Thứ
Bảy Ngày 06/07/2013
Tuần
13 Mùa Thường Niên Năm Lẻ
BÀI ĐỌC I: St
27, 1-5. 15-29
"Giacóp
chiếm vị và trộm lấy chúc lành của anh".
Trích
sách Sáng Thế.
Isaac đã già, mắt loà
không còn trông thấy được nữa. Ông gọi con trai cả là Êsau mà bảo rằng: "Hỡi
con". Êsau thưa: "Dạ, con đây". Ông nói tiếp: "Con thấy cha
đã già rồi, cha không biết ngày nào cha chết. Con hãy lấy khí giới: cung, tên,
rồi đi ra ngoài; khi săn được gì, con hãy lấy mà dọn món ăn mà con biết cha ưa
thích, rồi đem cho cha ăn, và cha sẽ chúc lành cho con trước khi cha chết".
Bà Rêbecca nghe lời ấy
(...) và khi Êsau ra đồng để thi hành lệnh của cha (...) thì bà lấy áo tốt của
Êsau mà bà vẫn giữ trong nhà, đem mặc cho Giacóp. Bà lấy da dê mà bọc tay và quấn
cổ Giacóp. Đoạn bà lấy cháo và bánh đã nấu trao cho Giacóp...
Giacóp bưng lên cho cha mà
nói rằng: "Thưa cha". Isaac nói: "Cha nghe rồi. Hỡi con, con là
ai?" Giacóp thưa: "Con là Êsau trưởng nam của Cha. Con đã làm như cha
dạy, xin cha chỗi dậy, ngồi ăn thịt con đã săn được để cha chúc lành cho
con". Isaac lại nói với con: "Hỡi con, lẽ nào con săn được mau như thế?"
Giacóp thưa: "Thánh ý Thiên Chúa đã định, nên con chóng được như ý muốn".
Isaac bảo rằng: "Hỡi con, con hãy lại đây để cha rờ thử xem con có phải là
Êsau con của cha hay không". Giacóp tiến lại gần cha. Isaac rờ con mà nói:
"Tiếng nói là tiếng Giacóp, còn tay lại là tay Êsau". Ông không nhận
ra được, vì tay (cậu) có lông như tay anh cả. Vậy ông chúc lành cho con mà nói:
"Con có phải là Êsau con cha thật không?" Giacóp đáp: "Thưa phải".
Ông nói tiếp: "Hỡi con, hãy đem cho cha ăn thịt săn của con, để cha chúc
lành cho con". Khi ông ăn đồ con đem đến xong, con ông lại đem rượu cho
ông uống. Uống xong, ông bảo con rằng: "Hỡi con, hãy lại đây hôn
cha". Giacóp lại gần hôn cha; ông ngửi thấy mùi thơm của bộ áo con, thì
chúc lành cho con mà rằng: "Mùi thơm của con ta như mùi hương cánh đồng
phì nhiêu mà Chúa đã chúc phúc. Xin Thiên Chúa ban cho con những giọt sương trời,
giải đất mầu mở, lúa miến và rượu nho dư đầy. Các dân tộc sẽ suy phục con, các
chi họ sẽ sấp mình trước con. Con hãy làm chủ các anh em con, các con cái của mẹ
con sẽ phủ phục trước mặt con. Ai nguyền rủa con, thì sẽ bị nguyền rủa; và ai
chúc lành cho con, thì sẽ được đầy phúc lành". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 134, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp:
Các ngươi hãy ngợi khen Chúa, vì Người
nhân hậu (c. 3a).
1) Các ngươi hãy ngợi khen danh Chúa, hãy
ngợi khen Chúa, hỡi các tôi tớ của Người là những kẻ đứng trong nhà Chúa, trong
tiền đường nhà Chúa chúng ta. - Đáp.
2) Các ngươi hãy ngợi khen Chúa, vì Người
nhân hậu; hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người rất ngọt ngào. Vì Chúa đã chọn
Giacóp cho mình, đã chọn Israel làm sở hữu. -
Đáp.
3) Tôi đã nhận biết Chúa cao cả, Thiên Chúa
chúng tôi vượt lên trên hết thảy các thần. Mọi sự Chúa muốn Chúa đã làm, trên
trời dưới đất, trong biển và nơi các vực thẳm. -
Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo
con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. -
Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 9, 14-17
"Làm
sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền
Giêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những
người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu
nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân
lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay.
Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ
rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy,
bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới,
và cả hai được nguyên vẹn". Đó là lời Chúa. .
SUY NIỆM
: Thái độ dứt khoát
Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của
Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để
nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.
Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không
chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ
bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc
về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế
của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy
Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và
các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự
độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu
đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài
chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.
Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ
chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là
nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc
giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu
Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa.
Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ
không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là
thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu,
thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ
ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ
phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh
thần thế tục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại
tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của
Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống,
nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Veritas
Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 13 TN1, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ
ĐỀ: Sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã từng nhận định: "Con cái
thế gian khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng" (Lk
16:8). Nhưng không phải sự khôn khéo nào của con người cũng tốt lành. Để được
coi là khôn ngoan, sự khôn khéo của con người cần được hướng dẫn bởi sự thật; nếu
không, nó chỉ là xảo thuật để lừa đảo tha nhân. Hơn nữa, sự khôn ngoan của
Thiên Chúa thắng vượt mọi khôn khéo của con người. Ngài có thể dùng chúng để đạt
những gì Ngài muốn.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cho chúng ta
thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sự khôn khéo của thế gian. Trong Bài Đọc
I, vì bà Rebekah muốn quyền trưởng nam thuộc về Jacob như Thiên Chúa đã mặc khải
cho bà trước khi sinh hai con (Gen 25:23), nên bà đã dùng kế hoạch khôn khéo để
Isaac phải chúc lành cho Jacob. Trong Phúc Âm, các môn đệ của Gioan dùng sự
khôn ngoan của con người đến chất vấn Chúa Giêsu: "Tại sao chúng tôi và
các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" Chúa Giêsu
trả lời họ: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể
còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn
chay."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Esau bị Rebekah và Jacob tước quyền
trưởng nam.
1.1/
Kế hoạch của bà Rebekah: Khi ông Isaac đã
già, mắt ông loà không trông thấy nữa; ông bèn gọi Esau, con trai lớn của ông
và nói: "Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào. Bây giờ
con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho
cha. Con hãy làm cho cha một món ăn ngon như cha thích, rồi đem đến cho cha ăn,
để cha đích thân chúc phúc cho con trước khi chết." Theo truyền thống
Do-thái cũng như Việt-nam, người cha thường chúc lành cho người con cả; vì người
con cả sẽ thay cha để quyết định mọi sự trong gia đình khi cha vắng mặt.
Đang khi ông Isaac nói với Esau, con trai
ông, thì bà Rebekah, vợ ông, nghe được. Bà vẫn tin khi Thiên Chúa hứa điều gì,
điều ấy phải được hoàn tất; nên bà phác họa một kế hoạch để ý Thiên Chúa được
hoàn thành. Trong khi Esau đi ra đồng để săn thú mang về; bà Rebekah lấy áo của
Esau, con trai lớn của bà, áo sang nhất mà bà có ở nhà, và mặc cho Jacob, con
trai nhỏ của bà.
Bà lấy da dê non mà bọc lấy tay và phần cổ
nhẵn nhụi của cậu. Rồi bà đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay Jacob, con bà.
1.2/
Isaac chúc lành cho Jacob:
(1) Thiên Chúa dùng con người để đạt những gì Ngài muốn: Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài vẫn
dùng sự khôn khéo và sức mạnh của con người để đạt những gì Ngài muốn. Chẳng hạn,
Ngài dùng cái roi là Vua Babylon để sửa phạt Israel; nhưng khi đã sửa phạt
xong, Ngài lại bẻ gẫy cái roiBabylon bằng cách trao vương quốc Babylon vào tay
Cyrus, vua Ba-tư. Chính vua này đã thi hành ý định của Thiên Chúa qua việc
phóng thích dân Do-thái khỏi cảnh lưu đày, cho hồi hương về Jerusalem, và giúp
họ xây dựng lại Đền Thờ và quê hương. Điều này chứng minh cho chúng ta thấy sự
khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn đang điều khiển mọi quyền lực của thế gian, ma quỉ,
và con người.
Trình thuật hôm nay là một ví dụ của sự
quan phòng: Thiên Chúa muốn trao quyền trưởng nam vào tay Jacob, và Ngài dùng sự
khôn khéo của bà mẹ Rebekah để thực hiện điều này; mặc dù nhiều người không thể
chịu được sự gian dối trắng trợn này.
(2) Thiên Chúa chọn Israel làm dân riêng dù họ không xứng đáng: Mục đích của trình thuật hôm nay cũng muốn dẫn chứng việc
Thiên Chúa chọn dân tộc Do-thái làm dân riêng. Ngài chọn vì Ngài thương họ, mặc
dù họ chẳng có gì hơn các dân tộc khác: Họ chỉ là một nhóm người nhỏ bé đang
làm nô lệ bên Ai-cập; nhưng vì Lời Hứa với các tổ-phụ Abraham, Isaac, và Jacob,
nên Ngài đã giải thoát họ khỏi làm nô lệ người Ai-cập và ban Đất Hứa làm sản
nghiệp riêng. Lời chúc lành của Isaac cho Jacob hôm nay dẫn chứng những điều
này:
-
Lời hứa ban Đất Hứa làm gia nghiệp:
"Kìa, mùi thơm con tôi như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc. Xin
Thiên Chúa ban cho con, sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi
dào."
-
Lời hứa chọn làm dân riêng của Thiên Chúa: "Các
dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con. Con hãy làm chủ các anh
em con, và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con. Kẻ nguyền rủa con sẽ bị
nguyền rủa, kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc."
2/ Phúc Âm: Phải khôn ngoan để nhận ra sự quan
phòng của Thiên Chúa.
2.1/
Ăn chay có mục đích: Khi con người làm bất cứ
việc gì, là cho một mục đích; chứ không làm theo hứng, cũng không theo thời,
hay thấy người ta làm mình cũng làm. Các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức
Giêsu rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ
ông lại không ăn chay?"
Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự
tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày
chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay." Câu trả lời của Chúa
Giêsu nhắc nhở cho các môn đệ của Gioan biết: một trong những mục đích của việc
ăn chay là để một người sống mối liên hệ của họ với Thiên Chúa. Nếu một người
đang sống mối liên hệ đó như các môn đệ đang có Chúa Giêsu, các môn đệ chưa cần
phải ăn chay. Họ sẽ ăn chay khi Chúa Giêsu rời xa họ.
2.2/
Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải và đạo lý mới: Nếu con người muốn tiến bộ, họ phải có một tinh thần hay
thái độ cầu tiến; nếu không có tinh thần này, họ sẽ giữ chặt những gì họ đã có
hay đã biết. Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ để khán giả suy xét:
(1) Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ: "vì
miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm." Vải mới có độ
co dãn mạnh hơn áo cũ, vì chưa được giặt giũ nhiều. Nếu một người vá vải mới
vào áo cũ, nó sẽ co lại và làm cho chỗ rách càng tệ hơn.
(2) Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ: "vì
như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào
bầu mới: thế là giữ được cả hai." Một ví dụ tân thời hiện đại giúp chúng
ta dễ hiểu hơn: Các softwares mới ra phải được dùng trong các máy vi tính mới,
vì chúng đòi nhiều chỗ để chứa các dữ kiện và một vận tốc nhanh hơn, mà các máy
vi tính cũ không thể đáp ứng nổi. Nếu một người ngoan cố cứ dùng các softwares
mới này trong máy vi tính cũ của mình, mà không chịu update, họ sẽ chỉ chuốc lấy
thất bại mà thôi.
Trong lãnh vực tri thức cũng thế, để có thể
hiểu truyền thống của một nước, người nghiên cứu phải đặt mình trong hoàn cảnh
và lối suy tư của dân địa phương; nếu không, họ sẽ không bao giờ hiểu được truyền
thống của dân địa phương, và dễ đi tới những phê phán sai lầm. Cũng vậy, để tiếp
nhận đạo lý của Chúa Giêsu, người nghe phải có một thái độ cởi mở, họ mới có thể
tiếp nhận những mặc khải mới của Chúa Giêsu. Nếu họ cho Lề Luật đã hoàn hảo như
các kinh-sư, họ sẽ không muốn tiếp nhận đạo lý của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tin Thiên Chúa vẫn đang
quan phòng mọi sự cách khôn ngoan trong vũ trụ này. Chúng ta phải biết nhận ra
và xử dụng cách khôn ngoan để đạt tới ơn cứu độ.
- Để nhận ra sự khôn ngoan quan phòng của
Thiên Chúa, chúng ta cần có một tinh thần cởi mở, để học hỏi và tiếp thu những
khôn ngoan mà Thiên Chúa vẫn không ngừng tiết lộ cho con người.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 13 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 9,14-17
A. Hạt giống...
Nhân dịp trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy giả về việc an chay,
Chúa Giêsu cho biết ý nghĩa và tinh thần của việc đạo đức này :
- Ăn chay không phải chỉ để chu toàn quy định của luật
- Mà là để bày tỏ nỗi buồn khi phải xa cách "chàng rể",
nghĩa là do tội mà phải xa cách Chúa.
- Tâm tình căn bản của người môn đệ Chúa trong thời Tân Ước là tâm
tình vui mừng vì được sống với "chàng rễ".
B.... nẩy mầm.
1. Thánh Phaolô đã kêu gọi "Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc
lại một lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa". Kitô giáo là đạo của
niềm vui vì là đạo của ơn cứu thoát và là đạo của Tin Mừng. Tâm tình thường
xuyên của tôi phải là vui mừng trong Chúa. Và niềm vui của tôi còn phải tỏa lan
sang cho những người sống chung quanh tôi nữa.
2. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô
giáo, cho dù hy sinh khổ chế có là con đường tu đức của các kitô hữu, thì Tin
Mừng vẫn là tên gọi của Đạo Chúa. Kitô giáo thiết yếu là một Tin Mừng, một Tin
Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân
hoan (Chờ đợi Chúa).
3. Người ai cập ăn chay để được trẻ trung hơn.
Người hi lạp ăn chay để tinh thần được nhanh nhẹn hơn.
Người thổ dân Nam mỹ ăn chay để bày tỏ lòng can đảm.
Người vẻ tượng thánh ăn chay để vẽ cho đẹp hơn.
Người do thái ăn chay để ăn năn tội, để thương tiếc kẻ chết, để xin
Chúa đặc biệt trợ giúp, để chuẩn bị đón Chúa đến.
Người kitô hữu không ăn chay vì những lý do trên, bởi Chúa đã đến
rồi, nhưng ăn chay để đón chờ Chúa lại đến, để Danh Chúa hiển sáng, Nước Chúa
trị đến và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Như thế, ăn chay đối với người kitô hữu cũng có nghĩa là dấn thân
cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những
tương quan mới với Chúa và anh em.
Xin cho con biết chết đi cho tội lỗi, để sống lại với Chúa và cho
Chúa (Hosanna).
4. Sau mấy ngày hội thảo đầy căng thẳng, hai nhà truyền giáo
Theodore Cuyler và Charles Spurgeon đi ra ngoài xả hơi. Họ chạy nhảy giữa cánh
đồng như thể các học sinh được nghỉ học, vui chơi thoả chí. Cuyler kể một câu
chuyện vui làm Spurgeon bật cười sảng khoái. Rồi thình lình ngài nói :
- Này bạn Theodore, chúng ta hãy quì gối cám ơn Chúa đã ban cho
chúng ta tiếng cười vui vẻ vừa rồi.
Và rồi cả hai nhà truyền giáo vĩ đại đó thản nhiên quì trên bãi cỏ
xanh tươi cám ơn Chúa trước quà tặng là tiếng cười đó.
Đâu có gì mâu thuẫn giữa cầu nguyện và cười vui ? Vì một đàng là
biểu hiện của sức khoẻ tâm linh, một đàng là của sức khoẻ thể xác. (Góp nhặt)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
06/07/13 THỨ BẢY ĐẦU
THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Maria Gôrétti, trinh nữ, tử đạo
Mt 9,14-17
Th. Maria Gôrétti, trinh nữ, tử đạo
Mt 9,14-17
VÌ CHÀNG RỄ LÀ ĐỨC KI-TÔ
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại ăn chay khi chàng rễ còn ở với
họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rễ bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)
Suy niệm: Đám
cưới Do Thái có một điểm độc đáo: tuần trăng mật của đôi tân hôn không phải ở
đâu khác mà là ở chính tại nhà mình. Đó là một thời gian lễ hội tưng bừng cho
cô dâu chú rể. Mọi sự long trọng nhất đều dành cho đôi tân hôn. Họ được đối xử
như những ông hoàng. Họ không phải đi lính. Ngay cả việc ăn chay, một trong
những việc đạo đức chính yếu, chẳng những là chàng rể mà cả những thực khách
cũng được miễn chước vì chàng rể. Chúa Giêsu tự ví mình như chàng rể. Ngài là
nguyên nhân đem lại niềm vui cho nhân loại và là lý do cao nhất khiến người ta
làm hay không làm một việc nào đó: tất cả đều vì Chúa, vì yêu mến Ngài.
Mời Bạn: Giá
trị công việc người ta làm tuỳ thuộc ở động cơ hành động. Một công việc đạo đức
thì phải có động cơ đạo đức. Ăn kiêng chẳng hạn, nếu chỉ vì lý do sức khoẻ,
thẩm mỹ, thì chưa phải là một công việc đạo đức. Nhưng nếu mọi việc chúng ta
làm đều “vì chàng rể của chúng ta”, nghĩa là vì yêu mến Đức Kitô thì việc gì cũng
trở thành việc đạo đức, có giá trị trước mặt Chúa.
Sống Lời Chúa: Trước
khi làm bất cứ việc gì, dù việc rất tầm thường, bạn hãy dừng lại chỉ một giây thôi để nhớ tới Chúa và dâng lên Ngài lời tâm
nguyện sau đây. Bạn sẽ thấy lời cầu nguyện đó có sức biến đổi khiến bạn luôn nỗ
lực làm tốt tất cả mọi việc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con xin dâng lên Chúa công việc con sắp
làm đây. Con ước ao làm việc này vì yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con làm việc
này hết sức tốt đẹp theo thánh ý Chúa. Amen.
Giữ được cả hai
Kitô hữu được định nghĩa là những người luôn sống
trong niềm vui, bất chấp những bách hại và giá phải trả để làm môn đệ Đức
Giêsu.
Suy niệm:
Mỗi năm người Do thái dành một ngày chính thức để cả nước ăn chay.
Đó là ngày lễ Xá tội (Lv 23, 29).
Tuy nhiên cũng có những ngày ăn chay khác có tính tập thể
để kỷ niệm những biến cố đau buồn của dân tộc.
Ngôn sứ Giôen đã mời người ta ăn chay, khóc lóc và than van (Ge 2,
12).
Vào thời Đức Giêsu, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và nhóm Pharisêu
còn ăn chay do lòng đạo đức riêng, có người hai lần một tuần (Lc
18, 12).
Nhìn chung bầu khí ăn chay không phải là bầu khí vui tươi phấn
khởi.
Bởi đó có người cố mang bộ mặt rầu rĩ để khoe là mình đang ăn chay.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu bị các môn đệ của Gioan tra hỏi
về chuyện tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay như họ (c.
14).
Đối với họ ăn chay là một việc đạo đức quan trọng, không thể thiếu
trong đời sống của một nhóm như nhóm các môn đệ Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã trả lời họ bằng một câu hỏi khác.
Gián tiếp Ngài nhận mình là chàng rể, các môn đệ là khách dự tiệc
cưới.
Chính vì thế chuyện ăn chay than khóc hoàn toàn không hợp chút nào.
Bầu khí vui tươi là nét đặc trưng của thời kỳ Đấng Mêsia đến.
Đúng là cần phải sám hối, vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 4, 17),
nhưng Nước Trời được ví như một tiệc cưới lớn (Mt 22, 1-14; 25,
1-13),
nên phải đón lấy Nước này trong niềm vui của ngày hội.
Chỉ khi nào chàng rể Giêsu bị đem đi trong cuộc Khổ nạn,
khi ấy các môn đệ của Ngài mới ăn chay.
Các Kitô hữu sơ khai vẫn giữ việc ăn chay (Cv 13, 2; 14, 23; 2 Cr
6, 5)
đặc biệt vào những ngày thứ tư và thứ sáu (sách Điđakhê 8, 1),
thay vì thứ hai và thứ năm như người Do thái.
Nhưng họ ăn chay không phải để chờ một Đấng chưa đến,
mà để chuẩn bị lòng mình đón đợi một Đấng sắp lại đến trong vinh
quang.
Đức Giêsu đem đến những giáo huấn và tinh thần mới mẻ.
Liệu có thể ghép những cái mới đó vào cái khung của lối sống cũ
không?
Bằng hai ví dụ, Ngài cho thấy điều đó khó thực hiện và gây nguy
hại.
Miếng vải mới được vá vào chiếc áo cũ, sẽ co lại và làm áo rách
thêm.
Rượu mới được đổ vào bầu da cũ, thì bầu sẽ bị nứt mà rượu lại chảy
ra.
Đối với Đức Giêsu, muốn giữ được cả bầu lẫn rượu mới, thì cần có
bầu mới.
Bầu mới chính là cách sống mới Luật Tôra của Thiên Chúa
như đã được Ngài giải thích lại trong Bài Giảng trên núi.
Kitô hữu được định nghĩa là những người luôn sống trong niềm vui,
bất chấp những bách hại và giá phải trả để làm môn đệ Đức Giêsu.
Chàng rể đã bị đem đi, nhưng Chàng rể vẫn đang ở lại (Mt 28, 20).
Bầu khí của tiệc cưới và rượu mới
vẫn là bầu khí của mọi cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn
và dịu dàng
trước mọi biến cố của
cuộc sống,
khi con gặp thất vọng,
gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất
tín
nơi những người con tin
tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc
người khác,
giấu đi những nỗi phiền
muộn của mình
để tránh cho người khác
phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm
mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay
cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ
không bực bội,
làm con rộng lòng tha
thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc
đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của
con,
không ai giảm bớt lòng
thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng
hành của con
trong cuộc hành trình về
quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời
yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm
việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý
tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning Christ)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy
Niệm
Có
nhiều quan niệm khác nhau về việc ăn chay: Có người ăn chay để được trẻ trung
hơn, để tinh thần nhanh nhẹn hơn. Người Do thái giữ chay để ăn năn tội, để khóc
thương kẻ chết hoặc để chờ Chúa đến hoặc để xin ơn đặc biệt nào đó nơi Chúa.
Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu ăn chay không vì những lý do trên bởi vì Chúa
đã đến rồi. Mà ăn chay là để danh Chúa được hiển sáng, nước Chúa trị đến. Hay
nói cách khác, ăn chay đối với người Kitô hữu có ý nghĩa dấn thân cho một thế
giới mới, một đời sống mới trong đó con người có mối liên hệ tương quan mật thiết
với Chúa và với anh em. Đối với Chúa Giêsu ăn chay không phải chỉ để chu toàn
quy định của luật, mà là để bày tỏ nỗi buồn khi phải xa cách 'chàng rể', nghĩa
là do tội mà phải xa cách Chúa.
Trong
bài Tin Mừng, Ðức Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới. Chính Ngài là chàng rể, còn
các môn đệ là phò rể. Vậy nên chỉ sau khi chàng rể bị đem đi, tức là sau cái
chết của Chúa Giêsu, thì lúc đó các môn đệ mới giữ chay, giữ chay vì thương nhớ
và để đón chờ ngày Chúa trở lại.
Tâm
tình căn bản của người môn đệ trong thời Tân Ước là tâm tình vui mừng vì được
sống với 'chàng rể'. Thánh Phaolô đã kêu gọi: "Anh em hay vui lên. Tôi
xin nhắc lại một lần nữa anh em hay vui luôn trong Chúa". Kitô giáo là
đạo của tình thương, là đạo của ơn giải thoát và là đạo của Tin Mừng. Tâm tình
của tôi là phải vui luôn trong Chúa, và cũng phải lan tỏa sang cho những người
xung quanh tôi.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con biết chết đi trong tội lỗi để được sống lại trong Chúa.
Xin cho chúng con biết thay đổi, biết từ bỏ con người ích kỷ, tham vọng của
chúng con để sống bằng tinh thần yêu thương, bác ái và công bình của Chúa. Như
thế chúng con mới xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ và được ở trong Nước Hằng Sống.
Amen.
Người
Miệt Vườn
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
Bảy
6 THÁNG BẢY
Đâu Là Vai Trò Của Chúng Ta Trong Tư Cách Là
Thụ Tạo?
Con người có một vai trò
đặc biệt trong việc phát triển thế giới. Và đó vốn là vai trò của con người
ngay từ thuở ban sơ. Vai trò đó cho thấy con người là gì trong tư cách là người
con được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Theo Sách Sáng
Thế, con người được dựng nên để “thống trị tạo vật” và để bắt mọi tạo vật “qui
phục” mình (St 1,28).
Bằng cách tham dự vào
quyền cai trị của Thiên Chúa trên thế giới, xét như là một chủ thể có lý trí và
tự do song vẫn đồng thời là một tạo vật, một cách nào đó chính con người trở
nên một “sự quan phòng”, theo cách diễn tả tuyệt vời của Thánh Tô-ma (Tổng Luận
Thần Học I,22,2&4). Con người được mời gọi để bảo vệ và cai quản mọi tạo
vật với một tình yêu và mối quan tâm mục tử. Cũng chính vì thế mà con người
mang một trách nhiệm đặc biệt đối với Thiên Chúa và đối với tạo vật.
- suy
tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê
Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP
YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Maria Gôretti, trinh nữ
tử đạo
St 27, 1-5.15-29; Mt 9, 14-17
LỜI SUY NIỆM: “Bấy giờ, các môn đệ ông
Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn
chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay” (Mt 9,14)
Ăn
chay, là gò ép mình, để nội tâm được nên ngay thẳng, chuẩn bị cho một lời cầu
nguyện về một công việc lớn nhỏ nào đó. Trước khi Chúa Giêsu bước vào sứ vụ
công khai rao giảng về Nước Trời, Ngài cũng đã ăn chay Bốn Mươi Đêm Ngày trong
hoang địa, cho chúng ta thấy Chúa không loại bỏ chuyện ăn chay ra khỏi cuộc
sống của con người. Nhưng trong câu chuyện tranh luận này Chúa cho chúng ta
biết: Chúng ta không cần phải ăn chay khi đã được Chúa đang ở với chúng ta, đó
là niềm hạnh phúc lớn lao nhất; và là nguồn vui thật của chúng ta.
Mạnh
Phương
Gương Thánh nhân
Ngày 06-07
Thánh MARIA GORETTI
Đồng Trinh Tử Đạo (1890 -
1902)
Thánh Maria Goretti sinh
ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Ancona. Cha mẹ Người là những người nhà quê thất
học. Vì hoàn cảnh nghèo túng, năm 1899, gia đình Ngài dời về sống trong một
nông trại ở làng Auziô, gần Neturô. Đây là một gia đình nghèo khó nhưng giầu
lòng tin đến độ chuyển núi dời non. Cha Ngài vào một hợp tác và sống chung
trong một nhà với một gia đình khác, ông cần cù vở đất trồng trọt để nuôi sáu
người con. Còn mẹ thánh nữ, bà rất mệt nhọc trong việc săn sóc đoàn con bé
bỏng.
Nhưng gia đình can đảm và
thân mật này đã bị giao động khi người cha bất ngờ qua đời. Bà góa phụ Assunta
không biết nương tựa vào đâu và quyết định tiếp nối công việc nặng nhọc vừa
khởi sự. Bà giao các con nhỏ cho trưởng nữ mới 10 tuổi săn sóc. Maria, người
con gái ấy là một đứa trẻ hiền lành can đảm biết vâng phục. Thánh nữ thật là
một nguồn an ủi cho người mẹ hiền lành, nhưng cương quyết với các con. Dù còn trẻ
thánh nữ đã sớm trở thành một người nội trợ mới.
Hàng xóm của bà Assunta,
là gia đình Serenrlli, họ là những người có tinh thần phục vụ. Nhưng Alessandrô
lại chơi với các bạn bè xấu và ham đọc sách nguy hiểm. Nhiều lần anh ta giúp đỡ
Maria trong những việc nặng nhọc. Người ta có thể nghĩ là Alessandrô đã cải
tính sửa nết. Maria thì biết ơn và còn quá trong trắng để mà nghi ngờ. Nhưng
Alessandrô đã không ngần ngại đưa ra những đề nghị bỉ ổi, lại còn đe dọa cô
không được nói với ai, không hiểu biết gì, Maria Goretti cảm thấy nguy hiểm
phạm tội, và đã thú thực hết với mẹ. Run sợ cho tâm hồn còn tinh trong của con
bị hoen ố, bà Assunta đã dạy cho Maria cách thắng vượt sự dữ, đề phòng cho cô
khỏi mắc cơn nguy hiểm mà cô chưa biết đến. Maria Goretti hứa sẽ không bao giờ
nhượng bộ.
Maria mới 12 tuổi, nhưng
đã nẩy nở xinh đẹp. Alessandrô thúc bách, nhưng người thiếu nữ đã biết giữ gìn
và chống cự lại. Thảm cảnh diễn ra ngày 5 tháng 7 năm 1902. Sáng hôm đó, đợi
cho mọi người đi khỏi, Alessandrô tới gần ve vãn cô gái. Cầm dùi trong tay, anh
còn đe dọa : - Nếu cô không chịu, tôi sẽ giết cô.
Cô gái la lớn : - Không,
đó là việc tội Chúa cấm ! Anh sẽ phải vào hỏa ngục.
Không còn kềm được bản
năng , Alessandrô lao vào con mồi, đâm cô hơn 14 nhát.
Tiếng kêu la của kẻ hung bạo
và của nạn nhân vang tới mọi người lân cận. Bà Assunta vội đưa người con hấp
hối của mình tới nhà thương ở Nettunô. Dọc đường Maria nói với mẹ:
- Mẹ ơi ! Anh đã muốn con
phạm tội với anh con đã cự tuyệt.
Linh mục tới đầu giường
cô và nhắc lại cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá với lưỡi đòng, sự hối cải
của người trộm lành... rồi Ngài hỏi : - Marietta, con có tha thứ không ?
- Dạ tha, vì tình yêu
Chúa Giêsu, chớ gì anh được lên thiên đàng với con.
Alessandrô bị kết án 30
năm khổ sai. Tính hung hăng của anh càng tăng làm các bạn tù khiếp sợ. Tám năm
sau, một đêm đã làm biến đổi tất cả. Tội nhân mơ thấy Maria sáng chói giữa vườn
huệ và hái trao chàng một bông. Hôm sau anh viết lời thú tội, tự thú tất cả cho
Đức giám mục và kể lại cả giấc mơ cho Ngài. Anh đã hối hận. Từ ngày đó, thái độ
của anh rất gương mẫu. Năm 1929 anh được phóng thích. Năm 1937, quì dưới chân
bà Assunta, anh hỏi: - Bà có tha thứ cho con không ?
Và người mẹ thánh nữ trả
lời : - Nó đã tha cho con rồi, tôi làm khác sao được ?
Lễ Giáng sinh năm ấy, hai
người cùng tiến lên bàn thờ rước lễ.
Maria Goretti được phong
chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1927. Đến ngày 24 tháng sáu năm 1930, trước mặt
người mẹ đã 87 tuổi, Maria Goretti được đức giáo hoàng Piô XII suy tôn lên bậc
hiển thánh.
(daminhvn.net)
06 Tháng Bảy
Thiên Chúa Trong Ánh Mắt
Theo một câu chuyện cổ tích của người Nhật
Bản, ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc bên cạnh một đứa con gái
nhỏ. Người chồng là một hiệp sĩ samourai, nhưng anh chỉ sống khiêm tốn trong
một khu vườn nhỏ ở đồng quê. Người vợ là một người trầm lặng đến độ nhút nhát.
Chị không bao giờ muốn ra khỏi nhà.
Một hôm, nhân dịp lễ đăng quang của Nhật
hoàng, với tư cách là một hiệp sĩ, người chồng cảm thấy có bổn phận phải về
kinh đô để bái lạy quân vương. Sau khi đã làm xong nghĩa vụ của một hiệp sĩ,
anh ghé ra chợ mua quà cho vợ con. Riêng cho người vợ, anh mua một tấm gương
soi mặt bằng bạc...
Ðón nhận món quà, ngời đàn bà bỡ ngỡ vô cùng:
chị chưa bao giờ trông thấy một tấm gương, chị chưa một lần nhìn thấy mặt mình.
Do đó, vừa nhìn thấy mặt mình trong gương, người vợ mới ngạc nhiên hỏi chồng:
"Người đàn bà này là ai?". Người đàn ông mỉm cười đáp: "Mình
không đoán được đó là gương mặt kiều diễm của mình sao?".
Một thời gian sau, người đàn bà lâm bệnh nặng.
Trước khi chết, bà cầm tay đứa con gái và nói nhỏ: "Mẹ không còn sống trên
mặt đất này nữa. Sáng chiều, con hãy nhìn vào tấm gương này và sẽ thấy
mẹ".
Sau khi người mẹ qua đời, sớm tối, lúc nào
đứa con gái ngây ngô cũng nhìn vào tấm gương và nói chuyện với chính hình ảnh
của nó. Nó nói chuyện với hình trong tấm gương như với chính mẹ nó.
Ngày kia, bắt gặp đứa con gái đáng nói chuyện
với chính mình nó trong tấm gương, người cha tra hỏi, đứa con gái mới trả lời:
"Ba nhìn kìa, mẹ con không có vẻ mệt mỏi và xanh xao như lúc bị bệnh. Mẹ
lúc nào cũng trẻ và cũng mỉm cười với con".
Nghe thế, người đàn ông không cầm nổi nước
mắt, nhưng không muốn cho nó biết sự thật, ông nói với nó: "Nếu con nhìn
vào gương để thấy mẹ con, thì ba cũng nhìn vào con để thấy mẹ con".
Tha
nhân chính là tấm gương phản chiếu gương mặt của chúng ta. Khi chúng ta lạc
quan, khi chúng ta vui tươi, khi chúng ta yêu đời, khi chúng ta hòa nhã chúng
ta sẽ nhận ra nét đó trên khuôn mặt của những người xung quanh. Trái lại, khi
chúng ta cau có, khi chúng ta giận dữ, khi chúng ta buồn phiền, khi chúng ta
thất vọng, chúng ta cũng sẽ thấy được những nét ấy trên gương mặt của người
khác...
Tha
nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu đứa con có thể nhìn thấy gương
mặt khỏe mạnh, vui tươi của người mẹ trong tấm gương, nếu người cha nhìn thấy
hình ảnh của người vợ trong đứa con, thì với ánh mắt của tin yêu chúng ta cũng
có thể nhìn thấy gương mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.
Có
Thiên Chúa trong ánh mắt, nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người, chúng ta sẽ
thấy rằng đời có ý nghĩa, tha nhân không phải là hỏa ngục đáng xa lánh...
Chúng
ta hãy nhìn vào tấm gương của tha nhân với nụ cười của trẻ thơ để luôn luôn
nhận ra được bộ mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.
(Lẽ
Sống)
Thứ Bẩy 6-7
Thánh Maria Goretti
(1890-1902)
Thánh Maria Goretti sống
ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết
bao tâm hồn.
Maria Goretti là con gái
của một gia đình nghèo người Ý, mà cha chết sớm, chỉ còn người mẹ tần tảo nuôi
con. Cô không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi
rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.
Trong buổi trưa hè oi ả
vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp
xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng cơ thể cô đã phát triển đẫy đà. Một
chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro, 18
tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào
phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho
biết thà chết còn hơn là phạm tội. "Ðó là tội. Chúa không muốn như vậy.
Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này." Như một con thú điên, Alessandro
rút dao đâm túi bụi vào người Maria Goretti.
Trong khi nằm ở bệnh
viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi từ trần.
Kẻ sát nhân bị án tù 30
năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một
đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc
đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của
Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.
Câu chuyện của Maria
Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia
tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã
được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ phong chân phước, mẹ của Maria Goretti
(lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo
Hoàng Piô XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô. Ba năm sau, vào năm 1950, ngài
được phong thánh. Trong đám đông những người dự lễ có Alessandro Serenelli, lúc
ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò
má.
Thánh Maria Goretti được
coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của
Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho
kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria
Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp.
Lời Bàn
Có lẽ Thánh Maria
Goretti phải vất vả khi học giáo lý, nhưng ngài không trở ngại gì với đức tin.
Thiên Chúa muốn chúng ta thánh thiện, đoan trang, tôn trọng thân xác con người,
tuyệt đối vâng phục, hoàn toàn tín thác. Trong một thế giới phức tạp, đức tin
của thánh nữ thật đơn giản: Ðiều tiên quyết là đẹp lòng Thiên Chúa, và yêu mến
Người bằng mọi giá. Trong xã hội ngày nay, đức khiết tịnh hầu như đã chết,
Thánh Maria Goretti như một đóa sen, toả hương thanh tú trong đám bùn lầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét