Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

14-07-2013 : (phần 2) CHÚA NHẬT XV MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

Chúa Nhật Ngày 14/07/2013
Tuần 15 Mùa Thường Niên Năm C
(Phần II)


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XV Quanh Năm, ngày 14.7. 2013

CHÚA NHẬT XV QUANH NĂM, NĂM C
Sách Đệ Nhị Luật 30. 10-14; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê 1.15-20
và Phúc Âm Thánh Luca 10. 25-37

I. Giáo Huấn P.Â.:  
Muốn được ơn cứu độ, muốn có sự sống đời đời phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết sức lực và hết trí khôn; và yêu người thân cận như chính mình.

Người thân cận không giới hạn ở bà con thân thuộc, không chỉ người cùng chung tôn giáo hay truyền thống, nhưng tất cả mọi người, đặc biệt những người cần sự giúp đỡ.

II. Vấn nạn P.Â.   
Khái niệm địa dư giữa Giêrusalem và Giêricô?

Giêricô, miền đất có độ thấp chừng 800 bộ tức khoảng 75 mét dưới mặt biển. Còn Giêrusalem ở độ cao tới 2500 bộ, tức khoảng 750 mét trên mặt biển. Như vậy độ cao thấp chênh lệnh giữa Giêrusalem và Giêricô khoảng 835 mét. Có lẽ vì vậy Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm Luca hôm nay đã bắt đầu dụ ngôn bằng câu: Một người kia từ Giêrusalem XUỐNG Giêricô. . . Xuống không có nghĩa là về phía Nam, vì vĩ độ Giêricô có phần cao hơn Giêrusalem nằm về hướng Đông Bắc,  nhưng “xuống” phản ánh thông thường cách diễn tả của người dân thời bấy giờ: Về miền đất thấp hơn hay cũng gọi là xuôi Nam.

Khoảng cách từ Giêrusalem xuống Giêricô chỉ dài chứng 27 cây số. và không được an ninh cho lắm, vì chung quanh toàn núi đá, rất thuận lợi cho bọn cướp làm sào huyện ấn núp và cướp bóc khách qua đường. Có một con đường ngắn hơn được gọi là “đường máu” được các băng đảng cướp bóc chia nhau “làm ăn” khá trắng trợn. Trong Phúc Âm hôn nay, Chúa đã không đề cập rõ ràng là con đường nào người bộ hành đã bị đường đồi núi, gập ghềnh và nhiều hang động như hình bên cạnh mô tả.

Sử gia Josephus cho biết chi tiết nầy là: Phần lớn những băng đảng cướp bóc nầy nằm trong số bốn chục ngàn nhân công đã bị Vua Hêrôđê Cả cho “về vườn” sau khi hoàn tất công việc trùng tu đền thờ Giêrusalem, năm 20 trước Công Nguyên. Chính Chúa Giêsu di chuyển trên lộ trình nầy nhiều lần: Kinh Thánh ghi nhận có lần Chúa đã đến Giêrusalem qua Samaria như trong Phúc Âm Gioan chương 4 và Phúc Âm Luca 9, 52-53 ghi lại. Qua Samaria có nghĩa là qua vùng dân ngoại, trong đó có thành phố lớn Giêricô. Phúc Âm Thánh Matthêô 20, 29; Thánh Marcô 10, 46; và Luca 19, 1-10 . tường thuật Chúa chữa người mù bẩm sinh đang ngồi ăn xin bên vệ đường thành Giêricô; Chúa cũng đã đến nhà Giakêu, trùm thuế vụ ở thành phố Giêricô để ăn tối trong Luca 19, 1-10.

Ngày nay du khách di chuyển trên đoạn đường nầy không thể bỏ qua quán trọ người Samaritanô nhân hậu.

Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi là những người như thế nào trong đạo Do Thái?
Sao họ lại đành bỏ mặc nạn nhân bị cướp đang chết dỡ bên đường?

Tư tế được hiểu là những người được tách ra khỏi quần chúng, được dành riêng ra để làm việc tế lễ Thiên Chúa. Trong ý nghĩa nấy Tư tế được dịch từ tiếng latin SACERDOS, Sacer có nghĩa là được thánh hoá. Cũng thường dùng từ linh mục, để diễn tả người có nhiệm vụ làm mục tử, chăm sóc phần linh hồn của con chiên. Từ linh mục bắt nguồn trong tiếng Hy Lạp Presbyteros có nghĩa bậc trưởng thượng, đáng kính. Presbyteros trong Hy Ngữ địch sang tiếng La tinh là Presbyter.  Có tôn giáo là có tế tự. Có tế tự thì phải có tư tế. Có tôn giáo là có lãnh đạo, dạy dỗ và phượng tự. Linh mục là người lãnh đạo tôn giáo, là người có trách nhiệm giáo dục đức tin, luân lý cho người mình có bổn phận chăm sóc.

Sách Sáng thế Ký chương 14, 18-20 ghi nhận thầy cả Melkisêđê, vua thành Salem đã mang bánh và rượu đến để dâng lễ tế chúc mừng Abraham và dòng dõi Ông. Trong Thánh Vịnh 110 cũng để cập đến chức linh mục thừa tác theo phẩm hàm Melkisêđê. Thánh Phaolô trong Thư gửi Do Thái chương 5, 1 cũng định nghĩa “Tư tế là những người được tách ra khỏi đám đông quần chúng, được thánh hiến để dâng lễ tế, đền tội cho dân và cho chính mình”

Thời tiên tri Samuel và Vua Đavit, nền tế tự trong Đạo Do Thái kể như lên đến tột đỉnh với số rất đông tư tế. Đavit phân chia số tư tế đông đảo thành 24 phiên để phục vụ đền thờ trong suốt năm. Trong quyển I Niên Sử 23. 20 cho biết có 38, 000 tư tế và Lêvi được phân công như sau: 24,000 chăm sóc công việc của đền thờ; 6,000 được cử làm viên chức và thẩm phán; 4,000 lo việc giữ cổng, an ninh trật tự và 4,000 chuyên xử dụng nhạc cụ để chúc tụng Chúa trong các giờ tế tự.

Phúc Âm Thánh Luca 1. 12-22 kể lại câu chuyện tổng lãnh thiên thần Gabriel đã hiện ra cho tư tế Giacaria, thuộc dòng tư tế Abija, dưới thời vua Hêrôđê cả, đang thi hành việc tế lễ Thiên Chúa trong đền thờ Giêrusalem theo phiên thứ đã được cắt đặt để báo tin về việc vợ ông là bà Elisabeth đã già nhưng sẽ sinh con trai. 

Thầy Lêvi là thành phần nào trong Cựu Ước và nền phượng tự Do Thái Giáo?

Giacóp có 12 con trai, đứng đầu 12 chi tộc Do Thái: Benjamin, Ephraim, Manasseh, Naptali, Dan, Asher, Issachar, Judah, Zebulon, Simeon, Reuben, and Gad. Lêvi là con trai thứ ba của Giacop với Lia. Chi tộc Lêvi được Môsê đặc cử chuyên lo việc tế tự và chăm sóc hòm bia thánh và đền thờ sau khi đã định cư trên đất hứa. Trong suốt hành trình về đất hứa, chi tộc Lêvi không được phân chia đất đai như các chi tộc khác, nhưng họ được cắm lều sinh sống chung quanh nhà tạm có hòm bia giao ước để kinh nguyện thay cho dân và chăm sóc nhà Chúa.

Những thầy Lêvi phải là thành phần phát xuất chi tộc Lêvi. Ông Môsê và Aaron đều thuộc dòng Lêvi. Như vậy, những đàn ông thuộc chi tộc Lêvi có thể trở thành tư tế, chuyên lo tế tự trong đền thánh Giêrusalem. Số đàn ông còn lại là những Lêvi. Nhiệm vụ chính của các Lêvi là: Hát thánh vịnh trong suốt các buổi lễ ở đền thờ Giêrusalem, kiến thiết và bảo trì đền thờ, cung cấp người canh gác đền thờ và giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra các thầy Lêvi cũng lãnh nhiệm vụ dạy Kinh Torah và làm quan xét cho dân.

Như vậy, thầy tư tế hay thầy Lêvi đều thuộc chi tộc Lêvi. Tư tế lo việc phụng tự, hương khói, tế lễ, còn thầy Lêvi có thể gọi là những người lo việc bảo vệ nhà Chúa.  Dưới thời Chúa Giêsu, người ta ghi nhận có đến 12,000 tư tế và Lêvi. Họ được ưu tiên định cư trong thành phố không xa trung tâm tôn giáo Giêrusalem và chia phiên để thi hành nhiệm vụ tế tự và chăm sóc đền thờ.

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu:

Trong văn hoá nhiều dân tộc, việc kể dụ ngôn hay một câu chuyện có ẩn ý nhằm truyền đạt bài học luân lý hay đức tin là chuyện thường tình. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để dạy: tứ hải giai huynh đệ, tất cả mọi người là anh em, là cận thân với nhau. Mọi người phải thương yêu và giúp đỡ nhau nhất là trong lúc hoạn nạn.

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu phá vở quan niệm hẹp hòi của người Do Thái, đặc biệt của giới tư tế và Lêvi về vấn đề: Ai là anh em, là cận thân, là người cần phải giúp đỡ? Đối với người Do Thái: anh em của họ tức những người bà con ruột thịt trong gia đình. Cận thân là những người Do Thái khác, những người cùng giữ truyền thống Đạo Do Thái với họ. Họ sống theo lối ân oán sòng phẵng với ai là bà con, thân bằng quyến thuộc và với ai là thù nghịch hay ngoại giáo. Nên bài Phúc Âm thánh Luca trong Chúa Nhật trước cho thấy là hai tông đồ của Chúa đã muốn xin lửa từ trời đốt làng người Samaria vì “bọn ngoại đạo” nầy không tiếp đón họ. Họ được quyền trả thù theo luật mắt thế mắt và răng đền răng như được qui định trong sách Lêvi 24. 19-21, trong Xuất Hành 21:22–25, và trong Đệ Nhị Luật 19:21.

Trong bài phúc âm hôm nay, khi đề cập đến thái độ bất nhân của tư tế và lê vi thì đều nói là: Thầy Tư Tế và Thầy Lê vi đều “tránh sang bên kia đường mà đi…” Họ phải tránh nạn nhân bị cướp vì họ là “tư tế” và “Lêvi”, những người được dành riêng lo việc tế lễ Thiên Chúa và lo việc nhà Chúa. Họ được dành cho việc thánh. Chạm đến nạn nhân đang nằm chờ chết là ô uế, là xúc phạm đến con người thánh của họ và nhiệm vụ thánh của họ. Họ trách sang bên kia đường mà đi vì nạn nhân đâu có bà con quen biết gì với họ. Hơn nữa đó không là nhiệm vụ của họ. Nhiệm vụ của họ là thờ phượng Chúa. Nơi thi hành nhiệm vụ là đền thờ Giêrusalem.

Cái trớ trêu và đầy ẩn ý của dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu là:
Tư Tế và Lêvi đúng lý ra phải nhân hậu thì lại tỏ ra bất nhân, ngoảnh mặt làm ngơ trước thảm cảnh người bị cướp nằm bất tĩnh bên vệ đường. Họ cho rằng: tế lễ Thiên chúa và chăm sóc đền thờ là chuyện không những ưu tiên mà còn có thể bỏ qua mọi bồn phận khác như giúp người lâm nạn. Hơn nữa: Họ phải giữ mình trong sạch để xứng đáng dâng lễ tế cho Thiên Chúa. Nếu đụng chạm hay tiếp xúc với một người gần chết hay là ngoại giáo sẽ làm cho con người lành thánh của họ ra ô uế.

Người Samaritanô được coi là dân ngoại, kẻ không biết gì về đạo và luật đạo thì lại có lòng từ tâm, dừng lại giúp người lâm nạn. Anh chàng Samaritanô vô đạo thì lại sống đạo. Anh chàng Samaritanô được coi là vô nhân thì lại có lòng nhân. Anh được Chúa chọn làm Kitô hữu mẫu mực trong đạo Chúa lập, vì Chúa bảo Ông luật sĩ: Ông hãy đi và làm như vậy!


III.  Thực hành P.Â.:

1. Thầy tư tế và Thầy Lêvi trông thấy nạn nhân, liền tránh sang bên kia đường mà đi.

Nghe dụ ngôn nầy, những tư tế, những linh mục và những người chuyên tâm lo việc thờ phượng Chúa chắc phải tức lắm. Chúa đánh giá họ thấp kém hơn người Samaritanô, anh chàng ngoại giáo. Chúng ta cứ thử nghĩ quí Linh Mục Công Giáo sẽ nghĩ như thế nào nếu có ai đó đánh giá các Ngài “thua tên vô đạo!”

Nhưng trong thực tế, tư tế và Lêvi trong đạo cũ, linh mục và tu sĩ trong đạo Công Giáo, kể cả tôi, phải đấm ngực thú nhận là nhiều lần “trông thấy nạn nhân, đã tránh sang bên kia đường mà đi!” Lý do: Chúng tôi là Tư tế hay linh mục là người được tách biệt ra khỏi đám đông quân chúng, được dành riêng cho việc phụng vụ, việc tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta thấy rõ điều nầy qua cách thức đào tạo hay cách sống của những người đang đi tu, nhất là ở Việt Nam: Cha Mẹ, anh chị em trong gia đình đều hảnh diện, khâm phục và nể trọng Thầy Đại chủng sinh hay thầy tu, hay nữ tu xuất thân từ trong gia đình mình. Thầy Hai mới vào chủng viện có một khoá thôi mà đã học giỏi đến độ phải đeo kiếng trắng dày như đít chai. Thầy Hai bây giờ ăn nói toàn những từ thật khó hiểu, pha trộn tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng La Tinh nữa. Trong những giáo xứ người Bắc, nhiều người đã gọi Bố Mẹ Thầy là Ông bà Cố, anh chị em Thầy là quan chú quan Bác… Thầy mỗi ngày xa dần cõi tục và tập tành cách đi đứng ăn nói cho ra “tư tế”! Xa dần cõi tục có nghĩa là xa con người thực tế, xa những đụng chạm thường ngày trong cuộc sống. Càng xa con người, càng ít đi lòng nhân hậu. Thầy tư tế hay linh mục thường kỳ vọng lòng nhân hậu từ người khác mà thôi.

Sau khi đã thành tư tế, đã đỗ Cha thì “vừa trông thấy nạn nhân, tư tế hay linh mục liền tránh sang bên kia đường mà đi!”  Tránh sang đường khác vì việc ưu tiên hàng đầu của tư tế hay linh mục là việc thánh thiện, việc thờ phượng Chúa. Phải tránh sang đường khác vì sợ rằng phải dây dưa vào chuyện phàm tục. Phải tránh sang đường khác vì tư tế, linh mục sợ phải “chi và cho!” đang khi họ được giáo dục trong truyền thống là “nhận và hưởng!”

‘Tránh sang đường khác’ nói lên sự hẹp hòi, sự thiếu thông cảm, sự vô tâm và đôi khi thành ác nhân. Thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp bà vợ và những người con của một gia đình mà người Cha đã bị linh mục “chánh xứ” tránh né ban bí tích xức dầu và cho rước lễ như của ăn đàng khi gần chết. Vị tư tế, vị linh mục nầy, vì hẹp hòi, vì bất đồng với bệnh nhân, đã “tránh sang bên kia đường mà đi!” dù người nhà đến đập cửa, kêu gào xin Cha đến ban bí tích xức dầu. Cha in lặng tránh né! Người nhà viết giấy để lại, cha chánh xứ nhẫn tâm không đáp lời!

Người bệnh đã chết. Nhưng vị tư tế, vị linh mục chánh xứ nầy đã không sao tránh khỏi sự bực tức, lòng oán hận của gia đình. Thật buồn! Nhưng không sao bàu chữa cho thái độ vô nhân của vị linh mục chánh xứ trên. Tính ra vị tư tế nầy thật kém xa lòng nhân so với những người không có đạo. Lời nói trách hờn và ánh mắt buồn giận của gia đình nầy đã là một nhắc nhở sống động cho tôi về việc tỏ lòng nhân hậu với mọi người. Nhiều khi chỉ một lần “tránh sang bên kia đường mà đi” thôi đã khắc sâu ân oán nơi ngườk khác.

2.  Ai là người thân cận của tôi?

Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với tôi! Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy!

Cô bé Danielle 12 tuổi đã thừa hưởng trọn vẹn gia tài kết xù của một người hành khất mang tên Donald. Chuyện kể rằng: cách nay hơn 10 năm, Donald và cả gia đình gồm một người vợ và hai con gái đã bị một người say rượu lái xe tải cáng chết trên một khúc quẹo ở Xa Lộ.  Donald may mắn sống sót nhưng xe bị cháy và gây thương tích toàn thân. Ngoại hình của anh hoàn toàn bị biến dạng: xấu xí và ghê tỡm. Không một ai thích gần gũi hay muốn trò chuyện hay cho anh một cái nhìn thân thiện.

Anh nhận được số tiền lớn từ việc bồi thường tai nạn giao thông do người khác gây ra. Nhưng anh muốn làm thân hành khất để có một trắc nghiệm về lòng nhân ái thật sự của người khác.  Anh kiếm được khá nhiều tiền, nhưng là tiền “bố thí” chứ không là lòng nhân. Tiền bố thí là tiền cho vì thương hại hay cho để khỏi bị quấy rầy. Vì dị dạng, không ai cho tiền mà dám dừng lại hỏi thăm anh và tiếp chuyện với anh, dù chỉ một câu. Người ta bố thí nhưng thiếu lòng nhân.

Tình cờ Donald đến khi phố nhà Danielle. Cô bé gái 12 tuổi vừa xin Mẹ tiền để cho  Donald, vừa đến gần để trò chuyện, làm quen và tỏ ra thân tình với Donald.  Danielle không chút ngần ngại nắm bắt tay và nhìn vào gương mặt dị hợm của Donald. Donald đã khóc vì cảm động, vì sung sướng, vì còn có người dám thân cận với mình. Thế là mỗi ngày, Donald đều đến khu phố nhà Danielle để hưởng nụ cười, ánh mắt và lời hỏi thăm thân tình của Danielle. Không lâu sau đó, người hành khất Donald chết và đã di chúc toàn bộ gia sản cho Danielle, cô bé giàu lòng nhân ái và đã sẵn sàng thân cận với Donald, người ăn xin không ai thích thân cận.

            Người thân cận của tôi không chỉ là người cho tôi tiền hay giúp đỡ tôi cho xong bổn phận, nhưng là người “chạnh lòng thương, đến gần, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương  cho người ấy và băng bó lại…” Thân cận là gần gũi giúp đỡ! Thân cận là thông cảm và chia sẻ! Thân cận là cận thân. Ước gì những người có ngoại hình khó coi, dị dạng, có tật, có bệnh bất thường thật sự hưởng được “lòng thương xót” của chúng ta! Họ rất cần người thân cận!
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên


Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI THÂN CẬN
Phải làm gì để được sống đời đời? Bản tóm tắt Lề Luật nói rất rõ (cc. 25-28). Với đề tài điều răn lớn nhất; mà cả hai tác giả Nhất Lãm khác cũng có (x. Mc 12,28-31) có một câu hỏi khác, riêng của Luca, câu hỏi về người thân cận; câu hỏi này được làm sáng tỏ bằng dụ ngôn người Samari tốt lành (cc. 29-37), những tác giả Tin Mừng không ngừng lại giữa đường; đoạn nói về hai chị em Matta và Maria, cho phép ông tiếp tục minh hoạ cho điều răn lớn nhất (cc. 38-42). Dụ ngôn đã giải thích phải hiểu thế nào là yêu người thân cận; câu chuyện về hai chị em cũng làm một công việc tương tự về điều răn yêu mến Chúa. Toàn bộ bản văn dạy phải trao ban có người khác trong khi tiếp nhận từ Chúa.
1. Điều Răn Lớn: 10,25-28
Và này có người thông luật kia đứng lên, một trong những kẻ khôn ngoan và thông thái vắng mặt ở hoạt cảnh trước. Muốn thử thách Chúa Giêsu về kiến thức của Ngài trong vấn đề Luật, ông ta ép buộc Ngài tự tuyên bố về điều Ngài quan tâm, dựa vào truyền thống và suy tư cá nhân của Ngài, đối với cái cốt yếu và quan trọng nhất trong Luật (S. Légasse). Để đạt mục đích này, ông ta đặt ra một câu hỏi, đã được thoả thuận trong Do Thái giáo, về điều răn lớn nhất (x. Mc 12,28) hoặc về những phương thế để đón nhận sự sống của Thiên Chúa (như ở đây và ở Lc 18,18). Lời đáp của Chúa Giêsu thực ra là một câu hỏi ngược lại về luật; như đối thủ của mình, Ngài biết rằng đọc Kinh Thánh chính là giải thích Kinh Thánh. Vì thế Ngài mới hỏi: về vấn đề này: ông đọc thế nào?
Lúc đó Luật sĩ trưng ra điều luật của Đnl 6,4 mà mọi người Do Thái đạo đức đọc hai lần một ngày trong kinh Shema Israel và nó đòi hỏi nơi họ một sự gắn bó hoàn toàn vào Thiên Chúa duy nhất. Rồi ông ta nói thêm điều luật của Lv 19,18 về tình yêu người thân cận. Khi đặt hai câu ấy nối tiếp nhau, ông đã tuân theo truyền thống Do Thái đánh giá tình yêu tha nhân bằng cách đặt nó ngang tầm mức với tình yêu Thiên Chúa. Một cách đọc Kinh Thánh như vậy hoàn toàn ăn khớp với lời giải thích của Chúa Giêsu, chính Người đã đặt ra tình yêu kẻ thù ở trung tâm của ơn gọi Kitô hữu (x. 6,27tt). Trong khi tán thành ý kiến của ông, Chúa Giêsu mời vị luật sĩ đem ra thi hành giới răn yêu thương thương theo hai chiều kích: làm như vậy thì sẽ được hưởng sự sống tròn đầy mà câu hỏi ban đầu đã nói đến. Độc giả cũng được mời gọi nối kết với hoạt cảnh trước (10,21-24): kết quả cuối cùng của tình yêu đối với Thiên Chúa và với người thân cận nảy sinh qua năm tháng, phải chăng không là việc hiểu biết Chúa Cha? Nếu ông luật sĩ thực hành luật mà ông đã phụng tự, ông sẽ trở lại tình trạng của những người bé mọn và sẽ thấy được sự hiện diện hoạt động của Thiên Chúa.
2. Dụ Ngôn Người Samari Tốt Lành: 10,29-37
Hoạt cảnh lại tiếp diễn bởi vì ông luật sĩ đặt một câu hỏi mới, mà ông cho là tuỳ phụ thôi: ông muốn tỏ ra mình có lý khi đặt vấn nạn ban đầu. Ở đây Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi. Đưa ra một định nghĩa về người thân cận có thể sẽ rơi vào cái chi li của luật mà Ngài đã từng trách các Kinh sư và nhóm Pharisêu; Chúa Giêsu sẽ trở thành một luật sĩ mất! Trái lại, Ngài kể một dụ ngôn (cc.30-35) mà Ngài sẽ kết thúc bằng một câu hỏi ngược lại (c.36).
Trong hoạt cảnh, những người ẩn danh được biết qua vai trò xã hội hay tôn giáo của họ: kẻ cướp và chủ quán cư ngụ tại con đường này; thầy tư tế và Lêvi là khách qua đường, người Samari đi đường. Người này là một tên lạc giáo chỉ chấp nhận có Luật thành văn là bộ Ngũ thư và từ chối hoàn toàn luật truyền khẩu. Dưới mắt ông luật sĩ, anh ta hoàn toàn trái ngược với hai vị đáng kính phục vụ Đền Thờ. Còn về con người nửa sống nửa chết thì không hề có một lý lịch xã hội nào; người ta cũng chẳng biết anh ta có phải là Do Thái hay không nữa. Khi dàn dựng các nhân vật như thế, Chúa Giêsu tránh được cái lôgich của câu hỏi mà ông luật sĩ đặt ra, có thể đưa Ngài tới chỗ trình bày người thân cận dưới dáng vẻ một anh chàng Samari nửa sống nửa chết. Thế nhưng, người Samari là một trong những người đi đường ấy. Cũng như các công chức của Đền Thờ, ông nhìn thấy kẻ bị thương. Nhưng người kia đứng cách xa bởi vì biết chừng đâu đó là một tử thi và sẽ làm họ bị nhiễm uế: họ tuân giữ Luật cấm (Ds 19,11-16). Trái lại, người Samari chạnh lòng thương – cũng chính là thái độ của Chúa khi thấy bà goá ở Nain (7,13). Trong khi các giáo sĩ, vì tôn trọng Luật về sự trong sạch, tách rời tình yêu Chúa khỏi tình yêu người thân cận (xc.27) và”tránh qua bên kia” mà đi, thì người Samari lại săn sóc người bị thương, một hành động được diễn tả bằng sáu động từ ở câu 34 và tiếp tục những biến thái ở câu 35. Thực vậy, ông ta trao tiền cho chủ quán để ông này săn sóc người xa lạ này thay cho ông. Như thế, thay vì phải ở lại do biến cố bất ngờ, ông một mình tiếp tục lên đường. Nếu ông dự trù trở lại để thanh toán tổn phí phải trả thêm, ông không nói đến việc sẽ hỏi tin tức về người ông đã cứu giúp.
Phù hợp với tâm trạng của các nhân vật trong dụ ngôn, câu hỏi ngược lại đầy năng động của Chúa Giêsu đặt ra làm biến đổi câu hỏi của ông luật sĩ (câu 33 so sánh với câu 29). Ông luật sĩ tự đặt mình làm trung tâm thế giới khi hỏi ai là người thân cận của ông. Chúa Giêsu đảo ngược vấn đề:”Ai đã là người thân cận của người bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Người thân cận là người tỏ lòng thương xót chứ không phải kẻ thụ hưởng lòng thương xót.”Người thân cận không còn phải là người khác để yêu thương, nhưng là kẻ đã tỏ ra gần gũi với họ, mà là chủ thể của hành động đã được làm vì anh ta” (J.Delorme). Người thông luật đã trả lời được chính xác khi bảo người thân cận chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót (Cl 37). Chẳng sao cả: chính một kẻ lạc giáo, tức là có một tương quan sai lạc với luật, đã biết giữ luật của Lêvi 19,18 chứ không phải các chuyên viên phụng tự Lúc đó, Chúa Giêsu chỉ cần kêu mời ông luật sĩ cũng làm những việc giống như vậy.

Lectio: Chúa Nhật XV Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 14 Tháng 7, 2013
Dụ ngôn người Samaria nhân lành  
Ai là anh em của tôi? 
Lc 10:25-37


1.  Bài Đọc

a) Lời nguyện mở đầu:

Lời nguyện của Chân Phước Giorgio Preca trong quyển Đền Thờ Thần Khí Chúa Kitô (Il Sacrario dello spirito di Cristo)

Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy ban cho con sự khôn ngoan để con biết được Thần Khí Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy ban cho con ân sủng Thần Khí của Chúa, Chúa Giêsu Kitô của con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy hướng dẫn con trên mọi nẻo đường với ánh sáng của Chúa
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy dạy con biết thực thi thánh ý Chúa trong mọi lúc.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy đừng để con lạc xa Thần Khí Chúa, Thần Khí của tình yêu.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin đừng lìa xa con khi con yếu đuối sa ngã.

b)  Tin Mừng 

25 Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng:  “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”  26 Người nói với ông:  “Trong Lề Luật đã chép như thế nào?  Ông đọc thấy gì trong đó?”  27 Ông trả lời:  “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi; và hãy thương yêu anh em như chính mình.”  28 Chúa Giêsu nói:  “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống.”
29 Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng:  “Nhưng ai là anh em của tôi?”  30 Chúa Giêsu nói tiếp:  “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết.  31 Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó; trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua phía bên kia đường.  32 Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua.  33 Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương.  34 Người đó lại gần và băng bó những vết thương, xức dầu và rượu; rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc.  35 Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán và bảo rằng:  “Ông hãy săn sóc người ấy, ngoài ra, còn tổn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông.”  36 Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị bỏ rơi vào tay bọn cướp?”  37 Người thông luật trả lời:  “Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy.”  Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào tâm hồn chúng ta và soi sáng đời sống chúng ta

2.  Suy niệm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Đây là chương 10 của Phúc Âm theo thánh Luca.  Đây là phần trọng tâm của sách Tin Mừng Luca và phần này dõi bước theo cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi về Giêrusalem:  “Vì gần tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem” (Lc 9:51).  Chúng ta biết rằng đối với Luca, Giêrusalem là thành phố nơi sẽ diễn ra ơn cứu độ, và cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem tạo nên chủ đề chính.  Câu chuyện của Luca bắt đầu tại thành thánh Giêrusalem (Lc 1:5) và cũng kết thúc tại cùng thành này (Lc 24:52).  Trong đoạn giữa của sách Tin Mừng, Luca sẽ liên tục nhấn mạnh vào sự kiện rằng Chúa Giêsu sẽ đi về Giêrusalem (ví dụ trong các câu Lc 13:22; 17:11).  Đoạn Tin Mừng này kể về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu trong bối cảnh của một cuộc đối thoại của Chúa với một nhà thông luật liên quan đến điều răn lớn nhất, người ta lại tìm thấy chủ đề về một cuộc hành trình, lần này từ Giêrusalem đến Giêricô (LC 10:30).  Dụ ngôn là một phần của đoạn giữa của sách Tin Mừng bắt đầu với Chúa Giêsu, một khách hành hương cùng với các môn đệ của Người trên đường tới Giêrusalem.  Người sai các ông đi trước để dọn đường cho Người nghỉ chân ở một ngôi làng Samaria và ở đó các ông chỉ gặp thấy sự thù nghịch chính vì các ông đang trên đường đi đến Giêrusalem (Lc 9:51-53).  Người Samaria đã tránh né các khách hành hương trên đường đến Giêrusalem và thường tỏ ra không thân thiện với họ.  “Sau đó Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, vào tất cả các thành và những nơi mà chính Người sẽ tới” (Lc 10:1).  Bảy mươi hai là con số truyền thống của các quốc gia dân ngoại.

Hãy nhớ rằng tất cả các biểu tượng liên hệ tới Giêrusalem, thành thánh của sự cứu rỗi, các vị Tổ Phụ của Giáo Hội (thánh Ambrose, Âugústinô, Giêrômê, và các thánh khác) giải thích bài dụ ngôn này theo một cách cụ thể.  Trong nhân vật người đàn ông đi từ Giêrusalem đến thành Giêricô, họ nhìn thấy ông Adong, người đại diện cho toàn thể nhân loại đã bị khai trừ khỏi Eden, vườn địa đàng, bởi vì tội lỗi.  Các vị Tổ Phụ Giáo Hội quan niệm các tên trộm như là sự cám dỗ đã dùng các mưu chước của chúng để đưa chúng ta rời xa tình bằng hữu của Thiên Chúa và chúng đã cầm buộc chúng ta thành những tên nô lệ trong bản chất loài người của chúng ta đã bị tổn thương vì tội lỗi.  Trong nhân vật thầy tư tế và thầy trợ tế Lêvi, các Tổ Phụ cho là sự thiếu sót của lề luật cũ cho ơn cứu rỗi của chúng ta sẽ được hoàn thành bởi người Samaria Nhân Lành của chúng ta, đó là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Chuộc, Người đã rời khỏi thiên đàng Giêrusalem, đến để cứu giúp tình trạng tội lỗi của chúng ta và chữa lành chúng ta với dầu của ân sủng và rượu của Thần Khí.  Trong quán trọ, các vị Tổ Phụ quan niệm hình ảnh của Giáo Hội trong nhân vật chủ quán, các ông nhận ra bàn tay các vị chủ chăn đã được Chúa Giêsu ủy thác để chăm sóc cho dân Người.  Việc rời khỏi quán trọ của người Samaria được quan niệm bởi các thánh Tổ Phụ như sự phục sinh và sự vinh hiển về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha của Chúa Giêsu, nhưng Người hứa sẽ trở lại để phán xét công trạng mỗi người.  Sau đó, Chúa Giêsu để lại hai quan tiền cho Giáo Hội để dùng vào sự cứu rỗi của chúng ta, hai quan tiền đó là quyển Kinh Thánh và các Bí Tích giúp chúng ta trên con đường nên thánh.

Lời giải thích bí ẩn và bóng bảy này của đoạn Tin Mừng giúp chúng ta chấp nhận một cách sâu sắc thông điệp của dụ ngôn này.  Bài dụ ngôn bắt đầu với cuộc đối thoại giữa một nhà thông luật đứng lên thử thách Chúa bằng câu hỏi:  “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lc 10:25).  Chúa Giêsu trả lời với một câu hỏi khác:  “Trong Lề Luật đã chép như thế nào?  Ông đọc thấy gì trong đó?”  (Lc 10:26).  Chúng ta phải quan niệm cuộc đối thoại này như là một cuộc đối đầu giữa hai bậc thầy, một điều rất phổ biến trong những ngày ấy như là một phương cách để làm sáng tỏ và đào sâu thêm về những quan điểm lề luật.  Phong thái cuộc tranh luận miêu tả ở đây thì khác hơn so với trong Tin Mừng của Máccô nơi câu hỏi được đặt ra bởi một người Kinh Sư, kẻ “đã lắng nghe họ tranh luận (Chúa Giêsu và nhóm Sađốc), và đã quan sát Chúa Giêsu trả lời họ như thế nào” (Mc 12:28), rồi sau đó đặt câu hỏi với Chúa Giêsu.  Người Kinh Sư này đã chú tâm lắng nghe Chúa Giêsu, đến nỗi Đức Giêsu đã kết thúc cuộc đối thoại với câu:  “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12:34).  Tuy nhiên, thánh sử Mátthêu đặt câu hỏi này trong bối cảnh của một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađốc với sự hiện diện của những người Biệt Phái khi họ “nghe nói rằng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người trong bọn họ đặt một câu hỏi …” (Mt 22:34-35). Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời ngay lập tức trích dẫn giới răn yêu thương được tìm thấy trong sách Đệ Nhị Luật và Lêvi.

Chỉ trong Tin Mừng của Luca thì câu hỏi không phải về điều răn lớn nhất nhưng về làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời, một câu hỏi được nhắc lại lần nữa trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm trên môi của người thanh niên giàu có (Mt 19:16; Mk 10:17; Lc 18:18).  Như trong sách Tin Mừng của Máccô, cũng như ở đây, Chúa Giêsu ca ngợi người thông luật:  “Ông đã trả lời đúng… hãy làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10:28).  Nhưng người thông luật vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Chúa Giêsu và muốn “biện minh cho mình” (Lc 10:28) cho nên đã đặt thêm câu hỏi nữa “nhưng ai là anh em của tôi”!  Câu hỏi thứ hai này giới thiệu và nối kết dụ ngôn sau đây với cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật.  Chúng ta cũng nhận thấy rằng sự bao hàm giữa câu 26 kết thúc cuộc tranh luận và dẫn chúng ta tới câu chuyện về dụ ngôn trong câu 37, kết thúc dứt khoát cuộc đối thoại và câu chuyện dụ ngôn.  Trong câu này, Chúa Giêsu nhắc lại cho người thông luật rằng ông ta đã định nghĩa người anh em là người đã tỏ lòng thương xót:  “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.  Câu nói này của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về những câu nói tại bữa tiệc ly đã được ghi lại trong Tin Mừng Gioan, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu kêu gọi các ông hãy làm theo gương của Người (Ga 13:12-15).  Tại bữa tiệc ly, Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ giới răn yêu thương được hiểu như sự sẵn lòng “hy sinh mạng sống mình” vì tình yêu dành cho nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta (Ga 15:12-14).

Giới răn này đi xa hơn việc tuân giữ lề luật.  Thày tư tế và thày trợ tế Lêvi đã tuân giữ lề luật bằng cách tránh xa người xấu số đã bị bọn cướp đánh bị thương và bỏ cho dở sống dở chết, để họ không bị ra ô uế (Lv 21:1).  Chúa Giêsu đi xa hơn việc tuân giữ lề luật và Người mong muốn các môn đệ cũng làm giống như Người.  “Bằng lòng yêu thương này anh em dành cho nhau, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13:35).  Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, chỉ có lòng thương người thôi thì chưa đủ.  Người Kitô hữu được kêu gọi phải làm hơn thế nữa, đó là họ phải noi theo gương của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô Tông Đồ đã nói:  “Chúng ta là những người có tư tưởng của Chúa Kitô” (1Cr 2:16) “Tình yêu của Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người” (2Cr 5:14).


b) Một vài câu hỏi gợi ý để hướng dẫn việc suy niệm và thực hành của chúng ta:

*  Điều gì trong bài dụ ngôn đã làm bạn cảm động nhất?
*  Bạn nghĩ mình là ai trong câu chuyện?
*  Bạn đã có bao giờ nghĩ về Chúa Giêsu như là người Samaria Nhân Lành chưa?
*  Bạn có cảm thấy có sự cần thiết cho ơn cứu rỗi trong cuộc sống bạn không?
*  Bạn có thể nói với thánh Phaolô Tông Đồ rằng bạn có tư tưởng của Đức Kitô không?
*  Điều gì thúc đẩy bạn yêu mến những người anh em của bạn?  Đó có phải là nhu cầu yêu và được yêu, hay đó có phải là lòng bác ái và tình yêu của Chúa Kitô không?
*  Anh em của bạn là ai?

3.  Cầu Nguyện

Thánh Ca – Thư thứ nhất của Thánh Phêrô 2:21-24

21 Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. 22Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. 23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại; chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. 24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.  Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.

4.  Chiêm Niệm

Chiêm niệm là biết làm thế nào để giữ vững tâm hồn và trí óc cho Thiên Chúa, Đấng mà Lời của Người đã biến đổi chúng ta thành con người mới luôn tuân theo thánh ý Người.
“Anh em đã biết những điều này, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”  (Ga 13:17)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét