Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

07-07-2013 : (phần 2) CHÚA NHẬT XIV NÙA THƯỜNG NIÊN năm C

Chúa Nhật Ngày 07/07/2013
Tuần 14 Mùa Thường Niên Năm C
(Phần I)


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XIV Quanh Năm C, ngày 7 tháng 7 năm 2013 
CHÚA NHẬT XIV QUANH NĂM C
Sách Ngôn Sứ Isaia 66.10-14; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata 6.14-18
và Phúc Âm Thánh Luca 10.1-12.17-20

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Môn đệ là người được Chúa chọn và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Truyền giáo phải theo qui luật truyền giáo như:
Môn đệ không là nhân vật chính, nhưng là người đi trước để chuẩn bị cho Chúa đến sau. Tất cả là vì Chúa và cho Chúa, Đấng Cứu Thế.
Giảng Tin Mừng là giảng về “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần!” Môn đệ chỉ giảng về Chúa thôi. Việc Chúa đến là tin mừng, là niềm vui cho muôn người.
Không độc quyền làm chủ việc rao truyền Tin Mừng: Chia sẻ với đồng nghiệp. Đó là nhiệm vụ chung. Tin mừng là của Chúa, để rao truyền về Chúa, chứ không của riêng cá nhân nào.
Tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng: Không cần cụ bị hay dự trù hành trang cồng kềnh. Chúa không quên ơn và cũng không để những ai làm việc cho Ngài phải thiếu thốn.
Đừng chào hỏi ai dọc đường. Không nên để mất thời giờ vào những giao tế không cần thiết. Bao nhiêu người khác đang cần nghe Lời Chúa, vì “lúa chín đầy đồng!”
Cuộc đời truyền giáo đầy khó khăn. Nhưng sẽ thành công vì luôn có Chúa đồng hành.

II.        Vấn nạn P.Â.    
Khó tìm thấy một nối kết nào giữ bài đọc I, bài trích sách Tiên Tri Isaia chương 66.10-14 và bài Phúc Âm thánh Luca hôm nay?

Isaia được kêu gọi làm tiên tri năm 742 trước công nguyên. Ông thi hành sứ mạng tiên tri qua ba triều đại: Jotham, Achaz và Ezechia. Dưới thời vua Achaz, thời chính trị Israel yếu kém và sợ sự lấn chiếm của ngoại bang. Isaia tiên báo về Đấng Emmanuel ra đời trong chương 7. 3-14. Đấng Emmanuel đến sẽ ban bình an cho muôn dân. Emmanuel là tên Chúa Giêsu và có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Nên trong Phúc Âm Luca hôm nay Chúa dặn môn đệ trước khi đi truyền giáo “Vào bất cừ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” Đây là câu chào hỏi, câu chúc lành và cũng là lời tuyên bố là: Chúa đến! Bình an là Chúa! Chúc bình an là cầu Chúa đến hiển trị.

Nên các môn đệ đi truyền giáo là mang Chúa đến mọi tâm hồn, cũng giống như tiên tri Isaia trong Cựu Ước đã tuyên bố về Đấng Emmanuel sẽ đến, tức Đấng mang bình an, yên ủi và là thời giải phóng và thời khải hoàn cho dân Chúa.

Trong Cựu Ước, tiên tri là những sứ ngôn của Chúa được Chúa chọn để chuẩn bị cho mọi người đón nhận Chúa là Đấng Emmanuel, Đấng Bình an và mang niềm vui hạnh phúc cho muôn nhà. Trong Tân Ước, chính Đấng Emmanuel sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, chuẩn bị cho dân chúng đón Đấng ban Bình an, giải thoát và hạnh phúc cho con người.

Qui luật truyền giáo:

Ai là người ra những qui luật hay nguyên tắc về truyền giáo?

Thưa chính Chúa Giêsu, bản thân Ngài là Đấng được sai đi, Ngài là Đấng Messiah, là sứ giả của Thiên Chúa, là con Trời được sai xuống trần để thi hành sứ mạng cứu đời. Ngài là nhà truyền giáo tiên khởi. Chỉ mình Ngài mới có khả năng và có quyền ra những qui luật truyền giáo.

Qui luật truyền giáo được nhà truyền giáo Giêsu thiết lập có những điểm chính như sau:

Môn đệ Chúa là người được Chúa chọn và sai đi truyền giáo. Nên không ai có quyền tự cho mình là môn đệ Chúa và tự động đi truyền đạo. Chúa chọn và Chúa sai đi. Trong sách tiên tri Isaia chương 61.1 và Phúc Âm Luca chương 4.18 đều nói về “Thần Khí Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ và tuyên bố năm hồng ân cho kẻ bị giam cầm..”

Truyền giáo là đi trước để chuẩn bị cho người ta đón rước Chúa. Chúa là nhân vật chính, là Đấng Cứu Thế. Nên truyền giáo là giảng về Chúa và giảng Tin Mừng rằng: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần! Hãy nhớ lời Thánh Phaolô trong thư gửi Giáo Đoàn Corintô chương 3.5-9 “Vậy A-pô-lô là gì ? Phao-lô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.  Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.  Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình.  Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên”

Tin tưởng phó thác vào tình yêu thương và ơn huệ đặc biệt dành cho người truyền giáo: Đừng để mình trở nên cồng kềnh, hay quá bận bịu với những trang bị vật chất hay những giao tế và những gắn bó tình cảm như chào hỏi, kết thân làm quen, nhận họ hàng nhưng phải chú trọng đến việc mang Chúa hay Tin Mừng đến cho mọi người “Bình an cho nhà nầy! và giảng về “Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến gần!”
Tính đơn sơ “ăn những gì người ta dọn!” Nếp sống đơn giản “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” sẽ là một minh chứng về sứ mệnh tông đồ của mình: Tông đồ được chọn và được sai đi. Không đòi hỏi, nhưng chấp nhận những gì được chiêu đãi. Tính đơn sơ và nếp sống nghèo hèn đơn giản sẽ làm cho dân chúng mộ mến, tin tưởng và rộng rãi với người tông đồ.
Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Tông đồ Chúa không được “shop around” để cân đo, so tính xem chỗ nào “ngon” hơn hay tiện nghi hơn và quyết định “đóng đô” nơi ngon lành nhất. Nếu làm như thế sẽ gây sự buồn phiền mặc cảm cho những gia đình nghèo. Họ sẽ không bao giờ được phúc đón vị tông đồ của Chúa. Tông đồ Chúa không chọn, nhưng chấp nhận và vui lòng với những gì mình có hay mình được tiếp đón. 
Lúa chin đầy đồng: Cánh đồng truyền giáo mênh mông, hàng triệu người cần nghe rao giảng tin mừng. Đừng để Tin Mừng Chúa bị giới hạn trong một làng, một thị trấn hay một khu vực nào đó. Tin mừng Chúa là niềm vui, là bình an, là chính Chúa cần được mang đi khắp nơi. Việc rao giảng Tin Mừng cần phải sang sẻ cho người khác. Từng hai người một hay từng 10 người, từng 100 người đều có nhiệm vụ rao giảng tin mừng. Tin mừng không có “copy right” hay giữ bản quyền.

Nhà truyền giáo sẽ gặp nhiều chông gai như chiên được sai vào giữa đàn sói. Nhưng rồi “cả ma quỉ cũng phải khuất phục chúng con!” Có khó khăn, có thử thách, có chết chóc… nhưng “tên anh em đã được ghi trên trời” Đó là phần thưởng bội hậu dành cho người rao giảng Tin Mừng Chúa.

Có những linh mục đang tuổi hoạt động nhưng không thấy ở trong nhà xứ và cũng không thi hành công tác mục vụ gì cả, nghĩa là thế nào?

Thật sự không ai có thể trả lời thỏa đáng: tại sao một linh mục đang tuổi làm việc mà lại “bị thất nghiệp” trừ chính đương sự và Đức Giám Mục hay Bề Trên của đương sự. Tôi xin áp dụng bài phúc âm hôm nay để nói là vị tông đồ nầy đã không được sai đi thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Tại sao?
Có thể linh mục nầy vì lý do gì đó đã không sống và làm việc trong địa phận mình nhập tịch. Linh mục phải có địa phận gọi là linh mục địa phận hay dòng tu gọi là linh mục dòng theo như điều 265 trong Giáo Luật: “Bất cứ giáo sĩ nào cũng phải nhập tịch hoặc vào một Giáo Hội địa phương hoặc vào một phủ Giám Chức tòng nhân hoặc vào một Dòng tu nào hoặc vào một Tu đoàn hưởng năng quyền ấy; bởi đó, tuyệt đối không chấp nhận các giáo sĩ không có Bề Trên hoặc lang thang”
Nên có thể linh mục nầy đang lang thang chăng? Như trường hợp một số linh mục rời VN. sang định cư bên Mỹ theo diện HO.và chưa nhập hay bị từ chối nhập tịch một địa phận bên nầy. Trường hợp như thế, vị linh mục nầy vẫn có thể làm lễ riêng và chỉ được ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân trong trường hợp nguy tử. Còn những công tác mục vụ công khai khác thì không được phép vì không có năng quyền do Giám Mục địa phương ban. Chúng ta có thể nói một cách cho dễ hiểu giống như một sinh viên tốt nghiệp y khoa, có khả năng khám bệnh, nhưng không ai mướn thì làm sao thi hành khả năng “bác sĩ” mình đang có. Vị bác sĩ “thất nghiệp” nầy không thể ngang nhiên tới nhà thương đưa bằng Bác sĩ và khám bệnh được. Ông có thể thực hiện khả năng bác sĩ của mình trong trường hợp một bệnh nhân nguy tử khi không sao tìm thấy y tá hay bác sĩ.
Có một điều cần biết về chức thánh linh mục và bài sai hay năng quyền. Sau khi được phong chức linh mục, vị tân linh mục là linh mục đời đời. Tuy nhiên không có nghĩa là vị linh mục nầy có quyền làm tất cả mọi bí tích và mọi công tác mục vụ trên toàn thế giới. Thánh chức ban cho linh mục được quyền dâng lễ. Bài sai của Đức Giám Mục mới cho linh mục năng quyền dâng lễ công khai nơi mình được bổ nhiệm cũng như ban bí tích và thi hành công tác mục vụ. Vị linh mục “thất nghiệp” nầy không thể đến một nhà thờ nào đó, đưa thẻ linh mục và làm lễ hay cử hành bí tích công khai. Chiên nào cũng có đàn và có chuồng cũng như có chủ chiên. Chủ chiên là người được sai, tức người đi qua cửa mà vào chuồng chiên.  Chúa là chủ chiên mà cũng là cửa chuồng chiên. Giám Mục là chủ chiên và cũng là cửa chuồng chiên giáo phận. Phải có “bài sai” mới có năng quyền thi hành nhiệm vụ chủ chăn.

III.      Thực hành P.Â.:
Nếp sống đơn giản ít tốn kém và rất tự do
Tôi có dịp nhận ra nhiều trói buộc do tính thiếu đơn giản của bản thân:
Tôi thích uống Iced-Cap, nó giống như loại cà phê sữa đá của Việt Nam mình. Nên khi lái xe, tôi phải đảo mắt tìm chỗ bán Iced-Cap. Nhiều khi tôi phải đánh vài vòng mới tìm ra quán cà-phê có Iced-Cap. Khi có được ly Iced-cap to tướng trong xe, tôi cứ phải bận bịu thưởng thức chầm chậm từng ngụm càphê lạnh nầy. Nếu uống chưa xong trên xe thì tôi phải mang Iced-Cap theo. Tôi vất vả với túi xách, với áo khoát, với những dụng cụ linh tinh khác và với Iced-Cap. Vào phòng họp hay nơi làm việc, tôi tiếp tục thưởng thức từng ngụm càphê lạnh…Nhiều khi bận vướng quá nhiều chuyện, tôi làm đổ ly Cà-Phê hay phải tìm chỗ có thùng rác để vất ly Iced-Cap rỗng. Công việc không tập trung được vì ly cà-phê.
Đúng là mình lệ thuộc vào những chuyện không cần thiết. Tôi đã tự tạo cho mình nếp sống bề bộn, thiếu đơn giản nầy. Nước lạnh là thức uống tốt nhất cho sức khỏe, cho việc thanh lọc thân thể mà lại rẻ tiền. Từ trước, tôi chỉ uống nước lạnh và uống trước khi vào làm việc. Nhưng khi chạy theo “mode” uống Iced-Cap, tôi tự làm cho mình lệ thuộc, mất tự do và tốn kém.
 Đức Thánh Cha Phanxicô càng ngày càng được toàn thế giới ngưỡng mộ vì tính đơn sơ và đơn giản của Ngài. Ngài không có nhiều đồ đạc phải di chuyển từ Á Căn Đình tới Rôma. Tài sản của Ngài là người nghèo. Người nghèo thì nhiều vô kể và ở mọi nơi. Nên ở tại Rôma Ngài có đủ người nghèo để làm tài sản cho mình.
Khi còn làm Hồng Y Tổng Giám Mục ở Á Căn Đình, cứ cuối tháng là Ngài mang 30 cọng dây thun tới trao cho người giao báo. Đây là những dây thun cột gói báo trao cho Ngài mỗi sáng. Ngài cám ơn người giao báo và giữ những cọng dây thun rẽ tiền nầy nhằm tiết kiệm chút ít cho người lao động.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về tính thiếu đơn giản và nếp sống cồng kềnh bề bộn của mình. Chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi là chuyện khó làm cho người sống thiếu đơn giản. Nhiều khi chúng ta hiểu lầm là càng mua sắm nhiều vật dụng là càng tiện nghi và sung túc. Không đâu! Càng tạo nhiều nhu cầu bản thân là càng lệ thuộc và tốn kém.
Tôi có kinh nghiệm về sự thuyên chuyển nhiều trong đời linh mục. Nên chỉ mua sắm những gì thật sự cần thiết cho bản thân và cho công việc. Càng nhiều, càng tốn kém, càng mất giờ và nhiều khi phí phạm vì không cần đến. Dù sao, cuộc đời nầy cũng là một hành trình và mọi người đều được kêu gọi và sai đi truyền giáo, sai đi rao giảng tin mừng. Người ta chỉ mừng khi thấy một người đơn sơ, có nếp sống đơn giản hơn là một người quá bận bịu với quá nhiều thứ nhu cầu cá nhân, bề bộn với những bận vướng gia đình hay chuyện riêng tư. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép… vì thợ đáng ăn lương mà!
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 



Một buổi tối nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại vận động trường Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc. Ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy!” Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên “Đã thấy!”
Sau khi đèn được bật sáng, ông John Keller giải thích: “Anh sáng của một hành động nhân ái nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc, cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận: “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.
Đã qua hơn 2000 năm những lời dạy của Chúa Giêsu vẫn như đang nói với chúng ta hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Thế giới có trên 6 tỉ người, mà kẻ tin vào Chúa mới chỉ hơn một tỉ. Riêng tại Á Châu, chiếm 2/3 dân số thế giới, nhưng người Công giáo chỉ không tới 3/o.
Cánh đồng lúa mênh mông còn bị bỏ hoang không thợ gặt hái. Thế giới này dường như vẫn còn mò mẫm trong bóng đêm dày đặc của sự dữ, của tranh chấp, của oán thù; rất cần những đốm sáng của tình thương, của khoan dung, của tha thứ. Thế nên, không lạ gì Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói”.
“Ra đi” chứ không phải “ở lại”, đó là một lệnh truyền. Cả cuộc đời của Thầy là một hành trình: Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường. Thầy luôn lên đường và không ngừng ra đi. Công đồng Vaticanô II cũng long trọng khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng qủa quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”
Vậy ơn gọi của người tín hữu Kitô là “ra đi”.
Ra đi đem “bình an” đến cho các dân tộc, bình an giữa mọi người với nhau, bình an với Chúa.
Ra đi chữa lành bệnh nơi thể xác cũng như trong tâm hồn.
Ra đi loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần, nước tình yêu và ân sủng, nước công chính và bình an.
Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Khốn cho thân tôi: nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Nhưng việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, và lời rao giảng sẽ soi sáng cho việc làm. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm. Đúng như L. Moody đã nói: “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ỉ, chúng chỉ chiếu sáng”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai chúng con ra đi không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, là để chúng con được siêu thoát mà lên đường, không cậy dựa vào sức riêng hay trần thế, nhưng chỉ phó thác nơi một mình Chúa mà thôi.
Xin cho chúng con luôn tin tưởng lên đường, dám sống chết cho sứ mạng Chúa đã trao ban. Amen.
Thiên Phúc.
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Lectio: Chúa Nhật XIV Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 7 Tháng 7, 2013
Bảy mươi hai môn đệ được sai đi.
Gầy dựng lại đời sống cộng đoàn
Lc 10:1-12, 17-20


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen. 

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Sự rao giảng của Chúa Giêsu lôi cuốn nhiều người theo (Mc 3:7-8).  Một cộng đoàn nhỏ bắt đầu thành hình chung quanh Chúa.  Thoạt đầu, với hai người (Mc 1:16-18); rồi thêm hai người nữa (Mc 1:19-20); sau đó là mười hai người (Mc  3:13-19); và bây giờ trong đoạn Phúc Âm của chúng ta, đã có hơn bảy mươi hai người (Lc 10:1).  Cộng đoàn tiếp tục tăng triển.  Một trong những điều Chúa Giêsu khẳng định là đời sống cộng đoàn. Chúa đã làm gương.  Người không bao giờ muốn làm việc gì một mình.  Việc đầu tiên Chúa đã làm khi Người bắt đầu đi rao giảng ở Galilê là kêu gọi người ta sống với Người và chia sẻ trong sứ vụ của Người (Mc 1:16-20; 3:14).  Sự liên đới trong tình anh em đã triển nở chung quanh Đức Giêsu là một mường tượng trước về Nước Trời, một bằng chứng về kinh nghiệm mới về Thiên Chúa với Đức Chúa Cha.  Do đó, nếu Thiên Chúa là Cha và Mẹ, thì tất cả chúng ta đều chung một gia đình như anh chị em. Như thế là cộng đoàn được thành hình, một gia đình mới (Mc 3:34-35)

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này nói cho chúng biết về những điều thiết thực để điều hướng bảy mươi hai môn đệ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Nước Trời và trong việc xây dựng lại đời sống cộng đoàn.  Rao giảng Tin Mừng Nước Trời và xây dựng lại đời sống cộng đoàn là hai mặt của cùng một đồng tiền. Một mặt không tồn tại và không thể có ý nghĩa nếu không có mặt kia.  Trong khi đọc Tin Mừng, chúng ta hãy cố gắng tìm kiếm sự liên hệ giữa đời sống cộng đoàn và việc công bố Nước Thiên Chúa.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:


Lc 10:1:  Sứ Vụ
Lc 10:2-3:  Đồng công trách nhiệm
Lc 10:4-6:  Lòng hiếu khách
Lc 10:7:  Sự chia sẻ
Lc 10:8:  Quây quần bên bàn ăn
Lc 10:9a:  Tiếp đón những kẻ bị hắt hủi
Lc 10:9b:  Nước Thiên Chúa đã đến gần
Lc 10:10-12:  Giũ sạch bụi đất ở chân các môn đệ
Lc 10:17-20:  Tên được ghi trên trời

c)  Phúc Âm

1 Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước Người, đếntất cả các thành và các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông rằng:  “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người.  3 Các con hãy đi.  Này Thầy sai các con đi như chiên con đi vào giữa bầy sói rừng. 4 Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này! " 6 Nếu ở đó, có con cái sựbình an, thì sự bình an của các con sẽ ở lại với người ấy; bằng không, sự bình an lại trở về với các con. 7 Các con ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì các con dùng thức đó, vì thợ đáng được trả công.  Các con đừng đi hết nhà nọ sang nhà kia. 8 Khi vào thành nào mà được người ta tiếp đón, các con hãy ăn nhữngthức người ta dọn cho. 9 Hãy chữa những các bệnh nhân trong thành, và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ông." 10 Nhưng khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ mà nói: 11 "Ngay cả bụi đất trong thành các ông dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần." 12 Ta bảo cho các con: trong ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành đó." 
17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng phải vângphục chúng con." 18 Đức Giêsu bảo các ông: "Ta đã thấy Sa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. 19 Đây, Tađã ban cho các con quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi quyền phép của kẻ thù, mà chẳng có gì có thể làm hại được các con. 20 Tuy nhiên, các con chớ vui mừng vì quỷ thần phải vâng phục các con; nhưng hãy mừng vì tên các con đã được ghi trên trời." 

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta

4. Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân

a)  Điều gì làm bạn hài lòng nhất hoặc đánh động bạn nhất trong đoạn Tin Mừng này?  Tại sao?
b)  Bạn hãy nêu ra những điều mà Chúa Giêsu bảo các môn đệ nên làm và những điều cần tránh.
c)  Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều gì qua những lời dạy bảo rất khác lạ với những người thông thường trong cuộc sống hằng ngày?
d)  Làm cách nào mà chúng ta có thể đem áp dụng được những điều Chúa đòi hỏi:  “không mang theo túi tiền”, “đừng đi hết nhà nọ sang nhà kia”, “đừng chào hỏi ai dọc đường”, “giũ sạch tất cả bụi đất ở chân”?
e)  Tại sao những điều dạy bảo này của Chúa Giêsu là dấu hiệu của Nước Thiên Chúa đã đến gần?
f)  Chúa Giêsu bảo chúng ta phải chú tâm vào điều quan trọng nhất khi Người nói:  “tên các con đã được ghi trên trời!”  Điều này mang ý nghĩa gì đối với chúng ta?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng

Giúp cho những ai muốn đào sâu hơn vào chủ đ

a)  Bối cảnh văn học và lịch sử:  

Trước đoạn Tin Mừng này một chút, trong sách Luca chương 9:51, là khởi đầu giai đoạn thứ hai các hoạt động tông đồ của Chúa Giêsu, đó là một cuộc hành trình dài tiến về Giêrusalem (Lc 9:51 đến 19:29).  Giai đoạn thứ nhất diễn ra tại Galilê và bắt đầu bằng các cuộc giảng dạy của Chúa Giêsu trong các hội đường tại Nagiarét (Lc 4:14-21).  Trong giai đoạn thứ hai, Chúa đi đến vùng Samaria, Người gửi sứ giả đi trước (Lc 9:52) và thu nhận thêm các môn đệ mới (Lc 9:57-62).  Giai đoạn hai bắt đầu với việc chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác và với lời huấn dụ sẽ hướng dẫn họ trong các hoạt động mục vụ của họ (Lc 10:1-16).  Do đó, Luca có ý cho chúng ta biết là các môn đệ mới này không phải là những người Do-Thái đến từ Galilê mà là người Samaria, và nơi mà Chúa Giêsu công bố Tin Mừng không còn là miền Galilê nữa mà là vùng Samaria, miền đất bị loại trừ.  Mục đích của sứ vụ được trao cho các môn đệ là việc xây dựng lại đời sống cộng đoàn.  Trong thời Chúa Giêsu, nhiều phong trào đã cố thử những phương cách mới về đời sống và đời sống chia sẻ:  các người Biệt Phái, phái Êssêniô, phái Cuồng Nhiệt, Gioan Tẩy Giả và những phái khác.  Nhiều người đã thành lập các cộng đoàn môn đệ (Ga 1:35; Lc 11:1; Cv 19:3) và họ có sứ vụ của mình (Mt 23:15).  Nhưng có một điểm dị biệt lớn.  Lấy ví dụ, những cộng đoàn người Biệt Phái sống tách biệt khỏi dân chúng.  Cộng đoàn chung quanh Chúa Giêsu sống hòa đồng với dân chúng.  Bài sai của Chúa Giêsu trao cho bảy mươi hai môn đệ là thiết lập lại các giá trị truyền thống của cộng đoàn đã bị đánh mất, thí dụ như lòng hiếu khách, sự tiếp đón, sự chia sẻ, sự hòa đồng quây quần bên bàn ăn, chấp nhận những người bị loại trừ.  Chúa Giêsu cố gắng đổi mới và cải tổ các cộng đoàn trong một phương cách mà họ có thể trở thành một khuôn mặt của Lời Giao Ước, một khía cạnh của Nước Thiên Chúa.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 10:1:  Sứ Vụ
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi đến các nơi mà chính Người sẽ tới.  Môn đệ là sứ giả của Chúa Giêsu.  Môn đệ không là tác giả của Tin Mừng.  Chúa Giêsu sai các ông đi từng hai người một.  Điều này giúp cho sự hỗ trợ giữa lẫn nhau và vì thế sứ vụ không phải là dành cho một cá nhân mà là cho cộng đoàn.  Hai người tượng trưng cho một cộng đoàn.
                                                                                                                                                                                          
Lc 10:2-3:  Đồng công trách nhiệm
Việc các ông phải làm trước hết là xin Thiên Chúa sai thợ gặt đến.  Tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu phải cảm thấy có trách nhiệm với sứ vụ.  Vì vậy các ông phải cầu nguyện với Chúa Cha cho sứ vụ được trôi chảy.  Chúa Giêsu sai các môn đệ như chiên con đi vào giữa bầy sói rừng.  Sứ vụ là một việc khó khăn và nguy hiểm. Hệ thống xã hội mà các ông sống, và cũng rất có thể là xã hội chúng ta đang sống ngày nay, tiếp tục phản kháng lại việc thay đổi tổ chức về lối sống của người ta trong cộng đoàn.  Bất cứ ai, giống như Chúa Giêsu, công bố tình yêu thương trong một xã hội được tổ chức thiên về lòng vị kỷ cá nhân và bè phái, thì sẽ trở thành một chiên con giữa bầy sói rừng và sẽ bị đóng đinh.

Lc 10:4-6:  Lòng hiếu khách
Các môn đệ của Chúa Giêsu không được mang theo vật gì bên mình, không túi tiền, không giầy dép.  Các ông chỉ được phép mang theo là sự bình an.  Điều này có nghĩa là các ông đã phải nương nhờ vào lòng hiếu khách của dân chúng.  Vì thế người môn đệ là kẻ không mang theo vật gì bên mình ngoại trừ sự bình an, cho thấy là người ấy tin tưởng vào người ta.  Ông nghĩ là mình sẽ được chấp nhận và do đó người ta sẽ cảm thấy họ được tôn trọng và được thừa nhận.  Bằng cách này, các môn đệ đã phê phán các lề luật liên quan đến sự phân chia giai cấp và đưa ra các giá trị truyền thống về sự chia sẻ công đoàn của dân Thiên Chúa.  Không chào hỏi ai dọc đường có nghĩa là các ông không nên lãng phí thì giờ vào bất cứ việc gì không liên quan đến sứ vụ. Điều này có lẽ muốn nhắc đến câu chuyện cái chết của con trai người Sunêm, nơi tiên tri Ê-li-sa nói với người đày tớ:  “Hãy ra đi!  Nếu gặp ai thì đừng có chào” (2 V 4:29), bởi vì đây là vấn đề về sự sống và cái chết.  Công bố Tin Mừng của Thiên Chúa là vấn đề giữa sự sống và cái chết!

Lc 10:7:  Sự chia sẻ
Các môn đệ không được di chuyển từ nhà này sang nhà nọ, nhưng phải ở lại trong cùng một ngôi nhà.  Các ông phải sống chung với nhau, chia sẻ đời sống và công việc với người dân địa phương, và ăn uống những thứ họ trao cho, vì thợ đáng được trả công.  Điều này có nghĩa là các ông phải tin tưởng vào việc chia sẻ.  Qua cách thực hành mới mẻ này, các ông tái khám phá ra một trong những truyền thống cổ xưa của dân riêng Thiên Chúa, chỉ trích nền văn hóa tích lũy vơ vét là một đặc tính của đế quốc La-mã và để công bố một mô hình mới cho người ta sống chung với nhau.

Lc 10:8  Cuộc sống quây quần bên bàn ăn
Các môn đệ phải dùng những thức người ta dọn cho.  Khi những người Biệt Phái đi thi hành sứ vụ, họ ra đi với sự chuẩn bị sẵn sàng.  Họ mang theo túi tiền để họ có thể mua thức ăn cho riêng mình.  Họ khẳng định rằng họ không thể tin tưởng vào thức ăn của người dân vì các thức ấy không luôn được “tinh khiết”.  Vì thế, việc tuân giữ lề luật tinh khiết, thay vì giúp đỡ để vượt qua những ngăn cách, lại làm suy yếu các giá trị của cuộc sống cộng đoàn.  Các môn đệ của Chúa Giêsu không được sống tách biệt với người ta mà phải chấp nhậncuộc sống quây quần bên bàn ăn.  Khi phải tiếp xúc với dân chúng, các ông không phải lo sợ mất đi sự tinh khiết theo lề luật.  Giá trị cuộc sống cộng đoàn của tình anh em sống chung với nhau thì lớn hơn giá trị việc tuân giữ lề luật.  Bằng cách hành động như thế, các ông đã lên án luật lệ hiện hành về thanh tẩy, và công bố một phương cách thanh tẩy mới, là gần gũi với Thiên Chúa.

Lc 10:9a:  Tiếp đón những kẻ bị hắt hủi
Các môn đệ phải chữa lành những người bệnh tật, chữa sạch những người phong cùi, và xua đuổi ma quỷ (Mt 10:8).  Điều này có nghĩa là các ông phải đón tiếp vào trong cộng đoàn những người đã bị hất hủi bỏ rơi. Thực hành sự đoàn kết là một lời chỉ trích đến xã hội đã loại trừ người ta ra khỏi cộng đoàn.  Và do đó đã tìm lại được truyền thống tiên tri cổ xưa về Đấng Cứu Chuộc.   Vào thời xa xưa, sức mạnh của gia tộc hay cộng đoàn đã được mặc khải trong việc bảo vệ giá trị của con người, gia đình và sở hữu đất đai, và được thực hành một cách cụ thể mỗi “bảy lần bảy năm” qua việc cử hành Năm Thánh (Lv 25:8-25; Đnl 15:1-18)

Lc 10:9b:  Nước Thiên Chúa đã đến gần
Hiếu khách, chia sẻ, sống quây quần, tiếp đón những người bị loại trừ (người che chở) là bốn trụ cột để duy trì đời sống cộng đoàn.  Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn của nghèo đói, thất nghiệp, sự ngược đãi và đàn áp từ người La-mã, những trụ cột này đã bị gãy đổ.  Chúa Giêsu muốn xây dựng lại những tru cột này và khẳng định rằng, nếu dân chúng tìm trở lại với bốn giá trị này, thì các môn đệ có thể công bố với bốn phương:  Nước Thiên Chúa đã đến gần!  Lời công bố về Nước Trời không có nghĩa là giảng dạy về chân lý và đạo lý, mà là đem người ta đến một phương pháp mới để sống và chia sẻ, một phương cách mới để hành động và suy nghĩ, dựa trên Tin Mừng mà Chúa Giêsu công bố rằng:  Thiên Chúa là Cha và do đó tất cả chúng ta đều là anh chị em.  

Lc 10:10-12:  Giũ sạch bụi đất ở chân các môn đệ
Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được một lời đe dọa cứng rắn như thế?  Đức Giêsu đã đến để mang lại một điều hoàn toàn mới mẻ.  Người đến để phục hồi các giá trị đời sống cộng đoàn xa xưa:  lòng hiếu khách, sự chia sẻ, đời sống quây quần và chào đón những kẻ bị hắt hủi.  Điều này giải thích mức độ nghiêm trọng của những lời được dùng đối với những ai từ chối chấp nhận lời rao giảng.  Họ không từ chối chấp nhận điều gì mới lạ, mà chính là quá khứ của mình, nền văn hóa riêng và sự khôn ngoan của họ!  Chương trình của Chúa Giêsu dành cho bảy mươi hai vị môn đệ là nhắm vào khơi dậy lại ký ức, khôi phục lại giá trị đời sống cộng đoàn của truyền thống lâu đời nhất, để xây dựng lại cộng đoàn và nhắc lại lời Giao Ước, để canh tân đời sống và do đó Thiên Chúa là Tin Mừng mới tuyệt vời trong đời sống của mọi người.
                                                                                              
Lc 10:17-20:  Tên được ghi trên trời
Các môn đệ sau khi đi rao giảng trở về sum họp với Chúa Giêsu để duyệt xét lại những việc các ông đã làm. Các ông bắt đầu kể lại những công việc của mình.  Với niềm vui lớn lao, các ông thông báo lại với Người rằng, nhân danh Đức Giêsu, họ đã có thể xua đuổi được ma quỷ!  Chúa Giêsu giúp các ông phân tách và sự nhận thức của mình.  Nếu các ông đã có thể xua trừ được ma quỷ, đó là vì Chúa Giêsu đã ban cho các ông quyền năng ấy.  Trong khi các ông còn ở với Đức Giêsu, thì không ma quỷ nào có thể đến gần các ông. Và theo lời của Chúa Giêsu thì việc quan trọng nhất không phải là xua trừ được ma quỷ, mà là tên của các ông đã được viết trên trời.  Để có tên được viết ở trên trời có nghĩa là chắc chắn được Chúa Cha biết đến và được yêu mến. Trước đây, các ông Giacôbê và Gioan đã xin để cho lửa từ trời xuống tiêu diệt người Samaria (Lc 9:54).  Bây giờ, qua việc công bố Tin Mừng, Satan như một tia chớp từ trời sa xuống (Lc 10:18) và tên của các môn đệ người Samaria được ghi trên trời!  Trong những ngày ấy, nhiều người nghĩ rằng bất cứ điều gì thuộc về người Samaria là thuộc về ma quỷ, thuộc về Satan (Ga 8:48).  Chúa Giêsu đã thay đổi tất cả!

c)  Phụ chú

Các cộng đoàn nhỏ đang được thành hình tại miền Galilê và tại Samaria tất cả chỉ là “một sự mường tượng trước về Nước Trời”.  Cộng đoàn sống chung quanh Chúa Giêsu ví như dung mạo của Thiên Chúa được biến thành Tin Mới cho dân chúng, hơn hết cả là cho những người nghèo khó.  Cộng đoàn của chúng ta có giống như thế không?

Đây là một số đặc điểm của cộng đoàn đã phát triển chung quanh Chúa Giêsu.  Đây là những đặc điểm về dung mạo Thiên Chúa đã được mặc khải trong họ.  Chúng có thể dùng như một tấm gương cho việc duyệt xét lại cộng đoàn chúng ta:
i)  “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8).  Nền tảng của cộng đoàn không phải là kiến thức hoặc quyền lực, nhưng sự bình đẳng giữa các anh chị em.  Đó là tình anh em.
ii)  Chúa Giêsu nhấn mạnh về sự bình đẳng giữa nam và nữ (Mt 19:7-12) và giao việc cho các ông lẫn các bà (Mt 28:10, Mc 16:9-10, Ga 20:17).  Tất cả mọi người đều “đi theo” Chúa Giêsu từ miền Galilê (Mc 15:41; Lc 8:2-3).
iii)  Họ đã có một ngôi nhà chung được chia sẻ với người nghèo khó (Ga 13:29).  Việc chia sẻ này phải thấm nhuần vào hồn và tâm trí của tất cả mọi người (Cv 1:14; 4:32).  Nó phải đạt tới điểm rằng không có một bí mật nào giữa họ (Ga 15:15).
iv)  Sức mạnh của sự phục vụ.  “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người!” (Mc 10:44)  Chúa Giêsu đã nêu gương (Ga 13:15).   “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ” (Mt 20:28). “Đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:27).  “Chúng tôi là những đày tớ vô dụng!” (Lc 17:10)
v)  Bởi vì có nhiều mâu thuẫn và chia rẽ, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng cộng đoàn phải là nơi của sự tha thứ và hòa giải, không phải là nơi để chỉ trích lẫn nhau (Mt 18:21-22; Lc 17:3-4).  Quyền tha thứ đã được trao cho thánh Phêrô (Mt 16:19), các thánh tông đồ (Ga 20:23) và các cộng đoàn (Mt 18:18).  Ơn tha thứ của Thiên Chúa đã được truyền xuống đến cộng đoàn.
vi)  Họ đã cầu nguyện với nhau trong Đền Thờ (Ga 2:13, 7:14, 10:22-23).  Thỉnh thoảng Chúa Giêsu tập họp họ lại thành những nhóm nhỏ hơn (Lc 9:28; Mt 26:36-37).  Họ cầu nguyện trước bữa ăn (Mc 6:41; Lc 24:30, thường xuyên đi đến các hội đường (Lc 4:16)
vii)  Niềm vui mừng không ai có thể lấy đi được (Ga 16:20-22).  “Phúc cho anh em!”  Tên của anh em đã được ghi trên trời (Lc 10:20), mắt của họ sẽ được thấy những gì đã hứa (Lc 10:23-24), Nước Thiên Chúa là của anh em! (Lc 6:20).

Cộng đoàn chung quanh Chúa Giêsu là một mẫu mực cho các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi sau khi Chúa Phục Sinh (Cv 2:42-47)!  Cộng đoàn này được ví như
dung mạo của Thiên Chúa được biến đổi thành Tin Mừng cho thế gian.
                                                      
6.  Đáp Ca Thánh Vịnh 146 (145)


Dung mạo của Thiên Chúa, được xác nhận bởi Đức Giêsu

1 Alêluia!  Ca tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
2 Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng CHÚA,
sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời.

3 Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế,
nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.
4 Họ tắt hơi là trở về cát bụi,
dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.

5 Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacóp phù hộ
và cậy trông CHÚA, Thiên Chúa họ thờ.
6 Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi
cùng muôn loài trong đó.
Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,
7 xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
CHÚA giải phóng những ai tù tội,

8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chuộng những người công chính.
9 CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.

10 CHÚA nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời. 

7. Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét