Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

08-07-2013 : THỨ HAI TUẦN XIV MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Hai sau Chúa Nhật 14 Quanh Năm
St 28,10-22

Bài Ðọc I: (Năm I) St 28, 10-22a
"Ông thấy một cái thang dựng đứng, thấy các thiên thần lên xuống trên thang, và nghe Thiên Chúa phán".
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, ông Giacóp ra khỏi xứ Bersabê, đi sang thành Haran. Khi ông tới một nơi kia, mặt trời đã lặn, ông muốn ngủ đêm lại đó, nên ông lấy một hòn đá nơi ấy mà gối đầu và ngủ tại đó. Ông chiêm bao thấy một cái thang, chân thang chấm đất và đầu thang chạm đến trời: các thiên thần lên xuống trên thang ấy.
Chúa ngự trên đầu thang và phán rằng: "Ta là Thiên Chúa Abraham tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa Isaac: Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất ngươi đang ngủ đây. Dòng dõi ngươi sẽ đông đúc như bụi trên mặt đất. Ngươi sẽ tràn sang đông, tây, nam, bắc, và nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên thế giới này sẽ được chúc phúc. Bất cứ ngươi đi đâu, Ta sẽ gìn giữ ngươi và Ta sẽ dẫn ngươi vào đất này: Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta đã thi hành điều Ta hứa với ngươi".
Khi Giacóp tỉnh giấc mộng, ông nói: "Quả thực Chúa ngự nơi này mà tôi không biết". Ông run sợ mà nói rằng: "Nơi này đáng kinh hãi là dường nào! Ðây chẳng khác gì đền của Thiên Chúa và cửa thiên đàng". Sáng ngày Giacóp chỗi dậy, ông lấy hòn đá đã dùng gối đầu mà dựng lên làm bia ghi dấu, rồi đổ dầu lên trên. Ông gọi tên thành ấy là Bêthel, khi trước thành này gọi là Luza.
Giacóp đã khấn rằng: "Nếu Thiên Chúa ở với con và gìn giữ con trên đường con đang đi, ban cho con cơm ăn áo mặc, và nếu con trở về nhà cha con bằng yên, thì Chúa sẽ là Thiên Chúa của con và hòn đá con dựng lên làm bia ghi dấu đây sẽ gọi là Nhà của Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 90, 1-2. 3-4. 14-15ab
Ðáp: Lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài (c. 2b).
Xướng: 1) Bạn sống trong sự che chở của Ðấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Ðấng Toàn Năng, hãy thưa cùng Chúa: "Chúa là chiến lũy, nơi con nương náu; lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài".- Ðáp.
2) Vì chính Ngài sẽ cứu bạn thoát lưới dò của kẻ bẫy chim, và thoát khỏi quan ôn tác hại. Ngài sẽ che chở bạn trong bóng cánh của Ngài, và dưới cánh Ngài, bạn sẽ nương thân: lòng trung tín của Ngài là mã giáp và khiên thuẫn. - Ðáp.
3) Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời; Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân. - Ðáp.

Alleluia: Tv 144, 14cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 18-26
"Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại". Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: "Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con". Và người đàn bà được khỏi bệnh.
Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: "Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Thiên Chúa Yêu Thương Con Người
Với tựa đề: "Nơi Chúa, họ tin tưởng", tuần báo Kinh Tế Viễn Ðông số tháng 6/1996 dành hai trang để nói về sự hồi sinh tôn giáo tại Việt Nam. Tựa đề của bài báo lấy lại dòng chữ mà người Mỹ vốn cho in trên đồng tiền của họ: "Nơi Chúa, chúng tôi đặt tin tưởng". Nếu với người Mỹ, Chúa là một ngôi vị cá biệt, thì Chúa theo tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông lại là thể hiện của một nhu cầu tôn giáo cơ bản nhất của con người, không gì có thể dập tắt nổi.
Con người khao khát Thiên Chúa, hay đúng hơn Thiên Chúa đã tạo dựng con người, với nỗi khao khát vô biên ấy. Con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, hay đúng hơn chính Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu của Ngài vượt trên mọi thước đo, mọi dự đoán, mọi tưởng tượng của con người, đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đã đến để mạc khải cho con người.
Tin Mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chi khấn thầm và sờ đến gấu áo của Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hàng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Vị kỳ mục đã tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa. Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Ðấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin: "Ðức tin của con đã cứu chữa con", nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì yêu thương con người.
Qua một cơn hải trình cam go, những người có niềm tin đã nhìn vào sự sống sót của mình như một phép lạ của tình thương. Những giờ phút hãi hùng trong cuộc sống, những thử thách phải trải qua, những đau khổ phải gánh chịu, đó là những phách mạnh trong bản trường ca về tình yêu Thiên Chúa. Có trải qua những giờ phút ấy, chúng ta mới nhận ra được cánh tay đỡ nâng của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta một đức tin sáng suốt để chúng ta không ngừng nhận ra tình yêu của Chúa và dâng lời cảm tạ Chúa.

(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 14 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người.

Nhiều người trong chúng ta tự hỏi: Làm sao Thiên Chúa có thể nghe một lúc biết bao những lời cầu xin dâng lên Ngài, và làm sao Ngài có thể nhớ hết những lời cầu xin này mà ban ơn? Kinh Thánh chứng minh: nhiều lần Thiên Chúa dùng các thiên thần như những sứ giả để chuyển đến Ngài những lời cầu xin của con người, và chuyển đến con người những mệnh lệnh của Thiên Chúa. Các thiên thần hộ thủ là những người có bổn phận trực tiếp với con người.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm đến con người, nhất là trong những lúc lo âu, tuyệt vọng, và chết chóc. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật giấc mơ chiếc thang bắc từ đất lên tới trời, với sứ thần của Thiên Chúa lên xuống trên chiếc thang này để làm những sứ giả giữa Thiên Chúa và con người. Trong giấc mơ, Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa với Abraham và Isaac; đồng thời Ngài cũng hứa sẽ bảo vệ Jacob ở mọi nơi và trong tất cả việc ông làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành hai bệnh nhân "không sạch:" Một người bị băng huyết nhưng với một niềm tin vững mạnh tới và sờ vào tua áo của Ngài. Một em bé đã chết, nhưng nhờ lòng tin của người cha, đã được Chúa Giêsu cho sống lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa xác tín lời chúc lành của Isaac cho Jacob.

1.1/ Giấc mơ chiếc thang của Jacob: Trình thuật kể: "Jacob ra khỏi Beer Sheba và đi về Haran. Cậu đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn. Cậu lấy một hòn đá ở nơi đó để gối đầu và nằm ngủ ở đó. Cậu chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống."
Jacob đang trên đường trốn chạy Esau, anh ông; vì ông đã theo kế hoạch của mẹ, tước đoạt quyền trưởng nam của Esau. Jacob sợ anh sẽ kiếm kế trả thù, nên phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng. Chiêm bao là một cách thường xuyên Thiên Chúa dùng để mặc khải ý định của Ngài, như chúng ta sẽ thấy được dùng thường xuyên trong trình thuật của Giuse, con của Jacob. Chiếc thang được dùng để nối kết giữa Trời và đất; và các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Họ đem lệnh truyền từ Thiên Chúa xuống con người và dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nhắc lại biến cố chiếc thang nối liền giữa trời và đất này cho Nathanael; trong đó, Chúa Giêsu ví mình như chiếc thang mà các thiên thần sẽ lên xuống (Jn 1:51). Lời hứa của Thiên Chúa với Jacob gồm hai phần.
- Phần thứ nhất, Thiên Chúa lặp lại lời Ngài đã hứa với Abraham và Isaac về việc ban Đất Hứa và con đàn cháu đống: "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của Isaac. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và giòng dõi ngươi. Giòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và giòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc."
- Phần thứ hai là lời hứa của Thiên Chúa sẽ bảo vệ Jacob: "Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi." Qua lời hứa này, Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho Jacob biết Ngài không bị giới hạn vào không gian hay thời gian; Jacob không phải lo sợ bất cứ một kẻ thù nào cả. Lời hứa này được thực hiện khi Jacob sang Ai-cập đoàn tụ với Giuse, con mình, và khi chết được mang về an nghỉ trong phần đất của tổ tiên mà Thiên Chúa đã hứa.
Khi Jacob tỉnh giấc, ông nói: "Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!" Đất Canaan mà Jacob đang nằm là vùng đất của Dân Ngoại. Nêu lên điều này, tác giả Sách Sáng Thế muốn chứng minh chỉ có Thiên Chúa của Do-thái là Thiên Chúa thật. Ngài hiện diện ở mọi nơi, ngay cả những vùng được coi là chỗ linh thiêng của Dân Ngoại.

1.2/ Hành động của Jacob sau khi tỉnh giấc mơ.
(1) Đặt tên cho nơi đó là Bethel: Jacob phát sợ và nói: "Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác." Sáng hôm sau, Jacob dậy sớm, lấy hòn đá cậu đã gối đầu, dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ. Cậu đặt tên cho nơi đó là Bethel; trước đó, tên thành ấy là Luz. Sự kiện đặt viên đá và đổ dầu lên trên là hành động thánh hiến nơi thánh như thánh đường chúng ta hay làm hiện nay. Nhà của Thiên Chúa sẽ được dựng nên tại Bethel, và trở thành Đền Thờ của vương quốc Israel sau này. Bethel chỉ cách Jerusalem khoảng 10 km về phía Nam, và là một vị thế chiến lược rất quan trọng.
(2) Lời khấn hứa của Jacob cũng gồm hai phần:
+ Phần của Thiên Chúa: Ông khấn: "Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an... "
+ Phần của Jacob: "Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi, hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Thiên Chúa, và lạy Chúa, mọi sự Ngài ban cho con, con sẽ dâng cho Ngài một phần mười." Thói quen dâng cúng một phần mười lợi tức cho Thiên Chúa, được mô tả rõ ràng trong Sách Lêvi, có nguồn gốc từ đây.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu hy sinh việc giữ Lề Luật để chữa lành cho hai bệnh nhân không sạch.

2.1/ Chúa chữa lành người đàn bà bị loạn huyết: Luật không cho phép đụng vào người phụ nữ đang bị chảy máu như người đàn bà này, vì không sạch (Lv 15:25). Có lẽ vì lý do để tránh cho Chúa Giêsu trở thành không sạch "cách công khai," mà một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Chúa Giêsu, và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: "Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!"
Trong trình thuật dài hơn của Marcô, Chúa Giêsu quay lại hỏi "Ai đã sờ vào áo Ta?" Trình thuật của Matthew chỉ tường thuật phần sau của câu truyện: Chúa Giêsu quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

2.2/ Chúa cho con gái viên thủ lãnh đã chết được sống lại: Luật cũng không cho phép đụng vào xác chết, ai đụng vào xác chết sẽ trở thành không sạch. Biết như thế, nhưng một vị thủ lãnh vẫn đến gần bái lạy Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống." Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.
Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: "Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa hằng quan tâm đến cuộc sống của con người. Chúng ta hãy luôn giữ thái độ tin tưởng và cầu xin với Ngài trong mọi trạng huống của cuộc đời: khi vui cũng như lúc sầu khổ.
- Chúng ta không bao giờ được phép tuyệt vọng cho dù hoàn cảnh có bi đát đến đâu chăng nữa. Nếu Thiên Chúa có thể cho kẻ đã chết sống lại, không gì là không thể đối với Ngài.
- Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa: Ngài luôn bảo vệ con cái Ngài dù họ lưu lạc bất cứ nơi nào.

Lm.An-tôn ĐINH MINH TIÊN, OP.




HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 14 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Mt 9,18-26

A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này gồm 2 phép lạ :
1. Cứu sống đứa con gái của một vị kỳ mục :
- Nó đã chết : chính vị kỳ mục xác nhận như thế ; khi Chúa Giêsu nói nó không chết mà chỉ ngủ thôi thì đám đông nhạo cười Ngài.
- Nhưng đức tin của vị kỳ mục rất mạnh : Ông nói “Xin Ngài đến đặt tay trên nó thì nó sẽ sống lại”.
- Chúa Giêsu cứu sống nó rất dễ dàng : “Ngài cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy”.
2. Chữa bệnh cho một phụ nữ bị loạn huyết :
- Bệnh đã rất nặng vì chữa trị 12 năm không khỏi.
- Đức tin của bà này cũng rất mạnh : “Nếu tôi chạm đến áo Ngài thôi thì tôi sẽ được khỏi.
- Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận : “Đức tin của con đã cứu con”.
Như thế, cả hai trường hợp đều tuyệt vọng. Nhưng cả hai người đều có đức tin rất mạnh, cho nên họ đã đạt được điều họ xin.

B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu là sự sống và là sự sống lại. Chỉ cần chạm tới Ngài (người phụ nữ loạn huyết) hay được Ngài chạm tới (con gái vị kỳ mục) thì hết bệnh hoặc được sống lại.
Mỗi khi tôi rước lễ, tôi cũng chạm tới Mình Thánh Chúa và được MTC hòa tan trong cơ thể tôi. Khi đó, tôi cũng hãy xin Chúa ban cho tôi sự sống và sự sống dồi dào. Nhưng với điều kiện là tôi phải tin.
2. “Con bé không có chết đâu. Nó ngủ đó thôi. Họ liền nhạo cười Ngài” : Chúa Giêsu coi chết chỉ là một giấc ngủ, để thức dậy là thấy cuộc sống đời đời. Nhưng dân do thái không tin và còn nhạo cười Ngài. Tôi thì tuy không nhạo cười Chúa nhưng cũng chưa thực sự tin chết là một giấc ngủ cho nên tôi rất sợ chết.
3. Hai nhân vật trong chuyện này vẫn cứ vững tin trong hoàn cảnh lẽ ra người khác đã tuyệt vọng. Đức tin của họ còn mạnh đến nỗi nghĩ rằng chỉ cần chạm tới Chúa Giêsu hay được Ngài chạm tới là hoàn cảnh sẽ hoàn toàn đổi mới tốt đẹp.
4. Thánh Ambrôsiô kể rằng dân chúng xứ Thrace khóc và thốt lên những tiếng kêu thảm thiết khi có một người sinh ra, và trái lại họ vui mừng hát những bài ca hân hoan khi có người qua đời. Họ tin – và họ có lý – rằng tất cả những ai đi vào trong thế giới này, một thế giới tràn đầy khổ đau, đều đáng thương hai ; và khi họ thoát khỏi nơi lưu đày buồn khổ này, người ta phải vui lên mừng cho họ. Melior est dies mortis die nativitatis, ngày chết là ngày đáng ưa thích hơn ngày sinh ra (Góp nhặt)
5. “Bà nghĩ bụng : tôi chỉ cần sờ được vào gấu áo của Người thôi là tôi sẽ được cứu” (Mt 9,21)
Alexandre đại đế của Hy lạp thời xưa hoàn toàn tin cậy vị y sĩ riêng của ông. Ông tin ngay cả khi ông có lý do nghi ngờ lòng trung thành của vị ý sĩ này. Một lần kia khi Alexandre đại đế lâm bệnh, có kẻ viết thư nặc danh tố cáo vị y sĩ đã bỏ thuốc độc vào thuốc cho ông uống. Nhưng khi vị y sĩ đem thuốc đã bào chế lại, Đại đế nói “Ta hoàn toàn tin tưởng nơi y sĩ”. Nói xong, ông cạn chén.
Như Alexandre đại đế đã hoàn toàn tin tưởng vào y sĩ ngay cả khi ông có lý do nghi ngờ, người đàn bà trong Tin Mừng cũng hoàn toàn tin vào Chúa Giêsu. Niềm tin của bà thật mãnh liệt.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho con, vì con thường yếu tin và nghi ngờ vào tình thương và quyền năng của Chúa (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

08/07/13 THỨ HAI TUẦN 14 TN
Mt 9,18-26

CHỈ CẦN CHẠM ĐẾN CHÚA
Người đàn bà nghĩ thầm rằng : nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi.(Mt 9, 21)

Suy niệm: Người phụ nữ “bị bệnh băng huyết đã 12 năm” trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay chắc hẳn đã tốn không biết bao nhiêu tiền của mà tiền mất tật vẫn mang. Dù vậy bà vẫn không đánh mất niềm hy vọng. Bà được nối kết với Chúa chỉ qua một tiếp điểm nhỏ bé: bà chỉ chạm được đến tua áo của Ngài mà thôi. Thế nhưng với lòng khiêm tốn, bà đã thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Đấng là hiện thân của lòng thương xót. Và cũng chỉ cần có thế Chúa đã chữa lành tật bệnh cho bà. Được tiếp xúc với Chúa, dù biểu hiện bên ngoài có nhỏ bé mấy đi nữa, cũng đủ để chúng ta diễn tả một lòng tin thật mạnh mẽ và cũng đủ để Chúa ban tặng hồng ân cứu độ thật lớn lao.
Mời Bạn: Đối với bạn đâu là tiếp điểm để bạn chạm được tới Chúa và nhờ đó bạn được Ngài biến đổi, được chữa lành? Năm Đức Tin là dịp để nhắc nhở mỗi người chúng ta làm phong phú thêm đời sống đức tin bằng cách biến mỗi một hành vi nhỏ bé, thầm lặng nhất của mình trở thành một cơ hội để chạm đến Chúa, và cũng là cơ hội để Chúa mở rộng kho tàng ơn thánh cho chúng ta. Ước gì mỗi người chúng ta luôn xác tín như thánh Phaolô Tông đồ: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12).
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng khi thức dậy bạn làm một cử chỉ diễn tả đức tin (chẳng hạn làm dấu thánh giá) để được tiếp xúc với Chúa ngay từ đầu ngày sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin.  Nhưng lòng tin của con còn non yếu lắm. Xin Chúa củng cố niềm tin nơi con, nhờ đó, con được Chúa chữa lành mọi bệnh tật hồn xác. Amen.

Cầm lấy tay
Bàn tay là điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người. Bao ân sủng đến với tôi qua bàn tay đón lấy Mình Thánh Chúa. Bao điều tốt đẹp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nhỏ.


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của những bàn tay.
Vị thủ lãnh của hội đường có cô con gái mới chết,
nhờ ai đó giới thiệu, ông lật đật chạy đến với Đức Giêsu.
Lòng tin của ông thật là mạnh, diễn tả qua câu nói:
“Xin Ngài đến đặt bàn tay lên cháu, là nó sẽ sống” (c. 18).
Ông tin Đức Giêsu có thể cho con ông được hoàn sinh.
Ông mời Ngài đến nhà mình chỉ để làm một chuyện là đặt bàn tay.
Đặt bàn tay trên một xác chết còn ấm để làm cho nó sống lại.
Như thế ông tin vào uy quyền của Đức Giêsu, thể hiện qua bàn tay.
Ngài cũng là một ngôn sứ như Êlia hay Êlisa trong Kinh Thánh.
Các vị này đều có khả năng hoàn sinh kẻ chết (1V 17, 17-24; 2V 4, 32-37).
Đức Giêsu đã mau mắn nhận lời đến nhà ông.
Ngài hiểu được nỗi đau của một người cha khi mất đứa con gái nhỏ.
Khi đến nhà thì đám tang đã bắt đầu với những người thổi kèn,
và một đám đông hiếu kỳ gây ồn ào náo động.
Đức Giêsu tiến vào nhà và bảo người ta lui ra khỏi phòng của cô bé:
“Con bé có chết đâu, nó đang ngủ đấy!” (c. 24).
Khi đám đông bị tống ra rồi, thì Ngài đi vào nơi cô bé nằm.
Ngài không đặt bàn tay trên cô như yêu cầu của người cha.
Nhưng Ngài cầm lấy bàn tay cô bé, và cô bé đã trỗi dậy (c. 25).
Ngài đã đụng đến một xác chết và Ngài đã làm cho nó phục sinh.
Đám tang trở thành đám tiệc, làm sao cảm được niềm vui của người cha?
Đức Giêsu đem sự sống trở lại, để sự sống thắng cái chết.
Trên đường đến nhà vị thủ lãnh, một phụ nữ bị băng huyết đến gặp Ngài.
Không gặp diện đối diện, nhưng bà lén đến từ phía sau lưng,
bởi lẽ căn bệnh lâu năm này đã làm cho bà ra ô uế, không được đụng đến ai.
Cũng như vị thủ lãnh, bà có một niềm tin sắt đá:
“Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được cứu” (c. 21).
Chẳng phải bà tin vào sức mạnh của cái áo choàng như một thứ ma thuật,
nhưng bà tin vào quyền năng của người mặc chiếc áo đó.
Bà đã dám đưa tay ra và sờ vào tua áo choàng của Ngài (c. 20).
Đức Giêsu nhận ra cái đụng chạm đầy lòng tin của bà.
Chính Ngài quay lại, thấy bà và bắt đầu trò chuyện.
“Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con” (c. 22).
Lòng tin của bà đã được nhìn nhận, và bà được cứu từ giờ ấy.
Ơn chữa lành đến từ một bàn tay dám đưa ra chạm đến Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay là về chuyện của những bàn tay.
Bàn tay quyền năng của Đức Giêsu, bàn tay lạnh giá của cô bé nằm đó,
bàn tay rụt rè, e ngại, nhưng cũng rất quả quyết của người phụ nữ ốm đau.
Bàn tay là điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Bao ân sủng đến với tôi qua bàn tay đón lấy Mình Thánh Chúa.
Bao điều tốt đẹp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nhỏ.
Chỉ mong tay tôi đừng bị ô nhơ và đừng khép lại trước người đang xin.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm

Tình thương cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.
Tin mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của Chúa Giêsu: cứu sống con gái của vị thủ lãnh và chữa lành người đàn bà bị băng huyết 12 năm, nhờ lòng tin mạnh mẽ của họ.
Đức tin chính là thần dược chữa lành mọi bệnh tật con người. Nhờ tin mà cô con gái vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm được cứu chữa.
Đức Tin đem đến cho con người niềm hy vọng.
§      Hy vọng vào Chúa, nên vị thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết 12 năm đã không ngần ngại ra đi tìm đến Chúa Giêsu.
§      Hy vọng nơi Chúa, ông thủ lãnh đã không ngần ngại sấp mình nài nỉ xin Chúa đến cứu sống con gái ông.
§      Hy vọng ở Chúa, ngườiđàn bà bị băng huyết đã can đảm chạm đến gấu áo Chúa .
Nhờ lòng tin công khai và mạnh mẽ của viên thủ lãnh mà cô con gái ông được Chúa cứu sống.
Nhờ lòng tin chân thành, đơn sơ và kín đáo mà người đàn bà bị băng huyết 12 năm dài được Chúa chữa lành.
Tin chính là đặt hết niềm hy vọng" vào", "nơi" và "ở" Chúa, trao cho Chúa mọi lắng lo, khốn khổ.
Con cái là món quà quý giá và là kho báu vô tận. Trong mắt cha mẹ, con cái là tất cả. Mất con cái là mất tất cả. Nhưng chính lúc xem ra mất tất cả đó, viên thủ lãnh đã có được niềm tin.
Bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh của con người, bởi lẽ bệnh tật làm cho con người trở nên đau khổ, chán nản và tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đau khổ và tuyệt vọng ấy, người đàn bà đã có được niềm tin âm thầm nhưng mạnh mẻ.
Niềm tin của chúng ta cần được trui rèn, để sau những thử thách đau thương, đức tin chúng ta được vững mạnh hơn. Không nhất thiết là được ơn, được phép lạ như người cha hay như người đàn bà bị bệnh băng huyết trong bài tin mừng hôm nay, điều quan trọng là trong mọi biến cố, chúng ta cần nhìn về phía bên kia điều Chúa muốn, để vững tin vào Chúa. Nhờ thế mà chính ta và những người chung quanh ta có thêm lòng tin cũng như gia tăng lòng cậy trông nơi Chúa.
Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng phải đối diện với bao là thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên vững niềm tin vào Chúa và mạnh mẽ thể hiện niềm tin của mình như viên thủ lãnh và người đàn bà bị băng huyết.
Trong cuộc sống, chúng ta xin ơn Chúa rất nhiều, nhưng lại quên xin ơn rất quan trọng là ơn "Đức Tin". Chắc chắn đức tin chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta.

Lm Seoka
và 2 thầy dòng tiểu đệ Gioan Tẩy Giả
Thứ Hai 8-7
Chân Phước Gregory Grassi và Các Bạn
(k. 1900)

Các nhà thừa sai Kitô Giáo thường bị bắt trong các cuộc chiến chống với chính quốc gia của mình. Khi các chính phủ Anh, Ðức, Nga và Pháp buộc nhà cầm quyền Trung Hoa phải nhượng bộ đất đai vào năm 1898, cả một phong trào chống người ngoại quốc nổi dậy ở Trung Hoa.
Gregory Grassi sinh ở Ý năm 1833, thụ phong linh mục năm 1856 và năm năm sau ngài được sai đến Trung Hoa Lục Ðịa. Sau đó Cha Gregory được tấn phong làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, ngài chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.
Hai mươi sáu vị tử đạo bị bắt theo lệnh của Yu Hsien, quan đầu tỉnh Shanxi. Tất cả bị chết chém vào ngày 9 tháng Bảy 1900. Năm vị thuộc dòng Phanxicô Hèn Mọn; bảy vị thuộc tu hội Phanxicô Truyền Giáo của Ðức Maria -- là các vị tử đạo tiên khởi của tu hội. Về phía người Trung Hoa có bảy chủng sinh và bốn giáo dân, tất cả đều thuộc dòng Ba Phanxicô. Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô và bị bắt cùng với các người khác. Ba tu sĩ Phanxicô người Ý cũng được tử đạo trong tuần đó ở tỉnh Hunan.
Tất cả các vị tử đạo được phong chân phước vào năm 1946.
Lời Bàn
Tử đạo là sự nguy hiểm nghề nghiệp của các nhà truyền giáo. Trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ ở Trung Hoa Lục Ðịa, năm giám mục, 50 linh mục, hai trợ sĩ, 15 nữ tu và 40,000 Kitô Hữu Trung Hoa đã bị giết. Tuy nhiên, số giáo dân Công Giáo Trung Hoa vào năm 1906 là 146,575 đã tăng lên đến 303,760 vào năm 1924. Sự hy sinh lớn lao đã đem lại kết quả lớn lao.
Lời Trích
"Tử đạo là một phần của bản chất Giáo Hội, vì nó biểu lộ cái chết của Kitô Hữu trong hình thức tinh tuyền, là một cái chết vì đức tin không chịu kiềm chế. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội, thay vì thuần tuý vẫn chỉ có tính cách không tưởng, đã thể hiện một diễn đạt tỏ tường cần thiết nhờ ơn sủng của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, người chấp nhận cái chết vì đức tin Kitô Giáo hoặc luân lý Kitô Giáo được coi là một 'chứng nhân'. Danh từ này xuất phát từ Phúc Âm, vì Ðức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)(Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học, tập 2, trang 108-109).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét