Thứ Ba
Ngày 30/07/2013
Tuần 17
Mùa Thường Niên Năm Lẻ
BÀI ĐỌC I: Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28
"Chúa đối diện nói chuyện với Môsê".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở
ngoài trại, và đặt tên là "nhà xếp giao ước". Ai trong dân có điều gì
muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại.
Khi ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng
trước cửa trại mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã
vào nhà xếp giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và
Chúa đàm đạo cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp.
Họ đứng nơi cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối
diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người
hầu cận ông là Giosuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.
Ông Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi
ngang qua trước mặt ông và hô lên: "Đức Chúa! Đức Chúa! Đấng cai trị mọi sự,
là Đấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương
đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không
ai coi mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn
đời". Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng:
"Lạy Chúa, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng
con, (vì dân này là dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi
chúng con. Xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa". Vậy ông Môsê ở đó với
Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời
giao ước vào bia đá. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 6-7. 8-9. 10-11.
12-13
Đáp: Chúa là Đấng
từ bi và hay thương xót (c. 8a).
1) Chúa
thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức.
Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. - Đáp.
2) Chúa là
Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không
chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Đáp.
3) Người
không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan
trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất, lòng nhân Người
còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. - Đáp.
4) Cũng
như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng
như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. - Đáp.
ALLELUIA: Dt 4, 12
Alleluia,
alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và
là ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43
"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa
thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các
môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng
trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt
là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ
lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế.
Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt
trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai
các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước
Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ
kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe
thì hãy nghe". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Bài Học Kiên Nhẫn
Ngày
13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ
trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để
xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm
trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là
phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người.
Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên
báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng
nhân từ, tinh thần hòa giải.
Kiên nhẫn
là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử,
nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là
bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn về
cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân
loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc
sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến
hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây
lúa tốt tươi.
Qua dụ
ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn,
đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng
cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một
bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn
chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói:
"Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại
làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người
chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa
Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó
sao?
Cảm nghiệm
sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm
thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ
mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện
ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung
quanh.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Ba
Tuần 17 TN1, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa sẽ trả lại
cho con người tùy theo việc làm của họ.
Không ai
có thể phủ nhận sự hiện diện của ác thần mà chúng ta gọi là ma quỉ trong cuộc sống.
Trong khi người thiện tâm và cầu tiến luôn tìm cách vươn lên; thì có một thế lực
luôn kéo ghì con người xuống. Thánh Phaolô đã trình bày kinh nghiệm này như
sau: "Điều tôi muốn, tôi không làm; nhưng lại làm điều tôi không muốn...
Ai có thể cứu tôi khỏi tình trạng thảm thương này?" Nhiều người lo sợ ác
thần đang có cơ hội thắng thế và một ngày sẽ làm chủ thế giới này!
Các Bài Đọc
hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa tình thương của Thiên Chúa dành cho con
người với sự phá hủy của ma quỉ, muốn lôi kéo con người về phía chúng. Trong
Bài Đọc I, tác giả Sách Xuất Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa giữa
con người qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông Moses
như một người bạn để mặc khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi quỉ thần
luôn tìm cách khích động dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và các nhà
lãnh đạo của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các
môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những hạt giống tốt vào thế gian; trong khi quỉ thần
luôn tìm cách gieo những cỏ lùng. Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến Ngày Tận Thế,
khi các thiên thần của Ngài sẽ đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và đồng bọn của
chúng để tiêu diệt muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ.
1.1/ Thiên
Chúa hiện diện với con cái Israel dưới nhiều hình thức: Suốt 40 năm lang thang
trong sa mạc, Thiên Chúa luôn tỏ sự hiện diện của Ngài dưới nhiều hình thức
khác nhau:
(1) Lều Hội
Ngộ và cột mây: "Ông Moses lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài
trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức Chúa thì
ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Moses ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy
đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Moses cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi
khi ông Moses vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa
đàm đạo với ông Moses. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và
ai nấy phủ phục ở cửa lều mình."
Ngày nay,
Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người dưới hình thức khác nhau, nhất là trong
Nhà Tạm, nơi Ngài chờ con người đến thăm viếng và tâm sự với Ngài. Giống như
con cái Israel, chúng ta cần có thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên
Chúa, mỗi khi chúng ta đến thăm viếng Thiên Chúa trong nhà thờ.
(2) Thiên
Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Trình thuật kể: "Đức Chúa đàm đạo với ông Moses, mặt giáp mặt,
như hai người bạn với nhau."
+ Đây là một
đặc quyền Thiên Chúa ban cho ông Moses, được đàm đạo với Ngài diện đối diện mà không phải chết, dù đây
chỉ là kiểu nói của người đời vì Thiên Chúa không có mặt người. Đây cũng là hy
vọng tối cao cho mỗi người chúng ta, khi chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa như
Ngài là, trong thị kiến tuyệt hảo (beatific vision). Theo mối thứ sáu của Bát
Phúc, chỉ có những ai có lòng thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa. Ông
Moses phải là người có tâm hồn trong sạch.
+ Thiên
Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các nhà lãnh đạo: Đức Giáo Hoàng, các Đức
Giám Mục, các cha, thầy, sơ, và các cha mẹ chúng ta; để qua họ, chúng ta nhìn
thấy rõ hơn những gì Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.
1.2/ Thiên
Chúa luôn trung tín và công bằng: Trong thị kiến hôm nay, Đức Chúa mặc khải cho ông Moses những sự
thật về Ngài: "Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén
giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ,
chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt
con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông."
(1) Tội lỗi
và hình phạt:
Vì Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi nếu tội nhân biết ăn
năn hối cải; nhưng họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt tùy theo tội trạng của mình.
Hình phạt có thể là chính những thiệt hại con người gây nên cho mình; ví dụ, tội
kiêu căng sẽ bị mọi người xa tránh. Hay con người phải chịu những hình phạt vì
đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; ví dụ, 3 năm tù vì đã gây thiệt hại vật
chất cho tha nhân.
(2) Ông
Moses bầu cử cho dân chúng: Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: "Lạy
Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con.
Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội
lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài." Giống như tổ-phụ
Abraham bầu cử cho dân thành Sodom, ông Moses cũng bầu cử cho con cái Israel.
Ông xin Thiên Chúa luôn hiện diện với dân và nhận họ làm dân riêng của Ngài. Chỉ
những người được coi là nghĩa thiết với Thiên Chúa, mới có thể làm được điều
này.
2/ Phúc Âm:
Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.
2.1/ Nghĩa biểu
tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người
và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng
con nghe." Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt
nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:
+ Kẻ gieo
hạt giống tốt: là
Con Người, chính Đức Kitô.
+ Kẻ thù
đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+ Ruộng: là thế gian. Nhiều người
ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.
+ Hạt giống
tốt: là con
cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.
+ Cỏ lùng:
là con cái
Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.
+ Mùa gặt:
Như mùa gặt
phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là
các thiên thần.
2.2/ Ngày Tận
Thế sẽ xảy đến: Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu.
Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống
con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng;
nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày
đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu
tuyên bố hôm nay: "Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế
nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy."
(1) Số phận
của ma quỉ và con cái của chúng: "Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ
làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,
rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
(2) Số phận
của con cái Nước Trời: "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong
Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta
phải chịu trách nhiệm về tất cả hành động khi còn sống trên dương gian này. Vì
thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.
- Ngày Tận
Thế chắc chắn sẽ tới như ngày thu hoạch mùa màng của nhà nông. Trong Ngày đó,
quỉ thần và ác nhân sẽ bị tiêu diệt như cỏ lùng; còn người công chính sẽ được
hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta đừng dại dột để sống theo cám dỗ của chúng để
khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 17 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 13,36-43
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng.
B.... nẩy mầm.
1. Ta hãy suy gẫm về thái độ kiên nhẫn của Chúa đối với những người
xấu. Chúa kiên nhẫn vì : a/ nhân từ chờ kẻ xấu ăn năn. “Cây lau bị dập, Ngài
không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét Ngài chẳng nở tắt đi” ; “Ta không muốn kẻ
gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống” ; b/ vì tôn trọng
tự do mà Ngài đã ban cho mỗi người.
Trách nhiệm mỗi người : a/ xử dụng tự do để chọn điều tốt ; b/ tác
động lên những người chung quanh để “tranh thủ” họ về phía tốt.
2. Với thời gian, lúa có thể lớn mạnh lấn át cỏ lùng, nhưng đồng
thời cỏ lùng cũng có thể lớn mạnh làm chết lúa. Do đó sự kiên nhẫn chờ đợi của
Chúa vừa là cơ hội mà cũng vừa là nguy cơ cho mỗi người chúng ta Hôm nay
tôi còn xấu nhưng ngày mai tôi có thể tôi trở thành tốt. Ngược lại hôm nay tôi
tốt nhưng ngày mai có thể tôi sẽ xấu.
Bởi đó, tôi chớ nên vội đánh giá người khác, và cũng chớ nên tự mãn
về mình. Mọi người đều phải tận dùng thời giờ và cơ hội của Chúa để ngày càng
trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.
3. Một giám mục chúc mừng viên quản lý gian hàng điện khí về công
việc tốt đẹp của anh. Ngài nói rằng không bao giờ hết ngạc nhiên về khoa điện
năng tuyệt vời.
- Đúng, và con cũng chưa bao giờ nghĩ về điều đó mà không ngạc
nhiên về sự kiên trì của Chúa.
- Sự kiên trì của Chúa ? Anh muốn nói gì ?
- Ngài có bao giờ tự hỏi sao Đấng sáng tạo phải đợi hàng thế kỷ mới
có một vài người khám phá nguồn điện phong phú trong vũ trụ chỉ chờ được sử
dụng ? (Góp nhặt)
5. “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước
Cha họ” (Mt 13,43)
Trên đường về quê trời, từ xa chúng ta đã thấy thấp thoáng đích
đến. Kìa, tại sao bạn dừng lại ? Không, không thể được ! Đừng dừng lại bạn nhé
!
Tôi biết bạn đang chao đảo vì nắng gắt của dư luận. Tôi biết gối
bạn đã chồn, chân bạn đã mỏi đã nát vì chông gai, nay lại hụt hẫng do những vực
thẳm của bất công và những khúc quanh của lòng người. Đừng cố làm ra vẻ thản
nhiên, đừng cố che dấu cái tôi đầy đau khổ thất vọng. Bạn hãy cùng tôi đọc lại
câu Tin Mừng này để san sẻ cho nhau niềm hy vọng. Quãng đường còn lại chắc chắn
sẽ vui vẻ hơn, đỡ vất vả hơn.
Bạn hãy nhìn về phía trước và cùng tôi dấn bước tiến lên. Tôi đã
thấy nghị lực và khát vọng hạnh phúc trong mắt bạn. Chúng ta sẽ cập bến.
Lạy Chúa, được nên công chính trong bí tích Thánh Tẩy, xin cho
chúng con biết nâng đỡ nhau trên con đường công chính, con đường về nhà Cha.
(Hosanna)
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ
30/07/13 THỨ BA TUẦN 17 TN
Th. Phêrô Kim ngôn, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,36-43
Th. Phêrô Kim ngôn, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,36-43
KHỐN CHO KẺ LÀM GƯƠNG XẤU
“Vậy, như người
ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra
như vậy. Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù
gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng
chúng vào lò lửa: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13,40-42)
Suy niệm: Không thể không có gương xấu, nhưng khốn cho
kẻ làm gương xấu, Chúa Giêsu đã xác quyết như thế (Mt 18,70). Trong xã hội và
ngay cả trong Hội Thánh, gương xấu vẫn còn đó rất nhiều. Đó là một thực tế hiển
nhiên, nhưng vấn đề là thái độ của chúng ta trước các gương xấu đó. Chúa Giêsu
cho biết lập trường của Ngài: Mặc dù Ngài kiên nhẫn bao dung chờ đợi, nhưng
Ngài cho thấy thái độ quyết liệt không khoan nhượng trước gương xấu: Những kẻ
làm gương xấu và những điều gian ác sẽ bị loại vĩnh viễn khỏi Nước Trời.
Mời Bạn: Đã
có nhiều cảnh báo về tình trạng thờ ơ, không quan tâm trước những gương xấu
đang tràn lan trong xã hội, thâm nhập vào đời sống gia đình. Phải chăng vì
người ta cảm thấy bất lực? Vì sợ phiền hà, liên lụy? Vì quan niệm “hồn ai nấy
giữ”? Mời bạn hãy làm một cái gì đó tích cực để xua tan gương xấu: “Thà thắp
lên một ngọn đèn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”!
Chia sẻ: Cách
sống của Bạn có đang là một gương xấu cho kẻ khác không?
Sống Lời Chúa: Hành
động tích cực để xoá bỏ gương xấu bằng cách thành thật nhận lỗi và quyết tâm
sửa chữa mỗi khi mình gây ra gương xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chính con cũng là “cỏ lùng” được Chúa nhân từ thứ
tha. Xin giúp con biết khắc phục bản thân và nhẹ nhàng sửa đổi anh em con. Amen.
Chói lọi
như mặt trời
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng
nơi mình, và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Suy niệm:
“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27).
Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương
tự
khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình.
“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?”
Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?
Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.
Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).
Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa,
con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.
Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,
sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con
người.
Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,
khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9,
54).
Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.
Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng,
vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn,
và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân
lý.
Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng.
Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt.
Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm
mắt,
và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa.
Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.
Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian
ác.
Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng?
Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời.
Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác
Thần.
Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa,
có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.
Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong
suốt.
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó.
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay.
Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên
Chúa,
không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều.
Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng.
Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình.
Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến
thắng.
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi
mình,
và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang
lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng
lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài
vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một
người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu
thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là
một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả
vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng
cháy,
để tất cả những gì chúng
con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm
Đây là phần giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng mà chính Chúa
Giêsu đã nói cho các môn đệ khi các ông ở riêng với Ngài. Những hình ảnh trong
dụ ngôn này rất quen thuộc với người Palestin. Cỏ lùng là một thứ cỏ dại mà
nông dân phải diệt trừ. Lúc cây còn nhỏ, cỏ lùng giống như cây lúa mì nên khó
phân biệt, cho đến khi cả hai đơm bông thì có thể nhận ra cách dễ dàng, nhưng
đến lúc đó rễ cỏ lùng và rễ lúa mì đã mọc quyện vào nhau đến nỗi hễ nhổ cỏ lùng
thì lúa mì cũng trốc theo.
Chúng ta có thể hiểu cỏ lùng và lúa là đại diện cho những người tốt
và người xấu trong xã hội hiện nay. Khi mà những giá trị tinh thần được đặt
dưới những lợi ích trần tục thế gian thì việc phân biệt tốt xấu, thật giả trở
thành một vấn đề vô cùng khó khăn. Người ta bất chấp tất cả miễn sao dành được
lợi ích về mình. Con người ngày càng mất niềm tin vào nhau. Sống trong một hoàn
cảnh, môi trường như thế, người công giáo cũng dễ dàng đặt ra cho mình câu hỏi:
tại sao tôi phải sống tốt, sống công chính khi chung quanh tôi người ta lừa
dối, lợi dung nhau? Liệu có ai biết tôi sống ngay thẳng đúng với lương tâm? Mà
họ biết để làm gì, khi mà tôi phải chịu bao nhiêu thiệt thòi thậm chí phải chịu
bất công vì sống ngay thẳng thật thà. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu
đã bảo đảm cho chúng ta trong ngày sau hết rằng “Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói
như mặt trời trong nước của Cha mình.”
Xét đến từng người chúng ta, cỏ lùng và lúa cũng giống như hai
khuynh hướng tốt và xấu cùng tồn tại trong con người chúng ta. Trong cuộc sống
lúc nào chúng ta cũng phải chiến đấu, phải chọn lựa để sống tốt đẹp lòng Chúa.
Tuy nhiên, đôi lúc vì yếu đuối nên không ít lần chúng ta chiều theo những
khuynh hướng xấu mà làm mất lòng Chúa, như Thánh Phaolô nói: điều tốt tôi muốn
làm tôi lại không làm, điều xấu tôi không muốn làm tôi lại làm. Qua dụ ngôn lúa
và cỏ lùng chúng ta mới thấy lòng nhân từ và sự kiên nhân Chúa dành cho chúng
ta. Ngài không trừng phạt chúng ta khi chúng ta phạm tội, Ngài luôn chờ đợi
chúng ta thay đổi quay trở lại với Ngài. Vì thế qua bài Tin Mừng hôm nay chúng
ta nên nhớ hai điều này:
· Thứ nhất: đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng,
niềm tin vào lòng nhân từ của Chúa. Hãy luôn nhớ rằng, Ngài đang dang rộng cánh
tay chờ đón chúng ta quay lại với Ngài dù chúng ta phạm tội gì đi nữa.
· Thứ hai: hãy luôn biết tha thứ, và tạo cơ hội cho
người khác khi họ phạm lỗi với chúng ta. Con người còn sống là còn thay đổi.
Chính bản thân chúng ta cũng nhiều lần sai lỗi và cần được tha thứ.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khôn ngoan và sức mạnh để chúng
con luôn biết chọn làm những điều tốt, đẹp lòng Chúa. Xin Chúa cho chúng con
lòng can đảm để khi chúng con có vấp ngã, chúng con biết mau mắn đứng lên trở
về cùng Chúa. Và xin cho chúng con biết cảm thông và tha thứ cho anh em khi họ
có lỗi lầm cúng như Chúa tha thứ cho chúng con. Amen.
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy
30
THÁNG BẢY
Sự Dữ Có Nhiều Bộ
Mặt
Trước
hết chúng ta phải hiểu mình muốn nhắm đến điều gì trong ý niệm “sự dữ” và “đau
khổ”. Nó mặc lấy rất nhiều hình thức. Chẳng hạn, người ta thường phân biệt giữa
ý nghĩa thể lý và ý nghĩa luân lý. Sự dữ luân lý được phân biệt với sự dữ thể
lý chủ yếu ở sự kiện rằng nó có bao hàm tội lỗi, vì nó tùy thuộc vào ý chí tự
do của con người.
Sự
dữ luân lý phân biệt với sự dữ thể lý bởi vì sự dữ thể lý không thiết yếu và
không trực tiếp liên quan đến ý chí của con người. Nói vậy không có nghĩa rằng
sự dữ thể lý không thể bị gây ra bởi con người hay không thể là hậu quả của tội
lỗi con người. Thực tế, rất nhiều sự dữ thể lý do chính con người gây ra. Đôi
khi sự dữ thể lý xảy ra do sự ngu muội hay bất cẩn của con người, nhiều trường
hợp khác nó xảy ra một cách gián tiếp do sự cẩu thả hoặc do những hành động trực
tiếp tác hại.
Nhưng
chúng ta biết rằng trên thế giới có nhiều nguyên nhân của sự dữ thể lý xem ra
không liên can gì đến con người. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ đến các vụ thiên tai
hay những trường hợp rối loạn tâm thần không do con người gây ra.
Đối
diện với những vấn nạn ấy, chúng ta cảm thấy – như Gióp – rằng thật khó đưa ra
câu trả lời. Chúng ta tìm kiếm câu trả lời không ở nơi chính mình, nhưng phải
khiêm tốn và tín nhiệm để tìm nơi Lời Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy một
tuyên bố trứ danh và rất hàm súc: “Từ chân trời này, đức khôn ngoan vươn mạnh tới
chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 7,30; 8,1).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Thánh Phêrô Kim
Ngôn, giám mục tiến sĩ Hội Thánh
Xh 33, 7-11; 34,
5b-9.28; Mt 13, 36-43
LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ
lại gần Người và thưa rằng: ”Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng
cho chúng con nghe” (Mt 13,36)
Các môn đệ của Chúa
rất thật thà và khiêm tốn, và đồng thời cũng ham hiểu biết những gì mình đã
nghe từ Thầy của mình. Các ông đã được Chúa Giêsu giải thích hết sức cặn kẽ. Điều
này mọi Ki-Tô hữu cần phải học tinh thần sống của các Tông đồ tiên khởi. Đừng
có bao giờ cho là: ”biết rồi”, ”học làm chi” nhưng thực ra chẳng biết gì cả. Trong
đời sống đức tin của chúng ta luôn cần phải học và phải học luôn, bởi vì Lời
Chúa là Lời Hằng Sông, Lời của hiện tại có liên quan đến sự sống và sự chết với
từng người một. Chứ không phải là lời của hôm qua. Nên cần phải học để tin, và
tin để học; giúp cho chúng ta sống mà tin, và Tin để mà sống.
Mạnh Phương
Gương
Thánh nhân
Ngày 30-07
Thánh PHÊRÔ CHRYSÔLOGÔ
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+450)
Thánh Phêrô có biệt hiệu là Chrysôlôgô (kim ngôn) bởi tài hùng
biện đặc biệt của Ngài. Ngài sinh vào khoảng năm 405, tại miền Imola, nước Ý. Đức
Giám mục giáo phận Imola là Cornêlliô phong chức phó tế cho Ngài. Dưới sự hướng
dẫn của Đức giám mục, Ngài thực hiện những bước tiến lạ lùng trên con đường
trong tu viện.
Năm 430, Đức tổng giám mục Gioan của giáo phận Ravenna từ trần.
Trong khi tìm vị chủ chăn mới, hàng giáo sĩ và giáo dân đã xin Đức giám mục
Iomola nhập đoàn phải họ để đi Roma yết kiến Đức giáo hoàng Sixtô III coi Phêrô
như người được tiền định để làm giám mục Ravenna. Ngài liền đặt Phêrô làm giám
mục Ravenna, kế vị Đức giám mục Gioan năm 433. Các đại biểu của Giáo phận này
lúc đầu tỏ ý bất bình, nhưng rồi đã đổi thái độ khi được đức giáo hoàng Sixtô
III cho biết thị kiến của mình.
Vâng theo ý Chúa, Phêrô thụ phong giám mục và trở về Ravenna.
Trong bầu khí tiếp đón nồng nhiệt, Ngài nói: - Tôi đến với anh chị em như một y
sĩ đến chữa trị, như một mục tử để dẫn dắt, như một người mẹ để nuôi dưỡng, như
một người cha để bảo vệ và chăm sóc phần rỗi đời đời của anh chị em. Vậy anh chị
em hãy mau mắn vâng phục cách thích đáng đối với tác vụ rất thánh của tôi.
Đầy nhiệt thành bứng rễ các việc thờ ngẫu tượng còn rớt lại,
cũng như lên án sự giả tạo của giáo dân. Trong một cuộc lễ vào đầu năm, Ngài đã
phá những cuộc diễn hành đáng tội trên đường phố : - Ai muốn vui chơi với ma quỉ
thì không thể vui hưởng với Chúa Kitô.
Ngài đã nhiệt tâm rao giảng. Ngày nay chúng ta còn giử lại được
khoảng 180 bài giảng của Ngài. Lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt huyết. Người ta
không thể quên được những lời như:
- Nằm trong thói hư tính xấu, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta
sẽ thực sự đứng thẳng khi biết chỗi dậy để tiến thẳng tới bằng các việc lành.
- Ai biết tìm kiếm trong đức tin, sẽ thấy ngay rằng là Cha đang ở
đó, vì họ.
- Mọi sự dữ cha mẹ làm cho con cái, Thiên Chúa là Cha hết người
sẽ trả lại cho họ.
- Các tiền nhân sống cho chúng ta. Chúng ta sống cho thế hệ mai
sau. Không ai sống cho mình cả.
Người ta cũng còn nhớ lời Ngài kêu gọi sống bác ái:
- Biết nói sao về niềm tin lễ Giáng sinh, nếu người nghèo than
khóc tù nhân rên siết, dân tị nạn than thở, người lưu đày thổn thức, người Do
thái mừng lễ bằng thuế thập phân, còn người Kitô hữu nghĩ sao khi họ không mừng
bằng một phần trăm của cải ? Tôi đau buồn, phải, tôi đau buồn vì các đạo sĩ trải
vàng trên nôi Chúa Kitô trong khi các Kitô hữu để cho thân thể Chúa Kitô trống
trải, khi mà những người nghèo than khóc. Đừng nói rằng tôi không có gì. Thiên Chúa
muốn xin cái anh em có chứ không phải cái anh chị em không có, khi mà Ngài
thương nhận hai đồng tiền của bà góa. Hãy tận tâm với Đấng tạo thành và tạo vật
cũng sẽ tận tâm với anh chị em.
Thánh Phêrô Chrysôlôgô đã trở thành danh tiếng, đến nỗi Đức giáo
hoàng Lêo I đã trao cho Ngài đọc tại công đồng Chalcedonia một luận án chống lại
lạc thuyết của Eutychèr, Ngài cũng còn viết một bức thư cho kẻ lạc giáo này để
khuyên ông ta vâng phục Giáo hội.
Sau cùng, sau khi cai quản giáo phận Ravenna trong 18 năm, thánh
giám mục biết rằng mình sắp tới hồi kết thúc các nỗ lực. Ngài muốn lui về Imola
để dọn mình chết. Ngày 3 tháng 12 năm 450 Ngài đã từ trần và năm 1729 được đặt
làm tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
30 Tháng Bảy
Người
Tử Tù
Tại một nhà tù nọ, có một
người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao
núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.
Ngày nọ, các quản giáo bắt
gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu quanh
anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh.
Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.
Nhưng ngày hôm sau, tù
nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày.
Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người
canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây
anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được
nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại
trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng
thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.
Ngày hôm sau, con người
đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của
anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng
hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ
nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy,
không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.
Nhưng trước sự ngạc nhiên
của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh
không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới
có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung
quanh con người khốn khổ ấy.
Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên
là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc
bàn chân phải của cô phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ
cuộc... Sau khi bình phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần
nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi: "Làm thế nào để có thể nhảy múa
bình thường trở lại?". Cô trả lời: "Chúng ta không nhất thiết cần có
chân mới có thể nhảy múa được".
Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều.
Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể
là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan
Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương,
của tin tưởng, của lạc quan vui sống...
Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được.
Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng
tin yêu, vui sống..
Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù
đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống
trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên
Chúa
(Lẽ Sống)
Thứ Ba 30-7
Thánh Phêrô Chrysologus
(406-450?)
T
|
hánh Phêrô Chrysologus
sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi
Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.
Thánh Phêrô có biệt danh
là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của
ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của
Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và
chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Ngài tẩy sạch mọi vết
tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh
trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài
nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức
Kitô."
Thánh Phêrô Chrysologus
từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các
bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày
nay.
Lời Bàn
Chắc chắn rằng thái độ
của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện.
Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự
thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt
không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là
nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài
chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến thức
đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.
Lời Trích
Eutyches, người lãnh đạo
lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự
hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô
Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức
tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của
vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu
nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội
khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét