Chúa Nhật
Ngày 21/07/2013
Chúa Nhật
Tuần 16 Mùa Thường Niên Năm C
(Phần I)
BÀI ĐỌC I: St 18, 1-10a
"Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và
Sara được một đứa con trai".
Trích sách Sáng Thế.
Trong
những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông
ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện,
đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp
mình lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ
đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít
bánh mời các Đấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Đấng đã
ghé vào nhà con". Các Đấng ấy nói: "Như ông đã ngỏ, xin cứ làm".
Abraham
liền vào lều, và bảo Sara rằng: "Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng".
Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem
đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Đấng. Chính ông
đứng hầu các Đấng dưới bóng cây.
Ăn
xong, các Đấng hỏi Abraham rằng: "Sara bạn ông đâu?" Ông trả lời:
"Kìa, bạn con ở trong lều". Một Đấng nói tiếp: "Độ này sang năm,
khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được
một con trai". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Đáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ
trên núi thánh của Chúa? (c. 1a)
1) Người sống thanh liêm
và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời
vu khống.
2) Người không làm ác hại
bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân,
nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
3) Người không xuất tiền
đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những
điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
BÀI ĐỌC II: Cl 1, 24-28
"Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày
cho các thánh".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em
thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em.
Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của
Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành
người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho tôi
rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ,
nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ
biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Đức
Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh
mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên
hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lời
Chúa.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! -
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán
ra. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 10, 38-42
"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô
theo Thánh Luca.
Khi ấy,
Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình.
Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận
rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em
con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp
con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều
chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị
ai lấy mất". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Phục vụ Lời Chúa
Chúng ta
chưa quên bài Tin Mừng Chúa nhật trước về người Samaria nhân ái. Chúa dạy chúng
ta phải thi hành bác ái yêu thương để sống đạo. Tuy nhiên phụng vụ cũng đã đề
phòng, không muốn cho ai ngộ nhận đạo chỉ là từ thiện.
Bài Tin Mừng
hôm nay muốn củng cố quan niệm này. Chúng ta thấy Ðức Giêsu có vẻ khen Maria
hơn Matta. Nhưng để hiểu rõ ý Chúa, chúng ta hãy nhờ tất cả các bài Kinh Thánh
của phụng vụ hôm nay.
Câu chuyện
Abraham tiếp khách trong bài đọc I và tâm tư của Phaolô trong bài đọc II sẽ
giúp chúng ta không quá khích khi suy diễn Lời Chúa.
1. Phục Vụ Là Ðiều Ðáng Khen
Thật vậy,
ai không thấy Abraham là người đặc biệt trong câu chuyện hôm nay. Ở thời bấy giờ
dễ gì tìm được một người nào quảng đại và hồn nhiên đến như thế? Chúng ta phải
nhớ lại những thời buổi xa xưa ở những dân tộc rất hiếu khách để hiểu câu chuyện
này.
Abraham
hôm ấy đang ngồi nghỉ trưa ở cửa lều, dưới bóng một cây sồi to. Chắc chắn sức
nóng của mặt trời đúng ngọ ở nơi sa mạc tắt gió đang làm cho thân thể ông uể oải
và buồn ngủ. Nhưng kìa ở đàng xa có bóng ba người tiến đến. Ba lữ khách đi vào
giờ này giữa bãi cát mênh mông và nóng bỏng phải là những người đặc biệt gì
đây.
Người ta ở
thời Abraham và riêng trong vùng Cận Ðông, hay chuyền tai nhau những câu chuyện
lạ lùng: thần thánh hay lấy hình khách lạ đến viếng thăm vào những lúc bất ngờ
để thử thách lòng người. Abraham có lẽ cũng chia sẻ niềm tin ấy. Bóng dáng ba
người khách đang tiến về phía lều của ông vào giờ trưa nóng bức, oi ả và mệt mỏi
lúc này, có thể là một chuyện bất ngờ.
Ông liền bỏ
lều chạy ra về phía khác. Ông sấp mình chào hỏi. Ông tự đặt mình như tôi tớ của
những nhân vật kỳ lạ. Và có lẽ ông nghĩ nhân vật đi giữa hẳn có ưu vị, nên tuy
đứng trước ba vị ông vẫn thưa như chỉ muốn thỉnh ý người quan trọng hơn:
"Thưa Ngài, nếu tôi được nghĩa trước mặt Ngài, thì xin Ngài đừng xa rời tôi
tớ của Ngài". Rồi không kịp để cho khách trả lời và muốn cho khách thấy
lòng thành của mình mà không thể từ chối được, Abraham nói một hơi, xin đem nước
cho các Ngài rửa chân và đem của ăn đến cho các Ngài lót lòng, trước khi các
Ngài tiếp tục cuộc hành trình.
Dĩ nhiên
là khách chấp nhận. Và chúng ta lại thấy Abraham, thành khẩn hơn nữa. Ông bảo
bà Sara nhào bột làm bánh. Ông chạy ra chuồng, chính tay lựa con bê non béo tốt,
trao cho đầy tớ làm thịt. Và ông chạy đi lấy sữa và nhũ men. Ông mời khách ngồi
và khúm núm đứng hầu chuyện cũng như hầu bàn. Ông không chờ đợi gì cả; cũng
không nghĩ gì đến mình. Ông chỉ biết có khách và chỉ biết thành khẩn phục vụ, vừa
quảng đại vừa hồn nhiên.
Thái độ của
Abraham khác hẳn cách cư xử của dân thành Sôđôma kể ở chương sau cũng của sách
Khởi nguyên này. Thấy hai người khách lạ vào nhà ông Lot, họ đợi đến chiều tối;
rồi kéo nhau đến đòi chủ nhà phải đem khách ra cho họ bạo hành.
Thế nên
khi đặt hai câu chuyện này gần nhau, rõ ràng tác giả sách Khởi nguyên muốn đề
cao tư cách của Abraham và muốn chúng ta bắt chước. Chúng ta phải hiếu khách và
phục vụ quảng đại. Cựu Ước và Tân Ước không ngừng khuyên nhủ như vậy, không ai
được lấy lẽ đạo đức nào để dèm pha việc phục vụ. Sống đạo mạc khải thì phải thi
hành bác ái yêu thương.
Ở đây để
làm chứng phục vụ là điều đáng khen, rất đẹp lòng Thiên Chúa, tác giả sách Khởi
nguyên đã kết thúc câu chuyện trên bằng một lời hứa hẹn phấn khởi. Dùng bữa
xong quí khách đã cho gia đnìh Abraham biết: vào mùa tới các ngài sẽ trở lại và
khi ấy Sara đã có con trai rồi.
Chúng ta
khó tưởng tượng lòng Abraham và Sara khi nghe báo tin như vậy... Ðó là điều hai
người từng mơ ước chờ đợi. Nhất là chúng ta đừng quên gắn liền lời tiên báo này
vào việc Abraham đãi khách ở trên. Há tác giả sách Khởi nguyên không muốn đặt
việc tiếp khách và phục vụ vào trong viễn tượng của lời giao ước hay sao? Rõ
ràng ông muốn nói rằng đạo chúng tôi đòi hỏi hết thảy có tinh thần phục vụ, phục
vụ rất quảng đại và không tính toán, phục vụ khiêm tốn và hồn nhiên. Abraham
trong câu chuyện này đã được nhiều danh họa vẽ lại vì người ta muốn tấm gương
mà ông treo lên hôm nay phải được người ở mọi thời nhìn ngắm. Người ta phải
khen chứ không thể chê những hành vi phục vụ.
Thế mà sao
thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay lại có vẻ nghĩ thế khác, Matta phục vụ dường
như bị chê; và Chúa thích Maria hơn. Chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn thận về câu
chuyện này.
2. Nhưng Phục Vụ Phải Theo Trật Tự
Matta và
Maria là hai chị em tính tình rõ ràng khác nhau. Họ có một người em tên là
Lazarô mà Ðức Giêsu sẽ làm cho sống lại, ra khỏi huyệt. Có lẽ đó là một trong
những gia đình được Ðức Giêsu đi lại nhiều. Và hôm nay cũng như mọi lần. Matta
muốn tỏ ra không những hiếu khách mà còn quý thầy. "Bà bận rồn với những
công việc phục dịch bộn bàng". Tác giả Luca đã dùng những lời như vậy để
diễn tả con người của bà lúc ấy. Và nếu chúng ta quan sát bà trong câu chuyện Ðức
Giêsu làm cho em trai bà là Lazarô sống lại, chúng ta cũng vẫn thấy bà hoạt động,
đảm đang và để mắt đến hết mọi công việc. Cũng vì vậy mà tuy bận rộn với bao việc
làm ở dưới bếp, mắt bà vẫn còn nhìn thấy thái độ của cô em là Maria. Cô này cứ
ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người và chẳng màng chi đến việc phục dịch giúp
đỡ chị một tay.
Phân tích
tâm lý của Matta và dựa vào câu bà phàn nàn với Chúa: "Em tôi để tôi một
mình phục vụ", có tác giả ngày nay cho rằng việc phục vụ của bà chưa quảng
đại đủ vì chưa quên mình đủ. Khác với Abraham. Vị tổ phụ ngày xưa chỉ biết phục
vụ, chỉ nhìn đến khách và không mảy may nghĩ đến mình. Matta thì không. Bà phục
vụ nhưng nhìn thấy mình đang phục vụ... Bà chưa dồn hết mắt, hết lòng, hết linh
hồn cho Chúa và cho việc tiếp rước. Bà còn thấy mình ở giữa những sự đó và còn
muốn so sánh tìm cho được chỗ xứng đáng của mình. Cũng có thể bà sợ Chúa không
để ý đến bà và không biết được các nỗi vất vả của bà.
Nhưng
Matta lầm. Ðức Giêsu biết rõ mọi việc. Người không phán đoán bà một cách ngặt
như các nhà phân tích tâm lý chúng ta vừa nói đâu. Người luôn dùng mọi hoàn cảnh
để đưa người ta vào Nước Trời. Thế nên, nghe Matta phàn nàn về cô em, Ðức Giêsu
âu yếm gọi "Matta, Matta". Rồi Người hé cho bà thấy mầu nhiệm Nước
Thiên Chúa: "Con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Chỉ có một điều cần mà
thôi. Maria đã chọn phần tốt rồi; và sẽ không bị lấy mất".
Câu Chúa
trả lời có thể đau cho Matta, nếu chúng ta nghĩ đây là lần duy nhất Người nói
những lời tương tự. Nhưng ngược lại, nếu đọc lại các sách Tin Mừng và nhất là
tác phẩm của Luca chúng ta sẽ thấy ở đây Ðức Giêsu chỉ áp dụng một giáo huấn mà
Người không ngớt dạy dỗ. Ðã nhiều lần Người căn dặn môn đệ: đừng lo lắng quá mức
về của ăn áo mặc, đừng lo mang tiền mang bị khi đi đường, đừng xao xuyến sẽ phải
ăn nói thế nào... vì chỉ có một điều cần mà thôi là hãy tìm Nước Thiên Chúa trước
đã.
Như vậy, nếu
chúng ta hiểu rằng lúc ấy Ðức Giêsu đang ngồi trong nhà chị em Matta và Maria;
và Người lợi dụng lúc chờ đợi dọn bữa mà có người muốn nghe lời; và Người đang
dạy dỗ môn đệ và người ta; mà Matta sấn lại thưa như trên, muốn kéo cô em ra khỏi
thái độ làm môn đệ là ngồi dưới chân để nghe Lời Chúa, thì dứt khoát Chúa phải
trả lời lại cho Matta như vậy. Bà phải chen việc phục vụ bàn ăn vào việc phục vụ
Lời Chúa, làm rối loạn công việc này, thì cũng như Phêrô sẽ nói sau này trong
sách Công vụ các Tông đồ: "Không phải là điều đẹp lòng Chúa nếu chúng ta
nhãng bỏ Lời Thiên Chúa mà đi lo giúp việc bàn ăn". Chúng ta biết cũng
chính tác giả Luca viết câu chuyện này về các tông đồ phải chuyên lo cầu nguyện
và phục vụ Lời Chúa; còn việc phục vụ bàn ăn thì phải để lại cho những anh em đầy
Thánh Thần được cộng đoàn bầu lên.
Không có một
chút xíu tinh thần coi khinh việc phục vụ trong các câu chuyện này. Chỉ có một
thứ tự phải nhìn nhận là chính đáng.
Ðó là việc
phục vụ bàn ăn không được làm xáo trộn việc phục vụ Lời Chúa. Không được giựt
ai ra khỏi thái độ làm môn đệ, thái độ mà Maria đã chọn, để đưa họ về thái độ
phục vụ như tôi tớ. Matta lầm khi không nhìn thấy thái độ ngồi nghe Lời Chúa
cũng là phục vụ và là phục vụ cần thiết hơn. Bà cũng nên biết phục vụ của bà có
phần bận rộn bộn bàng đó. Abraham đã phục vụ hết tình nhưng bình tĩnh vô cùng.
Dù sao,
như đã nói không nên coi câu trả lời của Chúa như là những ý tưởng chỉ nói cho
Matta và chỉ phát biểu có lần này ở đây thôi. Hiểu như vậy không thể nào không
thương cho Matta được. Nhưng nếu hiểu đây là giáo huấn Chúa nói với mọi người
và đã từng lặp lại ở nhiều trường hợp khác nhau, thì Matta không có gì phải buồn.
Bà chỉ cần khiêm nhường đón lời mạc khải của Chúa về mầu nhiệm Nước Trời. Và Lời
ấy sẽ có giá trị cứu độ. Vì nó nhắc nhở cho tất cả chúng ta nhớ luôn luôn phải
gỡ mình ra khỏi những lo lắng thế gian, cản trở việc tìm kiếm Nước Trời. Và việc
phục vụ bàn ăn, tức là việc phục vụ nói chung, vẫn không bao giờ được làm cản
trở việc phục vụ Lời Chúa.
Nếu trong
bài đọc I, phụng vụ hôm nay đã hết lời ca tụng thái độ phục vụ của Abraham thì
thiết tưởng chúng ta cũng phải dễ tính để cho bài Tin Mừng hôm nay xếp đặt lại
địa vị lắng nghe Lời Chúa và phục vụ Lời Người. Những người thông thái về Nước
Trời phải biết rút ra cả những sự cũ và mới.
Ấy là chưa
kể còn có một thứ phục vụ nữa cũng không được thiếu ở trong đạo ta và nơi đời sống
đạo của chúng ta. Bài thư Phaolô sẽ đề cập đến.
3. Ngay Ðau Khổ Cũng Là Phục Vụ
Phaolô bấy
giờ đang ở trong tù. Có lẽ đúng hơn người đang ở trong tình trạng là tù nhân
nhưng vẫn được tại ngoại. Người gửi thư cho giáo đoàn Côlôsê. Và ở đoạn này,
người nói đến mình không phải tự khoe nhưng để tín hữu hiểu thế nào là ơn gọi
tông đồ.
Ðó là sứ mệnh
được Thiên Chúa chỉ cho để rao giảng Lời Chúa. Riêng trường hợp của Phaolô, việc
rao giảng này lại được quy định nơi dân ngoại, để cả lương dân được thấy mầu
nhiệm của Chúa.
Mầu nhiệm
này ngày trước còn bị giữ kín. Các dân tộc ngày xưa không được biết mạc khải của
Chúa. Nhưng từ ngày Ðức Giêsu Kitô đã lên cây thập giá để hủy bỏ bức tường ngăn
cách giữa dân "cắt bì" và những "dân không cắt bì", thì mọi
dân tộc đều được biết mầu nhiệm phong phú và vinh quang, là mầu nhiệm Ðức Giêsu
Kitô ở giữa mọi người có đức tin để hết thảy được tin tưởng vào vinh quang đang
chờ mình.
Mầu nhiệm
cứu độ này, Phaolô đang phục vụ cho lương dân khi chẳng quản gian lao thử
thách, luôn rao giảng cho mọi người. Nhưng nay bị tù, bị hạn chế và quản thúc,
Phaolô vẫn tiếp tục phục vụ dưới hình thức khác: đó là hình thức chịu đau khổ.
Và đây là
điểm chúng ta nên nhớ, Phaolô coi trọng việc phục vụ Lời Chúa. Không ai đã dám
nói như người: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng cứu độ".
Nhưng nay thấy mình trong thân phận tù nhân và suy nghĩ đến mầu nhiệm Ðức Giêsu
mà mình đã được tuyển chọn để phục vụ, Phaolô nhận ra: Chịu đau khổ cũng là phục
vụ.
Quả vậy,
những đau khổ hiện nay người đang chịu là lo việc rao giảng Lời Chúa, mang Tin
Mừng Nước Trời đến cho các dân tộc. Ðó là những đau khổ tất yếu gắn liền với việc
phục vụ Lời Chúa. Chính Ðức Giêsu vì rao truyền Danh Ðức Chúa Cha mà phải chịu
nhiều đau khổ; và Người cũng đã khẳng định rằng môn đệ phải chịu nhiều đau khổ
để làm chứng cho Người. Người còn nói trước những thử thách lớn lao và bắt bớ dữ
tợn vào thời kỳ sau hết. Thế nên lời rao giảng thánh giá đi đến đâu cũng sinh
ra nhiều tử đạo ở những nơi ấy. Những đau khổ và thử thách lớn lao này không cần
thiết theo nghĩa để bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi thống khổ của Ðức
Giêsu vì lẽ cuộc tử nạn của Người chưa đủ sức để đền bù tội lỗi. Không, thánh
giá của Người thật vinh quang, và máu Người đổ ra đã đem lại ơn cứu độ. Nhưng
khi ơn này đến với chúng ta và nơi các dân tộc chúng ta gặp thấy không thiếu những
thánh giá bên trong và bên ngoài.
Ðó là những
đau khổ cần thiết để kết hiệp chúng ta vào mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô cho
chúng ta được cứu độ. Những thánh giá đó cần cho chúng ta, nhưng thật sự cũng
là cần cho Ðức Giêsu mà Người chưa chịu khi sống ở trần gian này, để cho ơn của
Người chuyển đến chúng ta. Bây giờ các tông đồ và môn đệ của Người phải chịu để
làm công việc ấy. Họ chịu để cho mầu nhiệm Ðức Kitô được sáng lên trong các tâm
hồn. Họ bù đắp những gì còn thiếu sót nơi các nỗi quẫn bách của Ðức Kitô, theo
nghĩa ấy, tức là để ơn của Người đến được với các con người đang được gọi để trở
nên thân thể của Người là Hội Thánh. Chịu những đau khổ như vậy cũng là phục vụ
và là phục vụ Lời Chúa, và là phục vụ một cách sâu xa. Thế nên, thánh Phaolô
cũng như mọi tông đồ chân chính khi gặp đau khổ trong sứ vụ đều có tinh thần của
các tử đạo... Hết thảy đều hân hoan và lấy làm vinh dự vì được thông phần những
đau khổ cứu thế của Ðức Giêsu Kitô.
Như vậy,
phục vụ trong đạo ta có nhiều mặt. Phục vụ bàn ăn và thi hành các việc bác ái
thương người là điều qúy. Nhưng phục vụ Lời Chúa lại là việc không được xao
nhãng vì những lý do phục vụ bác ái.
Và cuối
cùng những kẻ xem ra chẳng phục vụ được gì nhưng đang quảng đại chịu đau khổ
cho mầu nhiệm Ðức Kitô được sáng lên trong Hội Thánh, những kẻ ấy cũng đang phục
vụ và phục vụ rất thánh thiện. Ðiều cần thiết là mỗi người hãy theo ơn gọi của
mình mà phục vụ. Cũng như hết thảy phải phục vụ công việc phải làm vào những giờ
và những nơi nhất định.
Do đó giờ
đây chúng ta phải hết mình phục vụ các mầu nhiệm bàn thờ. Nhưng khi ra khỏi
thánh lễ này, chúng ta lại phải hoàn thành các nhiệm vụ phục vụ anh em và xã hội.
Cũng có thể có những thử thách và đau khổ mà Chúa đang gọi ta phải chịu cho ơn
cứu độ được lan rộng.
Xin Chúa
cho chúng ta ở đâu và lúc nào cũng có tinh thần phục vụ như Abraham, Maria và
Phaolô của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Chủ Nhật
16 Thường Niên, Năm C
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tinh thần
hiếu khách
Tiếp rước
khách vào nhà là cả một nghệ thuật đòi chúng ta phải biết nhiều thứ, nhưng hai
điều quan trọng nhất là ý thích của khách và hoàn cảnh sinh sống của chúng ta.
Nhiều người nghĩ cách đón tiếp trọng thể nhất là mâm cao cỗ đầy; nhưng nếu những
thứ làm ra không hợp khẩu vị hay ý thích của khách, hậu quả là vừa mất thời giờ
vừa lãng phí đồ ăn. Người khác lại nghĩ chỉ cần đơn giản vài món, hậu quả là
khách cảm thấy họ bị xúc phạm.
Các bài đọc
hôm nay giúp chúng ta trau dồi nghệ thuật tiếp khách; nhất là khi tiếp đón
Thiên Chúa, vị thượng khách Tối Cao. Trong bài đọc I, Abraham, tuy không biết
ba vị khách đến thăm mình là ai, nhưng đã tiếp ba vị khách qua đường hết lòng.
Hậu quả ông nhận được là ba vị thượng khách đó quan tâm để cảnh góa bụa của
Sarah, vợ ông. Các ngài hứa năm sau khi trở lại, Sarah sẽ sinh cho Abraham một
bé trai để nối dõi tông đường. Trong bài đọc II, thánh Phaolô biết rõ Vị Thượng
Khách của mình cần gì và khả năng của mình có thể làm được. Ông xin chịu tất cả
những gian nan mà Đức Kitô còn phải chịu để giúp cho thân thể của Ngài là Hội
Thánh được đạt tới mức vẹn toàn. Trong Phúc Âm, em Maria đã biết được ý của
Chúa Giêsu khi Ngài đến thăm nhà, nên em ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Ngài
giảng dạy. Khi chị Martha than phiền với Chúa Giêsu vì cô em không giúp mình việc
bếp núc, Chúa Giêsu chỉ cho Martha thấy rõ cô đã không hiểu ý Thiên Chúa:
"Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một
chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy
đi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
Nếu tôi được đẹp lòng Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.
1.1/ Tinh thần
hiếu khách của Abraham
Theo trình
thuật, chỉ có người viết biết một trong ba vị khách là Thiên Chúa, Abraham
không biết điều này vì ba vị đều trong hình dạng con người.
Xét hoàn cảnh
đón khách của Abraham, chúng ta thấy tinh thần hiếu khách của ông đã đạt tới mức
tuyệt đỉnh.
- Đây là
ba người khách lạ, Abraham không quen những người này. Họ là khách qua đường.
- Họ đến bất
ngờ, Abraham không biết trước để chuẩn bị cho chu đáo.
- Họ đến
vào thời tiết nóng nực nhất trong ngày; không ai muốn nấu nướng vào lúc nóng nực
như thế.
- Abraham
niềm nở chạy ra săn đón và năn nỉ mời khách vào nhà.
- Ông đón
tiếp rất tử tế: Abraham sụp lạy khách, lấy nước rửa chân cho khách, mời khách
vào bàn ăn trong khi ông đứng để phục vụ.
- Ông tỏ
ra rất rộng lượng trong việc đón khách: ba thúng tinh bột, con bê tơ, sữa chua,
sữa tươi...
Tất cả những
điều này chứng minh tinh thần hiếu khách của Abraham và Sarah. Trình thuật có vấn
đề khó khăn để hiểu văn bản trong câu 3: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng
Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” Danh từ “Ngài” ở
ngôi thứ nhất số ít; trong khi câu 4 và 5 đều ở ngôi thứ nhất số nhiều, “các
ngài.” Nhiều học giả thắc mắc không biết Abraham có nhận ra Đức Chúa đến viếng
thăm ông không; và nếu có, ông nhận ra lúc nào?
1.2/ Phần thưởng
được hứa cho Abraham
Vì Abraham
không biết Đức Chúa đến thăm mình, ít nhất ngay từ đầu, nên sự đón tiếp của ông
là đón tiếp khách một cách vô vị lợi: ông không nhằm được ích lợi gì cả. Sau
khi thấy Abraham tiếp đón mình cách tử tế, ba vị khách hỏi thăm Sarah, vợ của
Abraham. Họ hứa ban cho hai vợ chồng một phần thưởng trọng hậu là có con trai
trong lúc tuổi già. Họ hứa: "Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó
bà Sarah vợ ông sẽ có một con trai."
2/ Bài đọc II:
Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô và vì Hội Thánh.
2.1/ Phaolô
biết những gì Đức Kitô mong muốn.
Yêu thương
ai là phải biết tính tình và sở thích của người đó. Nếu con người yêu thương
Thiên Chúa, họ sẽ cố gắng làm trọn ba điều đầu tiên của Kinh Lạy Cha: Xin cho
danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Phaolô yêu
Đức Kitô, thánh nhân biết hai ý định của Đức Kitô: (1) Ngài muốn cho ơn cứu độ
được lan rộng tới mọi người qua việc rao giảng Tin Mừng, và (2) Ngài muốn cho
Giáo Hội, thân thể của Ngài được trở nên tinh tuyền thánh thiện qua Lời Chúa và
các bí tích.
2.2/ Phaolô
muốn hoàn thành ý định của Đức Kitô.
(1) Rao giảng
Tin Mừng là chấp nhận đau khổ và thiếu thốn mọi đàng, vì con người thế gian
không luôn sẵn sàng chấp nhận. Đó là lý do mà thánh Phaolô nói: Những gian nan thử thách Đức
Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Những gian nan này có
thể là sự từ chối nghe Tin Mừng, đánh đập, tù đày, và ngay cả cái chết.
Nhưng Tin
Mừng có sức mạnh thay đổi con người và giúp họ đạt được ơn cứu độ. Phaolô nói với
các tín hữu Colossê: Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi
người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn
thiện trong Đức Kitô.
Người đã
muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các
dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm
hy vọng đạt tới vinh quang.
(2) Thánh
hóa Hội Thánh: Khi
chịu Phép Rửa, người tín hữu được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, là Hội
Thánh. Vì thế, thánh Phaolô tìm mọi cách để Hội Thánh trở nên tinh tuyền, thánh
thiện, và nhất là luôn hiệp nhất trong đức ái. Thánh Phaolô hãnh diện tuyên
xưng: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em, vì lợi ích cho thân thể Người
là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa
đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người
cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế
hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.”
3/ Phúc Âm:
“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."
3.1/ Em Maria
chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy.
Nhiều người
chắc cũng nghĩ như chị Martha: con bé này lười quá hay "mồm miệng đỡ tay
chân!" Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa
Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm
sự lựa chọn này:
+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước
hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như
Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì
Ngài muốn truyền đạt.
+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng
như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra:
nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng
ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng
ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử
cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!
+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện
vãn, tâm sự. Maria
thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng
ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình
trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu
như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.
3.2/ Chị
Martha chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu.
Khi một
thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ,
nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Martha quá vất vả lo lắng
tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy, em con để
mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một
tay!" Ngược lại với những gì Martha mong đợi, Chúa Giêsu đáp:
"Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một
chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy
đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:
+ Martha không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời:
Chúa Giêsu
sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ
không bị lấy đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời
Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để
có hạnh phúc trong cuộc đời.
+ Martha không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc
của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều
người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động
như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng
không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố
rõ ràng bởi Thiên Chúa.
+ Martha không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Martha không biết
khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù
sao chăng nữa, Martha không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách
tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần
chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết
trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày
ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần
thiết.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hai giới
răn “mến Chúa yêu người” đòi chúng ta phải có tinh thần hiếu khách với Thiên
Chúa và với tha nhân. Để tỏ tinh thần hiếu khách đúng đắn, chúng ta cần biết những
gì Thiên Chúa và tha nhân muốn, và những gì chúng ta có thể làm được.
- Tổ chức
ăn uống linh đình không phải là dấu hiệu của tinh thần hiếu khách, vì nhiều khi
chúng ta quá chú trọng vào việc nấu nướng và chuẩn bị, chúng ta có thể bỏ qua
những lịch sự tối thiểu và làm buồn lòng khách.
- Những
giá trị tinh thần như ơn cứu độ, rao giảng Tin Mừng, tinh thần hiệp nhất, và sống
đạo phải đặt trên những ăn uống và tiệc tùng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
SAY MÊ NGHE LỜI CHÚA
Cô Maria cứ ngồi
bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy . . .”Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ
không bị lấy đi.” (Lc 10,39.42)
Suy niệm: Chúa
Giêsu không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Mácta khi Ngài nêu bật hành vi
của Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời
Người dạy.” Tuy
nhiên, khi phải chọn lựa thì Ngài vẫn thích người ta “nghe” lời Người hơn là
loay hoay chuyện rót nước, dọn cơm... vì con người không chỉ sống nhờ cơm bánh
mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Chúa cũng cho biết đây là việc
“tốt
nhất, và sẽ không bị lấy đi.”Những cuộc gặp gỡ chân tình với
Chúa Giêsu luôn có tác động tích cực, mang âm hưởng sâu sắc đến cho những tâm
hồn thành tâm muốn nghe lời Người, vì đó là Lời đem lại sự sống đời đời. Có thể
khó tìm được một người như Maria giữa thế giới hôm nay; nhưng cũng phải nói
thêm rằng hành vi đó không phải là không còn giá trị.
Mời Bạn: Có
khi nào bạn dám cho rằng làm như Maria là lãng phí thời giờ chăng? Và nếu không
làm như thế - qua các giờ nguyện gẫm, viếng Chúa, chầu Thánh Thể, cám ơn sau
rước lễ - thì còn thời giờ đâu để bạn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và Lơi Ngài cách
thân tình nhất? Lúc này chính là lúc bạn nên trả lại cho Xêda những gì là của
Xêda và những gì của Chúa về cho Chúa!
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày tôi dành thời gian để đọc Lời Chúa trong thinh lặng, và tôi nên ngồi lại
dăm ba phút để cảm ơn Chúa sau khi rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con
biết say mê đọc và gẫm suy Lời Ngài, vì Lời Chúa chính là ngọn đèn soi bước
chân con trong một thế giới có quá nhiều con đường thênh thang dẫn đến hư vong
này. Amen.
CHỈ CÓ MỘT
ĐIỀU CẦN
Có lẽ cần bớt việc và thêm giờ cầu nguyện, cần để cho Chúa làm việc nơi tôi và qua tôi thay vì tự mình bươn chải một mình.
Suy niệm:
Trên dặm đường rao giảng Tin Mừng,
thỉnh thoảng Ðức Giêsu và các môn đệ
gặp được một chỗ nghỉ chân chan chứa tình người.
Mácta là chủ nhà đón tiếp Ðức Giêsu.
Chị tất bật lo việc tiếp đãi nấu nướng,
chị lo lắng trước bao việc phải làm ngay
để có được một bữa ăn thịnh soạn
hầu tỏ lòng kính trọng đối với vị khách quý.
Trong khi đó cô em Maria lại vô tư và bình thản,
ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Người.
Maria say mê nghe Lời Chúa,
Lời mở tâm tư cô ra trước những chân trời mới mẻ.
Cô thấy chẳng có gì hạnh phúc hơn giây phút này,
được ngồi nghe Thầy giảng như một môn đệ thực thụ.
Mácta không hiểu được cô em gái,
chị cũng không hiểu được Ðức Giêsu,
nên cuối cùng chị đã đến thưa với Chúa:
Thầy không để ý tới sao?
Mácta muốn Thầy để ý đến việc mình đang làm,
muốn Thầy nhận ra sự vất vả mình phải chịu.
Em con để mình con phục vụ.
Mácta tưởng chỉ có mình mới là người phục vụ.
Chị không nhận thấy rằng Maria cũng đang tiếp khách
và ngồi nghe Chúa cũng là một cách phục vụ.
Xin Thầy bảo em giúp con một tay.
Mácta kéo Ðức Giêsu vào cuộc,
kéo Ngài đứng về phía mình, phía đúng,
để gây áp lực trên cô em.
Chị muốn Maria phải vào bếp với mình,
phải phục vụ theo kiểu của mình.
Ngấm ngầm, Mácta không chấp nhận kiểu phục vụ của Maria.
Có lẽ chị nghĩ đó là một hành vi vô ích,
trong khi có biết bao việc quan trọng khác cần làm.
Ðức Giêsu không ghét Mácta,
không coi nhẹ việc phục vụ của chị,
nhưng buộc lòng Ngài phải lên tiếng.
Ngài muốn giải phóng Mácta khỏi nỗi bồn chồn quá mức.
Ngài muốn giải phóng chị khỏi cái tôi, khỏi lối nhìn hẹp hòi,
để nhận ra điều duy nhất cần thiết.
Ngài gọi tên chị hai lần: Mácta! Mácta!
Con lo lắng và xao động vì NHIỀU chuyện quá,
dù chuyện ấy là chuyện con lo cho Thầy.
Cần thanh lọc lòng mình khỏi những tìm kiếm vị kỷ,
khỏi những ganh tị nhỏ mọn và tự mãn ngấm ngầm,
để có thể làm việc cho Chúa trong bình an thư thái,
dù có gặp thất bại hay bị lãng quên.
Chỉ có MỘT chuyện cần mà thôi.
Coi chừng nỗi lo lắng về nhiều chuyện phụ
lại làm ta quên mất chuyện chính, một chuyện cần hơn cả,
đó là an tĩnh gặp gỡ và lắng nghe Chúa mỗi ngày
trong tư thế khiêm hạ của người môn đệ.
Cuộc sống dồn dập hôm nay dễ biến chúng ta thành Mácta:
xao động, âu lo, căng thẳng, mất kiên nhẫn.
Cả người làm việc cho Chúa cũng bị cuốn hút.
Có lẽ cần bớt việc và thêm giờ cầu nguyện,
cần để cho Chúa làm việc nơi tôi và qua tôi
thay vì tự mình bươn chải một mình.
Phải chăng đời Kitô hữu là kết hợp giữa Mácta và Maria,
giữa tất bật và an tĩnh,
giữa lăng xăng và ngồi yên,
giữa hoạt động và cầu nguyện?
Ðể rồi giữa tất bật, tôi tìm thấy an tĩnh,
giữa lăng xăng, tôi thấy mình ngồi yên,
giữa hoạt động, tôi thấy mình chiêm niệm.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được
những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm
công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng
những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được
lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ
của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu
nguyện
thấm nhuần vào cả đời
con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con
người thật của con
và khuôn mặt thật của
Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy
21
THÁNG BẢY
Hồng Ân Nghĩa Tử
Sự chọn
lựa đầy yêu thương của Thiên Chúa và hệ quả nhất định của nó luôn luôn gắn liền
với sự sống mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống đầy sống hoạt trong tình
yêu này liên quan đến Chúa Cha cũng như Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Con người
chia sẻ sự sống thần linh này vì con người được mời gọi tham dự vào kế hoạch
sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Con người được tiền định ơn tuyển chọn thần
linh này ngay cả trước khi vũ trụ được tạo thành (Ep 1,5).
Con
người – ngay cả trước khi được dựng nên – đã được Thiên Chúa “chọn lựa”. Sự chọn
lựa này xảy ra nơi Người Con Đời Đời (Ep 1,4). Nghĩa là, nó xảy ra nơi Ngôi Lời
Vĩnh Cửu, nhờ Ngài mà thế giới được tạo thành. Như vậy, con người được tuyển chọn
trong Chúa Con để nhờ chức phận làm con của Người mà con người được Thiên Chúa
nhận làm nghĩa tử. Đây chính là cốt lõi của mầu nhiệm tiền định. Và đây chính
là sự biểu lộ tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha đối với chúng ta. Như Kinh Thánh
nói: “Vì yêu thương, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Đức Giê-su
Kitô” (Ep 1,5).
Như vậy,
sự tiền định cho thấy từ đời đời Thiên Chúa kêu gọi con người tham dự vào bản
tính của Ngài. Đó là một ơn gọi tiến tới sự thánh thiện thông qua ơn nghĩa tử –
trở thành những người con “tinh tuyền thánh thiện trước thánh nhan Ngài” (Ep
1,4).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa
Nhật XVI Thường Niên
LỜI SUY NIỆM: Trong
câu chuyện Hai chị em Mác-ta và Maria đón Chúa vào nhà; “Maria. Cô này cứ ngồi
bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39).
Đây là cách thể hiện tuyệt vời,
trong vai trò người môn đệ của Chúa Giêsu. Muốn trở thành người môn đệ của Chúa
Giêsu điều cần nhất là phải, “ngồi bên chân Người”. “Để nghe lời Người dạy”. Đời sống của người
Ki-Tô hữu mà không có Lời Chúa, không học biết Lời Chúa, không tin Lời Chúa,
Không suy niệm Lời Chúa, Không soi mình trong Lời Chúa, và không đem lời Chúa
vào đời sống của mình, thì không phải là môn đệ của Chúa Giêsu Ki-Tô, chỉ là
mang trên mình một nhãn hiệu không hơn không kém. Ước gì chúng ta yêu mến Lời
Chúa và sống đúng Lời Chúa trong cuộc sống của mình, để được trở thành môn đệ của
Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh nhân
Ngày 21-07
Thánh LAURENSÔ BRINDISTIÔ
Linh Mục Và Tiến Sĩ Hội Thánh (1559
- 1619)
Cesare
de Rossi sinh tại Brindisi vùng Aquila, miền nam nước ý năm 1559, Ngài được
giáo dục tại Venise và gia nhập dòng thánh Phanxicô ở Verôna. Năm 1575, Ngài được
mặc áo dòng với tên gọi là Laurensô Brindisiô.
Những
năm theo học tại Padua đã giúp Ngài trở thành những học giả, thông thạo các thứ
tiếng Pháp, Đức, Hy lạp, Syria và Do thái. Những khả năng này đã góp phần mang
lại nhiều thành công khi Ngài làm việc với anh em Do thái và khi Ngài phải
đương đầu với sự bành trướng của Thệ phản. Danh tiếng Ngài lan rộng khắp vùng
Trung Âu.
Trong
dòng, Laurensô Brindisiô đã được bầu làm bề trên cả.
Ngoài
ra, Ngài còn hăng say với đạo binh Thánh giá dẫn đầu đoàn quân Hung Gia Lợi chống
lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Với thánh giá cầm tay, Ngài đã mang lại chiến thắng năm
1601.
Phần
đời còn lại, Ngài hiến mình cho việc truyền giáo và ngoại giáo. Với khả năng đặc
biệt này, Ngài đã là một nhà ngoại giao tài giỏi của nhiều vị giáo hoàng. Tuy
nhiên, giữa những hoạt động bên ngoài, thánh nhân vẫn dành nhiều thời gian cho
việc cầu nguyện và thực tập các nhân đức. Chính đời sống nội tâm sâu sắc đã đưa
Ngài lên đỉnh cao đời sống thánh thiện.
Năm
1619, đang khi thi hành sứ mạng được trao phó ở Lisbonne, thánh Laurensô đã từ
trần trong sự nghèo khó đơn sơ và thánh thiện. Ngài để lại nhiều tác phẩm giá
trị cho kho tàng đức tin công giáo.
Năm
1881, Đức Lêô XIII đã suy tuyên Ngài lên
bậc hiển thánh. Năm 1959 Đức Gioan XXIII
đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
21 Tháng Bảy
Lúa
Mì Và Hoa Mồng Gà
Hòa Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những
cánh đồng hoa chạy dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt
đẹp làm say mê khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh
đồng lúa mì bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối
làm nổi bật màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà.
Cảnh đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với
nông gia vì mồng gà càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết
được những cây mồng gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng
nhiều và càng đẹp thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy
xuống ruộng để hái hoa.
Sự chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo
của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng
Người cũng cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng
có hoa mồng gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ.
Thiên
Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có
mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là
biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết
lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác
(Lẽ Sống)
21-7
Thánh Lawrence ở Brindisi
T
|
hoạt nhìn qua tiểu sử,
có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ
tiếng. Ngoài kiến thức của tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết
thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng
Pháp.
Ngài sinh ngày 22 tháng Bảy
1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của
ngài là Julius Caesare, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng
và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.
Khi mới 16 tuổi, ngài
gia nhập dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết
thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục
năm 23 tuổi.
Với khả năng ngôn ngữ
trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu
cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho
người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin
rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.
Ngài rất nhạy cảm trước
nhu cầu của người khác -- đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi
như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31
tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và
khả năng điều hành. Sau một loạt "thăng quan tiến chức", ngài được
các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này,
ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.
Sau khi từ chối việc tái
bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ
thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm
1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta.
Nhưng sau đó, thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến
Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip. Cái nóng bức oi ả mùa hè trong chuyến
đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở
Lisbon ngày 22 tháng Bảy.
Vào năm 1956, Dòng
Capuchin hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy,
mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh
Thánh để dẫn giải.
Ngài được phong thánh
năm 1881 và được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm
1959.
Lời Bàn
Ðặc điểm của Thánh
Lawrence là tận tụy với Kinh Thánh và nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, đó
là một lối sống hấp dẫn đối với Kitô Hữu của thế kỷ 20. Thánh Lawrence đã quân
bình đời sống qua việc hòa hợp giữa tinh thần kỷ luật và biết để ý đến nhu cầu
của những người mà ngài được mời gọi để phục vụ.
Lời Trích
"Thiên Chúa là
tình yêu, và mọi hoạt động của Người xuất phát từ tình yêu. Một khi Người muốn
thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Người ra cho bên ngoài,
thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh
quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo
vật và cho chính Người. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người
mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và
vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng
như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn
thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra nếu ngay cả Adong không phạm tội" (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét