Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

24-02-2013 :(Phần I) CHÚA NHẬT II MÙA CHAY năm C


Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C
(Phần I)


 Bài Ðọc I: St 15, 5-12. 17-18
"Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham".

Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.
Và Chúa lại nói: "Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?" Chúa đáp: "Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non". Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.
Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát".
Ðó là lời Chúa.

 Ðáp Ca: Tv 26, 1. 7-8a. 8b-9abc. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng Cứu Ðộ tôi. (c. 1a)

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng Cứu Ðộ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Ta".- Ðáp.
3) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ, xin đừng hất hủi con. - Ðáp.
4) Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.

 Bài Ðọc II: Pl 3, 17 - 4, 1
"Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.
Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.
Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.

 Hoặc đọc bài vắn sau đây: Pl 3, 20 - 4, 1

Anh em thân mến, quê hương chúng ta ở trên trời nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.

 Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói có tiếng Chúa Cha phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".

 Phúc Âm: Lc 9, 28b-36
"Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chúa Ðến Ðể Biến Ðổi Thân Xác Khốn Hèn Của Loài Người

Chúa Nhật trước đã đưa chúng ta vào 40 ngày Chay của Chúa Giêsu và đã cho chúng ta thấy Người lướt thắng các cơn cám dỗ của Satan như thế nào, để chúng ta biết phấn đấu theo gương Người trong Mùa Chay này và trong suốt cả đời sống. Hôm nay phụng vụ nhắc lại chuyện Chúa biến hình trên núi như là hình ảnh báo trước vinh quang Phục sinh đang chờ Người ở bên kia Mầu nhiệm Thập giá. Và như vậy Chúa nhật hôm nay muốn cho chúng ta thấy trước quang cảnh của cuối mùa Chay, đang khi Chúa nhật trước đã khai mạc mùa này và các Chúa nhật sau sẽ nói về quãng giữa của đầu và cuối mùa Chay Thánh. Chúng ta sẽ tìm hiểu việc Chúa biến hình và nhờ đó sẽ suy nghĩ về hai bài đọc Thánh Kinh kia để làm cho ngày hôm nay rực lên ánh quang vinh của Chúa.

 1. Việc Chúa Biến Hình

Chúng ta sẽ theo sát bản văn của Luca. Người bắt đầu cho một chi tiết đáng kể. Theo Người, câu chuyện Chúa biến hình trên núi xảy ra chừng 8 ngày sau hôm Người báo tin cho môn đệ biết: Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ... bị giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại. Người cũng bảo: Ai muốn đi theo sau Người, thì hãy chối bỏ chính mình và vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày mà đi theo Người. Những lời ấy không làm cho môn đệ an tâm, nên Người đã hứa sẽ cho một số môn đệ có mặt hôm đó được thấy vinh quang của Người. Và hôm nay, Người đem ba ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê lên núi với Người.
Như vậy, câu chuyện Chúa biến hình hôm nay là để thi hành Lời Người đã hứa. Ba môn đệ sẽ được xem thấy vinh quang của Người để bù lại những lời tiên báo việc Người sẽ bị nộp, bị giết. Phải chăng đây không phải là khía cạnh vinh quang của mầu nhiệm thập giá? Ðó là mầu nhiệm Phục sinh phải đi liền với mầu nhiệm Tử nạn. Các môn đệ được thấy trước ánh sáng Phục sinh để họ khỏi nao núng khi thấy Người chịu đau khổ và chúng ta được phấn khởi đi vào con đường mùa Chay mà hôm nay khai mạc, chúng ta đã thấy là con đường phấn đấu.
Nhưng vì việc biến hình lại xảy ra khoảng 8 ngày sau hôm Chúa Giêsu nói về việc Tử nạn? Chúng ta có được phép nghĩ rằng ngày thứ 8 cũng là ngày thứ nhất trong tuần lễ của người Kitô hữu không? Do đó cả việc Tử nạn cả việc Phục sinh đều được loan báo trong cùng một ngày, ngày Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày cử hành các mầu nhiệm cứu thế trọng đại của Chúa chúng ta.
Người chỉ đem theo Phêrô, Gioan, Giacôbê vì ba người này sẽ được thấy Người hấp hối trong vườn Cây Dầu, để làm chứng những ai đã tham dự mầu nhiệm Tử nạn cũng sẽ được chia sẻ vinh quang Phục sinh. Và cũng như ở vườn Cây Dầu sau này, hôm nay ở đây Ðức Giêsu mãi miết trong cầu nguyện đang khi các môn đệ "li bi giấc ngủ". Nhiều việc quan trọng đã hoặc sẽ xảy ra trong hoàn cảnh tương tự. Chính những khi Ðức Giêsu cầu nguyện nhiều là có những việc trọng đại đã đến.
Hôm nay, đang lúc Người cầu nguyện, dung nhan Người đã ra khác. Y phục Người cũng sáng hẳn lên. Luca không chú trọng lắm đến những thay đổi này. Ông không coi việc biến hình là chính, nếu chúng ta được phép nói như vậy. Ông quan tâm đến nội dung hơn là hình thức. Ông tìm hiểu bản chất hơn là hiện tượng. Những nét xa lạ về sắc diện và y phục cho thấy đang có gì khác thường xảy đến cho Người.
Quả thật, có hai nhân vật đến trao đổi với Ðức Giêsu. Ðó là Môsê và Êli, một ông luật pháp và một nhà tiên tri. Ðó là cả Cựu Ước đang tâm sự với Người. Cũng có thể hiểu hai ông đã mang đến một bầu khí cánh chung. Nhiều người nghĩ rằng Êli phải đến trước để đi tiền hô cho Ðấng Thiên Sai. Sự hiện diện của ông ở đây chứng tỏ thời đại Thiên Sai đã đến. Và Môsê nhà luật pháp của đạo cũ, nay đến chào mừng và "bàn giao" với nhà luật pháp mới...
Nếu thế thì sao sự việc không xảy ra trên núi Sion? Ngọn núi đang có sự hiện diện của ba vị chỉ là ngọn núi quen thuộc của Ðức Giêsu. Người hay lui tới đây cầu nguyện. Sion bị truất phế rồi ư? Chúng ta phải hiểu như vậy; vì thời đại thiên sai và cánh chung không còn ưu tiên cho nơi nào và dân nào nữa. Người ta không còn cần phải chọn Giêrusalem hay Garizim làm điện thờ duy nhất nữa. Người ta chỉ cần tìm đến với Ðức Giêsu mà cả Luật pháp (đạo cũ) và Tiên tri (đạo mới) đều đang tuyên chứng.
Môsê và Êli hiện ra trong vinh quang, vì họ đã tham dự vào công cuộc của Chúa và vì họ trở lại trong ánh sáng Phục sinh. Họ nói với Ðức Giêsu về cuộc ra đi sắp tới của Người sẽ xảy ra ở Giêrusalem tức là cuộc tử nạn Phục sinh vượt qua của Người...
Chúng ta có thể bảo Môsê đã san sẻ kinh nghiệm cho Người không? Bởi vì khi ông được tiếp xúc với vinh quang của Thiên Chúa lần đầu tiên ở núi Horeb trước bụi gai cháy một cách kỳ diệu, ông đã được sai đi để tổ chức vượt qua cho con cái Israen. Ai trong lịch sử Cựu Ước có kinh nghiệm hơn ông về vấn đề này. Cuộc vượt qua Biển Ðỏ do ông tổ chức đã trở thành tiêu biểu cho mọi lần Chúa muốn cứu dân. Hôm nay ông đến để nói với Ðức Giêsu về cuộc sắp ra đi của Người. Lễ Vượt Qua của đạo mới sẽ bao trùm và kiện toàn lễ vượt qua đạo cũ khi Môsê cũ đã trò chuyện hết với Môsê mới là Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Câu chuyện giữa các Ngài ở ngoài tai các môn đệ; cũng như sau này trong vườn Cây Dầu họ chẳng biết gì về việc Chúa hấp hối. "Phêrô và các bạn li bì giấc ngủ". Xác thịt của họ còn nặng nề, chưa hiểu được mầu nhiệm Tử nạn, khi ánh sáng Phục sinh chưa làm họ tỉnh dậy.
Bấy giờ bừng mắt ra, họ thấy vinh quang của Ðức Giêsu và thấy hai người đang đứng với Người, tức là trước đây họ chưa thấy dung nhan mặt Người đã ra khác và y phục của Người đã trở nên trắng ngời. Họ là những kẻ ngu mê cho đến khi chuyện ra đi tử nạn đã qua.
Nhiệm vụ của Môsê và Êli cũng đã rồi. Họ ra đi, để lại Ðức Giêsu đứng với môn đệ của Người. Luật pháp và tiên tri đã tuyên chứng cho công cuộc cứu thế của Người, thì đến sinh hoạt của Hội Thánh Phêrô lên tiếng xin làm ba lều cho Chúa Giêsu, cho Môsê và cho Êli. Luca bảo rằng: Phêrô không biết mình nói gì. Mà quả thật, ông không thấy Môsê và Êli đã ra đi rồi sao? Ðàng khác sao lại có chuyện tất cả lịch sử dừng lại ở đây? Chỉ có mấy người được ở trên núi hạnh phúc này sao? Còn muôn muôn, ứu ức, triệu triệu con người của các dân tộc phải được tề tựu về đây nữa chứ? Không, câu nói của Phêrô chưa để ý đến mọi khía cạnh. Nó chỉ có giá trị nói lên một sự thật, sự thật ở đây là hạnh phúc...
Thiên Chúa không phủ nhận một tấm lòng thành như vậy. Người cho một đám mây rợp xuống trên tất cả mọi người. Người hứa và bảo đảm sẽ cho mọi người được hạnh phúc và chia sẻ vinh quang. Người muốn nói, mọi người sẽ được đưa vào sự sống của Chúa Giêsu tử nạn phục sinh, miễn là người ta hãy nghe lời Ngài.
Là vì có tiếng phán ra từ trong đám mây, y như hôm nào ở bờ sông Giođan. Chỉ thêm một điều hôm nay Thiên Chua bảo mọi người hãy nghe lời Con của Người. Và như vậy cuộc hiển linh hôm nay không nhằm tấn phong Ðức Giêsu làm Tôi Tớ Thiên Chúa đến để thi hành sứ mạng cứu thế, cho bằng đặt Người đứng trên mọi loài sau khi Người đã tử nạn phục sinh. Người sẽ là Chúa của Hội Thánh sau khi ơn cứu độ đã được ban cho mọi người.
Thế nên, sau khi lời tuyên bố, các môn đệ chỉ còn nhìn thấy một mình Chúa Giêsu. Họ đã nín thinh, chờ ngày các mạc khải hôm nay trở thành sự thật. Và sau khi Ðức Giêsu đã chịu chết, sống lại và lên trời, họ đã ra đi khắp nơi công bố Người là Chúa để thâu nạp mọi dân tộc đến nghe Lời Người mà được chia sẻ vinh quang phục sinh.
Câu chuyện Chúa biến hình vì thế, không còn cho chúng ta thấy một Ðức Giêsu phấn đấu để lướt thắng các cơn cám dỗ như trong Chúa nhật trước nữa. Chúa nhật hôm nay báo trước vinh quang của Người sau Mầu nhiệm Thánh giá, để chúng ta cũng như ba môn đệ ngày xưa được vững lòng đi vào con đường khổ nạn của Người. Chúng ta được hạnh phúc hơn Abraham trong bài Cựu Ước hôm nay biết bao! Ðọc lại câu chuyện này, chúng ta sẽ thêm phấn khởi tin vào ơn cứu độ đang được dành cho chúng ta.

 2. Abraham Tin Vào Chúa

Câu chuyện sẽ thêm nhiều ý nghĩa, nếu chúng ta nhớ rằng nó đã không được viết vào thời Abraham (vì thời đó làm gì Do Thái đã có chữ viết) nhưng mãi về sau này. Chúng ta có thể nghĩ đây là tác phẩm của một thần học gia rất đạo đức, sống ở đất Do Thái vào khoảng trước hoặc sau lưu đày. Ông thấy hoàn cảnh thật đen tối. Ðất nước này không còn là của con cái Israen nữa. Sản nghiệp Lời Hứa đã hoàn toàn tiêu tan. Cứ như thế này mãi sao? Hay là sẽ có lúc Thiên Chúa ngoảnh mặt lại? Phần đa số trong dân không còn hy vọng nữa vì sự thật quá phủ phàng. Nhưng niềm tin, niềm tin của các tổ phụ dân vẫn còn ăn sâu trong tâm hồn nhiều người, trong đó có tác giả của đoạn văn hôm nay. Niềm tin ấy tìm cách lóe lên trong đêm tối, vươn lên khi sắp bị giập xuống. Nó mượn đời sống của chính tổ phụ Abraham để chỗi dậy. Nó viết lại một câu chuyện trong cuộc đời của vị tổ phụ để lấy lại nghị lực.
Tình cảnh của tổ phụ Abraham bấy giờ không bi đát sao? Thân ông càng ngày càng già yếu. Bạn ông, bà Sara, cũng đã hết thời sinh sản. Thế mà hai người vẫn chưa có lấy một mụn con! Ðang khi ấy Chúa vẫn phán: Dòng dõi của Abraham sẽ đông đúc nhiều hơn sao trên trời và cát ngoài biển. Abraham tin Chúa, nhưng quả là tin trong đêm tối.
Rồi Chúa còn hứa cho ông một Ðất Nước làm quê hương. Ðiều hứa này được tác giả bài sách hôm nay để ý. Nó động đến điều ông đang thắc mắc. Vị tổ phụ ngày xưa được hứa ban Ðất Nước này khi người không có quyền trên một tấc đất ở đây. Ngày nay con cái Israen có còn nên hy vọng làm chủ được Ðất Nước này khi nó đang nằm trong tay quân xâm lược hay không? Tác giả nhìn vào niềm tin của vị Tổ Phụ mà thêm phấn chấn. Ông viết lại niềm tin này để phấn khởi đồng bào của ông. Do đó chúng ta được bản văn hôm nay.
Nó cho chúng ta thấy Abraham như đã ép được Chúa phải cho ông một bảo đảm về Lời Hứa. Khi Người hứa ban Ðất Nước này cho ông, ông đã bạo dạn thưa: "Lạy Chúa Giavê, làm sao tôi biết là tôi sẽ được nó làm cơ nghiệp?" Và Chúa đã phải ban cho ông một bằng chứng. Ðó là Giáo Ước. Người bảo ông lấy một con bê, một con dê, một con cừu, một con chim gáy và một con bồ câu. Abraham đem hết các vật ấy lại, rồi bổ đôi ba con vật lớn, đặt mỗi phần đối chiếu với phần kia. Theo tục lệ thời ấy, hai bên ký kết giao ước sẽ đi qua những phần thịt này để cam kết số phận mình sẽ bị phanh thây ra như thế nếu mình không giữ lời giao ước. Vậy, Abraham cũng chờ Chúa đến để đi qua... Và khi mặt trời đã lặn, thì này một lò lửa nghi ngút khói và một đuốc cháy đã ngang qua giữa những mảnh thịt. Abraham biết rằng Chúa đã đến và đã cam kết. Lửa khói và đuốc sáng là dấu hiệu hiện diện của Người. Người cam kết một mình để tỏ ra ưu vị và sự quyết tâm của Người, khiến Abraham chỉ còn biết sấp mình thờ lạy và đặt hết tin tưởng vào Chúa.
Con cái Israen thời của tác giả bản văn này, làm sao không phấn khởi khi nghe nói như vậy? Tổ phụ của họ vì tin mà được Ðất Nước này. Họ cũng sẽ giữ và lấy lại được Ðất Nước nếu có niềm tin như thế. Và cơ sở của niềm tin chính là Giáo Ước. Thiên Chúa đã hứa, hứa một cách long trọng và có khế ước nghiêm chỉnh. Chính Người sẽ thực hiện điều ấy.
Chúng ta cảm phục tác giả. Nhưng sánh với ông hạnh phúc của chúng ta thật to lớn biết bao! Chúng ta được hứa ban sản nghiệp Nước Trời là sự sống đời đời. Nhưng chúng ta không phải chỉ có Lời Hứa và giao ước, mà còn có bảo chứng cụ thể là việc Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết và đã ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Sự kiện Ngài sống lại, ai chối được nữa? Bài Tin Mừng hôm nay đã báo trước. Môsê và Êli đã tuyên chứng. Các Tông đồ đã được nếm thử. Phêrô đã mãn nguyện rõ ràng... Chúng ta hãy tin vào mầu nhiệm Phục sinh để đi con đường mùa Chay, con đường của đời sống. Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô đoán chắc về hạnh phúc phục sinh của chúng ta mai ngày.

 3. Chúa Sẽ Biến Ðổi Thân Xác Khốn Hèn Của Chúng Ta

Thánh Tông đồ khuyên hết mọi người bắt chước Người và bắt chước những kẻ sống theo gương mẫu của Người, vì Người tin tưởng và hoàn toàn sống theo mầu nhiệm Thánh Giá. Ðang khi ấy có lắm kẻ sống như thù địch với thập giá của Ðức Kitô. Họ lấy bụng làm Chúa và chỉ nghĩ đến những sự dưới đất. Họ đặt vinh quang nơi những điều đáng phải xấu hổ, ngay cả nơi phép cắt bì của người Do Thái. Họ là những người chỉ cậy vào sức mình và chỉ lấy những mối lợi trước mắt làm hạnh phúc, Họ sẽ đi tới diệt vong. Con đường của họ, không nên đi vào.
Trái lại, quê hương của chúng ta là trời cao, tự đó sẽ đến vị Cứu Chúa là Ðức Giêsu Kitô. Người sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của chúng ta nên giống như thân xác vinh quang của Người. Chính vì vậy mà chúng ta phải đi vào con đường thập giá, là con đường đã dẫn Chúa chúng ta đạt tới vinh quang.
Hôm nay bài Tin Mừng đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Tác giả bài sách Khởi Nguyên đã khuyên con cái Israen đặt niềm tin vào quê hương họ. Chúng ta còn phấn khởi biết bao khi theo lời thánh Phaolô mà nghĩ đến quê hương trên trời, nơi Ðức Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quang để lấy sự vinh quang của Người bọc lấy và đưa chúng ta về hạnh phúc đời sau, như các môn đệ của Người hôm nay đã được nếm thử trên núi Biến hình. Vậy chúng ta hãy tin vào mầu nhiệm thập giá. Hãy sống cuộc đời không lấy bụng làm Chúa, nhưng biết nhìn xa hơn những điều dưới đất...
Giờ đây, trong Thánh Lễ chúng ta đang làm như thế. Chúng ta nhìn xa hơn bánh rượu để thấy Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta nhìn xa hơn thánh giá để thấy hy vọng phục sinh. Ðồng thời chúng ta cũng nhìn nhau xa hơn những nét bên ngoài để thấy anh em là chi thể của nhau trong Ðức Giêsu Kitô. Như thế không còn cho phép ta sống theo xác thịt nữa, nhưng như đã lột xác, đợi ngày biến hình thật sự với ngày Chúa trở lại trong vinh quang mà lễ Chúa Biến hình hôm nay đã báo trước.

 (Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY năm C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Niềm hy vọng vào những gì Thiên Chúa hứa

Con người sống và hoạt động là nhờ niềm hy vọng, chẳng hạn: học sinh đi học vì hy vọng có ngày ra trường; nhà nông cầy bừa vì hy vọng có ngày gặt hái mùa màng; lực sĩ thế vận hội luyện tập vì hy vọng có ngày đứng trên bục nhận huy chương vàng; người tín hữu giữ đạo vì hy vọng sẽ được chung sống với Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Hy vọng rất cần thiết cho con người, vì nếu không có hy vọng, con người sẽ không có nghị lực để sống, để tiến tới, và nhất là để vượt qua các đau khổ trong cuộc đời. Khi hy vọng, con người cần biết tính chắc chắn của điều mình hy vọng và khả năng của mình có thể đạt tới; chứ không phải là hy vọng hão huyền hay hy vọng những điều không thể đạt được.
Các Bài Đọc trong Chủ Nhật II Mùa Chay nêu bật niềm hy vọng của các tín hữu vào những gì Thiên Chúa hứa và sự chắc chắn của những gì Thiên Chúa hứa trong lịch sử. Trong Bài Đọc I, tổ phụ Abram được Thiên Chúa hứa sẽ ban cho một dòng dõi đông như sao trên trời và một Đất Hứa. Lời hứa này được ký kết bằng giao ước với xác thú vật bị xẻ đôi. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy vững lòng trông cậy nơi Đức Kitô, Đấng có quyền năng biến đổi thân xác hèn hạ của con người nên giống thân thể sáng láng của Người ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đem ba môn đệ lên núi, cho các ông xem thần tính của Người, và nghe chứng từ của Chúa Cha; để các ông có thể vững lòng đối phó với Cuộc Thương Khó sắp xảy đến cho Người tại Jerusalem.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa hứa ban một dòng dõi và Đất Hứa cho tổ phụ Abraham.

1.1/ Lời hứa của Thiên Chúa: Có hai điều Thiên Chúa hứa với tổ-phụ Abram.
(1) Ban một dòng dõi: Người đưa ông ra ngoài trời và phán: "Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không." Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!" Đây là một thử thách cho niềm tin của Abram, vì ông chỉ có hai người con: một người con với Sarah là Isaac, một với nữ tỳ của Sarah là Ismael; làm sao ông có thể có một dòng dõi đông như sao trên trời được? Nhưng “ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.”
Lời Hứa này không được hiện thực khi Abram còn sống; nhưng cho đến nay hơn nửa dân số điạ cầu chính thức coi mình là dòng dõi của Abram: Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.
(2) Ban một Đất Hứa: Người lại phán với ông: "Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Urs của người Chaldean, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu... Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Euphrate.” Điều này cũng không được thực hiện khi Abram còn sống, nhưng được thực hiện khi Thiên Chúa đưa dân Do-thái ra khỏi Ai-cập và đưa họ vào sở hữu vùng Đất Hứa chảy sữa và mật.

1.2/ Giao ước Thiên Chúa ký kết để bảo đảm Lời Hứa. Abram thưa: "Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?" Để đáp câu hỏi của Abram, Người phán với ông: "Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non." Ông kiếm cho Người tất cả những con vật ấy, xẻ đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ.
Theo truyền thống Do-thái (x/c Jer 31:18), giao ước được ký kết bằng cách phân thây súc vật. Nếu bên nào không chịu giữ lời cam kết, bên đó sẽ bị phân thây làm hai như xác thú vật, và làm mồi cho các mãnh cầm. Khi ông đã chuẩn bị xong thì “mãnh cầm sà xuống trên các con vật bị giết, nhưng ông Abram đuổi chúng đi.” Các nhà chú giải cho mãnh cầm là biểu tượng của những cám dỗ sẽ tới từ phiá Abram, để ông không tin vào những gì Thiên Chúa hứa. Mãnh cầm bị xua đuổi đi vì đức tin của Abram. Những hiện tượng lạ xảy ra cho Abram nói lên sự nghiêm trọng của giao ước. Hiện tượng “một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi” là biểu sự hiện diện của Thiên Chúa (x/c Exo 3:2; 13:21; 19:18). Giao ước được ký kết là hoàn toàn do từ phía Thiên Chúa; đó là lý do chỉ có Thiên Chúa đi qua các lễ vật.

2/ Bài đọc II: Chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.

2.1/ Hai loại người trong cuộc đời: Thánh Phaolô nhận định có hai loại người chính trong cuộc đời:
(1) Người không có niềm hy vọng nơi cuộc sống đời sau: Những người sống đối nghịch với thập giá của Đức Kitô là những người Do-thái không tin Ngài được Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho con người bằng cái chết trên thập giá. Những người “thờ cái bụng” là những người theo chủ thuyết hưởng lạc, bằng lòng với những gì thế gian dâng tặng. Họ chỉ biết có cuộc sống hiện tại, nên họ sẽ dành mọi nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu của thân xác. “Cái đáng hổ thẹn” có lẽ muốn ám chỉ việc cắt bì mà những người Do-thái lấy làm hãnh diện.
(2) Người đặt niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” Đối với các tín hữu, tuy họ vẫn sống đời này, nhưng với con mắt luôn hướng về đích điểm là cuộc sống mai sau. Hy vọng của người tín hữu được bảo đảm bằng máu của Đức Kitô đã đổ ra để rửa sạch tội lỗi cho con người; và Ngài đã phục sinh vinh hiển về trời để chuẩn bị cuộc sống tương lai cho các tín hữu.

2.2/ Hãy sống như có niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy bắt chước ngài và những ai đang “quên đi tất cả những gì đàng sau để lao mình về phía đích điểm, vượt qua tất cả để lãnh triều thiên vinh hiển mà Đức Kitô đang sẵn sàng trao cho họ như phần thưởng của một lực sĩ chiến thắng (Phi 3:13-14). Phaolô vừa muốn nhắc lại những gì Đức Kitô đã hứa, vừa muốn chứng minh ngài là nhân chứng sống động cho niềm tin vào cuộc sống mai sau.
Nếu người tín hữu đã tin có cuộc sống mai sau, họ phải biểu lộ niềm tin này trong cuộc sống bằng cách tin và thực hành tất cả những gì Đức Kitô truyền dạy; chứ không thể sống như những người không tin vào Đức Kitô và không tin có sự sống đời sau.

 3/ Phúc Âm: Các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người.

3.1/ Cuộc biến hình của Chúa Giêsu: Trình thuật của Lucas hôm nay muốn liên kết với trình thuật khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa và Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp xảy ra tại Jerusalem của Ngài (Lk 9:18-22), qua việc đề cập đến “tám ngày sau.” Mục đích của Chúa Giêsu khi đem theo Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện là để cho các tông đồ chứng kiến thần tính thực sự của Ngài: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.”
Hai nhân vật hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu là ông Moses và ông Elijah. Điều này muốn nói cho các tông đồ biết Chúa Giêsu vừa là gạch nối Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa vừa là đích điểm mà Lề Luật (ông Moses) và Tiên Tri (ông Elijah) phải hướng về. Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Chúa Giêsu làm trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

3.2/ Mục đích của cuộc biến hình: Chúa Giêsu nhìn thấy trước những gì sẽ xảy ra cho các tông đồ khi các ông phải chứng kiến Cuộc Thương Khó, nên Ngài muốn cho các ông nhìn thấy rõ vinh quang thực sự của Ngài. Chúa Giêsu hy vọng điều này sẽ giúp các ông có sức mạnh vượt qua những sợ hãi và can đảm làm chứng cho Ngài.
Các tông đồ cũng được nghe chứng từ của Thiên Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!" Theo Tin Mừng Nhất Lãm, đây là lần thứ hai Chúa Cha đã làm chứng cho Con của Ngài; lần đầu khi Chúa Giêsu chiụ phép rửa tại sông Jordan (x/c Mt 3:17; Mk 1:11; Lk 3:22). Chúa Cha xác thực điều mà Phêrô đã tuyên xưng và Ngài muốn các tông đồ vâng theo những gì Chúa Giêsu truyền dạy.

Nhìn lại cả ba Bài Đọc, chúng ta nhận ra những điều sau:

    Những gì Thiên Chúa hứa vượt quá trí khôn con người có thể hiểu. Nếu Thiên Chúa không mặc khải, con người sẽ không bao giờ thấu hiểu được.
    Tổ phụ Abram, thánh Phaolô, và các Tông-đồ đã phải vật lộn với bao nhiêu cám dỗ và thử thách để vững bền trông cậy vào Lời Hứa của Thiên Chúa.
    Những gì Thiên Chúa hứa sẽ luôn thành tựu. Khi nào thành tựu, con người không biết trước được, vì Thiên Chúa không lệ thuộc vào thời gian.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Không giống như con người hay thay đổi và vi phạm lời hứa; khi Thiên Chúa đã hứa điều gì, Ngài sẽ trung thành thực hiện lời đã hứa. Chúng ta phải đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Lời Hứa của Thiên Chúa.
- Những gì Thiên Chúa hứa với các tổ phụ được thực hiện và làm trọn hảo nơi Đức Kitô, Người Con yêu dấu, qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài.
- Niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau phải là đích điểm giúp chúng ta dựa vào đó để làm những quyết định khôn ngoan và vượt qua mọi gian khổ ở đời này. Hy vọng này không chỉ giúp chúng ta ở đời sau; nhưng còn giúp chúng ta có nghị lực sống vui vẻ, hạnh phúc ngay từ đời này.
- Gian nan thử thách cần thiết để chúng ta chứng tỏ đức tin và tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

24/02/13 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – C
Lc 9,28b-36

HIẾN MÌNH ĐỂ BIẾN HÌNH
Và từ trong đám mây có tiếng phán rằng :” Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.”  (Lc 9,35)
Suy niệm: Ta được nghe những lời thật “hả dạ” của Chúa Cha nói về người Con Một của Ngài mỗi khi Đức Giêsu có một cử chỉ HIẾN MÌNH cho con người : một lần nơi sông nước Giođan, khi Ngài gánh lấy hết tội lỗi nhân loại đổ vào giòng nước; lần này trên núi cao Tabor khi Ngài khởi đầu hành trình đi về Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn. Hôm nay Chúa Cha hài lòng về cử chỉ hiến mình của Người Con Một ấy, nên cho Ngài được biến hình sáng láng, nghĩa là làm cho vẻ đẹp và sự sáng chói của khuôn mặt Thiên Chúa nơi Ngài được hiển lộ ra.
Mời Bạn: Khuôn mặt của bạn cũng sẽ nên sáng tươi mỗi khi bạn có một nghĩa cử hiến mình cho tha nhân. Trái lại, khuôn mặt đó sẽ biến dạng xấu xí mỗi khi bạn có một cử chỉ ích kỷ hẹp hòi. Xin bạn nhớ rằng lý tưởng đời bạn là phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, người mẫu của bạn. Có được tâm tình như Chúa Giêsu, suy nghĩ như Chúa Giêsu, ứng xử như Chúa Giêsu, bạn sẽ biến hình biến dạng tốt đẹp giống Ngài.
Chia sẻ: Trong mùa Chay này, mỗi ngày tôi (gia đình,/hội đoàn...) sẽ có một cử chỉ hiến mình nào cho người khác?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, mỗi ngày tôi sẽ rà soát xem mình đã có những nghĩa cử hiến mình cho tha nhân như Chúa Giêsu chưa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa. (Rabbouni)

KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI
“Hãy vâng nghe lời Người”: một lời nhắc nhở hiếm hoi của Chúa Cha dành cho ta. Bạn có nghe thấy lời nào của Ðức Giêsu vang vọng nơi lòng bạn trong mùa Chay không?
Suy nim:


Khuôn mặt phản ánh đời sống nội tâm của con người. Ai cũng muốn mình có khuôn mặt dễ mến. Người ta bỏ ra nhiều tiền để sửa sang lại khuôn mặt, vì họ muốn người khác đổi cái nhìn về họ.
Bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt ngời sáng của Chúa Giêsu trên núi cao. Chỉ mình thánh Luca nói rõ chi tiết này: “Ðang khi Người cầu nguyện, thì khuôn mặt Người biến đổi”. Gần đèn thì sáng. Gặp gỡ Thiên Chúa làm biến đổi nội tâm con người, thậm chí làm biến đổi thân xác, biến đổi khuôn mặt, và cả những gì con người sử dụng cũng bừng tỏa: “y phục Người nên trắng ngời như chớp sáng”.
Trong mùa Chay, chúng ta muốn biến đổi cuộc sống mình, chúng ta muốn mang bộ mặt mới. Chúng ta đã làm nhiều điều, trừ một điều quan trọng, đó là lên núi cao để gặp gỡ Thiên Chúa. Núi cao ở ngay trong sâu thẳm lòng ta, nơi đây ta gặp gỡ Người, diện đối diện. Mọi biến đổi nơi cá nhân cũng như tập thể, nơi gia đình, giáo xứ, dòng tu và cả Giáo Hội đều phải khởi đi từ việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Chúng ta dễ lãng quên việc gặp Chúa mỗi ngày, lấy cớ mình bận làm những việc của Chúa. Thế giới hôm nay đói những người cầu nguyện, và thừa ứ những người lăng xăng... Ba môn đệ thân tín cũng đâu có cầu nguyện. Họ ngủ li bì. Sau này ở núi Cây Dầu, họ cũng say ngủ. Thế nên họ chẳng biến đổi gì. Dù họ chợt tỉnh và thấy khuôn mặt ngời sáng của Chúa, điều đó chỉ đem lại cho họ chút hưng phấn chóng qua, nhưng không cho họ sức để trung thành theo Chúa. Họ mơ ước dựng lều ở ngọn núi thánh này, vì họ thích ngắm khuôn mặt rực sáng của Ðức Giêsu. Nhưng họ không có can đảm ở lại Núi Sọ, để chiêm ngưỡng khuôn mặt đầy thương tích của Thầy. “Hãy vâng nghe lời Người”:một lời nhắc nhở hiếm hoi của Chúa Cha dành cho ta. Bạn có nghe thấy lời nào của Ðức Giêsu vang vọng nơi lòng bạn trong mùa Chay không?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa. Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con,thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Biến hình

(TGM. Ngô Quang Kiệt)


Mùa Chay mang mầu tím ảm đạm. Mầu tím buồn để ta nhớ đến thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Mầu tím buồn để đến cuộc sống mong manh chóng tàn nơi cõi thế. Mầu tím buồn đưa ta đi theo bước Chúa Giêsu trên đường khổ nạn. Mầu tím buồn nhắc ta nhớ đến cái chết đau khổ của Người trên thánh giá.
Giữa bầu khí ảm đạm của mùa Chay, hôm nay bỗng bừng lên làn ánh sáng chói changtừ đỉnh núi Ta bo. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, dung mạoNgười bỗng dưng đổi khác. Thần tính phát lộ khiến dung mạo Người trở nên sáng láng, ánh sáng rực rỡ làm say mê tâm hồn các môn đệ. Được sống trong khung cảnh thần thiêng thánh thiên, các ông không muốn rời bỏ đỉnh núi nữa.
Ta hãy nhớ lại, trước đó 8 ngày, khi Chúa Giêsu loan báo Người đi lên Giêrusalem để chịu khổ và chịu chết, Phêrô đại diện cho các môn đệ đã phản đối. Ông không muốn chấp nhận thánh giá. Ông không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Thế mà hôm nay, đứng trước vinh quang của Thầy, ông đã say mê và đề nghị Thầy trò cùng ở lại trên ngọn núi hạnh phúc. Trốn khổ tìm sướng vẫn là cái thường tình của con người. Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ xuống núi để tiếp tục con đường lên Giêrusalem chịu chết.
Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi như thế là có chủ đích. Người hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ông thấy vinh quang của thần tính để các ông chấp nhận con đường đau khổ Người sắp trải qua.
Việc Chúa biến hình ban cho các môn đệ niềm hy vọng. Hy vọng đó là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc. Cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Thiếu niềm hy vọng không ai có thể sống ở đời. Người nông phu chăm bẵm mảnh ruộng, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy, vì hy vọng vào mùa gặt bội thu. Người học sinh kiên nhẫn ngày ngày cắp sách đến trường, đêm đêm chong đèn đọc sách, vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp. Người cha, người mẹ tần tảo sớm hôm, quên mình để lo cho con cái, vì hy vọng tương lai con cái sẽ tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.
Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. Bên trong những thửa ruộng khổ đau có gieo sẵn hạt mầm hạnh phúc. Trong những vất vả nhọc nhằn tăm tối hôm nay đã hứa hẹn thành công tươi sáng của ngày mai.
Việc Chúa biến hình giúp các môn đệ hiểu biết định mệnh con người. Bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu đã chiếu sáng trên xác phàm con người. Con người được rạng ngời vinh quang Thiên Chúa. Đó là điềm báo trước: mang sẵn trong mình mầm mống thần linh, con người sẽ trở về với Thiên Chúa. Cuộc trở về phải vượt qua những đớn đau, những gian nan, những thử thách. Nhưng đã biết được đích đến, ta sẽ vui lòng đón nhận tất cả. Vì thế, đạo Công giáo tuy đề cao đau khổ, nhưng không rơi vào yếm thế, bi quan. Đau khổ chỉ là phương tiện. Chấp nhận thánh giá, vì đó là nhịp cầu cần thiết để con người vượt qua từ sự chết đến sự sống, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ tủi nhục đến vinh quang.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Những đau khổ góp phần rèn luyện bạn nên người. Bạn có kinh nghiệm gì về điều đó?
2. Bạn thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn nào? Qua diện mạo bên ngoài, hay qua giá trị bên trong?
3. Qua thập giá tới vinh quang. Bạn có quyết tâm gì để thực hiện điều đó trong mùa Chay năm nay?

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Hai
24 THÁNG HAI

Chiến Thắng Trên Cám Dỗ

Chúng ta phải có thái độ dứt khoát đối với tội lỗi. Nếu chúng ta không chặt phăng gốc rễ của ích kỷ nơi mình, nó sẽ ngoi lên lại hết lần này đến lần khác. Không dứt khoát một lần đối với căn nguyên ích kỷ nơi mình, chúng ta không thể tiến lên được trên đường lối Thiên Chúa.
Câu chuyện Đức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc là một bài học tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. Chúng ta thấy Người quyết liệt nói KHÔNG với trò phỉnh gạt của tham vọng ích kỷ và kiêu căng để hoàn toàn vâng phục tiếng gọi của Thiên Chúa. Bằng cách từ bỏ mọi tham vọng, Người đáp trả trọn vẹn lời Thiên Chúa và đặt mình tùy thuộc thánh ý Thiên Chúa.
Trung thành vâng phục Thánh Kinh xét như là Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu đã vượt qua cơn cám dỗ đòi độc lập khỏi Thiên Chúa khi Người nói với tên quỉ cám dỗ rằng: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh” (Lc 4, 4). Người đã cự tuyệt cơn cám dỗ tự mình làm phép lạ khi Satan xúi quẩy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống khỏi đây đi nào” (Lc 4, 9). Người cũng cự tuyệt cơn cám dỗ của tham vọng hão huyền và của sự thèm khát quyền lực khi Satan đề nghị tặng cho Người các vương quốc trần gian: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực này” (Lc 4, 6). Đức Giêsu đã chiến thắng ba thứ cám dỗ mà dân It-ra-en đã ngã vào trong khi họ rong ruổi ở sa mạc; và Người đã trao cho chúng ta một mẫu gương để biết phải hành động thế nào khi đối diện với những trò lừa phỉnh ấy.
Mùa Chay là một thời gian đặc biệt quan trọng để lắng nghe Lời Chúa – để đặt mình tuân phục Lời Chúa bằng cách từ bỏ con người cũ của mình. Rồi, chúng ta sẽ được chuyển hóa thành những tạo vật mới, sẽ sống theo thánh ý Thiên Chúa chứ không phải theo ý riêng mình. Học nơi gương mẫu và nơi chiến thắng của Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể chiến thắng những cám dỗ và tội lỗi trong cuộc đời mình.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật II Mùa Chay

St 15, 5-12.17-18; Pl 3, 17-4,1; Lc 9, 28b-36


LỜI SUY NIỆM: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,29-31).

Chúa Giêsu biến hình là một ân ban cho ba Tông Đồ để củng cố đức tin cho các ông. Sự có mặt của Môsê và Êlia, nhắc đến lề luật và ngôn sứ, Đám mây che phủ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa. Và Phêrô muốn làm ba cái lều, lều nói lên ý nghĩa: là nơi gặp gỡ con người với Thiên Chúa. Tất cả những hình ảnh trên cho chúng ta nhận ra Chúa Giêsu, là Đấng chiếm vị trí trong sự liên tục của Giao Ước.

Mạnh Phương


24 Tháng Hai

Không Khí

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: "Thưa thầy, con muốn gặp Chúa". Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: "Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?". Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: "Thưa, con cần có không khí để thở".
Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: "Con có cảm thấy ước ao gặp gỡ Thiên Chúa như vậy không? Nếu con khao khát như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề có ước muốn ấy, thì dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài".

Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã làm việc thiện. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã tránh được điều xấu. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã cầu nguyện. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã sống tử tế. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta can đảm. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta cố gắng rèn luyện ý chí. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta hy sinh phục vụ...
Sự thánh thiện của chúng ta chính là Thiên Chúa. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta mới có thể làm việc thiện, mới có thể tránh được điều xấu, mới có thể cầu nguyện, mới có thể can đảm, vui tươi...
Cũng như người đệ tử khao khát gặp Chúa, chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta được thông dự vào sự sống của Ngài, để nhờ đó chúng ta mới có thể mang lại hoa trái của sự thánh thiện.

(Lẽ Sống)
24-2

Chân Phước Luca Belludi

(1200 - 1285)

N
ăm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.
Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.
Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.
Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét