Trang

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

22-07-2013 : THỨ HAI TUẦN XVI MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Hai Ngày 22/07/2013
Tuần 16 Mùa Thường Niên Năm Lẻ


BÀI ĐỌC I: Xh 14, 5-18
"Các ngươi biết rằng Ta là Chúa, khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon".

 Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, người ta báo tin cho vua Ai-cập hay: dân chúng đã trốn đi rồi; Pharaon và quần thần của ông liền đổi lòng đối với dân chúng và nói: "Sao chúng ta lại để dân Israel ra đi, còn ai phục dịch chúng ta nữa?" Vua chuẩn bị xe và đem toàn quân đi với mình. Vua đem theo sáu trăm xe hảo hạng và tất cả loại xe trong xứ Ai-cập, cùng các vị chỉ huy toàn thể quân đội. Chúa để cho lòng Pharaon, vua xứ Ai-cập, ra cứng cỏi, ông đuổi theo con cái Israel, nhưng những người này ra đi cách hùng dũng. Những người Ai-cập theo dấu chân họ và bắt gặp họ đóng trại gần biển. Toàn thể kỵ binh, chiến xa và bộ binh của Pharaon trú ở Phihahirô, đối diện với Beelsêphon.
Lúc Pharaon đến gần, con cái Israel ngước mắt lên thấy quân Ai-cập đuổi theo mình. Họ quá khiếp sợ, kêu lên cùng Chúa, và nói cùng Môsê rằng: "Có lẽ ở Ai-cập không đủ đất để chôn chúng tôi hay sao, mà ông đem chúng tôi lên chết trong sa mạc này? Ông dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập với mục đích gì? Chẳng phải khi ở Ai-cập chúng tôi đã nói với ông lời này sao?, là: "Ông hãy mặc chúng tôi làm nô lệ cho người Ai-cập, còn hơn là chết trong sa mạc". Môsê liền nói với dân chúng rằng: "Xin anh em đừng sợ, hãy vững lòng, và anh em sẽ thấy Thiên Chúa hôm nay của chúng ta thế nào? Vì chưng, những người Ai-cập mà hiện giờ anh em thấy đây, anh em sẽ không bao giờ thấy họ nữa. Chúa sẽ chiến đấu cho anh em, nên xin anh em khỏi lo chi".
Chúa phán cùng Môsê rằng: "Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường. Còn ngươi đưa gậy lên và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai-cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon, chiến xa và kỵ binh của vua ấy". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Xh 15, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp: Chúng ta hãy ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả (c. 1a).

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả. Người đã ném ngựa và người xuống biển khơi. Chúa là sức mạnh và là khúc ca của tôi, chính Người đã cho tôi được cứu thoát. Người là Thiên Chúa tôi, tôi sẽ tôn vinh Người; Người là Chúa tổ phụ tôi, tôi sẽ hát ca mừng Chúa. -  Đáp.
2) Chúa như là người chiến sĩ, danh thánh Người thật toàn năng. Người đã ném xe cộ và đạo binh của Pharaon xuống biển, và dìm xuống Biển Đỏ các tướng lãnh của ông. -  Đáp.
3) Các vực thẳm đã chôn sống họ, họ rơi xuống đáy biển như tảng đá to. Lạy Chúa, tay hữu Chúa biểu dương sức mạnh, lạy Chúa, tay hữu Chúa đánh tan quân thù. -  Đáp.

ALLELUIA:  Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 12, 38-42
"Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ". Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Giona. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Salomon". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Dấu Chỉ Yêu Thương

Trong quyển tự thuật "Vì Danh Ta", một Mục sư người Hungari đã kể lại kinh nghiệm của ông. Bị bắt và bị chuyển từ trại này sang trại khác, vị Mục sư vẫn âm thầm rao giảng Lời Chúa cho các bạn tù. Trong 13 năm tù, ông đã giúp cho rất nhiều bạn tù được gặp gỡ Chúa. Ông đã kết thúc quyển tự thuật cũng là bài ca tuyên xưng đức tin của ông như sau:
"Trong suốt thời gian bị tù đày, tôi đã hiểu được rằng Lời Chúa đi vào tâm hồn con người dễ dàng hơn giữa những đau khổ và bách hại. Ðó là lý do cho thấy mùa gặt thiêng liêng trong các ngục tù luôn luôn dồi dào. Tôi không tự cho mình là người anh hùng, lại càng không phải là vị tử đạo. Nhưng vào lúc sống tự do, nhìn lại đằng sau, tôi có thể nói với tất cả thành thật rằng 13 năm bị tra tấn đánh đập, đói khát, 13 năm đau khổ và xa gia đình để làm mục sư cho hàng ngàn tù nhân trong các trại giam, 13 năm như thế quả thật đáng giá".
Những dòng trên đây quả là một phấn khởi cho tất cả những ai đang vì niềm tin của mình mà phải chịu bách hại và đau khổ. Những đau khổ thử thách mà các Kitô hữu phải trải qua thường là dấu chỉ cao đẹp nhất, qua đó Thiên Chúa tỏ mình cho con người.
Chúa Giêsu như muốn nói đến điều đó, khi Ngài mượn hình ảnh tiên tri Yôna để loan báo về chính cái chết của Ngài. Cũng như Yôna đã vâng phục Thiên Chúa đến rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thì Chúa Giêsu cũng vâng phục Chúa Cha để sống kiếp con người và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho con người. Qua hình ảnh Yôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại yêu thương.
Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.
Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Chúa.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 16 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng thử thách Thiên Chúa.

Thiên Chúa không mắc nợ gì con người; trái lại, con người mắc nợ tất cả với Thiên Chúa. Để khơi niềm tin, Thiên Chúa sẽ cho con người cơ hội để nghe những lời khôn ngoan và chứng kiến các phép lạ. Con người phải biết nắm lấy những cơ hội này để phát triển niềm tin. Con người không thể tiếp tục đòi những dấu lạ xảy ra theo ý mình muốn, và càng không thể thử thách sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trước khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người thử thách Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vua Pharao và người Ai-cập tiếp tục thử thách Thiên Chúa, mặc dù đã được nghe lời yêu cầu của Moses phóng thích dân Israel khỏi Ai-cập và đã chứng kiến những thiên tai khủng khiếp của Thiên Chúa đổ xuống trên nước ông. Nhà vua tiếc vì khối nô lệ khổng lồ dân Israel cung cấp cho Ai-cập; nên đã huy động toàn thể quân đội đuổi theo dân Israel để bắt họ về. Ngay cả dân Israel, dù đã được dạy dỗ và chứng kiến bao quyền năng của Thiên Chúa; vẫn run sợ và ta thán khi thấy quân đội của vua Pharao đuổi theo mình. Trong Phúc Âm, khi một số kinh-sư và luật sĩ đòi Chúa Giêsu làm phép lạ trước mặt họ để họ có thể tin nơi Ngài; Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của họ, nhưng hứa sẽ cho họ thấy phép lạ Con Người sống lại sau ba ngày trong huyệt mộ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.

1.1/ Phản ứng của người Ai-cập: Sau thiên tai cuối cùng, các thiên thần đi khắp xứ để giết các con đầu lòng của người Ai-cập; vua Pharao đã đồng ý để Moses đưa dân ra khỏi Ai-cập, vì nhà vua không thể chịu nổi hậu quả của thiên tai.

(1) Sợ không còn người làm nô lệ: Nhưng khi dân Israel xuất hành khỏi Ai-cập, "vua Pharao và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói: "Ta đã làm gì vậy? Ta đã thả cho Israel đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta! Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo.

Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh." Lý do nhà vua và người Ai-cập đuổi theo là họ sợ mất mối lợi nô lệ mà dân Israel phục vụ họ. Điều này cho ta thấy lý do chính đáng Thiên Chúa muốn giải phóng dân. Con người không có quyền đối xử với người khác như những nô lệ.

(2) Đức Chúa làm cho lòng Pharao vua Ai-cập ra chai đá? Có nhiều người thắc mắc về tình thương của Thiên Chúa trong câu này: "Đức Chúa làm cho lòng Pharao vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Israel, trong khi con cái Israel đi ra, giơ tay đắc thắng." Tại sao Thiên Chúa thương dân Israel và trừng trị người Ai-cập? Tại sao Thiên Chúa không làm cho nhà vua nhận ra lẽ ngay để đừng chai đá mà tiếp tục lãnh hình phạt?

Chúng ta biết đây chỉ là lối diễn tả của người Do-thái, vì họ tin mọi việc xảy ra đều là do thánh ý của Thiên Chúa, chứ họ không quan tâm đến việc giải thích hợp lý cách thần học như thời đại chúng ta. Theo quan điểm thần học, Thiên Chúa ban cho con người có trí tuệ để nhận ra điều phải hay trái, và có tự do để thi hành. Thiên Chúa đã bảo Moses và các kỳ-mục vào xin phép nhà vua để phóng thích dân Israel. Khi vua không chịu, Thiên Chúa mới gởi các thiên tai tới, không chỉ một vài lần, mà tới bảy lần. Vì thế, lỗi không phải là ở Thiên Chúa, mà tại sự cứng lòng và lối cư xử bất công của nhà vua và dân Ai-cập với đồng loại của mình.

1.2/ Phản ứng của con cái Israel:

(1) Yếu lòng tin dù đã thấy những việc Thiên Chúa làm qua 7 thiên tai: Khi con cái Israel nhìn thấy quân đội Ai-cập tiến đến sau lưng họ, con cái Israel kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa. Họ nói với ông Moses: "Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!"

Người anh hùng thà chết vinh hơn sống nhục; con cái Israel thà sống nhục hơn chết vinh. Hai tội của con cái Israel chúng ta có thể nhận ra ở đây: (1) Họ không có niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa dù đã thấy quá nhiều các uy quyền của Ngài qua việc chọn Moses và 7 thiên tai. (2) Họ chọn làm nô lệ cho người Ai-cập để có của ăn dư thừa, hơn là tự do mà phải sống thiếu thốn! Khi đức tin bị thử thách, con người phải chứng minh cho Thiên Chúa biết niềm tin của họ.

(2) Đức tin của nhà lãnh đạo Moses: Ông Moses nói với dân: "Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên." Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thực thi. Ông Moses bày tỏ đức tin vững vàng của ông vào Thiên Chúa cho dân Israel thấy, ông làm tất cả những gì Ngài truyền.

2/ Phúc Âm: Chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Jonah.

2.1/ Niềm tin cần thiết để có dấu lạ: Trong hầu như tất cả phép lạ Chúa Giêsu làm, Ngài đòi con người phải chứng tỏ niềm tin của mình trước. Khi không có dấu chỉ của niềm tin, Chúa không làm phép lạ như trình thuật Chúa về quê hương Nazareth trong Tin Mừng của Chủ Nhật vừa qua.

(1) Đòi hỏi của các luật sĩ và kinh sư: "Bấy giờ có mấy luật sĩ kinh sư và mấy người kinh-sư nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ."" Họ đã từng được nghe hay chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Điều họ yêu cầu hôm nay chỉ là một thử thách. Chúa biết đối với những người cứng lòng như họ, có làm bao nhiêu phép lạ nữa cũng không lay chuyển được sự ngoan cố của họ.

(2) Câu trả lời của Chúa Giêsu: Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Jonah. Quả thật, ông Jonah đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy." Tuy Chúa không thỏa mãn lời yêu cầu của họ, nhưng Chúa hứa sẽ cho họ thấy sự kiện Chúa chết ba ngày trong phần mộ và sẽ phục sinh khải hoàn.

2.2/ Kẻ có cơ hội đến nhiều, sẽ bị phán xét nặng hơn:

(1) Dân thành Nineveh: Tiên tri Jonah sau khi đã nhận ra uy quyền của Thiên Chúa qua biến cố sống trong bụng cá 3 ngày, đã vâng lời đi rao giảng tại Nineveh. Khi ông mới chỉ rao giảng có một ngày, toàn thể dân thành, từ nhà vua đến dân chúng, từ con người đến thú vật, đều ăn năn xám hối, xức tro trên đầu, và mặc áo nhặm đền tội. Vì thế, Chúa nói: "Trong cuộc phán xét, dân thành Nineveh sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa." Những luật sĩ và kinh sư sẽ bị kết án nặng nề hơn dân thành Nineveh, vì họ đã được nghe chính Chúa dạy dỗ và tỏ uy quyền.

(2) Nữ hoàng Phương Nam: là người đã từ phương xa mang theo bao lễ vật lặn lội tới để được nghe những lời khôn ngoan của vua Solomon. Vì thế, "trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà đây thì còn hơn vua Solomon nữa."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không bao giờ được quyền đòi Thiên Chúa phải tỏ khôn ngoan và uy quyền. Chúng ta phải khiêm nhường học hỏi và nhìn ra những điều này trong trời đất.

- Chúng ta phải chứng minh niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, khi đức tin của chúng ta bị thử thách. Đừng bao giờ chọn những lợi lộc vật chất thay vì chọn Thiên Chúa.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP



HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 16 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Mt 12,38-42

A. Hạt giống...
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao dấu lạ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác nữa ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ việc Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu lạ đó chẳng mở mắt nổi họ, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.

B.... nẩy mầm.
1. “Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ” : Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm một phép lạ vĩ đại và tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mắt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ vĩ đại ấy thì mọi người đều sẽ tin thờ Chúa.
Thực ra Chúa thừa sức làm những dấu lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc, khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế thì con người không còn tự do, Chúa không còn phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban những dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt và mở lòng ra để đón nhận.
2. Một cụ già suốt ngày ngồi trên ghế xích đu và thề sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi nào gặp được Chúa. Một cô bé đang chơi với một quả bóng thấy thế hỏi :
- Suốt ngày cụ ngồi đong đưa trên chiếc ghế này để chờ đợi Chúa sao ?
- Đúng thế. Trước lúc nhắm mắt lìa đời, ta muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa. Ta cần một dấu chỉ. Nhưng tới nay ta chưa nhận được dấu chỉ nào.
- Thưa cụ, Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ hít thở, mỗi khi cụ ngửi một cánh hoa thơm, mỗi khi cụ nghe tiếng chim hót, mỗi khi có một đứa bé chào đời. Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ cười hay mỗi khi cụ khóc, mỗi khi cụ cảm thấy nước mắt lăn trên gò má cụ. Chúa ban cho cụ một dấu chỉ trong mưa gió và khi thời tiết thay đổi. Có biết bao nhiêu dấu chỉ, nhưng tại sao cụ chưa tin ? Cụ ơi, Chúa ở trong cụ, Chúa ở trong cháu. Không cần phải tìm kiếm, vì Ngài luôn có đó. Má cháu luôn căn dặn cháu : “Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả”.
Cụ già ngạc nhiên trước những lời như thế thốt ra từ miệng một cô bé nhỏ xíu. Phần cô bé, cô vừa chạy vừa nói lớn : “má cháu luôn căn dặn : Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả…” (Chờ đợi Chúa)
3. Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có những dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ ấy. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không : tôi bị bệnh… tôi bị người ta phê phán… tôi vừa gặp thất bại… Tại sao ? Qua những điếu ấy, Chúa muốn nói gì với tôi ?

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ


22/07/13 THỨ HAI TUẦN 16 TN
Th. Maria Mađalêna
Ga 20,1-2.11-18

ĐỪNG GIỮ CHÚA CHO RIÊNG MÌNH
Đức Giê-su bảo: “Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em của Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em. . .’ Bà Maria Ma-đa-lê-na đi báo tin cho các môn đệ : ”Tôi đã thấy Chúa.” (Ga 20,17-18)
Suy niệm: Trong tất cả các nhân vật của sách Tin Mừng, ta chưa thấy ai bày tỏ tình yêu của mình với Đức Giêsu cách đặc biệt như chị Maria Mađalêna. Thật vậy, phải là người yêu mến Thầy Giêsu mãnh liệt lắm mới nóng ruột ra mộ từ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, mà quên mất điều quan trọng: ai sẽ lăn tảng đá to che lấp cửa mộ? Hai ông Phêrô và Gioan ra mộ rồi cũng trở về, chỉ có chị còn nấn ná ở lại, không thất vọng, vẫn kiên nhẫn tìm kiếm Thầy. Chúa Kitô phục sinh trân trọng tình cảm của chị, nhưng đồng thời Ngài cũng giáo dục chị: đừng giữ riêng Ngài lại cho riêng mình, như một kỷ niệm đẹp, theo tình cảm sướt mướt, mà hãy gặp Ngài trong sứ mạng, trong trách nhiệm.
Mời Bạn: Nhớ rằng Đức Kitô phục sinh bao giờ cũng nâng bạn lên cao, thúc dục bạn dũng cảm lên đường đến với người khác. Nếu cứ mãi loay hoay với những người thân, với những dự tính riêng, bạn chưa thật sự gặp Chúa Kitô phục sinh.
Chia sẻ: Tôi muốn giữ Chúa Kitô phục sinh riêng cho mình hay là muốn đem Ngài đến cho người khác ?
Sống Lời Chúa: Tôi tập bỏ việc riêng để lo việc chung, tập đến với người khác hơn là chỉ loay hoay lo cho mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Chúa không muốn chúng con giữ Chúa cho riêng mình hay gia đình, nhưng muốn chúng con đem Chúa, loan truyền Chúa cho mọi người. Xin giúp chúng con có được sự quảng đại ấy.
Chúa Giê-su và Maria Madalena (tranh Hàn Quốc)


Lời Chúa
Ga 20,1-2.11-18
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.
(Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu".)
Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni", nghĩa là "Lạy Thầy". Chúa Giêsu bảo bà: "Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

Suy niệm
Bà Maria Madalêna là người được Chúa Giêsu chữa khỏi 7 quỷ. Theo Luca, cùng với các phụ nữ khác bà đi theo Chúa Giêsu và nhóm tông đồ truyền giáo và giúp đỡ tài chính nữa (Lc 8,2-3). Bà có mặt dưới chân thập giá khi Chúa Giêsu bị xử án (Mt 27,56) và đưa tiễn Ngài đến nơi an nghỉ (Mc 15,47). Bà được diễm phúc là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra và trao cho trách nhiệm loan báo tin vui phục sinh cho các tông đồ.
Maria Madalêna gắn bó mật thiết với Chúa, yêu mến Chúa hết lòng vì bà đã cảm nhận được tình yêu thương mà Chúa Giêsu đã dành cho bà qua các việc Ngài đã làm cho bà. Chính lòng yêu mến thiết tha đó, mà không ngại sát cánh bên Chúa trong từng phút giây, khi Ngài rao giảng cũng như những lúc Ngài bị bắt bớ. Và hạnh phúc dành cho mà là người đầu tiên được trao trách nhiệm loan báo tin mừng phục sinh.
Mỗi người chúng ta cũng là một Madalêna khác. Thiên Chúa đã yêu thương tất cả chúng ta, từng người chúng ta với tình yêu cá biệt. Biết bao điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta cần nhận ra tình thương đó của Chúa. Cần nhận ra những việc Ngài đã làm cho chúng ta. Noi gương Madalêna, chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn đối với Chúa bằng lòng yêu mến Ngài, gắn bó mật thiết với Ngài. Chắc chắn, khi gắn bó mật thiết với Chúa, cuộc đời chúng ta đã tìm được niềm hạnh phúc đích thực.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã biến đổi Bà Maria Madalêna từ người yếu hèn trở thành người nhiệt tình yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy biến đổi  con, để con biết nhìn nhận những tội lỗi, những bất toàn, yếu đuối của con để con sám hối, yêu mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn và để chứng minh lòng yêu mến con sẵn sàng làm chứng cho Tin mừng Phục Sinh. Amen.



Họ để Người ở đâu?
 Đời chúng ta nhiều khi như ngôi mộ, mất mát và trống vắng... Nhưng nếu ngôi mộ không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?


Suy nim:
Mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna
đã được một vài tác giả khai thác và dựng thành truyện.
Từ tiếng nức nở của Maria Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu
trong vở nhạc kịch nổi tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70,
đến chuyện Đức Giêsu bị đóng đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con,
trong truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis.
Gần đây nhất là cuốn Mật mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người,
dù câu chuyện giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.
Theo các sách Tin Mừng, Maria Mađalêna không hề là gái gọi.
Chị không phải là cô Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39),
hay là cô Maria xức chân Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3).
Chị cũng không phải là người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36).
Maria Mađalêna là người quê ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê.
Chị đã được Đức Giêsu trừ bảy quỷ,
và đã đi theo Thầy từ Galilê cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55).
Chị đã theo Thầy đến tận Núi Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25).
Chị là người đầu tiên ra viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất (c. 1).
Không thấy xác Thầy, chị hốt hoảng chạy về báo cho hai môn đệ khác (c. 2).
Sau đó chị lại đến mộ lần nữa để tìm xác Thầy (c. 11).
Nếu không mến Thầy, chị chẳng thể can đảm theo đến cùng như vậy.
Ngôi mộ tự nó là nơi buồn, buồn hơn vì xác Thầy cũng không còn đó.
Những giọt nước mắt của chị làm ai cũng phải mủi lòng.
Thiên thần và Đấng phục sinh đều hỏi một câu giống nhau: Sao chị khóc?
Maria khóc vì thấy mình mất đi một điều quý báu.
Bận tâm duy nhất ám ảnh chị là tìm lại được xác Thầy.
“Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?”
Ba lần chị đã nói lời tương tự như thế (cc. 2.13.15).
Đấng Phục sinh đến với chị với dáng dấp của một ông làm vườn.
Ngài chạm đến nỗi đau của chị: Sao chị khóc?
Ngài chạm đến khát vọng của chị: Chị tìm ai?
Ngài gọi tên của chị bằng tiếng gọi quen thuộc: Maria.
Với giọng nói ấy, chị nhận ngay ra Thầy và reo lên: Rabbouni.
Đức Giêsu đã lau khô những giọt lệ của chị và cho tim chị vui trở lại.
Chị chỉ mong tìm được xác Thầy, thì lại gặp được chính Thầy đang sống.
Maria Mađalêna là người phụ nữ được thấy Chúa đầu tiên (c. 18),
và được Chúa sai đi loan Tin Mừng phục sinh cho chính các tông đồ (c. 17).
Đời chúng ta nhiều khi như ngôi mộ, mất mát và trống vắng.
Chúng ta đau đớn vì mất Chúa, mất những gì mình yêu quý xưa nay.
Nhưng nếu ngôi mộ không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?
Chỉ mong chúng ta tìm kiếm Chúa với rất nhiều tình yêu như chị Maria,
vì biết mình sẽ gặp được điều quý hơn cái mình đã mất.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay,
không gì có thể làm cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy

22 THÁNG BẢY

Chính Thiên Chúa Chọn Chúng Ta Trước

Sự tiền định đi trước cả sự tạo thành vũ trụ. Bằng việc áp dụng những loại suy của ngôn ngữ con người vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng trước hết Thiên Chúa muốn thông truyền chính Ngài – trong thần tính của Ngài – cho con người, bởi vì con người được mời gọi trở thành hình ảnh của Ngài và giống như Ngài trong thế giới thụ tạo. Tiên vàn, trong người Con Vĩnh Cửu của Ngài, Thiên Chúa chọn con người để con người tham dự vào chức phận làm con ấy nhờ ân sủng. Rồi, Thiên Chúa muốn thu họp tất cả thế giới thụ tạo về với chính Ngài trong Đức Kitô.

Như vậy, mầu nhiệm tiền định hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Mạc khải về kế hoạch vĩ đại này vén mở trước mắt chúng ta viễn tượng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta đến chính trung tâm của Vương Quốc này – ở đó chúng ta khám phá ra mục đích tối hậu của công cuộc tạo dựng. Chúng ta hiểu Thiên Chúa muốn gì.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 22-7
Thánh nữ Maria Magđalêna
Dc 3, 1-4a; Ga 20, 1-2. 11-18



LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện “Ngôi mộ trống” và Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mác-đa-la. Cho chúng ta thấy, đã có lúc chúng ta đang sống trong những giây phút hổn loạn của đau thương, chúng ta chỉ thấy mọi sự qua dòng nước mắt, để rồi không còn nhìn thấy cái thật cần phải thấy, mà lại bị lầm lẫn. Mỗi lần như thế. Ước gì trong mọi biến cố đau thương của đời sống của chúng ta, luôn hướng về Chúa. Luôn xin Chúa gọi đích danh mình, để được đánh thức, mà nhận biết có Chúa hiện điện với ơn ban của Ngài trong cuộc sống của mình.



Mạnh Phương


Gương Thánh nhân

Ngày 22-07
Thánh MARIA MADALENA


Các Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.
Người thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).
Đàng khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đâng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).


Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu Ngài tới gặp "thầy". Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26,6-13).

Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.

Với sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên "Maria" buổi sáng phục sinh.

Sau đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài đã từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.


(daminhvn.net)


22 Tháng Bảy

Người Bị Mạo Nhận

Ngoại trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viết đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.
Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.
Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi "7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.
Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài".
Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: "Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em".


Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.

Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta".


(Lẽ Sống)

Thứ Hai 22-7
Thánh Maria Mađalêna 

Trong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Ðức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng Maria Mađalêna. Tuy nhiên, ngài rất thích hợp là quan thầy của những người bị phỉ báng, vì trong Giáo Hội, luôn luôn người ta cho rằng ngài là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36-50.
Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có căn bản Phúc Âm. Maria Mađalêna, chính là "Maria Mácđala", người được Ðức Kitô chữa khỏi "bảy quỷ" (Luca 8:2) -- đó là một biểu thị về sự quỷ ám nặng nề hoặc, có thể, bị bệnh nặng.
Cha W.J. Harrington, dòng Ða Minh, trong cuốn New Catholic Commentary (Chú Giải Mới của Công Giáo), ngài viết "bảy quỷ" "không có nghĩa là Maria sống một cuộc đời đồi bại -- đó là một kết luận do bởi nhầm lẫn Maria với người phụ nữ vô danh trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36. Cha Edward Mally, dòng Tên, trong cuốn Jerome Biblical Commentary (Chú Giải Phúc Âm Thánh Giêrôm), cha đồng ý rằng Maria Mađalêna "không phải là người tội lỗi như được viết trong Luca 7:37, dù rằng sau này Tây Phương có truyền thống gán ghép điều ấy cho ngài."
Maria Mađalêna là một trong những người "đã giúp đỡ các ngài (Ðức Giêsu và Nhóm Mười Hai) bằng các phương tiện của họ." Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ. Và, trong các nhân chứng "chính thức" đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì ngài là một trong những người được ưu tiên đó.
Có lẽ Thánh Maria Mađalêna từng mỉm cười khi bị "nhận diện sai lầm" trong 20 thế kỷ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng ngài không cho đó là điều khác biệt. Tất cả chúng ta là kẻ có tội đều cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, dù tội lỗi chúng ta có kinh khiếp hay không. Quan trọng hơn nữa, cùng với thánh nữ, tất cả chúng ta là các nhân chứng "bán chính thức" của sự Phục Sinh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét