Trang

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

26-07-2013 : THỨ SÁU TUẦN XVI MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH GIOANKIM VÀ ANNA (lễ nhớ)

Thứ Sáu Ngày 26/07/2013
Tuần 16 Mùa Thường Niên Năm Lẻ

THÁNH GIOANKIM VÀ ANNA


BÀI ĐỌC I: Hc 44, 1. 10-15
"Miêu duệ họ tồn tại đến muôn đời".

Trích sách Huấn Ca.
Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu, mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 131, 11. 13-14. 17-18
Đáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người (Lc 1, 32a).

1) Chúa đã thề hứa cùng Đavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rằng: "Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống ngươi". - Đáp.
2) Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: "Đây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích". - Đáp.
3) Tại đó, Ta sẽ gầy dựng một uy quyền cho Đavít, sẽ chuẩn bị ngọn đèn sáng cho người được Ta xức dầu. Ta sẽ bắt những kẻ thù ghét người tủi hổ, nhưng triều thiên của Ta chiếu sáng rực rỡ trên mình người. - Đáp.

ALLELUIA: x. Lc 2, 25c

Alleluia, alleluia! - Các ngài mong đợi niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần ngự trong các ngài. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 13, 16-17
"Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Thánh Gioan Kim Và Anna  Phụ Mẫu Ðức Trinh Nữ Maria
Mặc dầu Phúc Âm không nói gì đến đời sống của hai đấng, nhưng căn cứ vào thánh truyền, chúng ta có thể đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu những dấu tích. Các ngài đã tạo thành một móc xích, nối kết Israel cũ và Israel mới, nối kết Cựu Ước và Tân Ước. "Các ngài đã nhận lãnh phúc lành của Thiên Chúa" và "nhờ các ngài, phúc lành được hứa cho mọi dân tộc đã đến với chúng ta". Các ngài đã sinh ra Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Con Thiên Chúa. Vì thế, thánh Ðamascênô ca tụng hai đấng như sau: "Lạy thánh Gioakim và Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các ngài, vì nhờ các ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Ðấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
(Veritas Asia)

Thứ Sáu sau Chúa Nhật 16 Quanh Năm



Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 20, 1-17
"Luật do Môsê đã ban ra".

Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: "Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta, và tuân giữ các giới răn Ta.
"Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.
"Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.
"Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi.
"Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò, lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết Chúa chân thực, công minh hết thảy. - Ðáp.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong. - Ðáp.

Alleluia: Gc 1, 13

Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 18-23
"Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Tinh Thần Lạc Quan

Sự gieo trồng nào cũng mang niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã đọc được tinh thần lạc quan ấy của nhà nông, cho nên Ngài đã mượn hình ảnh gieo trồng để nói lên mầu nhiệm Nước Trời. Nhưng xem chừng những hình ảnh gieo trồng mà Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestin vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cày bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cày đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi vào bụi gai. Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Ðất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng của kẻ gieo trồng.
Chúa Giêsu dường như muốn gieo chính niềm lạc quan ấy vào tâm hồn các môn đệ khi đưa ra dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng kết quả của mùa gặt vẫn gấp trăm, gấp ngàn. Qua muôn thế hệ, hạt giống Nước Trời vẫn được gieo vãi: có hạt rơi vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai của những chống đối và bách hại, hạt giống ấy vẫn nẩy mầm tươi tốt sinh nhiều bông hạt. Người môn đệ Chúa Giêsu luôn tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa, họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì, dù thành công hay thất bại. Trong thư 1Cor. thánh Phaolô đã diễn tả đúng tinh thần lạc quan và kiên trì của người gieo giống: "Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên".
Vệ đường, sỏi đá, bụi gai vẫn tiếp tục cản trở công việc gieo trồng, nhưng người nông dân của Nước Trời không vì thế mà bỏ cuộc. Có những gieo vãi qui mô ồ ạt, nhưng cũng có những gieo vãi âm thầm: âm thầm trong thinh lặng hằng ngày, âm thầm trong những khước từ, âm thầm trong những bách hại dưới mọi hình thức, nhưng đó vẫn là sự âm thầm cơ bản nhất trong bất cứ sự gieo vãi nào, hay nói theo Ðức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: đó là một sự công bố thinh lặng Tin Mừng, nhưng rất hiệu nghiệm.
Ước gì Lời Chúa hôm nay đem lại niềm tin và lạc quan hy vọng cho chúng ta. Xin cho Lời Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín rằng những gì chúng ta gieo trong đau thương và nước mắt sẽ được trổ bông chín vàng trong mùa gặt của Ngài.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 16 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giữ cẩn thận Lời của Thiên Chúa.

Có hai quan niệm rất khác nhau về Lề Luật: Thứ nhất, quan niệm đương thời cho Lề Luật là những gì gò bó, ngăn cản sự tự do của con người. Vì thế, họ chủ trương càng ít luật càng tốt. Hiện đang có phong trào chống lại việc trưng bày Mười Điều Răn nơi các tòa án. Thứ hai, quan niệm của người Do-thái, họ rất hãnh diện với Thập Giới, vì đây là những điều mà Thiên Chúa đã thân hành ban cho họ để biết cách sống hạnh phúc.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sự quan trọng tuyệt đối của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa đã thân hành hiện ra và ban Thập Giới cho dân Israel qua Moses trước khi họ vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ dụ ngôn "Người gieo giống." Ngài đưa ra những lý do tại sao tất cả cùng nghe Lời Chúa, thế mà có người chẳng được lợi ích chi cả; trong khi những người khác sinh hoa kết trái, người được 30, được 60, hay được 100.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thập Giới (deca-logue tiếng Anh, deka-logoi, tiếng Hy-lạp): là mười lời hay 10 câu mà Thiên Chúa ban cho dân Israel. Những lời này là món quà vô giá của Thiên Chúa. Ngài mong muốn con người phải tuyệt đối thi hành để được sống hạnh phúc muôn đời. Theo trình thuật của Sách Xuất Hành hôm nay và Sách Đệ Nhị Luật (Deut 5:6-21), Thiên Chúa là tác giả của Thập Giới, vì những lời ngay từ đầu: "Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây." Một số học giả Kinh Thánh cho đây là những qui luật mà các nhà lãnh đạo Israel tổng hợp lại qua các thời đại. Thập Giới được chia thành hai phần: phần một gồm 3 điều và phần hai gồm 7 điều.

1.1/ Phần một: Phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Phần này mô tả sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người.

(1) "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ... Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" là phần chính yếu. Các câu khác thêm vào có mục đích cắt nghĩa cho rõ ràng hơn. Giới răn thứ nhất ngăn cấm con người không được thờ bất cứ thần nào khác ngoài Thiên Chúa.

(2) Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng. Giới răn thứ hai ngăn cấm con người kêu tên cực trọng của Thiên Chúa, YHWH, cách vô cớ: chỉ được kêu để chúc lành (Gen 4:26, Psa 72:19); không được kêu để chửi rủa hay thề thốt.

(3) Ngươi hãy nhớ ngày Sabbath. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabbath kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.

1.2/ Yêu thương tha nhân: Nhiều người gọi 7 luật kế tiếp là những luật tự nhiên (natural laws), những điều này mô tả sự liên hệ giữa con người với con người.

(4) Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Đây là giới răn duy nhất có kèm theo lời hứa được sống lâu.

(5) Ngươi không được giết người. Giới răn thứ năm muốn bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống. Giết người ngoài chiến trận được phép vì để bảo vệ quyền sống của mình.

(6) Ngươi không được ngoại tình. Giới răn thứ sáu bảo vệ sự thánh thiêng của hôn nhân và bảo vệ quyền của cả hai vợ chồng.

(7) Ngươi không được trộm cắp. Giới răn thứ 7 bảo vệ quyền sở hữu của tất cả mọi người trong xã hội.

(8) Ngươi không được làm chứng gian hại người. Giới răn thứ 8 ngăn cấm việc làm chứng gian cả nơi tòa án lẫn đời sống thường ngày.

Truyền thống Công Giáo chia giới răn cuối cùng làm hai phần. Hai giới răn thứ 9 và 10 ngăn cấm tất cả những ham muốn bất chính.

(9) Ngươi không được ham muốn vợ (hay chồng) người ta. Giới răn này dựa trên lời Chúa Giêsu dạy: "Ai nhìn xem người phụ nữ và ước ap phạm tội với họ, thì đã phạm tội ngoại tình rồi."

(10) Ngươi không được ham muốn nhà người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn người gieo giống.

Như nhà nông phải chuẩn bị thửa ruộng bằng cách cầy bừa để nhặt đi tất cả sỏi đá và gai góc, san phẳng và giữ đất cho ẩm trước khi gieo hạt giống vào; con người cũng phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách dành thời gian cho tâm hồn lắng đọng xuống, xua đi tất cả những lo toan và bất an của cuộc sống, cầu xin Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trước khi nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể của những người nghe Lời Chúa và hậu quả:

(1) Miền vệ đường: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường."

Đây là những người có thái độ khinh thường hay không quan tâm đến những gì Chúa dạy: Những người tham dự Thánh Lễ cách chiếu lệ, đi lễ trễ khi Lời Chúa đã bắt đầu, ra ngoài hút thuốc, hay nói chuyện, hay ngủ gật, hay để trí óc viễn du, khi linh mục cắt nghĩa Lời Chúa. Những người không bao giờ chịu tham dự các dịp tĩnh tâm giáo xứ hay học hỏi Lời Chúa dưới bất cứ hình thức nào. Với thái độ khinh thường Lời Chúa như thế, làm sao Lời Chúa có thể vào trong tâm hồn để sinh lợi ích được!

(2) Miền sỏi đá: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay."

Đây là những người cũng chịu chú ý nghe Lời Chúa, nhưng không chịu bỏ thời gian để học hỏi, để suy gẫm, và để đào sâu Lời Chúa. Họ dành rất nhiều thời gian để giải trí, trò chuyện, hay đọc những sách vô bổ; nhưng luôn than không có giờ để đọc Lời Chúa hay Lời Chúa khó hiểu! Nếu họ không hiểu Lời Chúa, làm sao họ có thể áp dụng trong cuộc sống để sinh ích cho cuộc đời họ!

(3) Miền bụi gai: "Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì."

Đây là những người chỉ quan tâm hay quá đặt nặng sự quan trọng của đời sống vật chất: Họ đặt những mối lợi vật chất trên sự kính mến Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Họ chọn đi lễ nào cha giảng ngắn nhất, giờ lễ tiện nhất, mặc dù chẳng hiểu gì Lời Chúa hay Bài Giảng; để còn kịp giờ làm hay có nhiều giờ đi chơi, giải trí. Đây cũng là những người đặt lợi lộc vật chất trên tình nghĩa anh em. Họ không dám hy sinh lợi lộc vật chất để sống và làm chứng cho Lời Chúa.

(4) Miền đất tốt: "Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."

Đây là những người luôn đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, ham muốn học hỏi, và thi hành Lời Chúa. Họ biết chuẩn bị tâm hồn, đọc trước và suy gẫm Lời Chúa trước khi tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Hơn nữa, họ luôn tìm dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm; đồng thời biết áp dụng Lời Chúa trong mọi trường hợp của cuộc đời. Không lạ gì khi đời sống của họ luôn tăng trưởng về mọi phương diện: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, và nhân bản.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thập Giới không giới hạn tự do của con người, nhưng là những điều tối cần để con người sống hạnh phúc và tránh cho con người những nguy hiểm trong cuộc đời.

- Để Lời Chúa có thể vào tâm hồn, đâm rễ sâu, và sinh hoa kết trái, chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn, cầu xin sự soi sáng của Thánh Thần, và chuyên chăm học hỏi mỗi khi nghe Lời Chúa.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 16 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 13,18-23

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của những loại đất :
Các loại đất là những người nghe lời giảng :
- có người hời hợt (đất vệ đường)
- có người thành tâm nhưng không kiên vững (Đất lẫn sỏi đá)
- có người cũng thành tâm nhưng đồng thời lo lắng nhiều việc khác (đất bị gai che phủ)
- có người nghe và cố gắng thi hành (đất tốt).

B.... nẩy mầm.
1. Những lời được ghi lại trong các sách Tin Mừng không phải là lời của một nhân vật quá khứ, mà là của Chúa Giêsu phục sinh còn đang sống trong Giáo Hội và đang nói trực tiếp với tôi. Do đó tôi phải đọc hoặc nghe không như đọc và nghe một quyển tiểu thuyết, mà là đọc và nghe một bức thư hay một cuốn băng cassette của một người thân vừa viết hoặc ghi để gởi cho tôi.
2. Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích  :
Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyterian).
3. Suy gẫm về loại đất có lẫn sỏi đá : Đó là người khi mới nghe Lời Chúa thì nhiệt thành muốn thi hành, nhưng vì không kiên trì nên khi gặp một số khó khăn thì chán nản bỏ cuộc.
Biết bao lần, nhất là trong những cuộc Tĩnh Tâm, tôi cũng quyết định sống theo một Lời Tin Mừng nào đó. Nhưng không bao lâu thì tôi bỏ. Xin Chúa giúp con kiên trì hơn.
4. Suy gẫm về loại đất mọc đầy gai : Đó là người có thiện chí sống Lời Chúa, nhưng những lo lắng và những đam mê việc đời đã làm cho Lời Chúa bị chết ngạt.
Có nhiều khi đang lúc suy gẫm mà tôi cũng chia trí về những chuyện tôi đang lo hoặc đang say mê. Có những khi khác vì mãi mê lo lắng một chuyện thế gian mà tôi bỏ không thực hiện chương trình đạo đức đã định. Tôi phải nhớ lời Chúa Giêsu dạy “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi sự khác Ngài sẽ lo cho chúng con”.
5. “Kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả, và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13,23)
Đọc báo, tôi bật cười vì chuyện nhảy dù của một Sơ đã già 75 tuổi. Bà mạo hiểm chỉ vì mục đích gây quỹ cho hội từ thiện.
Ngạc nhiên và thú vị, tôi chợt nghĩ đến một người khác. Chẳng hiểu sao mọi người rất yêu quý chị. Chị chẳng đẹp cũng không có địa vị. Chị chỉ là một con người bình thường như bao con người bình thường khác, nhưng nơi chị như có một sức thu hút khiến người ta thích đến tâm sự, chia sẻ. Và chị đã làm được bao điều tốt đẹp từ những việc hằng ngày nhỏ nhặt ấy. Trong một lần chia sẻ kinh nghiệm sống, chị đã giới thiệu với tôi người thầy, người bạn thân thiết của chị là Chúa Giêsu. Tôi tự hỏi phải chăng chính Lời Chúa Giêsu đã làm cho chị đẹp hơn, từ việc nhỏ đến việc lớn. Còn tôi, tôi đang là mảnh đất nào đây : vệ đường, sỏi đá hay bụi gai ?
Lạy Chúa, xin giúp con biết chăm sóc mảnh đất tâm hồn con mỗi ngày, để Lời Chúa đủ sức vươn lên và sống mạnh mẽ qua cách thức con sống cuộc đời Ngài đã tặng ban cho con. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

26/07/13 THỨ SÁU TUẦN 16 TN
Th. Gioakim và Anna, song thân Đức Maria     
Mt 13,16-17

HẠNH PHÚC, VÌ ĐƯỢC THẤY ĐƯỢC NGHE
“Mắt amh em thật có phúc, vì được thấy; tai anh em thật có phúc vì được nghe.” (Mt 13,16)
Suy niệm: Đối với người đời, cái gì họ “mắt thấy, tai nghe” thì mới đủ bằng chứng thuyết phục để họ tin. Còn Chúa thì bảo những điều chúng ta được thấy và được nghe từ nơi Chúa còn đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Trong ngày lễ mừng hai thánh Gioakim và Anna ta có thể hiểu được ý tứ sâu xa của phụng vụ là muốn cho ta cảm nghiệm hạnh phúc vì được thấy hoa trái thánh thiện từ lòng hai người mẹ: Đức Maria (từ lòng bà thánh Anna) và Chúa Giêsu (từ lòng Đức Mẹ). Hai nhân vật này – Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu – là nguồn cảm hứng bất tận và là điểm qui chiếu cho bao tâm hồn thánh thiện, bao cuộc đời phi thường cho đến tận thế.
Mời Bạn: Bạn chính là người được gọi được chọn để hưởng hạnh phúc, bởi vì Đức Maria được sinh ra để làm gì nếu không phải là vì sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Thế? Và Đức Giêsu Kitô được sinh ra trên trần gian để làm gì nếu không phải là để cứu độ nhân loại, trong đó có bạn, có tất cả chúng ta? Mời bạn nghiền ngẫm và đào sâu Tin Mừng này để bạn cảm nhận được mình ở trong số những người diễm phúc vì được Thiên Chúa yêu thương, được cứu độ để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.
Sống Lời Chúa: Bạn nhớ lại một ơn lành Chúa đã ban cho bạn và thành tâm dâng lời cảm tạ Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm được hạnh phúc đích thực khi con chiêm ngưỡng những kỳ công Chúa thực hiện trong dòng lịch sử của Giáo Hội, và biết nghe theo lời Chúa dạy, vì chỉ nơi Chúa mới có lời đem lại cho con sự sống đời đời.

Sinh hoa kết quả
Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.


Suy nim:
Dụ ngôn người gieo giống của Đức Giêsu là một dụ ngôn đầy nét hy vọng.
Nếu có một lúc nào đó người môn đệ chán nản
vì thấy có bao hạt giống được gieo vãi mà chẳng thu lại được gì,
bao điều cản trở sự lớn lên của Nước Thiên Chúa,
thì dụ ngôn này nhắc cho họ thấy rằng có những hạt lúa được bội thu.
Kết quả của những hạt lúa bội thu thì gấp nhiều hơn số lúa đã gieo vãi.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời giải thích dụ ngôn trên của Đức Giêsu.
“Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống” (c. 18).
Đức Giêsu mời gọi như thế với các môn đệ của thời Ngài và của mọi thời đại.
Cả bốn hạng môn đệ sắp được Ngài kể ra đều là những người đã nghe Lời.
Lời đây là lời Tin Mừng, lời giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
Lời này được ví như hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi trong tim môn đệ (c. 19).
Trái tim người môn đệ là một thửa đất nhận hạt giống ấy.
Chỉ có một loại hạt giống như nhau, cũng như chỉ có một người gieo.
Kết quả khác nhau là tùy vào chất lượng của đất, chất lượng của trái tim.
Có bốn loại đất, bốn loại môn đệ với tâm hồn khác nhau.
Loại đất vệ đường, đất cứng, khiến hạt giống chỉ nằm ở bên trên.
Lời Chúa chỉ được nghe suông ngoài tai, nhưng không được đón nhận vào tim.
Chính vì thế loại môn đệ này được coi là không hiểu (c. 19).
Không hiểu không phải vì trí khôn kém cỏi hay vì người truyền đạt yếu.
Không hiểu chỉ vì không muốn hiểu, lòng không muốn đón nhận.
Khi lòng không ưng thì quỷ đến và cướp mất hạt giống đã gieo.
Loại đất sỏi đá là loại đất chỉ có một lớp đất mỏng thôi.
Hạt giống được gieo thì mọc lên ngay,
nhưng vì không có rễ sâu nên chỉ sống được một thời gian ngắn (c. 21).
Loại môn đệ thứ hai này chẳng những nghe mà còn vui vẻ đón nhận ngay (c. 20).
Nhưng sự đón nhận vội vã này rất hời hợt, và niềm vui cũng không sâu.
Họ tưởng làm môn đệ chỉ gặp toàn niềm vui và an bình.
Chính vì thế khi phải trả giá để sống Lời Chúa, thì họ vấp ngã ngay và bỏ cuộc.
Loại đất có bụi gai là đất có thể làm hạt giống lớn lên thành cây,
nhưng cây lại bị gai lấn át làm chết ngạt (c. 22).
Bụi gai của loại môn đệ này là nỗi lo lắng chuyện đời và lòng ham mê giàu có.
Bụi gai nằm ngay giữa thửa đất trái tim, lớn mạnh đến nỗi làm cây lúa úa vàng.
Cuối cùng là đất tốt, đất chẳng như vệ đường, chẳng có sỏi đá hay bụi gai.
Hạt giống gặp đất tốt này thì sinh hạt, hạt được một trăm, sáu chục hay ba chục.
Loại môn đệ cuối này khác hẳn với loại thứ nhất vì nghe và hiểu Lời Chúa (c. 23).
Tuy nhiên, kết quả đem lại nhiều hay ít còn tùy mức độ mở ra của từng người.
Lời Chúa hôm nay mời ta nhìn lại thửa đất của trái tim mình.
Những cứng cỏi, những hời hợt thiếu rễ sâu, những chi phối của đam mê vật chất.
Bao hạt giống được gieo mà chưa sinh hoa trái.
Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn
để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy  niệm
"Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13, 16)
Các Tông Đồ là những người đã sống cùng thời với Chúa Giêsu, tận tai nghe lời Chúa dạy, tận mắt chứng kiến việc Chúa làm, quả là người có phúc. Phần chúng con là những người đang sống vào đầu thế kỷ thứ 21 này. Tuy chúng con không được trực tiếp nghe Chúa Giêsu dạy dỗ nhưng chúng con tin. Chúng con mở lòng ra để đón nhận Lời Chúa trong Chúa Thánh Thần và các Bí tích. Chúng con tin chắc rằng Chúa càng chúc phúc cho chúng con vì “phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng con mỗi khi chúng con suy niệm Lời Chúa. Xin Chúa Thánh Thần ban đức tin cho chúng con, để chúng co luôn nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời chúng con, nhờ đó chúng con luôn sống trong bình an và hạnh phúc.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy

26 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Muốn Thiết Lập Vương Quyền Của Ngài Trong Đời Sống Chúng Ta

Từ những suy tư rút ra từ các Thư của Thánh Phao-lô như trên, chúng ta có thể hiểu hơn giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng bao trùm mọi sự của Cha trên trời (Mt 6,25-34 và Lc 12,22-31): “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi các thứ khác sẽ được ban thêm cho” (Mt 6,33; Lc 12,31).

Nói “trước hết”, Đức Giêsu cho thấy rõ Thiên Chúa muốn gì trước hết nơi mỗi chúng ta. Điều mà Thiên Chúa nhắm đến trước hết trong công cuộc sáng tạo thế giới, điều mà Ngài ao ước ở chung cuộc của thế giới chính là thiết lập “Nước của Ngài và sự công chính của Ngài” trong đời sống chúng ta. Toàn thể thế giới đã được tạo thành trong định hướng qui về Vương Quốc này. Thế giới được tiền định để đạt tới sự viên mãn của nó nơi con người và nơi lịch sử của con người trong thời gian của Thiên Chúa. Vương quyền của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, đó là điều mà thế giới và con người được tiền định từ đời đời trong Đức Kitô.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình

Thánh Joachim và Thánh Anna, song thân Đức Maria
Xh 20, 1-17; Mt 13, 18-23


LỜI SUY NIỆM: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13,23)

Sau khi Chúa Giêsu nói dụ ngôn về “người gieo giống” các môn đệ của Chúa không hiểu. Nên khi về đến nhà, các ông xin Chúa Giải thích về dụ ngôn. Chúa Giêsu đã giải thích: Hạt giống là Lời Chúa, các thế đất là tâm hồn của người khi nghe Lời Chúa. Điều này, giúp cho mỗi người trong chúng ta phải xét mình lại trong việc đón nhận Lời Chúa, chúng ta đang là thế đất nào trong dụ ngôn. Bổn phận chúng ta không những lo mãnh đất của mình, mà còn phải chuẩn bị mãnh đất cho con cháu mình nữa. Ước gì mỗi chúng ta biết chuẩn bị ngay từ bây giờ cho con cháu của mình,  tiếp xúc với “Kinh Thánh bằng hình” lúc còn thơ ấu với sự giải thích của chúng ta, để ghi dấu ấn cho mai sau.

Mạnh Phương


Gương Thánh nhân

Ngày 26-07
Thánh GIOAKIM VÀ ANNA
Phụ Mẫu Của Đức Trinh Nữ Maria


Chúng ta không biết chắc được điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ. Những điều liên quan tới các Ngài mà chúng ta biết được là do các ngụy thư, đầy tính chất hoang đường. Khi óc tò mò của dân chúng không được thỏa mãn với các chi tiết thánh kinh và thánh truyền cung ứng cho, thì óc tưởng tượng đã lấp đầy khoảng trống.
Cuốn ngụy thư "Phúc âm thánh Giacôbê", một văn nguồn vào thế kỷ thứ II, có nhiều chỉ dẫn liên quan đến cha mẹ và cuộc đời thơ ấu của Đức Trinh nữ. Những chỉ dẫn này rất giống câu chuyện về tuổi trẻ của Samuel trong sách ISm 1-2. Các học giả cho rằng chúng chỉ cho là một sự bắt chước, chính danh xưng Anna cũng không có gì chắc chắn vì nó trùng với tên mẹ tiên tri Samuel.
Dường như khuôn mặt Gioakim cũng dựa một phần vào người chồng của Suzana trong sách Daniel 13. Cần phải nhớ rằng thánh Luca khi dùng những chương sách ISm làm khung cho bản tường thuật về cuộc sinh hạ và tuổi trẻ của thánh Gioan Tẩy giả, Ngài đã cẩn thận dùng sự kiện lịch sử để bảo đảm sự sống đời này.
Tuy nhiên nét đẹp của câu chuyện, như hầu hết các truyện thần thoại khác, đều có giá trị biểu trưng của nó, truyện kể rằng ông bà Gioakim và Anna son sẻ. Đây là một thử thách lớn lao đối với các Ngài. Nhưng một thiên thần đã báo cho biết họ sinh một con trẻ, họ sẽ đặt tên là Maria và cung hiến cho Thiên Chúa. Nếu các Ngài chọn đau khổ là vì mọi đóng góp vào công cuộc cứu rỗi đều bao hàm sự chia sẻ thánh giá với Chúa Kitô.
Đàng khác, sự son sẻ của Anna gợi lên chủ đề quen thuộc trong Cựu ước, theo đó con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa. Điều này được nhấn mạnh đặc biệt trong truyền thống về các tổ phụ Isaac, Giacob và Giuse về quan án Samson và tiên tri Samuel. Các Ngài đều sinh ra bởi các bà mẹ không có hy vọng sinh con. Định mệnh của Thiên Chúa chỉ bởi Thiên Chúa mà thôi.
Người Israel chân chính viết rằng mình không thể tự mãn được và phải tùy thuộc vào sáng kiến của Thiên Chúa. Huyền thoại đặt cuộc sinh hạ của Đức trinh Nữ Maria vào dòng tư tưởng này như cao điểm của chủ đề và sự bất lực của con người trước uy quyền của Thiên Chúa.
Việc tôn sùng thánh Anna có từ thế kỷ thứ VI bên Đông phương vào đầu thế kỷ VIII bên Roma. Cuối thời Trung Cổ, lòng sùng kính lan rộng khắp Au Châu. Dường như năm 1382 do sự khẩn nài của nước Anh, lễ kính Ngài lần đầu tiên được mừng hàng năm. Nhưng chỉ mới từ hai thế kỷ gần đây lễ này mới được ghi vào lịch chung Roma.


(daminhvn.net)


26 Tháng Bảy

Vết Sẹo Nơi Bàn Chân


Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa... Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: "Chính vết thương này đã làm ta nên người".

Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dào.


(Lẽ Sống)

Thứ Sáu 26-7
Thánh Gioankim và Thánh Anna

T
rong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Ðức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Ðức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Ðức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Ðức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Ðức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.
Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Ðức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Ðức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Ðức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.
Các đức tính nổi bật của Ðức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con -- tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.
Thánh Gioankim và Thánh Anna -- dù những tên tuổi này có thật hay không -- đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Ðấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.
Lời Bàn
Ðây là "ngày lễ của các ông bà". Nó nhắc nhở cho các ông bà về trách nhiệm của họ là phải thiết lập gia phong cho các thế hệ tương lai: Họ phải làm sống lại các truyền thống và trao truyền cho con cháu. Nhưng ngày lễ này cũng có ý nghĩa cho các thế hệ trẻ. Nó nhắc nhở người trẻ rằng cái nhìn chín chắn, giầu kinh nghiệm của người già là sự khôn ngoan không nên coi thường hoặc bỏ qua.
Lời Trích
"... Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong đó, nhiều thế hệ đến với nhau để giúp đỡ nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và để hòa hợp quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội(Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 52).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét