Hai người bạn trở thành đối nghịch của
Đức Bênêdíctô XVI
Người bạn cũ thứ nhất nay trở thành người đối nghịch với Đức
Bênêđíctô là Hans Kung, người Thụy Sĩ, linh mục, thần học gia và nhà văn. Hans
Kung vốn được Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII cử nhiệm làm chuyên viên cho
Công Đồng Vatican II cùng với thần học gia Joseph Ratzinger, người mà ông cho
là do ông tiến cử đã được mời làm giáo sư thần học tín lý tại Đại Học Tubingen.
Sau này, vì chống lại tín điều vô ngộ của Vatican I, ông bị tước quyền giảng dạy
trong tư cách giáo sư Công Giáo vào năm 1979, trước khi Đức Hồng Y Joseph
Ratzinger được Đức Gioan Phaolô mời làm Bộ Trưởng Giáo Lý Đức Tin.
Hans Kung
Hans Kung
Hans Kung |
Như thế, có thể nói việc Hans Kung bị tước quyền giảng dạy không liên hệ gì tới thời gian Đức Hồng Y Ratzinger phục vụ tại giáo triều Rôma. Tuy nhiên, đã từ lâu ông vốn chỉ trích ngài là người phản bội lý tưởng của Vatican II, khi rời bỏ hàng ngũ cấp tiến để mon men trở lại với phe bảo thủ trong Giáo Hội của thời trước Vatican II, nhất là từ ngày ngài đảm nhiệm vai trò “lý thuyết gia” hàng đầu của Giáo Hội.
Hans Kung mỗi ngày một đi xa hơn trong “trận tuyến” tín lý. Ông chính thức chấp nhận an tử (euthanasia) theo quan điểm Kitô Giáo, trong cuốn Dying with Dignity viết chung với Walter Jens năm 1998. Năm 2005, ông cho đăng trên báo chí Ý và Đức một bài kịch liệt chỉ trích Đức Gioan Phaolô II, tựa là Các Thất Bại Của Giáo Hoàng Wojtyla. Thay vì cổ vũ một thời hồi tâm, cải cách và đối thoại, vị giáo hoàng này, theo ông, đã cố gắng phục hồi thời kỳ tiền Vatican II, hoàn toàn chống đối cải cách và đối thoại liên tôn, đồng thời tái lập quyền thống trị tuyệt đối của Rôma. Thay vì hiện đại hóa, đối thoại và đại kết, vị giáo hoàng này chỉ lo tái lập, làm chủ và bắt người ta vâng lời, tạo ra cả một hàng giáo phẩm cứng ngắc, tầm thường và càng ngày càng bảo thủ.
Có điều đáng lưu ý: ông chưa bao giờ bị vạ tuyệt thông chính thức và chức linh mục của ông vẫn còn nguyên vẹn. Không những thế, ngày 26 tháng 9 năm 2005, vừa lên ngôi giáo hoàng không bao lâu, Đức Bênêđíctô XVI đã thân hành mời ông tới Castel Gandolfo để chuyện vãn khiến ông và các quan sát viên phải bỡ ngỡ. Tuy nhiên, ông dựa vào biến cố này để tấn công thêm Đức Bênêđictô XVI. Năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Le Monde, Hans Kung chỉ trích quyết định của ngài liên quan tới việc bãi bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục của Hội Thánh Piô X. Đồng thời, ông cũng cho rằng nền thần học của ngài chỉ ngang tầm với nền thần học của Công Đồng Nixêa năm 325.
Tháng 4 năm 2010, ông gửi tới nhiều tờ báo lá thư ngõ gửi toàn thể giám mục Công Giáo thế giới để chỉ trích cách Đức Bênêđíctô XVI xử lý các vấn đề phụng vụ, liên tôn, tính hợp đoàn của giám mục và gương xấu xách nhiễu tình dục. Ông kêu gọi các giám mục xem sét sáu đề nghị của ông, từ việc mạnh dạn lên tiếng, đưa ra các giải pháp miền cho tới việc kêu gọi triệu tập một công đồng Vatican mới.
Gần đây, ngày 24 tháng 5, 2012, trên blog của tạp chí The Tablet, ông cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đang khuyến khích việc không vâng lời, qua việc dọn đường để hoà giải dứt khoát với Hội Duy Truyền Thống Thánh Piô X cùng các giám mục và linh mục của họ, những người ông cho là được thụ phong không những trái phép mà còn bất thành nữa. Với hành động này, Đức Bênêđíctô, người vốn sống xa cách người khác, sẽ càng tách mình ra xa dân Chúa hơn nữa. Hans Kung còn đi xa hơn, coi hành vi của ngài là ly giáo, vì qua hành động này, ngài tự tách mình không những ra khỏi Giáo Hội mà còn ra khỏi nhiệm thể Giáo Hội nữa, là hai nhân tố tạo ra ly giáo như Francisco Suarez (1548-1617) từng dạy. Mà đã là ly giáo, thì ngài hết chức vụ, hay ít nhất, cũng không còn được người ta vâng theo nữa. Ông kết luận: “Giáo Hoàng Bênêđíctô đang cổ vũ hơn nữa một phong trào “bất vâng phục” đã và đang càng ngày càng lớn mạnh hiện nay đối với hàng giáo phẩm bất vâng phục Tin Mừng”.
Rồi gần đây nhất, trên tờ The Guardian, ngày 5 tháng 10, 2012, ông kêu gọi các linh mục và giáo dân đứng lên thách thức phẩm trật Công Giáo, lât đổ giáo hoàng và triệt để cải cách Vatican. Ông mô tả Giáo Hội Công Giáo như một “hệ thống chuyên quyền” y hệt nền độc tài Quốc Xã Đức. Ông ví việc các giám mục thề vâng lời giáo hoàng với việc chế độ Quốc Xã đòi các tướng lãnh phải thề trung thành với Hitler. Điều duy nhất hiện nay là cuộc cải cách từ dưới đi lên: các linh mục cần phải chấm dứt việc phục tùng và tự tổ chức lại để nói thẳng rằng mình không còn chịu đựng nổi nữa.
Riêng đối với vị đương kim giáo hoàng, nhân nhắc lại những lần cho Ratzinger quá giang trên chiếc Alfa Romeo bóng loáng của mình lúc còn dạy với nhau ở Tubingen, Kung cho rằng cái hình ảnh tự phóng đại về một người khiêm hạ cỡi xe đạp, không bao giờ có bằng lái xe, của ngài đã tan biến với việc đăng quang năm 2005: “Ngài triển khai một lối hào nhóang chẳng thích hợp chút nào với con người mà tôi và nhiều người khác từng biết: một người trước đây vốn lui tới với chiếc mũ berê kiểu Basque trên đầu và tác phong khá khiêm tốn. Bây giờ thì người ta thường thấy ngài phủ đầy mình những lụa là vàng bạc đầy khoe khoang. Chính ngài tỏ ý muốn đội chiếc triều thiên của giáo hoàng thời thế kỷ 19, thậm chí mặc cả phẩm phục của giáo hoàng Lêô X thuộc nhà Medici nữa”.
Và dù phê bình sự hào nhoáng biểu hiện của Ratzinger từ ngày “đăng quang” giáo hoàng, Kung dường như cũng đang cạnh tranh về phương diện ấy: ông cho dựng bức tượng cao 2 mét của mình tại vườn trước nhà để ngày nào cũng thấy nó từ phòng đọc sách nhìn ra và ông đang cố gắng tạo ra một thứ Đạo Đức Hoàn Cầu (Stiftung Weltethos) nhằm mục đích đem các tôn giáo hoàn cầu lại với nhau bằng cách nhấn mạnh những gì họ có chung với nhau hơn là những gì họ khác nhau. Ông cho soạn thảo một bộ luật sống mà ông hy vọng cuối cùng được mọi người nhìn nhận như tổ chức Liên Hiệp Quốc vậy!
Điều lạ là Kung ví Vatican với Điệm Kremlin: “Putin, một nhân viên tình báo, trở thành người đứng đầu nước Nga thế nào, Ratzinger, đứng đầu ngành tình báo của Giáo Hội Công Giáo, cũng đã trở thành người cầm đầu Vatican như thế!”. Ông chơi chữ bằng cách cho rằng vị giáo hoàng này không bao giờ xin lỗi trước sự kiện nhiều vụ xách nhiễu tình dục bị khóa chặt vì lý do secretum pontificium (bí mật của giáo hoàng).
Tuy nhiên, Đức Bênêđíctô không hề cắt đứt liên hệ với Kung. Chính Kung nhìn nhận hai bên vẫn tiếp tục liên lạc với nhau. Không kể cuộc hội ngộ kéo dài 4 tiếng tại
Ngày 21 tháng 9 năm 2011, trên tờ Spiegel, tuy đã ví Đức Bênêđíctô với Putin rồi, ông nhắc lại kỷ niệm buổi hội hộ năm 2005, mà ông cho là “thân thiện”. Lúc ấy ông hy vọng một kỷ nguyên cởi mở sẽ được mở ra, nhưng niềm hy vọng ấy không tới. Tuy vậy, họ vẫn tiếp tục thư từ qua lại. Kung vẫn gửi biếu Đức Giáo Hoàng các tác phẩm mới nhất của ông, và rất vui “vì ngài không chấm dứt mối liên hệ bản thân mặc dù tôi phê bình ngài gay gắt”.
Trước quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI, đồng nghiệp trước đây của ông, Kung vắn tắt cho rằng việc này đem lại cho ngài lòng kính trọng của mọi người, gọi đó là “một quyết định dễ hiểu vì nhiều lý do”, và hy vọng rằng “Ratzinger sẽ không gây ảnh hưởng tới việc chọn người kế vị mình”. Nỗi lo ngại của ông là: dưới triều đại của mình, Đức Bênêđíctô đã xây dựng một nhóm hồng y hết sức bảo thủ đến độ khó hy vọng có được một vị kế nhiệm cấp tiến, do đó, Giáo Hội khó thoát ra ngoài cơn khủng hoảng nhiều mặt hiện nay.
Uta Ranke-Heinemann
Uta Ranke-Heinemanm |
Bạn cũ nay trở thành người chống đối thứ hai là nữ thần học gia Uta Ranke-Heinemann. Thực ra, Heinemann chưa bao giờ làm việc chung với Ratzinger. Bà chỉ là bạn cùng lớp với ngài khi dọn tiến sĩ tại Đại Học Munich vào đầu thập niên 1950. Bà sinh năm 1927; thân phụ là Gustav Heinemann, Tổng Thống Đức từ 1969 tới 1974; học trò của Rudolf Bultmann, trở lại Công Giáo năm 1953, là phụ nữ Công Giáo đầu tiên đậu tiến sĩ năm 1954 và là phụ nữ đầu tiên trên thế giới được giữ ghế giáo sư thần học Công Giáo tại Đại Học Essen từ năm 1970. Năm 1987, bà cũng là nữ giáo sư Công Giáo đầu tiên bị mất chức vì bác bỏ tín điều đời đời đồng trinh của Đức Maria. Bà tự nhận bị tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) theo giáo luật điều 1364 tiết 1, tuy nhiên, chưa bao giờ bị tuyệt thông chính thức (ferendae sententiae). Năm 1999, bà từng ra tranh cử tổng thống Đức, nhưng thua người cháu gái của chồng là Johannes Rau. Sau khi chồng qua đời ngày 9 tháng 11 năm 2001, bà tuyên bố ly khai khỏi Kitô Giáo truyền thống, với 7 chủ trương sau: Thánh Kinh chỉ là lời của con người; Thiên Chúa Ba Ngôi chỉ là tưởng tượng của con người; Chúa Giêsu chỉ là người; Đức Maria chỉ là mẹ Chúa Giêsu; hoả ngục là sản phẩm của tưởng tượng; qủy và tội nguyên tổ không hề có; việc cứu chuộc có đổ máu chỉ là hình thức sát tế người của ngoại giáo mà thôi, dựa vào huyền thoại của Thời Kỳ Đồ Đá.
Chỉ cần đọc tựa các tác phẩm chính của bà cũng đủ thấy Heinemann tách mình ra khỏi chính dòng thần học Công Giáo ra sao: Eunuchs for the kingdom of heaven: Women, sexuality, and the Catholic Church (1988); Putting away childish things: the Virgin birth, the empty tomb, and other fairy tales you don't need to believe to have a living faith (1992).
Riêng đối với ngôi vị giáo hoàng, Heinemann được coi như một trong những người chỉ trích Đức Gioan Phaolô II lớn tiếng nhất. Bà cho rằng suốt trong 26 năm trị vì, Đức Gioan Phaolô II thường xuyên làm bà khó chịu. Theo bà, Đức Gioan Phaolô II chán ngán đến cùng cực khiến bà chịu không nổi. Ngài bị ám ảnh bởi Đức Maria, lải nhải “Maria, Maria, Maria” hoài. Bà nói Đức Maria đối với bà rất có ý nghĩa vì ngài đã mất một người con. Thế mà Đức Gioan Phaolô II lại bảo là ngài vui khi thấy con trên thánh giá và chính ngài muốn đóng đinh con vì phần rỗi của chúng ta.
Bà ác cảm đối với Đức Gioan Phaolô II đến nỗi bà gọi ngài là “Ông thần học Người Cát” (Theological Sandman) vì khi muốn buồn ngủ, bà mở Đài Phát Thanh
Riêng với Đức Bênêđíctô, bà làm hòa ngay lúc ngài còn sống. Đó là cảm tưởng bà phát biểu khi nghe tin ngài được bầu làm giáo hoàng. “Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình có thể vui trước tin bầu cử một giáo hoàng mới. Nhưng tôi quả vui vì Đức Hồng Y Ratzinger, đúng hơn phải nói là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, vì chúng tôi vốn có lòng kính trọng nhau từ xưa tới nay”. Thực ra, chính bà, bà cũng không hiểu tại sao “tôi luôn luôn thích Ratzinger, trong suốt hơn 51 năm qua, trong khi trong hơn 26 năm qua, Đức Gioan Phaolô II luôn làm tôi khó chịu. Xin thú thực, tôi không có câu trả lời”. Có lẽ vì cùng là sinh viên dọn tiến sĩ với nhau ở Đại Học Munich trong các năm 1953 và 1954, là những năm lần đầu tiên một nữ sinh viên được phép dọn tiến sĩ về thần học Công Giáo. Và lòng kính trọng nhau càng được thâm hậu hóa nhờ cả hai cùng bảo vệ luận án bằng tiếng La Tinh. Khi chuẩn bị luận án, cả hai đã dịch chúng từ tiếng Đức qua tiếng La Tinh.
Nhân dịp trên, bà cho rằng Ratzinger rất thông minh, là sinh viên xuất sắc, ai nấy đều ngưỡng mộ. Nhưng điều Uta ngưỡng mộ hơn cả nơi Ratzinger là ngài khá khiêm tốn, không bị ám ảnh bởi cái tôi của mình. Bà thích trí thông minh khiêm nhường của ngài. Bà vẫn còn rất thích nhiều đoạn trong các tác phẩm của ngài và thường xuyên trích dẫn chúng. Trong suốt đời bà, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi thấy bà luôn bênh vực Ratzinger, dù bà công khai cho rằng nhiều ý kiến của ngài hoàn toàn sai lầm.
Uta cho rằng Ratzinger là một thần học gia cấp tiến, được chọn làm chuyên viên của Vatican II là do các viễn kiến cấp tiến của ngài. Nhưng dưới thời của Đức Gioan Phaolô II, ngài không hề lên tiếng chỉ trích việc đàn áp phụ nữ và chủ nghĩa bi quan về tình dục, dù ngài có điều mà người Pháp quen gọi là esprit de finesse (tinh thần tinh tế). Ngược lại, Ratzinger đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Đức Gioan Phaolô II, đặc biệt về thánh mẫu học, phản bội lại cả vị giáo sư hướng dẫn ngài làm luận án tiến sĩ là Söhngen, người đã nhại lại câu nói của Thánh Giêrôm vào năm 400 “Tôi thức giấc và thở dài: thế giới đã trở thành Ariô cả” (Ariô là lạc giáo bác bỏ thần tính của Chúa Giêsu) để nói về việc Đức Piô XII tuyên bố Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: “Tôi thức giấc và thở dài: thế giới đã trở thành Maria cả”. Tuy nhiên “lòng trung thành của tôi với ngài và lòng trung thành của ngài với tôi vẫm luôn bền bỉ”.
Bà tin rằng với Đức Bênêđíctô, bà không bị ngưng chức. “Ngài quá thông minh… Ngài hiểu đó chỉ là ý kiến cá nhân của tôi khi dạy rằng Đức Maria không thể nào vừa là trinh nữ vừa là mẹ được. Ratzinger chắc chắn ủng hộ tôi… Thực thế, sau khi mất chức và bị tuyệt thông năm 1987, Ratzinger là người duy nhất viết thư cho tôi một cách thân hữu”.
Ấy thế, nhưng ngay năm 2005, bà cho rằng sẽ chẳng có gì thay đổi đáng kể trong Giáo Hội: “Ratzinger sẽ không thay đổi 2,000 năm thống trị của đàn ông”. Nhưng bà hy vọng sẽ có thay đổi nhỏ như cho phép phụ nữ tại các nước bị AIDS hoành hành của Phi Châu được sử dụng áo mưa ngừa thai. Tuy nhiên, hy vọng này đã tan biến nhanh chóng, nên nhân dịp Đức Bênêđíctô về thăm Đức năm 2006, bà đã viết bài: Đức Giáo Hoàng và Các Lỗ Thủng Trong Áo Mưa Ngừa Thai: “vì thảm kịch AIDS, tôi tố giác Đức GH Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI về tội: hàng chục năm nay chuyên đánh lừa nhân loại bằng những hậu quả chết người. Tôi tố giác các ngài phạm tội đã kết án nhiều người phải hành xử theo các chủ trương đần độn và bất nhất cho rằng áo mưa ngừa thai có lỗ và sẽ dẫn người ta tới trầm luân đời đời. Tôi đòi hỏi
Mặc dù thế, đối với bà, người đồng môn của bà vẫn là một bí ẩn, vì một đàng ngài rất thông minh, nhưng mặt khác lại qủa quyết được những điều trái với lý trí như Thiên Chúa làm người, hay Thiên Chúa Ba Ngôi! Nói với Kate Connolly của tờ The Guardian, Uta hoan nghinh việc Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm, coi nó là việc duy nhất bà thích nơi ngài.
Vũ Văn An--2/19/2013 – vietcatholic.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét