Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

NỀN THẦN HỌC BÍ TÍCH

Nền thần học bí tích

http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
Với loạt bài về bí tích Sám Hối hay bí tích Giải Tội hoặc bí tích Hòa Giải chúng ta đã kết thúc phần tìm hiểu một trong các phương thế hữu hiệu, mà Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội đặt để trong tầm tay của chúng ta để giúp chúng ta trưởng thành trong cuộc sống đức tin đức cậy và đức mến. Ba bí tích khai tâm là bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể cho phép con người gia nhập gia đình Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô. Khi lớn lên, nếu tín hữu lựa chọn sống đời hôn nhân, tình yêu của họ được Thiên Chúa chúc lành với bí tích Hôn Phối, cột buộc họ với nhau trong sự chung thủy cho tới chết. Là nam giới nếu muốn sống ơn gọi linh mục, sau thời gian huấn luyện và chuẩn bị với các năm học triết học và thần học, tín hữu lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh và trở thành Linh Mục. Trong cuộc sống thường ngày khi phạm tội tín hữu có thể tìm lại cuộc sống ơn thánh bằng cách đến với bí tích Hòa Giải. Qua trung gian của các linh mục Thiên Chúa ban ơn tha tội cho họ, và giúp họ có đủ sức theo đuổi sự thiện. Sau cùng, khi đau yếu hay hấp hối, tín hữu lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, giúp họ phục hồi sức khỏe hay chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống mai sau. Như thế, các bí tích là các máng chuyển ơn thánh cứu độ cho tín hữu trong mọi hoàn cảnh, dọc dài suốt cuộc sống của họ, từ lúc chào đời cho tới khi từ giã trần gian này để trở về với Thiên Chúa là Cha.

Tầm quan trọng này của các bí tích trong đời sống kitô hữu làm nảy sinh ra nền thần học bí tích gọi là “Sacramentaria.”

Con đường hữu lý và có giá trị khoa học nhất giúp tiếp nhận ý nghĩa của một từ là phân tích các văn bản văn chương và các bối cảnh văn hóa, trong đó từ ấy được sử dụng. Trên lý thuyết việc phân tích này sẽ là kiểu tìm hiểu thích hợp nhất để xác định từ ”bí tích”, và ý niệm được hiểu ngầm trong từ này. Tuy nhiên trong thực tế, việc phân tích ý nghĩa từ này như được dùng trong nền văn chương kinh thánh nói chung và trong nền văn chương kitô thế kỷ thứ nhất nói riêng, cũng như trong nền văn chương ngoại giáo, mà các văn bản kitô có thể được đồng hành, cho thấy nó khá cằn cỗi.

Trước hết cần nêu bật sự kiện từ la tinh ”sacramentum”, ít nhất trong nền văn chương kitô, tương đương với từ hy lạp ”mysterion”. Trong các văn bản kinh thánh cựu ước tiếng Hy lạp họa hiếm người ta nới dùng từ ”mysterion”, và nhất là nó được tìm thấy trong các tác phẩm sau này, là các tác phẩm mang ảnh hưởng của tư tưởng và nền văn hóa hy lạp.

Dầu sao đi nữa, ở những nơi nào được dùng nó có nghĩa là ”thực tại bị dấu kín”, hay đúng hơn là ”hành động cứu rỗi trong mô lịch sử” và như thế nó là thời điểm tạo thành lịch sử cứu độ. Kết qủa là trong nghĩa tổng quát hơn từ ”mysterion” cũng sẽ có nghĩa là ”chương trình cứu độ của Thiên Chúa”. Trong Thánh Kinh Tân Ước từ ”mysterion” được dùng thường xuyên hơn. Thánh Giêrolamo dịch nó ra tiếng Latinh 16 lần với từ ”sacramentum”, trong khi các lần khác thánh nhân thích dịch với từ ”mysterium” hơn. Hai kiểu dịch có thể khiến cho chúng ta hiểu rằng thánh Giêrolamo tiếp nhận trong các văn bản tân ước hai ý nghĩa khác nhau của từ này, nhưng trên thực tế giả thuyết này không tìm thấy khả thể kiểm thực nào cụ thể.

Dầu sao đi nữa không có trường hợp nào, trong đó từ ”mysterion” có thể đươc dịch với từ ”sacramentum”, lại có nghĩa các buổi cử hành nghi thức của Giáo Hội như chúng ta thường hiểu ngày nay.

Việc phân tích ý nghĩa mà nền văn chương ngoại giáo gán cho các từ ”mysterion-sacramentum” cũng không đem lại các kết qủa thỏa đáng hơn.

Trong thế giới hy lạp từ ”mysterion” được dùng trong hai bối cảnh văn hóa khác nhau: bối cảnh tôn giáo và bối cảnh triết lý. Trong bối cảnh tôn giáo nó hay có hai nghĩa: thứ nhất là sinh hoạt phung tự nghi thức đặc thù của một tôn giáo thần bí; thứ hai là các yếu tố giáo thuyết được hiểu ngầm dưới hành động phụng tự. Nghĩa thứ hai này rất gần với nghĩa mà bối cảnh triết lý gán cho từ ”mysterion-sacramentum”. Đối với bối cảnh triết lý ”mysterion” là một sự thật khó hiểu, và một cách cụ thể không thể tiếp cận được đối với người không được khai tâm một cách thích đáng cho sự hiểu biết triết lý.

Trái lại, trong thế giới la tinh từ ”sacramentum” được dùng trong ngôn ngữ pháp lý cũng như trong ngôn ngữ quân sự. Trong ngôn ngữ pháp lý nó ám chỉ số tiền, mà trong một vụ kiện tụng, cả hai bên tranh tụng phải bỏ ra đặt cọc như là tiền bảo lãnh. Trong ngôn ngữ quân sự nó ám chỉ lời thề trung thành của binh sĩ đối với người trả lương cho họ. Một vài ý nghĩa trên đây có thể đã ảnh hưởng trên ý niệm kitô về bí tích. Chẳng hạn ngay hồi thế kỷ thứ II giáo phụ Tertulliano đã nói về bí tích Rửa Tội như là một ”felix sacramentum”, nghĩa là một giao kèo hạnh phúc cột buộc người được rửa tội với Thiên Chúa. Nhưng phân tích cho cùng, không thể nói tới một ảnh hưởng nào đó của nền văn hóa ngoại giáo trong việc hình thành nền thần học bí tích kitô.

Sự kiện từ việc phân tích ngôn ngữ của các thời gian rất tiên khởi mà không thể rút tỉa ra một ý niệm soạn thảo về bí tích, không được đưa chúng ta tới chỗ kết luận rằng ý niệm này đã không hiện hữu. Thói quen cử hành bí tich của một thời kỳ, mà chúng ta có nhiều tài liệu rất phong phú, có thể cho phép chúng ta nhận diện ra một ý niệm, mà trên hết trong bình diện tôn giáo nó phong phú hơn, và trong bình diện thần học nó sâu xa hơn ý niệm sẽ được soạn thảo trong vài giai đoạn sau này. Nhưng có điều thật đây là một ý niệm được sống hơn là một ý niệm được suy tư soạn thảo ra.

Ngoài ra, cả khi sẽ bắt đầu nổi lên vài suy tư đây đó về sự kiện bí tích nói chung, thì các bút tích của các tác giả kitô sẽ vẫn còn tiếp tục chứng minh sự ưa thích của chúng đối với các cử chỉ bí tích riêng rẽ.

Trong hai thế kỷ thứ II-III người ta nhận thấy xuất hiện một vài yếu tố của một tư tưởng thần học phản ánh trên ý niệm bí tích. Dấu nhấn đầu tiên người ta đã có thể gặp thấy trong các bút tích của các giáo phụ hộ giáo. Trong cuộc tranh luận chống lại bè phái Ngộ đạo và bè phái Manicheo, phát triển nhất là bên tây phương, các giáo phụ bênh vực luận thuyết kitô về sự tốt lành tự nhiên của các vật nhậy cảm, bằng cách quy chiếu về sự kiện chúng được sử dụng một cách rộng rãi trong các buổi cử hành nhằm thực thi việc thanh tẩy và thánh hóa con người. Gắn liền với sự kiện đầu tiên này sẽ mau chóng xuất hiện việc khẳng định rằng các buổi cử hành kitô bao gồm hai chiều kích: một chiều kích vô hình được làm thành bởi hành động của Thiên Chúa thánh hóa con người, và một chiều kích hữu hình có thể cảm nhận được tạo thành bởi tổng thể các cử chỉ nghi thức.

Vài chục năm sau, khi áp dụng lần đầu tiên từ ”sacramentum” cho vài nghi thức kitô như nghi thức Rửa Tội và nghi thức cử hành Thánh Thể, giáo phụ Tertulliano cũng phân biệt hai thực tại bên trong chiều kích hữu hình của bí tích: ”elementum et verbum” yếu tố và lời nói; và giáo phụ gán cho yếu tố lời nói, mà phân tích cho cùng chính là lời nói của Thiên Chúa, một vai trò định đoạt đối với yếu tố ít quan trọng hơn của các sự vật. Chính trong thời này, trong khi người ta ý thức về sự phức tạp của các buổi cử hành bí tích kitô, thì từ từ nổi lên đòi buộc thiết định bản chất của tương quan giữa chiều kích hữu hình và chiều kích vô hình. Và người ta không ngạc nhiên, khi trường phái thần học Alessandria, khá cởi mở đối với các ảnh hưởng của tư tưởng tân Platon, nói tới chiều kích hữu hình như là ”dấu chỉ” của chiều kích vô hình.

Tuy nhiên, việc nảy sinh ra một nền thần học bí tích đích thật một cách chung chung đã chỉ bắt đầu với thánh Agostino. Mặc dù tư tưởng của thánh nhân về vần đề này chỉ có thể được dựng lại qua một công việc chắp vá và so sánh các khẳng định khác nhau của thánh nhân. Thật ra thánh Agostino đã không bao giờ khai triển một cách có hệ thống vài tư tưởng trong các tác phẩm của người. Các dữ kiện nòng cốt trong nền thần học của thánh Agostino thường được nhận diện trong ba yếu tố sau đây.

Thứ nhất, vài miêu tả của sự kiện bí tích sẽ bước vào trong nền thần học tây phương như các định nghĩa bí tích đích thật. Thánh Agostino nói: ”Bí tích, nghĩa là dấu chỉ thánh thiêng” (De Civ. Dei, 10,5; PL 41,282); ”Khi các dấu chỉ quy chiếu về các thực tại thiên linh thì được gọi là các bí tích” (Ep. 138,7; PL 33,527). Trong buổi đầu của thời trung cổ có vài định nghĩa khác được gán cho vị Giám Mục thành Ippona, trong đó có định nghĩa phổ biến nhất này: ”Bí tích là dấu chỉ của một thực tại thánh thiêng”. Nhưng đây là các văn bản tuy tương ứng ít nhiều với tư tưởng của thánh Agostino, nhưng không có trong các bút tích của người.

Thứ hai, một định nghĩa về dấu chỉ sẽ trở thành định nghĩa cổ điển: ”Dấu chỉ là điều mà ngoài hình ảnh nó gợi lên nơi các giác quan, còn làm cho đến trong trí khôn một điều khác với nó” (De Doctrina christ. 2,1; PL 34,35-36).

Thứ ba, giáo huấn cho rằng ý nghĩa bí tích được trao ban từ sự hội tụ của các sự vật và lời nói của Thiên Chúa trong việc tạo thành một dấu chỉ duy nhất. Ngoài sự hữu hiệu thánh hóa, lời nói của Thiên Chúa trao ban ý nghĩa cuối cùng cho dấu chỉ tự nhiên của các sự vật. Các sự vật hợp chung thị giác với thính giác trao ban khả thể tiếp nhận ý nghĩa của lời nói hứa hẹn của Thiên Chúa, hiện thực trong bí tích, không chỉ trong việc nghe mà cả trong việc trông thấy nữa, như thánh Agostino nói: ”Người ta thêm lời nói vào yếu tố vật chất và đây bí tích là một loại lời nói hữu hình” (In Jo. 80,3; PL 35,1840).

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1175)

Linh Tiến Khải

www.vi.radiovaticana.va


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét