Trang

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

ĐỌC THÔNG ĐIỆP ÁNH SÁNG ĐỨC TIN - chương III

ĐỌC THÔNG ĐIỆP ÁNH SÁNG ĐỨC TIN (LUMEN FIDEI)

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Chương ba: Tôi truyền  lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận (x. 1Cor 15,3)
Chương ba của thông điệp tập trung vào chủ đề Thông truyền đức tin Kitô giáo. Vì đức tin là nghe và thấy, nên đức tin ấy cũng được thông truyền như lời (để nghe) và ánh sáng (để thấy). Đã đón nhận Lời Thiên Chúa thì phải tuyên xưng và loan báo. Cũng vậy, ánh sáng của Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu và họ phải làm lan tỏa ánh sáng đó, như những ngọn nến được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh (số 37). Việc thông truyền đức tin được thực hiện không chỉ từ cá nhân này đến cá nhân khác, nhưng còn từ thế hệ này sang thế hệ kia. Sau 20 thế kỷ, làm sao chúng ta có thể chắc chắn mình đã gặp Chúa Giêsu đích thực như Người là? Được như thế là nhờ Hội Thánh. Hội Thánh là người mẹ dạy chúng ta nói ngôn ngữ đức tin. Hội Thánh lưu giữ ký ức về Đức Kitô và truyền lại cho chúng ta (số 38). Cho nên ở tự bản chất, đức tin là sự mở ra với cái “Chúng tôi” trong Hội Thánh. Đức tin được tuyên xưng trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Sự mở ra này phản chiếu sự mở ra của chính tình yêu nơi Thiên Chúa: không chỉ là tương quan giữa Cha và Con, mà còn là “trong Thánh Thần”, nghĩa là “Chúng Ta”, sự hiệp thông giữa các ngôi vị (số 39).
Hội Thánh thông truyền toàn bộ nội dung đức tin cho chúng ta qua Truyền thống tông đồ được kính cẩn lưu giữ trong Hội Thánh nhờ Chúa Thánh Thần. Và Hội Thánh thực hiện điều đó qua giáo lý, đời sống và việc thờ phượng.
Trước hết là qua các bí tích (số 40). Nếu chỉ là thông truyền học thuyết thì chỉ cần một cuốn sách, thế nhưng đức tin không chỉ là học thuyết mà là ánh sáng mới phát sinh từ sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống. Do đó phải có một phương thế đặc biệt là các bí tích được cử hành trong phụng vụ. Đầu tiên là bí tích Rửa Tội. Trong bí tích này, người Kitô hữu vừa đón nhận giáo lý phải tuyên xưng vừa đón nhận một lối sống mới phải thực hành. Vì thế cần quan tâm đến giáo lý cho các dự tòng, đó là con đường chuẩn bị cho họ chịu Phép Rửa và biến đổi toàn bộ đời sống trong Đức Kitô (số 42). Cũng ở đây, cần ý thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc rửa tội cho trẻ nhỏ. Dù các em chưa ý thức nhưng các em được nâng đỡ bởi cha mẹ, người đỡ đầu, và được đón nhận trong đức tin của Hội Thánh. Điều đó làm nổi bật sự hợp tác giữa Hội Thánh và cha mẹ trong việc thông truyền đức tin cho trẻ nhỏ, nhờ đó các em có được định hướng nền tảng cho cuộc đời, hướng đến tương lai tốt đẹp (số 43).
Đặc tính bí tích của đức tin đạt đến đỉnh cao nơi bí tích Thánh Thể (số 44). Thánh Thể là của ăn quý giá cho đời sống đức tin vì ở đó, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng hiến mình vì chúng ta. Một đàng, chúng ta tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Chúa; đàng khác, chúng ta được dẫn từ thế giới hữu hình đến thế giới vô hình, khám phá chiều cao và chiều sâu của các thực tại, như bánh và rượu được biến đổi nên Mình và Máu Đức Kitô.
Cùng với các bí tích, Hội Thánh thông truyền đức tin cho các tín hữu qua lời tuyên xưng đức tin, cụ thể là Kinh Tin Kính (số 45). Kinh Tin Kính có cấu trúc Ba Ngôi, nghĩa là tâm điểm của mọi hiện hữu chính là sự hiệp thông nơi Thiên Chúa. Kinh Tin Kính cũng mang chiều kích Kitô học vì nơi Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa của hiệp thông đã bước vào lịch sử thế giới này và đưa nó vào sự hiệp thông vĩnh hằng của Ngài.
Ngoài các bí tích và lời tuyên xưng, Hội Thánh còn thông truyền đức tin cho chúng ta qua Kinh Lạy Cha và Kinh Mười Điều Răn (số 46). Với Kinh Lạy Cha, các Kitô hữu học chia sẻ chính kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Kitô và tập nhìn mọi sự như Người nhìn. Kinh Mười Điều Răn chỉ lối cho chúng ta thoát khỏi sa mạc của cái tôi ích kỷ để bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, để cho lòng thương xót của Chúa chiếm hữu và chia sẻ lòng thương xót ấy cho người khác.
Bốn yếu tố nói trên cũng là bốn phần chính trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, qua đó Hội Thánh thông truyền toàn bộ đức tin duy nhất của mình. Tính duy nhất và toàn bộ là hai điều cần nhấn mạnh ở đây (số 47,48). Thánh Lêô Cả nói, “Nếu đức tin không duy nhất thì không còn là đức tin nữa”. Đức tin duy nhất vì chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, vì chỉ có một Chúa Giêsu Kitô, và vì đức tin ấy được toàn thể Hội Thánh tuyên xưng. Vì đức tin duy nhất nên cũng phải toàn vẹn. Các chân lý đức tin đan kết với nhau trong một toàn thể duy nhất như các chi thể trong một thân mình. Vì thế phải cẩn trọng để kho tàng đức tin được thông truyền cách toàn vẹn. Để phục vụ cho đòi hỏi này, Chúa đã ban cho Hội Thánh điều mà chúng ta gọi là sự kế nhiệm tông đồ, nhờ đó ký ức của Hội Thánh được lưu giữ liên tục và thông truyền qua các thế hệ (số 49).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét