Thứ Sáu
sau Chúa Nhật II Mùa Chay
Thứ Sáu
01/03/2013
Bài Ðọc I: St 37, 3-4. 12-13a.
17b-28
"Này thằng chiêm
bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng ta bắt giết nó".
Trích
sách Sáng Thế.
Khi
các anh Giuse đi chăn những đoàn chiên của cha mình tại Sikem, thì Israel nói với
Giuse: "Có phải các anh con đang chăn chiên ở Sikem không? Con hãy lại
đây, cha sai con đi tìm các anh con".
Giuse
đi tìm các anh mình và gặp các anh tại Ðôtain. Khi các anh thấy Giuse từ đằng
xa tiến lại gần, họ liền âm mưu tìm cách giết Giuse. Họ nói với nhau rằng:
"Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng ta bắt giết
nó, ném xác nó xuống một cái giếng cạn và nói nó bị thú dữ ăn thịt, rồi xem các
điềm chiêm bao của nó sẽ ra sao?"
Ruben
nghe nói thế, liền định cứu Giuse khỏi tay anh em, nên nói rằng: "Chúng ta
đừng giết nó, đừng làm đổ máu, song ném nó xuống giếng nơi hoang vu này, và như
thế, tay các em không phải vấy máu". Ruben nói như thế, vì có ý muốn cứu
Giuse khỏi tay các anh em, để đem Giuse về cho cha mình. Khi Giuse vừa đến gần,
các anh liền cởi áo dài Giuse đang mặc, và bắt ném xuống giếng cạn.
Ðang
khi các ông ngồi ăn bánh, thì thấy một đoàn người Ismael từ Galaad tiến về
Ai-cập, các con lạc đà của họ chở đầy hương liệu, nhựa thơm và dầu thơm. Giuđa
nói với các anh em rằng: "Chúng ta giết em chúng ta và giấu máu nó đi, thì
có ích lợi gì? Tốt hơn là chúng ta đem bán nó cho người Ismael và tay chúng ta
không phải vấy máu, vì Giuse là em ruột thịt chúng ta". Các anh em nghe
theo lời Giuđa, nên khi các người lái buôn từ Mađian đi ngang qua đó, các ông
kéo Giuse lên khỏi giếng và đem bán cho các người Ismael với giá hai mươi đồng
bạc, và họ dẫn Giuse sang Ai-cập.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 16-17. 18-19.
20-21
Ðáp: Các ngươi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm (c. 5a).
Xướng: 1) Chúa đã gọi cảnh
cơ hàn về trên đất nước, và rút đi mọi sự nâng đỡ bằng cơm bánh. Ngài đã sai
một người đi trước họ: Giuse đã bị bán để làm nô lệ. - Ðáp.
2)
Thiên hạ đã lấy xiềng để trói chân người, và cổ người bị cột bằng xích sắt, cho
tới khi ứng nghiệm lời tiên đoán của người, lời của Chúa đã biện minh cho
người. -
Ðáp.
3)
Vua đã sai cởi trói cho người, Chúa của chư dân cũng đã giải phóng người. Vua
đã tôn người làm chủ của mình, và làm chúa trên toàn diện lãnh thổ. - Ðáp.
Câu Xướng
Trước Phúc Âm: Tv 94, 8ab
Hôm
nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe lời Chúa phán.
Phúc Âm: Mt 21, 33-43. 45-46
"Ðứa con thừa tự
kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và
các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà
kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây
tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai
đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt
các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một
số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ
sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình.
Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: "Ðứa con thừa
tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của
nó". Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ
xử trí với bọn họ thế nào? Các ông trả lời: "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác
đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi". Chúa
Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:
"Chính
viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc
lạ lùng trước mắt chúng ta?" Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ
cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái".
Các
Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền
tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên
tri.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm : Nước Thiên Chúa Sẽ Cất
Khỏi Các Ông
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu cho chúng ta lắng nghe dụ ngôn của Chúa
Giêsu nói về sự phản bội của một số người trong dân Chúa chọn, trước lời mời
gọi: "Hãy làm cho hồng ân Chúa ban được trổ sinh nhiều hoa trái".
Thiên Chúa cho ai nhiều, thì sẽ đòi nhiều. Chúa ban cho con một đời sống, Ngài
cũng ban tự do để con chọn lựa sống một đời sống thánh thiện, cao đẹp, bổ ích
hay phá tán thành một đời sống cằn cỗi, phản bội, độc hại, đê hèn. Phải! Thiên
Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần hỏi ý kiến. Nhưng Ngài không thể cứu
chuộc chúng ta, nếu không có sự cộng tác của chúng ta.
Với tự do, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể
thưa không đối với chương trình của Chúa. Nhưng lúc đó người bị thiệt hại không
phải là Thiên Chúa, mà kẻ thiệt hại chính là chúng ta. Lúc đó, chúng ta làm cho
cuộc sống mình trở thành cằn cỗi, phản bội, độc hại và đê hèn.
Anh chị em thân mến!
Chúa Giêsu đã nói dụ ngôn này trước biến cố
khổ nạn xảy ra cho Ngài. Sau khi mầu nhiệm vượt qua được hoàn tất, đó là việc
Chúa đã chịu chết và Phục Sinh để hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại của
Ngài. Chúng ta nghe lại dụ ngôn này và lĩnh hội thấm thía hơn ý nghĩa của nó.
Vì tình yêu đối với con người, Thiên Chúa có sáng kiến thực hiện chương trình
cứu độ, nhưng con người đã sử dụng tự do của mình để chống lại chương trình của
Ngài, không cộng tác với chương trình của Thiên Chúa.
Thật tệ hại hơn nữa là đã và đang còn có những
người dám lộng ngôn tuyên bố Thiên Chúa đã chết, và nếu Ngài chưa chết thì họ
dám hành động giết Ngài. Nói thế hay làm thế, họ tưởng rằng mình có thể phá đổ
được chương trình của Ngài. Nhưng thực sự thì họ đã làm hư hỏng cuộc đời của họ
và gây thiệt hại cho anh em xung quanh.
Ðã 2,000 năm qua, nước Thiên Chúa vẫn tiếp tục
lan rộng, Giáo hội Chúa vẫn tiếp tục phát triển cách lớn mạnh. Chúa Giêsu Kitô
vẫn còn gặp được những tâm hồn chân thành yêu mến Ngài, và kiên trì dấn thân
làm lợi những hồng ân lãnh nhận từ tình yêu Chúa để phục vụ anh em đồng loại.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,
tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" chia sẻ những suy tư của mình như
sau: Nhiều người Công giáo khoán việc cứu rỗi trần gian cho Chúa. Họ ý thức
rằng, Chúa trao việc cứu rỗi trần gian cho họ cộng tác. Giáo dân là người mến
yêu sự cứu rỗi trần thế của mình, là người tin rằng Chúa trao cho mình trần
gian để đưa họ đến sự cứu rỗi vĩnh cửu. Là người xác tín rằng, Chúa ban sự cứu
rỗi, nhưng Chúa đòi việc cộng tác của con người.
Có những người Công giáo đợi chờ, khoanh tay
mong đợi niềm hy vọng đến. Có những người Công giáo thụ động, trốn tránh, vô
trách nhiệm. Họ chỉ biết nhìn lên để kêu cứu mà không biết nhìn tới để tiến, và
nhìn quanh để chia sẻ gánh vác cho nhau. Niềm hy vọng đang ở giữa họ mà họ
không hay. Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh mệt nhọc, tránh hy sinh. Họ
muốn tạo hạnh phúc, tạo một thiên đàng dành riêng cho họ giữa trần gian, nhưng
họ sẽ mất thiên đàng vĩnh viễn.
Chúng ta không cần nói nhiều đến thái độ của
kẻ khác trước ơn cứu rỗi Chúa ban cho, nhưng mỗi người chúng ta cần nhìn đến
chính cuộc sống của mình. Tôi đã cộng tác với ơn Chúa ban như thế nào? Tôi có
thể nói được như Thánh Phaolô không: "Nhờ ơn Chúa, tôi được như thế
này", và ơn Chúa đã không trở nên vô ích đối với tôi.
Lạy Chúa, xin Chúa ban
cho chúng con biết quí trọng ơn Chúa ban cho chúng con. Xin Chúa ban ơn giúp
sức để chúng con kiên trì chu toàn trách nhiệm của mình, bằng cách can đảm,
quảng đại, kiên trì sống với những gì mà chúng con đã cam kết, đã lãnh nhận từ
trong bàn tay yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết trung thành làm tôi
Chúa và phụng sự Ngài cách trọn vẹn vĩnh viễn. Amen.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ SÁU TUẦN II MÙA CHAY
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan phòng kỳ diệu của
Thiên Chúa
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 tại Việt-nam được nhiều người gọi là
Ngày Quốc Hận; nhưng cũng là cơ may cho biết bao gia đình Việt-nam gởi các
“Giuse” ra các nước ngòai. Các Giuse này sau một thời gian lập nghiệp nơi xứ
người, đã đưa cả gia đình còn kẹt ở Việt-nam sang đòan tụ; hay ít nhất, cũng
gởi bao nhiêu của cải về Việt-nam để cứu cả nước khỏi đói khát. Nhìn lại biến
cố 30 tháng 4, nhiều người Việt-nam nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài
thực hiện nhiều điều tốt lành từ biến cố tang thương này.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy sự quan phòng của
Thiên Chúa: nhiều sự tốt lành được thực hiện ngay cả từ những ghen tương, giận
ghét của con người. Trong Bài Đọc I, ông Giuse đầu tiên bị các anh bán sang
Ai-cập với giá 20 đồng bạc, vì ghen tị em mình được cha thương hơn tất cả mọi
anh em. Nhưng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ông đã trở thành Tể-tướng của
Ai-cập để chuẩn bị cứu đói và đưa cả gia đình: cha và các anh em qua đòan tụ.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra câu truyện vườn nho của Thiên Chúa để ám chỉ
sự bạc bẽo của dân và cái chết tương lai của Ngài. Nhưng trong sự quan phòng
của Thiên Chúa, “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó
chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Ngài
chính là Tảng Đá đem lại Ơn Cứu Độ, không những cho dân tộc Do-thái, mà còn cho
tất cả các dân tộc.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Giuse bị các anh bán sang Ai-cập.
1.1/ Sự ghen tị và ác độc của các anh: Ông Israel có lý do để
yêu Giuse hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu; nhưng khi các
anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu và không
thể nói năng tử tế với cậu. Cơ hội báo thù đến khi cha gởi cậu mang cơm nước
cho các anh đang chăn chiên ngòai đồng, và cậu gặp các anh ở Dothan . Họ thấy cậu từ xa, và trước khi cậu
tới gần họ thì họ lập mưu giết chết cậu. Họ bảo nhau: "Thằng tướng chiêm
bao đang đến kia! Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói
là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các chiêm bao của nó đi tới
đâu!"
Giuse có biệt tài về việc giải thích các điềm chiêm bao. Cậu đã
từng chiêm bao và giải thích nó cho cha và các anh, vì cậu nói cha và các anh
đều quỳ xuống lạy cậu. Chính điều này làm cho các anh càng ghét và gọi cậu là
“Thằng tướng chiêm bao.” Khi qua Ai-cập, nhờ giải thích các điềm chiêm bao cho
hai ông quan mà cậu được ra khỏi tù; và cho Vua Pharao mà cậu được thăng chức
Tể-tướng. Trong Cựu-ước, chiêm bao là cách con người hiểu biết các kế họach kỳ
diệu, nhưng ẩn giấu mà Thiên Chúa sắp làm trên con người. Qua những điềm chiêm
bao này, Giuse thấu hiểu tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đã hướng dẫn
ông, gia đình, và nhân lọai.
1.2/ Kế họach của con người và sự quan phòng của Thiên Chúa: Các
anh muốn giết cậu để thủ tiêu ngay từ đầu, nhưng một người anh là Reuben tìm
cách cứu em khỏi tay họ, bằng cách đề nghị ném cậu xuống giếng; và họ đã ném
cậu xuống một cái giếng cạn không có nước. Sau đó, khi họ đang ngồi ăn, một
người anh khác là Judah
đề nghị với các anh em: "Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì?
Thôi, ta hãy bán nó cho người Ismael, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em
ta, là ruột thịt của ta." Các anh em nghe cậu. Khi thấy những lái buôn
người Madian đi qua đó, họ kéo Giuse lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người
Ismael hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giuse sang Ai-cập. Anh Judah này là hình ảnh của Tông-đồ Judah
sẽ bán Chúa Giêsu 30 đồng bạc. Qua biến cố này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa
dùng cả tình thương của anh Reuven và lòng tham tiền của anh Judah để cứu
Giuse khỏi chết.
2/ Phúc Âm: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá
tảng góc tường.
2.1/ Câu truyện Vườn Nho của Tân-ước: Sở dĩ chúng ta gọi như vậy
là để phân biệt với câu truyện Vườn Nho của Cựu-ước mà Tiên-tri Isaiah tường
thuật (Isa 5:1-7). Chúa Giêsu dùng thể văn lọai suy mà người nghe hiểu ngay
Ngài đang muốn ám chỉ ai và về điều gì:
Vườn nho là nhà Israel
và gia chủ là chính Thiên Chúa. Các tá điền là những người lãnh đạo trong Israel : tư tế,
kinh sư, và biệt phái. Đầy tớ của chủ là các tiên tri qua các thời đại. Điểm
khác biệt giữa hai câu truyện Vườn Nho là sự sai đi của Người Con. Nhưng bọn tá
điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết
quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra
bên ngoài vườn nho, và giết đi. Chúa Giêsu muốn đối thọai với khán giả để chính
họ ra bản án cho các tá điền:
- “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền
kia?"
- Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho
các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho
ông."
2.2/ Sự quan phòng của Thiên Chúa: Đức Giêsu bảo họ: "Các
ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ
diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa,
Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho
Nước ấy sinh hoa lợi.” Câu Kinh Thánh Chúa Giêsu trích dẫn ở đây là Thánh Vịnh
118:22-23. Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho họ biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa
đang được thực hiện ngay trong sự ghen ghét và ác độc của các tá điền. Ngài
chính là Tảng Đá mà các nhà lãnh đạo Do-Thái sắp giết chết; nhưng chính cái
chết của Ngài sẽ đem lại lợi ích cho mọi người: Do-thái cũng như Dân-ngọai. Từ
nay, Nước Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong dân tộc Do-thái nữa; mà sẽ mở
rộng đến mọi dân tộc. Sẽ có những dân tộc biết sinh hoa lợi cho Thiên Chúa
nhiều hơn dân tộc Do-thái.
Các Thượng-tế và Biệt-phái hiểu ngay là Người đang nói về họ qua
dụ ngôn Người kể. Như là một sự sắp đặt, “Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ
dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.” Họ chưa thi hành kế họach
được, vì giờ của Ngài chưa đến. Khi giờ đến, họ sẽ làm theo Kế Họach Cứu Độ của
Thiên Chúa đã vạch sẵn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa đang điều khiển và quan phòng mọi sự xảy ra trong
thế giới này. Con người có thể nghĩ họ là người điều khiển, nhưng thực ra họ
đang làm những gì đã được xếp đặt trong sự quan phòng của Ngài.
- Dĩ nhiên con người vẫn có tự do để cộng tác hay làm nghịch lại
ý của Thiên Chúa; nhưng họ không thể làm cho những gì Thiên Chúa họach định đừng
xảy ra. Ngài có thể dùng tất cả những cái tốt cũng như cái xấu của con người để
đạt những gì Ngài họach định.
- Sự quan phòng của Thiên Chúa nhiều khi không dễ hiểu; nhưng
chúng ta phải tin, vì nếu chúng ta hiểu được mọi sự quan phòng của Thiên Chúa,
chúng ta không còn là người nữa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
1 Ghi nhớ : Nước Thiên Chúa....ban
cho dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
2 Suy niệm : Cuộc sống này, cái gì là của tôi ? xét lại không có gì là của tôi cả: cơm cha, áo mẹ, công thầy, mạng sống này là do Chúa ban. Nghĩ cho cùng, chỉ có tội mới thật sự là của tôi, còn mọi thứ đều là vay mượn. Tôi phải làm sao một khi đến kỳ hạn tôi phải trả lại những gì tôi vay mượn? Chiếm đoạt nó ư ? Điều đó nằm ngoài khả năng của tôi. Chỉ còn cách là phải làm sao sinh lợi nhờ vào những gì tôi đang tạm sở hữu nó. Nhưng sinh lợi bằng cách nào ? Hãy đem trả lại tội lỗi cho ma quỷ, để lấy lại những nhân đức, hãy gieo rắc tình thương để nhận được lòng mến, hãy xóa đi oán ghét hận thù để nhận được lòng tha thứ, khoan dung, hãy từ bỏ mọi sự để theo Thầy để được lại gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
3 Sống Lời Chúa : Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh trái, thì Người chặt đi.
4 Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cố công làm việc thiện, để nhờ đó chúng con được sống nhờ thành quả tốt đẹp do việc mình làm.
2 Suy niệm : Cuộc sống này, cái gì là của tôi ? xét lại không có gì là của tôi cả: cơm cha, áo mẹ, công thầy, mạng sống này là do Chúa ban. Nghĩ cho cùng, chỉ có tội mới thật sự là của tôi, còn mọi thứ đều là vay mượn. Tôi phải làm sao một khi đến kỳ hạn tôi phải trả lại những gì tôi vay mượn? Chiếm đoạt nó ư ? Điều đó nằm ngoài khả năng của tôi. Chỉ còn cách là phải làm sao sinh lợi nhờ vào những gì tôi đang tạm sở hữu nó. Nhưng sinh lợi bằng cách nào ? Hãy đem trả lại tội lỗi cho ma quỷ, để lấy lại những nhân đức, hãy gieo rắc tình thương để nhận được lòng mến, hãy xóa đi oán ghét hận thù để nhận được lòng tha thứ, khoan dung, hãy từ bỏ mọi sự để theo Thầy để được lại gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
3 Sống Lời Chúa : Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh trái, thì Người chặt đi.
4 Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cố công làm việc thiện, để nhờ đó chúng con được sống nhờ thành quả tốt đẹp do việc mình làm.
Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pharisêu
hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người. (Mt 21,45-46)
Suy niệm: Khi đến trong trần
gian để thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó, Chúa Giêsu không ngán ngại đương
đầu với giới lãnh đạo Do Thái đương thời, một sự đương đầu đã dẫn Ngài đến cái
chết trên thập giá. Dụ ngôn về những tá điền sát nhân minh hoạ cho cao trào của
sự đương đầu này. Dùng cách nói bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu không ngại nêu rõ tâm
địa gian ác của các thượng tế và người Pharisêu, bởi họ chẳng những từ chối
nghe Lời Thiên Chúa mà còn hành hung, sát hại các sứ giả của Ngài. Chúa Giêsu
không hằn học, thù oán nhưng đầy yêu thương để đem lại lợi ích cho đoàn dân và
cho cả những kẻ đang làm hại dân nữa. Và Ngài còn ví mình là “người con thừa
tự” của chủ vườn nho, tự hiến thân mình, chịu sát hại để đem lại sự sống cho
muôn người.
Mời
Bạn:
Để trung thành với ơn gọi và sứ mạng của mình, các môn đệ Chúa Giêsu phải dám
đương đầu chấp nhận chịu “thiệt thân vì chính đạo,” khi đó là điều cần thiết.
Người môn đệ im lặng (tự bịt mắt, bịt tai, bịt miệng) hay vo tròn (vì ‘ba
phải’, xuê xoa, nhát đảm, cầu an bằng mọi giá) khi phải tuyên xưng niềm tin,
bênh vực cho công lý, là phản bội với chính ơn gọi của mình.
Sống Lời
Chúa:
Tự xét mình: - Tôi có chấp nhận đương đầu chịu “đóng đinh” vì Chúa khi cần
không? - Sự đương đầu của tôi có được thúc đẩy bởi yêu thương và diễn ra trong
yêu thương không?
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con bắt chước Chúa để trở thành môn đệ đích thực của
Chúa trong hoàn cảnh thực tế hôm nay dám đương đầu vác thập giá với Chúa và vì
Chúa. Amen.
SINH HOA
LỢI
Chúng
ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới. Chúng ta hãnh diện vì được trao
phó vườn nho là Nước Thiên Chúa, và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh hoa lợi
cho xứng ở đời này.
Suy niệm:
Trong Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe dụ
ngôn những tá điền.
Những tá điền này được chủ nhà cho canh tác
vườn nho của mình, để đến mùa hái nho họ giao lại
cho ông hoa lợi. Đây là một vườn nho được ông chủ
quan tâm săn sóc. Ông đã trồng, đã rào giậu, khoét
bồn đạp nho và xây tháp canh. Tiếc thay, khi ông chủ sai
các đầy tớ đến để thu hoa lợi các tá điền chẳng những
không nộp, mà còn hành hạ họ và giết đi (c. 35). Nhóm đầy
tớ thứ hai cũng chịu chung số phận (c. 36). Nhưng ông chủ
vẫn không thất vọng trước sự độc ác của các tá điền. Sau cùng, ông đã sai chính con trai mình đến với họ. Đứa con thừa tự cũng chẳng được nể vì, bị lôi ra khỏi vườn
nho và giết đi. Khi kể dụ ngôn này Đức Giêsu muốn
nói mình chính là người con ấy, người Con của ông chủ vườn
nho là Thiên Chúa. Ngài tiên báo về cái chết sắp đến
của mình bởi tay những tá điền sát nhân là các nhà lãnh đạo Do thái
giáo đương thời. Cái chết của Đức Giêsu nằm trong
chuỗi những cái chết của các ngôn sứ là các đầy tớ đã được Thiên Chúa sai đến với dân
Ítraen trong dòng lịch sử. Tuy nhiên, cái chết ấy đặc biệt
cao quý vì là cái chết của chính Người Con. Hơn thế nữa,
cái chết ấy không phải là một dấu chấm hết. Nó là cánh cửa
mở ra một trang mới của lịch sử, không phải chỉ là lịch sử
của dân tộc Ítraen, mà còn của cả nhân loại.
“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên
viên đá đầu góc.
Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ
diệu trước mắt chúng ta” (c. 42).
Giáo Hội sơ khai thích dùng trích dẫn trên đây
của thánh vịnh 118, 22 để nói về việc Đức Giêsu bị loại
trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7). Bị loại bỏ là
việc độc ác của con người, còn trở nên viên đá góc là việc
làm kỳ diệu của Thiên Chúa. “Thu hoa lợi”, “nộp hoa
lợi”, “sinh hoa lợi” (cc. 34, 41,
43). Hoa lợi là điều mà ông chủ nhắm tới khi ông đầu tư cho vườn
nho. Ông đã không thu được hoa lợi gì từ những tá điền độc ác, bởi đó ông đã lấy vườn nho lại, cho người khác làm để lấy
hoa lợi. Vườn nho bây giờ được hiểu là Nước Thiên Chúa. Nước này không còn nằm trong tay giới lãnh đạo dân Do thái
nữa,
nhưng được trao cho một dân biết sinh hoa lợi
(c. 43). Dân mới ấy chính là Giáo Hội phổ quát, trong đó gồm cả dân ngoại và những người Do thái tin Đức
Giêsu. Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới. Chúng ta hãnh diện vì được trao phó vườn nho là Nước Thiên
Chúa, và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh hoa lợi cho xứng ở
đời này. Làm thế nào để Giáo Hội nộp hoa lợi đúng mùa cho Chủ? Làm thế nào để chúng ta không rơi vào tội của các tá điền đi
trước?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con thường thấy mình không có thì giờ, nhưng đồng thời cũng thấy mình lãng phí bao thời gian quý báu. Nhiều khi con tự hỏi mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.
Xin cho con biết quý trọng từng giây phút đang trôi qua mà con không sao giữ lại được. Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian, để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa. Xin cho con luôn làm việc như Chúa : hăng say, tận tụy và vui tươi, vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.
Vì quá khứ thì đã qua, và tương lai thì chưa đến, nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại. Xin cho con thấy Chúa lúc này đang ở đây bên con, và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài bằng những hành động cụ thể.
Con xin hiến dâng Chúa giây phút này như một hy lễ, với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố. Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại để hiện tại đưa con vào vinh cửu của Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ðứa con thừa tự kia rồi,
nào anh em, chúng ta hãy giết nó".
Dụ Ngôn Tá Điền Vườn Nho
Qua
dụ ngôn người làm vườn nho sát nhân, không những Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết
dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Ngài, nhưng Ngài còn loan
báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục
sinh âý, Thiên Chúa như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, yếu đuối đã
trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân ban. Chúa Giêsu đã
gói ghém tất cả các mạc khải ấy trong câu trích từ Tv 118: “Chính viên đá thợ
xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường”. Cái bị loại bỏ đã trở thành chuẩn
mực, cái yếu đuối đã trở thành sức mạnh, cái điên dại đã trở thành lẽ khôn
ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng phó thác vào tình thương quan phòng của
Thiên Chúa. Màu tím của Mùa Chay có lẽ không nên phủ lên khuôn mặt chúng ta lớp
khăn tang của buồn sầu, thiểu não; trái lại, việc suy niệm cuộc Tử nạn của Chúa
Giêsu, việc chay tịnh trong thể xác và tâm hồn phải hướng chúng ta đến sự phục
sinh của Chúa Kitô. Cuộc Tử nạn của Ngài không phải là con đường hầm không có
lối thoát, nhưng ở cuối con đường ấy là nguồn sáng chan hoà của phục sinh. Đó
cũng phải là ánh sáng chiếu dọi vào những suy niệm của chúng ta.
Cũng
như thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể góp phần bổ túc những gì còn thiếu trong
cuộc Tử nạn của Chúa Kitô. Những mất mát, thua thiệt, những thất bại khổ đau
trong cuộc sống đều là những đóng góp của chúng ta với điều kiện chúng ta biết
đón nhận chúng với tinh thần phó thác của Chúa Giêsu, biết nhìn vào đó như
những viên đá để Thiên Chúa biến thành viên đá góc xây dựng Giáo hội Chúa Kitô.
Suy
tôn Thánh giá Chúa Kitô trong Mùa Chay, xin cho chúng ta biết nhìn lên ánh sáng
Phục sinh, để từ đó nhận ra được ý nghĩa và giá trị của đau khổ trong cuộc sống
chúng ta.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1
THÁNG BA
Một
Hình Bóng Của Đất Hứa
Trong Mùa Chay, chúng
ta được mời gọi một cách đặc biệt bước vào thực tại vượt qua. Thực tại này được
tìm thấy nơi Đức Kitô. Đồng thời, thực tại này cũng dành cho chúng ta. Nó phải
bao trùm lấy chúng ta, như đám mây đã bao trùm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên
núi Hiển Dung (Lc 9,34).
Lời hứa của giao ước
mới được hoàn thành xuyên qua mầu nhiệm vượt qua – một mầu nhiệm chạm đến con
người. Trong mầu nhiệm đó, chúng ta nhận thấy lời cam kết của Thiên Chúa được
hoàn thành trọn vẹn: lời cam kết đưa dẫn Abraham và con cháu ông vào miền Đất
Hứa. Trong nhiều thế hệ, miền đất này đã trở thành It-ra-en của Giao Uớc Cũ.
Tuy nhiên, đó chỉ là một bóng hình báo trước miền đất mà Thiên Chúa đã trao ban
cho chúng ta trong Đức Kitô.
Vì Thiên Chúa của Giao
Ước Mới không hạn định lời hứa của Ngài nơi bất cứ một đất nước riêng rẽ nào
hay bất cứ một nơi chốn chất thể nào. Không một nơi chốn nào trên trần gian có
thể chứa đựng được hoạt động cứu độ của Thiên Chúa đối với những ai qui tụ lại
trong Đức Kitô. Về mầu nhiệm này, Thánh Phao-lô viết: “Còn chúng ta, quê hương
chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Kitô từ trời
đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền
năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển
của Người” (Pl 3,20-21).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 01-3
St 37, 3-4.12-13a.17b-28; Mt 21, 33-43.45-46
LỜI
SUY NIỆM: “Có gia chủ kia trồng
được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn ông khoét bồn đạp
nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (Mt
21,33b).
Trong dụ
ngôn cho chúng ta thấy Thiên Chúa rất yêu thương và tôn trọng con người, Thiên
Chúa đã tạo dựng và chu đáo chuẩn bị những gì cần thiết cho đời sống của con
người, Ngài trao quyển quản lý và tự do khai thác để sinh lợi cho mình, và Ngài
muốn con người cũng phải sống với Ngài như vậy. Nhưng con người vì những yếu
kém trong suy nghĩ và thiếu khôn ngoan, quá ích kỷ muốn chiếm đoạt tất cả, nên
đã cấu kết với nhau xúc phạm đến tình yêu của Ngài, nhưng không vì thế mà Ngài
sẽ trừng phạt ngay. Ngài vẫn kiên trì chờ đợi, và cuối cùng Ngài đã phải ban
chính Con Một của Ngài đến để thực hiện kế hoạch yêu thương và cứu chuộc của
Ngài để cứu con người. Tất cả đều là hồng ân của Chúa ban, chúng ta luôn phải
tạ ơn Ngài và đem ra sống với tha nhân.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
01 Tháng Ba
Tro
Tàn Của Lịch Sử
Một
buổi sáng dạo đầu tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh
khác thường tại quảng trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ
tịch Georgi Dimitrov ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người
thân của ông tham dự nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải
táng bên cạnh phần mộ của mẹ ông.
Georgi
Dimitrov đã từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát
xít và sáng lập Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã
ướp xác ông và đặt vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng
vinh quang của quá khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch
sử...
Người
ra lệnh đưa ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng
Cộng Sản Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội... Georgi Dimitrov là một
trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được
ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Con
người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ
đi về đâu sau cái chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh từ đặt ra chi mình những
câu hỏi lớn ấy thì có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh
vọng, không ai còn nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát
khỏi đống tro tàn của lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ
bệ. Hôm nay người ta ướp xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...
Là
người có niềm tin, chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết
và sự Phục Sinh. Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn
của đời người. Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để
làm gì và biết mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải
chăng đó không là điều chúng ta đang tìm kiếm?
Tin
Mừng ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ
bằng một lời nói, chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng
ngàn người đói khát. Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây
đũa thần để mang lại no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã
không làm người vì sứ mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức
ăn sẽ không làm cho con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư
vô của tiền của và danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống
trường sinh... Ðó là lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi
người ta muốn tôn vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời
gọi con người hãy hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống
bất diệt.
(Lẽ
Sống)
Thứ Sáu 1-3
Thánh Ðavít
(c. 589)
Ð
|
avít là thánh quan thầy của xứ Wales và có lẽ là vị thánh nổi
tiếng nhất nước Anh. Nhưng không may, chúng ta không biết nhiều về ngài.
Ðược biết ngài là một linh mục, tham dự trong công cuộc truyền
giáo và sáng lập nhiều đan viện, kể cả đan viện chính của ngài ở phía nam xứ Wales . Có nhiều
truyền thuyết kể về ngài và các đan sĩ. Các ngài sống rất khắc khổ. Họ làm việc
trong im lặng và cầy cấy bằng chân tay mà không dùng đến sức loài vật. Thực
phẩm của các ngài chỉ giới hạn trong bánh mì, rau trái và nước lạnh.
Vào khoảng năm 550, thánh nhân tham dự một thượng hội đồng ở Brevi
thuộc Cardiganshire. Sự đóng góp của ngài trong thượng hội đồng được coi là chủ
yếu và các giáo sĩ đã chọn ngài làm giáo chủ của Giáo Hội Cambrian. Người ta
nói ngài được tấn phong tổng giám mục bởi vị thượng phụ của Giêrusalem trong
một chuyến hành hương Ðất Thánh. Ngài cũng được cho là đã triệu tập một công
đồng để chấm dứt vết tích của lạc giáo Pelagiô (*). Thánh Ðavít từ trần ở tu
viện của ngài ở Menevia khoảng 589. Việc sùng kính ngài được Ðức Giáo Hoàng
Callistus II chấp thuận vào năm 1120. Ngài được tôn kính là vị quan thầy của xứ
Wales .
Thánh Ðavít thường được vẽ đứng trên một gò đất với chim bồ câu ở
trên vai. Truyền thuyết nói rằng có lần ngài đang rao giảng thì một con bồ câu
đáp xuống đậu trên vai ngài, và mặt đất chỗ ngài đứng dâng lên cao để mọi người
có thể nghe ngài giảng dạy. Trong thời kỳ tiền-Cải Cách, trên 50 nhà thờ ở
South Wales được xây dựng để kính ngài.
(*) Pelagiô là một tu sĩ thuộc thế kỷ thứ năm,
chủ trương rằng tự do ý muốn của con người là yếu tố quyết định về sự trọn lành
của mỗi một người, và ông cho rằng con người không cần ơn của Thiên Chúa để
được cứu rỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét