Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

TÓM LƯỢC THÔNG ĐIỆP LUMEN FIDEI (ÁNH SÁNG ĐỨC TIN)

Tóm lược Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin


Thứ Sáu, ngày 5 tháng 7, Tòa Thánh đã công bố Thông Điệp đầu tiên của Đức Phanxicô, tựa là Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei). Theo lời Đức Phanxicô, đây là công trình của “bốn bàn tay” và công lớn nhất là của Đức Bênêđíctô XVI, người đã quyết định viết thông điệp này và đã gần hoàn tất nó khi tuyên bố từ nhiệm. Ngoài phần nhập đề và kết luận, Thông Điệp gồm 4 phần. Sau đây là bản tóm lược do Tòa Thánh công bố cùng ngày. 

Lumen fidei, Ánh Sáng Đức Tin (ASĐT) là thông điệp đầu tiên được Đức GH Panxicô ký ban hành. Được chia thành bốn chương, cộng thêm phần nhập đề và phần kết luận, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng Thông Điệp này bổ túc các thông điệp về đức ái và đức cậy của Đức Bênêđíctô XVI, và tiếp nối “công trình tốt đẹp” của Đức GH Hưu Trí, người đã “gần như hoàn tất” Thông Điệp về đức tin. Nay, Đức Thánh Cha góp “thêm phần đóng góp” của ngài vào “dự thảo đầu tiên” này.

Phần nhập đề của ASĐT (các số 1-7) minh họa các động lực nằm ở nền tảng của văn kiện: trước nhất, nó nhắc lại các đặc điểm nơi ánh sáng đặc trưng của đức tin, một ánh sáng có khả năng chiếu rọi toàn bộ cuộc hiện sinh của con người, giúp con người phân biệt được thiện ác, nhất là trong thời hiện đại này khi niềm tin chống lại việc tìm hiểu và đức tin bị coi là ảo tưởng, một bước nhẩy vào khoảng không vốn cản trở tự do của con người. Thứ hai, nhân Năm Đức Tin này, năm kỷ niệm Công Đồng Vatican II được 50 năm, một “Công Đồng của đức tin”, ASĐT tìm cách tăng cường việc nhận thức chiều rộng của chân trời được đức tin mở ra, ngõ hầu nó được tuyên xưng một cách hợp nhất và toàn vẹn. Thực vậy, đức tin không phải là một điều kiện được coi là đương nhiên, đúng hơn nó là một ơn phúc do Chúa ban, mà ta phải nuôi dưỡng và tăng cường. Đức Giáo Hoàng viết rằng “Ai tin, sẽ thấy” vì ánh sáng đức tin xuất phát từ Thiên Chúa và vì nó có khả năng chiếu rọi mọi khía cạnh trong cuộc hiện sinh của con người, nên nó diễn tiến không những từ quá khứ, từ ký ức về cuộc đời Chúa Giêsu, mà còn từ tương lai khi nó mở ra nhiều chân trời rộng lớn. 

Chương Một (các số 8-22): Chúng ta đã tin vào tình yêu (1Ga 4:16). Trong chương này, khi nhắc lại khuôn mạo Ápraham trong Thánh Kinh, đức tin được giải thích là việc “lắng nghe” lời Thiên Chúa, là “lời mời gọi” ra khỏi cái bản ngã cô lập để mở lòng mình ra đón nhận cuộc đời mới, và là “lời hứa hẹn” tương lai làm khả hữu tính liên tục trong cuộc hành trình qua thời gian, gắn liền với hy vọng của ta. Đức tin cũng có âm hưởng “tình phụ tử”, vì Thiên Chúa, Đấng mời gọi ta, không phải là người xa lạ, nhưng là Thiên Chúa Cha, là nguồn suối sự tốt lành vốn nằm ở cội nguồn mọi sự và nâng đỡ mọi sự. Trong lịch sử Israel, đức tin chống việc thờ ngẫu thần, là việc thờ trong đó con người bị tan vỡ trong cái đa phức của thèm muốn và “lịch sử đời họ tan thành man vàn những khoảnh khắc không liên hệ gì với nhau”, khiến họ không còn thì giờ để chờ mong việc nên trọn của lời hứa. Trái lại, đức tin là tín thác vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa, là tình yêu luôn luôn chào đón và tha thứ, và là tình yêu làm thẳng “mọi con đường khúc khuỷu của lịch sử ta”; nó là quyết tâm để mình được biến đổi như mới nhờ “ơn phúc nhưng không của Thiên Chúa, một ơn phúc đòi ta phải khiêm nhường và can đảm để tín thác và tin tưởng; nó giúp ta khả năng nhìn ra con đường sáng dẫn tới việc gặp gỡ Thiên Chúa và nhân loại, cũng như lịch sử cứu rỗi” (số 14). Và ở đây, ta thấy “sự nghịch lý” của đức tin: luôn luôn hướng về Chúa sẽ đem lại cho nhân loại sự ổn định, giải thoát ta khỏi các ngẫu thần. 

Sau đó, ASĐT hướng ta về khuôn mạo Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian từng mở cho ta thấy sự thật lớn hơn chính ta, Đấng biểu lộ tình yêu Thiên Chúa vốn là nền tảng của đức tin: “nhờ chiêm niệm cái chết của Chúa Giêsu… đức tin sẽ lớn mạnh hơn” vì trong cái chết này, Người mạc khải tình yêu muôn đời bền vững của Người cho nhân loại. Sự sống lại của Người khiến Chúa Kitô trở thành “chứng nhân đáng tín thác”, “đáng được tin”, qua Người, Thiên Chúa thực sự hành động suốt dòng lịch sử, xác định ra số phận sau cùng của lịch sử này. Nhưng có một “khía cạnh quyết định” trong đức tin vào Chúa Giêsu: “sự tham dự vào cách nhìn của Người”. Thực thế, đức tin không những nhìn vào Chúa Giêsu mà còn nhìn từ điểm nhìn (quan điểm) của Người nữa, nghĩa là bằng con mắt của Người. Đức GH dùng một loại suy để giải thích rằng, trong cuộc sống hàng ngày, ta đặt lòng tin vào “người khác biết nhiều hơn ta”, như kiến trúc sư, dược sĩ, luật sư, thế nào, thì trong đức tin, ta cũng cần một ai đó đáng tin cậy và hiểu thấu đáo “nơi Thiên Chúa quan tâm” như thế, và Chúa Giêsu chính là “người làm ta biết Thiên Chúa”. Do đó, ta tin Chúa Giêsu khi ta chấp nhận lời Người, và ta tin vào Chúa Giêsu khi ta chào đón Người vào đời ta và phó thác bản thân ta cho Người. Thực vậy, việc nhập thể của Người bảo đảm rằng đức tin sẽ không tách ta khỏi thực tại, đúng hơn, nó giúp ta nắm được ý nghĩa sâu sắc nhất của thực tại này. Nhờ đức tin, con người tự cứu được mình, khi họ mở lòng mình ra đón nhận Tình Yêu vốn đi trước họ và biến đổi họ từ bên trong. Và đây là hành động đích thực của Chúa Thánh Thần: “Kitô hữu có thể nhìn bằng con mắt của Chúa Giêsu và chia sẻ tâm trí của Người, thiên hướng con thảo của Người, vì họ chia sẻ tình yêu của Người, vốn là Thần Khí của Người” (số 21). Không có sự hiện diện của Thần Khí, người ta không thể tuyên xưng được Chúa. Bởi thế, “đời sống tín hữu trở nên đời sống Giáo Hội” vì đức tin được tuyên xưng trong nhiệm thể Chúa Kitô, vốn là “sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu”. Các Kitô hữu là “một” nhưng không đánh mất cá tính riêng của họ và khi phục vụ người khác, họ bước vào sự phục vụ chính mình. Như thế, “đức tin không phải là việc tư riêng, một ý niệm hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa hay một ý kiến bản thân”, đúng hơn, “nó phát xuất từ việc nghe, và nhằm tìm cách phát biểu thành lời và được công bố”. 

Chương Hai (các số 23-36): Không tin, các ngươi sẽ không hiểu (Is 7:9). Đức GH cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa đức tin và sự thật, sự thật đáng tin cậy của Thiên Chúa, sự hiện diện trung tín của Người suốt trong lịch sử. Đức GH viết rằng: “đức tin mà không có sự thật là đức tin không cứu vớt”; “nó vẫn chỉ là một câu truyện đẹp, một dự phóng cho lòng khát vọng hạnh phúc sâu xa”. Và ngày nay, vì “cuộc khủng hoảng sự thật của thời ta”, ta càng cần nhớ lại mối liên kết này hơn bao giờ hết, vì nền văn hóa hiện nay có khuynh hướng chỉ chịu chấp nhận sự thật của kỹ thuật mà thôi, chỉ chấp nhận điều con người có thể xây dựng và đo lường bằng khoa học, một sự thật “làm việc”, hay đúng hơn, những sự thật riêng lẻ chỉ có giá trị đối với cá nhân, chứ không phục vụ ích lợi chung. Ngày nay, ta hoài nghi “chính Sự Thật, tức sự thật có thể giải thích trọn bộ cuộc sống ta như những cá thể và như trong xã hội” vì nó bị liên kết một cách lầm lẫn với những sự thật được các hình thức toàn trị của thế kỷ 20 chủ trương. Tuy nhiên, niềm hoài nghi ấy dẫn ta tới tình trạng “mất hết trí nhớ trong thế giới hiện nay”, một mất mát làm ta quên cả vấn đề chân lý này, quên cả nguồn cội mọi sự, tức vấn đề về Thiên Chúa, chỉ có lợi cho chủ nghĩa duy tương đối và rất sợ chủ nghĩa cuồng tín. ASĐT, sau đó, nhấn mạnh tới mối liên kết giữa đức tin và tình yêu, được hiểu không phải là “một xúc cảm phù du”, mà là tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa có sức biến đổi ta từ bên trong và ban cho ta con mắt mới để ta nhìn thấy thực tại. Do đó, nếu đức tin được liên kết với chân lý và tình yêu, thì “tình yêu và chân lý không thể tách rời nhau”, vì chỉ có tình yêu đích thực mới đứng vững với thử thách của thời gian và trở nên nguồn gốc của nhận thức. Và vì nhận thức của đức tin phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, nên “chân lý và trung tín đi đôi với nhau”. Chân lý biểu lộ đức tin là chân lý đặt tâm điểm nơi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô nhập thể, Đấng, khi đến với ta, đã đánh động ta và ban ơn thánh của Người cho ta, để biến đổi tâm hồn ta. 

Đến đây, Đức GH bắt đầu suy niệm sâu rộng về “cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí”, về chân lý trong thế giới ngày nay, nơi nó thường bị rút gọn thành “tính chân chính chủ quan”, như thứ chân lý thông thường gây sợ hãi, và đôi lúc bị đồng hóa với các đòi hỏi không khoan nhượng của chủ nghĩa toàn trị. Thay vào đó, nếu chân lý là chân lý của tình yêu Thiên Chúa, thì nó không bị áp đặt một cách đầy bạo lực và không nghiền nát cá nhân. Bởi thế, đức tin không phải là không khoan nhượng và tín hữu không phải là người ngạo mạn. Trái lại, đức tin làm tín hữu ra khiêm nhường và dẫn tới việc chung sống với người khác và kính trọng họ. Bởi đó, đức tin dẫn tới đối thoại trong mọi lãnh vực: trong lãnh vực khoa học, vì nó làm sống lại ý thức phê phán và mở rộng các chân trời của lý trí, mời gọi ta chiêm ngắm Tạo Dựng một cách thán phục; trong lãnh vực liên tôn, trong đó, Kitô Giáo hiến phần đóng góp của mình; trong cuộc đối thoại với những người vô tín ngưỡng, là những người không ngừng tìm kiếm, luôn “cố gắng hành động như thể Thiên Chúa có thực” vì “Thiên Chúa là ánh sáng và có thể tìm thấy bởi những ai tìm kiếm Người bằng một trái tim thành thực”. Đức GH nhấn mạnh rằng “Bất cứ ai khởi đầu con đường làm điều thiện cho người khác thực sự đã tiến lại gần Thiên Chúa”. Cuối cùng, ASĐT nói tới thần học và xác nhận rằng nó không thể có được nếu không có đức tin, vì Thiên Chúa không phải chỉ là 
“đối tượng” mà đúng hơn Người chính là Chủ Thể tự làm cho mình được biết đến. Thần học là tham dự vào sự hiểu biết mà Thiên Chúa vốn có về chính Người; thành thử, thần học phải nhằm phục vụ đức tin Kitô Giáo và Huấn Quyền Giáo Hội không phải là một giới hạn đối với nền tự do của thần học, nhưng đúng hơn là một trong các yếu tố tạo thành ra thần học vì nó bảo đảm cho cuộc tiếp xúc của ta với nguyên cội là Lời Chúa Kitô. 

Chương Ba (các số 37- 49): Tôi trao cho anh chị em điều chính tôi đã tiếp nhận (1 Cor 15:3). Chương này tập chú hoàn toàn vào sự quan trọng của phúc âm hóa: Đức GH viết rằng ai đã mở lòng mình ra đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, thì không thể giữ hồng ân này cho riêng mình. Ánh sáng của Chúa Giêsu rạng chiếu trên khuôn mặt Kitô hữu và nhờ cách này, nhờ giao tiếp, được tràn qua, được chuyền đi như ngọn lửa đốt từ một người khác, chuyền từ thế hệ này qua thế hệ nó, trong một dây chuyền liên tục các chứng nhân của đức tin. Điều này dẫn tới mối liên kết giữa đức tin và ký ức, vì tình yêu Thiên Chúa hợp nhất mọi thời gian, biến chúng ta thành người đương thời của Chúa Kitô. Mặt khác, ta “không thể tự mình tin được” vì đức tin không phải là “một quyết định cá nhân”, đúng hơn, nó mở “tôi” ra cái “chúng tôi” và luôn luôn diễn biến “bên trong một cộng đoàn Giáo Hội”. Bởi thế, “người tin không bao giờ đơn độc cả”, vì họ thấy rằng không gian bản ngã họ đã mở rộng và sản sinh ra nhiều liên hệ mới làm đời họ ra phong phú. 

Tuy nhiên, có “những phương thế đặc biệt” nhờ thế đức tin được truyền đi: các Bí Tích, nhờ đó, “ký ức nhập thể” được thông truyền. Trước nhất, Đức GH nhắc đến phép rửa, của cả trẻ em lẫn của người lớn, dưới hình thức đoàn dự tòng. Điều này nhắc ta nhớ rằng đức tin không phải là việc của các cá nhân cô lập, một hành vi có thể thực hiện một cách đơn độc, thay vào đó, nó phải được tiếp nhận trong hiệp thông Giáo Hội. ASĐT giải thích rằng “Không ai tự rửa cho chính mình”. Mặt khác, vì em bé được rửa tội không thể tự mình tuyên xưng đức tin nhưng phải nhờ sự trợ giúp của cha mẹ và người đỡ đầu, nên “sự hợp tác giữa Giáo Hội và gia đình” rất quan trọng. Thứ hai, Thông Điệp nhắc đến Phép Thánh Thể, “của nuôi quí giá cho đức tin”, một “hành vi tưởng niệm, một việc làm cho mầu nhiệm hiện diện”, một việc “dẫn từ thế giới hữu hình qua thế giới vô hình”, dạy ta biết cảm nghiệm chiều sâu của thực tại. Sau đó, Đức GH đề cập tới việc tuyên xưng đức tin, tức Kinh Tin Kính, trong đó, tín hữu không những tuyên xưng đức tin mà còn can dự vào chân lý được mình tuyên xưng; tới việc cầu nguyện, tức Kinh Lạy Cha, nhờ đó, Kitô hữu học cách biết nhìn bằng con mắt Chúa Kitô; Mười Giới răn, được hiểu không phải là “một loạt các lệnh truyền tiêu cực”, mà đúng hơn là “những hướng dẫn cụ thể” để ta bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, “để được lòng xót thương của Người bao bọc”, là “đường biết ơn” dẫn tới sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa. Cuối cùng, Đức GH nhấn mạnh tới việc chỉ có một đức tin vì “tính đơn nhất của Thiên Chúa, Đấng được ta biết và tuyên xưng”, vì đức tin này dẫn ta tới một Chúa duy nhất, Đấng ban cho ta “một ngắm nhìn chung” và vì nó “được chia sẻ bởi toàn thể Giáo Hội, vốn là một thân thể và một Thần Khí”. Cho nên, vì chỉ có một đức tin, ta phải tuyên xưng nó trong tính tinh ròng và toàn vẹn của nó: “tính đơn nhất của đức tin là tính đơn nhất của Giáo Hội”; trừ bớt điều gì đó khỏi đức tin là trừ bớt điều gì đó khỏi tính chân thực của hiệp thông. Mặt khác, vì tính đơn nhất của đức tin là tính đơn nhất của một cơ thể sống động, nó có khả năng thẩm thấu mọi điều nó gặp gỡ, tự chứng tỏ mình là phổ quát, Công Giáo, soi sáng và dẫn toàn bộ vũ trụ và toàn bộ lịch sử tới biểu thức tươi đẹp nhất của chúng. Tính đơn nhất này được sự kế tục tông truyền bảo đảm. 

Chương Bốn (các số 50-60): Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một kinh thành (Dt 11:16). Chương này giải thích sự nối kết giữa đức tin và thiện ích chung, dẫn tới việc tạo ra môi trường để con người nam nữ sống với người khác. Đức tin, vì phát sinh từ tình yêu của Thiên Chúa, nên đã tăng cường các dây liên kết của nhân loại và đặt mình vào việc phục vụ công lý, nhân quyền và hòa bình. Đó là lý do tại sao nó không tách mình ra khỏi thế giới, trái lại đã cột mình vào các cam kết chân thực của con người hiện đại. Ngược lại, nếu không có tình yêu của Thiên Chúa, nơi ta có thể đặt niềm tín thác của ta trên đó, các dây liên kết giữa người với người sẽ chỉ dựa vào thực dụng, vào quyền lợi và sợ sệt. Thay vào đó, đức tin nắm được nền tảng sâu xa nhất của các liên hệ nhân bản, đích điểm dứt khoát của chúng trong Thiên Chúa, và đặt chúng phục vụ thiện ích chung. Đức tin “dành cho tất cả, nó là thiện ích chung”; mục đích của nó không phải chỉ là xây dựng đời sau mà còn giúp xây dựng các xã hội của ta ngõ hầu chúng cùng nhau hướng về một tương lai đầy hy vọng.

Sau đó, Thông Điệp xem sét các lãnh vực được đức tin soi sáng: trước nhất và trên hết, là gia đình xây dựng trên hôn nhân, hiểu như sự kết hợp bền vững giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Việc kết hợp này phát sinh từ việc thừa nhận và chấp nhận thiện ích của việc dị biệt giới tính, và dựa vào tình yêu trong Chúa Kitô, hứa hẹn “một tình yêu mãi mãi” và thừa nhận tình yêu như người sáng tạo dẫn tới việc sinh sản con cái. Rồi tuổi trẻ; ở đây, Đức GH nhắc đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới, trong đó, người trẻ biểu lộ “niềm vui đức tin” và cam kết sống đức tin một cách vững chãi và đại lượng của họ. Đức GH viết: “Người trẻ muốn sống cuộc sống đầy đủ nhất”. “Gặp gỡ Chúa Kitô… mở rộng các chân trời hiện sinh, đem lại cho nó niềm hy vọng vững chắc không làm ta thất vọng. Đức tin không phải là chỗ trú chân của những tâm hồn nhút nhát, mà là một điều thăng tiến đời ta”. Và rồi, trong mọi liên hệ xã hội, nhờ làm ta trở nên con cái Thiên Chúa, Đức Tin quả đem lại ý nghĩa mới mẻ cho tình anh em đại đồng, một tình anh em không hẳn chỉ là bình đẳng, mà đúng hơn còn là cảm nghiệm chung về tình phụ tử của Thiên Chúa, sự thấu hiểu phẩm giá độc đáo của mỗi con người. Một lãnh vực khác là lãnh vực thiên nhiên: đức tin giúp ta tôn trọng nó, “tìm ra các mô thức phát triển không chỉ dựa vào thực dụng và lợi nhuận, mà còn coi tạo dựng như một hồng ân”. Nó dạy ta biết cách tìm ra các hình thức cai trị hợp công lý, trong đó, quyền bính phát sinh từ Thiên Chúa và nhằm phục vụ thiện ích chung; nó hiến cho ta khả thể tha thứ, dẫn ta tới việc vượt thắng mọi tranh chấp. Đức GH viết rằng “Khi đức tin yếu đi, các nền tảng của nhân loại cũng có nguy cơ bị yếu đi”, và nếu ta loại bỏ đức tin vào Thiên Chúa khỏi các đô thị của ta, ta sẽ đánh mất niềm tin tưởng lẫn nhau và chỉ còn nhờ sợ sệt mới có thể cấu kết với nhau. Cho nên, ta không nên xấu hổ khi tuyên xưng Thiên Chúa một cách công khai, vì đức tin chiếu soi đời sống xã hội. Một lãnh vực khác nữa được đức tin soi sáng là lãnh vực chết và đau khổ: các Kitô hữu hiểu rõ đau khổ không thể bị trừ khử hoàn toàn nhưng ta có thể cho nó một ý nghĩa; nó có thể được phó dâng cho bàn tay Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi ta, và do đó, trở thành “giây phút phát triển trong Đức Tin”. Với những người đau khổ, Thiên Chúa không cho biết lý do để giải thích mọi sự, mà đúng hơn, Người tự ý hiện diện, một hiện diện luôn đồng hành với ta, luôn mở cho ta bậc cửa ánh sáng trong cảnh tối tăm. Theo nghĩa này, đức tin được nối kết với đức cậy, với niềm hy vọng. Ở đây, Đức GH kêu gọi ta: “Ta hãy từ khước đừng để mình bị cướp đi niềm hy vọng, hay để niềm hy vọng của ta lu mờ bởi những câu trả lời và giải pháp dễ dãi chỉ chặn đứng tiến bộ của ta”. 

Kết luận (các số 58-60): Phúc thay các con là những người tin (Lc 1:45). Trong phần kết luận ASĐT, Đức GH mời gọi ta nhìn lên Đức Maria, “mẫu mực hoàn hảo” của Đức Tin, Đấng, vì là Mẹ Chúa Giêsu, đã tượng thai “đức tin và niềm vui”. Đức GH dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ để ngài trợ giúp con người trong đức tin của họ, nhắc ta, các tín hữu, nhớ rằng ta không bao giờ cô đơn và dạy ta biết nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu.


Vũ Văn An 7/6/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét