Thứ Ba
Ngày 23/07/2013
Tuần 16
Mùa Thường Niên Năm Lẻ
BÀI ĐỌC I: Xh 14, 21 - 15, 1
"Con cái Israel đi qua giữa biển ráo chân".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, khi Môsê giơ tay trên biển, thì bằng một
cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, Chúa dồn biển lui và làm cho biển khô cạn. Nước
rẽ ra và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước dựng lên như bức
thành hai bên tả hữu. Người Ai-cập đuổi theo, toàn thể binh mã của Pharaon, chiến
xa và kỵ binh đi theo sau Israel vào giữa lòng biển.
Lúc gần sáng, qua cột mây lửa, Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập,
gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người lật đổ bánh xe, khiến xe tiến tới thật
vất vả. Người Ai-cập nói: "Ta hãy chạy trốn Israel, vì Chúa chiến đấu giúp
họ, chống chúng ta".
Chúa phán bảo Môsê: "Hãy giơ tay trên biển để nước trở lại
vùi dập người Ai-cập, chiến xa và kỵ binh của chúng". Môsê giơ tay trên biển,
và lúc tảng sáng, biển trở lại như cũ. Người Ai-cập chạy trốn, gặp ngay nước biển
ập lại. Chúa xô chúng ngã giữa lòng biển. Nước trở lại, vùi dập chiến xa và kỵ
binh. Toàn thể quân lực của Pharaon đã theo dân Israel xuống biển, không còn
tên nào sống sót. Còn con cái Israel đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước dựng
như bức thành hai bên tả hữu.
Ngày đó Chúa cứu Israel khỏi tay Ai-cập. Và họ thấy xác người
Ai-cập trôi dạt đầy bờ, và thấy cánh tay oai hùng của Thiên Chúa đè bẹp Ai-cập,
toàn dân kính sợ Chúa, tin vào Chúa và vào Môsê tôi tớ Người.
Bấy giờ Môsê cùng với con cái Israel hát mừng Chúa bài ca này:
"Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì uy linh Người cao cả, Người đã ném ngựa và người
xuống biển khơi". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Xh 15, 8-9. 10 và 12. 17
Đáp: Chúng ta hãy ca tụng
Chúa, vì Người uy linh cao cả (c. 1a).
1) Gió hận
thù của Chúa thổi lên dồn nước đông lại, những dòng nước đứng dựng lên như thể
bức tường, sóng cả vực sâu đông đặc giữa biển khơi. Tên địch tự nhủ: "Ta
rượt theo và truy nã, ta sẽ tuốt gươm ra, tay ta sẽ lột trần bọn
chúng". - Đáp.
2) Nhưng Chúa
đã thổi gió lên, biển đã nuốt trơn quân thù, chúng chìm lỉm như hòn chì giữa nước
biển bao la. Chúa giơ tay hữu ra, đất đã nuốt trửng quân thù, vì tình thương
Chúa lãnh đạo dân tộc Người giải thoát. - Đáp.
3) Chúa sẽ
đưa họ tới và định cư trên núi thuộc cơ
nghiệp Người; ở chính nơi mà Chúa đã chọn làm nhà trú ngụ, lạy Chúa, nơi thánh
điện mà tay Chúa đã dựng nên. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai
đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 12, 46-50
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là
anh em Ta".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và
anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng:
"Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người
trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay
chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý
Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy". Đó là lời
Chúa.
SUY NIỆM : Thực Hành Lời Chúa
Mỗi tác giả
Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của
Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng
gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được
tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh
cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người
có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó,
Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng
bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính
là những ai thực thi ý Chúa.
Trong Tin
Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được
ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa,
cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có
việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào
quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Ðoạn Tin Mừng
hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa
và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa;
do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được
tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần
khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm
trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính
vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột
thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ
là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa Giêsu
đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực
trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên
gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do
Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc
cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những
quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con
người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do
chính niềm tin.
Dĩ nhiên,
gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin;
gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành
trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng
đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón
nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao
thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta
thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc
gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng
đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với
tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế
đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh
em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm
cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước gì
chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời
Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng
hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Ba
Tuần 16 TN1, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:Thi hành
thánh ý Thiên Chúa.
Có thể nói
cuộc đời con người là một mầu nhiệm, vì chúng ta không luôn luôn hiểu rõ những
gì chúng ta phải làm; nhưng chúng ta vẫn thi hành những gì Thiên Chúa muốn, vì
chúng ta tin tưởng vào sự thương yêu và uy quyền của Thiên Chúa dành cho chúng
ta. Chỉ khi nhìn thấy kết quả sau này chúng ta mới nhận ra sự quan phòng kỳ diệu
của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc
hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc thi hành thánh ý Thiên Chúa mặc
dù chúng ta không luôn hiểu rõ ràng. Trong Bài Đọc I, con cái Israel dưới sự chỉ
đạo của Moses, xuất hành khỏi Ai-cập mà không biết phải làm sao; nhưng khi đã
an toàn vượt qua Biển Đỏ, họ mới nhận ra uy quyền và sự thương yêu của Thiên
Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm theo
thánh ý Thiên Chúa. Đó là điều kiện để trở thành phần tử trong đại gia đình của
Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
Israel nhìn thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập.
1.1/ Cuộc vượt
Biển Đỏ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại: Thiên Chúa truyền cho Moses giơ tay trên mặt
biển, để khiến nước của Biển Đỏ rẽ ra làm hai, tạo thành một lối đi giữa biển
cho dân Israel băng qua. Trình thuật kể: "Ông Moses giơ tay trên mặt biển,
Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá
thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn,
nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu."
Thấy dân
Israel đi giữa biển được, quân Ai-cập đuổi theo sau cũng tiến vào; toàn thể chiến
mã, chiến xa và kỵ binh của Pharao tiến vào giữa lòng biển, đằng sau dân
Israel. Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, Đức Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập,
Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến
chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: "Ta phải trốn bọn
Israel, vì Đức Chúa chiến đấu chống lại người Ai-cập để giúp họ."
Nhưng đã
quá trễ để quay đầu trở lại... Khi dân Israel đã lên bờ bên kia hết, Đức Chúa
phán với ông Moses: "Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống trên quân
Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng." Ông Moses giơ tay trên mặt
biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai-cập đang chạy trốn thì
gặp nước biển, Đức Chúa xô ngã quân Ai-cập giữa lòng biển. Nước ập xuống, vùi lấp
chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pharao đã theo dân Israel đi
vào lòng biển. Không một tên nào sống sót.
1.2/ Dân
Israel nhận ra và ngợi khen uy quyền của Thiên Chúa: "Ngày đó, Đức Chúa
đã cứu Israel khỏi tay quân Ai-cập. Israel thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ
biển. Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính
sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Moses, tôi trung của Người."
Chiến thắng
Biển Đỏ hoàn toàn do uy quyền của Thiên Chúa. Như ông Moses báo trước cho dân
Israel: Họ không cần phải giao chiến, chỉ cần đứng nhìn xem cánh tay uy hùng của
Thiên Chúa sẽ nhận chìm quân đội của vua Pharao dưới lòng biển.
Mỗi năm,
dân tộc Israel nhớ lại cuộc Xuất Hành của mình ra khỏi Ai-cập và chiến thắng
huy hoàng của Thiên Chúa trên Biển Đỏ, để nhắc nhở cho nhau biết tình thương và
uy quyền của Thiên Chúa. Với chân không, đoàn di dân cả hàng triệu người, chưa
kể súc vật đã vượt qua Biển Đỏ ráo chân. Với tay không, họ đã chiến thắng vẻ
vang trên quân đội hùng mạnh và tinh nhuệ của Ai-cập. Họ có thể làm được chuyện
này vì bàn tay của Thiên Chúa ở với họ. Dân Israel muốn nhắc nhở cho nhau trong
đêm này: Đừng bao giờ quên tình thương và uy quyền của Thiên Chúa.
Bài ca chiến
thắng của nữ tiên tri Miriam: Bấy giờ ông Moses cùng với con cái Israel hát mừng
Đức Chúa bài ca sau đây. Họ ca rằng: "Tôi xin hát mừng Đức Chúa, Đấng cao
cả uy hùng:
Kỵ binh
cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương." Lời Việt mà các ca đoàn hát
trong Bài Đáp Ca của Đêm Phục Sinh: "Vang lên muôn lời ca, ta ca tụng
Chúa, vì uy danh Ngài cao cả à á a. Chiến mã với kỵ binh, Người đã quăng chìm
đáy biển à á a."
2/ Phúc Âm: Ai
thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.
2.1/ Thi hành
thánh ý Thiên Chúa là cách thức để gia nhập gia đình Thiên Chúa: Khi Chúa Giêsu đang nói
với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện
với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng
ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai
là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói:
"Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý muốn của Cha tôi,
Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."
Khi nói những
lời này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Mẹ Ngài hay mối liên hệ gia đình;
nhưng Ngài muốn nhấn mạnh 2 điểm:
(1) Mọi
người đều có thể trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận ra và
thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
(2) Cách
trở thành phần tử trong gia đình Thiên Chúa khác với cách của người đời. Theo cách của người đời,
một người trở thành phần tử trong gia đình, hoặc bằng cách sinh ra trong gia
đình, hoặc do gia trưởng trong gia đình nhận làm con nuôi (Jn 1:13). Theo cách
của Thiên Chúa, một người trở thành con Thiên Chúa bằng cách làm theo thánh ý
Thiên Chúa; hay một cách rõ nét hơn: bằng cách tin vào Đức Kitô là Con Thiên
Chúa (Jn 1:12).
2.2/ Đức Mẹ
là người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn: Giống như Chúa Giêsu, cả
cuộc đời của Đức Mẹ là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể trưng dẫn
ba nét chính:
(1) Trong
biến cố Truyền Tin: Khi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin về Kế Họach Cứu Độ của
Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh; nhưng sau khi đã nhận ra
thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường thưa với sứ thần lời Xin Vâng:
"Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền" (Lk
1:38).
(2) Tại tiệc
cưới Cana: Khi
nhận ra sự lúng túng của đôi tân hôn vì hết rượu, Mẹ đến kêu cầu với Chúa:
"Họ hết rượu rồi!" Mặc dù Chúa nói với Mẹ: "Thưa bà, chuyện đó
can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến;" Mẹ vẫn căn dặn gia nhân:
"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Jn 2:4-5).
(3) Khi
tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Sau ba ngày vất vả tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy
giáo và đàm thoại với họ, mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử
với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm
con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có
bổn phận ở nhà của Cha con sao?"
Nhưng ông
bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về
Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những
điều ấy trong lòng (Lk 2:48-51).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong cuộc
đời, chúng ta không luôn sống theo sự hiểu biết; vì có những lúc chúng ta phải
sống bằng đức tin qua việc làm theo thánh ý của Thiên Chúa.
- Chúng ta
làm theo thánh ý Thiên Chúa vì chúng ta tin tưởng Ngài là Thiên Chúa có quyền
trên mọi sự và thương yêu chúng ta hơn bất cứ ai trong cuộc đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 16 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 12,46-50
A. Hạt giống...
Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong chuyện này nhằm đề cao những
người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quý chuộng họ còn hơn những kẻ có
liên hệ huyết nhục với Ngài nữa.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta, nên Ngài cũng có một gia
đình tự nhiên, Ngài yêu mến cha mẹ anh chị em bà con. Nhưng Ngài còn có một gia
đình thiêng liêng gồm những môn đệ và những kẻ nghe lời Ngài giảng dạy. Điều
đặc biệt là Ngài quý chuộng gia đình thiêng liêng này hơn gia đình tự nhiên
kia.
Tôi thuộc về gia đình thiêng liêng của Chúa. Tôi được Chúa yêu
thương hơn cả những người ruột thịt của Ngài. Thật là hạnh phúc. Cám ơn Chúa.
2. Nhưng để xứng đáng với tình yêu thương ấy, tôi phải lắng nghe
Lời Chúa và làm theo ý Chúa.
Hơn ai hết, Đức Mẹ là gương mẫu lắng nghe và thi hành ý Chúa, cho
nên Đức Mẹ vừa thuộc gia đình tự nhiên vừa thuộc gia đình thiêng liêng của
Chúa.
Xin Đức Mẹ dạy con noi gương Đức Mẹ.
3. Lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý Chúa phải đi đôi với nhau, bời
vì nghe không phải để bỏ qua mà để thi hành. Mỗi tuần, mỗi ngày tôi đều có nghe
Lời Chúa. Nhưng xét kỹ xem tôi có “lắng nghe” không, và có cố gắng thi hành ít
là một phần nào đó không.
4. Kitô giáo vốn là Đạo của Lời. Thiên Chúa nói với con người, đó
là mặc khải nền tảng của Thánh Kinh. Thiên Chúa nói với con người bằng muôn
nghìn cách thế, nhưng thinh lặng là cách thế quan trọng nhất. Chính trong thinh
lặng của cõi lòng mà Thiên Chúa nói với con người ; chính trong thinh lặng của
thiên nhiên và các biến cố mà Thiên Chúa nói với con người. Do đó, chỉ trong
thinh lặng, con người mới nghe được lời của Ngài (Chờ đợi Chúa)
Những dòng trên khuyến khích tôi xét lại sự thinh lặng nội tâm của
tôi. Mỗi ngày tôi thực sự thinh lặng bao nhiêu phút ? Nhiều khi tôi im lặng chứ
không phải thực sự thinh lặng nội tâm.
Lạy Chúa, giữa muôn ồn ào náo động của cuộc sống, xin cho con giữa
được sự thinh lặng trong tâm hồn, để luôn lắng nghe được tiếng Chúa, và nhất là
nhận ra tiếng Chúa trong mọi quan hệ của con.
5. “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, đấng ngự trên trời, người
ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50)
Người thanh niên đến gặp Chúa Giêsu trên con đường Ngài cùng môn đệ
dấn bước. Ngài đã nhìn anh và đem lòng mến yêu.
Con chợt rung động dưới ánh nhìn của Chúa. Ánh nhìn chẳng dừng lại
với những thành kiến hẹp hòi, chẳng dừng lại nơi những cao ngạo phô trương, nhưng
cứ vút xa mãi, vượt quá lớp sương mù để chiếu vào tận cõi thâm sâu, để nhìn
thấy hình ảnh Cha đang ẩn mình trong mỗi tâm hồn. Ánh nhìn không bị bó hẹp
trong khuôn khổ một gia đình nhỏ bé tự nhiên, nhưng vượt quá những khác biệt,
những bức tường ngăn cách, những liên hệ máu mủ ruột thịt, để sống tuân phục
như định nghĩa của tình yêu, để thiết lập những dây leo tình thương liên kết
mọi tâm hồn nhân loại trong gia đình rộng lớn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống như người anh em của Chúa, bằng sự
hiện diện đầy dẫy yêu thương tích cực trong lòng Giáo Hội và giữa mọi người anh
em. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ
23/07/13 THỨ BA TUẦN 16 TN
Th. Bighítta, nữ tu
Mt 12,46-50
Th. Bighítta, nữ tu
Mt 12,46-50
NÊN NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA
“Người (Chúa
Giê-su) còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên
ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.” (Mt 12,46)
Suy niệm: Cho
dầu là người thân của Chúa, mẹ và anh em của Ngài vẫn không dễ dàng vào gặp
Ngài được. Có một hàng rào khó lòng vượt qua ngăn cách họ với Chúa, hàng rào
của đám đông đang vây quanh Chúa. Những người này tự tách biệt mình khỏi mối
liên hệ huyết thống với Chúa khi nói: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng
ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (c.47). Chúa Giêsu cho thấy
có một mối liên hệ còn cao cả hơn khiến họ trở thành thân thiết với Chúa hơn bà
con họ hàng khi Ngài khẳng định: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy
là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).
Mời Bạn: Chỉ
những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha thì mới trở nên người thân của Chúa
Giêsu. Điều này thúc đẩy mỗi người chúng ta hành động theo ý Chúa, theo lời dạy
của Ngài mỗi ngày để trở nên người nghĩa thiết với Chúa và với Mẹ Maria. Thánh
Phêrô đã khẳng định: “Vì ý muốn của Thiên Chúa là anh em hãy làm điều thiện để bịt miệng
những kẻ ngu xuẩn vô tri” (1Pr 2,15). Vì thế, khi làm điều thiện là ta
thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là trở nên người thân thích của Chúa Giêsu và
Mẹ Maria.
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày suy niệm Lời Chúa và quyết tâm làm một việc thiện cụ thể theo ơn soi sáng
của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gọi
chúng con là bạn hữu khi Chúa tỏ cho chúng con biết việc Chúa làm. Xin cho
chúng con trở nên người thân thiết với Chúa khi chúng con sẵn sàng làm việc
theo ý muốn của Cha trên trời.
Ai là mẹ
tôi?
Bất cứ
sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình, bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên
trong trái tim nhân loại, người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha
Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c.
50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng
lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt
23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh
nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội
Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm
“Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây
là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mt 12, 49)
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết rằng: huyết
thống thiêng liêng mới quan trọng. Đó chính là những người nghe và thực hành ý
của Thiên Chúa là mẹ, là anh em của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, vừa nghe qua đoạn Phúc âm này con
có cảm tưởng như Chúa không có quan tâm đến gia đình trần gian. Thậm chí hình
như Chúa còn thờ ơ, lãnh đạm với Mẹ Maria là người mà Chúa luôn yêu mến thảo
hiếu và kính trọng. Con vẫn tin rằng Chúa là một người con chí hiếu của Đức Mẹ.
Bởi vì không một lời yêu cầu nào của Đức Mẹ mà Chúa bỏ qua. Chẳng hạn như trong
tiệc cưới Cana, Chúa đã biến nước lã thành rượu nhờ vào sự can thiệp của Đức
Mẹ. Mặc dù chưa đến giờ Chúa biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa khi thực hiện
phép lạ.
Càng suy nghĩ con càng thấy Chúa vô cùng khéo léo
để giới thiệu với dân chúng Mẹ Maria là người luôn lắng nghe và thực hành thánh
ý Thiên Chúa một cách thật hoàn hảo ngoài Mẹ ra có ai được như thế. Chúa Giêsu
có ý dạy cho dân chúng điều quan trọng hơn hết là việc lắng nghe và thực hành
thánh ý Thiên Chúa. Chúa muốn nuôi sống dân Chúa bằng chính Lời Chúa trong Kinh
Thánh, trong cầu nguyện để tất cả được trở thành những người cùng huyết thống
thiêng liêng với Chúa.
Xin cho chúng con luôn yêu mến Lời Chúa, siêng
năng suy gẫm và thực hành Lời Chúa. Để mỗi ngày chúng con được nên giống Chúa
hơn. Noi gương Mẹ Maria, luôn lắng nghe và thực hành ý Chúa một cách trọn vẹn.
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên Tháng Bảy
23 THÁNG BẢY
Thông Dự Vào Ánh Sáng
Chúng ta đọc thấy trong
Thư Cô-lô-sê: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng
đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Ngài đã
giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào Vương Quốc Thánh Tử chí ái;
trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,12-14).
Vương Quốc của Thiên
Chúa là Vương Quốc của “Thánh Tử chí ái”, theo một nghĩa rất đặc biệt, bởi vì
chính nhờ công cuộc của Người mà “ơn cứu chuộc” và việc “thứ tha tội lỗi” được
hoàn thành. Những lời của Tông Đồ Phao-lô ám chỉ đến tội lỗi của con người. Vì
thế, sự tiền định tác động hiệu năng không duy chỉ do mối quan hệ của con người
với việc sáng tạo thế giới và chỗ đứng của con người trong thế giới. Một cách
căn bản, sự tiền định đối với con người có liên hệ với công cuộc cứu chuộc của
Chúa Con – là Đức Giê-su Kitô.
Công cuộc cứu chuộc ấy
trở thành một diễn tả cụ thể sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta nhận
ra rằng Thiên Chúa, Cha chúng ta, cai quản mọi sự một cách đầy quan tâm, nhất
là đối với những thụ tạo mà Ngài đã trao ban cho sự tự do.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
Thánh Birgitta, nữ tu
Xh 14, 21-15,1; Mt 12, 46-50
LỜI SUY NIỆM: “Vì phàm
ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi,
là mẹ tôi” (Mt 12,50).
Mỗi khi chúng ta quy tụ trong Nhà Thờ để cử hành phụng
vụ Lời Chúa, phụng vụ Thánh Thể. Là lúc chúng ta được chính Chúa Cha quy tụ
chúng ta lại, không là ai khác; để nhận ơn phúc được thờ phượng, được tôn vinh,
được cảm tạ lòng thương xót của Ngài; Là chúng ta đang làm theo ý của Chúa Cha.
Khi chúng ta cùng nhau cử hành trong tâm tình Kính mến Thiên Chúa, và tha thứ
cho nhau. Chính điều này giúp chúng ta được trở nên con cái một Cha trên trời;
là người anh em với nhau trong cùng một gia đình của Chúa Giêsu Ki-Tô.
Mạnh Phương
Gương
Thánh nhân
Ngày 23-07
Thánh
BRIGITTA
(1303 -
1373)
Thánh
Brigitta (hay là Birgitta) sinh ngày 14 tháng 6 năm 1303 tại Upland, Thụy Điển,
nơi cha Ngài cai quản, Mẹ Ngài, bà Ingeborg Phinsta, là con của vị quan cai quản
miền đông Goythland. Brigitta là con út trong số 7 người con.
Truyền
thuyết mặc cho cuộc sinh hạ của thánh nữ nhiều biến cố siêu nhiên.
Ngay trước
khi sinh ra thánh nữ, mẹ Ngài đã thoát chết cách lạ lùng trong một cuộc đắm
tàu. Một linh mục được thị kiến, thấy "tiếng nói của con trẻ được mọi người
nghe theo". Thực tế, Brigitta tới 3 tuổi mới nói được, nhưng lại nói rất
sõi làm cho láng giềng phải kinh ngạc.
Lúc lên 7
tuổi, một buổi sáng có bà mặc áo trắng hiện đến đầu giường, tay cầm triều thiên
và nói : - Brigitta, con có muốn thiên thần này không ?
Đứa trẻ
đáp lời : - Dạ con muốn lắm chứ.
Và Đức
trinh nữ đã đội triều thiên lên đầu Brigitta.
Buổi lên
mười, Brigitta đã được nghe giảng về cuộc khổ nạn của Chúa, Thánh nữ rất cảm động.
Đêm sau, Chúa Giêsu hiện ra, mình đầy thương tích bê nết máu. Chúa nói : - Con
xem cha bị đối xử tàn tệ thế nào.
Đau đớn
thánh nữ hỏi : - Lạy Chúa, ai làm cho Chúa bị thương tích như vậy ?
Chúa nói :
- Những người khinh thường các giới luật và quên lãng tình yêu cha.
Những hình
ảnh này không bao giờ phai mờ trong tâm trí Brigitta. Năm 1314 mẹ thánh nữ từ
trần. Ngài sống với người dì. Năm 1316, vì vâng lời và ngược với khuynh hướng tự
nhiên, thánh nữ kết hôn với Ulj Gudmarsson, 18 tuổi, nghị viên tương lai của
vương quốc. Họ sinh được tám người con, 4 trai, 4 gái.
Hai người
con trai chết sớm. Karl, người con trưởng nặng tinh thần thế tục, nhưng lại rất
kính mến Đức Mẹ. Birger, người con gái thứ hai, lập gia đình. Nhưng sau này trở
thành người cộng sự của mẹ và sẽ đem xác mẹ từ Roma về chôn cất tại Thụy Điển.
Ba người con gái khác đều lập gia đình Merita và Cêcilia ở lại Thụy Điển. Còn
Catarina sau khi mất chồng đã sống với mẹ (Brigitta tạ thế năm 1381 và được
tuyên thánh năm 1476).
Người con
trai thứ tư, Ingebord đã trở thành tu sĩ dòng Xitô.
Vua Magour
vời thánh nữ vào làm cố vấn cho hoàng hậu Blanche. Ngài trở thành người quản
gia thứ hai trong triều sau hoàng hậu, nhưng đã cố gắng một cách vô hiệu trong
nỗ lực biến cải đời sống của hoàng hậu lẫn của nhà vua.
Sau một
cơn bệnh nguy ngập và được Đức Trinh Nữ chữa lành, thánh nữ khuyên chồng rời bỏ
triều đình lui về nhà riêng họ đã sống đời gia đình gần như sống trong tu viện.
Brigitta
cùng chồng đi hành hương đền thờ thánh Giacôbê ở Compostella. Trên cùng về, ông
Ulf lâm trọng bệnh tại tu viện Alvasta. Năm 1943, nghĩa là 28 năm sau ngày cưới,
ông qua đời và Brigitta sống đời sám hối gần tu viện Xitô ở Alvasta. Khi sống tại
đây thánh nữ soạn một bộ luật dòng, Ngài được kêu gọi thành lập, nhưng sinh thời
Ngài không bao giờ thấy được dòng ấy thành hình.
Chính
Cararina, ái nữ Ngài, sẽ hướng dẫn nhà dòng phát triển mạnh mẽ, sau khi được Đức
Urbanô V châu phê năm 1370 và sau khi thánh nữ qua đời.
Thánh nữ
Brigitta được ơn tiên tri và thực hiện nhiều cuộc chữa trị lạ lùng cho Giáo hội
và xã hội. Chúng ta biết rằng: khi đã trở thành goá phụ, thánh nữ đã sống đời
khổ hạnh, ít ăn, ít ngủ và cầu nguyện không ngừng. Ngài theo đuổi một luật sống
nghiêm ngặt và thực hiện đủ công trình bác ái, đến nỗi chính Ngài phải đi ăn
xin. Dù vậy, Ngài không rút lui hoàn toàn vào cô đơn.
Ngài được
linh ứng và cha tuyên úy của Ngài viết lại bằng tiếng La-tinh dưới tựa đề
"mạc khải". Ngài cũng viết nhiều thư tín cho các Đức giáo hoàng, các
Đức Hồng y, các nhà cầm quyền để vạch trần những tật xấu của họ, cũng như chỉ vẽ
cách thế canh tân đời sống họ. Đối với nhà vua, Ngài chỉ trích các hà khắc và
khuyên sống với địa vị của mình. Ngài còn nhờ một giám mục mang thư khuyên hai
vua Anh và Pháp hòa giải với nhau. Đối với Đức giáo hoàng Clêmentê VI đang ở
Avignon, Ngài xin vị cha chung trở về Roma.
Năm 1349,
thánh nữ đi hành hương Roma để dự năm thánh. Nhân dịp này, Ngài xin toà thánh
châu phê luật dòng, nhưng từ năm 1215 công đồng Lateranô IV đã cấm lập thêm
dòng mới. Đức giáo hoàng Urbanô V lại bỏ Roma sang Avigno sau khi châu phê luật
dòng của Ngài, năm 1370. Được ơn soi sáng, năm 1372, thánh Brigitta đi hành
hương thánh địa để cầu nguyện cho Giáo hội.
Năm 1373,
thánh nữ trở về Roma và từ trần ngày 23 tháng 7. Mười tám năm sau, Ngài được
tuyên thánh, ngày 7 tháng10 năm 1391.
Ngày 23-7
Thánh HENRI
(973 - 1024)
Thánh
Henri sinh năm 972. Cha Ngài là Henri bá tước xứ Bavière. Mẹ Ngài là Gisèle,
con gái của Conrad, vua miền Bourgogne. Để bảo đảm cho việc giáo dục con cái,
Ngài được mẹ giao phó cho các thầy dòng ở Mildeshim, miền Saxe, rồi sau đó cho
thánh Wolfgang, giám mục Ratisbonne.
Nhưng thật
rủi ro, trong một năm, Henri đã chịu hai cái tang cha và thầy.
Thánh
Wolfgang từ trần ngày 30 tháng 10 năm 994 và vua Henri từ trần ngày 28 tháng 12
năm 994. Tuy nhiên ở bên kia thế giới các Ngài dường như không ngừng săn sóc
Henri. Một truyền thuyết kể rằng: Henri đã mơ thấy thánh Wolfgang hiện ra viết
trên tường nhà thờ hai chữ "còn sáu". Tỉnh dậy, Henri nghĩ rằng mình
chỉ còn sống được sáu ngày nữa. Ngài vội vã bố thí rộng rãi để chuẩn bị ra trước
tòa Chúa. Nhưng rồi hạn định đã qua Henri vẫn sống. Vị bá tước nghĩ rằng Ngài
còn sáu tháng để làm việc lành. Sáu tháng trôi qua Ngài vẫn sống. Lần này Ngài
nghĩ thời hạn kéo dài 6 năm và cố gắng sống hoàn hảo hơn nữa. Sau 6 năm trong
trường nhân đức ấy, Henri bỗng được chọn làm hoàng đế nước Đức -Roma.
Trước khi
lên ngai hoàng đế, Henri đã kế vị người cha từ trần, lên làm bá tước miền
Bavière. Các lãnh Chúa thân thiết với Ngài. Dân chúng cũng cảm mến Ngài sâu xa.
Họ ao ước bá tước trẻ của mình lập gia đình. Nhưng Ngài đã hứa với Chúa sẽ sống
độc thân. Vì vâng lời mẹ và dưới áp lực của các lãnh Chúa. Ngài nhận cưới
Cunégonda, một thiếu nữ trong số 11 người con của công tước miền Luxembourg.
Nàng có sắc
đẹp mặn mà và nhiều đức tính làm cho mọi người mến phục. Sau các lễ nghi cưới hỏi,
lúc về chốn riêng tư, Henri mở lời với người bạn đời: - Em yêu, anh không muốn
em không hay biết rằng anh đã thề với Chúa sẽ hiến dâng hồn xác phụng sự Ngài,
và vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô, anh muốn tiếp tục hoàn toàn.
Và
Cunégonde vui sướng trả lời: - Chúa công của em, lời khấn hứa, em cũng đã hứa rồi.
Thật hạnh phúc, chúng ta có thể trung thành với những ước nguyện của chúng ta.
Đó là đám
cưới tinh tuyền của Henri và Cunégonde. Hoàng đế Henri lên ngôi và được Đức
Giám mục thành Mayence xức dầu phong vương năm 1002. Mấy hôm sau hoàng hậu
Cunégonde cũng được truy phong và đội triều thiên ở giáo đường Paderbonne. Với
tính tình vui vẻ, bình dân và đầy lòng bác ái, hoàng đế rất được dân chúng mến
chuộng. Nhưng đế quốc Đức - Roma lúc ấy đang thời suy vong và tình hình rất phức
tạp. Vì thế việc đầu tiên của hoàng đế là lo giải hoà các cuộc tranh chấp. Trước
hết, Ngài nhường quyền bá tước miền Bavière chi Henri, người Luxembourg.
Tuy nhiên
có thể nói rằng: suốt đời hoàng đế, Ngài luôn phải lo vãn hồi trật tự trong đế
quốc. Ngay khi lên ngôi hoàng đế, Ngài mang quân sang chinh phục đất Ý, là nơi
Arduin tự phong làm vua, tách rời khỏi đế quốc. Dẹp tan đối phương ở biên giới,
gần núi Alpes, Ngài đã được dân chúng tưng bừng đón rước. Đức Tổng Giám mục
Milanô phong vương cho Ngài tại Pavie. Trở về nước Ngài lại phải đối phó với
Boleslaw, xứ Balan. Mấy năm sau, Boleslaw bị quân nhà vua đánh tan và Jarômia
lên quản trị xứ Balan.
Bất đắc
dĩ, vua Henri mới phải dùng đến binh lực, nhưng Ngài luôn tỏ ra nhân từ. Chẳng
hạn Hermann vì muốn tiếm ngôi, đã đốt phá thành Strabourg. Trước lời khuyên nên
trả thù thành phố dung dưỡng Hermann, hoàng đế trả lời: - Thiên Chúa trao quyền
tối thượng cho ta, không phải là mang đến quanh ta những sát nhân và cướp bóc,
nhất là không phải để cho ta phải thiệt mất linh hồn.
Lời này đến
tai Hermann và ông ta hối cải.
Hoàng đế
Henri bảo vệ Đức giáo hoàng Bênêditô chống lại đức giáo hoàng giả. Nhờ Ngài. Đức
giáo hoàng nghĩ tới một Giáo hội trần thế, đã trao cho Ngài một trái cầu bằng
vàng có cắm thánh giá để biểu trưng quyền hạn trao phó của Ngài, lo cho vương
quyền Chúa Kitô phổ biến khắp muôn dân. Trở lại quốc gia, Ngài vội lo dẹp loạn ở
Lombardie. Rồi với nhiệt tình, Ngài đã viếng tu viện Cluny. Ơ đó cầu nguyện lâu
ngày và tặng cho tu viện món quà của Đức giáo hoàng.
Hoàng đế sống
trong cung điện như trong tu viện và chỉ nghĩ tới hòa bình và đức ái. Ngài góp
phần cải hóa dân Hungarie bằng việc gả em gái mình cho vua thánh Stêphanô. Để
gây thuận hòa giữa các dân tộc, Ngài thực hiện cuộc gặp gỡ vua Robert nước
Pháp. Đối với Giáo hội, Ngài lo trùng tu các thánh đường, giúp đỡ các giám mục.
Đặc biệt hơn cả, Ngài đã thành lập giáo phận Banberg và chính tại nhà thờ chính
tòa giáo phận này Ngài sẽ được mai táng.
Trên ngôi
hoàng đế, Ngài luôn trung thành với lý tưởng. Giữa muôn công việc bề bộn, Ngài
luôn dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tương truyền rằng ao ước lớn lao nhất
của Ngài là được sống trong tu viện. Lần kia, Ngài tới thăm tu viện thánh Vanne
ở Verdun. Ngài đã xin với chân phước Richasd, tu viện trưởng nhận Ngài làm tu
sĩ. Đức Đan viện phụ nói rằng: chỗ an toàn của vị hoàng đế là ở trên ngai tòa
hơn là ở trong tu viện. Khi thấy vị hoàng đế khẩn nài, Đức Đan viện phụ hỏi: -
Ngài có sẵn sàng thực hiện đức vâng lời cho đến chết không ?
Hoàng đế
Henri cương quyết trả lời : - Con sẵn sàng.
Đức Đan viện
phụ liền nhận Ngài như một tu sĩ của dòng và nhân danh đức vâng lời, truyền cho
Ngài cai quản đế quốc để hiến thân tìm vinh quang Chúa và ông cứu rỗi cho thần
dân.
Ngày 15
tháng 7 năm 1024 hoàng đế Henri từ trần, ai khi đã dùng trọn sức lực để xây dựng
một đế quốc theo tinh thần Kitô giáo.
(daminhvn.net)
23 Tháng Bảy
Những Lọ Ðựng Muối Tiêu
Sưu tầm là một giải trí rất phổ thông hiện nay. Người ta sưu tầm
tem, nhãn hiệu, lon bia, chai lọ, sách quý... và lâu lâu đem triển lãm.
Tại một nhà thờ nọ tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển
lãm các vật sưu tầm, người ta thấy có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng
muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở
cửa vào, đã vội vã đi một vòng quan sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối
tiêu, ông mới sực nhớ ra cái Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy
một lọ muối và xốc nhiều lần. Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy
muối. Ông đành phải trở lại cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn:
"Gần hai trăm cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hột muối".
Ðó là hình ảnh của cuộc đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là
muối đất, nhưng lắm lúc chúng ta chỉ là những lọ trống không. Muối dùng để ướp
đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để sát trùng, chữa những vết thương. Muối
dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm đà...
Trong một
xã hội đang thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy
và đem lại cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của
chúng ta, nếu có chút muối của Ðức Tin, Ðức Ái sẽ mang lại cho những người xung
quanh niềm vui và sức sống.
(Lẽ Sống)
Thứ Ba 23-7
Thánh Bridget ở Thụy Ðiển
(1303?-1373)
Từ lúc bảy tuổi trở đi,
Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị kiến ấy làm nền
tảng cho đời sống thánh nữ -- luôn luôn chú trọng đến đức ái hơn là trông đợi
các ơn huệ thiêng liêng.
Thánh Bridget là một
người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của cha mẹ, ngay từ
nhỏ ngài đã yêu quý sự Thống Khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi, vâng lời cha,
ngài kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con (người con thứ
là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần ngài sống một cuộc đời
rất khổ hạnh.
Trong thời gian hôn
nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa hoàn toàn
thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho ngài đất đai và cơ sở để thiết lập một đan
viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một tu hội,
được gọi là Tu Hội Thánh Bridget (hiện vẫn còn).
Vào Năm Thánh 1350,
Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp Âu Châu, ngài thực hiện
cuộc hành hương đến Rôma. Ngài không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những năm ở
Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối bởi
sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.
Chuyến hành hương sau
cùng của ngài đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của người con
trai. Các biến cố ấy cũng dẫn đến cái chết của ngài vào năm 1373. Ngài là quan
thầy của nước Thụy Ðiển.
Vào năm 1999, Ðức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II tuyên xưng Thánh Bridget là một trong ba thánh nữ làm
quan thầy của Âu Châu, cùng với các Thánh Catarina ở Siena và Thánh Edith
Stein. Ðức Thánh Cha nhận xét rằng Thánh Bridget đã hoạt động "không ngừng
cho sự hiệp nhất giữa các Kitô Hữu" trong những cuộc du hành của ngài trên
khắp Âu Châu. Thánh nữ được sự sùng kính của người Tin Lành Lutheran cũng như
người Công Giáo.
Lời Bàn
Các thị kiến của Thánh
Bridget, thay vì cô lập ngài khỏi các sinh hoạt của thế gian, đã đưa ngài can
dự vào nhiều vấn đề đương thời, dù đó là chính sách của hoàng gia hay của giáo
triều Avignon. Ngài không thấy sự mâu thuẫn giữa các cảm nghiệm thần bí và các
sinh hoạt trần tục, và cuộc đời ngài chứng minh rằng sự thánh thiện có thể thực
hiện được giữa nơi chính trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét