sự sống lại của thân xác, vì thế nhóm này đồng tình với Chúa Giêsu về kẻ chết sống lại. Trái lại, nhóm Sađốc là những người quí tộc Do thái thời ấy, phần đông gồm các hàng tư tế giàu có, giữ những địa vị cao nhất trong đạo Do thái. Họ lấy Ngũ Thư của Môisen làm tiêu chuẩn độc nhất về đạo lý mà những sách này không nói rõ ràng về sự sống lại, nên đối với họ linh hồn và thể xác chết là hết. Họ không tin có sự sống lại và không tin có thiên thần.
Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay những người thuộc nhóm Sađốc dựa vào luật của Môisen và tập tục của họ mà chất vấn Chúa Giêsu về sự sống lại đời sau. Họ làm như thế vừa để bắt bẻ Ngài, vừa để chống lại nhóm biệt phái, đồng thời cũng nói lên quan điểm hưởng thụ của họ. Nhưng Chúa Giêsu cũng dẫn chứng lỗi của Môisen mà cho họ thấy sự sai lầm của họ về đạo lý, đồng thời phá đổ thái độ hưởng thụ, ích kỷ của họ.
Đối với con người hiện nay, nói chung ai cũng tin vào một thế giới linh thiêng nào đó đằng sau thế giới đời này, mặc dầu có nhiều phong trào vô thần, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, những người tự xưng là vô thần nhưng họ vẫn hằng tưởng niệm hương hồn của những người quá cố. Thậm chí họ còn tưởng niệm và suy tôn những vị đã chết cả hằng bao thập kỷ. Nhưng cách riêng đối với Kitô hữu chúng ta, chúng ta càng xác tín hơn là sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thể xác.
Có câu chuyện kể rằng, một lần kia ông Vontain một triết gia vô thần đã gặp Pascal và nói rằng, ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau để rồi trong đời sống hiện tại ông sống khắc khổ và đạo hạnh, với mình sống nhịn nhục, chịu thua thiệt với người khác, nếu không có đời sau ông là kẻ dại dột.
Pascal đã trả lời: ông nói đúng. Ông không tin linh hồn bất tử cũng không tin có sự sống đời sau nếu sống hưởng thụ thác loạn, nhưng nếu có đời sau thì ông là kẻ dại dột và ngu xuẩn hơn tôi, vì tôi chỉ thiệt thòi tạm đời này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời.
Niềm tin vào sự sống lại đời sau vừa là một khát vọng, vừa là một điều khó khăn đối với con người. Khát vọng vì con người không cảm thấy bằng lòng với cuộc sống này, không thể chấp nhận những bất công còn đầy dẫy trong cuộc sống này. Đó là điều mà không bao giờ con người có thể giải quyết nổi, không bao giờ chịu đựng được sự phi lý vì những mất mát chia lìa mà cuộc sống này phải đón chịu. Khó khăn vì người ta cảm thấy chắc tâm khi đạt được những thành công, tìm thấy những bảo đảm cho cuộc sống này để mình sung sướng, mặc dù đó chỉ là tạm bợ hơn là thả mồi bắt bóng. Ở thế giới bên kia, Von-ta-in và những người Sađốc là những người muốn an tâm với những sung sướng hiện tại rõ ràng như thế.
Bài đọc 1 trong sách Macabêô, Vatiôcô và quan thần của vua và tưởng ai cũng thế nên lấy những hình phạt thể xác đe dọa các tín hữu, bắt họ phải làm những điều trái với niềm tin của họ. Niềm tin của người Kitô hữu phải là khinh chê cuộc sống này, không phải là để thả mồi bắt bóng nhưng là qui chiếu đời sống này vào Thiên Chúa. Để hoàn thành chương trình cứu độ, khi đó Người trả lại những mất mát, Người hoàn thành những khát vọng, Người nối lại những chia lìa, Người đổi những giới hạn nên một trời mới đất mới.
Người Kitô hữu ước vọng hạnh phúc đời sau không phải là người chán đời bi quan, nhưng là người tràn đầy yêu thương, sống mãnh liệt niềm tin khát vọng, thực hiện đời mình cho tốt đẹp hơn, muốn đem lại hạnh phúc cho người khác trọn vẹn hơn.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Xác tín điều này giúp cho người Kitô hữu vượt qua lòng ích kỷ, thắng vượt được sự nhát đảm và cảm nhận được giá trị của niềm vui đích thực, niềm vui là con cái Thiên Chúa bởi cuộc sống lại. Ước gì mỗi người chúng ta luôn xác tín niềm tin đó, niềm tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

 Veritas.
(Trích dẫn từ ‘Hãy Ra Khơi’)


Hợp hoan bên Chúa

Trong kho tàng truyện cổ Tây phương có câu chuyện Công Chúa Ngủ Trong Rừng, như sau:
Ngày xưa, ở vương quốc hạnh phúc, nhà vua sinh được một công chúa xinh đẹp tuyệt vời. Lễ rửa tội được tổ chức linh đình, có mặt các bà tiên, mỗi bà tặng công chúa một món quà là một lời chúc tốt đẹp.
Dù không được mời, mụ phù thủy ghen tức cũng bay đến, lẩm bẩm câu chúc dữ: “Một ngày kia, cái suốt chỉ sẽ đâm vào tay công chúa và con bé sẽ phải chết!”. Nói xong, mụ bay vù qua cửa sổ. Mọi người buồn bã mất vui. May thay, vẫn còn một bà tiên tốt bụng đến trễ. Bà nói: “Ta sẽ làm nhẹ lời nguyền rủa ấy: cô bé sẽ không chết, chỉ ngủ một giấc rất dài cho tới khi một hoàng tử tốt lành, sẽ đến nắm tay kéo dậy và cô sẽ được hạnh phúc mãi mãi”.
Để đề phòng, nhà vua cấm tất cả thần dân không được dùng suốt chỉ. Nhưng một ngày kia, công chúa lên tháp canh trong lâu đài và thấy một bà lão đang khâu vá. Cô xin bà cho khâu thử. Thế là cái suốt chỉ đâm vào tay cô, cô lăn ra chết!
Người ta đặt xác cô giữa lâu đài, nhưng các bà tiên tốt bụng đã khiến mọi người trong lâu đài cùng bất tỉnh cả. Một rừng cây mọc lên che phủ lâu đài. Hoa thơm cỏ lạ bốn mùa đua nở.
Thời gian trôi đi đã ngàn năm, cho đến khi một hoàng tử lịch lãm đi săn ngang qua đó, khám phá ra lâu đài. Chàng bước vào ngỡ ngàng trước nàng công chúa xinh đẹp. Hoàng tử đã quỳ gối cầm tay công chúa, và nàng liền mở mắt chỗi dậy. Thế là hoàng tử rước công chúa về kinh thành, xin vua cha tổ chức lễ cưới linh đình.
Công chúa ngủ trong rừng chính là hình ảnh của người tín hữu an nghỉ trong ơn nghĩa Chúa. Sau một giấc ngủ dài họ được Thái Tử Bình An là chính Chúa Giêsu cầm tay nâng dậy, đưa vào tiệc cưới Nước Trời.
Chúng ta tin rằng con người sinh ra là để được sống mãi. Cái chết chỉ là ngưỡng cửa đưa vào chốn trường sinh. Một người chỉ có một cuộc sống, cuộc sống đời này sẽ quyết định số phận cho cuộc sống đời sau. Việc thiện hôm nay sẽ bảo đảm cho hạnh phúc ngày mai. Đúng như câu hát của nhạc sĩ Hoàng Văn: “Ngày mai, đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Phái Xađốc, trái lại, họ không tin có sự sống đời sau, cũng chẳng tin có sự sống lại, nên hôm nay, Chúa Giêsu muốn tiết lộ một vài hình ảnh của đời sau rằng: Đời sau khác hẳn đời này. Người ta “không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” vì con người “không thể chết nữa”, nên đâu cần sinh con để bảo tồn nòi giống, nhưng được “sống ngang hàng với các thiên thần” là ca ngợi, tôn vinh và phụng thờ Thiên Chúa. Họ được thông phần vinh quang Thiên Chúa, được dự phần vào dòng dõi của Người. Thánh Phaolô đã viết: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy. Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt, gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí mà chỗi dậy là thân thể có thần khí.
Quả thật, con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trường sinh, nhưng vì sự đố kỵ của ma quỉ mà cái chết đã nhập vào thế gian. Thánh ý của Thiên Chúa không thể mãi mãi bị ngăn chặn bởi quỉ ma, con người phải tìm lại được quyền bất tử của mình. Đó là sự sống lại của những người công chính. Lời than thở của thánh Augustinô đã nói lên nỗi khát khao của con người: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, hướng về Chúa, nên lòng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.
Chúa dựng nên con người để hưởng hạnh phúc, nhưng không chỉ là hạnh phúc tạm bợ đời này, mà là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau, về với Đấng hằng đợi chờ và yêu thương ta mãi mãi. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú bên đường mà quên cùng đích cuộc đời là phải gặp được Chúa. Có những kẻ sống như thể mình không bao giờ phải chết, họ ung dung hưởng thụ những thú vui trần tục. Họ đã chết ngay khi còn đang sống. Có những kẻ sống như thể chỉ có đời này, tự điển sống của họ không có từ “đời sau”. Họ đang sống mà như đã chết.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, đã cho chúng con hưởng dùng hương hoa của cuộc sống cùng với bao niềm vui và hạnh phúc. Chúng con chỉ xin Chúa thêm một ân huệ này, là cho chúng con được về hợp hoan với Chúa đời đời. Amen.

Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)


Lectio: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (C)

Chúa Nhật, 10 Tháng 11, 2013
Chúa Giêsu trả lời cho các người Sađốc
Là những kẻ chế nhạo niềm tin vào Sự Sống Lại  
Lc 20:27-40


Lời nguyện mở đầu

Thân lạy Đấng Mầu Nhiệm Hằng Sống,
Chúng con chỉ là hư không
Và chúng con vẫn có thể ngợi ca danh Người
Với chính tiếng nói của Lời Chúa
Đấng đã trở thành tiếng nói của toàn thể nhân loại chúng con.
Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi của con, con chẳng là gì trong Chúa
Nhưng Chúa lại hoàn toàn hiện diện trong con
Và thế là sự hư vô của con là Sự Sống … đó là sự sống đời đời.

Nt. Maria Evangelista, Thiên Chúa Ba Ngôi, dòng Cát Minh

1.  Bài Đọc

27 Có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chủ trương không có sự sống lại, đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Người rằng:  28 “Thưa Thầy, Môisen đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ góa đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng.  29 Vậy, có bảy anh em; người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. 30 Người kế tiếp cưới vợ góa đó, rồi cũng chết không con. 31  Người thứ ba cũng cưới người vợ góa đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào.  32 Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết.  33 Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? Vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ.”  34 Chúa Giêsu trả lời họ rằng:  “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, 35 song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; 36 họ sẽ không chết nữa : vì họ giống như thiên thần, vì họ là con cái của sự sống lại: họ là con cái Thiên Chúa.  37 Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisen đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacóp.  38 Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.”  39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm." 40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.  

2.  Suy Gẫm
                            
a)  Ý chính của bài Tin Mừng:

·         Bối cảnh:

Chúng ta có thể nói rằng đoạn Phúc Âm đề ra cho chúng ta sự phản ảnh của chúng ta là một phần chính của Tin Mừng Luca từ chương 20:20 đến chương 22:4, trong đó đề cập đến các cuộc thảo luận với các thày thượng tế của dân chúng.  Ngay ở đầu chương 20, Luca trình bày cho chúng ta với một số các mâu thuẫn phát sinh giữa Chúa Giêsu với các thày cả và các kinh sư (các câu 1–19).  Tại đây Chúa Giêsu thấy mình đối diện trước một số xung đột với các triết lý của phái Sađốc, những người thuộc dòng dõi của Gia-đốc, tư tế của vua Đavít (2Sm 8:17).  Họ chỉ chấp nhận như là sự mặc khải những tác phẩm viết về ông Môisen (câu 28) và phủ nhận việc phát triển dần dần của sự mặc khải trong Kinh Thánh.  Trong ý nghĩa này, người ta có thể hiểu rõ hơn về câu nói:  “Môisen đã ra lệnh cho chúng tôi” được lặp đi lặp lại bởi những người Sađốc trong cuộc tranh luận đầy ác ý này mà họ đã dùng như một cái bẫy để gài Chúa Giêsu và “để mong bắt quả tang Chúa Giêsu lỡ lời” (xem Lc 20:2; 20:20).  Trường phái triết học này đã biến mất cùng với việc phá hủy Đền Thờ.

·         Luật về anh em chồng

Những người thuộc phái Sađốc nhất quyết từ chối không tin vào sự sống lại từ cõi chết bởi vì, theo họ, tín lý này không thuộc về phần mặc khải được truyền lại cho họ từ Môisen.  Điều tương tự cũng có thể được nói liên quan đến niềm tin vào sự tồn tại của các thiên thần.  Tại Israel, niềm tin vào sự sống lại của người chết được thấy trong sách Đanien được viết vào năm 605 – 530 trước Chúa Giáng Sinh (Đn 12:2-3).  Chúng ta cũng tìm thấy nó trong quyển 2Mcb 7:9, 11, 14, 23.  Để giễu cợt niềm tin vào sự sống lại của người chết, các người Sađốc trích dẫn luật Môisen về anh em chồng (Đnl 25:5), liên quan đến lề luật cổ xưa của chủng tộc Do-Thái (gồm cả người Do-Thái), theo luật này, người anh em hay người thân cận của một người đàn ông cưới vợ mà chết đi không có con trai, thì phải kết hôn với người vợ góa để: a) bảo đảm người chết có kẻ nối giòng (các người con trai sẽ được chính thức thừa nhận như con của người đàn ông quá cố), và b) một người chồng cho người góa phụ, bởi vì người phụ nữ phụ thuộc vào người đàn ông cho việc sinh kế của họ.  Các trường hợp loại này được nhắc đến trong Cựu Ước trong sách Sáng Thế Ký và sách bà Rút.

Trong sách Sáng Thế Ký (38:6-26) chép lại việc “Giuđa đã cưới vợ cho người con trai trưởng Er, có tên là Tamar.  Nhưng Er, người con trưởng của Giuđa, làm mất lòng Đức Chúa, nên Đức Chúa khiến cậu chết.  Ông Giuđa bảo Ônan:  “Con hãy ăn ở với chị dâu con, hãy chu toàn nhiệm vụ của một người em chồng, và làm cho anh con có người nối dõi” (St 38:6-8).  Nhưng Ônan cũng làm mất lòng Đức Chúa và bị chết (St 38:10), bởi vì Ônan biết rằng giòng dõi sinh ra sẽ không được coi như là của mình, nên khi ăn ở với chị dâu thì cậu lại cho tinh rơi xuống đất, để không cho anh cậu có người nối dõi (St 38:9). Giuđa thấy vậy nên nói với Tamar, con dâu ông, về ở góa bên nhà cha nàng, để khỏi phải cho Shêla, con trai thứ ba của ông, làm chồng Tamar (St 38:10-11).  Tamar sau đó cải trang thành một cô gái điếm, ngủ với Giuđa và có song thai với ông.  Giuđa khi khám phá ra sự thật, đã công nhận “Tamar là người công chính và tôi đã sai” (St 38:26).

Trong sách Rút, một câu chuyện tương tự được kể về chính bà, bà Rút là người Mô-áp, người vẫn ở góa sau khi lấy chồng là con của ông Êli-me-léc.  Cùng với mẹ chồng là bà Naomi, đã buộc phải đi ăn xin để sống qua ngày và đi mót lúa đằng sau thợ gặt, cho đến khi bà kết hôn với ông Bô-át, một thân nhân bên họ người chồng quá cố của mình.

Trường hợp mà những người Sađốc đề nghị với Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về câu chuyện của ông Tôbia, con trai ông Tôbít, kết hôn với bà Sa-ra, con gái của ông Ra-guên, người góa phụ có bảy đời chồng, tất cả đều bị giết bởi Át-mốt, con quỷ của nhục dục, ngay trong đêm động phòng.  Tôbia có quyền kết hôn với cô ấy vì cô thuộc về dòng dõi gia tộc của ông (Tb 7:9).

Chúa Giêsu nhắc cho các người Sađốc biết rằng mục đích của hôn nhân là sinh sản, và do đó nó cần thiết cho tương lai của loài người, vì không ai trong số “các con trai của thế gian này” (câu 34) là vĩnh cửu.  Song “những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau” (câu 35) thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không chết nữa” (câu 35-36), họ sống trong Thiên Chúa:  “họ giống như thiên thần, vì họ là con cái của sự sống lại, họ là con cái của Thiên Chúa” (câu 36).  Trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, các thiên thần được gọi là con cái của Thiên Chúa (xem ví dụ, St 6:2; Tv 29:1; Lc 10:6; 16:8).  Những Lời này của Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, trong đó được viết rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa vì sự Phục Sinh của Người, Người là Đấng đầu tiên sống lại từ cõi chết và, nhờ Thánh Thần, Người được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng (Rm1:4).  Ở đây chúng ta cũng có thể trích dẫn các bản văn của thánh Phaolô về sự Phục Sinh từ cõi chết như là một sự kiện ơn cứu rỗi của một bản chất tâm linh (1Cr 15:35-50).

·         Ta là:  Thiên Chúa của Sự Sống


Chúa Giêsu tiếp tục xác nhận thực tế của sự sống lại bằng cách trích dẫn một đoạn khác lấy từ sách Xuất Hành, lần này bắt đầu từ sự mặc khải của Thiên Chúa cho ông Môisen trong bụi gai bốc cháy. Những người Sađốc làm rõ quan điểm của họ bằng cách trích dẫn lời của Môisen:  Chúa Giêsu, đồng thời, bác bỏ lập luận của họ cũng bằng cách trích dẫn lời của Môisen:  “Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisen đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp” (câu 37).   Trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môisen với những lời này:  “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6).   Thiên Chúa sau đó tiếp tục mặc khải cho Môisen Danh Thánh Chúa: “Ta là” (Xh 3:14).  Chữ ehjej trong tiếng Do-Thái, từ gốc chữ Hei-Yod-Hei, được dùng để chỉ Danh Hiệu Thiên Chúa trong sách Xuất Hành chương 3:14, có nghĩa là chính Ta là Đấng Hiện Hữu.  Gốc chữ cũng có thể có nghĩa là sự sống, sự hiện hữu.  Và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu có thể kết luận:  “Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống” (câu 38).  Trong cùng một câu, Chúa Giêsu xác định rằng “tất cả sống vì Người [Thiên Chúa]”. Điều này cũng có nghĩa là “tất cả sống trong Người”.  Suy gẫm về cái chết của Chúa Giêsu, trong thư gửi cho các tín hữu Rôma, thánh Phaolô viết: “Bằng cái chết, Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.  Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6:10).
                                                                                       
Chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu, một lần nữa, làm cho các người Sađốc thấy lòng trung tín của Thiên Chúa, đối với dân của Người, hay đối với một cá nhân, thì chẳng dựa trên sự tồn tại hay không của một vương quốc chính trị (trong trường hợp lòng trung tín của Thiên Chúa đối với Dân của Người), nó cũng không dựa trên có sự thịnh vượng và con cháu trong đời này hay không.  Hy vọng của người tín hữu thật sự không căn cứ vào vật chất của đời này, mà căn cứ vào Thiên Chúa Hằng Sống.  Đây là lý do tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi để sống như con cái của sự sống lại, đó là, con cái của sự sống trong Thiên Chúa, như là Thầy và là Chúa của họ, “đã được tái sinh không phải do hạt giống dễ hư nát mà do hạt giống bất diệt, đó là, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1Pr 1:23).

b)  Một vài câu hỏi giúp cho việc suy gẫm:

·       Điều gì đã đánh động bạn nhất trong đoạn Tin Mừng này?  Những chữ nào?  Thái độ đặc biệt nào?
·       Bạn hãy thử đọc lại bài Phúc Âm trong bối cảnh của các đoạn Kinh Thánh được trích dẫn trong ý chính của bài đọc.  Bạn cũng sẽ tìm thấy những điều khác.
·      Bạn giải thích ra sao về sự mâu thuẫn phát sinh giữa các thượng tế dân chúng và các người phái Sađốc với Chúa Giêsu?
·       Hãy tạm ngừng và suy nghĩ về cách thức Chúa Giêsu đối diện với cuộc xung đột.  Bạn đã học được những gì từ cách cư xử của Chúa?
·       Bạn nghĩ đâu là trọng điểm của cuộc thảo luận?
·       Sự sống lại từ cõi chết có ý nghĩa gì đối với bạn?
·       Bạn có cảm thấy mình là con cái của sự sống lại không?
·     Sống trong sự sống lại bắt đầu ngay từ bây giờ, ở thời điểm hiện tại, mang ý nghĩa gì đối với bạn?      

3.  Cầu Nguyện

Từ Thánh Vịnh 17:

Lạy Chúa, chúng con sẽ được no thỏa, bằng cách chiêm ngưỡng Thánh Nhan Ngài

Lạy CHÚA, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý;
xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu
thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.

Con chẳng theo thói đời buông những lời sai trái.
Con tuân giữ mọi lời Chúa dạy,
tránh xa đường lối kẻ bạo tàn,
dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.

Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa,
Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài
Về phần con, sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan

4. Chiêm Niệm

Trích từ nhật ký mầu nhiệm của
Nữ tu Maria Evangelista của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, dòng Cát Minh

Cuộc sống trần thế này đầy tràn tình yêu, với ân sủng của “sự thật”, các quà tặng ẩn dấu và đồng thời, mặc khải bởi dấu chỉ….  Con cảm thấy một sự biết ơn to lớn cho mỗi một giá trị của con người. Sống trong sự hiệp thông với Đấng Tạo Hóa, trong tình bằng hữu với các anh em, trong sự cởi mở đối với công việc của Thiên Chúa và công việc của con người, trong một kinh nghiệm liên tục của món quà của đời sống, ngay cả trong lúc đau khổ, thậm chí đơn giản khi được làm người, đó là một hồng ân liên tục, một món quà liên tục.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét