Trang

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

16-07-2013 : THỨ BA TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Ba Ngày 16/07/2013
Tuần 15 Mùa Thường Niên Năm Lẻ
Xh 2,1-15a



BÀI ĐỌC I:  Xh 2, 1-15a
"Bà đặt tên cho trẻ là Môsê, vì vớt nó dưới nước lên; và khi đã khôn lớn Môsê đi thăm anh em".

Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông thuộc nhà Lêvi đi cưới vợ cũng trong chi tộc mình. Nàng mang thai và sinh hạ một con trai. Thấy con trẻ khôi ngô tuấn tú, nàng giấu kín trong ba tháng. Khi thấy không thể nào giấu kín được nữa, nàng liền lấy chiếc thúng trét nhựa thông, rồi bỏ đứa trẻ vào trong, đem thả trong đám sậy ở bờ sông. Chị đứa bé đứng xa xa để quan sát sự việc xảy ra thế nào.
Bấy giờ có công chúa con Pharaon xuống tắm dưới sông, còn các nữ tỳ đi bách bộ theo bờ sông. Khi thấy cái thúng mây ở giữa bụi sậy, nàng sai một nữ tỳ xuống vớt lên, vừa mở ra, thấy một trẻ nam nằm khóc trong đó, nàng thương hại và nói: "Đây là đứa trẻ Do-thái". Bấy giờ chị đứa trẻ thưa với công chúa rằng: "Bà có muốn tôi đi tìm cho bà một phụ nữ Do-thái có thể nuôi đứa trẻ này không?" Công chúa đáp: "Đi tìm đi". Chị đứa trẻ liền đi kêu mẹ nó. Công chúa Pharaon nói với mẹ đứa trẻ rằng: "Chị hãy lãnh nuôi đứa trẻ này giùm tôi, tôi sẽ trả công cho chị". Chị ta liền nhận nuôi đứa trẻ, và khi nó lớn lên, thì đem đến cho công chúa Pharaon. Công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Môsê và nói: "Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên".
Trong những ngày ấy, Môsê đã khôn lớn, liền đi thăm anh em mình, người thấy họ cơ cực, và thấy một người Ai-cập đang hành hung một người Do-thái là anh em của mình. Sau khi đã nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, Người liền hạ sát tên Ai-cập và vùi thây dưới cát. Hôm sau, người đi ra, thấy hai người Do-thái đang đánh lộn với nhau, người bảo kẻ có lỗi rằng: "Tại sao anh đánh người bạn của anh?" Anh ta trả lời: "Ai đã đặt anh làm lãnh tụ và quan án xét xử chúng tôi? Anh cũng muốn giết tôi như anh đã giết người Ai-cập hôm qua sao?" Môsê lo sợ và nói: "Việc này người ta đã hay biết rồi sao?"
Pharaon nghe biết câu chuyện, liền tìm giết Môsê. Nhưng Môsê đã lánh mặt nhà vua, trốn sang xứ Mađian. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 68, 3. 14. 30-31. 33-34
Đáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (x. c. 33).

1) Tôi bị dìm trong hố bùn lầy, không có chỗ để đặt chân nương tựa. Tôi bị rơi trong đầm sâu nước lớn, và ba đào đang lôi cuốn thân tôi.  -  Đáp.
2) Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa. Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa.  -  Đáp.
3) Phần con, con đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.  -  Đáp.
4) Các bạn khiêm cung hãy nhìn coi và hoan hỉ; các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.  -  Đáp.

ALLELUIA:  Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 11, 20-24
"Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: "Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Lắng Nghe Lời Chúa

Văn minh càng tiến bộ, càng lôi kéo con người đến sa đọa và hủy hoại nền tảng gia đình và xã hội. Ngay từ thời xa xưa, các Tiên Tri trong Cựu Ước đã thấy được hiểm họa ấy. Việc chúc dữ các đô thị là một trong những đề tài nổi bật trong lời rao giảng của các ngài. Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu tượng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người.
Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ một số thành phố như Corazin, Betsaida. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người.
Làng mạc, thành phố, đô thị, tự nó là những xã hội cần thiết để con người xây dựng các tương quan và nhờ đó phát triển nhân cách. Tuy nhiên, thay vì giúp con người phát triển, các đô thi thường lại đày đọa con người vào nỗi cô đơn và chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa. Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ sự vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người biết rằng chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân.
Lắng nghe Lời Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.
Nguyện cho Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống, để khi mưu sinh và xây dựng xã hội, chúng ta biết đặt Thiên Chúa vào trọng tâm cuộc sống, đeo đuổi những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 15 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cơ hội càng nhiều, phán xét càng nặng.

Có những người chỉ cần cho họ một cơ hội trong cuộc đời là họ biết nắm lấy, ra sức làm việc, và thành công trong cuộc đời. Cũng có những người được cho hết cơ hội này đến cơ hội khác; nhưng vẫn không biết nắm lấy, tối ngày chỉ lo ăn chơi, nghịch phá, và làm việc gì cũng thất bại. Trong lãnh vực đức tin cũng thế: Có những người ngoại giáo, chỉ cần nghe biết về Chúa Giêsu thôi; nhưng cách biểu lộ niềm tin của họ đã làm cho Chúa Giêsu phải ngạc nhiên: viên đại đội trưởng người Rôma, người phong cùi... Nhưng cũng có những người đồng hương với Chúa Giêsu biết rõ Chúa, nhưng họ vẫn không tin Ngài. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì sự cứng lòng của họ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ tương phản như thế. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa quan phòng cho Moses có cơ hội được cứu sống nhờ lòng nhân từ của công chúa Ai-cập. Khi lớn lên, ông Moses không thể dằn lòng trước những cử xử dã man giữa con người với con người, ông đã giết một người Ai-cập và khuyên nhủ hai người Do-thái đừng cãi vã nhau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã lớn tiếng trách mắng các thành Chorazin, Betsaida, và Capernaum, vì tuy họ đã nhiều lần chứng kiến các phép lạ Chúa làm và nghe những lời Chúa giảng, họ vẫn không xám hối và tin vào Ngài. Trong khi các thành của dân ngoại như Tyre và Sidon, mặc dù ít được Chúa tới, nhưng cách biểu lộ niềm tin của họ làm chính Chúa phải ngạc nhiên.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cuộc đời của ông Moses

1.1/ Moses được cứu thoát bởi công chúa Ai-cập: "Có một người thuộc dòng họ Levi đi lấy một người con gái cũng thuộc họ Levi. Người đàn bà ấy thụ thai và sinh một con trai. Thấy đứa bé kháu khỉnh, nàng giấu nó ba tháng trời. Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nile. Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó."

Nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, công chúa của Pharao đã động lòng thương đứa trẻ dù biết nó là người Do-thái; và với sự khôn ngoan của người chị khi hỏi công chúa Pharao: "Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Do-thái, để nuôi đứa bé cho bà không?" Khi công chúa Pharao đồng ý, người chị liền đi gọi mẹ mình. Công chúa của Pharao bảo bà ấy: "Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Chính tôi sẽ trả công cho chị." Thế là mẹ được ở gần nuôi con và còn được cấp dưỡng. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pharao. Nàng coi nó như con và đặt tên là Moses; nàng nói: "Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước."

1.2/ Tính can đảm của Moses: Là con của công chúa, ông Moses có thể chọn lối sống an bình dễ dãi như một hoàng tử của Ai-cập; nhưng ông chọn để sống anh hùng và theo Lề Luật của Thiên Chúa. Trình thuật đưa ra 2 ví dụ chứng minh tính khí khái của Moses:

(1) Ông không thể chịu đựng cảnh bất công: "Khi ông ra ngoài thăm anh em đồng bào và thấy những việc khổ sai họ phải làm. Ông thấy một người Ai-cập đang đánh một người Do-thái, anh em đồng bào của ông. Nhìn trước nhìn sau không thấy có ai, ông liền giết người Ai-cập, rồi vùi dưới cát."

(2) Ông không thể chịu đựng cảnh bất hòa: "Hôm sau, ông lại đi ra, gặp hai người Do-thái đang xô xát nhau, ông nói với người có lỗi: "Tại sao anh lại đánh người đồng chủng?" Người đó trả lời: "Ai đã đặt ông lên làm người lãnh đạo và xét xử chúng tôi? Hay là ông tính giết tôi như đã giết tên Ai-cập? "Ông Moses phát sợ và tự bảo: "Vậy ra người ta đã biết chuyện rồi!" Nghe biết chuyện này, Pharao tìm cách giết ông Moses. Ông Moses liền đi trốn Pharao và ở lại miền Midian.

2/ Phúc Âm: Ai được cho có cơ hội nhiều sẽ bị phán xét nhiều.

2.1/ So sánh Chorazin và Bethsaida với Tyre và Sidon: Bấy giờ Chúa Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: "Khốn cho ngươi, hỡi Chorazin! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaida! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyre và Sidon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thànhTyre và thành Sidon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."

(1) Chorazin và Bethsaida: Chorazin được các nhà khảo cổ đồng nhất với thành Kerazeh hiện đại, cách xaCapernaum chừng 2.5 dặm về phía Bắc. Bethsaida là một làng của vùng Galilee, nằm về phía Tây của hồ Tiberias, trong "giải đất của Gennesaret." Bethsaida là quê hương của Peter, Andrew và Philip; và là chỗ Chúa Giêsu thường xuyên lui tới. Hai phép lạ Chúa Giêsu làm được kể chi tiết là phép lạ Chúa chữa người mù tại Bethsaida (Mk 8:22) và phép lạ nuôi 5,000 người ăn tại Bethsaida (Lk 9:10-17). Ngoài ra, Luca cũng tường thuật việc Chúa Giêsu dạy dỗ, và chữa lành nhiều người tại đây.

(2) Tyre và Sidon: là hai hải cảng thương mại lớn của người Phoenecia (Lebanon ngày nay), nằm dọc theo bờ biển Mediterranean. Tyre nằm khoảng 23 dặm về phía Bắc của Arco, và cách Sidon khoảng 20 dặm về phía Nam. Chúa Giêsu rất ít khi rao giảng ngoài lãnh thổ của Palestine, và các thánh ký chỉ tường thuật một lần Chúa đến vùng Tyre và Sidon, khi một người đàn bà Canaan nài xin Ngài cứu con gái bà khỏi bị quỉ ám. Chúa Giêsu thử thách đức tin của bà cách trầm trọng: "Không nên lấy lương thực của con cái mà vứt cho chó" (Mt 15:21); trước khi chữa lành con gái của bà.

2.2/ So sánh Capernaum với Sodom: "Còn ngươi nữa, hỡi Capernaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tạiSodom, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đấtSodom còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."

(1) Capernaum: có thể nói là "thành của Chúa Giêsu" vì Ngài thường xuyên lui tới dạy dỗ và làm phép lạ tại đây. Gioan tường thuật Chúa làm phép lạ đầu tiên cho nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Cana (Jn 2:12) và chữa lành con trai của một quan chức (Jn 4:46). Matthew tường thuật phép lạ Chúa chữa đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng Rôma (Mt 8:5). Marcô tường thuật Chúa chữa người bại liệt được thòng xuống từ mái nhà (Mk 2:1). Luca tường thuật Chúa chữa người bị quỉ ám (Lk 9:33). Marcô tường thuật Chúa giảng trong hội đường Capernaum (Mk 1:21) và Gioan ghi lại rõ ràng: diễn từ về BT Thánh Thể xảy ra sau phép lạ hóa bánh nuôi 5,000 người và phản ứng của dân chúng cũng xảy ra tại đây (Jn 6).

(2) Sodom: Chúng ta biết đến thành phố này trong Sách Sáng Thế khi Thiên Chúa khiến lửa từ trời thiêu rụi thành phố này vì những tội tày trời họ xúc phạm đến Ngài, nhất là tội sodomy như tên thành được gọi (Gen 18:16-33, 19:1-29). Thành phố này nằm đối diện với Zoar, về phía SW của Biển Chết.

Khi đưa ra sự so sánh giữa các thành phố, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng: Ai được cho nhiều cơ hội để ăn năn, sẽ phải chịu sự phán xét nặng nề hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải biết tận dụng thời gian, của cải, và tài năng Thiên Chúa ban để sinh lợi ích cho chính chúng ta, cho gia đình, và cho tha nhân.

- Nếu Thiên Chúa đã ban nhiều, Ngài có quyền đòi lại cho tương xứng của Ngài đã ban. Chúng ta phải coi chừng vì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa phán xét nặng nề hơn.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 15 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 11,20-24

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Với hai chương 11-12 (Từ hôm nay đến Thưa Ba tuần 16), chúng ta gặp một khúc quanh trong Tin mừng Mt. Thật vậy trong 10 chương trước, Mt lần lượt trình bày về thân thế của Chúa Giêsu (1-2¬), về chủ trương Messia của ngài (3-4), về Hiến chương Nước trời của Ngài (5-7), về quyền năng Messia của Ngài (8-9) và việc Ngài thông quyền cho 12 tông đồ và sai các ông đi truyền giáo (10). Tất cả diễn tiến đều diễn ra êm thắm tốt đẹp, hầu như không có trở ngại và vấn đề gì nghiêm trọng đặt ra. Nhưng từ chương 11 thì bắt đầu có trở ngại : trước hết là thắc mắc do Gioan Tẩy giả đặt ra (11,2-6), rồi đến những người không đón nhận Ngài (11,16-24), rồi biệt phái và luật sĩ lên tiếng chỉ trích (12,1-45).
Nhưng chính nhờ những thắc mắc, chỉ trích và tranh cãi mà Mt có dịp trình bày những suy tư thần học của ông về Chúa Giêsu : Ngài là sự Khôn ngoan (11,19), Chúa Con (11,25-27), Con Người (12,8) Tôi Tớ (12,18-21), Con vua Đavít (12,23), và loan báo rõ ràng trước về biến cố phục sinh (12,40).
Và cũng qua những thắc mắc và tranh cãi ấy, một vấn đề then chốt được đặt ra : trước Chúa Giêsu người ta phải dứt khoát chọn lựa có tin hay không. Sự chọn lựa dứt khoát này sẽ xác định số phận của mỗi người.

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum.
Các thành này đều chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Chúa Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao ? Vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh Kinh cao hơn (x. câu 23 : “Ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ?”). Khi thấy sự kiêu căng đã khép kín lòng họ, Chúa Giêsu nghĩ tới những kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “vì đã dấu không cho những bậc thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (c 25).

B.... nẩy mầm.
1. “Khi ấy Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm mà không chịu sám hối” : phép lạ là để khơi dậy lòng sám hối, vì phép lạ cho người ta thấy việc kỳ diệu của Chúa, rồi vì nhìn lại thấy mình bất xứng với Chúa nên phải sám hối để xứng đáng hơn với Chúa.
2. Thời vua Louis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo một sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul có mặt trong bữa tiệc đó, đã nói với bà : “Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn, bà có thể làm một phép lạ”. Hoàng hậu nhìn thánh nhân đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp : “Vâng, bà có thể đổi các viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói”. Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra : Hoàng hậu trao cho thánh Vincent de Paul sợi dây chuyền ấy để Ngài bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.
Ngày nay vẫn xảy ra những phép la tương tự, hiểu theo nghĩa những việc kỳ diệu được thực hiện do ơn Chúa tác động. Khi thấy những “phép lạ” bác ái, hy sinh do người khác làm, tôi có sám hối về lòng ích kỷ của mình không ?
3. Những thành ven Biển Hồ được nghe Lời Chúa và chứng kiến các phép lạ của Ngài nhiều hơn những nơi khác. Lẽ ra họ phải tin Chúa hơn những nơi khác. Nhưng vì họ không tin nên hình phạt của họ nặng hơn những nơi khác. Ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn.
Tôi cũng nhận lãnh nhiều nén bạc hơn nhiều người khác. Đó là đặc ân của tôi mà cũng là trách nhiệm của tôi.
4. Có nhiều kiến thức về Chúa chưa hẳn là ích lợi hơn có ít kiến thức nhưng có tâm hồn biết ngưỡng mộ những kỳ công của Chúa.
5. “Khốn cho ngươi hỡi Khôradin ! Khốn cho ngươi hỡi Bétsaiđa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn thì họ đã mặc áo vải thô rắc tro lên đầu và tỏ lòng sám hối” (Mt 11,21)
Bước ra khỏi hiệu sách được một lúc, tôi nhận ra số tiền dư do chị bán hàng đưa lộn. Lương tâm nhắc tôi phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ… Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu phải lỗi của mình”. Và tôi tiếp tục bước đi.
Tới nửa đoạn đường, chân tôi như cứng lại và như có một sức mạnh nào đó níu kéo, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa cứ vang lên “Khốn cho ngươi…” Tôi tự nghĩ : chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết định trở lại hiệu sách và đưa số tiền đó cho chị. Nhìn chị tươi cười sau tiếng cám ơn, tôi thấy nhẹ cả người.
Lạy Chúa, đó không chỉ là niềm vui của chị mà còn là niềm hạnh phúc của con. Xin cho con luôn can đảm thực thi những gì Lời Chúa đòi hỏi, vì Chúa là Đấng công minh. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

16/07/13 THỨ BA TUẦN 15 TN
Đức Mẹ núi Cát Minh
Mt 11,20-24

SÁM HỐI, VIỆC CẦN LÀM NGAY
“Nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi đon, thì họ đã mặc áo vãi thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi.” (Mt 11,21)

Suy niệm: Người ta đang lo âu đề cập nhiều đến hiện tượng các giá trị tinh thần trong xã hội hiện nay bị đảo lộn và hậu quả của chúng là xói mòn đạo đức nơi con người, khiến xã hội này bị đánh giá là xã hội “phi chuẩn,” không chuẩn mực đạo đức. Nguyên nhân của tình trạng phi chuẩn là do mất ý thức về tội, hoặc coi tội như chuyện nhỏ. Kết quả là không còn biết sám hối. Nhiều Kitô hữu cũng không còn biết sám hối. Trong dịp hành hương Fatima ngày 11/5/2010, Đức Bênêđitô XVI đã nói: “Sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận sự thanh luyện.” Phải chăng vì không học bài học sám hối để trở về với Chúa mà chúng ta đang góp phần tạo cho xã hội này không còn chuẩn mực đạo đức? Dân thành ngoại giáo Tia và Xiđôn nghe Lời Chúa đã mau mắn sám hối, còn chúng ta sao cứ chây lì trong tội và làm ô Danh Chúa?
Mời Bạn: Lỗi lầm lớn nhất của con người là không ý thức được những sai trái của mình và sám hối là hành động thiêng liêng nhất của con người. Đâu là cách hành xử của bạn?
Chia sẻ: Khó khăn nào lớn nhất khiến bạn không sám hối?
Sống Lời Chúa: Hằng ngày đặc biệt mỗi tối, tôi quyết tâm đọc Lời Chúa và xét mình để sám hối trở về với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho trái tim con nên mới, dám ghét bỏ tội lỗi và thành tâm sám hối sống lại tình thân với Chúa và Hội Thánh. Amen.

Không sám hối
Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ. Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.


Suy nim:
Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).
Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.
Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương
nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.
Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.
Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,
dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa!”
Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,
trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.
Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê (Mc 10, 13).
Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.
Bếtxaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.
Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa. 
Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tia và Xiđôn.
Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,
hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).
Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.
Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).
Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.
Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban?
“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”
Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Xơđôm.
Xơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).
Ngài cho rằng Xơđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,
hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).
Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.
Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.
Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.
Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.
“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,
và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).
Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.
Điều quan trọng là sám hối.
Những ơn lộc Chúa ban cho đời Kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.
Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để khinh Xơđôm được.
Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,
từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.
Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày?
Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.
Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.
Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.
Cầu nguyn:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm



 Đoạn Tin mừng hôm nay là những lời lên án xót xa của Đức Giêsu dành cho các thành Khoradin, Betsaiđa và Caphacnaum.

Trước hết là những lời khiển trách dành cho hai thành Khoradin và Betsaiđa. Thật ra, chúng ta không thấy Phúc âm ghi lại những phép lạ mà  Đức Giêsu đã thực hiện tại hai thành này. Nhưng chúng ta có thể nhận ra thái độ buồn phiền và  trách móc của Đức Giêsu qua điệp ngữ ‘Khốn cho’: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin; khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa…”.

Và kế đến là những lời than dành cho thành Caphacnaum: “Còn ngươi nữa, hỡi Ca phacnaum…”.

Khoradin, Betsaiđa và Caphacnaum là  những nơi mà Đức Giêsu đã từng đặt chân đến và đã thi ân bằng bao việc tốt lành. Nhưng dân chúng của những thành này vẫn cứng lòng, vẫn không đón nhận Ngài và không ăn năn sám hối.

Hôm nay, tôi cần nhìn rõ để thấy những ân lộc mà Chúa đã ban cho đời tôi.

Hôm nay, tôi cần nhận ra bao phép lạ  mà Chúa đã làm cho tôi mỗi ngày. Phải chăng, đã có nhiều phép lạ xảy ra cho tôi mỗi ngày, nhưng vì tôi coi thường nên không nhận ra? Phải chăng, cũng có khi vì không nhận ra nên tôi coi thường?

Mong sao, tôi luôn nhớ rằng: Chúa sẽ ‘đòi’  tôi theo những gì Ngài đã ban cho tôi.

Mong sao, tôi luôn nhạy bén để nhận ra những ân lộc mà Chúa đã dành cho tôi mỗi ngày.

Và mong sao, tôi luôn rộng rãi chia sẻ những ân lộc mà tôi được lãnh nhận cho anh chị em tôi.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy

16 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Trên Đường Đời Ta

Sự quan phòng của Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của con người và trong lịch sử thế giới. Thiên Chúa có mặt đó: trong suy nghĩ của con người, trong tự do của con người, trong trái tim và trong lương tâm con người.
Nơi con người và cùng với con người, sự hiện diện đầy năng lực cứu độ của Thiên Chúa đạt được một chiều kích lịch sử. Sự quan phòng của Thiên Chúa đồng hành với cuộc sống con người và đi vào trong nhân tính. Tuy nhiên, sự quan phòng ấy cũng luôn luôn bất khả dò và bất biến.
Vâng, sự quan phòng của Thiên Chúa là một sự hiện diện vĩnh cửu trong lịch sử của con người – cả của các cá nhân lẫn của các cộng đồng. Lịch sử của các quốc gia và của toàn nhân loại diễn tiến dưới ánh nhìn đầy quan tâm của Thiên Chúa và trong hành động toàn năng của Ngài. Mọi tạo vật đều được bảo vệ và được cai quản bởi sự quan phòng đầy lòng từ phụ của Thiên Chúa. Ngài cũng hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người trong tư cách là những hữu thể có lý trí và tự do – được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình


Đức Mẹ núi Carmêlô
Xh  2, 1-15a; Mt 11, 20-24


LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-da! Vì các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro trên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11, 21).

Hai thành Kho-ra-din và Bét-xai-đa là nơi có nhiều cơ sở có trình độ học Đạo cao cấp, nhưng người ta không đón nhận Tin Mừng; mặc dầu họ đã chứng kiến, mọi điều Chúa đã làm và đã rao giảng, bởi họ không quan tâm. Nên Chúa Giêsu cảnh cáo hai thành này. Điều này cho chúng ta biết được có một tội mà sẽ bị kết án rất nặng đó là tội không biết quan tâm. Không quan tâm là do lòng ích kỷ, chỉ biết có mình và chỉ có mình là đúng. Như trong dụ ngôn: “Ông nhà giàu và anh La-da-rô. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết quan tâm đến những ân ban mà Chúa đã ban cho chúng ta và luôn biết quan tâm đến người nghèo, để phục vụ trong yêu thương vì Chúa. Giáo Hội đang mời gọi chúng ta trong mọi công việc phải: “Dành ưu tiên cho người nghèo”


Mạnh Phương


Gương Thánh nhân

Ngày 16-07
ĐỨC TRINH NỮ MARIA NÚI CAMÊLÔ


Camêlô được coi như ngọn núi thánh. Hơn 700 năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, Elia đã lên núi này để bảo vệ niềm tin của mình trong cơn bách hại, cũng như đã đào tạo những tâm hồn trung thành với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu ra đời, nhiệt tình của Elia như vẫn còn cháy trong lòng các người khắc kỷ (Esseniô). Người ta nói rằng ngày lễ hiện xuống, những người này nhờ lời rao giảng và phép rửa của thánh Gioan Tẩy giả đã hợp lực với các tông đồ để truyền bá Tin Mừng.
Camêlô khi ấy vẫn còn là nơi tụ họp những tâm hồn muốn hiến thân cho Thiên Chúa. Camêlô lại chỉ cách Nazareth chừng một ngày đường, nên những người họp thành cộng đoàn ở núi này hướng về Mẹ Maria như mẫu gương sống và như nguồn ơn phù trợ. Thời thập tự quân, Camêlô là nơi đón tiếp nhiều vị ẩn tu. Tuy nhiên vào thế kỷ thứ XII, Đức Thượng phụ Giáo chủ Albertô thành Giêrusalem đã qui tụ tất cả thành một nhà dòng, ban hành cho họ một qui luật được Đức giáo hoàng chuẩn y năm 1226. Cũng năm ấy, Đức Giáo hoàng cho phép mừng trọng thể trong dòng lễ Đức Bà Camêlô.
Khi lên làm bề trên nhà dòng, thánh Simon Stock đã tha thiết xin Đức Mẹ một dấu chỉ tỏ lòng săn sóc ưu ái của Mẹ đối với nhà dòng. Sau nhiều lời cầu nguyện lâu dài, ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra trao cho thánh nhân bộ áo dòng mà nói:
- "Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời dời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời".
Trước khi cử chỉ ưu ái này, không biết bao nhiêu người mọi thời đã xin lãnh "áo Đức bà" để được sống dưới sự chở che của Đức Mẹ. Người ta hướng về Đức Mẹ núi Camêlô như hướng về nguồn ơn phúc để tạ ơn. Vì thế lễ mừng Đức Trinh Nữ Maria núi Camêlô ngày càng lan rộng tới các nước có vua công giáo ngày 21 tháng 11 năm 1674 và năm sau tới các nước vương quốc Áo, Bồ Đào Nha mừng từ năm 1679, các nước thuộc quyền Đức giáo hoàng mừng năm 1725.
Đức giáo hoàng Bênêdictô XIII phổ biến lễ này trong toàn Giáo hội do sắc lệnh ban hành ngày 24 tháng 9 năm 1726. Ngày 15 tháng 5 năm 1892, Đức giáo hoàng Lêo XIII đã ban đặc ân "Portiuncula" (ơn đại xá cho ai viếng nhà thờ) trong lễ này.


(daminhvn.net)


16 Tháng Bảy


Không Gì Ðẹp Bằng...!

Trả lời cho một thanh niên mong mỏi được biết rõ về mình, một cụ già nọ đã kể một câu chuyện như sau:
Ngày nọ, từ một đỉnh núi cao, người ta thấy ở một chân trời xa tắp có hai bóng đen ôm lấy nhau. Một em bé thơ ngây buộc miệng nói: "Hai bóng đen đó là ba với má đang ôm nhau". Một chàng thanh niên đang mơ mộng phát biểu: "Ðó là hai tình nhân đang quấn quýt nhau". Người có tâm hồn cô đơn thì nhận xét: "Hẳn phải là hai người bạn gặp lại nhau sau hằng vạn thế kỷ xa nhau". Kẻ có lòng tham lam chỉ nghĩ đến tiền bạc thì lại quả quyết: "Ðây hẳn phải là hai thương gia vừa ký với nhau một giao kèo làm ăn". Một người đàn bà có quả tim trìu mến thì thào thốt lên: "Ðây là một người cha trở về từ chiến trận đang ôm lấy đứa con gái của mình". Một tên sát nhân đứng gần đó góp ý: "Ðây phải là hai người đàn ông đấm đá vật lộn nhau trong một cuộc giao chiến một mất một còn". Một người đàn ông không màng đến những gì đang xảy ra xung quanh mình lên giọng gắt gỏng: "Ai mà biết được họ ôm nhau hay cắn xé nhau".. Nhưng cuối cùng, một vị thánh có quả tim chứa đầy Thiên Chúa mới mỉm cười giảng hòa: "Không có gì đẹp bằng hai người ôm nhau".
Kể xong câu chuyện trên đây, cụ già kết luận: "Mỗi một tư tưởng của bạn để lộ bạn là ai. Bạn nên tự vấn lương tâm xem thử bạn thường tưởng nghĩ đến những gì. Hơn bất cứ một bậc thầy nào, những tư tưởng của bạn có thể nói cho bạn biết bạn là ai".

"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", chúng ta thường trích dẫn câu thơ này của cụ Nguyễn Du để nói lên hình ảnh của tư tưởng, của tâm cảnh đối với ngoại giới. Khi chúng ta vui, cảnh cũng vui lây, người cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh cũng buồn, mà người cũng buồn lây. Khi chúng ta vui, chúng ta muốn cho mọi người cùng vui với chúng ta. Khi chúng ta buồn, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu khi người khác vui.

Hãy chất đầy tâm hồn bằng những tư tưởng vui tươi, lạc quan: đó là một trong những bí quyết để được hạnh phúc trên đời này. Riêng đối với người Kitô hữu chúng ta, bí quyết sống hạnh phúc của chúng ta chính là: trở thành Ðền thờ sống động của Chúa. Có Chúa ngự trị trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn đời, nhìn người bằng chính cái nhìn của Ngài.


(Lẽ Sống)

Thứ Ba 16-7
Ðức Bà Núi Camêlô

Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây. Họ xây một nguyện đường dâng kính Ðức Mẹ. Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là "Các Tiểu Ðệ của Ðức Bà Núi Camêlô." Sau đó, họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Ðức Maria. Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Ðức Bà Núi Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Ðức Maria. Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Ðức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria.
Thánh Têrêsa Avila gọi Dòng Camêlô là "Dòng của Ðức Trinh Nữ." Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng Ðức Maria đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn nhỏ, đã dẫn dắt ngài đến dòng Camêlô và đã giúp ngài thoát khỏi tù ngục. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu tin rằng Ðức Maria đã chữa ngài khỏi bệnh. Vào ngày Rước Lễ Lần Ðầu, ngài dâng mình cho Ðức Maria. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Ðức Maria.
Có một truyền thuyết nói rằng Ðức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy. Khăn choàng là một hình thức biến đổi của áo Ðức Bà. Nó tượng trưng cho sự bảo vệ đặc biệt của Ðức Maria và kêu gọi người mang khăn ấy hãy tận hiến cho ngài trong một phương cách đặc biệt. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa được cứu chuộc một cách lạ lùng. Ðúng hơn, khăn choàng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời mời gọi của Phúc Âm là hãy siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội -- là lời mời gọi mà Ðức Maria đã thể hiện một cách tốt đẹp nhất.
Lời Bàn
Ngay từ thuở ban đầu, các tu sĩ dòng Cát Minh thường được gọi là các "Tiểu Ðệ của Ðức Bà Camêlô." Danh xưng này có nghĩa, các ngài không chỉ coi Ðức Maria như một "người mẹ", mà còn là một "người chị". Chữ chị nói lên ý nghĩa Ðức Maria rất gần với chúng ta. Ngài là người con của Thiên Chúa và do đó có thể giúp chúng ta trở nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa. Ngài còn giúp chúng ta quý trọng tha nhân như anh chị em mình. Ngài giúp chúng ta nhận thức rằng mọi người đều thuộc về một gia đình của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mọi người đều tin tưởng như vậy thì nhân loại mới hy vọng tìm thấy con đường dẫn đến bình an.
Lời Trích
"Nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa mà Giáo Hội đã chấp nhận trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo khuynh hướng và sự hiểu biết của người tín hữu, để đảm bảo rằng, trong khi người mẹ được tôn vinh thì người Con cũng được nhận biết cách xứng hợp, được kính mến, được vinh danh và các giới răn của Người được tuân giữ, vì qua Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col. 1:15-16) và trong Người mà Thiên Chúa Cha hài lòng vì tất cả được viên mãn nơi Người (x. Col. 1:19) (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét