Thứ Năm Ngày 01/08/2013
Thứ Năm Tuần 17 Mùa Thường Niên Năm Lẻ
BÀI ĐỌC I: Xh 40, 14-19. 32-36 (Hr 16-21. 34-38)
"Một đám mây che phủ
nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa
tràn ngập nhà xếp".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê thi hành tất cả những điều Chúa đã
truyền dạy. Vậy ngày mùng một tháng Giêng năm thứ hai, đã dựng nhà xếp xong.
Ông Môsê đã dựng nhà xếp, lắp ván, đặt trụ, xà ngang và dựng cột, rồi căng mái
nhà xếp và màn che trên mái như Chúa đã truyền dạy. Ông đặt bia chứng từ vào
hòm, xỏ đòn khiêng vào hai bên, và để toà phán dạy trên hòm. Khi đã rước hòm
bia vào nhà xếp, ông treo màn trước hòm để hoàn tất lời Chúa đã truyền dạy. Sau
khi mọi việc đã hoàn tất, thì có một đám mây bao phủ nhà xếp chứng từ, và vinh
quang của Chúa tràn ngập nhà xếp.
Vì mây che phủ nhà xếp, và uy linh Chúa sáng rực trong nhà, nên
ông Môsê không thể vào trong nhà giao ước, vì có đám mây che phủ mọi sự. Hễ mây
lên khỏi nhà xếp, thì con cái Israel kéo nhau đi từng đám, còn khi mây che phủ
nhà xếp, thì họ ở lại tại chỗ. Vì ban ngày, đám mây của Chúa che phủ nhà xếp,
và ban đêm, có lửa trong mây, nên toàn dân Israel trông thấy suốt thời gian xuất
hành của họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a. 11
Đáp: Ôi Chúa thiên binh, khả
ái thay cung điện của Ngài (c. 2).
1)
Linh hồn con khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Đức Thiên Chúa. Tâm
thần và thể xác con hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. - Đáp.
2)
Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ
con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Đại vương là
Thiên Chúa của con. - Đáp.
3)
Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời.
Phúc thay người Chúa con nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái. - Đáp.
4)
Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu
khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.
- Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con
trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 47-53
"Người ta lựa cá tốt
bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại
giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên
bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra
ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ
ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến
răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường
về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong
kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi
ấy. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Thái Ðộ Bao Dung
Có
một Bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục cao niên và tuyên bố: "Thưa Ðức
Cha, con đến để thông báo cho Ðức Cha biết con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi
Giáo Hội, Ðức Cha nghĩ sao?".
Vị
Giám mục yêu cầu ông cho biết một vài lý do khiến ông có ý định đó. Viên Bác sĩ
nhìn thẳng vào mắt vị Giám mục và nói: "Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ coi:
Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này 2,000 năm nay, thế mà con người có khá
hơn không?".
Vị
Giám mục bình tĩnh trả lời: "Bác sĩ nói thật chí lý, nhưng Bác sĩ hãy thử
nghĩ lại: nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay, vậy mà
ngày nào Bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay".
Nghe
thế, viên Bác sĩ thinh lặng ra về, ông không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội
nữa.
Với
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao
dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo
lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những
con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa
và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi
chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo
Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng
ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những
con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là
luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự
tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu
căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành
với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng
cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm
thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ
điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết
của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và
lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn
ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những
thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi
người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết.
Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng
những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 17 TN1, Năm lẻ.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải luôn sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi của cuộc sống theo
thánh ý Thiên Chúa.
Con
người thường có hai khuynh hướng: (1) Khuynh hướng bảo thủ chủ trương phải bảo
vệ truyền thống và không được thay đổi điều gì cả. Những người theo khuynh hướng
này thường sống với quá khứ vinh quang hơn là thích ứng với những thay đổi của
hiện tại. (2) Khuynh hướng cấp tiến chủ trương phải đạp đổ quá khứ để chạy theo
những gì tân thời. Những người theo khuynh hướng này chủ trương phải thay đổi tất
cả cho kịp với đà tiến của xã hội. Cả hai khuynh hướng đều cực đoan. Người khôn
ngoan phải là người có con mắt tinh đời để giữ lại những tinh hoa nền tảng của
truyền thống và tìm cách thích ứng cho hợp với đà tiến của xã hội.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong thái độ khôn ngoan này. Trong Bài Đọc I, ông
Moses cho xây dựng Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ như Thiên Chúa truyền. Mục đích là
để cho con cái Israel luôn ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ và
hướng dẫn họ qua "cột mây" trước Nhà Tạm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo
các môn đệ: sở dĩ họ hiểu được các mầu nhiệm Nước Trời là vì họ đã có những kiến
thức căn bản của Lề Luật và Ngôn Sứ. Trong thời gian hiện tại, Thiên Chúa muốn
cả người lành và kẻ dữ chung sống với nhau; nhưng trong Ngày Tận Thế, các thiên
thần của Ngài sẽ phân biệt hai loại người và sẽ tiêu diệt kẻ dữ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với con người.
1.1/
Kiến thiết Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ: Thiên Chúa có thể hiện diện với dân mà không cần có Lều Hội Ngộ
hay Nhà Tạm, vì Ngài vô hình; nhưng dân chúng cần có những thứ này, để họ xác
tín Thiên Chúa luôn ở với họ, vì con người hữu hình. Chúng ta còn nhớ biến cố
dân chúng bắt ông Aaron phải đúc cho họ một con bê bằng vàng để thờ, vì họ
không thấy Thiên Chúa và ông Moses trong một thời gian khá lâu, khi ông lên núi
để đàm đạo với Thiên Chúa. Những gì hữu hình có sức mạnh nhắc con người đừng
quên sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Đó
là lý do ông Moses làm mọi sự đúng y như Đức Chúa đã truyền cho ông. "Ông
Moses cho dựng Nhà Tạm. Ông cho đặt đế, ghép ván, đặt thanh ngang và dựng cột.
Ông cho căng lều trên Nhà Tạm, lấy bạt che phía trên lều, như Đức Chúa đã truyền
cho ông Moses. Ông lấy Thập Giới đặt vào Hòm Bia, xỏ đòn vào Hòm Bia, đặt nắp
xá tội lên trên đó. Ông rước Hòm Bia vào trong Nhà Tạm và treo bức trướng để
che khuất Hòm Bia Thập Giới, như Đức Chúa đã truyền cho ông."
Sau
này, khi đã vào Đất Hứa, con cái Israel vẫn còn thói quen để Thiên Chúa trong Lều
Thánh, cho đến khi vua Solomon thay Lều Thánh bằng Đền Thờ, và đặt Hòm Bia vào
Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Sang thời Tân Ước, Nhà Tạm vẫn tiếp tục hiện diện
trong các thánh đường; nhưng Hòm Bia được thay thế bằng Mình Thánh Chúa.
1.2/
Thiên Chúa hướng dẫn con cái Israel trong sa mạc: Thiên Chúa không chỉ hiện
diện giữa dân chúng, nhưng Ngài còn hướng dẫn họ suốt 40 năm lang thang trong
sa mạc. Để biết khi nào Thiên Chúa muốn họ cắm trại hay nhổ trại, ông Moses và
con cái Israel căn cứ theo "cột mây:"
+
Khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại.
+
Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay lên. Quả
vậy, đám mây của Đức Chúa đậu trên Nhà Tạm ban ngày, còn ban đêm thì có lửa
trong mây, trước mắt toàn thể con cái Israel, ở mỗi chặng đường họ đi.
2/
Phúc Âm: Nước Trời giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả
cái mới lẫn cái cũ.
2.1/
Nước Trời như chiếc lưới thả xuống biển: Chúa Giêsu nói với dân chúng: "Nước Trời lại còn giống như
chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta
kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra
ngoài."
(1)
Giai đoạn hiện tại: Có hai trường phái giải thích dụ ngôn này như sau:
+
Giáo Hội chỉ dành cho người tốt: Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập chỉ dành cho những người tốt, sống
theo những gì Chúa truyền dạy; những kẻ xấu, không vâng lời những gì Chúa truyền
dạy phải bị khai trừ như ngư phủ quăng cá xấu vậy.
+
Giáo Hội dành cho mọi người: tốt cũng như xấu. Trong giai đoạn hiện tại, Giáo Hội là cho tất
cả mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người có cơ hội để ăn năn trở lại. Hơn nữa,
ngoài Thiên Chúa, không ai có quyền xét xử và xếp loại ai tốt, ai xấu cả. Quan niệm
này hợp với đường lối của Thiên Chúa hơn.
(2)
Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: "Đến Ngày Tận Thế, cũng sẽ
xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng
ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc
nghiến răng." Điều mọi người cần ý thức ở đây là Ngày Tận Thế: nhiều người
chỉ nghĩ đến Ngày Tận Thế của thế giới, mà không nghĩ tới ngày tận thế của đời
mình, khi họ từ giã dương gian về với Thiên Chúa. Vì thế, mọi người cần ăn năn
xám hối trước khi từ giã cuộc đời kẻo sẽ phải hối hận sau này.
2.2/
Nước Trời như kho tàng có cả cái cũ lẫn cái mới: Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư
nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong
kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
(1)
Kiến thức mới có được là do căn bản của kiến thức cũ: Điều này đúng cho mọi
lãnh vực tri thức của con người. Nếu không bắt đầu từ kiến thức căn bản, con
người sẽ không hiểu được những kiến thức cao hơn. Trong lãnh vực Kinh Thánh
cũng thế, con người phải bỏ thời gian để học hỏi những điều căn bản, trước khi
họ có thể phân tích và hiểu biết những mầu nhiệm cao siêu hơn. Ví dụ, để hiểu
Tân Ước cách rõ ràng, giả sử một người phải hiểu về Cựu Ước.
(2)
Kiến thức mới hoàn hảo hóa kiến thức cũ: Hầu hết các phát minh mới đều dựa trên những kiến thức cũ, nhưng
được làm cho hoàn hảo hơn. Chúa Giêsu đã từng nói Ngài đến không để phá hủy Lề
Luật; nhưng làm cho hoàn hảo hơn. Người môn đệ khi theo Đức Kitô không từ bỏ các
kiến thức cũ: khoa học, nghề nghiệp, chuyên môn ... nhưng biết dùng chúng cho một
mục đích tốt đẹp hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải có thái độ khôn ngoan để biết giữ lại những gì không thể thay đổi
như đức tin và tình yêu; đồng thời biết thay đổi những gì có thể thay đổi, cho
phù hợp với thánh ý Thiên Chúa và theo kịp đà tiến của xã hội.
-
Ngoan cố để giữ lại tất cả truyền thống sẽ bị thời gian đào thải; nhưng thích ứng
hòan toàn sẽ bị hụt hẫng như cây không bám rễ, hay sẽ bị khô cạn như suối nước
không có nguồn.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 17 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 13,47-53
A. Hạt giống...
Dụ ngôn này nói về sự thanh lọc người tốt và kẻ
xấu để cho vào hoặc loại khỏi Nước Trời.
Trong dụ ngôn, có 3 sự so sánh :
a) Thế gian (như biển cả) là nơi người tốt và kẻ
xấu lẫn lộn nhau
b) Người xấu và kẻ tốt (như cá tốt và cá xấu –
nghĩa là cá ăn được và cá không ăn được)
c) Sự thanh lọc (như lựa cá).
Điều đáng lưu ý là chính Thiên Chúa ấn định thời
điểm thanh lọc vì chính Thiên Chúa ấn định lúc nào kéo lưới lên. Một chi tiết
nữa đáng lưu ý là đến lúc thanh lọc thì chỉ còn hai hạng người dứt khoát : hoặc
là người tốt, hoặc là người xấu, không có hạng lừng khừng đứng giữa.
B.... nẩy mầm.
1. “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới
thả xuống biển, gom được đủ thứ cá” : Thay vì bực tức và khó chịu vì có những
người xấu ở trong Giáo Hội và trong cộng đoàn của mình, sao tôi không nghĩ đến
tình thương của Chúa khi Ngài khoan dung cho những người xấu ấy vào Giáo Hội và
cộng đoàn để có cơ hội hoán cải họ ?
2. Trong chiếc lưới có cả cá tốt và cá xấu. Trong
Giáo Hội có người tốt lẫn người xấu. Chúa khoan dung để như thế vì Ngài muốn
cho kẻ xấu có thời giờ hoán cải thành người tốt.
Gợi ý cầu nguyện : cầu cho Giáo Hội, cầu cho cộng
đoàn mình. Xin ơn biết khoan dung và kiên nhẫn như Chúa…
3. Thân phận của Giáo Hội dưới thế cũng giống như
thân phận của mỗi con người : có tốt và xấu lẫn lộn. Đừng lên án Giáo Hội, đùng
lên án ai cả. Cũng đừng bực tức bất mãn với Giáo Hội hay với bản thân mình.
Thái độ phải có là khiêm tốn nhìn nhận thực tế và kiên trì sửa đổi để ngày một
nên tốt hơn.
4. Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và
tuyên bố : “Con đến cho Đức Cha hay con đang muốn ra khỏi Giáo Hội. Đức Cha
nghĩ sao ?” Vị Giám mục xin ông cho biết lý do. Ông nói : “Đức Cha nghĩ coi :
Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này gần 2000 năm rồi, thế mà con người có khá
hơn không ?”. Vị Giám mục bình tĩnh trả lời : “Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ
cũng hãy nghĩ coi : nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm
nay. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cũng đều phải rửa tay ?”. Nghe
thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa.
("Mỗi ngày một tin vui")
01/08/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,47-53
Th. Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,47-53
SỬNG SỐT VÀ TÔN VINH CHÚA
“Khi lưới đầy, người ta kéo
lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,48)
Suy niệm: Ví Nước Trời với hình ảnh lựa lọc cá tốt, cá
xấu, Chúa Giêsu rõ ràng nhấn mạnh sự phân định và chọn lọc sẽ xảy ra vào thời
cánh chung: người tốt được chọn, người xấu bị loại trừ! Và đây không phải là dụ
ngôn duy nhất nói về sự phân định và chọn lọc cuối cùng. Các dụ ngôn khác như
cỏ lùng, ngày phán xét chung… đều nêu bật sự phân định và chọn lựa này. Thật
rõ, việc của tôi là quyết định mình trở nên hoặc một người tốt hoặc một
người xấu, không phải tốt hay xấu theo kiểu thế gian mà là theo tiêu chuẩn
của Tin Mừng. Nói cách khác, sự phân định và chọn lựa của Thiên Chúa vào hồi
chung cuộc kêu gọi tôi biết phân định và chọn lựa ngay trong hiện tại này.
Mời Bạn: Trong
đời sống thường ngày, chúng ta luôn cố gắng phân định và chọn lựa: chọn mục
tiêu tốt nhất để theo đuổi, chọn giải pháp tốt nhất để thực hiện, v.v… Nhưng
phải chăng ta cũng thường bị cám dỗ để giới hạn tầm nhìn của mình nơi những mục
tiêu thực dụng trước mắt (tiền bạc, chức quyền, lạc thú…), rồi dồn tất cả năng
lực, thời gian của mình vào đó, đến độ không cần biết mình đang là tốt hay xấu
dưới con mắt của Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Người
môn đệ Đức Kitô không thể kiếm tiền, kiếm quyền lực, hưởng lạc thú… bằng mọi
giá, mà luôn phải chọn lựa nghĩ và làm theo các giá trị của Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới này, và ngay cõi lòng con, là chiến trường khốc
liệt không ngừng giữa tinh thần cua Chúa và tinh thần của Satan. Xin Chúa giúp
con luôn tỉnh thức và khôn ngoan để chọn điều Chúa muốn. Amen.
Cá
tốt cho vào giỏ
Gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để
được cứu độ. Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời.
Suy niệm:
Dụ ngôn chiếc lưới được
coi là dụ ngôn cuối cùng
trong một chuỗi bảy dụ
ngôn của chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này có nhiều điểm
tương đồng với dụ ngôn lúa và cỏ lùng.
Cả hai đều nói đến sự
tách biệt kẻ xấu và người tốt vào ngày tận thế,
và kẻ xấu sẽ bị Thiên
Chúa luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50).
Đức Giêsu đã dùng những
hình ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời.
Có khi là hình ảnh nông
nghiệp như dụ ngôn người gieo giống,
dụ ngôn lúa và cỏ lùng,
hay dụ ngôn hạt cải.
Có khi là hình ảnh về
chăn nuôi như dụ ngôn về người mục tử.
Có khi là hình ảnh về ngư
nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới.
Một số môn đệ của Ngài đã
sống bằng nghề chài lưới ở hồ Galilê.
Thời xưa việc đánh cá ở
hồ này cũng đơn giản như ở quê ta ngày nay.
Những ngư phủ đi trên
những chiếc thuyền nhỏ.
Họ quăng lưới vào những
nơi thấy dấu hiệu có cá đang đi.
Lưới với những hòn chì
nặng sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần kéo vào bờ.
Một chi tiết đáng chú ý ở
đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu.
Hình ảnh này gợi cho ta
về việc mọi người, bất luận tốt xấu,
đều được mời gọi tham dự
bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10).
Trong Hội Thánh, cũng có
sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu,
như được ám chỉ trong dụ
ngôn lúa và cỏ lùng.
Ở các tỉnh ven hồ Galilê,
ta dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ ngồi trên bờ,
gom cá đánh được trong
ngày, giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu.
Chỉ khi lưới đầy, họ mới
làm công việc lựa cá như vậy (c. 48).
Tương tự như trên, chỉ
khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện
để tách biệt kẻ xấu ra
khỏi người công chính (c. 49).
Như thế tình trạng hiện
nay của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo.
Không phải mọi Kitô hữu
đều đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi.
Có những Kitô hữu không
sinh trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột,
bởi thử thách gian nan
hay mối lo toan vật chất (Mt 13, 18-22).
Có những Kitô hữu tuy vẫn
kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa ! (Mt 7, 21-23),
vẫn nhân danh Ngài mà nói
tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ,
nhưng lại không thi hành
ý muốn của Cha trên trời và làm điều gian ác.
Có những Kitô hữu dự tiệc
cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22, 11-13).
Có những Kitô hữu là muối
nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13).
Như thế gia nhập Hội
Thánh không phải là một bảo đảm để được cứu độ.
Còn cần sống hoàn thiện
như Cha trên trời (Mt 5, 48).
Thời nay chúng ta không
thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi,
như chuyện tận thế,
chuyện Thiên Chúa phán xét và luận phạt.
Chúng ta thích sống yên
ổn với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng,
đến độ có vẻ như hỏa ngục
chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít.
Nhưng dù sao cũng không
tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa,
cá xấu bị tách khỏi cá
tốt, kẻ bất lương bị tách khỏi người lành.
Cuối cùng Nước Trời sẽ
không còn chút bóng dáng của sự dữ,
và Thiên Chúa sẽ
là mọi sự cho mọi người (1 Cr 15, 28).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin
thương nhìn đến Hội Thánh
là
đàn chiên của Chúa.
Xin
ban cho Hội Thánh
sự
hiệp nhất và yêu thương,
để
làm chứng cho Chúa
giữa
một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không
ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin
đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng
để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được
vùi sâu trong khối bột loài người
để
bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước
gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để
chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên
bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi
mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết
xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng
vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân
loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta Nước Trời
cũng giống như chiếc lưới thả xuống biển bắt được mọi thứ cá. Cá tốt thì bỏ vào
giỏ, cá xấu thì ném ra ngoài. Trong cuộc sống thực tế của chúng ta cũng vậy,
trong mọi lĩnh vực, nghành nghề luôn có sự chọn lựa sàng lọc với những tiêu
chuẩn rất khắc khe. Một bạn muốn thi đậu vào đại học phải vất vả học tập để có
thể “chọi” được với nhiều bạn khác trong kỳ thi tuyển sinh. Để làm được ở một
công ty danh tiếng, bạn cũng cần phải có khả năng nổi trội hơn những ứng viên
khác, phải có trình độ, tay nghề cao, nhiều năm kinh nghiệm…Nước Trời cũng vậy,
muốn được vào Nước Trời chúng ta phải là “con cá tốt”. Nước trời có những tiêu
chuẩn rõ ràng để chúng ta sống và trở thành những người tốt ở đời này và nước
trời mai sau. Những tiêu chuẩn đó là gì có lẽ ai trong chúng ta cũng biết. Đó
là những giới răn của Chúa, giáo huấn của Giáo hội.
Tại sao Thiên Chúa phải đợi đến ngày sau hết mới
chọn cái tốt và loại bỏ cái xấu? Thưa là vì Thiên Chúa yêu thương con người và
luôn tạo cơ hội để con người hối cải quay trở về với Chúa. Mỗi kitô hữu chúng
ta luôn phải cố gắng sống tốt theo đúng ý Chúa. Đồng thời chúng ta cũng hãy
luôn nhớ rằng Hội Thánh trần gian là một tập thể pha trộn, gồm đủ mọi loại tốt
xấu, hữu dụng và vô dụng. Chỉ khi đến ngày sau hết Thiên Chúa mới lọc lựa tốt
với xấu, người thiện kẻ ác. Việc phân chia này là việc của Thiên Chúa chứ không
phải là việc của loài người. Vì vậy chúng ta đừng xét đoán người khác, còn sống
là còn thay đổi, hãy luôn biết tạo cơ hội cho người khác để họ sửa đổi lỡ lầm
và sống tốt hơn.
Mỗi người chúng ta cũng hãy tự vấn lương tâm mình
xem, giả sử lúc này đây mẻ lưới được kéo lên bãi, liệu tôi nằm trong số nào, cá
tốt hay cá xấu? Và hãy nhớ rằng tiêu chuẩn của nước trời chỉ có cá tốt hoặc cá
xấu không có loại lưng lửng nửa tốt nửa xấu.
Lạy Chúa Giêsu xin dạy chúng con biết sống tốt
theo lời Chúa dạy để ngày sau được Chúa chọn lựa trong ngày sau hết. Xin Chúa
cũng dạy chúng con đừng xét đoán người khác mà phải luôn biết yêu thương và tha
thứ khi họ xúc phạm đến chúng con. Amen
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
1
THÁNG TÁM
Tại
Sao Thiên Chúa Cho Phép Sự Dữ Xảy Ra?
Thánh
Kinh đảm bảo rằng “sự ác không lướt thắng được sự khôn ngoan” (Kn 7,30). Điều
đó khích lệ chúng ta xác tín rằng trong kế hoạch quan phòng của Đấng Tạo Hóa, rốt
cục sự dữ cũng ‘chịu thua’ sự thiện. Trong ánh sáng của sự quan phòng thần
linh, chúng ta bắt đầu hiểu hai sự thật này: một là, “Thiên Chúa không muốn sự
dữ vì chính nó”; hai là, “Thiên Chúa cho phép điều dữ xảy ra”.
Để
hiểu tại sao “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”, chúng ta cần nhớ lại những
lời trong Sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết; Ngài cũng chẳng
vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu”
(Kn 1,13-14).
Để
hiểu tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra giữa những sự vật thể lý, rất cần
nhớ lại rằng vật chất thể lý – trong đó có thân xác con người – là những thứ dễ
hư nát và tiêu vong. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng điều này ảnh hưởng đến chính
cơ cấu của bản tính vật chất của các tạo vật này. Nhưng điều này hoàn toàn
lô-gíc. Thật khó mà hình dung rằng các thụ tạo vật chất có thể tồn tại mà không
bị giới hạn trong tình trạng hiện hữu của thế giới vật chất chúng ta. Như vậy,
chúng ta có thể hiểu rằng nếu “Thiên Chúa không làm ra cái chết” – như Sách
Khôn Ngoan khẳng định – thì đồng thời Ngài vẫn cho phép cái chết xảy ra, trong
viễn tượng của sự tốt lành phổ quát của toàn vũ trụ vật chất.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức
dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Alphongsô Maria Liguori, giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Xh 40, 16-21.34-38; Mt 13, 47-53
LỜI SUY NIỆM: “Nước Trời lại
còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá” (Mt 13,47)
Chúa Giêsu muốn Tin
Mừng đến khắp mọi nơi, để gom tất cả mọi con người được ở trong Giáo Hội của
Ngài, để nhận được ơn cứu độ, nhận ra con đường đi vể Nhà Thiên Chúa, để được
hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài. Trên hành trình đi về Nhà Cha, chúng ta còn
có rất nhiều thử thách, cần phải vượt qua. Muốn vượt qua những thử thách này chỉ
có hiểu biết Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của mình với ân sủng
Ngài ban.
Mạnh Phương
Gương Thánh nhân
Ngày 01-08
Thánh ALPHONSÔ LIGUORI
Gíam mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1696 - 1787)
Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại
Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài
là giao điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản,
thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ.
Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng: - Các ân huệ tốt đẹp
nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả
nhiều.
Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là
giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và
toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một con người có chí. Alphongsô gây ảnh
hưởng tốt đối với chúng bạn. Bằng sự trong trắng tế nhị và lòng đạo đức của
mình. Một người bạn kể lại rằng: có lần thua cuộc chơi và giận dữ đến độ trở
nên sỗ sàng. Alphongsô buồn phiền nghỉ chơi và nói: - "Chúa không muốn tôi
được chút tiền đã khiến cho bạn làm phiền lòng Ngài"
Thế rồi Alphongsô biến mất vào vườn. Các bạn đổ xô đi tìm Ngài
và gặp Ngài đang quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ đặt trên cành cây. Người bạn
xấu xúc động nói : - "Tôi đã làm phiền một vị thánh".
Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời. 17 tuổi Ngài đậu bằng
tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư.
Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Nhưng tuổi trẻ cũng
có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với trong hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện,
Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn. Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải
ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ
mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng
của Ngài.
Thất bại Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền.
Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: "Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay
sao ...? Bỏ nghề, Ngài nói : - "Ôi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp
đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa".
Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày
kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi: -
"Ngươi làm gì ở thế gian này ?"
Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một
lần nữa. Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập
dòng giảng thuyết và làm linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói:-
"Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì
và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa".
Nghe tin này cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn
thê của Ngài sao ? Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi
là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến
Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.
Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ
quyết không chịu nghe. Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang
thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã
đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói:
"Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa".
Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc
tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng. Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là
việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo. Thành quả của
Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11
năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh
Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự lớn
dần. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2 năm 1749.
Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được đức giáo
hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt trong nhiều thành quả tức thời.
Năm 1762 Đức Clementô XIV đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận
Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh
tân hàng giáo sĩ. Năm 1775 Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để
về sống trong dòng tại Nocera.
Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ
cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong "đêm tối của linh hồn" Ngài vẫn
không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: "Ai cầu nguyện sẽ được
cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt". Cuối cùng Ngài tìm được
bình an và qua đời năm 1787.
(daminhvn.net)
01
Tháng Tám
Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng
Trong
một thị trấn nhỏ bên Liên Xô. Một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng
của họ. Đã lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo. Vị giáo trưởng lại
cư ngụ trong một thành phố khác. Ông chỉ đến thăm cộng đoàn nhỏ bé này mỗi năm
một lần. Ai ai cũng náo nức được gặp con người thánh thiện nổi tiếng này. Mọi
người chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ lần lượt nêu lên để xin vị giáo trưởng giải
đáp.
Khi
ông đến nơi, sự căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người. Ai cũng
đang trong tư thế giơ tay để đặt câu hỏi. Nhưng khi mọi người đã an tọa trong
phòng họp, vị giáo trưởng không nói lời nào. Ông đưa mắt nhìn mọi người. Một hồi
lâu, ông bỗng ngân nga một điệu nhạc. Mọi người đều bắt chước làm theo. Vị giáo
trưởng lại cất tiếng hát lên một bài ca quen thuộc. Mọi người cũng hát theo
ông... Mọi người tưởng nghi thức mở đầu ấy sẽ chấm dứt và vị giáo trưởng sẽ nói
lên những lời vàng ngọc.
Nhưng
không, trái với sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông
không ngừng bắt lên những bài ca mới. Khi các bài ca vừa dứt, ông bước xuống khỏi
bục giảng và bắt đầu nhảy múa. Ông vừa nhảy vừa vỗ tay, không mấy chốc cả cử tọa
cũng bước ra khỏi ghế và nhảy theo ông. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng nhịp
chân lôi kéo mọi người vào điệu múa khiến họ không còn nhớ đến những câu hỏi mà
họ đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. Cả cộng đoàn hòa nhịp với nhau trong đôi chân,
cùng nắm tay nhau, cùng khăng khít với nhau trong phấn khởi, vui tươi, cảm
thông, hiệp nhất...
Khi
các điệu vũ đã chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị
giáo trưởng mới lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như
sau: "Tôi tin chắc rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị
em".
Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng
ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi
loạn đưa chúng ta đến tội ác...
Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không
thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng
có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Để ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người
khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với
mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một
nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với
nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc
trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi
chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính
mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi
cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.
Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính
mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình...
(Lẽ
Sống)
Thứ Năm 1-8
Thánh Anphong Liguori
(1696-1787)
C
|
ông Ðồng Vatican II xác
định rằng, thần học luân lý phải được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm, và chứng tỏ được
sự cao quý của ơn gọi người Kitô Hữu, và nhiệm vụ của họ là trưng ra kết quả ấy
trong đời sống bác ái giữa trần gian. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Ðức Piô
XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý, ngài thật xứng với
danh hiệu ấy. Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền
thần học luân lý khỏi sự khắt khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của
ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến các
vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ luật
và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không thuộc về
mô hình thần học tiết độ và nhân từ của Thánh Anphong.
Vào năm 16 tuổi, ngài
lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ
nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục và dồn mọi nỗ
lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và
thành lập các đoàn thể Kitô Giáo.
Ngài sáng lập Dòng Chúa
Cứu Thế năm 1732. Ðó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với
nhau, tận tụy theo gương Ðức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại
phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau
một thời gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập
đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống
còn và được chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.
Sự canh tân mục vụ lớn lao
của Thánh Anphong là cách giảng thuyết và giải tội -- ngài thay thế kiểu hùng
biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự
khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài
phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong
26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc.
Ngài được tấn phong giám
mục khi 66 tuổi và ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.
Vào năm 71 tuổi, ngài bị
đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với "sự
tăm tối" vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi
đức tính.
Thánh Anphong nổi tiếng
về nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm
linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Dự của Ðức Maria là một trong những
công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40
lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo
Hội.
Ngài được phong thánh
năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.
Lời Bàn
Trên hết tất cả, Thánh
Anphong nổi tiếng là một con người thực tế đối phó với các vấn đề cụ thể hơn là
trừu tượng. Cuộc đời ngài quả thật là một gương mẫu "thực tiễn" cho
Kitô Hữu ngày nay đang bị khó khăn để nhận chân giá trị của đời sống Kitô Giáo
giữa cơn lốc khó khăn, đau khổ, hiểu lầm và thất bại. Thánh Anphong đã trải qua
tất cả những đau khổ ấy. Ngài là thánh bởi vì ngài luôn duy trì sự liên hệ mật
thiết với Ðức Kitô thống khổ qua tất cả những thử thách cuộc đời.
Lời Trích
Khi Thánh Anphong làm
giám mục, một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng
lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Thánh Anphong mời
đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá
thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Thánh Anphong ôn tồn nói,
"Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Ðây không phải lần đầu tiên
mà cha đạp Chúa dưới chân mình."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét