Thông điệp đầu tiên
của Ðức Thánh Cha Phanxicô:
"Lumen Fidei" (Ánh sáng Ðức Tin)
Thông điệp đầu tiên của Ðức
Thánh Cha Phanxicô: "Lumen Fidei" (Ánh sáng Ðức Tin).
Vatican (Vat. 5-07-2013) -
Thông điệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha Phanxicô đã được công bố sáng ngày 5
tháng 7 năm 2013 với tựa đề "Lumen Fidei" (Ánh sáng Ðức Tin).
Thông điệp được công bố bằng
6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha và Bồ đào nha và được giới thiệu
với giới báo chí trong cuộc họp báo tại phòng báo chí Tòa Thánh, do Ðức Hồng Y
Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, Ðức Tổng Giám Mục Gerhard Mueller, Tổng
trưởng Bộ Giáo lý đức tin và Ðức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội
đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.
Văn kiện này được gửi đến các
Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân. Như chính
Ðức Thánh Cha Phanxicô giải thích: văn kiện này hầu như đã được Ðức Giáo Hoàng
Biển Ðức 16 hoàn thành và ngài chỉ đóng góp thêm mà thôi. Mục đích của Thông
Ðiệp là phục hồi đặc tính ánh sáng của chính đức tin, có thể soi sáng cho toàn
thể cuộc sống con người.
Ngoài phần nhập đề (1-7) và
kết luận (58-60), Thông Ðiệp "Ánh Sáng Ðức Tin" gồm 4 chương:
I. Chúng tôi đã tin nơi tình
yêu (1 Ga4,6) (8-22)
II. Nếu các ngươi không tin,
thì sẽ không hiểu (Is 7,9) (23-36)
III. Tôi truyền lại cho anh
chị em điều tôi đã nhận lãnh (1 Cr 15,3) (37-49)
IV. Thiên Chúa chuẩn bị cho
họ một thành thị (Dt 11,16) (50-60)
Nội dung tổng quát của Thông
Ðiệp:
- Ai tin thì thấy. Ai tin thì
không bao giờ lẻ loi vì đức tin là một thiện ích cho tất cả mọi người, một công
ích giúp phân biệt thiện và ác, xây dựng xã hội chúng ta, mang lại hy vọng. Nội
dung nòng cốt của Thông điệp "Ánh sáng đức tin" là ý tưởng này: đức
tin không tách rời con người ra khỏi thực tại, nhưng giúp con người đón nhận ý
nghĩa sâu xa nhất của thực tại. Ðức Giáo Hoàng nhận xét rằng: Trong một thời
tại như thời nay, trong đó người ta coi việc tin tưởng là điều trái ngược với
sự tìm kiếm và nghiên cứu, đức tin bị người ta coi là một ảo tưởng, một thái độ
nhảy vào khoảng không, ngăn cản tự do của con người, điều quan trọng là tin
tưởng và tín thác vào tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa với lòng khiêm tốn
và can đảm, vì Thiên Chúa chữa lành mọi quanh co sai trái trong lịch sử chúng
ta.
- Chứng nhân đáng tin cậy về
đức tin chính là Chúa Giêsu, qua Ngài Thiên Chúa thực sự hoạt động trong lịch
sử. Ai tin tưởng nơi Chúa Giêsu thì không những nhìn lên Ngài, nhưng còn nhìn
với quan điểm của Ngài nữa. Và cũng như trong đời sống thường nhật, chúng ta
tín nhiệm kiến trúc sư, dược sĩ, trạng sư, vì họ là những người biết rõ hơn
chúng ta, cũng vậy đức tin làm cho chúng ta tín thác nơi Chúa Giêsu, là chuyên
gia trong những điều thuộc về Thiên Chúa, Ðấng giải thích cho chúng ta về Thiên
Chúa.
Ðức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh
rằng đức tin không phải là một sự kiện riêng tư, vì chúng ta tuyên xưng đức tin
giữa lòng Giáo Hội, như một cộng đồng hiệp thông cụ thể của các tín hữu. Và
theo thể thức đó, cuộc sống của tín hữu cũng trở thành cuộc sống của Giáo Hội.
Tiếp đến, Ðức Giáo Hoàng
chứng tỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin, sự thật và tình thương, là những
điều đáng tin cậy của Thiên Chúa. Ðức tin mà không có sự thật thì không cứu
thoát. Nó chỉ là một chuyện ngụ ngôn hay đẹp, nhất là ngày nay người ta đang
trải qua một cuộc khủng hoảng sự thật vì một nền văn hóa chỉ tin tưởng nơi kỹ
thuật hoặc những chân lý của mỗi người, có lợi cho cá nhân chứ không có lợi cho
công ích. Sự quên sót lớn lao của thế giới hiện tại là từ chối chân lý cao cả,
là quên đi câu hỏi về Thiên Chúa, vì người ta lo sợ thái độ cuồng tín và ưa
thích thái độ duy tương đối hơn.
Trái lại, đức tin không phải
là điều cố chấp, tín hữu không phải là người kiêu căng, vì chân lý xuất phát từ
tình yêu của Thiên Chúa không phải là điều bị áp đặt bằng bạo lực và không đè
bẹp mỗi người. Vì thế, có thể có cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí: trước
tiên vì đức tin thức tỉnh cảm thức phê bình và mở rộng chân trời của lý trí;
tiếp đến vì Thiên Chúa là ánh sáng rạng ngời và cả những người không tin cũng
có thể tìm thấy Chúa khi họ tìm kiếm Ngài với con tim chân thành. Ai lên đường
để thực thi điều thiện thì họ là người đã đến gần Thiên Chúa rồi.
Một điểm thiết yếu khác của
Thông điệp 'Ánh sáng đức tin' là việc rao giảng Tin Mừng. Ðức Giáo Hoàng viết:
Ai cởi mở đối với tình thương của Thiên Chúa thì không thể giữ riêng hồng ân
này cho mình. Như ngọn lửa được một ngọn lửa khác khơi lên, ánh sáng của Chúa
Giêsu chiếu sáng trên khuôn mặt các tín hữu Kitô và thông truyền từ đời này
sang đời khác, qua những chứng nhân đức tin. Vì thế, có một liên hệ chặt chẽ
giữa đức tin và ký ức, vì tình thương của Thiên Chúa liên kết mọi thời đại và
làm cho chúng ta trở thành những người đồng thời với Chúa Giêsu.
Nhưng có một phương thế đặc
biệt nhờ đó đức tin có thể được thông truyền, đó là các bí tích. Trước tiên là
bí tích rửa tội nhắc nhở chúng ta rằng đức tin phải được lãnh nhận, trong niềm
hiệp thông với Giáo Hội, vì không ai tự rửa tội cho mình; và phép rửa tội làm
nổi bật sự hợp lực giữa Giáo Hội và gia đình trong việc thông truyền đức tin.
Tiếp đến, là bí tích Thánh Thể, lương thực quí giá nuôi dưỡng đức tin, dạy cho
chúng ta nhìn thấy chiều sâu của thực tại. Và việc tuyên xưng đức tin qua kinh
Tin Kính và Kinh Lạy Cha làm cho tín hữu can dự vào những chân lý mà họ tuyên
xưng và cho họ thấy bằng đôi mắt của Chúa Kitô. Sau cùng là 10 giới răn: đây
không phải là những giới luật tiêu cực, chỉ có tính chất cấm đoán, nhưng là
những chỉ dẫn cụ thể để đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Ðức Giáo Hoàng
nhấn mạnh rằng đức tin là duy nhất và sự hiệp nhất đức tin chính là sự hiệp
nhất của Giáo Hội.
Trong chương cuối cùng của
Thông điệp "Ánh sáng đức tin" Ðức Giáo Hoàng giải thích liên hệ giữa
việc tin và xây dựng công ích: đức tin nảy sinh từ tình yêu Thiên Chúa, làm cho
những liên hệ giữa con người được vững chắc và đặt mình phục vụ công lý, công
pháp, hòa bình. Ðức tin không làm cho người ta xa lìa thế giới, trái lại: nếu
loại bỏ đức tin ra khỏi xã hội chúng ta, thì chúng ta không còn tín nhiệm nhau
và chúng ta chỉ liên kết với nhau vì sợ hãi hoặc vì quyền lợi mà thôi. Trái lại
có bao nhiêu lãnh vực được đức tin soi sáng như gia đình dựa trên hôn nhân,
được hiểu như một sự kết hợp bền vững giữa một người nam và một người nữ; tiếp
đến là thế giới của những người trẻ mong ước một cuộc sống cao cả, và cuộc gặp
gỡ với Chúa Kitô mang lại cho họ niềm hy vọng vững chắc, không đánh lừa. 'Ðức
tin không phải là một nơi nương náu cho những người thiếu can đảm" và
trong lãnh vực này những Ngày Quốc Tế giới trẻ giúp các bạn trẻ chứng tỏ niềm
vui đức tin và dấn thân sống đức tin một cách kiên cường và quảng đại.
Ðức tin cũng soi sáng cho cả
thiên nhiên, giúp chúng ta ta tôn trọng thiên nhiên, "tìm thấy những kiểu
mẫu phát triển không phải chỉ dựa trên sự hữu ích hoặc lợi lộc, nhưng coi thiên
nhiên như một hồng ân", đức tin dạy chúng ta tìm ra những hình thức cai
trị đúng đắn, trong đó quyền bính đến từ thiên Chúa và để phục vụ công ích; đức
tin giúp chúng ta khả năng tha thứ, giúp khắc phục những cuộc xung đột. Ðức
Thánh Cha viết: "Khi đức tin bị suy yếu và thiếu sót, thì người ta gặp nguy
cơ là cả những nền tảng của cuộc sống sẽ bị thiếu sót. Vì thế, chúng ta đừng
xấu hổ khi công khai tuyên xưng Thiên Chúa, xét vì đức tin soi sáng cho toàn
thể cuộc sống xã hội.
Ðức Giáo Hoàng cũng khẳng
định rằng cả đau khổ và sự chết cũng nhận được một ý nghĩa nhờ sự tín thác nơi
Thiên Chúa: với những ngừơi đau khổ, Chúa ban cho họ một lý do giải thích tất
cả, nhưng ngài cũng trao tặng sự hiện diện của Ngài tháp tùng họ. Theo nghĩa
đó, đức tin đi chung với niềm hy vọng. Và tại đây, Ðức Giáo Hoàng đưa ra một
lời kêu gọi: "Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng, chứng ta
đừng để cho niềm hy vọng bị tan biến với những giải pháp và đề nghị tức khắc,
ngăn cản hành trình của chúng ta".
Và thông điệp kết thúc với
một lời kinh dâng lên Ðức Mẹ Maria là hình ảnh tuyệt vời của đức tin, xin Mẹ
dạy chúng ta biết nhìn với đôi mắt của Chúa Giêsu.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét