Tân phúc âm hóa và bài học từ
đường phố
Chúa Kitô nơi Đô Thị (Christ in the City) là một chương trình phục vụ có
tính toàn bộ, phối hợp công việc bác ái với linh đạo học Công Giáo và thăng tiến
giáo dục. Nó nhằm huấn luyện các người Công Giáo ở tuổi đại học trở thành những
nhà truyền giáo phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô và Huấn Quyền của
Giáo Hội Công Giáo. Phương châm của chương trình là “Yêu đến bị thương tổn để
phục vụ những người thiếu thốn nhất” (“Loving until it hurts in order serve
those most in need”).
Các yếu tố thiêng liêng và trí thức trong chương trình nhằm khuyến khích
người trẻ thăng tiến trong diễn trình trưởng thành làm người Công Giáo của họ.
Phát triển bản thân là khía cạnh căn bản tạo nên sự thành công toàn diện của
Chương Trình như một tổ chức bác ái. Vì Chương Trình tin rằng: không ai có thể
cho điều mà họ không có.
Bác ái Kitô Giáo chân chính, như đã được điển hình hóa trong cuộc Viếng
Thăm người chị họ Elizabeth của Đức Maria, tự nhiên sẽ tỏa sáng từ cuộc gặp gỡ
bản thân với Thiên Chúa Nhập Thể, là Chúa Giêsu Kitô. Qua việc làm dễ cuộc gặp
gỡ này, Chương Trình tin rằng họ cũng đang củng cố người trẻ trong các cố gắng
giải quyết các nhu cầu vật chất và tâm linh của người khác. Chính vì thế,
Chương Trình tin rằng bác ái, tức việc tham dự vào tình yêu thần thánh của
Thiên Chúa, là một nối dài tự nhiên của bất cứ cuộc sống Kitô Giáo chân chính
nào.
Chương trình vì thế dành cho người trẻ Công Giáo nào sẵn sàng dấn thân từ
một lục cá nguyệt tới một năm trong đời họ để phục vụ người nghèo và người yếu
thế bằng cách sống trong một cộng đoàn, tham dự cuộc huấn luyện tâm linh và nhận
được tín chỉ cho khóa học huấn luyện giáo dục. Nói tóm lại, vừa phục vụ người
nghèo, các người tham dự được huấn luyện cả về tri thức, linh đạo lẫn lãnh vực
bác ái.
Dĩ nhiên huấn luyện tri thức đây tập chú vào việc học hỏi các vấn đề
công bình xã hội dưới ánh sáng Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo và giáo huấn của
Chúa Giêsu Kitô. Đối với các sinh viên đại học, tín chỉ của khóa có thể ban cấp
nhờ sự hợp tác với các đại học. Việc huấn luyện này nhằm đem lại cho người trẻ
một thế giới quan Công Giáo, nhấn mạnh tới khả năng biết suy nghĩ một cách có
phê phán và khả năng áp dụng đức tin và lý lẽ vào con người nhân bản và môi trường
xã hội. Chương trình huấn luyện này do các linh mục và giáo dân nam nữ của
Phong Trào Đời Sống Kitô Giáo (Christian Life Movement) đảm nhiệm.
Huấn luyện về bác ái nhằm khuyến khích người trẻ chia sẻ yêu thương với
những người mình phục vụ, hòng trở nên chân và tay nối dài của Chúa Kitô trong
thế giới hiện đại. Các nhà truyền giáo của Chúa Kitô nơi Đô Thị phục vụ bằng
tình yêu và cảm thương, luôn nâng cao phẩm giá của những con người nhân bản.
Trường hợp điển hình
Hình như Chương Trình khởi sự đầu tiên tại Denver, Colorado, nhưng hiện
nay có mặt tại hầu hết các thành phố lớn của Hoa Kỳ. Sau đây là một điển hình
truyền giáo mới diễn ra tại Atchison, Kansas qua lời tự thuật của Makena
Clawson, một sinh viên của Benedictine College.
Một tháng qua, Chúa đã tin tưởng tôi đủ nên đã để tôi phục vụ như một
nhà truyền giáo của Người cùng với 9 người khác. Chúng tôi quyết định dùng một
phần mùa hè cho công việc này, nên đã tham gia với 14 nhà truyền giáo khác là
những người dành trọn cả năm. Phần lớn chúng tôi thuộc lớp tuổi từ 20 tới 25.
Chúa Kitô Nơi Đô Thị chỉ mới khởi sự cách nay 3 năm, tức vào năm 2010,
khi Bác Sĩ Jonathan Reyes, nguyên chủ tịch Các Cơ Quan Bác Ái Công Giáo, hợp
tác với Yvonne Noggle, giám đốc hiện nay của Chương Trình. Hiện nay, Chương
Trình liên kết với Phong Trào Đời Sống Kitô Giáo và các giáo dân nam nữ tận hiến
của Phong Trào phụ trách việc huấn luyện tâm linh cho các nhà truyền giáo. Các
nhà hảo tâm đã cung cấp phần lớn nguồn tài trợ. Các nhà truyền giáo hoàn toàn
tin tưởng vào ơn quan phòng của Chúa, Người sẽ cung cấp cho họ mọi điều họ cần.
Người luôn xuất hiện đúng lúc, dù đôi khi dưới hình thức những hộp càrem 5 lít
từ ngân hàng thực phẩm.
Sứ mệnh của Chúa Kitô Nơi Đô Thị là yêu thương những người được Chúa
Kitô nói đến trong Tin Mừng Mátthêu 25:40, là chỗ Người dạy rằng “mỗi lần các
con làm việc đó cho một trong những người nhỏ bé nhất trong các anh em của Thầy,
là các con làm cho Thầy”. Chương trình nối vòng tay lớn của chúng tôi nhằm chào
đón từ những người chưa sinh tới những người gần lìa sự sống, nhưng đặc biệt tập
chú vào những người vô gia cư.
Và đó là điều làm tan nát vùng dễ chịu của tôi nhất. Chẳng thường tình
và thông thường chút nào khi phải tự giới thiệu với một ai đó sống ngoài phố và
hỏi họ xem mình có thể chia sẻ tấm ghế dài của họ hay không. Tuy nhiên, sau khi
gặp một số bạn mới trên hè phố, tôi thấy mình đâm mê và khi phải rời họ, quả
tình không hài lòng chút nào.
Dĩ nhiên, có những lúc câu chuyện chẳng êm xuôi bao nhiêu khi người ta
không muốn chuyện trò. Lúc ấy ngượng ngịu làm sao. Có lúc còn thấy đả nhau cách
đó không xa nữa. Nhưng đâu có hệ gì. Nếu người này thực sự là Chúa Kitô đang
đói đang khát, thì tôi làm sao không dừng lại dăm ba phút cho được?
Có một dịp, tôi can đảm hỏi một người đàn ông mới gặp “anh có hạnh phúc
không?”. Thay vì nổi sùng như tôi nghĩ, anh ta gần như bị nghẹn, cười bảo tôi
“Không”. Tôi hỏi thêm: “Lần cuối cùng anh hạnh phúc là khi nào?”. anh cho hay
anh không muốn nói về chuyện đó, nhưng anh không hạnh phúc từ ngày bỏ gia đình
vì chích choác. Anh giải thích: chỉ thử có một lần vì tò mò, thế mà chuyện này
đã làm anh từ đang sống với gia đình sang phải sống ngoài đường phố và gần chết
nhiều lần vì chích quá liều lượng.
Tôi cảm thấy bất lực khi rời người bạn mới này và những muốn được ở bênh
anh ít phút nữa, dù tôi hiểu rõ mình chẳng làm được bất cứ điều gì để thay đổi
tình huống của anh, vừa không nhà, vừa nghiện ngập lại vừa bất hạnh. Nhưng đúng
lúc tạm biệt nhau, có một điều gì trong ánh mắt của anh làm tôi thấy mọi cố gắng
đều đáng giá.
Tôi có thể nói anh đang có tình yêu trong trái tim, anh ta nói như thế.
Tình yêu mà anh ta chưa hề thấy từ lúc nào không ai rõ.
Sau đó ít lâu trong cùng một tuần lễ, Chúa cho tôi diễm phúc được trông
thấy anh khi chúng tôi gặp nhau ngoài phố. Chúng tôi không có giờ chuyện trò
nhiều với nhau, nhưng nụ cười và tiếng chào nhau giữa chúng tôi cho thấy chúng
phát xuất từ những bạn bè quen nhau đã lâu chứ không phải chỉ là từ những người
vừa chợt quen nhau như chúng tôi.
Những người đàn ông và những người đàn bà tôi từng gặp không phải chỉ
đói và khát, thèm một bữa ăn trưa mà chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho họ, nhưng
họ còn cần cả của ăn tâm linh nữa.
Tôi hầu như lúc nào cũng bỡ ngỡ trước những người tôi gặp ngoài phố, do
đức tin, do lòng biết ơn, do lòng tốt của họ. Trong tuần, một trong những người
bạn lâu năm của chúng tôi đạp xe đạp 20 phút tới gặp chúng tôi để tham dự Thánh
Lễ hàng ngày vào lúc 7 giờ sáng. Tôi không biết có khi nào anh lỡ bữa ăn trưa
hàng tuần hay không.
Lý do tại sao? Vì các nhà truyền giáo là bằng hữu của anh. Vì anh có thể
cười đùa với chúng tôi. Vì anh nhìn thấy tình yêu.
Dĩ nhiên, anh sẽ cho bạn hay anh còn nhiều điều phải làm như phải uống
bao nhiêu chẳng hạn, nhưng anh đã đi được một chặng dài. Anh đã trở về gia
đình, từ bỏ đường phố. Đôi khi tôi quên khuấy cả việc anh ta từng là người
không nhà và chỉ nghĩ tới anh như một nhà truyền giáo danh dự. Anh rất nhanh nhẩu
giúp bất cứ việc gì chúng tôi cần nhờ, như chuyển lều trại và bàn ghế ra xe, và
lòng tốt của anh thấy rõ khi anh hỏi thăm về mẹ tôi.
Phần lớn những câu truyện với các bạn bè này kết thúc bằng một cái ôm, một
ngạc nhiên nữa cho thấy vùng êm ái của tôi đã lớn mạnh ra sao. Sau khi chuyện
trò với một người đàn ông trông rất ngổ ngáo và rất ít nói, anh ta ngả người tới
để ôm tôi, khiến tôi hiểu ra rằng tôi tạo được nhiều tác động hơn mình nghĩ, và
chúng tôi dự tính sẽ tái ngộ nhau sau đó ít ngày.
Tôi nói gì mà lại gây tác động đối với những người như thế này? Tôi có
nói gì đâu. Tôi chỉ để họ nói và chia sẻ các truyện họ kể bằng cách lắng nghe họ.
Khi mọi người khác (kể cả tôi trong quá khứ) khinh bỉ khi gặp ai đó sống
ngoài phố, thì các nhà truyền giáo có mặt ở đó để trả lại họ chút ít phẩm giá của
chính họ. Chúng tôi chỉ có những cuộc chuyện trò, đôi khi có thể là một ly nước
chanh lạnh hay một mẩu bánh sandwich. Chúng tôi cởi mở với đức tin của mình nếu
được nêu ra, và chúng tôi có lúc có được những người bạn cùng tham dự Thánh Lễ...
Dù nhiều người đàn ông và đàn bà này từng mắc lầm lỗi hoặc phải đương đầu
với việc nghiện ngập một thứ gì đó, thì những điều này không phải là các yếu tố
xác định ra họ. Họ từng là những người mẹ, những người cha, những người anh em,
những người chị em trong các gia đình bình thường như gia đình tôi hay gia đình
bạn, cho tới khi bất hạnh giáng xuống hay một chọn lựa sai lầm nào đó đến thay
đổi cả cuộc đời họ. Nhưng khi nhìn kỹ hơn một chút, tôi có thể nhận ra con người
thực của họ, một người cha đầy hãnh diện, một cô gái nhỏ bé nhớ gia đình, một
người vợ yêu chồng. Chúng tôi có mặt ở đó để làm cho thực tại này trồi lên.
Như vậy thì tại sao lại khó chia tay đến thế? Vì chia tay có nghĩa là để
những người bạn của tôi ở lại đường phố. Tôi chưa thực sự phục vụ họ. Họ là những
người đã thay đổi đời tôi, đã dạy tôi những bài học phải yêu thương ra sao. Và
lẽ dĩ nhiên vì các nhà truyền giáo. (Họ dạy tôi) phải sống, phải phục vụ ra sao
và phải có những cảm nghiệm như thế nào để cùng đánh động tâm hồn nhau mà không
trở nên ngột ngạt?
Mãi một tháng sau, tôi mới thoáng thấy câu trả lời cho câu người ta hỏi
khi tôi mới tới “Tại sao Chúa Kitô đem bạn tới đây?” Đơn giản thôi: để học biết
cách yêu thương.
Cuối thời gian phục vụ, một linh mục cho tôi hay “Truyền giáo là Chúa
Kitô”. Đối với những bạn chưa hiện diện ngoài phố như những nhà truyền giáo và
ít tiếp xúc với người nghèo và người túng thiếu, chúng ta vẫn được kêu gọi làm
nhà truyền giáo. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi đem Chúa Kitô tới mọi ngóc
ngách đời ta. Có thể bạn là một người quản trị cao cấp làm việc tại một văn
phòng công ty, truyền giáo vẫn là Chúa Kitô. Có thể bạn là một bà mẹ lo việc
nhà, truyền giáo vẫn là Chúa Kitô. Có thể bạn là một sinh viên đại học công,
truyền giáo cũng vẫn là Chúa Kitô.
Và trừ khi Người bảo bạn cách khác, truyền giáo chính là nơi chúng ta
đang hiện diện. Đối với tôi, yêu những người sống ngoài phố dễ dàng hơn yêu những
người mình sống với hàng ngày. Nhưng mọi sự đều khởi đầu từ cái hàng ngày này.
Vũ Văn An 7/2/2013(vietcatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét