Thứ Sáu
Ngày 05/07/2013
Tuần 13
Mùa Thường Niên Năm Lẻ
BÀI ĐỌC I: St 23, 1-4. 19; 24, 1-8. 62-67
"Isaac yêu thương Rêbecca, cho nên ông tìm được niềm an ủi,
vì thương nhớ mẹ đã qua đời".
Trích sách Sáng Thế.
Bà Sara được một trăm hai mươi bảy tuổi thì qua đời tại thành
Cariatharbê, tức là Hêbron, trong đất Canaan. Ông Abra-ham đến khóc lóc thương
tiếc bạn mình. Khi lo việc chôn cất, Abraham chỗi dậy nói với các con ông Hét rằng:
"Tôi là ngoại bang, là khách lạ giữa quý ông, xin quý ông nhượng cho tôi một
phần mộ để chôn xác người nhà tôi qua đời". Rồi Abraham chôn cất bà Sara vợ
ông trong Hang Đôi ngoài đồng ruộng, đối diện với Mambrê, tức Hêbron, trong đất
Canaan.
Khi ấy, Abraham đã già nua, và Chúa đã chúc lành cho ông trong mọi
sự. Abraham nói với người đầy tớ lớn tuổi nhất trong nhà, cũng là người quản lý
mọi của cải của ông rằng: "Ngươi hãy đặt tay vào dưới bắp vế ta mà thề trước
mặt Chúa là Thiên Chúa trời đất, sẽ không cưới cho con ta một người vợ thuộc dân
Canaan mà ta đang ở chung với họ đây. Ngươi hãy đi về quê họ hàng ta, mà cưới vợ
cho con ta là Isaac". Người đầy tớ thưa lại: "Nếu người phụ nữ không
muốn theo tôi về xứ này, thì tôi có phải đem con trai ông về quê quán của ông
chăng?" Abraham trả lời rằng: "Ngươi hãy cẩn thận chớ bao giờ dẫn con
ta về đó: Chúa là Thiên Chúa, đã đưa ta ra khỏi nhà cha ta và quê quán ta, đã
phán và thề hứa cùng ta rằng: 'Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi'. Thiên
Chúa sẽ sai thiên thần đi trước mặt ngươi, và ngươi cưới cho con trai ta một
người vợ trong xứ đó. Nếu người phụ nữ không chịu theo ngươi về, thì ngươi
không còn mắc lời đoan thề mà ta bảo người đây. Chỉ có một điều là đừng dẫn con
trai ta về nơi đó".
Khi ấy, Isaac đi bách bộ trên đường dẫn đến cái giếng gọi là "Đấng
Hằng Sống và Trông Thấy", vì ông cư ngụ tại mạn nam. Lúc gần tối, Isaac đi
ra ngoài cánh đồng để suy ngắm. Khi ngước mắt lên nhìn, thấy những con lạc đà
đang trở về từ đàng xa. Rêbecca cũng ngước mắt nhìn thấy Isaac, nàng liền nhảy
xuống khỏi lạc đà, và hỏi người đầy tớ rằng: "Người đang đi trong cánh đồng
để ra đón chúng ta là ai vậy?" Người đầy tớ đáp: "Người đó là chủ tôi
đấy". Nàng vội vàng lấy khăn che mặt. Người đầy tớ lại kể lại cho Isaac
hay mọi việc mình đã làm. Isaac đưa Rêbecca vào nhà xếp của Sara mẹ ông, ông lấy
nàng làm vợ và yêu thương nàng lắm, cho nên ông tìm được niềm an ủi bớt thương
nhớ mẹ đã qua đời. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 105, 1-2. 3-4a. 4b-5
Đáp: Hãy ca tụng Chúa, bởi Người nhân hậu (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Hãy ca
tụng Chúa, bởi Người nhân hậu, vì đức từ bi Người tồn tại muôn đời. Ai nói cho
hết được những hành động quyền năng của Chúa, ai kể cho xiết mọi lời ngợi khen
Người? -
Đáp.
2) Phúc
cho ai tuân giữ những điều huấn lệnh, và luôn luôn thực thi điều công chính. Lạy
Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài. - Đáp.
3) Xin
mang ơn cứu độ đến thăm viếng chúng con, để chúng con hân hoan vì hạnh phúc những
người Chúa chọn, được chung vui bởi niềm vui của dân Ngài, và được hãnh diện
cùng phần gia nghiệp của Ngài. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia,
alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. -
Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 9, 9-13
"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu
thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng
dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều
người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của
Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng:
"Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như
thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến
thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa
gì: 'Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ'. Vì Ta không đến để kêu gọi
người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Bữa Tiệc Thân Hữu
Trong hầu
hết các nền văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ
đặc biệt trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày
theo các bữa ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần
trong gia đình có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất.
Vì là giờ hiệp nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người
ta vẫn nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất,
cho nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi
đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu
của nhau.
Bài Tin Mừng
hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu
thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào
là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi
đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một
Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên
Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con
người.
Chúng ta sẽ
không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước
Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống
như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ
hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên
Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả
phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái
lõi của tôn giáo là tình thương.
Lời Chúa
hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể
mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham
dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu
không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng
vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những
hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta
không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố
chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện
diện, có bình an, có Nước Trời.
(Veritas Asia)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu
Tuần 13 TN1, Năm Lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kẻ đau yếu mới cần đến thầy thuốc.
Là những
người lãnh đạo như người mục tử coi sóc đoàn chiên hay cha mẹ chăm sóc con cái,
chúng ta không những phải nhận ra bệnh tình của đoàn chiên hay con cái, mà còn
phải biết phương thuốc hiệu nghiệm để chữa lành. Các bài đọc hôm nay cho chúng
ta những mẫu gương của cha mẹ và người mục tử tốt lành.
Trong bài
đọc I, tổ phụ Abraham biết con mình rất buồn khi mất mẹ, ông lo lắng để tìm một
người bạn đời tốt lành cho con để cậu có thể quên đi người mẹ, và bắt đầu xây dựng
gia đình riêng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu là người mục tử tốt lành đi tìm con
chiên lạc. Ngài tìm được Matthew và đưa ông về; nhưng các Pharisees lại phê
bình Ngài đồng bàn với những người tội lỗi. Chúa Giêsu thẳng thắn trả lời họ:
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
Cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi buồn mất mẹ.
1.1/ Bà Sarah
từ giã cuộc đời: Không có gì buồn hơn nỗi buồn mất người mẹ yêu quí đã hết lòng
chăm sóc cho Isaac, nhất là cậu lại là người con duy nhất bà có trong lúc tuổi
già. Tất cả tình thương của bà Sarah đều dành cho cậu. Sau khi đã chôn cất vợ,
Abraham biết đã đến lúc ông phải kiếm một người vợ tốt lành cho con, để cậu vơi
đi nỗi buồn mất mẹ.
1.2/ Niềm tin
của Abraham vào Thiên Chúa trong việc cưới vợ cho Isaac: Abraham phải đương đầu với
3 khó khăn lớn:
(1) Abraham không thể tự mình về quê tìm vợ cho con
vì đã quá cao niên.
(2) Abraham không muốn cưới những người con gái xứ
Canaan làm vợ cho con mình. Giống như truyền thống Việt-nam, Abraham muốn cưới vợ cùng làng
xóm cho con. Lý do, chuyện trăm năm là chuyện cả cuộc đời. Những người cùng
làng là những người Abraham và người quản lý đã biết rõ cha mẹ và họ hàng của họ.
Những người con gái xứ Canaan, Abraham không biết một tí nào về họ cả. Vì thế,
Abraham bảo người lão bộc sống lâu năm nhất trong nhà ông, và cũng là người quản
lý mọi tài sản của ông: "Chú hãy đặt tay dưới đùi tôi, và tôi xin chú nhân
danh Đức Chúa là Chúa trời đất, mà thề rằng chú sẽ không cưới cho con trai tôi
một người vợ trong số con gái xứ Canaan, nơi tôi đang sống. Nhưng chú sẽ về quê
tôi, đến với họ hàng tôi, mà cưới vợ cho con tôi là Isaac."
(3) Abraham không muốn cho con mình về quê, nhưng
phải ở lại Canaan để thừa hưởng miền Đất Hứa mà Thiên Chúa dành cho ông. Người lão bộc thưa với
ông: "Có thể người đàn bà ấy không chịu đi theo tôi về đất này; vậy tôi có
phải đưa cậu con trai ông về đất mà từ đó ông đã ra đi không?" Ông Abraham
bảo người ấy: "Coi chừng, đừng có đưa con trai tôi về đó! Đức Chúa là Chúa
Trời, Đấng đã đưa tôi ra khỏi nhà cha tôi, khỏi quê hương tôi, Đấng đã phán với
tôi và thề với tôi rằng: "Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này,"
chính Người sẽ sai sứ thần Người đi trước mặt chú, để từ nơi đó chú cưới vợ về
cho con tôi.”
Abraham biết
để thỏa mãn cả hai điều kiện không phải là điều dễ dàng; vì thế, Abraham nói với
người lão bộc: “Nếu người đàn bà không chịu đi theo chú, thì chú không còn buộc
phải giữ lời thề với tôi nữa. Nhưng dù sao, cũng đừng đưa con tôi về đó."
Abraham tin tưởng Thiên Chúa sẽ xe định một người vợ tốt lành cho Isaac. Trong
suốt cuộc đời ông, Thiên Chúa luôn giữ lời hứa. Ngài đã chúc lành cho Abraham
trong mọi sự.
1.3/ Issac tiếp
nhận Rebekah và quên đi nỗi buồn mất mẹ. Cuộc hôn nhân của Isaac và Rebekah quả thật do sự quan phòng của
Thiên Chúa. Để hiểu điều này, chúng ta phải đọc cả chương 24. Trình thuật hôm
nay chỉ kể vắn tắt người lão bộc đã tìm được Rebekah và thuyết phục cô từ giã
cha mẹ để lên đường qua đất Canaan gặp Isaac. Cậu Isaac đưa cô Rebekah vào lều
của bà Sarah mẹ cậu; cậu lấy cô làm vợ, cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi
buồn mất mẹ.
2/ Phúc Âm:
"Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.”
2.1/Lòng
thương xót có sức cải hóa người tội lỗi: Trong Cựu Ước, các ngôn sứ rất khó chịu với những người tội lỗi
và họ thường tuyên bố án phạt dành cho tội nhân. Tuy nhiên, cũng không thiếu những
sứ điệp về tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Sách ngôn sứ Jonah là một bằng
chứng hùng hồn. Ngôn sứ Jonah không muốn rao giảng cho dân thành Nineveh; nhưng
Thiên Chúa bắt ông phải làm chuyện đó, và Ngài cho ông biết lý do: "Ngươi,
ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho
nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta,
chẳng lẽ Ta lại không thương hại Nineveh, thành phố lớn, trong đó có hơn một
trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có
rất nhiều thú vật hay sao?" (Jon:4:10-11). Trong ngôn sứ Ezekiel chúng ta
cũng thấy rõ ràng sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa: “Ta không muốn kẻ
gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Eze 33:11).
Chúa Giêsu
là người đầu tiên rao giảng và diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho
người tội lỗi. Trong trình thuật hôm nay, Matthew bị đánh động bởi lòng nhân từ
của Chúa Giêsu sâu đậm đến nỗi ông đứng dậy, lập tức bỏ mọi sự và đi theo Người.
Lý do, chưa có một người Do-thái nào đối xử với ông như một nhân vị con người,
trừ Chúa Giêsu. Đa số đều buộc tội và ngăn cấm không cho ông được bước chân vào
Đền Thờ. Điều tương tự cũng xảy ra cho Zacchaeus, thủ lãnh của người thu thuế
(Luc 19:5), hay cho Người Phụ Nữ Ngoại Tình (Joh 8:1-11). Những người tội lỗi
nhiều thường dễ khiêm nhường nhận ra tội lỗi của họ để ăn năn hối cải hơn những
người tự nhận mình là công chính.
2.2/ Tất cả mọi
người đều cần đến lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa: vì tất cả mọi người đều
có tội. Những Pharisees là những người cũng cần lòng thương xót của Thiên Chúa,
vì họ cũng là những tội nhân, nhưng vì sự cứng lòng và kiêu hãnh là những lý do
ngăn cản họ nhận ra tội lỗi của họ và từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa.
Hơn nữa, họ tức giận khi Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà Matthew và cùng đồng
bàn ăn uống với ông, nên họ chất vấn các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các
anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?"
Tiếp đến,
Chúa Giêsu đưa ra sự kiện mà chúng quá rõ ràng với tất cả những ai có trí khôn
lành mạnh: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.”
Chẳng ai đang khỏe mạnh mà lại tốn tiền đi bác sĩ; chỉ những ai đau yếu hay thấy
có những triệu chứng báo động mới cần đến bác sĩ. Chúa Giêsu không đến để kêu gọi
người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa Giêsu là nhà chữa bệnh tinh
thần mà tất cả con người đều cần chạy tới để được Ngài chữa lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Là những
nhà lãnh đạo, chúng ta phải sáng suốt để định bệnh cho những người Thiên Chúa
đã trao cho chúng ta, đồng thời cũng phải biết phương thuốc hiệu nghiệm để chữa
lành.
- Chúng ta
đừng bao giờ phê bình hay ngăn cản những người tội lỗi đến cùng Thiên Chúa. Mọi
người đều là tội nhân và đều cần tình thương tha thứ của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 13 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 9,9-13
A. Hạt giống...
Thánh Matthêu tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông :
- Ông là một người thu thuế tội lỗi.
- Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới với ông : "Chúa
Giêsu đi ngang qua, thấy… Ngài phán bảo ông…"
- Bởi thế ông rất mừng và nhanh chóng đáp lời : "Ông đứng dậy
và đi theo".
- Ông mừng đến nỗi ngay sau đó mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các
bạn thu thuế của mình.
- Qua kinh nghiệm này, Matthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuộc của
những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn : "Ta đến không phải để kêu gọi người
công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
B.... nẩy mầm.
1. Bản thân tôi cũng là một người tội lỗi đã được Chúa thương kêu
gọi đi theo Ngài. Lẽ ra tôi phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy và cũng quảng đại với
những người tội lỗi như tôi. Thế nhưng hình như khi tôi được Chúa gọi rồi thì
tôi liền quên ngay chuyện đó. Tôi tự coi mình là công chính và lên mặt khó chịu
với những kẻ tội lỗi. Tôi không muốn Chúa kêu gọi thêm người tội lỗi nào nữa
cả.
2. Trước lúc Chúa gọi, Matthêu "ngồi" (tư thế không muốn
thay đổi) tại "bàn thu thuế" (môi trường sống tội lỗi). Nhưng ngay
khi được Chúa gọi, ông đã nhanh chóng "đứng dậy" và "đi
theo". Thái độ này biểu lộ một sự dứt khoát thay đổi, một hành trình mới.
3. Chúa Giêsu là Thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người ;
Ngài đến là nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi ; Ngài bảo "Ta muốn lòng
nhân". Bây giờ tôi là đại diện của Chúa. Tôi phải sống và cư xử thế nào để
người ta hiểu Chúa của tôi là như thế ? Tôi thấy có cần sửa đổi hay điều chỉnh
gì không trong cách sống và cư xử của tôi ?
4. Đồ phế thải và người phế thải : Abbé Pierre chuyên giúp những
người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha
kể lại câu chuyện sau đây : Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà không
cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho
cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông như ra lệnh
: "Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn đang cần đến sự giúp
đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh". Nghe những lời
đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên, và từ đó ông trở thành một trong
những cộng sự viên đắc lực nhát của cha. (Chờ đợi Chúa)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ
05/07/13 THỨ
SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Antôn Maria Dacaria, linh mục
Mt 9,9-13
Th. Antôn Maria Dacaria, linh mục
Mt 9,9-13
ĐỨC KI-TÔ, ĐẤNG CỨU ĐỘ MỌI NGƯỜI
“Vì tôi không
đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
(Mt 9,13)
Suy niệm: Thông
thường, các công ty tuyển dụng nhân viên thường đưa ra các tiêu chuẩn: có kỹ
năng chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, ngoại hình ưa nhìn… với những hứa hẹn
lương cao, ưu đãi hấp dẫn… Đức Giêsu khi tuyển chọn các môn đệ, Ngài cũng có
những tiêu chuẩn của mình mà rõ nét nhất, có thể nói, là trường hợp Chúa chọn
gọi Lêvi: Chúa gọi ông theo Ngài khi ông còn là một người thu thuế đang hành
nghề ở trạm thuế vụ, một công việc bị coi là tội lỗi; Chúa còn viếng thăm và ăn
uống tại nhà ông cùng với các đồng nghiệp thu thuế khác của ông. Tiêu chuẩn
tuyển chọn của Chúa là tiêu chuẩn của lòng nhân, tiêu chuẩn của lòng thương
xót: Chúa đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là “để kêu gọi người tội lỗi.”
Mời Bạn: Chúng ta đây là những người thụ
tạo, yếu hèn, tội lỗi… Nhưng Chúa vẫn mời gọi và chọn chúng ta, để chúng ta
được gia nhập với cộng đoàn của những người được chọn. Lòng thương xót của
Thiên Chúa vẫn còn kéo dài mãi nơi chúng ta qua ơn tha thứ nơi Bí tích hoà
giải. Vấn đề là bạn có nhận ra mình là người tội lỗi trước mặt Chúa và cần ơn
tha thứ của Ngài hay không.
Chia sẻ: Bạn
cảm nhận thế nào về lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa khi mỗi lần
bạn đi xưng tội?
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày bạn dành ít phút xét mình để nhận ra những lỗi lầm xúc phạm đến Chúa và
tha nhân và xin ơn hoà giải với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn muôn đời.
Đứng dậy
đi theo
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng
cho thời đại hôm nay, phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa
đương đại. Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng...
Suy niệm:
Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).
Khi Thầy gọi Mátthêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”
Mátthêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.
Mátthêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.
Mátthêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?
Trong nhóm Mười Hai, Mátthêu có chỗ đứng đặc biệt,
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.
Mátthêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mátthêu đã trở nên người phục vụ đồng
bào.
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.
Mátthêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu
được.
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời
nay,
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,
để thế giới nghe và hiểu được.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm
nay,
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương
đại.
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên
quốc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên
đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào
khả năng bản thân
hay vào những phương tiện
trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ
quỷ,
chữa lành những người ốm
đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy
Niệm
Bài
Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi Matthêu, một người thu thuế tội lỗi.
Ông đã không do dự đáp lại tiếng Chúa kêu mời. Hơn nữa ông con vui mừng mở tiệc
khoản đãi Chúa Giêsu tại nhà ông cùng với những đồng nghiệp của ông. Nhưng
chính việc tham dự bữa tiệc này, Chúa Giêsu bị các người Pharisêu chỉ trích.
Nhân đây Chúa Giêsu cũng đưa ra lập trường và sứ mệnh của ngài: "Vì Ta
không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi". Qua
kinh nghiệm này thánh Matthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuốc của những kẻ tội
lỗi, những bệnh nhân về mặt linh hồn.
Chỉ
có những ai nhận ra mình đang đau yếu, thương tích, tội lỗi mới được Chúa cứu
chữa. Còn những người tự nhận mình là công chính, không cần đến Chúa Giêsu thì
không đáng hưởng ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta được Chúa yêu thương, Chúa cũng
muốn chúng ta yêu thương và cảm thông với những người khác nhất là những người
yếu đuối tội lỗi, ngỏ hầu dẫn đưa những anh em lầm lạc trở về trong tình thương
của Chúa. Bởi vì Chúa Giêsu thật là một thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của
con người, Ngài đến là nhằm kêu gọi những người tội lỗi.
Lạy
Chúa, xin giúp chúng con có tâm hồn quảng đại như Chúa, để chúng con cũng biết
vui mừng khi thấy có ai lầm lỗi biết ăn năn trở về. Xin cũng giúp chúng con
biết sống và cư xử thế nào để người ta cũng nhận ra lòng thương xót của Chúa
trong đời sống chúng con. Đồng thời xin giúp chúng con biết canh tân đời sống,
mở rộng tâm hồn để đón nhận sự tha thứ của Chúa. Amen.
Người
Miệt Vườn
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên Tháng Bảy
5 THÁNG BẢY
Tính
Tự Trị Của Các Vật Thụ Tạo
Mặc dù cách diễn tả của Thánh Kinh gán quyền cai quản mọi loài trực tiếp
cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể nhận ra rõ ràng sự khác biệt giữa hành động
của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – và hoạt động của các thụ tạo. Đó là sự khác biệt
giữa nguyên nhân đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhị. Đây là vấn đề rất thường được
đặt ra bởi con người thời nay: Thế giới thụ tạo có được sự tự trị và sự tự do đến
mức nào? Đâu là vai trò của con người trong việc phát minh, sáng tạo và xây dựng
thế giới?
Theo đức tin Công Giáo, sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa làm cho sự quan
phòng của Ngài có thể hiện diện trong thế giới – trong khi thế giới thụ tạo vẫn
có được một sự tự trị nào đó theo quyền của mình. Công Đồng Vatican II đã đề cập
đến mầu nhiệm này. Một đàng, Thiên Chúa giữ gìn mọi sự và làm cho mọi sự có thể
là chính chúng: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực,
tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng” (MV 36). Đàng khác, nhờ cách thế
mà Thiên Chúa cai quản thế giới, các tạo vật – nhất là con người – có thể có được
sự tự trị nào đó “theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo” (MV 36).
Sự quan phòng của Thiên Chúa được diễn tả một cách chính xác trong
“tính tự trị của các loài thụ tạo”, trong đó cả sức mạnh lẫn sự ân cần của
Thiên Chúa đều được thể hiện. Chúng ta nhận ra rằng – đối với con người – sự
quan phòng của Thiên Chúa sẽ vẫn luôn luôn còn là một sự khôn ngoan nhiệm mầu
bao trùm hết thảy mọi sự (“từ chân trời này đến chân trời kia”). Sự quan phòng ấy
được nhận ra nơi mọi sự với đầy sức sáng tạo và với trật tự rõ ràng của nó. Tuy
nhiên, nó vẫn còn chừa lại nguyên đó vai trò của con người trong việc xây dựng
và phát triển thế giới. Đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II
-
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
Thánh
Antôn Maria Zaccaria, linh mục
St 23,
1-4.19;24,1-8.62-67; Mt 9, 9-13
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Chúa Giêsu
dùng bữa với người tội lỗi, người Pharisêu chê trách Ngài. “Nghe thấy thế, Đức
Giêsu nói: Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt
9,12).
Thiên Chúa quan tâm đến con người, khi Ađam phạm tội, con người không
còn ai xứng đáng trước Nhan Thánh Ngài. Nhưng Ngài là Đấng hằng yêu thương con
người. Nên Ngài đã cho một con người mới là Đức Giêsu đến để làm Đấng Trung
Gian giữa con người với Thiên Chúa. Chính nhờ vậy. Chúa Giêsu đã cho chúng ta
biết Ngài là thầy thuốc cho các bệnh nhân. Ước gì chúng ta là những Ki-Tô luôn
biết lánh xa tội lỗi, nhưng không tránh xa tội nhân, mà phải luôn biết cầu nguyện
và nâng đỡ họ đứng lên.
Mạnh Phương
Gương Thánh nhân
Ngày 05-07
Thánh
ANTÔN MARIA GIACARIA
Linh mục
(1502 - 1539)
Thánh Antôn Maria Giacaria sinh năm 1502 tại Grêmôna, cha Ngài mất sớm,
mẹ Ngài, người góa phụ trẻ 18 tuổi không còn biết tới hạnh phúc nào hơn trên trần
gian là đào tạo tâm hồn người con nhỏ của mình. Thấy con thích làm việc hơn là
chơi giỡn và biết kiên trì hy sinh hãm mình, bà rất mừng rỡ, chính bà cũng phát
huy tình bác ái đối với người nghèo khổ, làm gương cho con.
Thành Grêmôna nơi Antôn sinh trưởng vừa mới hết chiến tranh. Sau cuộc
chiếm đóng của người Pháp, dân thành lại phải chiến đấu với Ludorse Sforza.
Tình cảnh thật khốn khổ. Ngày kia trên đường về học, cậu bé Antôn đã cởi tấm áo
thêu của mình cho người nghèo mặc. Thấy vậy, người mẹ đã âu yếm ôm con vào
lòng. Từ đó Antôn xin cho con được ăn mặc bình thường, có khi còn nhịn phần ăn
cho người nghèo nữa.
Thân mẫu Antôn đã chọn cho Ngài những bậc thầy nổi danh về văn chương
Hy lạp và Latinh. Vào tuổi 15, Antôn đã theo môn triết học ở Pavie, rồi lại
theo đuổi y học ở Padua. Ở đại học người ta chế nhạo nếp sống nghèo khó của
Ngài. Tốt nghiệp phải cấp bằng tiến sĩ ưu hạng, Ngài được rất nhiều khách hàng
tín nhiệm. Nhưng đây lại là thời Luthênô nổi dậy. Antôn bỏ nghề thuốc để theo
môn thần học.
Antôn Giacaria bắt đầu tụ tập trẻ em lại, Ngài nói cho chúng nghe về
các chân lý cao trọng. Cha mẹ chúng cũng thường tới nghe dạy. Họ nói : - Nào
chúng mình đến nghe thiên thần của Chúa.
Tay cầm thánh giá, thánh nhân rảo qua khắp các đường phố nói về ơn cứu
chuộc và việc thống hối. Nơi nào bị chế nhạo, bị xỉ nhục, Ngài càng năng lui tới
hơn.
Năm 1528, lúc được 36 tuổi, Antôn được thụ phong linh mục. Ngài đến ở
Milan, thăm viếng các người đau khổ trong các nhà thương, nhà tù, nơi các xóm
nghèo. Các nghĩa cử Ngài làm đã mang lại cho Ngài danh hiệu "người cha dân
tộc". Ngài ngồi tòa hàng giờ để phục sinh các linh hồn. Ngài chống lại
phái thệ phản và đối đầu với bất cứ ai muốn tấn công đức tin tinh tuyền. Cha
Antôn có hai người bạn tông đồ là Mariggia và Ferrari. Đức giáo hoàng truyền
cho các Ngài lập một hội dòng mới, các tu sĩ dòng thánh Phaolô. Các Ngài được
trao cho việc coi sóc thánh đường thánh Barnabê, nên người ta gọi các Ngài là
các cha Barnabê.
Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh: - "Đặc
tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu
không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả
hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý
Người, cho mình và cho người khác".
Ngài dạy họ phải quen với những phỉ báng khinh miệt nhưng không làm
như vậy được nếu không hướng trọn ý tưởng về với Chúa, và nếu kinh nguyện chưa
nên của ăn nuôi sống linh hồn. Các linh mục và cả hàng giáo sĩ đã bắt đầu. Chiều
về anh em họp nhau lại để thú tội. Thánh nhân còn dẫn anh em rảo qua đường phố
bằng cách vác Thánh giá mà rao giảng. Họ còn tự động cột giây vào cổ, làm những
việc nặng nhọc trong khi một số khác đi ăn xin cho người nghèo.
Thấy vậy, nhiều người thống hối và cải thiện đời sống. Thánh Antôn còn
cổ động lòng sùng kính Thánh Thể khuyên năng rước lễ hơn. Thời đó người ta chỉ
rước lễ một hai lần trong năm. Trước sự đổi mới này, nhiều người coi sự nhiệt
thành của Ngài là cuồng tín dị đoan. Thánh nhân vẫn an lòng và cảm nghiệm điều
Ngài thường nói : - Bạn sẽ được thấp nhập vào Chúa đến độ không còn lo tưởng đến
những sự trên thế gian này nữa.
Năm 1530, Ngài giúp nữ công tước Torelli thành lập một hội dòng nữ. Đức
giáo hoàng Phaolô III đã chuẩn y hội dòng này và đặt tên là "Dòng chị em
các thiên thần".
Năm 1536, cha Antôn Giacaria từ chức bề trên nhà dòng mà Ngài đã giữ từ
đầu để đi truyền giáo. Ngài rao giảng Phúc âm và giải hòa các cuộc tranh chấp.
Công việc thật bề bộn, không thể lường trước được, dầu vậy thánh nhân vẫn trung
thành với tác vụ, các cuộc tĩnh tâm và thư tín.
Tuy nhiên lần này, tại Guastalla, thánh nhân đã kiệt sức. Xa các môn
sinh, Ngài lui về với thân mẫu. Bà khóc lóc khi thấy con. Nhưng Antôn nói :- Mẹ
ơi ! Mẹ đừng khóc nữa. Chẳng bao lâu rồi mẹ cũng được vui mừng với con trong
vinh quang bất tận mà bây giờ con đang tiến vào.
Ba giờ chiều ngày 5 tháng 7 năm 1593, linh mục trẻ 36 tuổi Antôn Maria
Giacaria thở hơi cuối cùng trong tay mẹ hiền.
(daminhvn.net)
05
Tháng Bảy
Con
Người Tự Do
Ðại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Ðộ có kể câu chuyện ngụ
ngôn như sau:
Khi còn trẻ, tôi cảm thấy tràn đầy năng lực... Một buổi sáng nọ,
tôi ra khỏi nhà và hô lớn: "Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn". Thế
là tôi hăm hở lên đường và trong tư thế sẵn sàng phục vụ bất cứ ai chờ đợi. Từ
đằng xa, đức vua và đoàn tùy tùng tiến đến. Vừa nghe tiếng tôi, ngài đã dừng lại
và nói với tôi: "Ta đưa ngươi vào cung hầu hạ ta và bù lại, ta sẽ ban cho
ngươi quyền hành". Ngẫm nghĩ, không biết dùng quyền hành để làm gì, tôi
đành lặng lẽ bỏ đi...
Tôi tiếp tục ra đi và hô lớn: "Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ
ai muốn". Chiều hôm đó, có một cụ già ngỏ ý thuê tôi và để đền bù, cụ cho
tôi những đồng bạc mà âm thanh vang lên như bản nhạc. Nhưng tôi cảm thấy không
cần tiền bạc, cho nên đành tiếp tục ra đi.
Tôi tiếp tục ra đi và tiến gần đến một căn nhà xinh đẹp. Một em
bé gái xinh đẹp chào tôi và đề nghị với tôi: "Tôi thuê anh và bù lại, tôi
sẽ tặng cho anh nụ cười của tôi". Tôi cảm thấy do dự. Một nụ cười sẽ kéo
dài bao lâu? Chỉ trong chớp nhoáng, cô bé đã biến vào bóng tối...
Khi tôi rời bỏ căn nhà xinh đẹp, thì trời cũng đã tối. Tôi ngã
người trên thảm cỏ và ngủ thiếp. Sáng ngày hôm sau, tôi thức giấc trong sự mệt
mỏi. Khi mặt trời vừa lên, tôi đi lần ra bãi biển. Một cậu bé đang chơi đùa
trên cát. Vừa thấy tôi, nó ngẩng đầu lên, mỉm cười như thể đã từng quen biết với
tôi. Một lúc sau, nó nói với tôi: "Tôi sẵn sàng thuê anh và bù lại, tôi
không có gì để cho anh cả". Tôi đón nhận ngay giao kèo của cậu bé. Và
chúng tôi bắt đầu chơi đùa với nhau trên bãi cát. Những người qua lại ngỏ ý muốn
thuê tôi, nhưng tôi từ chối, bởi vì từ ngày hôm đó, tôi mới thực sự cảm thấy
mình là một con người tự do.
Không gì
quý bằng độc lập tự do: không chừng câu khẩu hiệu quen thuộc này ứng dụng một
cách rất xác thực vào đời sống Ðức Tin của chúng ta... Chúng ta tuyên xưng Chúa
Giêsu là Ðấng Cứu Thoát, bởi vì Ngài đến để giải phóng chúng ta, Ngài đến để
làm cho chúng ta được tự do. Và tự do mà Ngài mang lại cho chúng ta là gì nếu
không phải là tự do khỏi tội lỗi, tự do khỏi đam mê, tự do khỏi ích kỷ, tự do
khỏi danh vọng, tiền bạc và tất cả những gì ràng buộc con người...
(Lẽ Sống)
Thứ Sáu 5-7
Thánh Antôn Zaccaria
(1502-1539)
Khi Martin Luther tấn
công những lạm dụng trong Giáo Hội, lúc ấy một phong trào canh tân đang manh
nha thành hình. Trong số những người của phong trào có Thánh Antôn Zaccaria.
Thuộc dòng dõi quý tộc,
cha của Antôn Zaccaria mất sớm khi ngài mới hai tuổi, và mẹ ngài, người goá phụ
18 tuổi, ở vậy nuôi con. Bà tận tụy dạy dỗ đạo lý cho con ngay từ nhỏ. Khi 22
tuổi, Antôn lấy bằng tiến sĩ y khoa và làm việc ở Cremona, giúp đỡ người nghèo
và siêng năng hoạt động tông đồ. Ngoài phần xác của con bệnh, ngài còn lo lắng
đến phần hồn của họ, ngài là một giáo lý viên và được thụ phong linh mục lúc 26
tuổi.
Ðược sai đến Milan trong
một vài năm, Cha Antôn Zaccaria thành lập hai tu hội, một cho nam giới và một
cho nữ giới. Mục đích của tu hội là canh tân xã hội đang sa sút vào thời ấy,
bắt đầu từ hàng giáo sĩ và tu sĩ.
Vì rất cảm kích Thánh
Phaolô, Cha Antôn Zaccaria đặt tên cho tu hội là Bácnabê -- tên bạn đồng hành
của Thánh Phaolô -- và ngài hăng say rao giảng ở trong nhà thờ cũng như ngoài
đường phố, tổ chức các nhóm truyền giáo và không xấu hổ khi công khai ăn năn
sám hối. Ngài còn khuyến khích những hình thức sinh hoạt mới mẻ, như giáo dân
cộng tác trong công việc tông đồ, siêng năng rước lễ, chầu Thánh Thể và rung
chuông nhà thờ vào 3 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần.
Sự thánh thiện của Cha
Antôn đã khích lệ nhiều người thay đổi đời sống, và như tất cả các vị thánh
khác, ngài cũng bị nhiều người chống đối. Hai lần, tu hội của ngài phải chịu sự
điều tra của các giới chức trong Giáo Hội, và cả hai lần đều được miễn trừ.
Ðang khi trên đường công
tác hòa giải, ngài bị bệnh nặng và được đưa về thăm người mẹ. Ngài từ trần ở
Cremona khi mới 36 tuổi.
Lời Bàn
Sự hăng say canh tân của
Thánh Antôn Zaccaria có lẽ khiến nhiều người ngày nay "thất vọng".
Vào thời điểm mà nhiều người trong Giáo Hội lẫn lộn giữa thế quyền và thần
quyền, thì lời rao giảng, lối sống của Thánh Antôn không khác gì một cản trở cần
diệt trừ. Nhưng lối sống ấy đích thực là linh đạo của Ðức Kitô, một Ðấng bị đau
khổ, bị đóng đinh. Chúng ta cũng không thể "cao trọng hơn Thầy", và
con đường thập giá luôn luôn là con đường dẫn đến vinh quang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét