Ðức Thánh Cha Phanxicô
viếng thăm mục vụ tại đảo Lampedusa
và tố giác sự dửng dưng đối với người tị nạn
Ðức Thánh Cha Phanxicô
viếng thăm mục vụ tại đảo Lampedusa và tố giác sự dửng dưng đối với người tị nạn.
Lampedusa (Vat.
8-07-2013) - Ðức Thánh Cha Phanxicô tố giác sự dửng dưng đối với số phận người
tị nạn, các thuyền nhân chết trên biển cả và những kẻ lợi dụng sự nghèo đói của
người khác để làm giàu.
Ngài bày tỏ lập trường
trên đây trong cuộc viếng thăm mục vụ tại đảo Lampedusa, cực nam Italia, sáng
ngày 8 tháng 7 năm 2013. Ðức Thánh Cha cho biết ngài đến đảo này để tưởng niệm
những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn,
gặp gỡ những người di dân, và cử hành thánh lễ cho các tín hữu địa phương. Qua
cuộc viếng thăm này ngài cũng muốn thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế
giới, tất cả mọi người, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di
dân và tị nạn.
Ðây cũng là chuyến viếng
thăm mục vụ đầu tiên của Ðức Thánh Cha ở Italia, ngoài Roma. Ðây là lần đầu
tiên trong lịch sử, một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm tại Lampedusa.
Lampedusa
Ðây là một đảo chỉ rộng
20.2 cây số vuông, chiều dài 12 cây số và chiều ngang khoảng 3 cây số, là đảo lớn
nhất trong quần đảo Pelagie trong Ðịa trung hải. Xét về địa lý, Lampedusa thuộc
về Phi châu hơn là Âu Châu, vì chỉ cách bờ biển Tunisi 113 cây số, trong khi đó
lại cách bờ biển Sicilia của Italia 127 cây số.
Lampedusa chỉ có 5 ngàn
dân cư, và thuộc về tỉnh Agrigento trên đảo Sicilia. Nền kinh tế đảo này chủ yếu
dựa vào ngành du lịch, đánh cá, và công nghệ cá xanh đóng hộp. Nông nghiệp và
chăn nuôi ở đây chỉ được coi là một ngành phụ.
Do vị trí địa lý, trong
thập niên gần đây, Lampedusa trở thành một trong những mục tiêu chính trên đường
vượt biên của các thuyền nhân, từ Phi châu nam sa mạc Sahara, tìm đường vào Âu
Châu. Họ thường được những tay buôn người vô lương tâm khai thác, nhất là từ
Libia và Tunisi, buộc phải trả những số tiền lớn để được đi trên những xuồng
máy hoặc những con thuyền cũ kỹ để vượt biên sang Âu Châu. Trong khoảng tháng 3
và tháng 4 năm 2011, số người di dân lén lút đổ bộ lên đảo Lampedusa là 6,500
người, tức là đông hơn cả tổng số người dân trên đảo này. Tổng số người đến
Lampedusa trong năm 2011, là năm Mùa Xuân Arập bùng nổ ở Tunisi là 51,753 người,
một con số kỷ lục. Nếu kể cả số người đến đảo Linosa gần đó, thì tổng số thuyền
nhân đến Italia trong năm đó là gần 62 ngàn 700 người.
Sau một thời gian lắng dịu
trong năm 2012, từ đầu năm 2013, số thuyền nhân đến Lampedusa lại gia tăng và
trong 6 tháng đầu năm 2013, có gần 8 ngàn người đến Italia, trong số này có gần
3,650 người đổ bộ lên đảo Lampedusa.
Trong cuộc vượt biên như
thế, nhiều thuyền nhân đã gặp nạn và bỏ mình trên biển cả. Vụ mới nhất là ngày
16 tháng 6 năm 2013, khi 7 thuyền nhân bị chết đuối trong lúc cố gắng bám vào
những hàng rào nuôi cá ngừ do một xuồng đánh cá của Tunisi kéo đi. Người ta ước
lượng trong vòng 17 năm, từ 1994 đến 2011, nguyên tại vùng gọi là "Con
kênh Sicilia" đã có 6,226 người chết và mất tích trên đường từ Libia,
Tunisi và từ Ai Cập, vượt biên sang Italia. Ðặc biệt năm 2011 là năm đau thương
nhất, có tới 1,822 người mất tích trên biển cả, bình quân mỗi tháng có 150 người
thiệt mạng.
Thêm vào đó, người ta
còn phải kể đến cuộc sống khó khăn của các thuyền nhân đổ bộ lên đảo Lampedusa.
Ðảo này không có cơ cấu thích hợp để đón người vượt biên và số người lại quá
đông. Trung tâm tiếp đón đầu tiên trên đảo có khả năng dự trù tối đa là 300 người,
trong thực tế hàng ngàn người phải cư ngụ tại đây, và tình trạng này cũng gây
căng thẳng trong cuộc sống chung với người dân trên đảo. Tình trạng khẩn cấp
này khiến cho Giáo Hội Công Giáo Italia nhiều lần phải kêu gọi các giới chức hữu
trách của quốc gia và Âu Châu quan tâm giải quyết vấn đề.
Do hoàn cảnh và ý muốn của
Ðức Thánh Cha, cuộc viếng thăm của ngài diễn ra dưới hình thức đơn sơ tối đa, kể
cả về sự hiện diện của các Giám Mục và chính quyền địa phương, nghĩa là chỉ có
sự hiện diện của Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Agrigento sở tại và thị trưởng ở đảo
Lampedusa.
Tưởng niệm các nạn nhân
và gặp người di dân
Lúc 8 giờ sáng 8 tháng 7
năm 2013 Ðức Thánh Cha đã đáp máy bay của không quân Italia từ Roma và đến phi
trường đảo Lampedusa sau 1 giờ bay.
Tiếp đó ngài đi trên chiếc
tàu nhỏ tuần duyên của hải quân Italia, có các ngư phủ Sicilia tháp tùng, và thả
vòng hoa xuống biển để tưởng niệm các nạn nhân đã bỏ mình trên đường vượt biên.
Khi tàu cập bến Punta
Favarolo, Ðức Thánh Cha đã tươi cười bắt tay, chào thăm một nhóm người di dân,
tất cả đều từ Phi châu tới đây. Ðại diện cho những người này, nói bằng tiếng Arập
Tigrit để chào mừng và cám ơn Ðức Thánh Cha, cũng như xin ngài giúp đỡ.
Rồi Ðức Thánh Cha tiến về
sân thể thao Arena để cử hành thánh lễ. Hơn 10 ngàn tín hữu đã có mặt tại đây
dưới bầu trời nắng, họ đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón nồng nhiệt, khi ngài
dùng xe díp mui trần tiến qua các lối để để chào thăm họ, giống như các buổi tiếp
kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô..
Lễ đài rất đơn sơ, cạnh
đó có đặt một con thuyền của những người vượt biên, bên phải bàn thờ là tượng Ðức
Mẹ bổn mạng của dân đảo Lampedusa. Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có gần 100 Linh Mục,
và Ðức Tổng Giám Mục Agrigento sở tại, cha xứ Stefano Nastasi, cùng hai vị Tổng
Giám Mục tháp tùng Ðức Thánh Cha. Các vị mặc áo tím vì đây cũng là thánh lễ thống
hối và cầu nguyện cho các nạn nhân bỏ mình trên biển cả trên đường di cư.
Bài giảng thánh lễ
Trong bài giảng thánh lễ,
dựa vào bài sách Sáng Thế trong đó Chúa gọi hỏi Cain đã giết em mình là Abel:
Ngươi ở đâu? Máu em ngươi ở đâu, thể thức tỉnh lương tâm mọi người trước thảm
trạng người di dân. Ngài nói:
"Những người di dân
chết trên biển, từ những con thuyền lẽ ra là một con đường hy vọng đã trở thành
một con đường chết chóc. Ðó là tựa đề trong các báo chí! Cách đây vài tuần khi
tôi nghe tin này, một tin rất tiếc là đã bao nhiêu lần xảy ra, tôi liên tục
nghĩ đến điều ấy như một cái gai trong con tim gây ra bao đau khổ. Và khi ấy
tôi cảm thấy mình phải đến đây để cầu nguyện, để thi hành cử chỉ gần gũi, nhưng
cũng để thức tỉnh lương tâm chúng ta để điều đã xảy ra khỏi tái diễn nữa. Xin
làm ơn, đừng để tái diễn nữa! Nhưng trước tiên tôi muốn nói một lới châm thành
cám ơn và khích lệ anh chị em, nhân dân tại đảo Lampedusa và Linosa này, các hiệp
hội, những người thiện nguyện và các lực lượng an ninh, anh chị em đã và đang tỏ
ra quan tâm đến con người, trong hành trình của họ hướng về một cái gì tốt đẹp
hơn. Anh chị em là một thực tại nhỏ bé, nhưng nêu gương liên đới! Tôi cũng cám
ơn Ðức Tổng Giám Mục Francesco Montenegro vì sự giúp đỡ và hoạt động, vì sự gần
gũi mục tử. Tôi thân ái chào bà thị trưởng Giusy Nicolini. Xin cám ơn vì những
gì bà đã và đang làm. Tôi nghĩ đến những người di dân Hồi giáo đang bắt đầu
tháng chay tịnh Ramadan, với lời cầu chúc cho họ được dồi dào thành quả thiêng
liêng. Giáo Hội gần gũi với anh chị em trong việc tìm kiếm một cuộc sống xứng
đáng hơn cho bản thân và gia đình anh chị em.
Sáng hôm nay, dưới ánh
sáng Lời Chúa mà chúng ta đã nghe, tôi muốn đề nghị vài lời nhất là thức tỉnh
lương tâm của mọi người, thúc đẩy suy tư và thay đổi cụ thể một số thái độ.
"Adam, ngươi ở
đâu?" là câu hỏi đầu tiên mà Thiên Chúa gửi đến con người sau khi phạm
tôi: "Ngươi ở đâu?" Ðó là một con người lạc hướng đã mất chỗ đứng của
mình trong công trình sáng tạo vì tưởng mình trở thành quyền năng, có thể thống
trị mọi sự, trở thành Thiên Chúa. Và sự hòa hợp bị phá vỡ, con người sai lầm và
điều này cũng lập lại trong quan hệ với tha nhân, họ không còn là ngừơi anh em
phải yêu mến, nhưng chỉ là một người khác làm xáo trộn đời sống của tôi, an
sinh của tôi. Và Thiên Chúa đặt câu hỏi thứ hai: "Cain, em ngươi ở
đâu?" Giấc mơ trở thành quyền năng, cao trọng như Thiên Chúa, trở thành
Thiên Chúa, dẫn tới một chuỗi những sai lầm và cũng là một xiềng xích sự chết,
đưa tới việc đổ máu người em của mình!
"Ngày nay, hai câu
hỏi này của Thiên Chúa cũng vang dội với tất cả sức mạnh! Bao nhiêu người trong
chúng ta, kể cả tôi nữa, chúng ta ngỡ ngàng mất hướng, chúng ta không còn chú ý
đến thế giới chúng ta sống, không chăm sóc, không bảo tồn những gì Thiên Chúa
đã dựng nên cho tất cả mọi người, và chúng ta cũng không có khả năng giữ gìn
nhau. Và khi sự ngỡ ngàng mất hướng này mặc lấy chiều kích thế giới, thì có
thêm thảm trạng như chúng ta đã chứng kiến.
Tiếp tục bài giảng, Ðức
Thánh Cha nói:
Chúa hỏi: "Em của
ngươi ở đâu?", tiếng máu của em ngươi đã kêu thấu tới Ta, Chúa nói. Ðây
không phải là một câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được
gửi tới tôi, tới bạn, cho mỗi người trong chúng ta. Những người anh chị em
chúng ta đang tìm cách ra khỏi những tình cảnh khó khăn để tìm được một chút
thanh thản và an bình; họ tìm một chỗ tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ,
nhưng họ đã tìm thấy cái chết. Bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã
không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới! Và tiếng nói của
họ vọng lên tới Thiên Chúa!
"Hỡi những người
dân đảo Lampedusa, một lần nữa tôi cám ơn anh chị em vì tình liên đới! Mới đây
tôi đã nghe một trong những người anh em ấy. Trước khi đến đây, họ đã ở trong
tay những kẻ buôn người, những kẻ khai thác sự nghèo đói của người khác; những
người mà đối với họ sự nghèo đói của tha nhân trở thành nguồn lợi cho họ. Bao
nhiêu người đã chịu đau khổ! và vài người đã đến được nơi đây!
"Em ngươi ở
đâu?" Ai là người chịu trách nhiệm về máu này? Trong văn chương Tây Ban
nha có vở kịch của Lope de Vega kể lại những ngừơi dân thành Fuente Ovejuma đã
giết viên tỉnh trưởng vì là một bạo chúa, và họ làm điều ấy mà không biết ai là
người thi hành việc hành quyết ấy. Và khi quan tòa của vua hỏi: "Ai đã giết
ông tỉnh trưởng?" tất cả đều trả lời: "Thưa ngài, đó là Fuente
Ovejuma". Tất cả nhưng không có người nào! Cả ngày nay câu hỏi này cũng nổi
lên một cách mạnh mẽ: ai là người chịu trách nhiệm về những người anh chị em
này? Không có ai cả! Tất cả chúng ta đều trả lời như thế: không phải tôi, tôi
chẳng dính dáng gì tới điều này. Nhưng chính Thiên Chúa hỏi mỗi người trong
chúng ta: "Máu em ngươi ở đâu là người kêu thấu tới Ta?" Ngày nay
không ai cảm thấy mình trách nhiệm về điều ấy; chúng ta đã mất ý thức trách nhiệm
huynh đệm chúng ta rơi vào thái độ giả hình của vị tư tế và người phục vụ tại
bàn thờ, mà Chúa Giêsu đã nói đến trong dụ ngôn Người Samaritano nhân lành:
chúng ta nhìn người anh em giở sống giở chết bên vệ đường, có lẽ chúng ta nghĩ:
tôi nghiệp hắn, và chúng ta tiếp tục đi, chúng ta nghĩ đó không phải là nhiệm vụ
của mình; và chúng ta cảm thấy mình hợp luật rồi. Nền văn hóa an sinh sung túc
làm cho chúng ta nghĩ đến chính mình, làm cho chúng ta không nhạy cảm đối với
tiếng kêu của người khác, làm cho chúng ta sống trong những bong bóng xà bông,
nó đẹp nhưng chẳng là gì cả, đó là ảo tưởng về sự phù dù, tạm bợ, dẫn tới sự dửng
dưng đối với tha nhân, đúng hơn nó đưa tới sự hoàn cầu hóa thái độ dựng dưng.
Chúng ta trở nên quen thuộc với đau khổ của người khác, coi đó là điều chẳng
liên hệ đến chúng ta, không làm chúng ta quan tâm, đó chẳng phải là việc của
chúng ta!
"Hình ảnh người
không có tên" của Văn sĩ Manzoni đang tái diễn. Sự hoàn cầu hóa thái độ dửng
dưng làm cho tất cả chúng ta trở nên những người không có tên, những người
trách nhiệm không có tên, không có mặt mũi.
"Adam, ngươi ở
đâu?", "Em ngươi ở đâu?", đó là hai câu hỏi mà Thiên Chúa nêu
lên vào đầu lịch sử nhân loại, và ngài cũng gửi tới tất cả những người thời
nay, cả chúng ta nữa. Nhưng tôi muốn chúng ta đặt câu hỏi thứ ba: "Ai
trong chúng ta đã khóc vì sự kiện này vì những sự kiện thuộc loại này?",
vì cái chết của những người anh chị em này? Ai đã khóc vì những người đã ở trên
thuyền? Và những bà mẹ trẻ mang con nhỏ của họ? vì những ngừơimuốn một cái gì
đó để nâng đỡ gia đình họ? Chúng ta là một xã hội đã quên kinh nghiệm khóc,
"đồng cảm thông": sự hoàn vũ hóa thái độ dửng dưng! Trong Tin Mừng
chúng ta đã nghe tiếng kêu, tiếng khóc, lời than khóc: "Rachele khóc con
mình.. vì chúng không còn nữa". Herôđê đã gieo chết chóc để bảo vệ an sinh
của ông, bảo vệ cái bong bóng xà bông của ông. Và điều này còn tiếp tục tái diễn.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa xóa bỏ những gì của Hêrôđe, và còn tồn đọng trong tâm
hồn chúng ta; chúng ta hãy xin Chúa ơn khóc vì sự dửng dưng của chúng ta, vì sự
tàn ác ở trên thế giới, trong chúng ta, và cả nơi những người trong sự vô danh
đang đưa ra những quyết định xã hội kinh tế mở được cho những thảm trạng như vậy.
"Ai đã khóc?"
Và Ðức Thánh Cha dâng lời
khẩn nguyện:
Lạy Chúa, trong thánh lễ
này, là phụng vụ thống hối, chúng con xin Chúa tha thứ vì sự dửng dưng đối với
bao nhiêu anh chị em, chúng con xin lỗi Chúa vì những người trở nên quen với thảm
cảnh, khép kín trong an sinh của mình, làm cho con tim họ không còn cảm xúc nữa,
chúng con xin lỗi Chúa vì những người qua những quyết định của họ trên bình diện
hoàn cầu đã gây ra những hoàn cảnh đưa tới những thảm trạng này. Lạy Chúa xin
tha thứ! Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con cũng nghe được những câu hỏi của
Chúa: 'Adam ngươi ở đâu?", "Máu em ngươi ở đâu?".
Khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa
Cuối thánh lễ, Ðức Thánh
Cha đã đến trước tượng ảnh Ðức Mẹ và đọc một kinh do chính ngài soạn:
"Lạy Mẹ là Sao Biển,
một lần nữa chúng con chạy đến cùng Mẹ để tìm được nơi nương náu và thanh thản,
để khẩn cầu sự bảo vệ và cứu giúp. Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin hướng
cái nhìn rất dịu dàng của Mẹ trên tất cả những người hằng ngày đang phải đương
đầu với những nguy hiểm của biển khơi để mưu sinh cho gia đình họ, để bảo vệ sự
tôn trọng thiên nhiên, để phục vụ hòa bình giữa các dân tộc. Lạy Mẹ là người bảo
vệ những người di dân và lữ hành, với lòng từ mẫu, xin Mẹ giúp đỡ những người
nam, nữ và trẻ em buộc lòng phải trốn chạy khỏi quê hương của họ để tìm kiếm
tương lai và hy vọng.
"Xin cho cuộc gặp gỡ
của họ với chúng con và với các dân tộc chúng con không biến thành một nguồn mạch
của những nạn nô lệ mới mẻ và nặng nề, tủi nhục hơn cho họ.
Lạy Mẹ từ bi, xin khẩn cầu
ơn tha thứ cho chúng con là những người trở nên mù quáng vì ích kỷ, co cụm vào
quyền lợi của mình và trở thành nạn nhân của những nỗi lo âu sợ hãi của chúng
con, chúng con lơ đãng đối với những nhu cầu và đau khổ của anh chị em. Lạy Mẹ
là nơi nương náu cho các tội nhân, xin Mẹ hoán cải những kẻ gây chiến tranh,
oán ghét và nghèo đói, những kẻ bóc lột anh chị em và sự mong manh của họ, buôn
bán mạng sống con người. Lạy Mẹ là mẫu gương bác ái, xin chúc lành cho những
người nam nữ thiện chí, những người tiếp đón và phục vụ những người đến gần phần
đất này: ước gì tình thương được đón nhận và trao ban trở thành hạt giống sinh
ra những quan hệ huynh đệ mới mẻ và là bình minh của một thế giới an bình.
Amen"
Thánh lễ kết thúc lúc
quá 11 giờ rưỡi trưa. Sau đó, Ðức Thánh Cha còn đến thăm thăm giáo xứ thánh
Gerlando ở đảo Lampedusa trước khi trở lại phi trường lúc 12 giờ rưỡi để trở về
Roma.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét