(P I)Chúa Nhật 10/02/2013
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN NĂM
C
BÀI
ĐỌC I: Is 6, 1-2a, 3-8
"Này tôi đây, xin
hãy sai tôi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy
Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến
đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: "Thánh, Thánh, Thánh!
Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa".
Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói.
Lúc bấy giờ tôi mới nói: "Vô phúc
cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ
đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh".
Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy
đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và
nói: "Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi
được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha". Và tôi nghe tiếng Chúa phán
bảo: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?" Tôi liền thưa:
"Này con đây, xin hãy sai con". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3.4-5. 7c-8
Đáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).
1)
Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin;
trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh
điện Ngài. - Đáp.
2)
Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi
con kêu cầu, Chúa nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Đáp.
3)
Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa
phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: "Thực, vinh quang của Chúa
lớn lao!" - Đáp.
4)
Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều
đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công
cuộc tay Ngài. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 1-11 (bài dài)
"Chúa hiện ra với
Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại
cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và
đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao
giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho
anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội
lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba
Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha,
rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một
lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã
chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng,
Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn
nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt
bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của
Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc
nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở
với tôi. Dù tôi, dù là các Đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em
cũng đã tin như vậy. Đó là lời Chúa.
Hoặc
đọc bài vắn này: 1 Cr 15, 3-8. 11
Anh em thân mến, tôi đã rao truyền
cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì
tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ
ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông
Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em
trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có
vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông
đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Dù tôi,
dù là các Đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như
vậy. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con
của Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ
mọi sự mà đi theo Người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần
Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người
trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền
và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và
Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân
chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ
nước sâu, và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy,
chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ
thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu
như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh
đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến
nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới
chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con,
vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông
cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và
Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa
Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh
phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà
đi theo Người. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa Gọi Các Tông Ðồ
Tiếp tục chương trình của những Chúa nhật mở đầu mùa
Thường Niên day dỗ chúng ta về những bước đầu trong cuộc đời truyền đạo của
Chúa Giêsu, bài Tin Mừng Luca hôm nay nói đến việc Chúa chọn những tông đồ đầu
tiên. Bài Cựu Ước được dùng để báo trước vấn đề này là đoạn sách Isaia kể lại
việc Chúa gọi nhà tiên tri. Các tông đồ ngày nay ở trong Hội Thánh tiếp nối
công việc của những người được Chúa chọn trong Cựu Ước cũng như Tân Ước.
Thế nên bài Thánh Thư nói họ phải rao giảng giáo lý nào
cho trung thành với truyền thống. Như vậy, Chúa nhật hôm nay đáng gọi là ngày
ơn gọi. Chúng ta xem Chúa đã gọi chúng ta như thế nào để chúng ta biết phải
sống thế nào cho xứng đáng với ơn gọi ấy.
1. Chúa Gọi Isaia
Chúng ta đều biết những câu đầu chương VI sách Isaia.
Nhà tiên tri kể lại ơn gọi của mình. Năm ấy Ôzya, vị vua thứ 10 của Israen mới
thăng hà. Ðó là điềm không tốt cho quốc gia này. Vì Ôzya, cũng có tên là
Azarias, là một vị vua đạo đức. Dưới triều đại ông, Israen không những thái
bình, mà còn ghi vào lịch sử một số chiến thắng. Ông thăng hà, có nghĩa là thời
vận Israen bắt đầu thay đổi. Sách Isaia nói đến thế lực của Assyria phương bắc
đang dần dần kéo xuống gần bờ cõi Israen. Người ta run sợ trước kỵ binh và tên
nỏ. Nhưng chính những lúc ấy, Chúa lại tỏ ra thương dân lạ lùng. Người sai đến
cho họ những người sẽ nói nhân danh Người.
Isaia được ơn gọi vào năm ấy, năm 740 trước Ðức Giêsu
ra đời. Ông đang ở trong đền thờ. Bỗng dưng ông thấy Chúa hiện ra ngự trên
ngai, có áo choàng phủ khắp đền thờ. Lại có những Sêraphim chầu hầu. Và có
tiếng tung hô: "Thánh, thánh, thánh, Chúa các đạo binh, khắp đất đầy tràn
vinh quang Người". Rồi mộng cửa rung rinh, nhà nghi ngút khói.
Có thật Isaia đã thấy như vậy không? Hay đây là những
nét tả đầy tính cách thần học? Dù sao quang cảnh này cũng có nhiều ý nghĩa.
Trung thành với truyền thống không bao giờ dám mô tả chính Thiên Chúa, - vì mắt
phàm thấy sao được long nhan Người? ở đây tác giả nói đến những sự chung quanh
Thiên Chúa hơn là diễn tả chính Người. Việc Người ngự trên ngai và có áo choàng
trải khắp đền thờ chứng tỏ Người là vị hoàng đế cao cả, làm cho những kẻ đang
sợ danh tướng của vua Assyria đến, được an tâm bình tĩnh lại. Và việc có các
Sêraphim chầu hầu quanh ngai còn nói lên hơn nữa rằng Chúa trổi vượt hơn các
thần dân xâm lược. Là vì ở Assyria người ta sợ hãi sùng bái các Sêraphim, đang
khi ở đây chúng chỉ đáng bậc tôi tớ.
Và khác với thần thánh ở Assyria chỉ là những ngẫu
tượng kính nhi viễn chi, tức là phải sợ hãi tôn thờ để khỏi bị oán trả, Thiên
Chúa của Isaia trải vinh quang Người khắp cả mặt đất. Và tuy là Ðấng Thánh và
ngàn trùng chí thánh, siêu việt ngàn lần đối với tạo vật... Người là Ðấng Thiên
Chúa ở liền với các đạo quân của dân Người, và Người can thiệp vào lịch sử để
mặt đất đầy vinh quang Người.
Hôm nay Người hiện ra với Isaia khác nào hôm Người ngự
xuống trên núi Sinai: Có đất động và mây khói phủ đầy.
Tự nhiên Isaia phải sợ. Nhưng đây là một sự sợ tinh
thần, khác hẳn sự sợ nô lệ. Isaia thấy Ðấng Thánh chiếu cố đến mình. Ông thấy
mình bất xứng. Sự sợ của ông nói lên ý thức tội lỗi của con người ở giữa dân
tội lỗi. Ông cầu cứu ơn cứu độ. Và ông đã được nhận lời. Vị thần sứ đã gắp một
cục than hồng trên bàn thờ hương đi đến thanh tẩy môi miệng ông để xóa tội lỗi
và biến môi miệng ấy nên xứng đáng cho việc rao giảng Lời Chúa.
Viết lại những dòng chữ này, Isaia khẳng định những
quan điểm thần học sâu xa của ông. Mọi người đều là phàm nhân và tội lỗi, không
thể cáng đáng những công việc thánh thiện, trước khi được thanh tẩy bằng chính
ơn của Chúa, chứ không phải bằng nỗ lực và sự nghiệp của mình.
Có thể vì ý thức đã được thanh tẩy, Isaia chấp nhận
ngay đề nghị của Chúa để đi làm tiên tri. Nhưng cũng có thể vì đứng trước một
vị hoàng đế cao cả đến nỗi các Sêraphim cũng phải ngoan ngoãn chầu hầu, ai mà
dám không mau lẹ thi hành ý muốn của Người.
Dù sao Isaia cũng đã hân hoan lãnh nhận sứ mạng tiên
tri vì tất cả quang cảnh ông vừa thấy đầy khích lệ cứu độ. Israen không còn
phải lo quân xâm lược nữa. Thiên Chúa là hoàng đế cao cả, siêu việt vượt hẳn
vua chúa Assyria. Người điều khiển cả các Sêraphim của nước ấy. Người thánh
thiện thật nhưng không ở xa dân. Người sẽ làm cho mặt đất đầy vinh quang Người.
Và trước hết Người sẽ thanh tẩy, xóa bỏ tội lỗi cho chúng ta, để chúng ta nên
tông đồ tiên tri rao giảng tin mừng cho các dân tộc.
Như vậy, bài sách Isaia rất nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên
phụng vụ hôm nay cũng chỉ dùng để đưa chúng ta vào bài Tin Mừng. Vì ở đây sẽ có
những sự thực cụ thể hơn và nhất là có tầm mức phổ cập và luôn luôn hiện đại.
Chúng ta hãy xem.
2. Chúa Gọi Các Tông
Ðồ
Thánh Luca không xác định hôm ấy là ngày nào. Có lẽ
tính cách "không có thời gian" rõ rệt này thuận lợi hơn để nói đến
những công việc luôn có giá trị hiện đại.
Tác giả thoạt tiên cho chúng ta thấy một quang cảnh
khác hẳn với những gì Isaia đã nhìn thấy. Ở đây là bờ hồ Giênêzaret chứ không
phải là tại đền thờ Giêrusalem. Quang cảnh cởi mở này hợp với tinh thần truyền
giáo và công giáo của sách Phúc âm Luca hơn. Nhưng tuy ở trên bờ hồ, Ðức Giêsu
vẫn không thiếu vẻ oai phong cao cả, vì quần chúng xán lại bên Người và chăm
chú muốn nghe Lời Người dạy dỗ... Người thấy có hai chiếc thuyền bỏ neo gần đó.
Không một người nào ở trên hai chiếc thuyền ấy vì những người đánh cá đã xuống
cả rồi và đang giặt lưới.
Ðó là hình ảnh những cái ngai đang còn trống. Ðức Giêsu
lên chiếc thuyền thuộc về Phêrô và truyền đẩy ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi
xuống phán dạy quần chúng đang đứng trên bờ.
Rõ ràng Luca muốn cho những bức họa có phần oai phong
như lại sống động. Một Ðức Giêsu ngồi một mình trên thuyền nhìn xuống quần
chúng dưới bờ mà phán dạy họ những điều cao cả, cũng có Ðấng "Thánh"
đang can thiệp vào thế gian. Chúng ta có thể nói Chúa trong điện thờ mà Isaia
đã nhìn thấy, nay đang ở giữa loài người. Người ở gần chúng ta mà vẫn không mất
vẻ siêu vời, Người muốn đem tinh thần và sức mạnh thần linh của Người vào thế
gian.
Người bảo Phêrô: "Hãy chèo ra khơi thả lưới mà bắt
cá". Làm sao ông có thể không vâng lời? Chúng ta có thể thấy ông đã tức
khắc sửa soạn hành trang. Nhưng đồng thời ông đã thành thật thưa: Ðêm vừa rồi
ông không bắt được gì cả, nhưng Thầy đã dạy, ông xin làm theo. Phản ứng của ông
rất thành khẩn. Nó vừa nói lên đức vâng lời và niềm tin tưởng, lại vừa báo
trước và làm nổi bật phép lạ sắp xảy ra. Cả đêm đã đánh không được cá, huống
nữa là lúc này, trời đã sáng.
Thế mà vì lệnh truyền, lưới của Phêrô đã đầy cá, sắp
nứt ra rồi. Ông không kéo nổi và phải gọi đồng bạn ở cái thuyền kia đến giúp.
Từ trước đến giờ, Luca chỉ nói đến Giêsu và Phêrô. Tác
giả muốn đề cao vai trò của vị tông đồ này ở trong Hội Thánh. Phêrô được ưu
tiên trong cái nhìn của Chúa. Sau đó ông mới gọi đồng bạn là Gioan và Giacôbê ở
thuyền kia đến giúp.
Thấy mẻ cá lạ lùng này, họ đâm kinh sợ con người đã
truyền lệnh cho họ. Phêrô liền bắt chước Isaia, quỳ mọp xuống trước mặt Người,
xưng thú thân phận tội lỗi chẳng dám đứng trước long nhan. Nhưng Chúa ôn tồn
bảo: "Ðừng sợ, từ nay hãy đi lưới các linh hồn". Người đã gọi các
tông đồ một cách cụ thể hơn Chúa gọi Isaia ngày trước. Các ông sẽ đi làm công
việc của các ông vừa làm, nhưng trên bình diện khác. Và công việc của các ông
đã được báo trước sẽ kết quả lạ lùng như các ông vừa thấy cá đua nhau chạy vào
lưới các ông.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Người đã làm những việc cao cả
trong cuộc đời của Isaia. Nhưng nơi các tông đồ của đạo mới, Người còn tỏ ra uy
quyền và mạnh hơn biết bao. Không những nơi Ðức Kitô, Thiên Chúa đã đến với
loài người và ở giữa chúng ta, cụ thể hơn khi Người bày tỏ vinh quang cho Isaia
nơi đền thánh, Người còn gọi Phêrô và các tông đồ để Hội Thánh làm cho vinh
quang của Người trải ra trên khắp địa cầu.
Tác giả Luca thật ra đã muốn nói lên những điều ấy
trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Người viết lại câu chuyện Chúa gọi Phêrô sau khi
Ðức Giêsu đã phục sinh và lên trời. Khi ấy đã là thời đại của Hội Thánh. Do đó
câu chuyện Người kể nhất thiết phải mang các tính chất Kitô học và Giáo hội
học. Ðức Giêsu đã là vua và là Chúa. Hội Thánh đã có Phêrô đứng đầu. Và công
cuộc truyền giáo của các tông đồ đang mang lại nhiều kết quả. Nhưng tất cả đã
khởi sự ngay khi Ðức Kitô còn tại thế.
Ðưa các hình ảnh về phục sinh đặt lên khoảng thời gian
Ðức Giêsu mới xuất thân giảng đạo, tác giả Luca khiến chúng ta tin tưởng nhiều
hơn về Hội Thánh hiện nay. Bề ngoài đời sống Hội Thánh như không có gì lạ lùng,
nhưng cũng như cuộc đời trần gian của Chúa Cứu Thế, đây chẳng phải là lúc đang
chứa chấp nhiều thành quả phong phú trong tương lai sao? Gioan chỉ kể chuyện về
mẻ cá lạ sau phục sinh, Luca đặt lên trước phục sinh để đảm bảo thành công rực
rỡ cho ơn gọi của các tông đồ và của Hội Thánh. Ta sẽ sống ơn gọi này thế nào?
3. Thi Hành Sứ Mạng
Kitô Giáo
Muốn hiểu đoạn thư Phaolô hôm nay, chúng ta cần biết
rằng nhiều người trong cộng đoàn Côrintô hồi ấy không tin lắm vào mầu nhiệm xác
thịt sau này sẽ sống lại. Họ sống trong nền văn minh Hy Lạp vốn coi rẻ thân
xác. Nhiều lý thuyết thời ấy quan niệm thân thế là tù ngục giam hãm linh hồn.
Người ta phải mong có ngày ra khỏi chốn tối tăm ấy để được lên nơi tinh thần...
Nhiều khi chúng ta không mặc nhiên nghĩ như vậy sao?
Nhưng đó là suy nghĩ rất tai hại, sai hẳn với tin mừng
cứu độ. Thánh Phaolô nhắc lại cho người Côrintô biết: Nếu nghĩ như vậy thì đã
theo đạo một cách vô ích. Chúng ta không những tin Chúa đã chịu chết, mà đặc
biệt hơn, chúng ta tin Người đã sống lại. Có phục sinh, Người mới ban ơn cứu
độ, chứ nếu cứ chết mãi thì hỏi Người cứu được ai? Tin điều Chúa sống lại vì
thế là nền tảng và khởi điểm của đức tin trong Hội Thánh. Hội Thánh nắm vững
niềm tin này vì mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh phù hợp với Sách Thánh; vì Phêrô và
đoàn 12 tông đồ đã được nhìn thấy Chúa sống lại; vì cả cộng đoàn tín hữu đã
được xem thấy Chúa Phục sinh hiện ra.
Cuối cùng chính Phaolô cũng được Người tỏ mình ra ở
trên đường Ðamas. Nhưng dù là Phaolô, Giacôbê, hay Phêrô, mọi tông đồ trong Hội
Thánh chỉ có một giáo lý. Ðó là Ðức Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta như
lời Sách Thánh dạy và Người cũng đã sống lại theo như lời Kinh Thánh nói, để
chúng ta có đức tin và được ơn cứu độ.
Thành ra ơn gọi của chúng ta là niềm tin vào Ðức Giêsu
tử nạn phục sinh. Ðó là Tin Mừng cứu độ mọi người. Nó phải hướng dẫn đời sống
chúng ta. Chúng ta không được bi quan về tương lai, như thể sẽ có sự chết mãi
mãi. Ngược lại chúng ta phải lạc quan mạnh mẽ vì sẽ có sự sống lại cho ngay cả
thân xác yếu đuối này. Sống niềm tin này một cách cụ thể, chúng ta sẽ trung thành
tiếp nối truyền thống của Hội Thánh không những từ thời các tông đồ mà có thể
nói ngay từ thời các tiên tri. Isaia trong bài đọc một hôm nay chẳng hạn đã
nhìn thấy ơn gọi của mình rất lạc quan trong tình hình đáng run sợ của đất
nước. Luca khẳng định ơn gọi của các tông đồ nhất định đem lại thành công như
mẻ cá lạ lùng. Phaolô kêu gọi chúng ta hãy nhớ mình là tín hữu khi tuyên xưng
Ðức Giêsu Kitô chịu chết và sống lại. Người Công Giáo phải lạc quan phấn khởi.
Dân Chúa phải rao truyền mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.
Ở nhà thờ này, chúng ta vẫn làm như thế. Khi cử hành
thánh lễ chúng ta hân hoan tuyên xưng việc Chúa chịu chết và sống lại. Chúng ta
tin rằng thánh lễ ban sự sống mới cho tâm hồn. Thế thì chúng ta hãy ra về đi
vào xã hội với niềm tin mạnh mẽ và ơn phục sinh mà Thánh Thể đã đặt vào lòng ta
để đổi mới cuộc đời, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, nhìn thấy tương lai hấp dẫn
lạ thường. Xin Chúa thêm niềm tin cho chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Chủ Nhật V Thường Niên,
Năm C
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên
Chúa mời gọi con người cộng tác với Ngài để mang ơn cứu độ cho mọi người.
Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự
cách kỳ diệu và khôn ngoan. Ngài có thể làm tất cả; nhưng lại muốn dùng con
người để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài gọi mỗi người trong những hoàn
cảnh khác nhau, và trao sứ vụ mang ơn cứu độ đến cho tha nhân bằng những cách
thức khác nhau. Người được gọi phải có một kinh nghiệm sâu xa với Thiên Chúa
trước khi đáp trả lời mời gọi của Ngài. Họ phải cảm nhận được tình yêu của
Thiên Chúa dành cho họ, sự bất toàn của bản thân, sự thánh thiện của Thiên
Chúa, sự quan trọng và thúc bách của ơn cứu độ.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng việc
Thiên Chúa gọi một số nhân vật để cộng tác với Ngài trong việc loan truyền ơn
cứu độ đến cho muôn người. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa gọi Isaiah đang khi ông
tham dự phụng vụ thánh trong Đền Thờ. Ông được nhìn thấy sự thánh thiện và vinh
quang của Thiên Chúa cũng như nhận ra sự ô uế của mình; nhưng sứ thần của Thiên
Chúa đã thanh tẩy ông bằng than hồng, trước khi ông tình nguyện để được sai đến
với con cái nhà Israel. Trong Bài Đọc II, Phaolô tường thuật lại sự kiện ông
được Đức Kitô gọi và trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ông được gọi làm tông đồ
khi đang trên đường bắt bớ các tín hữu tại Damascus; nhưng Đức Kitô đã hiện ra
với ông và làm ông bị ngã ngựa và bị mù. Sau đó Ngài sai người đến mở mắt, huấn
luyện, và trao cho ông sứ vụ mang Tin Mừng. Phaolô cảm nhận được tình yêu Thiên
Chúa và sự bất toàn của mình; nhưng ơn thánh của Thiên Chúa đã lấp đầy những
bất toàn và giúp cho sứ vụ của ông được thành công. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
chuẩn bị tâm hồn Phêrô bằng cách cho ông chứng kiến cảnh con người khao khát
được nghe Tin Mừng và mẻ cá lạ lùng. Phêrô cảm thấy mình tội lỗi và bất xứng
nên xin Đức Kitô tránh xa ông; nhưng Ngài đã gọi và biến đổi ông thành người
chinh phục tha nhân về cho Thiên Chúa.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa gọi Isaiah làm ngôn sứ.
1.1/
Hoàn cảnh của Isaiah: Ông là công dân của vương quốc Judah, có vợ và ít nhất hai
người con. Ông sống trong một thời kỳ rất khó khăn của đất nước: sự kiện vua
Uzziah băng hà chấm dứt thời huy hoàng của Judah và bắt đầu một thời kỳ gian
nan với sự cai trị của các vua Jotham, Ahaz, và Hezekiah. Ông đã chứng kiến
cảnh vương quốc Israel miền Bắc bị rơi vào tay của quân đội Assyria năm 721 BC,
và cảnh suy sụp về đạo nghĩa của vua quan cũng như dân trong xứ Judah sẽ đem
đến thảm cảnh cho vương quốc Judah sau này (587 BC). Trình thuật hôm nay tường
thuật một thị kiến xảy ra trong Đền Thờ và bắt đầu sứ vụ ngôn sứ của Isaiah.
1.2/ Kinh nghiệm của Isaiah: Thiên Chúa cho ông
nhìn thấy sự vinh quang và thánh thiện của Thiên Chúa. Ông kể lại thị kiến:
"Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền
Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Seraphim đứng chầu. Các vị ấy đối đáp
tung hô: "Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả
mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!" Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa
rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù." Ba lần tung hô "Thánh!
Thánh! Chí Thánh!" là truyền thống Do-thái diễn tả sự thánh thiện của
Thiên Chúa. Khói tỏa mịt mù nhắc cho ông biết về sự hiện diện của Thiên Chúa
trong Đền Thờ, như con cái Israel từng có kinh nghiệm về "cột mây"
suốt 40 năm trong sa mạc.
Khi nhận ra sự thánh thiện của Thiên
Chúa, ông cũng đồng thời cảm thấy mình ô uế tội lỗi; nên ông thốt lên:
"Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở
giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo
binh!" Truyền thống Do-thái vẫn tin: không ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn
sống. Trường hợp của Isaiah là một trường hợp đặc biệt, vì Thiên Chúa đã sai
thiên thần đến để thanh tẩy miệng lưỡi của ông, như ông tường thuật: "Một
trong các thần Seraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã
dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và
nói: "Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá
tội.""
1.3/ Isaiah tình nguyện để được sai đi: Quang cảnh Isaiah
được chứng kiến là cảnh triều đình của Thiên Chúa với các thiên thần. Đó là lý
do tại sao Thiên Chúa hỏi ý kiến của các ngài: "Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi
cho chúng ta?" Ngài không trực tiếp gọi Isaiah; nhưng Isaiah bị thôi thúc
để đáp trả: "Dạ, con đây, xin sai con đi." Lý do bị thúc đẩy có lẽ vì
Isaiah được chứng kiến vinh quang thánh thiện của Thiên Chúa và được thiên thần
sốt mến Seraphim thanh tẩy. Khi con người cảm nhận được tình yêu và sự tốt lành
của Thiên Chúa, họ muốn đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng cách rao truyền tình
yêu này cho mọi người.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô chọn Phaolô làm tông đồ
Dân Ngoại.
2.1/
Hoàn cảnh của Phaolô: Ông là một người Pharisee nhiệt thành với Lề Luật, sinh sống
tại Tarsus, trong tỉnh bang Cicilia, và hành nghề chế tạo lều. Ông đang trên
đường đi Damascus để truy nã các tín hữu của Đức Kitô. Lý do ông truy nã các
tín hữu vì ông tin như bao người Do-thái khác: chỉ có người Do-thái mới xứng
đáng được hưởng ơn cứu độ bằng cách giữ cẩn thận các luật lệ của tiền nhân để
lại. Ông không được nghe trực tiếp từ Đức Kitô; nhưng qua những lời tố cáo của
những người khác, ông nhìn Chúa Giêsu và các tín hữu như những kẻ thù đe dọa
niềm tin của Do-thái Giáo.
Nhưng biến cố gặp gỡ Đức Kitô trên
đường đi Damascus đã thay đổi toàn bộ đời sống của Phaolô. Ông bị té ngựa bởi
một luồng sáng cực mạnh từ trời, bị mù lòa, và được nghe tiếng Đức Kitô cho
biết Ngài chính là Người mà ông đang truy nã. Ngài cũng cảnh cáo cho ông biết
"khốn cho những ai cứ giơ chân đạp mũi nhọn!" Sau đó, ông được sai
tới với Ananiah, môn đệ của Đức Kitô, để được chữa lành và trao sứ vụ rao giảng
Tin Mừng, cách riêng cho Dân Ngoại.
2.2/ Kinh nghiệm của Phaolô: Khi suy niệm về biến
cố ngã ngựa đó, Phaolô cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của
Đức Kitô. Thứ nhất, ông là kẻ thù đáng chết của Đức Kitô, vì ông đang truy tố
các tín hữu của Ngài; thế mà Ngài đã không bắt ông phải chết, lại còn chữa lành
sự mù lòa của ông về thể xác cũng như tinh thần. Ngài cho ông nhìn thấy sự thật
về những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trước đó ông đã lầm lẫn. Thứ đến, Ngài còn
ban cho ônh đặc quyền được làm tông-đồ. Phaolô thú nhận: "tôi là người hèn
mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược
đãi Hội Thánh của Thiên Chúa." Sau cùng, Ngài ban muôn ơn thánh để giúp
ông hoàn thành sứ vụ được trao phó: "tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên
Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều
hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với
tôi."
2.3/ Phaolô thực thi sứ vụ tông đồ: Trong hành trình rao
giảng Tin Mừng, Phaolô đã gặp nhiều chống đối từ mọi phía: từ phía các tín hữu
và từ người Do-thái. Các tín hữu không thể tin Phaolô, một người đang nhiệt
thành bắt đạo, có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng. Những người ghen tị
tố cáo Phaolô giảng dạy giáo lý sai lạc. Họ nêu lý do vì Phaolô không thuộc
Nhóm Mười Hai nên không thấu hiểu đạo lý của Đức Kitô. Trong trình thuật hôm
nay, Phaolô nêu bật những điều quan trọng mà mọi người phải tin: Đức Kitô đã
chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó, Đức
Kitô đã hiện ra với nhiều người: với ông Kêpha và với Nhóm Mười Hai, với hơn năm
trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã
an nghỉ, và sau cùng với chính ông trên đường đi Damascus. Tất cả đều làm chứng
Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Phaolô kết luận: "Tóm lại, dù tôi hay các
vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như
vậy."
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi Phêrô trở thành kẻ
"lưới người như lưới cá."
3.1/
Hoàn cảnh của Phêrô: Ông là người quê ở Betsaida và đang hành nghề đánh cá trên Biển
Hồ Galilee. Theo trình thuật của Lucas hôm nay, Chúa Giêsu muốn Phêrô chứng
kiến hai điều quan trọng:
(1) Dân chúng khao khát được nghe
Tin Mừng:
Vì dân chúng phải chen lấn nhau đến gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, nên
Chúa Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông
chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người
giảng dạy đám đông. Phêrô chứng kiến nhu cầu khao khát được nghe Lời Chúa của
dân chúng; nhưng chắc ông không bao giờ dám mơ tưởng một người ngư phủ như ông
có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng.
(2) Chúa Giêsu cho Phêrô bắt được một mẻ cá lạ
lùng:
Giảng xong, Người bảo ông: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá."
Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được
gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Ông nghĩ với kinh nghiệm của
một ngư phủ hành nghề lâu năm, ông sẽ cho Chúa Giêsu thấy lệnh truyền của Ngài
vô ích; nhưng Chúa Giêsu chứng minh cho Phêrô thấy uy quyền của Thiên Chúa.
"Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả
lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người
này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm."
3.2/ Kinh nghiệm của Phêrô: Ông nhận ra sự bất
toàn của mình và uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ có uy quyền trong việc
giảng dạy Lời Chúa; nhưng còn có uy quyền trên biển cả, mà ngay cả những ngư
phủ kinh nghiệm như ông, đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào cả.
Ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh
xa con, vì con là kẻ tội lỗi!"
3.3/ Sự đáp trả của Phêrô: Bấy giờ Đức Giêsu bảo
ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Ông
đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. Khi gọi ông theo Ngài, Chúa
Giêsu muốn Simon dùng kinh nghiệm ông có sẵn trong nghề đánh cá để áp dụng vào
việc rao giảng Tin Mừng. Đánh cá đòi hỏi sự kiên nhẫn và thói quen thức khuya
dạy sớm; người ngư phủ phải biết giờ nào cá đi tìm mồi và chỉ bắt cá trong
những giờ đó. Việc chinh phục con người về cho Thiên Chúa cũng vậy, người rao
giảng không phải chỉ biết đạo lý Nước Trời, nhưng còn phải biết tâm lý con
người, và phải kiên nhẫn để hoán cải những tâm hồn ngoan cố.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Mỗi người chúng ta đều đã được Thiên Chúa kêu mời để cộng tác với Ngài trong
việc mang ơn cứu độ đến cho chính mình và cho tha nhân.
-
Chúng ta không xứng đáng với tình yêu, ơn gọi, và ơn cứu độ của Thiên Chúa;
nhưng chúng ta đừng lo lắng, vì Chúa sẽ lấp đầy mọi thiếu thốn của chúng ta với
ơn thánh của Ngài.
-
Chúng ta hãy nhiệt thành đáp trả và cố gắng hết sức để chu toàn sứ vụ được trao
phó. Khó khăn chắc chắn sẽ có; nhưng Thiên Chúa sẽ ban ơn thánh để chúng ta
vượt qua tất cả.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng Hai
10 THÁNG HAI
Nghệ Thuật Thánh: Thấm
Đẫm Cái Đẹp Và Sự Thật
Cuộc nhập thể của Con
Thiên Chúa đã đem lại khả năng diễn dịch mầu nhiệm của Thiên Chúa xuyên qua
những dấu hiệu khả giác – để bộc lộ sự hiện diện của Thiên Chúa cho con người.
Với biến cố nhập thể, Ngôi Lời đã đến và trở thành một phần của lịch sử: vị
Người-Chúa này đã được nhìn thấy, được nhận biết, được mến yêu. Nghệ thuật Kitô
giáo trình bày nhân tính hữu hình của Đức Kitô và các hoạt động thần linh của
Người – và với ngôn ngữ sáng tỏ của mình, nó mở ra cho người ta cảm thụ một
khía cạnh nào đó trong bản tính khôn tả của Thiên Chúa.
Vẻ đẹp kết hợp với sự
thật phản chiếu nơi mọi hữu thể, vén mở bí mật thâm sâu của nó cho con cái loài
người. Vì thế, nghệ thuật đích thực là nghệ thuật được bao phủ bằng những dấu
chỉ của vẻ đẹp và chân lý. Bấy giờ, nó sẽ trở thành phổ quát, chân chính và có
thể hiểu được đối với mọi người. Người ta đón nhận nó với niềm vui, và họ sẽ
rút ra từ nó sức khích lệ để thực hiện những điều cao quí.
Giáo Hội đề cao nghệ
thuật đích thực, bởi vì Giáo Hội nhìn thấy trong đó một sự diễn tả căn bản của
văn hóa và của nhân tính. Giáo Hội cũng xác tín rằng đức tin có thể và vốn
thường tác động trong các tác phẩm nghệ thuật một vai trò thúc đẩy – tác động
thúc đẩy này đụng chạm đến trái tim và tâm linh của người ta. Công Đồng Vatican
II đã nhận định: “Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người,
rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ
thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả
một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại;
nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi
những tác phẩm đó không nhắm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc
đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.” (PV 122)
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10-2
Chúa Nhật V Thường Niên,
Mồng Một Tết Quý tỵ
Cầu Bình An Cho Năm Mới
Is 6, 1-2a.3-8;
1Cr 15,1-11; Lc 5, 1-11.
LỜI SUY NIỆM: Giảng
xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá,” Ông Simon
đáp: “Thưa Thầy chúng ta đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng
lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. (Lc 5,4-5)
Simon đã vất vả suốt
đêm mà không bắt được một con cá nào, nhưng Chúa Giêsu muốn ông bắt đầu lại, là thả lưới ở chỗ nước
sâu, và kết quả ông đã bắt được nhiều cá. Điều này giúp cho người Ki-tô hữu
chúng ta, hiểu ra rằng: Trong cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ có những thất bại,
nhưng không vì thế mà buông xuôi. Sau mỗi lần thất bại cần phải biết bắt đầu
lại. Như hôm nay là ngày đầu năm mới, mọi con người Việt Nam của chúng ta phải
bắt đầu một năm mới với bao niềm hy vọng, muốn đạt được những đều mình ao ước
trước nhất chúng ta cần phải biết cam đảm và phải luôn cố gắng hết mình sống
cho tình yêu và vì tình yêu. Chính tình yêu sẽ đem lại giá trị cho mọi kết quả
của chúng ta.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương
Thánh Nhân
Ngày 10-02
Thánh
SCÔLASTICA
Đồng
trinh (480-543)
Thánh Scholastica là em gái thánh
Benêdictô, tổ phụ của những đời sống khổ tu bên Tây phương. Ngài còn được nối
kết với thánh nhân như người em sinh đôi, nhưng không chắc chắn lắm. Chúng ta
biết được chút ít về đời sống của thánh nữ là do cuốn Dialogue, tập hai, của
thánh Grêgôriô cả, cuốn sách ghi lại đời sống thánh Bênêdictô và các phép lạ
của Ngài. Như anh của Ngài, thánh nữ Scholastica đã sinh ra tại quận Sabina
miền Nursia và cha mẹ Ngài được giả thuyết cho là những người dòng dõi quí phái
tai miền quê.
Vào một lúc nào đó, có lẽ khi còn
rất trẻ, Scholastica đã tu kín và trong những năm cuối cùng đời Ngài, chúng ta
thấy Ngài sống gần Montê Cassinô, để có thể gặp được anh mình mỗi năm một lần.
Khi thánh Bênêdictô thiết lập tu
viện tại Montê Cassiô, Scholastica cùng với các trinh nữ quây quần bên Ngài đã
đến ở bên núi, lập thành tu viện Palumbariola, Ngài đặt mình dưới sự hứơng dẫn
của anh, vì Ngài biết rằng: không có ai có thể hướng dẫn các linh hồn về trời
cách chắc chắn hơn.
Nhưng Ngài không hề làm rộn anh mình
và chỉ gặp anh mỗi năm một lần vào trước mùa chay, trong một trang trại của tu
viện ở miền núi. Một nguyện đường đã được dựng nên tại đây để ghi nhớ những
giây phút khôn tả, mà thánh Bênêdictô thông cho em mình ánh sáng thần linh Ngài
thụ lãnh được và dạy dỗ em mình đường trọn lành của tu sĩ trong thống hối và
yêu thương.
Nhưng lần ấy họ đã trải qua một ngày
để khen ngợi Chúa và cầu xin hạnh phúc trên trời, bên ngoài khí trời tươi mát
vì đã vào xuân, bầu trời trong sáng lạ thường, thánh Scholastica say sưa cảm
nếm hương vị của câu chuyện đàm thọai trong khi màn đêm buông dần xuống... lúc
đó thánh Scholastica nới với thánh Bênêdictô : - Anh ơi trời khuya rồi, làm sao
anh về được. Thôi mình tiếp tục nói chuyện tới sáng về niềm vui cuộc sống trên
trời đi.
Thánh Bênêdictô trả lời: - Em nói
chi, anh không thể nhận lời em được. Anh không thể qua đêm ở ngoài nhà dòng
được đâu.
Thánh Scholastica dấu mặt vào đôi
lòng bàn tay và nức nở khóc. Ngài nói với Chúa ước muốn êm ái của lòng mình. Và
Thiên Chúa là đấng đã chúc phúc cho cả một cuộc sống hiến dâng, lại sắp gọi
thánh nữ về với mình, nên như người cha chiều con vậy, đã muốn ban cho Ngài
niềm an ủi dịu dàng cuối cùng. Một trận cuồng phong nổi lên. Mưa đổ xuống như
thác lũ với sấm sét dữ dằn. Chẳng ai còn có thể nghĩ tới việc ra đi nữa.
Thánh Bênêdictô bối rối, Ngài nói :
- Này em, em làm gì vậy ?
Thánh Scholastica êm ái trả lời: -
Em đã xin anh, nhưng anh chẳng muốn nghe em. Em đã cầu xin Chúa và Ngài đã nhận
lời. Bây giờ nếu có thể được, anh hãy về nhà dòng đi.
Lúc ấy thánh Bênêdictô cảm tạ lòng
thương xót Chúa, Ngài tiếp tục nói chuyện về hạnh phúc đang chờ đón những người
Chúa chọn. Lời Ngài dâng cao như những chùm ánh sáng.
Đến sáng cơn giông ngừng. Anh em mỗi
người một ngả và không còn gặp nhau trên trần gian này lần nào nữa.
Ba ngày sau, khi thánh Bênêdictô
đang đứng bên cửa sổ đã thấy linh hồn em mình bay lên như ánh chim câu, phủ đầy
ánh sáng thiên đàng. Say mê với thị kiến này, Ngài cất cao giọng hát bài thánh
Ca. Đó chính là lúc thánh Scholastica êm ái tắt hơi trong tu viện mình. Thánh
Bênêdictô sai các tu sĩ đi tìm xác em để chôn trong ngôi mộ dọn sẵn cho mình.
Một tháng sau nhà ẩn tu vĩ đại cũng
từ giã cõi thế để hợp với thánh Scholastica trong hạnh phúc của các thánh nhân
mà họ đã tha thiết khơi dậy.
(Daminhvn.net)
10 Tháng Hai
Liều Thuốc
Dành Cho Kẻ Chán Ðời
Một người đàn ông chán
đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc
cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.
Ông không còn lối
thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong
tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng,
ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ
chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không
có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi
hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông
đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông
may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.
Người đàn ông chưa hút
xong điếu thuốc thì cũng có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con
người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người
đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất.
Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành
khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào
đôi mắt của kẻ chán đời và nói: "Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn
như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông
hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông". Nói xong,
người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ
chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.
Ðã hút xong điếu
thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người
hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn
nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông
biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này. ông muốn mở rộng tâm
hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán
đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành
khất.
Không
gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ sống. Sống mà không
biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường
và đau khổ nhất.
Ai
cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm khi người ta chỉ
chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc
thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi chúng cũng không
mang lại hạnh phúc cho con người.
Hạnh
phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng đi. Có đi theo
hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là
gì?
Chúa
Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra cho chúng ta hướng
đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ
và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn khổ. Ai càng đóng kín
quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh. Hạnh phúc đích
thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại lời của Chúa Giêsu:
"Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh".
Cho
là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: đó
là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi khổ đau trong tâm hồn
chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất chí, vì bệnh tật hay vì
bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm hồn để trao ban, để san
sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét