Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

21-07-2-13 : (phần 2) CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG MIÊN năm C

Chúa Nhật Ngày 21/07/2013
Chúa Nhật Tuần 16 Mùa Thường Niên Năm C
(Phần II)


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XVI Quanh Năm, ngày 21.7.2013 
CHÚA NHẬT XVI QUANH NĂM, NĂM C
Sách Sáng Thế Ký 18. 1-10a; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôssê 1.24-28
và Phúc Âm Thánh Luca 10. 38-42

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Chọn lắng nghe Lời Chúa, chọn cầu nguyện, hay chọn sống mật thiết với Chúa là đã chọn phấn tốt nhất và nắm chắc hạnh phúc thiên đàng.

Muốn làm Tông đồ Chúa, tức thành môn đệ chính tông của Chúa, trước nhất phải là tông đồ cầu nguyện và thứ đến là tông đồ hoạt động hay cũng gọi là hoạt động tông đồ.
II.        Vấn nạn P.Â.    
Gia đình Mátta, Maria trong Phúc Âm Luca hôm nay và gia đình có ba chị em Mátta, Maria và Ladarô ở Betania có phải  là một gia đình không?

Matta có nghĩa: nữ gia chủ hay người đàn bà chăm lo mọi việc cho gia đình.
Maria có nghĩa: người đàn bà khôn ngoan hay nhiều khi chỉ đơn giản là người đàn bà.
Maria trong tiếng Do Thái gọi là Miriam hay Mariam
Ladarô có nghĩa: Chúa đã ra tay giúp đỡ.

            Câu chuyện hai chị em gái mang tên Matta và Maria làng Bêtania được tường thuật trong các Phúc Âm khác nhau:

            Chúa đến thăm hai chị em cô Matta và Maria như trong phúc Âm Luca 10.38-42 hôm nay. Chúa bị cô Matta trách cứ vì để cho cô em Maria ngồi bên cạnh lắng nghe Lời Chúa mà không phụ giúp chuyện dọn bữa cho Chúa và các môn đệ. Nhưng Chúa lại dạy rằng: Maria đã chọn phần tốt nhất. Ở đây, chúng ta không thấy đề cập tới tên Ladarô.

            Hai chị em Matta và Maria trong Phúc Âm Gioan 11. 1- 44 sai người đến báo tin là bạn của Chúa là Ladarô bị bịnh nặng. Chúa đến muộn, Ladarô đã chết và đã chôn trong mồ bốn ngày rồi. Nhưng Chúa đã cho Ladarô sống lại và ra khỏi mồ. Qua đó Chúa muốn mạc khải rằng: Chúa là sự sống lại và là sự sống.

            Maria làng Bêtania xức dầu thơm trên chân Chúa được tường thuật trong Phúc Âm Gioan 12.1-8. Phúc Âm tường thuật rằng: Matta, Maria và Ladarô mời Chúa dùng bữa tối. Đang khi ăn thì Maria đã xức dầu thơm hạng đắt tiền trên chân Chúa, lấy tóc mình mà lau. Cả phòng sực nức mùi thơm, đến nỗi Giuđa phải lên tiếng là “phí quá! Phải chi đem bán cũng được ba trăm đồng bạc mà bố thí cho người nghèo.  Phúc Âm cũng tường thuật là: Có đông người đến xem, không chỉ vì Chúa Giêsu, nhưng còn muốn chứng kiến tận mắt Ladarô được phục sinh và đang ăn uống với Chúa.

            Đa số các nhà chú giải Phúc Âm đều đồng ý: Matta, Maria và Ladarô là ba chị em cùng một gia đình ở làng Bêtania, không xa Giêrusalem lắm. Chúa và các môn đệ hay tới lui với gia đình nầy.

Ladarô chính là người Chúa đã cho sống lại sau khi đã chết chôn bốn ngày trong mồ được tường thuật trong Phúc Âm Gioan 11.1-44. Ông cũng chính là người ngồi dùng bữa với Chúa được tường thuật trong Phúc Âm Gioan 11. 1-8

Matta chính là người đã cằn nhằn Chúa “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?” Matta cũng chính là người khi nghe tin Chúa đến làng thì ra đón và nói rằng: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết!” như tường thuật trong  Phúc Âm Gioan 11, 1-44. Matta cũng chính là người đã can ngăn Chúa đừng cho mở tảng đá lấp mộ ra vì: “Thưa thầy Ladarô đã chết bốn ngày rồi và đã nặng mùi!”

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Maria trong Phúc Âm Luca hôm nay khác với:
Người phụ nữ có tiếng xấu được tường thuật trong Phúc Âm Luca 7.7-39. Phúc Âm không nêu tên người phụ nữ. Bữa tiệc nầy xảy ra ở nhà Ông Simon Biệt Phái. Người phụ nữ xức dầu nơi chân Chúa. Rồi Chúa kể dụ ngôn hai người thiếu nợ, một người thiếu nhiều và một người thiếu ít. Cả hai không có gì trả, nên đều được tha… Chúa kết luận: Chúa là Thiên Chúa, Chúa có quyền tha tội

Việc xức dầu thơm cũng được tường thuật trong Matthêô 26. 6-13 và Matcô 14. 3-9, xảy ra ở làng Bêtania, nhưng nhà Ông Simon tật phung. Người phụ nữ nầy không được nêu tên và chị ta xức dầu thơm trên đầu Chúa (Mat. 26.7) chứ không phải trên chân Chúa như trong Phúc Âm Gioan và Luca.

Maria trong bài Phúc Âm Luca hôm nay, ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài cũng chính là Maria đã không ra đón Chúa khi Chúa đến làng Bêtania, sau khi Ladarô chết bốn ngày. Maria hôm nay cũng chính là Maria đã xức dầu trên chân chúa, lấy tóc lau, nhưng không có khóc hay lấy nước mắt mà rửa chân Chúa như trong các Phúc Âm khác.

Cách chung: Truyền thống Công Giáo nhìn nhận có một Maria thôi:
Maria của Bêtania chính là Maria Madalêna. Maria Madalene cũng là người phụ nữ mang tiếng xấu.  
Truyền thống chính thống giáo cho rằng có hai Maria khác nhau:
Maria của Bêtania chính là Maria trong phúc Âm hôm nay: Ngồi bên chân chúa và lấy dầu thơm xức chân chúa, lấy tóc mình lau. Còn Maria mang tiếng xấu là Maria Madalêna, người xức dầu thơm, khóc lấy nước mắt rửa chân và lấy tóc lau.

Sao Maria ngồi bên chân Chúa và nghe Lời người dạy lại là người chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi? Tốt nhất so với cái gì và sao lại sẽ không bị lấy đi?

Bản văn tiếng Việt đang xử dụng nói
“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi!”.
Bản văn tiếng Anh:
 “Mary has chosen a better part, which will not be taken away from her” – Mary đã chọn phầntốt hơn.
Bản văn tiếng Pháp cùng nghĩa với tiếng Anh
“Marie a choisi la meilleure part: elle ne lui sera pas enlevée” Mary đã chọn phần tốt hơn.

Ý nghĩa không có gì khác nhau giữa tốt hơn, trong bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp hay tốt nhất trong bản văn tiếng Việt. Tuy nhiên, cách so sánh tốt hơn để nói lên so sánh giữa tông đồ cầu nguyện và tông đồ hoạt động. Còn “tốt nhất” là so sánh tối thượng cấp, có ý nói tốt hơn hết mọi chuyện. Không sai, nhưng không cụ thể như đang so sánh giữa hai cái tốt: tông đồ cầu nguyện và tông đồ hoạt động. Việc tất bật chuẩn bị bữa ăn là chuyện tốt và cần, nhưng không tốt và cần cho bằng so với việc lắng nghe Lời Chúa.

Chúa thật tình không có ý bảo Matta: Bỏ ngay việc bận bịu lo chuẩn bị cơm tối đi! Đến ngay đây nghe Lời Chúa. Nếu như thế Chúa và các tông đồ sẽ không có cơm ăn ban tối. Chúa chỉ muốn cho một so sánh: Lắng nghe Lời Chúa hay chuẩn bị ăn tối đều tốt và cần, và việc tồng đồ cầu nguyện cần hơn và ưu tiên hơn tồng đồ hoạt động. Vì lắng nghe Lời Cbúa, tức tiếp xúc với Chúa và sống mật thiết với Chúa thì mới nhận ra việc gì phải làm, làm thế nào và qui hướng việc làm về Chúa.

Thật vậy: Nhiều người quá bận bịu và vất vả lo việc hoạt động tông đồ để rồi sinh ra cáu giận, nóng tính và xúc phạm đến người khác. Hoạt động tông đồ mà lại không khiêm tốn, thiếu hiền lành và mất bác ái. Cũng có nhiều người quá hăng say trong hoạt động tông đồ mà mất hướng hay sau cùng qui hướng về lợi lộc hay ích kỷ cá nhân. Cũng có những người lăn xả hoàn toàn vào việc xã hội sau cùng không còn giờ dâng lễ, nguyện gẫm hay cầu nguyện. Người ta hay dùng từ vào đời hay dấn thân giúp đời để diễn tả hoạt động tông đồ nầy.

Thí dụ: Phong trào linh mục thợ ở Pháp năm 1950 đã đưa gần 2000 linh mục ra khỏi giáo xứ và hoạt động mục vụ. Đa số đã không quay lại với đời sống linh mục độc thân và với công việc mục vụ giáo xứ.Vì quá bận bịu, họ không còn giờ đọc kinh, nguyện gẫm và dâng lễ và mất dần nhiệt tâm làm linh mục.

Tại sao “sẽ không bị lấy đi!”?  Muốn lấy đi cái gì phải có cái gì để lấy. Người sống đời nội tâm, chuyên cầu nguyện và sống mật thiết với Chúa thì họ không có sở hữu một thứ gì cả. Họ không có gì cả: Không của cải, không chức quyền danh tiếng, không tìm lợi cho bản thân. Họ chỉ có Chúa và công việc của Chúa thì không ai tranh giành hay bon chen tước đoạt Chúa với họ. Ở đây chúng ta hiểu được thánh vịnh 16 nói: Chúa là gia nghiệp đời con. Người sống đời nội tâm, chọn Chúa làm gia nghiệp là chọn phần tốt nhất và không ai lấy Chúa là gia nghiệp đi được.

Khái niệm về thần học giải phóng phát xuất từ Nam Mỹ?

Thần học giải phóng, nhấn mạnh đến công bình xã hội, xây dựng trên nền tảng Công Giáo phát xuất ở Nam Mỹ năm 1950 nhằm đương đầu với chủ nghĩa Marxism đang chinh phục giới thợ thuyền và công nhân nghèo ở Âu Châu.

Thần học giải phóng được phát triển mạnh vào năm 1968 và hầu hết các Giám Mục, linh mục ở Nam Mỹ đều bị chinh phục bởi chủ trương chống bất công xã hội do giới cầm quyền thời bấy giờ. Đến năm 1980 từ chóp bu Giáo Hội như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng ủng hộ và vận động cho thần học giải phóng nguyên thuỷ dựa trên căn bản Kinh Thánh Công Giáo để chủ trương nhân quyền và chống bất công, bênh vực người nghèo. Tuy nhiên thần học giải phóng không làm cách mạng giải phóng lật đổ giai cấp địa chủ bóc lột của Marxism. Thần học giải phóng dựa vào Kinh Thánh Công Giáo chủ trưong: Tất cả mọi người, khác chủng tộc, màu da hay ngôn ngữ đều là con Thiên Chúa, có giá trị nhân phẩm và quyền làm người ngang nhau. Không chấp nhận chế độ chủ nô theo hình thức mới là giới cầm quyền lợi dụng quyền hành, cấu kết với giới giàu có bóc lột dân nghèo như ở Nam Mỹ.

Phong trào Thần học giải phóng phát triển đến Bắc Mỹ trong giới người da đen. Nên chúng ta thấy xuất hiện Thần Học Giải Phóng người da đen. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, thần học giải phóng nghiên chiều về chủ trương bạo động của Marxism nhằm đấu tranh giai cấp đầy bạo lực. Nó mất hẵn tinh thần thần học giải phóng lúc khởi thuỷ nhằm dùng Kinh Thánh xác định giá trị con người và chống bóc lột từ giai cấp cầm quyền giàu có. Hiện tại Phong Trào Thần Học Giải Phóng do Công Giáo chủ trương đã bị biến chất sang hoạt động đấu tranh chính trị và bị giới Công Giáo kém quan tâm và đặt thành vấn đề ý nghĩa thần học của nó: Nghiêng chiều về hoạt động chống bất công xã hội gần như toàn bộ và lơ là chuyện tông đồ cầu nguyện.

Đức Tổng Giám Mục Óscar Roméo của El Salvador, Nam Mỹ có thể nói là chứng nhân  và cũng là nạn nhân của Thần Học Giái Phóng nguyên thuỷ nầy. Năm 1979 Ngài lên tiếng bênh vực nhân quyền của người nghèo trước phong trào giải phóng do chính quyền tổng thống Junta chủ trương. Năm 1980 Ngài biên thư cho Tổng Thống Mỹ, Jimmy Carter chống đối việc đem quân đội ủng hộ chính quyền El Salvador lúc bấy giờ. Ngài kêu gọi quân đội phải thể hiện tinh thần Công Giáo bằng cách không tuân phục chính quyền để áp bức người nghèo. Ngài bị bắn chết đang khi dâng Thánh lễ tại La Divina Providencia ngày 24 tháng 3 năm 1980. Những hình chụp ghi lại là máu Ngài hoà chung với máu Thánh chúa trên bàn thờ.

III.          Thực Hành P.Â.    

1.         Người cầu nguyện thường nói ít:

Quang cảnh Chùa Phật Giáo thường hơi tĩnh mịch và âm u một chút, nhưng cũng thường rất yên lặng và mang vẻ siêu thoát. Thường vừa bước qua cổng chùa chúng ta thấy mái Chùa nằm im, phủ rong rêu, dưới những tàng cây to rợp bóng. Vào Chùa, người ta không thấy nhiều ánh sáng, nhưng mờ ảo linh thiêng. Không nghe tiếng người thuyết giảng ồn ào hay tiếng cầu kinh tập thể, nhưng nghe tiếng đại hồng chung vang từng nhịp cách khoảng, chậm, đều, trầm lắng.

Cảnh Chùa tĩnh mịch, im lặng và siêu thoát. Khung cảnh của qui tâm, của xét mình, của suy niệm.

Những đan viện kín hay chiêm niệm của Công Giáo cũng rất chú trọng vào sự thinh lặng và yên tĩnh nầy. Dòng kín có nhiều nữ tu Việt Nam ở Dolbeau Mistassini, Québec, thật yên tĩnh và thoát tục. Đan viện các Cha dòng Xitô ở Rouge-Mont Québec cũng thật là nơi lý tưởng để chiêm niệm và cầu nguyện. Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu và Đức Mẹ ở Gatineau, nơi Soeur Cêcilia Thanh Thi tu, cũng thật yên lặng. Mình Thánh chúa bày ra suốt ngày đêm và quí Nữ Tu thay phiên nhau chầu Thánh Thể và cầu nguyện cho linh mục suốt ngày và đêm. Đan viện Bênêdictô ở Mission, BC., cũng là nơi lý tưởng của âm thầm, của cầu nguyện và tu hành.

Người cầu nguyện thường chuộng nơi yên tĩnh, tiêu pha nhiều giờ trong yên lặng và nhất là ít nói.

Thật không có gì khó chịu cho bằng khi gặp một linh mục hay một tu sĩ nam nữ mất bệnh “thích nói!” ba hoa lắm lời nhiều khi rỗng tuếch. Họ giành nói và nói liên tục, nói nhiều lời và nhiều chuyện. Nói nhiều, thường không chỉ là dấu của đời sống thiếu nội tâm và cầu nguyện nhưng còn sẽ dễ bị vướng những sai sót trong lời ăn tiếng nói. Nói nhiều quá, tức ít giờ lắng nghe. Ít lắng nghe, tức ít học hỏi hay ít suy niệm. Thường người nóí nhiều, kiến thức không đủ rộng và đánh mất cơ hội lắng nghe và học hỏi. Nói nhiều che đậy một nội tâm trống rỗng.

2.         Cầu nguyện, nghề của tôi ( trích Đường Hy Vọng của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận)

118.    Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con.

119.    Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động.

120.    Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện.

121.    Con tin lời cầu nguyện toàn năng không? Hãy suy lời Chúa: "Thày nói thật với các con, hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa, sẽ mở." Có công ty bảo hiểm nào bảo đảm cho chắc chắn hơn lời ấy không?

122.    Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin.

123.    Con hãy cầu nguyện luôn luôn bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: "Hãy cầu nguyện không ngừng."

124.    "Khi hai hay ba người hiệp nhau vì danh Ta, thì Ta ở giữa họ." Lời Chúa Giêsu đã ứng nghiệm, đặc biệt nơi nhiều cộng đoàn cầu nguyện, họ sống xa linh mục từng ngàn cây số mà vẫn hướng dẫn nhau cầu nguyện kiên trì giữa gian nan và cô đơn.

125.    Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu.

126.    Đừng xem thường việc đọc kinh, các Tông đồ đã thưa: "Xin Thày dạy các con cầu nguyện." Chúa Giêsu đáp: "Khi các con cầu nguyện hãy nói: "Lạy Cha chúng con ở trên trời..." chính Chúa Giêsu dạy đọc kinh.

127.    Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự, sẽ nghe lời con." Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.

128.    Lời kinh phụng vụ rất đẹp lòng Chúa, vì đó là lời Thánh Kinh, là lời cầu của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Giêsu. Con hãy dùng sách lễ, sách ca vịnh, sách nguyện mà cầu nguyện.

129.    Cha nói: "thứ nhứt là cầu nguyện", không phải là vô căn cứ; Chúa Giêsu đã bảo: "Maria đã chọn phần nhứt", ngồi dưới chân Chúa, nghe lời Chúa, mến yêu Chúa. Maria đã được Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện.

130.    Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào?

131.    Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi.

132.    Muốn biết công việc Tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào.

133.    Nếu con không phải là người cầu nguyện, không ai tin con làm việc vì Chúa thôi.

134.    Tại sao trong Hội Thánh khủng hoảng? Vì hạ giá sự cầu nguyện.

135.    Ai nói được mãnh lực của lời cầu nguyện? Sốt sắng như các Tông đồ và Đức Mẹ trong nhà tiệc ly, phó thác như Chúa Giêsu ở vườn cây Dầu, quyết định như Maisen giang tay trên núi, được tha thứ như người trộm lành.

136.    "Người ta sống không chỉ nhờ bánh mà còn nhờ lời Chúa": Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện. Nếu không, con không có sự sống Thần Linh.

137.    Một người chưa vào đạo mà cầu nguyện là dấu rất tốt; khởi sự cầu nguyện là khởi sự có đức tin.

138.    Tinh thần cầu nguyện cũng như một lò lửa nung đốt tâm hồn tông đồ của con. Muốn nuôi ngọn lửa ấy, con hãy nhen vào đó những thanh gỗ lớn của hy sinh, của những cuộc tĩnh tâm và cả những que củi nhỏ của lời nguyện tắt và hy sinh thầm kính.

139.    Dầu miệng con không nói ra, Chúa đã hiểu thấu lòng con, con hãy xem gương bà đau băng huyết: động đến gấu áo Chúa, được nhậm lời ngay.

140.    Con tội lỗi không dám ra trước mặt Chúa, nhưng lời Hội Thánh khiến con vững tâm: "Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con." tất cả sự thương khó Chúa Giêsu, công nghiệp Đức Mẹ và các Thánh không đủ bao bọc lời cầu nhỏ bé của con sao?

141.    Con tưởng trẻ em chưa làm gì được, người bệnh không làm gì được cho Hội Thánh nữa? Không đâu, sau lời cầu chính thức của Hội Thánh, lời nguyện của trẻ em và bệnh nhân rất đẹp lòng Chúa. Năng nhắc họ ý thức!

142.    Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa.

143.    Nhiều xứ không có linh mục đã vững đức tin suốt nhiều chục năm, nhờ đọc kinh cầu nguyện trong các gia đình.

144.    Lời cầu nguyện của con phải phổ cập, quả tim con phải chứa đựng cả thế gian, nhưng đừng vì đó mà quên những thực tế trong con, và chung quanh con.

145. Sách thiêng liêng làm nhiều người nên thánh, đó là dầu nuôi lò lửa cầu nguyện.

146. Đặc biệt với tâm hồn toàn hiến, đáng lẽ trong căn cước phải khai: "nghề nghiệp: cầu nguyện". Các nghề khác thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con giữ đại lý và xin nài con: "cầu nguyện cho tôi!"

147. Không phải Maria ngồi yên dưới chân Chúa vì làm biếng. Phúc âm không phong thánh người lười biếng. Maria chọn phân nhứt: nghe Chúa, để lời Chúa thấm tâm can, lay chuyển mình làm việc trong mình, với mình. Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy?

            Tôi đã đọc “Kinh Xin Ơn” nhờ lời cầu bàu của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn thuận hằng ngày. Tôi cũng đã giảng dạy và phổ biến Video “The Road to Hope” do Salt and Light Television của Toronto sản xuất. Tôi đã mua và biếu sách của Đức Hồng y cho một ít Giám Mục và linh mục Canada và xin họ đọc và cầu nguyện.

            Lời Cầu nguyện không chỉ của riêng tôi, nhưng của nhiều người đã được Chúa nhậm lời. Tháng bảy nầy, án phong thánh cấp địa phận của Đức Hồng y được niêm phong để chuyển sang giao đoạn Rôma. Như vậy tiến trình phong Thánh sẽ bước sang giai đoạn 3: Phong Á Thánh, hay Chân Phước sau khi đã thu thập những dữ kiện và bằng chứng của ít là một phép lạ mà Đức HY. đã làm qua lời cầu nguyện của ai đó. 

Chắc chắn Đức Hồng Y. Phanxicô Thuận đã là thánh. Nhưng vẫn mong cho ngày tuyên phong chân phước cho Đầy Tớ Chúa Phanxicô Nguyễn văn Thuận sớm thực hiện. Vì Ngài đã là gương cầu nguyện và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của chúng ta qua Đức Hồng Y.

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 


Chọn phần tốt nhất
Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!
Chúa phán: “Marta, Marta! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Phần tốt nhất ấy chính là ở bên cạnh Chúa, lắng nghe Chúa nói, và cầu nguyện với Chúa.
Nhà bác học đại tài Ampère, với công việc nghiên cứu của ông về điện tử học, về nam châm điện đã đem lại biết bao lợi ích cho nền văn minh của nhân loại. Thế nhưng, ông không cho đó là vĩ đại, mà ông nói: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”.
Mẹ Têrêxa Calcutta, một nữ thánh giữa đời thường, mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Calcutta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đi vào “nhà hấp hối” để an ủi các kẻ liệt lào, các nữ tu của mẹ đã quì cầu nguyện trước Thánh Thể một tiếng đồng hồ để kín múc nơi Chúa: tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ. Hoạt động tông đồ là mang tình yêu Chúa đến với anh em, tại sao chúng ta lại không kín múc nơi Chúa là suối nguồn yêu thương. Cho dù là hoạt động truyền giáo, hoạt động từ thiện bác ái, hay sinh hoạt hằng ngày theo bổn phận, chúng ta cũng đừng quên “chọn phần tốt nhất” này. Hãy nhớ lời Chúa: “Không có Ta, chúng con không làm gì được”.
Các triết gia Phương Tây có khuynh hướng hoạt động cho rằng Chúa không làm gì, con người làm hết. Các triết gia Phương Đông trái lại ưa thích thuyết tĩnh học, để Chúa làm hết và con người không làm gì. Nhưng khuôn vàng thước ngọc của chúng ta là: “Cầu nguyện và hoạt động”, Marta phải đi đôi với Maria. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. P.Graef có một câu nói rất thâm thúy: “Hoạt động mà không có cầu nguyện là thiếu nguyên tắc căn bản, cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”. Tuy nhiên, có một cám dỗ khiến chúng ta khó thoát khỏi. Đó là nhiều khi chúng ta tưởng mình phục vụ Chúa, nhưng hóa ra chúng ta phục vụ chính mình. Nhìn Marta lăng xăng dọn bữa ăn, chúng ta thấy dáng dấp của chính mình. Chúng ta hoạt động để được tiếng khen, để gây chú ý: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Chúng ta mời gọi kẻ khác cộng tác, cũng là để phục vụ cho chương trình của chính mình. Đôi khi chúng ta cầu nguyện cũng là để kéo Chúa về phe mình, xin Chúa ủng hộ để cá nhân mình sớm được vẻ vang. Chúng ta muốn mình luôn được thành công. Chúng ta không chấp nhận thất bại. Chúng ta mãn nguyện với những hoạt động tông đồ của mình. Chúng ta hài lòng với công cuộc từ thiện của chúng ta. Chúng ta đi tìm chính mình!
Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)


Lectio: Chúa Nhật XVI Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 21 Tháng 7, 2013
Maria và Máctha, bạn của Chúa Giêsu   
Phần nào tốt hơn đã được chọn bởi Maria?  
Lc 10:34–42 


1.  Lời nguyện mở đầu 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen. 

2.  Bài đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này thuật lại chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu tại nhà của hai bà Máctha và Maria.  Chúa Giêsu nói với Máctha:  “Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất!” Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều lần những lời này đã được giải thích như là một sự xác nhận phần sự thật về Chúa Giêsu đó là đời sống chiêm niệm, sống ẩn mình trong các tu viện thì tốt hơn và cao cả hơn là cuộc sống tích cực của những người làm việc trong lĩnh vực truyền giáo.  Cách lý giải này không được chính xác cho lắm, bởi vì nó thiếu nền tảng của nguyên bản.  Để hiểu được ý nghĩa những lời này của Chúa Giêsu (và bất cứ lời nào), điều quan trọng là phải lưu tâm đến bối cảnh, có nghĩa là xem xét bối cảnh của Phúc Âm Luca cũng như bối cảnh rộng lớn hơn về các tác phẩm của Luca trong đó bao gồm sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ.  Trước khi minh xác một bối cảnh rộng lớn hơn của sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta hãy cố gắng ghé mắt một chút vào chính đoạn văn bản và cố gắng để xem bằng cách nào nó được đặt trong bối cảnh trực tiếp của sách Tin Mừng Luca.  Trong khi đọc, chúng ta hãy cố gắng cảm thấy rằng mình đang hiện diện trong nhà của bà Maria, cảm thấy thật gần gũi với khung cảnh và tiếp cận với những lời vàng ngọc của Chúa Giêsu, không chỉ có Máctha nghe thấy những lời này, nhưng cộng đoàn mà quyển Tin Mừng của Luca hướng tới cũng nghe những lời này và làm thế nào cả chúng ta cũng nghe nữa; chúng ta, những người ngày hôm nay cũng được nghe những lời truyền cảm này của Chúa Giêsu.

c)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 10:38:  Máctha rước Chúa Giêsu vào nhà mình
Lc 10:39-40a:  Maria lắng nghe lời Chúa Giêsu, Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách 
Lc 10:40b:  Máctha than phiền và xin Chúa Giêsu can thiệp
Lc 10:41-42:  Câu trả lời của Chúa Giêsu

d)  Tin Mừng

38 Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình. 39 Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. 40 Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách, bà đứng lại thưa với Người rằng:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.” 41 Nhưng Chúa đáp:  “Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. 42 Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta

4. Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân

a)  Điều gì trong đoạn Tin Mừng này làm bạn hài lòng nhất hoặc làm bạn cảm động nhất?  Tại sao?
b)  Chúa Giêsu muốn nói điều gì với lời khẳng định:  “Chỉ có một sự cần mà thôi”?
c)  “Phần tốt hơn” mà bà Maria đã chọn là phần nào và điều gì sẽ không bị ai lấy mất?
d)  Một sự kiện lịch sử có thể có một ý nghĩa có tính cách tượng trưng sâu sắc hơn.  Bạn đã thành công trong việc tìm ra một ý nghĩa có tính cách tượng trưng trong cách thức mà Luca mô tả chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu đến nhà của Máctha và Maria chưa?
e)  Bạn hãy đọc kỹ Sách Tông Đồ Công Vụ đoạn 6:1-6 và hãy cố gắng tìm ra sự liên hệ giữa vấn đề của các tông đồ và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và bà Máctha.

5.  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng

Để giúp những ai muốn đào sâu hơn vào chủ đề

a)  Bối cảnh của Tin Mừng Luca:  

Theo sách Luca chương 9, câu 51, bắt đầu giai đoạn thứ hai việc hoạt động tông đồ của Chúa Giêsu, cuộc hành trình dài từ Galilê đi lên thành Giêrusalem.  Vào lúc bắt đầu cuộc hành trình, Chúa Giêsu bước ra khỏi thế giới của người Do-Thái và đi vào thế giới của người Samaria (Lc 9:52).  Mặc dù Chúa không được người Samaria đón nhận nồng nhiệt (Lc 9:53), Người vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh thổ của họ và thậm chí còn quở trách các môn đệ có tư tưởng khác biệt (Lc 9:54-55). Để trả lời cho những ai muốn xin đi theo Người, Chúa Giêsu đã làm rõ ràng ý nghĩa của tất cả những gì đã xảy ra, và chỉ ra cho họ biết những đòi hỏi của sứ vụ (Lc 9:56-62).

Sau đó, Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai môn đệ nữa đi làm sứ vụ trước những nơi mà Người sẽ đến. Việc sai đi của nhóm Mười Hai (Lc 9:1-6) là để vào trong thế giới của người Do Thái.  Việc sai đi của nhóm Bảy Mươi Hai là cho thế giới bên ngoài người Do Thái.  Sau khi hoàn thành sứ vụ, Chúa Giêsu và các Môn Đệ họp lại và duyệt xét các công việc của sứ vụ, và các Môn Đệ thuật lại các việc họ đã làm, nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng việc chắc chắn nhất là tên của các ông đã được ghi trên Thiên Đàng (Lc 10:17-37).

Tiếp theo là đoạn Tin Mừng mô tả chuyến thăm viếng của Chúa Giêsu tại nhà các bà Máctha và Maria (Lc 10:38-42). Luca đã không đặc biệt chỉ rõ nơi làng của Máctha và Maria là ở đâu, nhưng trong bối cảnh địa lý của Tin Mừng Luca, người đọc có thể mường tượng được ngôi làng ấy nằm trong vùng Samaria.  Từ quyển Tin Mừng viết bởi Gioan, chúng ta biết được Máctha và Maria sống ở Bếtania, một ngôi làng nhỏ gần thành Giêrusalem (Ga 11:1).  Thêm vào đó, Gioan còn cho chúng ta biết rằng hai bà có người em trai tên là Lagiarô.
  
b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

Lc 10:38:  Máctha rước Chúa Giêsu vào nhà mình
“Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình”.  Chúa Giêsu đang trên đường đi.  Luca không luôn cho biết rõ nơi nào Chúa Giêsu đi ngang qua, nhưng nhiều lần cho biết Chúa đang trên đường đi (Lc 9:51,53-57; 10:1-38; 11:1; 13:22-23; 14:25; 17:11; 18:31-35; 19:1,11,28-29,41,45; và 20:1).  Bởi vì Chúa Giêsu đã dứt khoát quyết định đi lên Giêrusalem (Lc 9:51).  Quyết định này đã định hướng cho Người trong tất cả các giai đoạn của cuộc hành trình.  Lối vào làng và vào nhà của Máctha và Maria là một giai đoạn nữa của cuộc hành trình dài này lên đến Giêrusalem và tạo thành một phần việc thực hiện sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngay từ ban đầu, mục đích của cuộc hành trình này là nhất quyết: thực hiện sứ mạng Người Tôi Trung của Chúa, được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 53:2-10; 61:1-2) và được đảm trách bởi Đức Giêsu thành Nagiarét (Lc 4:16-21).

Lc 10:39-40a:  Maria lắng nghe lời Chúa Giêsu, Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách 
“Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người; Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách”.  Một bữa ăn tối bình thường ở nhà, trong gia đình.  Trong khi một số người nói chuyện, những người khác phải lo chuẩn bị thức ăn.  Hai công việc đều quan trọng và cần thiết, cả hai bổ sung cho nhau, đặc biệt là khi phải đón tiếp khách đến thăm gia đình.  Trong lời khẳng định rằng “Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách” (diaconia: việc phục vụ), Luca gợi lại việc nhóm bảy-mươi-hai môn đệ cũng bận rộn với nhiều hoạt động của công việc truyền giáo (Lc 10:17-18).


Lc 10:40b:  Máctha than phiền và xin Chúa Giêsu can thiệp
“Máctha đứng lại thưa với Người rằng:  ‘Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.’”  Một cảnh tượng quen thuộc khác, nhưng không bình thường.  Chỉ có Máctha bận rộn với việc chuẩn bị thức ăn, trong khi ấy thì Maria đang ngồi và tiếp chuyện với Chúa Giêsu. Máctha phàn nàn.  Đáng lẽ Chúa Giêsu nên can thiệp và nói điều gì đó với người em để xem Maria có sẽ giúp chị cô một tay trong công việc phục vụ không.  Máctha tự coi mình là một người tôi tớ và nghĩ rằng công việc của một người tôi tớ là chuẩn bị bữa ăn và sự phục vụ của mình trong nhà bếp là quan trọng hơn so với người em gái chỉ biết ngồi tiếp chuyện với Chúa Giêsu.  Đối với Máctha, những gì Maria làm không phải là sự phục dịch, bởi vì bà nói:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?”  Nhưng Máctha không phải là người tôi tớ duy nhất.  Chúa Giêsu cũng đảm nhận vai trò của mình như một người tôi tớ, đó là Người Tôi Trung được công bố bởi Tiên-tri Isaia.  Tiên tri Isaia đã nói rằng việc phục vụ chính yếu của người Tôi Trung là đến trước Thiên Chúa trong lời cầu nguyện lắng nghe để có thể tìm thấy được một lời an ủi đem đến cho những người đang chán nản.  Người Tôi Trung đã nói:  “Đức Chúa là Chúa Cả đã ban cho tôi miệng lưỡi của một người môn đệ, để cho tôi biết lựa lời nâng đỡ đến những ai đang rã rời kiệt sức.  Sáng sáng, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50:4).  Giờ đây, Maria đã có một thái độ cầu nguyện trước Chúa Giêsu.  Và một câu hỏi được đặt ra là:  Ai đã hoàn thành việc phục dịch của một người tôi tớ cách tốt đẹp hơn:  Máctha hay là Maria?

Lc 10:41-42:   Câu trả lời của Chúa Giêsu
“Nhưng Chúa đáp:  ‘Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất.’”  Một câu trả lời tuyệt vời và rất nhân bản.  Đối với Chúa Giêsu, một cuộc trò chuyện tâm đắc với những người bạn thì quan trọng và thậm chí còn quan trọng hơn cả việc ăn uống (Ga 4:32).  Chúa Giêsu không đồng ý với những điều lo lắng của Máctha.  Người không muốn việc chuẩn bị cho bữa ăn làm gián đoạn cuộc đàm thoại, và chừng như Chúa muốn nói:  “Máctha, con không cần phải sửa soạn quá nhiều thức như vậy!  Một ít thôi là đủ rồi!  Và sau đó hãy đến để tham dự vào cuộc đối thoại tốt đẹp này!”  Đây là ý nghĩa chính, Lời của Chúa Giêsu thật đơn giản và đượm tình người.  Chúa Giêsu ưa thích một cuộc trò chuyện tốt đẹp.  Và một cuộc trò chuyện tốt đẹp với Chúa Giêsu nảy sinh ra cuộc trò chuyện.  Nhưng trong bối cảnh của Tin Mừng Luca, những lời dứt khoát này của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa biểu hiện sâu sắc hơn:

i)  Giống như Máctha, các môn đệ cũng thế, trong khi thi hành sứ vụ, đã lo lắng về nhiều thứ, nhưng Chúa Giêsu đã minh xác một cách rõ ràng rằng điều quan trọng hơn cả là tên của họ được ghi trên Thiên Đàng, đó là, được biết đến và được yêu mến bởi Thiên Chúa (Lc 10:20).  Chúa Giêsu lặp lại điều này với Máctha:  “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  Chỉ có một sự cần mà thôi”.

ii)  Một thời gian ngắn trước khi nhà thông luật đã giảm rút các điều răn xuống còn lại một:  “Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em mình như chính bản thân mình vậy” (Lc 10:27).  Chỉ cần tuân giữ giới răn quan trọng này, người ta sẽ sẵn sàng hành động với tình yêu, như người Samaria tốt lành và không giống như thày tư tế hay thày phó tế Lêvi đã không làm tròn nhiệm vụ của họ (Lc 10:25-42).  Nhiều công việc phục dịch của Máctha nên được thực hiện ngay lúc bắt đầu bởi việc phục vụ duy nhất thật sự cần thiết này là lòng quan tâm yêu thương đến người khác.  Đây là phần tốt hơn mà Maria đã chọn và sẽ không bị ai lấy mất.

iii)  Máctha thì lo lắng về việc phục vụ (bác ái).  Bà muốn được Maria đỡ cho một tay trong việc phục vụ tại bàn ăn.  Nhưng Thiên Chúa muốn sự phục dịch nào?  Đây là câu hỏi căn bản.  Maria thì có vẻ thích hợp hơn với thái độ của Người Tôi Trung của Thiên Chúa, bởi vì, giống như Người Tôi Trung, bà hiện đang ở trong tư thế cầu nguyện trong sự hiện diện của Chúa Giêsu.  Maria không thể rời bỏ tư thế cầu nguyện trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Vì nếu Maria đi giúp chị thì bà sẽ không thể tìm thấy được lời an ủi để đem đến cho những người đang chán nản.  Đây là việc phục vụ thực sự mà Thiên Chúa đang đòi hỏi mọi người chúng ta.

c)  Phần phụ chú:

Một bối cảnh rộng lớn hơn về Sách Tông Đồ Công Vụ

Sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, các cộng đoàn được thành hình.  Họ sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề mới, bởi vì họ chưa có các giải pháp đã vạch sẵn.  Để định hướng cho mình trong việc đi tìm giải pháp cho các vấn đề, các cộng đoàn đã cố gắng nhớ những lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu để có thể mang lại cho họ một chút ánh sáng.  Do đó, cảnh cuộc việc thăm viếng của Chúa Giêsu tại nhà của các bà Máctha và Maria đã được nhắc lại và kể ra để giúp làm cho rõ vấn đề được mô tả trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 6:1-6.

Sự phát triển nhanh chóng về số lượng người Kitô hữu đã tạo ra sự chia rẽ trong cộng đoàn.  Các tín hữu gốc Hy-Lạp đã bắt đầu than phiền những tín hữu gốc Do-Thái bản xứ và nói rằng các bà góa trong nhóm họ đã bị gạt sang bên lề, bị quên lãng, trong cuộc sống hằng ngày. Có sự phân biệt đối xử trong môi trường sinh hoạt cộng đoàn và người ta bị thiếu sót những dịch vụ khác nhau.  Tính đến thời điểm ấy, nhu cầu đã không được đề đạt đến những người khác trong việc phối hợp của cộng đoàn và trong việc hoàn thành các dịch vụ. Giống như ông Môisen, sau khi rời khỏi đất Ai-Cập (Xh 18:14; Ds 11:14-15), các vị Tông Đồ cũng đã phải tự mình cáng đáng mọi việc.  Nhưng với ông Môisen, bị ràng buộc bởi các sự kiện, đã chia sẻ quyền lực và triệu tập bảy mươi người lãnh đạo khác để lo cho các dịch vụ cần thiết trong số Dân Riêng Thiên Chúa (Xh 18:17-23; Ds 11:16-17).  Chúa Giêsu đã làm điều tương tự:  Người triệu tập bảy mươi hai môn đệ khác (Lc 10:1).  Bây giờ, khi đối diện với những vấn đề mới, các vị Tông Đồ cũng làm theo như vậy.  Các ông tập họp cộng đoàn lại và đặt vấn đề trước mọi người.  Không còn nghi ngờ gì, lời của Chúa Giêsu nói với Máctha đã giúp các ông đạt được một giải pháp.  Hai đoạn văn bản dưới đây có thể được đọc song song với nhau.  Bạn hãy cố gắng tìm hiểu hai đoạn này đã làm sáng tỏ cho nhau như thế nào:

1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."  (Cv 6:1-4)

38  Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình.  39 Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.  40  Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách, bà đứng lại thưa với Người rằng:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.”  41 Nhưng Chúa đáp:  “Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  42  Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”
Các vị Tông Đồ nhận thấy họ đang đứng giữa hai nhu cầu thiết thực, cả hai đều rất quan trọng, được xác định như sự phục vụ (bác ái):  sự phục vụ Lời Chúa và sự phục vụ bàn ăn.  Phải làm sao đây?  Trong hai việc, việc nào quan trọng hơn?  Câu trả lời của Chúa Giêsu nói với bà Máctha đã giúp các ông nhận thức được vấn đề.  Chúa Giêsu nói rằng bà Maria không thể bỏ bê việc trò chuyện với Chúa để đi phụ giúp việc trong nhà bếp.  Vì thế, Phêrô đã kết luận:  Đó là việc không chính đáng nếu chúng ta bỏ bê việc rao giảng Lời Chúa để mà đi phân phát thức ăn!  Và Phêrô xác định nhiệm vụ của các Tông Đồ là:  “họ phải tận tụy với việc cầu nguyện và công việc rao giảng Lời Chúa.”

Điều này không có nghĩa là việc phục vụ này thì xứng đáng hơn việc kia.  Điều mà không thể chấp nhận được là sứ vụ rao giảng Lời Chúa bị cản trở bởi những nhu cầu không lường trước được của việc phục dịch bữa ăn. Cộng đoàn có nhiệm vụ phải đối diện với vấn đề, phải quan tâm tới việc có đủ người cho tất cả các dịch vụ; ngược lại, vì để có thể giữ việc phục vụ Lời Chúa trong tính cách vẹn toàn của nó.  Việc phục vụ Lời Chúa đúng đắn cho các vị Tông Đồ (và với bà Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu) có hai khía cạnh:  một mặt là lắng nghe Lời Chúa, nhận lãnh, thể hiện, công bố, phổ biến Lời Chúa qua các công tác truyền giáo tích cực, và mặt khác, nhân danh cộng đoàn, đáp ứng với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, đại diện cộng đoàn trong thái độ cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa.  Đây không phải là một câu hỏi của sự đối chọi nhau giữa hai việc phục vụ:  Lời Chúa và việc bác ái.  Cả hai đều quan trọng và cần thiết cho đời sống của cộng đoàn.  Thật cần thiết để có những người sẵn sàng cho cả hai việc.  Bên cạnh đó, trong cơ cấu tổ chức của Nước Trời, việc phục vụ Lời Chúa (Việc Truyền Bá Phúc Âm) là cội rễ, là nguồn gốc.  Đó là phần tốt hơn mà bà Maria đã chọn.  Việc phục vụ nơi bàn ăn là kết quả, là hoa trái, đó là sự mặc khải của nó.  Đối với Luca và các Kitô hữu tiên khởi, “phần tốt hơn” mà Chúa Giêsu nói với bà Máctha là việc phục vụ truyền bá Phúc Âm, chính là cội rễ của tất cả các phần còn lại.

Nhà thần học Mester Eckhart, tu sĩ dòng Đa-Minh, chuyên về siêu hình của thời Trung Cổ diễn giải đoạn này một cách dí dỏm.  Ông nói rằng Máctha đã biết cách làm việc và sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Maria thì chưa biết và còn đang học hỏi.  Đây là lý do tại sao bà ấy không thể bị làm gián đoạn.  Những điều mầu nhiệm tuyệt vời là bằng chứng cho thấy rằng đoạn Tin Mừng này không thể được giải thích như là lời xác nhận về một phần của Chúa Giêsu rằng đời sống chiêm niệm thì quý giá hơn và cao cả hơn đời sống hoạt động.  Thật là không đúng nếu chúng ta tách rời hai điều này, bởi vì một việc thì được hoàn thành, được thành lập và được thực hiện rõ ràng nhờ vào việc kia.  Thánh Gioan Thánh Giá, tu sĩ dòng Cát Minh, trong hơn mười năm, ngài đi một quãng đường 27 ngàn cây số qua Tây-ban-nha.  Thánh Têrêsa thành Avila đã luôn di chuyển, rất bận rộn, vì bà là nhà sáng lập của rất nhiều tu viện.  Chính Chúa Giêsu cũng đã sống trong sự hiệp nhất sâu xa của đời sống chiêm niệm và hoạt động.

6.  Đọc lại một bài Thánh Vịnh

Thánh Vịnh 145 (144):  Thiên Chúa đáng được tán dương

Lạy Thiên Chúa con tôn thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm bất bình và chan chứa tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.

Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!

7. Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét