Trang

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

10-07-2013 : THỨ TƯ TUẦN XIV MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Tư Ngày 10/07/2013
Tuần 14 Mùa Thường Niên Năm Lẻ
St 41,55-57


BÀI ĐỌC I: St 41, 55-57; 42, 5-7a. 17-24a
"Chúng ta phải chịu thế này thật xứng đáng, vì chúng ta đã phạm đến em chúng ta".

Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, cả nước Ai-cập gặp nạn đói kém, dân chúng kêu vua Pharaon, xin cho họ của ăn. Vua trả lời họ rằng: "Các ngươi hãy đến cùng Giuse và ông bảo thế nào, các ngươi hãy làm như vậy". Cơn đói kém ngày càng gia tăng khắp mặt đất. Bấy giờ ông Giuse mở các kho lúa, bán cho người Ai-cập, vì họ cũng đói kém khổ sở. Khắp mọi nước, người ta tuôn đến Ai-cập để mua lương thực ăn cho đỡ đói.
Các con ông Giacóp cũng đi chung với những người khác đến Ai-cập để mua lúa, vì nạn đói cũng hoành hành trong đất Canaan. Giuse có quyền trên toàn lãnh thổ Ai-cập, nên ông bán lúa thóc cho hết mọi người. Khi các anh của Giuse sấp mình lạy ông, ông nhận ra các anh, nên ông nói giọng cứng cỏi như nói với khách lạ. Ông hỏi họ: "Các ngươi ở đâu đến?" Họ đáp: "Chúng tôi từ đất Canaan đến mua thực phẩm".
Giuse đã truyền giam họ trong ba ngày; đến ngày thứ ba, ông cho dẫn họ ra khỏi tù và bảo rằng: "Các ngươi hãy làm điều ta dạy bảo, thì sẽ được sống: vì ta kính sợ Thiên Chúa. Nếu các ngươi là người lương thiện thì một người trong các ngươi sẽ ở lại trong tù, còn những người khác hãy đem lúa về nhà. Rồi các ngươi hãy dẫn đứa em út các ngươi tới đây cho ta, để ta có thể tin lời các ngươi, và các ngươi sẽ khỏi chết. Họ đã làm như Giuse dạy bảo.
Bấy giờ họ mới nói với nhau rằng: "Chúng ta phải chịu thế này thật xứng đáng, vì chúng ta đã phạm đến em chúng ta. Chúng ta đã thấy tâm hồn em chúng ta khổ sở, khi nó năn nỉ chúng ta tha cho nó, nhưng chúng ta không chịu nghe. Vì thế nên chúng ta phải chịu nỗi khốn khổ này". Bấy giờ, một người trong anh em là Ruben nói rằng: "Chớ thì tôi đã chẳng bảo anh em đừng có phạm đến đứa trẻ sao". Nhưng không ngờ rằng Giuse hiểu tiếng họ, vì ông dùng thông ngôn mà nói với họ. Ông Giuse lánh mặt đi một chút mà khóc.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 2-3. 10-11. 18-19
Đáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).

1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm; với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. -  Đáp.
2) Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Ngài còn mãi đời nọ sang đời kia. -  Đáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. -  Đáp.

ALLELUIA:  Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 10, 1-7
"Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Chọn Các Tông Ðồ
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 14 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Biến cố 30 tháng tư năm 1975 đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều cá nhân, gia đình, cộng đoàn, quốc gia Việt-nam cũng như các quốc gia đón nhận người tị nạn. Khi biến cố này xảy ra, đa số cho là một biến cố tủi nhục, kinh hoàng, và gây ra biết bao đau khổ cho con dân Việt-nam; nhưng gần 40 năm sau nhìn lại, chúng ta nhận ra nhiều điều tốt đẹp đến từ biến cố này: (1) Mỗi năm, việt kiều trên khắp năm châu gởi về Việt-nam cả hàng tỷ bạc để giúp người thân bên quê nhà có phương tiện sinh sống. (2) Rất nhiều Việt-kiều có cơ hội tiếp xúc với và đón nhận tinh hoa của các nền văn minh của thế giới; mà nếu không có biến cố 1975, họ chỉ quanh quẩn bên lũy tre xanh và con trâu của làng quê. (3) Nhiều linh mục và tu sĩ Việt-nam đang truyền giáo và làm việc tông đồ cho các dân tộc đã từng truyền giáo và làm việc tông đồ bên Việt-nam; để đáp ứng sự khan hiếm linh mục và tu sĩ đang xảy ra trong Giáo Hội... Nhìn lại lịch sử của biến cố 30 tháng tư, chúng ta phải chấp nhận bàn tay của Thiên Chúa làm việc qua biến cố này.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử. Trong Bài Đọc I, vì ghen tị, các anh em ông Giuse đã bán ông cho các lái buôn người Ai-cập, và nói dối cha em mình bị thú dữ ăn thịt. Cha ông và các anh em tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại Giuse nữa; nhưng Chúa quan phòng đã định liệu cách khác. Các anh em ông bị đói và phải lặn lội qua Ai-cập để mua thức ăn, và họ đã gặp lại Giuse. Trong Phúc Âm, có ai ngờ một nhóm môn đệ Chúa Giêsu thiết lập: quê mùa, thất học, yếu đuối, sợ hãi... lại có thể đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và làm nền tảng cho một tôn giáo gần một nửa dân số địa cầu?

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo.

1.1/ Thiên Chúa chuẩn bị cho cuộc đời ông Giuse: Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta phải trở về với biến cố các anh em bán Giuse cho các lái buôn Ai-cập tại Dothan. Giuse là một trong 12 người con của tổ-phụ Jacob, và là anh em cùng mẹ với em út là Benjamin. Vì Jacob có Giuse trong lúc tuổi già, nên ông thương Giuse hơn mọi anh em khác. Giuse được Thiên Chúa ban cho có biệt tài giải thích các điềm chiêm bao. Vì những điều này mà anh em ghét và tìm cách triệt hạ ông. Và cơ hội tới khi Jacob sai Giuse mang thức ăn ra đồng cho các anh em. Thoạt đầu họ muốn thủ tiêu Giuse; nhưng nhờ sự can thiệp của anh cả Reuben, họ đồng ý ném Giuse xuống một cái giếng khô và để đó cho chết đói. Họ lại đổi ý khi đang ngồi ăn, vì anh Judah đề nghị bán em mình cho các lái buôn; và họ đồng ý bán em với giá 20 đồng bạc. Những người này đưa Giuse về Ai-cập. Cuộc đời Giuse ba chìm bảy nổi kể từ đó, nhưng nhờ có biệt tài giải thích điềm chiêm bao, Giuse đã được triệu tập vào cung điện để giải thích điềm chiêm bao cho vua Pharao, và được thăng chức Tể Tướng trong triều đình chỉ thua vua Pharao (x/c Gen 37-50).

1.2/ Cuộc gặp gỡ giữa Giuse và các anh em ông: Thiên Chúa làm cho xảy ra một nạn đói lớn trên toàn xứ sở. Khắp nơi trong xứ bị đói kém. Toàn xứ Ai-cập bị đói và dân chúng kêu lên Pharao xin bánh ăn. Pharao nói với mọi người Ai-cập: "Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo." Nạn đói không những chỉ hoành hành trong Ai-cập mà lan tràn ra khắp nơi. Từ mọi xứ, người ta đến Ai-cập để mua lúa mì của ông Giuse. Giữa đám người đến mua lúa, cũng có mặt các con ông Israel, vì đất Canaan bị đói kém.

(1) Phản ứng của Giuse: Ông Giuse bấy giờ có toàn quyền trong xứ, và ông bán lúa cho toàn dân trong xứ. Các anh ông Giuse đến và cúi sấp mặt xuống đất lạy ông. Vừa nhìn thấy các anh mình, ông Giuse nhận ra họ, nhưng làm như người xa lạ đối với họ, và nói với họ cách cứng cỏi. Ông hỏi họ: "Các người từ đâu đến?" Họ đáp: "Thưa từ đất Canaan, để mua lương thực." Ông giam giữ họ ba ngày. Đến ngày thứ ba, ông Giuse bảo họ: "Các người muốn sống thì hãy làm thế này, vì ta kính sợ Thiên Chúa. Nếu các người là những kẻ lương thiện, thì một anh em cứ phải chịu giam trong nhà tù này, còn các người khác thì hãy ra đi, đem lúa về cho gia đình khỏi đói. Rồi các người hãy đem đứa em út đến cho ta. Bấy giờ sẽ rõ là các người nói đúng, và các người sẽ không phải chết." Họ đã làm như vậy.

(2) Phản ứng của các anh em ông: Họ không nhận ra Giuse trong y phục của triều đình; nhưng họ ăn năn hối hận vì đã gây thiệt hại cho ông. Họ bảo nhau: "Than ôi! Chúng ta có lỗi với em chúng ta: chúng ta đã thấy nó phải ngặt nghèo. Nó đã năn nỉ chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nghe. Chính vì thế mà chúng ta gặp cảnh ngặt nghèo này."

Họ biết đã vay, phải đền trả. Người anh cả Reuben nhắc nhở các anh em truyện quá khứ: "Tôi đã chẳng bảo các chú thế này sao: "Đừng phạm tội hại đến thằng bé!" nhưng các chú đã không chịu nghe. Bây giờ thì phải đền nợ máu nó!"

Họ không biết rằng ông Giuse hiểu được ngôn ngữ họ đang nói. Bấy giờ ông lánh ra chỗ khác mà khóc, sau đó mới trở lại nói chuyện với họ. Trong số họ, ông bắt ông Simeon và cho trói trước mặt họ. Còn các anh em khác, sau khi bán lúa mì, ông phóng thích cho họ về nhà.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu huấn luyện các Tông-đồ và sai đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng.

2.1/ Chúa ban cho các Tông-đồ mọi quyền năng để phân phát cho dân chúng: Trong sự quan phòng rất khôn ngoan, Chúa Giêsu không làm việc một mình; nhưng Ngài chọn các Tông-đồ để huấn luyện, ban quyền năng, và ủy thác cho sứ vụ tiếp tục loan truyền Tin Mừng đến mọi người. Noi gương Chúa Giêsu, Giáo Hội trải qua bao thế hệ vẫn tiếp tục sứ vụ này: một mặt không ngừng rao giảng Tin Mừng đến mọi dân tộc, một mặt lo đào tạo hàng giáo sĩ, ban quyền năng, và sai đi, để họ có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai. Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không còn gì nghi ngờ về sự hiện diện luôn của Đức Kitô trong Giáo Hội.

2.2/ Tập hợp của các môn đệ Chúa Giêsu: "Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Zebedee và ông Gioan, em của ông; ông Philíp và ông Bartholomeo; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Alphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Iscariot, là chính kẻ nộp Người."

- Nhìn vào danh sách các Tông-đồ, điều đầu tiên chúng ta nhận ra là những con người tầm thường, chẳng có gì nổi bật so với tiêu chuẩn của thế gian, đấy là chưa kể đến yếu đuối, tội lỗi. Điều này chứng minh: sức mạnh và uy quyền hoàn toàn của Thiên Chúa. Ngài giúp con người tầm thường làm những việc phi thường.

- Con người thường hay chọn những người cùng một sở thích hay tính tình giống nhau. Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói; một Simon nhiệt thành chống lại uy quyền ngoại bang phải ở với Matthew, người thu thuế cho ngoại bang; một Thomas từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông-đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi biến cố xảy ra trong vũ trụ này, chứ không có một thần nào khác. Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng nơi quyền năng của Ngài.

- Chúng ta đừng vội trách Chúa, trách người, khi các biến cố xảy ra; nhưng hãy tìm đâu là ý Thiên Chúa, và cố gắng hết sức thi hành để sinh ích cho cá nhân, gia đình, và cộng đoàn.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 14 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Mt 10,1-7

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Chương 10 (Từ hôm nay đến Thứ Hai tuần 15) là bài giảng của Chúa Giêsu về sứ mệnh loan Tin Mừng, gồm : a/ Những chỉ dẫn cần thiết (cc 1-16), báo trước những khó khăn mà người loan Tin Mừng có thể gặp (cc 17-36), lời khuyên người loan Tin Mừng hãy từ bỏ (cc 37-39), và lời khuyên hãy đón tiếp các sứ giả của Tin Mừng (cc 40-42)

A. Hạt giống...
Bài Tin Mừng này có 3 ý :
1. Chúa Giêsu ban quyền cho nhóm 12 : Họ có quyền trên các thần ô uế và quyền chữa lành các bệnh tật. Đây chính là những quyền của Chúa Giêsu (x. Mt 9,35), cho nên Nhóm 12 có cùng những quyền với Chúa Giêsu.. Hơn nữa nếu so sánh với Mt 4,17 (tóm sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng) với câu cuối của đoạn Tin Mừng này (“Các con hãy đi rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần”) thì các ông cũng rao giảng cùng một sứ điệp như Chúa Giêsu. Như thế danh dự của người giảng Tin Mừng là có cùng quyền năng như Chúa Giêsu và giảng cùng một sứ điệp như Ngài.
2. Liệt kê danh sách 12 tông đồ. Họ xuất thân từ nhiều nơi và nhiều thành phần khác nhau, đa số là nghèo, ít học và không có địa vị cao trong xã hội.
3. Những chỉ dẫn đầu tiên về cách cư xử : 1/ Đừng đến với dân ngoại nhưng chỉ đến với các chiên lạc nhà Israel ; 2/ Nội dung rao giảng : Nước Trời đã đến gần”.

B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu không chọn những người tài cao học rộng giàu sang và có địa vị xã hội cao, mà chọn những người có tấm lòng và thiện chí. Hai điều này là đủ, mọi điều khác Chúa sẽ lo.
2. Một tác giả tưởng tượng việc Chúa chọn các tông đồ như sau : Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào. Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài cũng không chọn được ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện : nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường thả bộ ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy một đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc. Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài (Chờ đợi Chúa)
3. Chúa cũng chọn Giuđa, cũng ban quyền cho Giuđa và cũng sai Giuđa đi rao giảng Tin Mừng. Nghĩa là Chúa cũng tin tưởng và đặt hy vọng nơi Giuđa. Nhưng Giuđa đã không đáp lại niềm tin tưởng và hy vọng của Chúa.
Chúa cũng tin tưởng và hy vọng nơi con. Xin cho con đừng phụ lòng Chúa.
4. Sứ mạng của người giảng Tin Mừng là đẩy lùi sự xấu (xua đuổi các thần ô uế) và cứu chữa những khổ đau (chữa lành những người bệnh).
Đó cũng là sứ mạng của tôi. Vậy tôi đã làm gì để giảm bớt sự xấu trong môi trường tôi đang làm việc ? Tôi đã làm gì đề cứu chữa các anh em tôi ?
5. 12 tông đồ còn rất non yếu nên Chúa Giêsu không sai họ đến với những đối tượng khó khăn (dân ngoại) mà chỉ đến với những người Israel. Chúa không giao sứ mạng quá sức con người đâu. Cho nên tôi đừng e ngại và sợ hãi gì cả.
6. “Chúa Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trước các thần ô uế, để các ông trừ khử chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1)
Vào thời Chúa Giêsu, người ta quan niệm người bị tật nguyền là người tội lỗi vì đã làm điều ô uế. Nhưng theo Chúa Giêsu, những người đó được sinh ra để làm sáng danh Chúa, và chính Ngài đã từng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Ngài cũng đã cảm hoá được nhiều người tội lỗi trở về với Chúa Cha.
Ngày nay, sự ô uế hiện ở nhiều mặt : dối trá, tham lam, trộm cắp, ăn chơi sa đoạ…. Cánh cửa của sự ô uế vẫn luôn mở và tồn tại song song với cánh cửa Nước Trời. Chính vì thế, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ đặc ân là trừ khử mọi ô uế và chữa lành mọi bệnh tật.
Đặc ân ấy ngày nay không chỉ dành riêng cho 12 tông đồ mà cho mọi tín hữu. Mỗi người kitô hữu phải nhận lấy nhiệm vụ trừ khử ô uế nơi chính mình và giúp anh em thoát khỏi mọi điều ô uế.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho các tông đồ quyền trừ khử mọi ô uế nhằm làm sáng danh Chúa, thì xin Chúa cũng ban cho chúng con thêm sức mạnh để trừ khử ô uế nơi chính mình, sống tốt hơn và yêu mến Chúa luôn. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

10/07/13 THỨ TƯ TUẦN 14 TN
Mt 10,1-7

“Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước trời đã đến gần.” (Mt 10,7)
Suy niệm: Lời rao giảng “Nước Trời đã đến gần” đã vang lên trong hoang địa Giuđê khi Gioan Tẩy Giả được sai đến rao giảng cho dân Ítraen (Mt 3,2). Rồi khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ, Người cũng rao giảng với nội dung tương tự: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Thế rồi khi sai các tông đồ đi rao giảng, Đức Giêsu cũng căn dặn: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” Điều này cho thấy có một sự thống nhất về nội dung của lời rao giảng là: “Nước Trời đã đến gần.” Nước Trời ấy đã đến và tiếp tục đến với từng người. Nước Trời là một tình trạng đáng ước mong bởi tính ưu việt của nó là “công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17).
Mời Bạn: Nội dung lời rao giảng: “Nước Trời đã đến gần” gợi lên một sự cấp bách, thôi thúc người nghe đón nhận Tin Mừng và đem ra thực hành để xứng đáng được vào trong Nước Trời. Lời rao giảng “Nước Trời đã đến gần” ngày nay vẫn còn tính thời sự, đòi phải được tiếp tục nơi mọi kitô hữu là những người đã được lãnh nhận Lời Chúa và, qua bí tích Thánh Tẩy, họ trở thành những thừa tác viên Lời Chúa, được sai đi với sứ mạng sống và loan báo điều họ đã nghe.
Chia sẻ: Bạn có thực hành ngay điều bạn nghe được nơi Lời Chúa không?
Sống Lời Chúa: Thiện chí và mở lòng lắng nghe lời rao giảng của những thừa tác viên Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng tha thiết được sống trong Nước Trời là nguồn hạnh phúc hơn mọi thứ hạnh phúc  trần gian có thể ban tặng, để chúng con mau mắn và thiện chí lắng nghe lời rao giảng về Nước Trời.

Mười hai tông đồ
Giáo Hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ. Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần, đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người. 


Suy nim:
Đức Giêsu đã cần mười hai bạn trẻ cộng tác với mình,
để làm mục tử cho đàn chiên, làm thợ gặt cho mùa lúa chín vàng,
làm tông đồ cho một nước Paléttin nhỏ bé.
Ngài chia sẻ cho họ uy quyền mình có và sứ vụ mình làm (c. 1).
Con số mười  hai gợi nhớ mười hai chi tộc Israel ngày xưa.
Giáo Hội Ngài thiết lập sẽ là Israel mới, đặt nền trên mười hai bạn trẻ.
Chúng ta khó hình dung khuôn mặt riêng của mỗi vị tông đồ,
nhưng ta biết tên của họ qua các sách Tin Mừng, dù có chút dị biệt.
Họ có cá tính và cuộc đời riêng, nhưng đều được gọi bởi Thầy Giêsu,
và được Thầy sai đến với dân tộc mình là Israel (c. 6).
Tin Mừng Mátthêu kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp.
Simôn Phêrô đứng đầu danh sách, còn Giuđa Ítcariốt thì đứng cuối.
Chỉ sau này ta mới biết Simôn sẽ chối Thầy và Giuđa sẽ phản bội.
Có những cặp anh em ruột: Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê.
Có người làm nghề thu thuế cho quân đô hộ: Mátthêu.
Có người lại muốn dùng vũ trang giải phóng đất nước: Simôn nhiệt thành.
Có ba người được coi là môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê.
Nói chung đa số là những người ít học thức, làm nghề đánh cá.
Được sai đi thật là một thách đố đối với họ. 
Họ có làm nổi những việc Thầy giao không?
Vào thời Đức Giêsu, rao giảng “Nước Trời đã đến gần” là điều không dễ.
Để người ta tin chuyện đó, cần phải minh chứng bằng hành động cụ thể,
như chữa lành bệnh hoạn và khử trừ thần ô uế.
Vào thời nay, rao giảng Tin Mừng Nước Trời lại càng không dễ.
Rao giảng vẫn phải đi kèm với các việc phục vụ con người.
Lập một bệnh xá, bắc một cây cầu, đào một giếng nước,
giúp trẻ em nghèo đến trường, đưa người cai nghiện về lại với cộng đoàn,
cho các cô gái lầm lỡ có chỗ sinh con và nuôi con…
Giáo Hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ.
Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần,
đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người.
Mười Hai tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Paléttin,
và đã đặt chân đến những vùng đất mới.
Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa.
Chúng ta được Đấng Phục sinh sai đến mọi dân tộc (Mt 28, 20).
Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó.
Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam
hơn 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó, trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..
Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.
Xin cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.
Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải rađi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.
Lm Seoka
và 2 thầy dòng tiểu đệ Gioan Tẩy Giả

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Bảy

10 THÁNG BẢY

Hậu Quả Cay Đắng Của Sự Tự Do Sai Quấy

Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?

Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).

Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

St 41, 55-57; 42,5-7a.17-24a; Mt 10, 1-7

LỜI SUY NIỆM: “Chúa Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, và cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10,5-6)

Chúa Giêsu đã đào tạo các ông, và giờ đây Ngài giao trách nhiệm và sai các ông đi, nhưng Chúa biết nhóm còn quá ít, không thể trải rộng ra, cần phải khoanh vùng, vừa sức của các ông, để dễ mang lại kết quả. Điều này giúp cho chúng ta biết cách làm việc. Bởi trong mọi công tác tông đồ chúng ta thường ước muốn rất nhiều điều cần phải thực hiện cho cộng đoàn, nếu cùng một lúc chúng ta cùng thực hiện những ước mơ đó, khó mà thực hiện được. Vậy chúng ta nên nghe theo cách của Chúa Giêsu, là biết chọn điều nào cần thiết và có thể thực hiện được chúng ta làm trước, rồi từ từ phát triển thêm. Chắc chắn với ơn của Chúa; chúng ta sẽ giúp được nhiều việc cho Giáo Hội và xã hội.


Mạnh Phương


10 Tháng Bảy

Lời Lãi Cả Thế Gian Ðể Làm Gì?

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người.
Thông thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống, những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.
Thi sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: "Sâu bọ, ruồi nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi". Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên: "Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ... Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn".
Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh 83 như sau: "83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ".
Tại sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công trình nào.

Một cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn... Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta: "Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?".Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời... Trước khi công bố Hiến Chương của Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.
Ngài đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này.
Hạnh phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.


(Lẽ Sống)

Thứ Tư 10-7
Thánh Vêrônica Giuliani
(1660-1727)


Ư
ớc ao của Thánh Vêrônica là được giống Ðức Kitô bị đóng đinh và mong ước ấy đã được nhận lời với năm dấu thánh.
Thánh Vêrônica tên thật là Ursula Giuliani, sinh trưởng ở Mercatello nước Ý. Người ta kể lại khi mẹ của ngài hấp hối, bà đã gọi năm cô con gái đến cạnh giường và phó thác mỗi người con cho một vết thương của Chúa Giêsu. Ursula được phó thác cho vết thương cạnh sườn bên dưới trái tim Chúa Giêsu.
Ngay từ khi còn nhỏ, Ursula đã được các cảm nghiệm thần bí. Ngài viết: "Tôi nhớ là khi bảy hay tám tuổi, Ðức Giêsu đã hiện ra với tôi hai lần trong Tuần Thánh." Từ đó trở đi, Ursula hãm mình phạt xác và bị chính Satan tấn công nhiều lần. 
Vào năm 17 tuổi, sau khi thuyết phục được người cha không ép buộc đi lấy chồng, Ursula gia nhập dòng Thánh Clara Hèn Mọn do các tu sĩ Capuchin điều khiển và lấy tên là Vêrônica. Trong những năm đầu đệ tử viện, ngài làm việc trong nhà bếp, bệnh xá, phòng thánh và là người giữ cửa. Vào lúc 34 tuổi, ngài làm giám đốc đệ tử viện và đã giữ chức vụ này trong 22 năm. 
Trong thời gian tu trì, Sơ Vêrônica thường bị Satan quấy phá. Nó xô ngài ngã xuống cầu thang, nó giả dạng làm sơ giám đốc và đánh đập ngài tàn nhẫn. Nhưng Ðức Giêsu đã tỏ lòng quý mến ngài đặc biệt qua nhiều lần hiện ra và dưới nhiều hình thức. Có những lúc tưởng như sơ đã bị dập mặt xuống đất, nhưng lại được bảo bọc trong sự chiêm niệm thần bí.
Ba mươi lăm năm cuối cuộc đời là thời gian Sơ Vêrônica hoàn toàn đắm chìm trong Ðức Kitô. Thiên Chúa đã thử thách để sơ phải trải qua sự khô khan khủng khiếp. Satan cũng lợi dụng cơ hội này để tấn công ngài dữ dội. Chính trong thời gian ấy, Ðức Giêsu đã trao vương miện mão gai của Chúa cho sơ. Và điều ấy đã hoàn tất việc chuyển trao tất cả năm dấu thánh của Chúa.
Giới chức quyền trong Giáo Hội ở Rôma muốn thử nghiệm các vết thương của Sơ Vêrônica và mở cuộc điều tra. Ngài tạm thời phải từ chức giám đốc đệ tử viện và không được phép tham dự Thánh Lễ hàng ngày, ngoại trừ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc. Trong những điều kiện khắt khe ấy, Sơ Vêrônica vẫn không cay đắng, và sau đó cuộc điều tra đã phục hồi chức giám đốc cho ngài.
Vào năm 56 tuổi, mặc dù ngài phản đối, các nữ tu trong dòng đã chọn ngài làm bề trên và ngài đã giữ chức vụ ấy trong 11 năm cho đến khi từ trần. 
Sơ Vêrônica rất sùng kính Thánh Thể và Thánh Tâm. Ngài dâng hiến những đau khổ của mình cho công cuộc truyền giáo. Sơ Vêrônica được phong thánh năm 1839.
Lời Bàn
Tại sao Thiên Chúa lại ban năm dấu thánh cho Thánh Phanxicô Assisi và cho Thánh Vêrônica? Chỉ có Thiên Chúa mới biết được các lý do sâu xa, nhưng như Tôma Celano giải thích, các dấu thánh bên ngoài là để xác nhận lòng quý mến thập giá hằng ngày của các thánh nhân. Các dấu thánh xuất hiện trên thân thể của Thánh Vêrônica đã bắt nguồn từ lâu trong tâm hồn ngài. Ðó là một kết quả xứng hợp với lòng yêu mến Thiên Chúa của thánh nữ cũng như sự bác ái của ngài đối với các nữ tu trong dòng.
Lời Trích
Tôma Celano nói về Thánh Phanxicô như sau: "Mọi vui thú thế gian là thập giá cho ngài, vì ngài đã mang thập giá Ðức Kitô được ăn sâu trong tâm hồn. Và vì thế năm dấu thánh mới hiện ra bên ngoài thân thể, vì tự bên trong các dấu thánh ấy đã được phát sinh từ tâm trí của ngài(2 Celano, #211).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét