CHÚA NHẬT
10/11/2013
Chúa Nhật 32 Quanh
Năm Năm C
(phần I)
Bài
Ðọc I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14
"Vua vũ trụ sẽ
làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời".
Trích
sách Macabê quyển thứ hai.
Trong
những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng
roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả
của chúng tâu vua rằng: "Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm
chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền
cho tổ phụ chúng tôi".
Khi
sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: "Hỡi vua độc ác
kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho
chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống
đời đời".
Sau
khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình
bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách
tin tưởng rằng: "Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ
đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người
sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy". Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của
ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.
Người
con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình.
Lúc sắp chết, cậu nói rằng: "Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy
Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống
đời đời đâu".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15
Ðáp: Lạy Chúa, khi
thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa (c. 15b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin
nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng
con thốt ra tự cặp môi chân thành. -
Ðáp.
2)
Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu
van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ
tiếng con. - Ðáp.
3)
Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy
thiên nhan, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: 2 Tx 2, 15 - 3, 5
"Chúa làm cho
lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh
em thân mến, nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha
chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho
chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và
làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.
Anh
em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên
Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để
chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người
đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em
được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong
Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi
hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn
của Ðức Kitô.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Lc 21, 36
Alleluia,
alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những
việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 20, 27-38
"Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại,
đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi:
Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải
cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người
thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi
cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người
đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu
phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các
người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ".
Chúa
Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai
sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới
vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con
cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại,
thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là
Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống
cho Chúa".
Ðó
là lời Chúa.
Hoặc bài vắn này: Lc 20, 27. 34-38
"Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại,
đến gần Chúa Giêsu hỏi Người. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này
cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống
lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ
giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại.
Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi
gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa
Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.
Vì mọi người đều sống cho Chúa".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Thiên Chúa của sự sống lại
Các
Chúa nhật cuối năm Phụng vụ muốn hướng suy nghĩ của chúng ta về tận thế và đời
sau... Hôm nay Lời Chúa - nhất là trong bài sách Maccabê và bài Tin Mừng - nói
với chúng ta về việc sống lại sau này. Còn bài thư Phaolô khuyên bảo chúng ta một
vài công việc cụ thể phải làm trong khi chờ đợi ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại.
1. Chúng Ta Sẽ Sống Lại
Ðây
là niềm tin đặc biệt của đạo ta. Ngay trong Do Thái giáo, điều này cũng không
được rõ ràng. Còn nơi những tôn giáo khác, người ta sẵn sàng tin có sự sống đời
sau, nhưng không hề nghe nói sẽ có sự sống lại.
Thật
vậy, hầu hết các tôn giáo đều nghĩ rằng chết chưa phải là hết. Con người sau
khi chết được đưa sang một thế giới khác hoặc được dẫn đến một chỗ khác để tiếp
tục sống. Thế nên mới có câu thác là thể phách, còn là tinh anh. Tức là người
ta chỉ chết về phần thể xác; nhưng phần linh thiêng nơi con người sẽ còn mãi và
sống mãi, hoặc để hưởng hạnh phúc nếu khi còn sống người ta đã ăn ngay ở lành,
hoặc để chịu phạt, nếu ngược lại người ta đã ăn ở độc ác.
Chúng
ta không cần đi sâu vào những quan niệm này. Chúng ta chỉ cần biết chẳng có tôn
giáo nào nói đến việc con người chết đi rồi sẽ sống lại như đạo chúng ta dạy.
Ngay
cả đạo Do Thái cũng không dứt khoát về điểm này. Cứ xem bài Tin Mừng hôm nay
thì rõ. Phái Sađốc không những không tin mà còn chế nhạo những ai tin việc xác
thịt con người sau này sẽ sống lại. Ðiều đáng để ý là phái Sađốc này gồm hầu hết
hàng tư tế Do Thái... Vậy thì các sách Cựu Ước không dạy niềm tin này sao?
Chúng
ta không thể trả lời đơn sơ được, cứ chung mà nói người Do Thái vẫn tin có đời
sau. Nhưng đời sau đối với họ là đêm tối. Chính đời này mới là ánh sáng ban
ngày. Ít nhất đối với đa số loài người. Vì dù sao người Do Thái cũng có lòng
kính mến các tổ phụ và tiên tri. Họ không dám nói đến cuộc sống bên kia của các
ngài. Họ âm thầm nghĩ rằng các ngài đang được hạnh phúc trong ánh sáng của
Thiên Chúa. Nhưng công khai thì họ tuyên bố: đời sống ở bên kia thế giới của những
người khác, tức là của hầu hết mọi người, buồn thảm lắm và không có gì hấp dẫn
cả. Lý do vì đó là thế giới của sự chết. Của âm phủ. Không những không có ánh
sáng của Chúa ở những nơi đó mà tại đây cũng chẳng còn ai kêu cầu danh Chúa. Thực
ra quan niệm của các sách Cựu Ước về đời sau không đơn nhất và rõ rệt. Chung
chung người Do Thái không nghĩ rằng: Sinh ký tử quy, sống gửi thác về. Và họ
không có những kim tự tháp như người Ai Cập, hoặc các lăng mộ như người Việt
Nam. Họ không tin ở giá trị của đời sau bao nhiêu.
Tuy
nhiên, trên nền trời tư tưởng chung chung mờ tối đó, đã có những tia sáng thật
chói. Một Ezekiel đã có thể nói đến một cánh đồng xương khô bỗng được thần khí
nhập vào và sống lại. Ðành rằng đó chỉ là hình ảnh về cuộc phục hưng xứ sở sau
thời gian lưu đày tan nát. Nhưng nguyên việc nghĩ đến một hình ảnh như thế cũng
nói lên tác giả có một ước vọng về phục sinh. Dù sao, bản văn của Ezekiel vẫn
không cụ thể bằng câu truyện bảy anh em tử đạo hôm nay về vấn đề này.
Bấy
giờ là thời Hy Lạp đô hộ Do Thái. Hoàng đế Epiphane IV tưởng đã có thể thống nhất
đế quốc của ông về mặt tôn giáo như đã thống nhất về mặt văn hóa và chữ viết.
Ông cho lệnh dẹp tôn giáo Do Thái, bãi bỏ lề luật Môsê... và truyền dân phải
làm những điều cấm kỵ trong Luật. Chính vì vậy ông đã bắt tám mẹ con một gia
đình đạo đức phải ăn thịt lợn. Nhưng cả tám mẹ con đều cương quyết thà chết chẳng
thà vi phạm Luật pháp của tổ tiên. Và hết thảy họ đã chết vì đạo sau khi chịu
những tra tấn hành hạ thật dã man.
Ở
đây Phụng vụ chỉ nhặt lại những câu mà những người thánh ấy đã nói trước khi chết,
có hệ đến việc xác thịt con người sau này sẽ sống lại. Ðó là những lời tuyên
xưng niềm tin không mập mờ. Họ khẳng định: "Vua cả vũ trụ sẽ cho chúng ta
sống lại; Người sẽ hoàn lại cho ta sự sống còn mãi đời đời. Người sẽ trả lại
cho chúng ta sinh khí với sự sống, một khi chúng ta đã không màng đến chính
mình để bênh vực các Luật của Người...". Và lúc phải đưa các chi thể ra
cho lý hình làm khổ và cắt xẻo họ đã khẳng khái tuyên bố: "Nhờ Trời ban mà
chúng tôi đã có chúng, vì các Luật của Người mà tôi khinh màng chúng, nhưng tôi
trông cậy sẽ lấy lại do Người ban lại".
Những
lời này chắc chắn đã làm cho mọi người kinh ngạc. Và nhất là người Hy Lạp đang
tra tấn các thánh. Làm sao họ có thể tin được những lời ấy vì người Hy Lạp vốn
coi thân thể là tù ngục, phải diệt đi, bỏ đi cho tinh thần được vươn lên. Ðối với
người Do Thái vốn có óc cụ thể và quý trọng những gì hữu hình, niềm tin kia lẽ
ra phải khơi lên phấn khởi. Nhưng vì khác với khuynh hướng tâm lý của họ quá,
nó đã không trở thành một niềm tin phổ cập và nhất là chắc chắn. Phải đợi đến
khi Ðức Giêsu tuyên bố lập trường của Người và nhất là kể từ ngày chính Người
đã phục sinh, niềm tin xác thịt chúng ta sẽ sống lại mới dần dần được chấp nhận.
Trước
khi đi đến ngày nó trở thành một tín điều trong bản kinh, chúng ta hãy nghe
Chúa Giêsu dạy dỗ chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Sống Lại Rồi Sẽ Ðược
Như Các Thiên Thần
Thánh
Luca đặt câu chuyện những người phái Sađốc đến chất vấn Ðức Giêsu vào những
ngày cuối cùng trước khi Người bị nộp. Vì thế nó có ý nghĩa bắt bẻ, gây hấn.
Nhưng dùng những ngày cuối đời của Người để xin Ðức Giêsu nói về đời sau, tác
giả Luca lại thấy đó là điều hợp tình hợp lý.
Vậy
có mấy người thuộc phái Sađốc đến. Họ phủ nhận việc sống lại mặc dầu đã có bài
sách Maccabê như chúng ta đã thấy trên. Hơn nữa Ðaniel cũng đã khẳng định:
"Nhiều người sẽ thức dậy, kẻ thì dành cho sự hằng sống; kẻ sẽ chuốc lấy ô
nhục". Nhưng phái Sađốc không tin những loại sách này. Họ gồm phần lớn các
người ở trong hàng tư tế. Họ bám lấy Ngũ thư là năm quyển đầu tiên trong bộ
Kinh Thánh, đó là luật pháp Môsê, nền tảng của đạo giáo, cơ sở của hàng tư tế.
Những sách khác đối với họ không có nhiều uy tín. Họ không giống như biệt phái.
Những
người này không những tin ở Ngũ thư mà còn tin ở các sách Tiên tri và các sách
khác nữa. Ðó là những sách đã khởi sự với phong trào Ðệ nhị luật, tức là suy
nghĩ về luật pháp. Biệt phái là các thần học gia không ngừng học hỏi và dạy dỗ
luật pháp. Họ quý những sách viết sau như những sách viết trước vì họ quan niệm
Lời Chúa và mạc khải sống động và triển khai không ngừng. Thế nên họ tin lời
sách Ðaniel cũng như lời sách Maccabê về việc phục sinh sau này.
Ðang
khi ấy, phái Sađốc chú trọng đến tế tự và địa vị lãnh đạo của mình. Ngoài việc
dâng lễ ra, họ chỉ quan tâm đến đời sống chính trị. Họ sợ biến động làm rối các
cuộc lễ. Và vì thế họ không ngần ngại đi với chính quyền và sẵn sàng chế nhạo
những việc khác.
Biết
Ðức Giêsu thiên về giảng dạy đạo lý và chủ trương như biệt phái về việc phục
sinh sau này, mấy người phái Sađốc đến hỏi để giễu cợt nếu có sự sống lại thì
sau này một người đàn bà đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ
là vợ của ai? Theo luật Do Thái thì người ấy là vợ của bảy người; nhưng điều
này có thể ở thế gian vì lần lượt xảy ra; chứ ở đời sau thì làm thế nào được vì
tất cả đều sống cùng một lúc? Rõ ràng chỉ có óc tư tế thiên về luận lý mới đề
nghị ra những "nố" luật như vậy, để gây lúng túng cho các thần học
gia.
Nhưng
Ðức Giêsu không phải là nhà thần học. Người là chân lý. Và chân lý bao trùm mọi
lĩnh vực. Người hiểu rõ vì sao có điều luật kia trong sách Môsê. Nó đáp lại
nguyện vọng của con người muốn sống trong trường cửu nhưng lại không hiểu rõ về
những gì sẽ xảy ra sau khi chết. Người ta muốn nối dài đời sống con người bằng
một quyết định pháp luật, bắt người có anh em vừa chết phải lấy vợ của người chết
để lại mà truyền hậu cho anh em mình; tức là khi làm cho người chết có con nối
dõi tông đường, người ta nghĩ rằng có thể kéo dài sự sống của người chết ra mãi
mãi.
Nhưng
tên tuổi của người này có thể được tiếp nối ở đời này; còn sự sống của chính
người ấy thì sao? Có thế giới bên kia cho người ấy ở không? Nếu quan niệm đời sống
ở đó chỉ leo lét như ngọn đèn mù, tức là yếu ớt và thê thảm, thì chẳng cần nói
làm gì. Nhưng nếu tin rằng đời sống ở bên kia thế giới rất tích cực và phong
phú, thì làm sao giải thích được một vấn nạn như mấy người phái Sađốc nêu lên
hôm nay? Phái này không tin có sự phục sinh kẻ chết, vì họ thấy không có cách
nào giải quyết được các vấn nạn kia. Tức là họ không tin có đời sau vì họ không
thấy đời sau giải quyết được những vấn đề của đời này đặt ra. Họ coi đời sau
như nối dài y nguyên sự sống ở đời này. Và đó là sai lầm của họ.
Ðức
Giêsu vạch cho họ thấy sự sai lầm này, Người nói: Con cái đời này thì cưới vợ lấy
chồng; còn những ai đáng hưởng đời sau và sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới
vợ lấy chồng... bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa.
Chúng
ta vừa nghe lời Chúa liền nghĩ ngay đến tính cách thiêng liêng của đời sau, ở
đó không còn phong tục của đời này nữa. Nhưng phái Sađốc và người Do Thái lại
không nghĩ ngay như vậy. Nghe nhắc đến thiên thần, họ nghĩ ngay đến những bậc
mà lẽ sống là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Họ nghĩ đến sinh hoạt
hơn là có ý tưởng về bản chất của các bậc ấy. Và họ hiểu rằng: Ở đời sau con
người sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người.
Hơn
nữa, họ sẽ là con cái Người. Và theo quan niệm Do Thái, sự sống của Thiên Chúa
và con cái Người thì khác; còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì
khác. Một đàng vĩnh cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới
vợ lấy chồng.
Nghĩ
như vậy có lẽ phái Sađốc đã yên tâm. Chứ họ chưa hiểu sâu sắc như tác giả Luca
đâu. Ðối với thánh Luca khi nghe nói người ta sẽ nên con cái Thiên Chúa, một
khi đã là con cái của sự sống lại, thì lập tức ngài đã nghĩ đến chính Ðức Giêsu
nhờ việc sống lại đã được tuyên dương là Con Thiên Chúa. Và ngài biết rằng người
ta chỉ nên con cái Thiên Chúa khi sát nhập vào cơ thể Chúa Kitô, tức là tham dự
mầu nhiệm chết và sống lại của Người. Không thể so sánh sự sống phục sinh này với
sự sống ở trần gian. Các vấn nạn của đời sống thế gian chẳng còn nghĩa lý gì đối
với sự sống ở trên Nước Trời.
Hóa
giải được vấn nạn của mấy người phái Sađốc rồi, lẽ ra Ðức Giêsu không cần phải
nói thêm gì nữa. Nhưng Người là Ðấng luôn thương yêu cho đến cùng và đến cứu
người ta ra khỏi tối tăm lầm lạc. Người muốn cho phái Sađốc hiểu rằng họ sai
khi không tin có sự sống lại. Và cho được như vậy, Người đi từ suy nghĩ của họ.
Họ
đã nói đến Môsê thì Người nhắc đến cho họ nhớ hôm Môsê được ơn gọi, tức là lúc
ông thấy bụi gai cháy. Thiên Chúa đã nói với ông rằng: "Ta là Thiên Chúa của
Abraham, của Isaac và của Giacob". Lời này không có ý nói Người là Ðấng
các tổ phụ đã tôn thờ cho bằng muốn nhấn mạnh Người là Ðấng đã bảo vệ, phù trợ
các ông. Nếu các ông này đã chết mà không sống lại, thì việc Thiên Chúa bảo trợ
họ có nghĩa lý gì? Thiên Chúa bất lực đối với sự chết ư? Người không toàn năng
nữa! Vì thế không tin các tổ phụ sống lại là "hạ nhục" Thiên Chúa và
"vô hiệu hóa" chính Người. Người còn đáng tôn thờ nữa hay không? Các
lễ tế của phái Sađốc dùng làm gì? Do đó, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh: Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống. Ý Người muốn bảo các tổ
phụ là những người đang sống, đang có sự sống lại, để Thiên Chúa mới còn là
Thiên Chúa và còn mới đáng tôn thờ... Các tổ phụ "đã sống cho" Người
vì tin tưởng Người. Người là Ðấng toàn năng và trung thành; Người là Thiên Chúa
hằng sống. Người bảo hộ kẻ Người thương; nên họ không chết, nhưng đang sống và
đang sống cho Người để chính Người luôn luôn là lẽ sống và sự sống của họ.
Không tin họ đang sống là không tin quyền năng và sự trung thành của Thiên
Chúa, là phủ nhận chính Thiên Chúa. Nghĩ được như vậy, phái Sađốc còn biết nói
gì? Mấy người ký lục (chắc là thuộc Biệt phái) đứng nghe đã thấy như vậy, nên
đã thưa: "Thầy nói rất chí lý". Chúng ta cũng phải thưa như vậy...
Nhưng phải làm gì để chứng tỏ niềm tin ấy?
3. Chúng Ta Hãy Phấn
Khởi Và Kiên Vững
Bài
thư Thessalonica có nhiều lời khuyên. Ở đây chúng ta giữ lại mấy điều quan trọng.
Một đàng, được Chúa ban cho niềm an ủi và mối hy vọng tốt lành như vậy về đời
sau, chúng ta hãy phấn khởi và kiên vững trong đức tin. Chúng ta tiếp tục thi
hành Lời Chúa truyền dạy để sinh hoạt của chúng ta gồm toàn "việc lành và
lời lành". Ðàng khác chúng ta phải cầu nguyện cho "Lời Chúa được xuôi
chảy và rạng vinh" tức là cho có thêm nhiều người đón nhận Tin Mừng cứu độ.
Và cuối cùng chúng ta "phải hướng lòng vào đức mến của Thiên Chúa và sự
kiên nhẫn của Ðức Giêsu Kitô" vì đó là phương thế duy nhất để phấn khởi và
kiên vững trong niềm tin.
Không
phải chúng ta hay gặp thử thách như gia đình tám mẹ con trong sách Maccabê...
Có thể thỉnh thoảng chúng ta gặp những lời như của phái Sađốc... Ðiều quan trọng
là chúng ta phải hiểu Lời Chúa. Người đã "luận lý" cho chúng ta thấy
Người là Thiên Chúa hằng sống để chúng ta tin vào sự sống phục sinh; và để tin
rồi chúng ta có đời sống tốt lành. Bây giờ chúng ta tuyên xưng niềm tin ấy, cử
hành mầu nhiệm Chúa chết và sống lại, chúng ta quyết tâm sẽ sống với "nhiều
việc lành và lời lành" để chứng tỏ thật sự chúng ta đã là con cái của sự sống
lại.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 32 Thường
Niên, Năm C
Bài đọc: 2 Mac
7:1-2, 9-14; 2 Thes 2:15-3:5; Lk 20:27-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống trường sinh
Con
người làm việc là làm việc cho một mục đích. Trước khi biết phải sống thế nào,
con người cần phải biết đâu là mục đích của cuộc đời? Nếu mục đích của cuộc đời
là cuộc sống đời đời, con người sẽ sống cuộc sống đó làm sao? Con người cần phải
làm gì ở đời này để đạt được cuộc sống đời đời mai sau? Đây là những câu hỏi tối
quan trọng của đời người mà mọi người phải cố gắng để tìm ra.
Các
bài đọc trong những tuần phụng vụ cuối năm tập trung trong việc cung cấp cho
con người những câu trả lời của những câu hỏi nêu trên. Bài đọc I tường thuật
cuộc tử đạo của một số anh em nhà Maccabees. Họ sẵn sàng hy sinh cuộc sống đời này
để trung thành giữ Lề Luật của tiền nhân, vì họ biết Thiên Chúa sẽ cho họ sống
lại và sống đời đời bên Ngài. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu
Thessalonica hãy noi gương Đức Kitô để biết sống làm sao trong cuộc đời. Ngài
đã trung thành đến giọt máu cuối cùng để làm trọn thánh ý Chúa Cha, để mang lại
cuộc sống đời đời cho mọi người. Trong Phúc Âm, những người Sadducees dùng trí
khôn lý luận để chứng minh với Chúa Giêsu không có sự sống đời đời. Chúa Giêsu
dùng chính niềm tin của họ vào các tổ phụ để chứng minh ngược lại: Thiên Chúa
là Chúa của kẻ sống, chứ không phải của kẻ chết. Đồng thời, Ngài cũng mặc khải
sơ qua về cuộc sống đời sau đó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng
tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.
1.1/
Niềm tin của 7 anh em nhà Maccabees: Qua những câu trả lời của họ cho vua Antiochus,
chúng ta có thể dẫn chứng những niềm tin của họ như sau:
+
Họ tin có cuộc sống đời đời khi trả lời: “vì chúng tôi chết vì Luật pháp của
Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.”
+
Họ tin Thiên Chúa sẽ ban cuộc sống đời đời cho những ai tin tưởng và trung
thành làm chứng cho Ngài.
+
Họ tin chết vì Lề Luật là làm chứng sự trung thành của họ với Thiên Chúa.
+
Họ tin Thiên Chúa là chủ cả cuộc sống đời này và cuộc sống đời sau.
+
Họ tin ác nhân có thể lấy đi thân xác, nhưng không tiêu diệt được linh hồn;
nhưng Thiên Chúa sẽ ban lại cho họ cả hồn lẫn xác: “Tôi có được lưỡi này, tay
này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó,
và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được.” Đây là lần thứ nhất niềm
tin tưởng vào thân xác sẽ sống lại được ghi chép trong Sách Thánh, Dan 7:14 chỉ
mặc khải về cuộc sống đời đời.
+
Họ tin ác nhân sẽ phải đền tội vì tước đi sự sống của người vô tội. Những người
làm như thế sẽ không được hưởng cuộc sống đời đời.
1.2/
Cuộc sống chứng nhân của 7 anh em nhà Maccabees: Thông thường, ai cũng ham sống
và sợ chết; nhưng tại sao 7 anh em nhà Maccabees lại sẵn sàng chấp nhận tù đày,
roi đòn, và ngay cả cái chết, đến nỗi ngay cả những kẻ đang hành hạ và tước đoạt
mạng sống của họ cũng phải sửng sốt vì lòng can đảm của những người thanh niên
đã dám coi thường đau khổ.
Thực
ra, việc ăn thịt heo không phải là vấn đề của các Dân Ngoại; nhưng theo luật
Kosher của người Do-thái, họ không được ăn thịt heo, vì heo được coi là một thú
vật dơ bẩn; khi ăn thịt heo, họ đã để cho người ra ô uế, và như vậy, họ không
thanh sạch để vào Đền Thờ và dâng của lễ cho Thiên Chúa (Lev 11:4-7).
2/
Bài đọc II: Hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh
em.
2.1/
Niềm cậy trông của thánh Phaolô vào lời hứa của Thiên Chúa
Theo
thánh Phaolô, Thiên Chúa đã đặt vào linh hồn con người niềm cậy trông vào cuộc
sống đời đời. Khát vọng này không có gì có thể dập tắt nổi cho dù tội Nguyên Tổ
và bao nhiêu tội lỗi chồng chất của con người. Đức Kitô đã chịu chết và sống lại
là bảo đảm chắc chắn của niềm cậy trông vào cuộc sống đời đời, vì Ngài đã xóa bỏ
tội cho con người và hòa giải họ với Thiên Chúa.
Các
tín hữu cần nắm giữ chắc chắn niềm hy vọng này và đừng bao giờ để ba thù mê hoặc
làm đánh mất niềm cậy trông vĩnh cửu đó. Thánh Phaolô biết các tín hữu của Ngài
bị đe dọa bởi mọi học thuyết làm họ quên đi niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu,
nên Ngài tha thiết khuyên họ như sau: “Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững
và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng
thư từ. Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha
chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm
an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp. Xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh
em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”
2.2/
Cuộc sống chứng nhân của Phaolô: Khi đã hiểu rõ và nắm vững niềm cậy trông vào cuộc sống
vĩnh cửu, Phaolô dốc toàn bộ thời gian và nỗ lực cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng,
sao cho càng ngày càng nhiều người có được niềm cậy trông đó. Phaolô kiên tâm
chịu đựng đau khổ từ những người ác độc xấu xa, nhưng không bao giờ nguyền rủa
họ. Ông tin Thiên Chúa và Đức Kitô sẽ bảo vệ ông khỏi mọi nguy hiểm.
Theo
Phaolô, các tín hữu không chống chọi một mình, họ được sự hỗ trợ đắc lực từ
Thiên Chúa và từ Đức Kitô. Để có thể chiến thắng, các tín hữu cần cộng tác với
Thiên Chúa. Đặt căn bản trên những gì Phaolô khuyên các tín hữu, chúng ta có thể
đưa ra sơ đồ hỗ tương giữa Thiên Chúa và các tín hữu như sau:
(1)
Phần Thiên Chúa: Người
sẽ làm 2 điều:
-
Thứ nhất, Ngài cho các tín hữu được vững mạnh nhờ ơn thánh: Con người không có
sức mạnh để giao chiến với ba thù – ma quỉ, thế gian, và các thịt. Đó là lý do
Thiên Chúa ban cho con người sức mạnh của ơn thánh qua các bí tích Chúa Giêsu
đã thiết lập và đời dống cầu nguyện. Nếu con người không năng chạy đến lãnh nhận
ơn thánh qua các bí tích và cầu nguyện, họ sẽ không tìm đâu ra sức mạnh để chiến
đấu.
-
Thứ hai, Ngài bảo vệ các tín hữu khỏi ác thần: Đức Kitô đã chiến thắng mọi mưu
mô của ác thần, nhất là tội lỗi và sự chết. Các tín hữu trung thành theo Đức
Kitô sẽ được Ngài bảo vệ khỏi mọi âm mưu của ác thần và tai hại của tội lỗi.
(2)
Phần các tín hữu: Để
trung thành với Thiên Chúa, các tín hữu cũng cần làm 2 điều.
-
Thứ nhất, họ phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; đừng yêu mến những sự thế
gian hơn Thiên Chúa. Nếu các tín hữu để lòng ham mê những sự thế gian, họ sẽ dần
dần mất đi đức tin vào Thiên Chúa, niềm cậy trông vào Nước Trời, và lòng yêu mến
dành cho Thiên Chúa.
-
Thứ hai, họ phải nhẵn nại chịu đựng đau khổ như Đức Kitô: Để chứng tỏ lòng tin
yêu Thiên Chúa, họ phải chịu đựng đau khổ và vượt qua mọi thử thách. Đây là con
đường Thiên Chúa muốn; đây là con đường Đức Kitô đã đi qua, các thánh qua bao
thời đại đã đi qua; đây cũng là con đường các tín hữu phải đi qua trước khi đạt
tới Nước Trời.
3/
Phúc Âm: Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.
3.1/
Câu hỏi khó của Nhóm Sadducees nhằm chứng minh không có sự sống lại:
Truyền
thống lâu đời của Do-thái tin cuộc sống đời này là tất cả những gì họ có; một
khi họ mất đi, sẽ không còn gì tồn tại nữa. Chúng ta có thể thấy sự trăn trở của
niềm tin này trong các Sách Khôn Ngoan như Job và Giảng Viên (khoảng 5, 6 BC).
Bắt đầu thế kỷ 1-2 BC, niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời mới bắt đầu
thấy có trong các Sách Khôn Ngoan, Daniel, và Maccabees. Tuy nhiên, không phải
tất cả mọi người Do-thái đều tin như thế; điển hình, những người nhóm Pharisees
tin vào cuộc sống đời sau trong khi những người nhóm Sadducees thì không. Nhóm
thứ hai chỉ tin vào Sách Luật Moses và không tin có sự sống lại; đó là lý do tại
sao họ đến và hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi để chứng minh với Ngài là không có sự
sống lại: "Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh
hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy
nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình” (Deut 25:5). “Vậy nhà kia có bảy
anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai,
rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà
không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày
sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?"
Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng không thực sự xảy ra trong cuộc đời.
Tuy nhiên theo họ, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc về ai trong 7 người anh
em?
3.2/
Câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu tách rời 2 vấn đề của họ: chuyện vợ chồng và sự sống
lại; đồng thời Ngài sửa sai niềm tin của họ:
(1)
Chuyện vợ chồng: "Con
cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau
và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” Vợ chồng chỉ
xảy ra khi còn ở dương gian; tất cả là anh chị em với nhau trong cuộc sống mai
sau. Con người không có nhu cầu để cưới vợ lấy chồng trên Thiên Đàng như người
Hồi-Giáo tin.
(2)
Cuộc sống trường sinh:
“Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là
con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” Tuy có thân xác, nhưng không phải
là thân xác trên dương gian; nhưng là một thân xác như Đức Kitô Phục Sinh, sẽ
không còn bị ảnh hưởng bởi thời gian và các định luật trong vũ trụ nữa.
(3)
Dùng Luật họ tin để bắt bẻ sự tin sai của họ: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy,
thì chính ông Moses cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai (Exo 3:1-6),
khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ
Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacob. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ
chết, nhưng là, vì đối với Người, tất cả đều đang sống." Nếu họ tin “Thiên
Chúa là Chúa của kẻ sống;” họ phải tin các tổ phụ Abraham, Isaac, và Giacob vẫn
đang sống. Nói cách khác, họ phải tin có sự sống lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Con người khao khát được sống và sống mãi. Thiên Chúa đã đặt sự khao khát này
trong linh hồn con người, và Ngài làm trọn nỗi khao khát này qua cái chết và sự
sống lại của Đức Kitô.
-
Để đạt được cuộc sống vĩnh cửu này, con người cần đặt trọn vẹn niềm tin vào Đức
Kitô và trung thành giữ những điều Người dạy bảo.
-
Trong Ngày Tận Thế, thân xác chúng ta sẽ sống lại và nhập làm một cùng với linh
hồn. Chúng ta sẽ sống như các thiên thần, chứ không sống lệ thuộc vào vật chất
như cuộc sống hiện giờ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
10/11/13 CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – C
Lc 20,27-38
Lc 20,27-38
CHUYỆN DƯỚI ĐẤT, CHUYỆN TRÊN
TRỜI
“con cái ở đời này cưới lấy
chồng, chứ những ai được xét là đáng được hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi
chết. . . họ không chết nữa và được ngang hàng với các thiên thần.” (Lc 20,34-36)
Suy niệm: Cuộc sống con người phần đông tất bật với
những lo toan cho “chuyện dưới đất”: làm ăn sinh sống, cưới vợ gả chồng, sinh
con cái để nối tiếp câu “chuyện dưới đất” đó từ thế hệ này sang thế hệ kia. Đó
là chuyện đời, “chuyện dưới đất.” Chúa Giêsu cho biết bên cạnh đó, còn có
“chuyện trên trời,” đó là sự sống lại ở đời sau. Bởi thế, chúng ta không được
mải lo “chuyện đời này” như thể mình sẽ sống mãi ở thế gian này, mà quên rằng
chúng ta phải sống đời này sao cho đạt được “chuyện trên trời” là nơi chúng ta
sẽ sống mãi ở đó “như các thiên thần”.
Mời Bạn: Hình
ảnh một người khí phách hào hùng được Nguyễn Du mô tả qua nhân vật Từ Hải “đội trời đạp đất ở đời” cũng nói lên vị trí và phẩm giá con người đích
thực: sống ở đời này, chúng ta tuy chân còn đạp đất, nghĩa là bị chi phối bởi
những yếu tố trần gian, nhưng đầu chúng ta đã hướng về trời, quê hương đích
thực vĩnh hằng. Thời gian ở đời này là để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu đời
sau. Những ngày cuối năm phụng vụ này, chúng ta được mời gọi hướng về cùng đích
của cuộc đời mình để sống xứng đáng ở đời này, ngõ hầu đạt tới cuộc sống hạnh
phúc đời sau.
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày tự nhắc mình hướng về cuộc sống mai sau để thánh hoá những việc trong hiện
tại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn khao khát hướng về trời để lời
nói và hành động của chúng con chuẩn bị cho cuộc sống viên mãn sau này bên Chúa
Cha và các thiên thần.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10
THÁNG MƯỜI MỘT
Kỹ Thuật: Tai Họa
Hay Là Tiến Bộ?
Những
khả năng vô song ấy của tai họa khủng khiếp hay của sự tiến bộ ngoạn mục mời gọi
thế hệ chúng ta khám phá lại những giá trị lớn lao mà nền văn minh của mình cắm
rễ trong đó.
Rất
nhiều giấc mơ của con người hàng bao thế kỷ đã trở thành hiện thực nhờ những bước
tiến nhảy vọt của kỹ thuật. Chúng ta có thể chặn đứng sự bành trướng của sa mạc
và biến đổi chính sa mạc. Chúng ta có khả năng chế ngự được hạn hán và sự đói
kém. Chúng ta có khả năng làm giảm bớt gánh nặng của sự làm việc vất vả lâu giờ.
Chúng ta có khả năng giải quyết một số vấn đề về tình trạng kém phát triển và
nhờ đó có thể có được một sự phân phối công bằng hơn về các nguồn tài nguyên của
thế giới.
Nhưng
cũng chính kho tàng kỹ thuật ấy hiện đang đe dọa con người với những tai họa khủng
khiếp. Trái đất có thể sẽ không còn cư ngụ được; biển có thể trở thành vô dụng;
bầu không khí có thể trở nên độc hại …
Đứng
trước vô số những khả năng tích cực và tiêu cực đó, kỹ thuật không được phép
quên con người! Ngày nay, hơn lúc nào hết, chúng ta khẩn thiết cần đến những
giá trị đạo đức ưu tiên trên những giá trị khoa học, và chúng ta khẩn thiết cần
có sự hiệp nhất giữa mọi người chúng ta. Tất cả chúng ta cần liên đới với nhau
vượt qua cả những ranh giới quốc gia – bởi vì mọi người trên hành tinh này sẽ
cùng chia sẻ với nhau những số phận tốt hoặc xấu. Tất cả chúng ta đều cùng ở
trong một vòng ảnh hưởng.
Tương
lai chúng ta cần phải được dẫn dắt bởi những giá trị lớn của nền văn minh Kitô
giáo. Các giá trị ấy phải đóng vai trò như người bảo vệ chống lại những khả
năng tàn phá và hủy diệt. Sự phát triển của các kỹ thuật mới phải giúp thế hệ
chúng ta khám phá lại những chuẩn mực đạo đức nền tảng của văn minh chúng ta.
Chúng ta phải ý thức lại bản tính của con người, phải tôn trọng phẩm giá của
nhân vị và phải tôn trọng sự sống.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
10-11
Chúa
Nhật XXXII Thường Niên
2Mcb
7,1-2.9-14; 2Tx 2, 16-3,5; Lc 20,27-38
LỜI SUY NIỆM: Trong câu
chuyện “kẻ chết sống lại” Nhóm Sa-đốc không tin kẻ chết sống lại và họ dựa vào
luật Mô-sê, họ đã đưa ra một ví dụ để không tin. Đối với người Kitô hữu, chúng
ta tin chúng ta có linh hồn bất tử, chúng ta tin có đời sau, chúng ta tin có sự
sống lại. Sống lại không phải là trở về với cuộc sống như chúng ta như hiện
nay. Sống lại không như Ladarô, hay người con trai của bà góa thành Naim sống
thêm một thời gian nữa. Chúng ta sống lại là một ân huệ Thiên Chúa ban tặng cho
những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là
con cái sự sống lại. Tất cả đều nên giống như các Thiên thần, vui hưởng hạnh
phúc với Thiên Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
10-11
THÁNH
LEO CẢ
Giáo
Hoàng Và Tiến Sĩ Hội Thánh (-461)
Người ta không biết được
thánh Lêo sinh ra ngày nào và cả nơi sinh của Ngài cũng không được biết chắc.
Có lẽ Ngài là người Roma. Chúng ta chỉ biết được rằng: Ngài là một phó tế góp
phần cai quản dưới hai triều Giáo hoàng Cêlestinô I và Sixtô III và được bầu
làm giáo hoàng năm 440. Được chọn làm giám mục Roma, phải đợi 40 ngày sau Ngài
mới được trở về.
Trước trách nhiệm chất đầy,
Ngài đã sợ: - Lạy Chúa, có sự cân xứng nào giữa gánh nặng Chúa trao và sự yếu
hèn của con, giữa sự cất nhắc và sự hư không của con ?
Và Ngài tiếp: - Chúa đã đặt
gánh nặng cho con, xin Chúa gánh với con, xin Chúa hãy là người hướng dẫn và
nâng đỡ con.
Công cuộc Ngài làm thật lớn
lao và đa diện khó có thể tóm kết lại được mà không bất công. Dầu vậy, có thể
nói công cuộc này qui về 4 hình thái chính: kiểm soát lạc giáo bên Tây phương,
can thiệp về giáo thuyết quan trọng bên Đông phương, bảo vệ Roma khỏi cuộc tấn
công của dân rợ và những nỗ lực của một mục tử và một nhà giáo dục.
Thánh Lêô đã phải có biện
pháp đối với không dưới ba lạc giáo. Không còn dễ dãi cho những người theo
Pêlagiô được hiệp thông nữa và đòi phải công khai tuyên xưng đức tin trước khi
được nhận là phần tử đầy đủ của Giáo hội. Những người trốn thoát cuộc tấn công
của Valda Phi Châu đã mang thuyết Manichêô đến Roma. Thánh Lêô thấy rằng: cộng
đoàn bí mật này phải được công khai đưa ra ánh sáng. Ngài cũng nhiệt liệt ủng hộ
các giám mục Tây Ban Nha và Phi Châu chống lại thuyết Priscillanô, những cuộc
tranh luận về giáo thuyết tại Giáo hội bên Đông phương liên quan tới chính bản
tính của Chúa. Hai nhà tiền phong của cuộc tranh luận là Eutiches, một tu viện
trưởng ở Constantinople và thánh Plavianê, thượng phụ giáo chủ Constantinople
là người trong cuộc chiến đã bị những người theo Eutiches hành hạ cho đến chết.
Năm 451, một cộng đồng qui
tụ trên 600 giám mục về Chalcedonia. Thánh Lêô đã viết lá thư danh tiếng gởi
Plavianô, trình bày giáo thuyết về ngôi vị và bản tính của Chúa Giêsu Kitô.
Ngài đã đặt bức thư này trên mộ thánh Phêrô, vị thủ lãnh tiên khởi của Giáo hội
và ăn chay cầu nguyện suốt 40 ngày. Bức thư được đọc tại công đồng và đã được
nhận như một bản tuyên xưng đức tin. Quyền tối thượng của Đức giáo hoàng tỏ hiện
khi giám mục đồng thanh kêu lớn: - Chính thánh Phêrô đã nói qua Lêô.
Như thế đứng đầu các giám mục
không mấy quan tâm tới quyền tối thượng của Roma. Ngài đã cất giữ được sự hiệp
nhất Giáo hội. Ngài đã viết: "Đức tin của Phêrô đã được chính Thiên Chúa mặc
cho sự kiện vững không thể lay chuyển nổi. Dù cho sự cúng lòng của các lạc giáo
hay sư man rợ của lương dân cũng sẽ không bao giờ đảo lộn được đức tin
này".
Trong số các quyết định,
Ngài đã tạo được sự đồng ý giữa Đông Tây cử hành lễ phục sinh vào cùng một ngày
ở khắp nơi.
Một cuộc chiến khác chờ đón
Đức Giáo hoàng Attila và rợ Hung Nô võ trang hùng hậu, gieo rắc những khủng khiếp
chiến tranh và tàn phá. Người ta nói rằng: những người man di này khi sinh ra
là mẹ họ nghiền mặt đi cho hợp với nón sắt, và chính họ xẻ má cho râu hết mọc nổi.
Họ thờ thanh gươm khắc sâu vào bàn thờ, tưới máu các tù nhân trên đó và làm một
thiết đồ bằng đầu các địch thủ. Năm 452, họ đổ vào miền Bắc Italia gieo rắc tàn
phá trên đường tiến quân. Không một đoàn quân nào có sức bảo vệ Roma. Các tướng
lãnh và hoàng đế Valentinô III run sợ chỉ biết đặt niềm tin tưởng vào Đức giáo
hoàng.
Thánh Lêô sau 3 ngày cầu
nguyện chay tịnh đã ra đón người gieo vãi kinh sợ trên thế gian. Và điều gì đã
xảy ra ? Người ta có thể tưởng tượng được một Attila hùng hổ với đoàn quân đông
đảo đối diện với người cha chung của các Kitô hữu mặc phẩm phục giáo hoàng và
chỉ có tình yêu trong lòng làm khí giới. Attila tiến đến Roma với những dự tính
đẫm máu, nhưng Đức Lêô đã đổi lòng hắn. Vương quốc được bình an với lễ vật triều
cống hàng năm. dân Hung Nô trở lại Pannonnia. Đức Giáo hoàng nói với nhà vua: -
Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tai họa khủng khiếp.
Đối với dân chúng vui mừng
sung sướng, Ngài truyền cho họ phải cảm tạ Chúa.
Nhưng lòng nhiệt thành và
biết ơn ban đầu đã không tồn tại được lâu. Dân chúng vô ơn và sa đọa, khi nỗi sợ
qua rồi họ quên rằng lòng thương xót họ đã cứu vương quốc và họ lao mình vào
các cuộc chơi bời phóng đãng. Cả đến nhà vua Valentinô cũng làm gương xấu cho
dân chúng. Những lời trách cứ của đức giáo hoàng không được đến xiả tới. Và ba
năm sau, những rợ Vandales dưới quyền vua Ghenséric kéo quân tới. Các nhân vật
lớn chạy trốn, cửa thành bỏ ngõ và Đức giáo hoàng một mình ở lại với dân Roma.
Ngài một lần nữa ra đón quân xâm lăng. Lần này họ ít bị khắc phục hơn lần trước.
Dầu vậy, ảnh hưởng của
thánh Lêô cũng đáng đủ để kiềm chế bớt cuộc chém giết và sự tàn phá, các nhà thờ
được tôn trọng. Trái với lời hứa hẹn, nhiều dân thành vẫn bị bắt. Đức giáo
hoàng đã chuyển đồ cứu tế cho họ, sai các linh mục tới nâng đỡ họ và còn mua
chuộc lại một số lớn các tù nhân.
Những năm cuối đời Ngài
dành sửa sang lại các tai họa do các cuộc xâm lăng gây nên, xây dựng lại các tu
viện mà với cảm quan về nghệ thuật, Ngài đã làm giàu thêm bao nhiêu là họa phẩm.
Ngài để lai nhiều bài giảng, nhiều thư từ rất quan trọng, ngày nay chúng ta còn
đọc được.
Thánh Lêô từ trần năm 461.
Ngài xứng đáng được mệnh danh là người đầu tiên được chôn cất trong đại vương
cung thánh đường thánh Phêrô. Đức giáo hoàng Sergiô I ghi trên bia mộ của Ngài:
"Tôi canh chừng kẻo lang sói luôn rình mò phá phách đoàn chiên".
Đây là lời thánh Lêô để lại:
- "Các con được thấm nhập vào Chúa".
- " Trong tâm hồn mỗi
tín hữu còn có cái trên trời mà người ta thán phục".
- "Nước Trời không đến
với những người ngủ mê.
Năm 1754, Ngài được suy tôn
lên bậc thánh tiến sĩ trong Giáo hội.
(daminhvn.net)
10 Tháng Mười Một
Hôm Nay Là Ngày Của
Chúa
Khi Ðức Gioan 23
lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ muốn dấu nhẹm sự nguy kịch
của căn bệnh, họ bảo ngài chỉ bị chứng lở bao tử. Nhưng Ðức Gioan 23 biết rõ bệnh
tình của mình hơn ai hết, vì thế ngài nói: "Tôi đã dọn sẵn hành
trang".
Ông Giacômô Manzu,
một nhà điêu khắc nổi tiếng người ý viết hồi ký về những giây phút sau hết của
cuộc đời Ðức Gioan 23 như sau: Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn kéo
dài, linh mục Capovilla, bí thư riêng của Ðức Thánh Cha đến bên giường bệnh,
hôn tay bệnh nhân và hỏi xem ngài thấy thế nào. Ðức Gioan 23 trả lời: "Tôi
cảm thấy trong mình khỏe khoắn và an bình như thể tôi đang ở trong Chúa. Nhưng
đồng thời tôi cũng cảm thấy hơi lo".
Linh mục Capovilla
thưa: "Xin cha đừng lo. Những người phải lo là chính chúng con, vì con đã
nói chuyện với bác sĩ...". Ðức Gioan 23 ngắt lời hỏi: "Họ đã nói với
con những gì?".
Nghẹn ngào, linh mục
bí thư của ngài nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn nói với cha sự thật:
hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay cha sẽ được về Thiên Ðàng".
Nói xong, linh mục
bí thư quỳ xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua,
bỗng cha cảm thấy một bàn tay âu yếm xoa đầu mình và nghe một giọng ôn tồn nói:
"Hãy ngước mắt nhìn lên. Bình thường, người bí thư của tôi rất mạnh mẽ,
can đảm, nhưng bây giờ phải trở nên mềm nhũn. Cha đã nói với người bề trên của
cha những lời hay đẹp nhất mà con người có thể nghe từ miệng của một linh mục:
Hôm nay cha sẽ được vào Thiên Ðàng".
Chúng
ta đang sống trong tháng 11:
-
Ðây là tháng Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ đến những người quá cố.
-
Ðây là tháng chúng ta đặc biệt có dịp để báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, tháng để
trả nghĩa cho cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc đã qua đời bằng những kinh
nguyện, bằng những chuỗi lần sốt sắng, nhất là bằng cách siêng năng tham dự
tích cực và cố gắng sống thành lễ để thực hành những công việc bác ái như thánh
lễ đòi hỏi.
Nhưng,
vào tháng 11 hằng năm, Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta phải nhớ bến bờ
chúng ta phải tới, nhắc nhở khúc quẹo ngoặt nhất trong đời chúng ta sẽ phải đi.
-
Ðó là từ giã cõi đời.
-
Ðó là nhắm mắt xuôi tay.
-
Ðó là sự thật: ai trong chúng ta cũng phải chết.
Ước
gì chúng ta có được sự bình thản trong giờ lâm tử như Ðức Gioan 23 . Ước gì,
như ngài, chúng ta có được sự bình an trong tâm hồn và có niềm hy vọng để tin
tưởng rằng: lời Chúa Giêsu phán với người trộm lành cũng được áp dụng cho chúng
ta: "Hôm nay con sẽ được cùng Ta về Thiên Ðàng".
Nhưng,
nếu Thiên Ðàng là bến bờ, là Ðức Mến, thì cuộc sống của chúng ta phải định hướng
theo đó.
Nếu
Thiên Chúa là cùng đích của giây phút cuối cùng, thì trong những chuỗi ngày sống,
chúng ta cũng phải hướng mục và xây dựng theo tiêu chuẩn đó.
(Lẽ Sống)
10-11
Thánh Lêo Cả
(c. 461)
Ý
|
thức được tầm quan trọng
của vị Giám Mục Rôma, và của Giáo Hội lữ hành như dấu chỉ sự hiện diện của Ðức
Kitô trong trần thế, Thánh Lêo Cả đã hết sức tận tụy trong vai trò của một giáo
hoàng. Ðược chọn làm "đấng kế vị Thánh Phêrô" vào năm 440, ngài làm
việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như "những người ngang
hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người."
Thánh Lêô nổi tiếng là
một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp
của ngài được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ ngài có cái nhìn chính
xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô.
Thứ nhất, ngài kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác,
ngoài ra ngài cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô
Giáo. Lãnh vực thứ hai mà ngài lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương
về bản tính của Ðức Kitô mà ngài đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin
mạnh mẽ, ngài còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng
đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.
Sự nghiệp của Ðức Giáo
Hoàng Lêô luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của
ngài dựa trên nền tảng tâm linh sâu xa mà qua đó ngài thi hành công tác mục vụ
cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà ngài hằng lưu tâm. Ngài nổi tiếng về những
bài giảng thật sâu xắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm
nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Ðức Lêô đã đáp ứng được những nhu
cầu tâm linh của các tín hữu thời ấy.
Ngài từ trần năm 461, để
lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử.
Lời Bàn
Khi có những chỉ trích
về cơ cấu Giáo Hội, thì chúng ta cũng được nghe nói rằng các giám mục, linh mục
-- có thể nói, tất cả chúng ta -- đã quá bận tâm với kiểu cách hành chánh theo
thói đời. Ðức Giáo Hoàng Lêô là gương mẫu của một người quản trị biết dùng tài
năng của mình trong các lãnh vực mà cơ cấu và tinh thần không thể tách biệt: đó
là vấn đề giáo lý, công việc mục vụ và sự hài hòa. Ngài tránh cảnh "đi
trên mây," sống mà không có thân xác, nhưng ngài cũng như tránh cảnh
"quá thực tế," chỉ lo cho những sự bề ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét