Trang

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tân phúc âm hóa, Đồi Arêôpagô mới cho người Công Giáo và người vô thần

Tân phúc âm hóa, Đồi Arêôpagô mới cho người Công Giáo và người vô thần


Dù chỉ mới trở lại Công Giáo năm 2008, 3 năm sau, Brandon Vogt đã cho xuất bản cuốn The Church and New Media: Blogging Converts, Online Activists, and Bishops Who Tweet (Our Sunday Visitor, 2011). Và dù là một kỹ sư cơ khí, Brandon cũng đang học cao học thần học tại Augustine Institute. Anh hoạt động tích cực trong ngành truyền thông, vừa là một “blogger”, một nhà văn vừa là một diễn giả được ưa chuộng, từng góp mặt trên NPR, FoxNews, EWTN, Our Sunday Visitor, National Review, và Christianity Today. Mấy năm qua, anh còn miệt mài chuẩn bị một dự án lớn và đầu tháng Năm vừa qua, dự án ấy đã được ra mắt với cái tên thật lạ Strange Notions (Những Ý Niệm Lạ Tai). Đây là một trang mạng dành cho các cuộc đối thoại giữa người vô thần và người Công Giáo, một Đồi Arêôpagô mới, như chính lời anh nói. 

Theo Brandon, Những Ý Niệm Lạ Tai lấy tên từ diễn văn của Thánh Phaolô trên Đồi Arêôpagô (Cv 17:16-34), trong đó, ngài tuyên xưng việc Chúa Giêsu sống lại cho các nhà trí thức ưu tú của thế giới cổ thời. Nghe việc đó, họ bảo ngài: “ông đem đến cho chúng tôi một số điều lạ tai; vậy chúng tôi muốn biết những điều đó có nghĩa gì”.

Những Ý Niệm Lạ Tai nhằm giúp những ai ngày nay có cùng một vấn đề như thế. Nó trình bày các luận điểm hữu lý về Thiên Chúa và Giáo Hội Công Giáo, do nhiều cộng tác viên vốn là những nhà trí thức, khoa học gia, triết gia và nghệ sĩ có tiếng trình bày, trong đó có Tiến sĩ Peter Kreeft, Tiến sĩ Edward Feser, Linh mục Robert Barron, Linh mục Robert Spitzer, Tiến sĩ Benjamin Wiker, Tiến sĩ Christopher Kaczor, Tiến sĩ Kevin Vost, Christopher West, Jimmy Akin, Mark Shea, Carl Olson, và nhiều vị khác.

Đóng khung 

Trong cuộc phỏng vấn ngày 9 tháng 7 vừa qua với Hãng Tin Zenit, Brandon cho rằng người Công Giáo quen sống trong một cái khung định sẵn (bubble). Lối sống này rõ ràng không phù hợp với lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô khi Người bảo ta đừng luẩn quẩn ở Phòng Trên Lầu mà phải đi khắp thế gian. Ý muốn đi khắp thế gian ấy chính là động lực của Những Ý Niệm Lạ Tai, nơi để người vô thần và người Công Giáo đến với nhau để cùng nói về khoa học, lý trí, ý nghĩa đời người, vấn đề Thiên Chúa hiện hữu và những điều tương tự. 

Dù chỉ mới hoạt động được ít tuần nay, nó đang kéo được nhiều chú ý, không phải chỉ của những người Công Giáo tha thiết muốn bảo vệ đức tin của mình, mà của cả “những người hoài nghi có tính tò mò” nữa. Brandon cho rằng “người ta khát khao loại đối thoại này”. Họ muốn nghe những ý niệm lạ tai từ cả hai phía.

Trong vài tháng đầu tiên mà đã có 300,000 người vào viếng và 17,000 góp ý, phần lớn từ những người hoài nghi có óc tò mò. Brandon tin rằng Những Ý Niệm Lạ Tai có một vai trò đặc thù trong các vấn đề hiện đang gây tranh cãi sôi nổi mà phần lớn liên quan tới niềm tin tôn giáo như tự do tôn giáo, hôn nhân đồng tính… Những vấn đề nóng bỏng này thường mang dấu ấn những cuộc đấu khẩu đầy giận dữ và phi lý. Người từ hai phía đang la ó lẫn nhau, sử dụng nhiều ngụy biện tự cho là hợp lý để bác bỏ một luận điểm chỉ vì nguồn của nó (ngụy biện nhằm người, ad hominem fallacy), trình bày sai luận điểm của phía bên kia (ngụy biện người rơm, strawman fallacy)… 

Những Ý Niệm Lạ Tai tin rằng người Công Giáo và người vô thần có thể đến với nhau và cùng nhau thảo luận những vấn nạn từng gây tranh cãi sôi nổi bằng lý trí và tình bác ái, dù các giải đáp có thể rất khác nhau. Vai trò của Những Ý Niệm Lạ Tai, do đó, là đưa lối đối thoại lịch thiệp, cao thượng vào những cuộc thảo luận thường bị giận dữ và phi lý tiếp sức. 

Tiền Đình Dân Ngoại và Những Ý Niệm Lạ Tai

Brandon nhìn nhận sự tương tự giữa sáng kiến Tiền Đình Dân Ngoại của Đức Bênêđícô XVI mà anh rất ngưỡng mộ và Những Ý Niệm Lạ Tai của anh. Tiền Đình Dân Ngoại chỉ khu vực bên ngoài Đền Thờ Giêrusalem nơi người Do Thái Giáo và Dân Ngoại gặp nhau. Đây là ý niệm hiện hết sức cần thiết ngày nay. Như trên đã nói, anh cho rằng người Công Giáo quen tự cô lập mình với thế giới, dù là ngoại hay trực tuyến, tự xây dựng những cái khung chung quanh những người ta giao tiếp, những nơi ta đến và những nội dung ta sử dụng. Trong khi ấy, Chúa chúng ta dạy ta không nên luẩn quẩn trong Phòng Trên Lầu mà là mạnh bạo dấn thân vào thế giới. Ta chỉ làm được việc này bằng cách trà trộn với những người không giống ta, đi vào những lãnh thổ xa lạ như Thánh Phaolô, thậm chí cả những nơi sứ điệp ta có cơ bị nhạo cười hay bác bỏ. Dự án của Đức Bênêđíctô XVI đem lại phương thức mới mẻ nhằm liên kết người tin và người không tin quanh các biến cố văn hóa như kịch nghệ, âm nhạc, phim ảnh, hội hè, thảo luận có điều hợp (panel discussions)… 

Tuy nhiên, Những Ý Niệm Lạ Tai có hơi khác một chút, vì nó tập chú nhiều vào cuộc đối thoại hạ tầng hơn là những biến cố văn hóa cao cấp. Trang mạng này có sự đóng góp của nhiều khoa học gia, triết gia, nghệ sĩ và bình luận gia Công Giáo, nhưng không như Tiền Đình Dân Ngoại, hành động thực sự của nó diễn ra trong các hộp góp ý, trong đó, hàng ngàn người Công Giáo và vô thần thảo luận và tranh luận với nhau về nội dung độc đáo.

Được hỏi phải chăng đối thoại hiện đang là một nghệ thuật mất thế đứng, Brandon cho rằng nếu nó chưa mất thế đứng, thì nó cũng đang mất dần người tham dự. Dĩ nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò không nhỏ trong hiện tượng này, nhất là vì chúng có khuynh hướng thiên về chủ nghĩa tự thưởng ngoạn chính mình (narcissism). Mở Facebook chẳng hạn, câu hỏi đầu tiên thường là "What's on your mind?" (bạn đang nghĩ gì?). Twitter thì chào hỏi bằng câu "What's happening?" (chuyện gì đang xẩy ra?). Cả hai loại câu hỏi này đều cho thấy một sự kiện nguy hiểm: cả thế giới đang nín thở chờ xem bạn nghĩ gì về mọi chuyện. Bởi thế, không lạ gì đa số người ta hướng tới các hộp góp ý để trình bày quan điểm của mình thay vì lắng nghe quan điểm của người khác. 

Một kẻ thù nữa của đối thoại thực sự là ý muốn khôn nguôi làm người đúng của ta. Một hình ảnh nực cười đã được truyền lan trên liên mạng mô tả một người đàn ông đang ngồi trước máy vi tính trong khi bà vợ mời ông vào giường. Người đàn ông lớn tiếng đáp lại “anh sẽ vào ngay! Nhưng có tên khốn nào đang sai lầm (wrong) trên liên mạng!”. Thái độ này hết sức thịnh hành trên trực tuyến, chính nó phá hoại những cuộc tranh luận hữu ích. 

Các tư tưởng gia cổ thời như Socrates ít lưu ý tới việc thắng một cuộc tranh luận cho bằng tìm ra sự thật. Đó là lý do khiến họ hỏi nhiều hơn nói. Brandon bảo ta cần lấy lại tinh thần tò mò và đói khát sự thật ấy, và nếu người Công Giáo chịu bắt cái giọng này, chắc chắn người vô thần sẽ hát theo. 

Brandon cũng cho rằng phần lớn các cuộc đối thoại văn hóa trên liên mạng là nông cạn. Điển hình rõ ràng nhất là khuôn mạo (profile) trên Facebook. Khi cuộc tranh luận về hôn nhân bắt đầu nóng lên tại Hoa Kỳ, hàng ngàn người ủng hộ “hôn nhân” đồng tính thay đổi khuôn mạo của họ trên Facebook thành dấu hiệu bằng nhau cố ý cho thấy họ ủng hộ “nguyên tắc bình đẳng của hôn nhân”. Tuy nhiên ít người trong số họ chịu cởi mở để nghiêm chỉnh thảo luận chủ đề này. Khi một ai đó đưa ra một luận điểm rất có giá trị về phương diện trí thức để chống lại việc tái định nghĩa hôn nhân, những người chống lại luôn luôn bác bỏ họ một cách thẳng thừng, gán cho họ nhãn hiệu “cuồng tín” hay “quá khích tôn giáo”. 

Tuy nhiên, theo Brandon, ta không thể coi thường hệ thống truyền thông xã hội. Nó như một đại dương, gồm cả sóng cạn lẫn sóng sâu. Người Công Giáo cần phải bơi ngược cả hai thứ sóng đó. Ta cần những Chesterton hiện đại, biết bênh vực Thiên Chúa một cách súc tích và đầy duyên dáng theo cái nông cạn của Twitter. Ta cũng cần những Thánh Augustinô hiện đại biết lặn sâu vào những hộp góp ý để làm chúng sáng lên bằng ánh sáng đức tin (lumen fidei). Ta cần cả hai thứ lặn, lặn với bình khí và lặn vào hang động dưới biển (scuba-diving, cave-diving), bởi vì thế giới ngoại tuyến cho thấy thứ trước thường dẫn tới thứ sau. 

Vũ Văn An 7/9/2013(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét