Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

28-07-2013 : (Phần 1) CHÚA NHẬT XVII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

Chúa Nhật Ngày 28/07/2013
Tuần 17 Mùa Thường Niên Năm C
(phần I)


BÀI ĐỌC I:  St 18, 20-32
"Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận".

Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Chúa phán: "Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ".
Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: "Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu". Chúa phán cùng Abraham rằng: "Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành". Abraham thưa lại: "Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành". Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: "Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?" Chúa phán: "Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành". Abraham thưa: "Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt". Abraham nói: "Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát". Abraham thưa: "Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?" Chúa phán: "Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6-7ab. 7c-8
Đáp:     Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).

1)  Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin: trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
2)  Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
3)  Quả thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay phản đối quân thù giận dữ.
4)  Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

BÀI ĐỌC II:   Cl  2, 12-14
"Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.
Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.
Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.  Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:  Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 11, 1-13
"Các ngươi hãy xin thì sẽ được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông:
"Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".
Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
"Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".   Đó là lời Chúa.



SUY NIỆM : Cầu nguyện không ngừng

Rõ ràng Lời Chúa hôm nay muốn dạy chúng ta về việc cầu nguyện. Bài sách Khởi nguyên cho chúng ta thấy gương cầu nguyện nơi Abraham. Thánh Luca trong bài Tin Mừng ghi lại giáo huấn của Chúa về sự cầu nguyện. Còn bài thư Phaolô khẳng định Thiên Chúa đã chấp nhận chúng ta nên chúng ta không còn lý do gì để ái ngại khi cầu nguyện. Chúng ta hãy suy nghĩ những bài Kinh Thánh hôm nay để đổi mới việc cầu nguyện của chúng ta.

1. Abraham Cầu Nguyện
Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện Abraham tiếp khách. Ông đã tỏ ra quảng đại khiêm cung lạ thường. Ông mời khách vào nhà, nhào bột làm bánh, bắt dê làm thịt và đứng hầu hạ khách. Xong rồi ông lại tiếp khách lên đường. Chính đang lúc khách đi về phía Sôđôma đã xảy ra câu chuyện hôm nay.
Khách đây là chính Chúa. Người nói cho Abraham biết: có tiếng cáo tội Sôđôma vang đến tai Người. Người muốn đến tận nơi xem có đúng như vậy không?
Sự thật thì Chúa đâu cần phải đi quan sát như vậy? Có gì che dấu được mắt Người, ngay cả những uẩn khúc đen tối nhất của lòng người mà ca dao tục ngữ các dân tộc vẫn bảo là không thể dò thấu? Ðối với Chúa, chẳng có gì che dấu được. Nhưng sở dĩ tác giả sách Khởi nguyên viết rằng: Chúa muốn đến tận Sôđôma để biết sự thật thế nào là để mạc khải sự thật đó cho Abraham, và nhất là để gợi lên ý tưởng Chúa còn để thời gian cho Abraham có thể thỉnh cầu Người cho dân thành tội lỗi.
Abraham hiểu như vậy. Hơn nữa tác giả sách Khởi nguyên vừa nhắc (18,18) ơn gọi phổ cập của ông. Chúa đã chọn ông để mọi dân tộc được chúc phúc. Thế nên hạnh phúc của Sôđôma, bề ngoài như không dính dáng gì tới ông, nhưng thật sự cũng đang tùy ở ông.
Abraham đã đóng vai trò là cha muôn dân của mình. Ông mạnh dạn thưa với Chúa: "Phải chăng Người sẽ tiêu diệt kẻ lành làm một với người dữ?". Ông muốn nại đến công bình và công lý sao? Không, ông đã đi xa hơn nữa. Vì nếu chỉ muốn nói đến công lý và công bình thì ông sẽ xin Chúa đưa người lành ra khỏi thành trước khi giáng phạt Sôđôma. Công việc tất nhiên Chúa sẽ làm. Không ai phải nhắc Người điều ấy. Và Abraham cũng chẳng có giá trị gì khi xin một ơn như thế. Nhưng sự thật ông đã không muốn nói đến công lý và công bình. Ông đã đi xa hơn để đóng đúng vai trò trở thành nguồn hạnh phúc cứu độ của muôn dân. Ông thỉnh cầu cho chính dân thành tội lỗi, cho chính những kẻ lẽ ra sẽ bị phạt... Ông muốn xin Chúa, vì sự hiện diện của những người lành, tha thứ cho kẻ tội lỗi.
Lời cầu xin của Abraham vì thế là lời cầu bầu. Ông là vị trung gian bầu chữa cho kẻ có tội. Những người này chẳng thuộc gia đình dòng dõi ông, thành ra Abraham ở đây là người của mọi người và của mọi dân tộc. Ông đang đóng vai trò tổ phụ muôn dân. Ông đang thực hiện Lời Chúa hứa làm cho ông trở nên nơi chúc phúc cho các dân tộc.
Chúng ta không thể nào không mến phục ông khi thấy ông vừa kính trọng công lý của Chúa nhưng đồng thời vừa tha thiết với sự rỗi của mọi người. Mỗi khi ông xin Chúa giảm con số những người công chính từ 50 xuống 45, 40, 30 rồi 20, chúng ta thấy rõ hai tâm tình ấy. Kiểu cách ông xin cũng tỏ ra rất tế nhị và không thiếu những ám chỉ thần học. Lúc thì ông thú nhận mình chỉ là tro bụi trước mặt Chúa, lúc thì ông lại xin Chúa nghĩ xem nếu để kẻ lành bị phạt lây với một kẻ dữ há chẳng bất công hơn là tha thứ cho một số đông người có tội, vì sự hiện diện của những người lành kia sao? Có lẽ điểm thần học đáng lưu ý nhất trong câu chuyện này là sự có mặt của người công chính ở giữa tội nhân có thể là một sự che chở cho những người này. Nói đúng hơn, xã hội loài người nhiều khi còn được hưởng sự khoan dung của Chúa, là vì trong xã hội ấy còn có một số ít người công chính.
Và điều này là một khích lệ đối với chúng ta, những người có niềm tin. Chúng ta giúp ích cho xã hội trước hết bằng nỗ lực sống thánh thiện. Nếu nơi nào có một số những con người cố gắng nên thánh, Chúa còn có thể khoan dung đối với xã hội nơi ấy, cho dù ở đó có nhiều kẻ tội lỗi muốn lôi kéo sự trừng phạt của Chúa công minh. Nhất là khi những nơi ấy lại có những con người nguyện giúp cầu thay cho kẻ tội lỗi, tiếp nối thái độ cầu bầu của Abraham trong câu chuyện này.
Và đây cũng là lý do vì sao trong tôn giáo chúng ta luôn luôn có việc thúc đẩy nhau cầu nguyện cho mọi hạng người, kể cả những người xa lạ với chúng ta.
Chỉ có điều tiếc trong câu chuyện này là Abraham đã không dám tiếp tục nài xin Chúa thương tha cho dân thành tội lỗi, nếu không tìm được 10 người công chính. Ông đã dừng lại nơi con số này vì ông tưởng đó là con số tối thiểu có thể sánh bằng được với con số đông đảo những kẻ tội lỗi. Ông chưa hiểu hết lòng Chúa. Người sẽ phán trong sách Giêrêmia rằng: nếu tìm được ở Giêrusalem một người mà thôi biết giữ công lý, Người cũng sẽ tha tội cho cả thành (5,1). Và trong sách Êzêkien, Người cũng nói: nếu tìm được người nào đứng trước nhan Người để bầu chữa cho xứ sở, Người cũng sẽ ngưng trút thịnh nộ xuống (22,30). Những lời khẳng định ấy phải làm chúng ta phấn khởi hơn nữa trong nỗ lực nên thánh và cầu nguyện cho xã hội...
Nhưng cũng chính những lời này có lẽ lại biện minh cho thái độ của Abraham. Có thể tìm được một người công chính trong thành Sôđôma không? Vẫn biết Chúa sẽ cứu ông Lot với gia đình ông, nhưng có thể vì Abraham hơn là vì Lot là "người công chính". Không chỗ nào trong Kinh Thánh, Lot được tuyên dương như vậy. Bởi vì nói cho cùng mọi xác phàm đều là tội lỗi. Người công chính duy nhất có thể cứu được loài người tội lỗi và có khả năng giúp cầu thay cho mọi người, là người tôi tớ Thiên Chúa trong sách của Isaia (53,5-10). Nhưng đó là nhân vật mầu nhiệm, chưa rõ rệt trong sách Cựu Ước. Phải đợi đến khi Ðức Giêsu Kitô chịu chết trên thập giá và cầu xin Thiên Chúa "tha tội cho chúng vì chúng lầm chẳng biết", bấy giờ nhân loại mới có người công chính thật và người cầu bầu có thế lực. Lúc ấy câu chuyện Abraham hôm nay mới được hoàn toàn; và chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của nó.
Dù sao câu chuyện này cũng rất sống động và ý nghĩa. Nó khiến chúng ta thêm lòng cảm mến vị tổ phụ và kính yêu Thiên Chúa nhân lành nhiều hơn. Nó thúc đẩy chúng ta cố gắng nên thánh hơn nữa cho xã hội và cầu nguyện nhiều hơn cho mọi người nhất là cho kẻ tội lỗi. Lời cầu nguyện của chúng ta có cơ may hiệu nghiệm nhiều hơn lời cầu xin của Abraham, nếu chúng ta được phép so sánh như vậy, bởi vì chúng ta đã được chính Ðức Giêsu Kitô dạy cho biết phải cầu nguyện thê nào, như trong bài Tin Mừng chúng ta đã nghe đọc.


2. Chúng Ta Phải Cầu Nguyện
Tác giả Luca không cho chúng ta biết rõ lần ấy là lần nào và đã xảy ra ở đâu. Nhưng những lời đầu tiên Người đã viết ra rất là ý nghĩa. Người nói hôm ấy Ðức Giêsu vừa cầu nguyện xong không những Người muốn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng: Ðức Giêsu là con người cầu nguyện. Ngài hay đi cầu nguyện nơi vắng vẻ; Ngài thường cầu nguyện lúc đêm khuya; Ngài cầu nguyện thiết tha đặc biệt trước khi làm những công việc ý nghĩa trọng đại và trong những trường hợp hơi khác thường. Nhưng tác giả Luca còn muốn làm chứng rằng: luôn luôn Ðức Giêsu làm và dạy. Ngài làm trước và dạy sau. Ngài cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện.
Ở đây, Luca nói rằng các môn đệ đến xin Ngài dạy họ cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông. Vì sao họ phải nại đến Gioan? Cách Chúa cầu nguyện không đủ lôi kéo họ muốn cầu nguyện sao? Có lẽ không phải như vậy. Ðúng hơn khi thêm chi tiết, Gioan đã dạy môn đồ ông cầu nguyện, Luca có ý làm chứng rằng câu chuyện các môn đệ xin Chúa dạy họ cầu nguyện là có thật vì có chi tiết lịch sử kia làm chứng và kinh Chúa dạy hôm nay có một nguồn gốc chắc chắn; nhưng đồng thời Luca cũng muốn ám chỉ rằng cầu nguyện là một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ tôn giáo và phong trào đạo đức nào. Ðến như nhóm Gioan còn có cách cầu nguyện riêng, huống nữa là chúng ta, các môn đệ của Ðức Giêsu.
Vậy khi cầu nguyện, chúng ta hãy nói: Lạy Cha...
Tác giả Luca bỏ chữ "chúng con" hay chúng tôi trong bản văn của Matthêu. Cũng như Người không viết thêm: "Cha chúng con ở trên trời". Dường như Người muốn để câu kinh được trực tiếp và gần gũi; Người muốn nó như thật là lời nguyện thoát ra từ môi miệng Ðức Giêsu... Bản văn của Matthêu có màu sắc Do Thái hơn vì nói đến Thiên Chúa là Ðấng ngự trên trời và là Cha của mọi loài. Bản văn của Luca đưa chúng ta vào đạo nhập thể nhiều hơn vì Con Chúa Trời sinh ra làm người, Ngài vẫn đang ở giữa chúng ta và dạy chúng ta cầu nguyện như Ngài vẫn cầu nguyện.
Rồi chúng ta cũng thấy Luca bỏ câu "xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Theo ý người tư tưởng này đã được bao hàm trong hai lời xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Việc rút gọn này khiến chúng ta phải để ý đến tính cách tổng hợp đầy đủ của phần đầu kinh Lạy Cha, chứ không phân tách và trải rộng ra quá nhiều khía cạnh khiến làm mất sức mạnh và sự chú ý của sự cầu nguyện. Theo ý Luca, đối tượng cầu nguyện của chúng ta là sự hiển thánh của Danh Thiên Chúa, thể hiện trong việc Nước Cha trị đến (và Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời). Tức là chúng ta phải cầu xin cho Nước Chúa lan rộng, cho Danh Người được thể hiện. Tất cả những điều đó chỉ là một, diễn tả theo ba lối khác nhau.
Và như vậy khi cầu nguyện chúng ta phải lập tức đặt mình vào quan điểm của lịch sử cứu độ. Và cầu nguyện là kết hợp ngay với Thiên Chúa đang muốn cứu độ loài người thêm nữa. Cầu nguyện là tiến bộ, và tiến bộ trong phạm vi đạo đức, là muốn lịch sử tiến lên, lịch sử Thiên Chúa cứu độ loài người.
Không có một chút quan điểm cá nhân ích kỷ nào trong lời cầu nguyện như thế. Phải có tinh thần cứu thế mới xứng đáng đọc lời cầu nguyện này. Và tinh thần cứu thế ấy bao trùm tất cả hạnh phúc loài người, cả phần hồn và phần xác. Nó là nguyện ước và khát vọng đạo đức vì quan niệm hạnh phúc kia nằm trong tình yêu của Chúa và đang ở trong tay Người.
Ước gì khi cầu nguyện và khi đọc câu đầu của kinh Lạy Cha, không những chúng ta có lòng sốt sắng kính mến Chúa, nhưng cũng phải chan chứa tinh thần yêu thương loài người, tha thiết cho nhân loại được hạnh phúc trong ơn nghĩa của Chúa. Một lời cầu xin như thế vừa cao cả lại vừa phổ quát hơn lời cầu nguyện của Abraham hôm nay, vì trong khi vị tổ phụ chỉ quan tâm đến xã hội hiện tại của một thành Sôđôma, chúng ta mỗi khi đọc kinh Lạy Cha lại trực tiếp muốn đưa lịch sử của tất cả loài người đến chỗ tốt đẹp hơn.
Như vậy phần sau của kinh Lạy Cha này có vẻ không còn đẹp nữa sao? Chúng ta xin cho được lương thực hằng ngày, được ơn tha tội, được thoát cơn thử thách. Thật ra đây là những lời xin cụ thể và cần thiết để áp dụng lời cầu nguyện trên và làm cho lời cầu xin này không phải chỉ là ước nguyện suông. Ở trên chúng ta đã cầu nguyện để lịch sử cứu độ tiến lên, thì giờ đây chúng ta phải muốn điều ấy thực hiện trong đời sống cụ thể của mọi người. Và ở đây chúng ta thấy bản văn của Luca có nhiều nét khác bản văn của Mátthêu.
Luca không xin cho "hôm nay" có của ăn nuôi sống mình, nhưng nguyện rằng mỗi ngày trong đời sống được Chúa nuôi dưỡng. Người ta có thể tự hỏi cả hai tác giả muốn nói đến thức ăn phần xác hay lương thực phần hồn tức là Lời Chúa và Thánh Thể? Nhưng tại sao chúng ta lại không nghĩ đến cả hai, bởi vì con người hằng ngày vẫn cần cả hai thứ lương thực hồn xác để được đầy đủ. Tuy nhiên điều đáng chú trọng hơn nữa trong lời xin này chính là thái độ và tư cách đạo đức. Xin cho hằng ngày dùng đủ là gì nếu chẳng phải là ước nguyện không rơi vào những thái cực hoặc giàu có hoặc nghèo nàn vì cả hai theo truyền thống của Kinh Thánh đều không tốt. Ðàng khác thái độ hằng ngày phải cầu xin cho được dùng đủ là tư cách đạo đức của những thành phần mà Kinh Thánh gọi là "những nghèo khó của Thiên Chúa", tức là những người được Ngài quan tâm ưu ái nhất. Và như vậy, đây là lời xin để cho mình luôn được kể trong hàng ngũ những người được Chúa chọn và dưỡng nuôi, những kẻ khó nghèo được rao giảng Tin Mừng và sống hoàn toàn cậy dựa vào tình thương của Chúa.
Thế mà điều cản trở người ta ở trong dân Người chính là tội lỗi. Cũng như điều kiện để Danh Cha hiển thánh là Nước Cha trị đến. Do đó người ta phải lập tức xin ơn tha thứ tội lỗi. Và ở đây Luca cũng muốn trải rộng lời xin này ra khắp cả đời sống bởi vì khác với Mátthêu nói đến những lời "đã" xúc phạm đến chúng ta, Luca viết chúng ta tha cho mọi kẻ có nợ với mình để tỏ ra mình đang khao khát ơn được tha thứ.
Luca cũng không nhắc đến việc xin cho khỏi quỷ dữ mà chỉ kết thúc kinh Lạy Cha bằng câu xin cho khỏi sa cơn thử thách; vì Người đã hiểu rằng mọi thử thách có hại cho người đạo đức đều đến bởi Satan, nên câu của Người có tính cách tổng hợp. Nó cũng có tính cách phổ cập vì cơn thử thách mà Người nói ở đây là bất cứ thử thách nào có hại cho Nước Trời, chứ không tất nhiên chỉ là những thử thách lớn lao thời thế mạt thường được nhắc đến trong tác phẩm của Mátthêu.
Chúng ta có thể kết luận, bản kinh "Lạy Cha" trong cái nhìn của Luca, là lời cầu nguyện cho Nưới Cha được trị đến, khởi sự từ chính nơi mỗi người, đem kết quả là ân sủng và đặc biệt là ơn tha thứ đến cho mỗi người và xa tránh hết mọi thử thách có hại cho ơn cứu độ. Lời cầu nguyện như vậy rõ ràng vừa phổ quát nhưng đồng thời lại có ý nghĩa dấn thân, xin cho ơn cứu độ phổ quát đến với mọi người, biến mọi người nên thành phần dân Chúa luôn được hưởng ân huệ và sự bảo hộ của Người.
Ý nghĩa của lời kinh này được hai ví dụ sau xác định: dĩ nhiên câu chuyện người bạn xin bánh và người con xin cá trực tiếp muốn nói lên lời khuyên phải cầu nguyện kiên trì và tin tưởng. Nhưng câu kết luận của hai câu chuyện ấy và của bài Tin Mừng hôm nay rõ ràng khẳng định là lời cầu nguyện của chúng ta phải nằm trong viễn tượng Nước Trời. Tác giả Luca viết: Cha các ngươi sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người. Ðiều này dường như muốn đáp lại một lời khác của Chúa, là "các ngươi hãy tìm Nước Thiên Chúa trước và mọi sự khác sẽ được thêm cho".
Chúng ta có đủ lý do để kiểm điểm lại việc cầu nguyện của mình. Và ước gì bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta đổi mới được việc cầu nguyện! Nhất nữa theo thư Phaolô hôm nay, chúng ta còn có tư thế hơn Abraham ngày trước nếu chúng ta có thể nói được như vậy.

3. Tư Thế Của Chúng Ta

Vị tổ phục không dám nài xin Thiên Chúa cho đến cùng để dân thành Sôđôma khỏi bị phạt, là vì một đàng Người còn sợ đức công minh của Chúa, và đàng khác Người không chắc chắn chúng ta ngày nay có một tư thế khác. Thánh Phaolô khuyên ta suy nghĩ về ơn gọi của mình. Há phép Rửa đã không biến đổi chúng ta nên những người con mới sao? Chúng ta đã cùng được mai táng với Ðức Kitô và đã cùng được sống lại với Người. Phép Rửa đã làm cho chúng ta công việc ấy. Và như vậy chúng ta đã chết cho tội lỗi và đã hồi sinh trong Ðức Kitô. Ân sủng do mầu nhiệm thánh giá của Người đã ân xá cho ta mọi điều sa ngã, đã thủ tiêu văn khế tội nợ của ta. Chúng ta đã được trở nên công chính và trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Ðiều cần duy nhất là chúng ta phải ở lại luôn mãi trong tư thế ấy để luôn luôn nhận được lòng thương xót của Chúa. Nhưng giả như chúng ta không chắc chắn về ân sủng nơi mình chúng ta vẫn phải tin tưởng chắc chắn vào ân sủng nơi thánh giá Ðức Kitô. Người đã trở nên của lễ đền tội đời đời cho nhân loại, để Hội Thánh không ngừng có thể được ơn tha thứ tội lỗi. Như thư Hipri viết: Chúng ta đã có Ðấng cầu bầu đảm bảo ở trước mặt Thiên Chúa... Thế nên chúng ta hãy dạn dĩ tiến gần đến ngai ân sủng...
Chúng ta hãy dạn dĩ cầu nguyện, và cầu nguyện không ngừng. Hãy cầu nguyện cho mình và cho xã hội. Hãy cầu nguyện như Chúa đã dạy trong kinh Lạy Cha và hãy cầu nguyện tin tưởng như thư Phaolô khuyên bảo. Chúng ta có tư thế mà trước đây Abraham không có. Không những chúng ta có Ðấng cầu bầu bảo đảm là Ðức Giêsu Kitô. Chính chúng ta cũng có khả năng để được Chúa nghe lời vì chúng ta đã trở nên nghĩa tử của Người và được cầu nguyện bằng chính lời của Con yêu dấu Người... Giờ đây tham dự thánh lễ chúng ta lại được đổi mới tâm hồn và được đồng hóa với Ðức Giêsu Kitô nhiều hơn. Ðể làm gì nếu không phải một phần nào để trở nên tư tế của các dân tộc, luôn luôn cầu nguyện cho thế giới được ơn cứu độ? Chúng ta hãy suy nghĩ về nhiệm vụ cầu nguyện của mình để không ngừng đổi mới công việc ấy nhờ giáo huấn của Lời Chúa hôm nay.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cầu nguyện

Có nhiều định nghĩa khác nhau về cầu nguyện. Có người định nghĩa đơn giản là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Người khác cho cầu nguyện là thương lượng với Thiên Chúa. Người khác nữa cho cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa như hai người bạn nói chuyện với nhau. Và cũng có những người cho cầu nguyện là cầu xin những gì mình đang túng thiếu và cần Thiên Chúa ban ơn. Tất cả những định nghĩa trên đây nói lên một khía cạnh của cầu nguyện, tổng hợp tất cả cho chúng ta cái nhìn toàn bộ về việc cầu nguyện.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện. Trong bài đọc I, tổ phụ Abraham xót thương dân thành Sodom, nên ông can đảm và mạnh bạo đến thương lượng cùng Thiên Chúa để Ngài bỏ ý định luận phạt dân thành đó. Tuy không nhận được sự ân xá cho thành, nhưng ông chứng tỏ cho chúng ta thấy chúng ta có thể thương lượng với Thiên Chúa, và những việc lành của một số người có sức mạnh để Thiên Chúa tha thứ cho toàn thể dân cư trong thành. Trong bài đọc II, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người được biểu tỏ qua việc Thiên Chúa ban cho con người Đức Kitô. Ngài đến để xóa sạch sổ nợ cho con người bằng cái chết trên Thập Giá và mang nguồn hy vọng cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa dạy cho các môn đệ biết cách cầu nguyện cách xứng hợp qua Kinh Lạy Cha, và hai thái độ cần có trong khi cầu nguyện là tin tưởng và kiên trì.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Abraham cầu xin cho dân thành Sodom.

1.1/ Trách nhiệm hỗ tương giữa người và người trong điều thiện cũng như trong tội lỗi:

Đây là một trong những trình thuật viết bởi truyền thống J: gọi Thiên Chúa là Jahveh và mô tả sự thân mật giữa Thiên Chúa và con người. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì tình bạn đối với Abraham, Ngài muốn tỏ cho Abraham biết những gì Ngài sắp làm.

Hai đặc tính quan trọng của Thiên Chúa là công bằng và nhân từ. Nhiều người, trong đó có tác giả của Sách Sáng Thế Ký và Abraham, thắc mắc: đặc tính nào Thiên Chúa sẽ dùng để xét xử và luận phạt con người? Ông Abraham muốn xin Thiên Chúa thương xót và tha thứ cho dân thành Sodom, nên ông tiến lại gần lại gần Ngài và thưa: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? ... Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?"

Qua lời van xin của Abraham, tác giả của Sách muốn nhấn mạnh tội lỗi và sự thánh thiện không chỉ có tính cá nhân, mà còn mang tính cộng đồng: một người làm lành mọi người đều hưởng; một người làm ác mọi người đều phải chịu lây. Thiên Chúa cũng đồng ý như vậy khi Ngài chấp nhận lời khẩn cầu đầu tiên của Abraham.

1.2/ Thiên Chúa công bằng và nhân từ trong việc luận phạt.

Abraham muốn khêu gợi lòng nhân từ của Thiên Chúa, vì sự thiện của một nhóm người, để xin Thiên Chúa ân xá cho dân thành Sodom, trong đó có cháu của ông là Lot và gia đình của ông này. Abraham thương lượng với Thiên Chúa: bắt đầu từ 50 và giảm dần cho tới 10, nhưng ông không thể giảm tới con số nhỏ hơn 10. Vì thế, Sodom đã bị tiêu diệt bởi lửa diêm sinh từ trời, chỉ có ông Lot và gia đình của ông thoát nạn.

Đâu là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét và luận phạt con người? Mặc dù không tìm được câu trả lời rõ ràng; nhưng tác giả cho thấy cách phán xét của Thiên Chúa: không quá khắt khe đến độ không thể cầu nguyện hay thương lượng cho được và cũng không quá dễ dàng đến độ hễ cầu xin là được nhận lời.

2/ Bài đọc II: Đức Kitô là người bầu chủ cho chúng ta trước Thiên Chúa.

2.1/ Bí tích Rửa Tội hoàn hảo hơn phép cắt bì.

Nhiều người Do-thái tin tưởng phép cắt bì là dấu họ thuộc về Thiên Chúa, là dân riêng của Ngài. Tuy nhiên, nhiều ngôn sứ đã đả phá quan niệm này và chứng minh việc cắt bì xác thịt không đủ để Thiên Chúa bảo vệ. Họ phải cắt bì cả đôi tai để lắng nghe lời Thiên Chúa, và cắt bì cả lòng trí để vâng phục và làm theo ý của Ngài.

Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Colossê sự quan trọng của bí tích Rửa Tội: “Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.”

Thần học của thánh Phaolô về bí tích Rửa Tội giải thích: khi một tín hữu bị dìm mình trong nước Rửa Tội, mọi tội lỗi của người đó bị cuốn trôi đi vì cái chết và mai táng của Đức Kitô; để khi trồi lên khỏi nước, họ là một con người mới trong Đức Kitô. Họ cùng được trỗi dậy và cùng sống với Ngài. Sự sống của người tín hữu từ nay gắn liền với sự sống của Đức Kitô, đến nỗi họ có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Từ nay tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” Qua cái chết của Đức Kitô, Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi tội lỗi cho con người, và nhờ đó, con người được hòa giải với Thiên Chúa.

2.2/ Người đã huỷ bỏ sổ nợ của chúng ta đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

Sổ nợ (cheirógraphon) là chữ chỉ được dùng một lần ở đây trong toàn Tân Ước. Danh từ này có nghĩa là những gì viết bằng tay trên giấy trắng mực đen. Trong thương mại, nó có nghĩa là những gì một người có bổn phận phải trả cho chủ nợ. Trong Lề Luật, nó có nghĩa là những tội lỗi của một người.

Con người đã nợ Thiên Chúa rất nhiều về mọi phương diện. Ở đây, thánh Phaolô có lẽ muốn nhấn mạnh đến sổ nợ của con người theo Lề Luật. Mỗi lần con người không thi hành Luật, con người phạm một tội, hậu quả của tội nặng và cố tình là sự chết. Cái chết là hình phạt của sự không vâng phục (Gen 2:17; Deut 30:19). Nếu xét như thế, mỗi người đã phải chết bao nhiêu lần rồi!

Trong Thư Rôma, thánh Phaolô giải thích rõ ràng hơn làm thế nào Đức Kitô giải thoát con người khỏi Lề Luật, tội lỗi, và sự chết (Rom 6-8). Trong Ephesians 2:15, Phaolô cũng cắt nghĩa lý do của sổ nợ là những Lề Luật. Tất cả sổ nợ của con người bị hủy diệt đi, khi Đức Kitô đại diện cho toàn thể nhân loại, gánh mọi hình phạt của tội trên Ngài, khi Ngài tình nguyện đóng đinh vào Thập Giá.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách cầu nguyện và thái độ phải có.

3.1/ Lời cầu nguyện lý tưởng nhất: Con người không biết cách cầu nguyện làm sao cho đúng, vì điều cần cầu xin nhất lại không cầu xin, mà chỉ chú tâm đến điều phụ thuộc; hay cầu xin những gì không có lợi cho mình trong tương lai, chẳng hạn xin giầu có hay chức tước, để rồi dần dần lún sâu trong tội và sống xa Chúa.

Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho biết cách cầu nguyện, Ngài dạy cho các ông Kinh Lạy Cha. Kinh này được Giáo Hội coi là kinh quan trọng nhất, vì nó phát xuất từ Đức Kitô, Đấng duy nhất biết và thi hành trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa.

Có hai sự khác biệt giữa kinh Lạy Cha của Luke và Matthew: Thứ nhất, trình thuật của Luke thiếu câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Thứ hai, trình thuật của Luke cũng thiếu câu “xin cứu chữa chúng con khỏi sự dữ.”

Cả hai trình thuật đều đặt sự quan trọng của việc cầu xin cho Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến, trước khi hướng tới những nhu cầu căn bản của con người. Lương thực hằng ngày, sự tha thứ, và sức mạnh để vượt qua mọi cơn cám dỗ là ba điều quan trọng trong đời sống thường nhật của một Kitô hữu.

3.2/ Thái độ phải có khi cầu nguyện

(1) Kiên trì: Ví dụ Chúa Giêsu đưa ra có mục đích đòi hỏi con người phải có thái độ kiên khi cầu nguyện. Truyền thống Do-thái rất hiếu khách, nhất là những khách từ xa tới. Người kêu xin bị đặt trong thế kẹt: một là chịu thất lễ với khách, hai là chịu làm phiền hàng xóm, anh đã chọn giải pháp thứ hai để bảo vệ sự sống cho người bạn mình.

Nhà của người Do-thái ngày xưa không rộng mà nhân số trong nhà lại đông, nên cả gia đình thường ngủ chung dưới sàn trên chăn chiếu. Vì thế, nếu một người phải thức và ra mở cửa sẽ làm cho những người khác phải thức theo. Đó là lý do người hàng xóm từ chối lúc đầu; nhưng khi anh bạn có khách cứ gõ và nói mãi, anh phải chỗi dậy lấy bánh cho mượn, không phải vì tình bạn; nhưng vì sự lỳ lợm của anh. Lúc này, chắc những người trong gia đình đang ngủ chung cũng đã thức dậy hết!

(2) Tin tưởng: Thái độ này còn quan trọng hơn cả thái độ kiên trì, vì nó là động lực giúp con người chạy đến với Thiên Chúa. Hầu như trong tất cả các phép lạ, Chúa Giêsu chỉ làm khi Ngài nhận thấy có dấu chỉ của niềm tin. Ngài từ chối không làm bất cứ phép lạ nào khi chỉ thấy sự cứng lòng hay thử thách.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ so sánh người Cha trên trời với các người cha dưới đất: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:



- Chúng ta có bổn phận cầu xin Thiên Chúa cho những người tội lỗi được ăn năn trở lại, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa.

- Đức Kitô là căn nguyên của tha thứ, hòa giải, và mọi ơn lành. Để lời cầu nguyện chúng ta được Thiên Chúa lắng nghe, chúng ta phải cầu xin nhờ danh và công nghiệp của Ngài.

- Để lời cầu nguyện có hiệu quả, chúng ta cần có thái độ tin tưởng và kiên trì nơi Thiên Chúa. Chúng ta cứ việc cầu xin mọi sự đẹp ý Thiên Chúa, nhưng phải sẵn lòng để chấp nhận thánh ý của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

28/07/13 CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – C 
Lc 11,1-13

XIN VÀ ĐƯỢC
“Ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)

Suy niệm: Lời Chúa hứa thật chắc nịch và chúng ta đã nghe rất nhiều lần: “Ai xin thì sẽ được”. Thế nhưng chúng ta cũng có lắm kinh nghiệm về điều này là: không phải lúc nào xin hay tìm hay gõ đều được, đều thấy, đều được mở ra cho. Vậy phải chăng là Chúa chỉ hứa… cho vui?! Chắc chắn không phải vậy, mà đó là cơ hội để chúng ta khám phá ý Chúa nơi những việc xảy đến ngoài ý muốn của chúng ta, như có người nói:
- Chúng ta xin cho có sức khỏe để làm những việc lớn lao, Chúa lại ban cho ta sự yếu đuối để làm việc cách tốt hơn.
- Chúng ta xin cho được giàu sang để sống hạnh phúc hơn, Chúa lại ban cho ta nghèo khó để sống khôn ngoan hơn.
- Chúng ta xin cho được quyền lực để người đời ca tụng, Chúa lại ban cho ta sự hèn mọn để tôi ý thức cần đến Người hơn.
- Chúng ta xin Chúa ban cho mọi sự để tận hưởng thú vui cuộc sống, Chúa lại cho ta cuộc sống để tận hưởng mọi sự.
- Tuy chúng ta chẳng được tất cả những gì chúng ta xin, nhưng lại nhận được mọi sự chúng ta cần (Vô danh).
Mời Bạn: Bạn đã nhiều lần kinh nghiệm xin Chúa điều này điều kia. Khi không được như ý sở cầu, bạn đã phản ứng thế nào? Còn khi nhận được điều bạn xin, bạn có ý thức tạ ơn Chúa và sử dụng những ơn mình lãnh nhận để phục vụ tha nhân không?
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa một lời nguyện tạ ơn trước mỗi biến cố dù vui hay buồn xảy đến trong đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con có cuộc sống này. Xin cho con biết tận dụng những gì con đang có để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho anh chị em mình. Amen.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy
28 THÁNG BẢY
Những Người Chiến Thắng Trong Đức Kitô Và Còn Hơn Thế Nữa
Chúng ta hãy xem lại bản văn trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em…” (1Pr 1,3-4).
Liền sau đó, Tông Đồ Phê-rô nhấn mạnh một điểm vừa rất sáng tỏ vừa đầy khích lệ: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế khi Đức Giê-su Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,6-7).
Vâng, chúng ta có thể an tâm tin tưởng qua sứ điệp ấy! Vì sự tiền định của thế giới thụ tạo và nhất là của con người trong Đức Kitô là nền móng tất yếu cho mối quan hệ giữa sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa và thực tại sự dữ và đau khổ. Ở đây chúng ta có một niềm hy vọng vững chắc về chiến thắng cuối cùng của mình trên sự dữ và đau khổ. Nhờ sự chiến thắng của Đức Kitô, chúng ta sẽ chiến thắng sự dữ và đau khổ dù thuộc hình thức nào đi nữa. Chúng ta được tiền định trong Đức Kitô để toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta (Rm 8,37).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật XVII Thường Niên
St 18, 20-32; Cl 2, 12-14; Lc 11,1-13
LỜI SUY NIỆM: Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thây, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan dạy môn đệ của ông” (Lc 11,1).
Trong cuộc sống của con người, dù ở bất cứ nơi nào, là tín hữu tôn giáo nào, đều có sự gắn bó trong cầu nguyện với đấng mà mình tin thờ. Riêng với người Công Giáo, cầu nguyện còn cần thiết như là hơi thở của con người. Bởi cầu nguyện là thân thưa và kêu xin Thiên Chúa. Nhưng trong loài người không có ai biết rõ Thiên Chúa và Thánh ý của Ngài. Chỉ có một mình Chúa Giêsu từ Thiên Chúa mà đến, là Con Một duy nhất của Ngài. Chỉ có một mình Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là “Kinh Lạy Cha”. Đây là lời cầu xin hoàn hảo nhất khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Điều này giúp cho chúng ta gắn kết với Thiên Chúa và cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa. Cùng cầu xin cho nhau, cũng như cùng nhau đoan hứa trước mặt Ngài.
Mạnh Phương

28 Tháng Bảy
Những Kỷ Niệm Nhỏ
Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người rất thận trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.
Lần kia, ông và phu nhân cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại một thành phố thuộc tiểu bang Montana.
Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Nhưng, không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia. Một cậu bé tìm cách tặng cho kỳ được lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà em đang cầm trên tay. Cảnh sát cố tình ngăn chận cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay em một cách nhiệt tình.
Cậu bé khác cảm thấy buồn hiu vì em không có gì để dâng tặng cho tổng thống. Em cố gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho tổng thống. Em sung sướng vô cùng, bởi vì chính tổng thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả trang trọng.
Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Bà Wilson xếp đặt lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây năm năm. Ông quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật... Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta cho bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh, phục vụ quên mình của chúng ta...
Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con người. Lần kia, Ngài vào đền thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào hòm, chợt có một người đàn bà góa chỉ bỏ có một đồng xu nhỏ. Vậy mà Ngài đã tuyên bố: Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những của dư thừa của mình, còn người đàn bà nghèo này lại dâng cúng tất cả những gì mình có để độ nhật...
Thiên Chúa luôn trân trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ, nhỏ bé dưới mắt người đời, càng có giá trị trước mặt Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng ngày, của những việc làm vô danh...
(Lẽ Sống)


28-7
Thánh Leopold Mandic 
(1887-1942)

Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.
Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."
Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.
Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất. 
Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.
Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.
Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.
Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10) -- đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu."
Lời Trích
Thánh Leopold thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Gioan 10:16).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét